Trung Quốc có 2 con sông quan trọng nhất
là Hoàng Hà và Dương Tử. Đặc biệt Hoàng Hà có vai trò to lớn
trong lịch sử TQ. Có một lời truyền trong nhân gian TQ là “Khi
Hoàng Hà thanh bình, thì TQ thanh bình”.
Giờ đây dòng sông dài tới 3,400 dặm này không còn thanh bình như
xưa. Dòng sông này, xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng và chảy ra
vịnh Bo Hai, đã sống sót hơn 2,000 năm nay với văn minh Trung
Hoa, nhưng từ 50 năm qua, nó bị con người “tấn công” mọi mặt.
Khoảng 50% dân số trên 1 tỉ 300 triệu của TQ sống ở miền bắc,
nơi nguồn nước luôn luôn thiếu thốn và luôn luôn bị ô nhiễm.
Hiện nay các nhà khoa học cho là 50 % số nước của Hoàng Hà không
sao uống được.
Các chất độc do hàng ngàn nhà máy trong thời phát triển công
nghiệp ồ ạt thảy ra vô tội vạ vào Hoàng Hà khiến phân nửa dung
lượng nước sông bị xem là “biologicallly dead” (chết về sinh
học).
Cách đây nhiều năm đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên không
bình thường của “Dòng Sông Mẹ” của TQ là khi hồ và các sông con
bắt đầu cạn và các cánh đồng cỏ xanh không còn cỏ.
Để cứu dòng sông chính quyền TQ đã huy động làm mưa bằng cách
dùng máy bay và pháo binh bắn chất silver iodide crystals lên
các đám mây để tạo ra mưa nhân tạo, hầu cung cấp nguồn nước cho
Hoàng Hà.
Nhưng chính con người mới ra tay phá hoại dòng sông này dữ dội
nhất. Người ta xây dựng hàng trăm đập và các công trình dẫn thủy
nhập điền để lấy nước cho địa phương mình dùng trong công nghiệp
và nông nghiệp.
Tình hình vắt “cạn nước” Hoàng Hà dữ dội đến nỗi trong suốt thập
niên 1990, chỉ có một năm duy nhất là nước sông Hoàng Hà mới
chảy ra nổi tới cửa biển ở vịnh Bo Hai, còn bao nhiêu năm khác
là… tắc tị giữa dòng!
Năm 1957, Mao Trạch Đông áp dụng câu xưa 4 ngàn năm “Ai kiểm
soát Hoàng Hà là kiểm soát Trung Hoa”, bèn cho lệnh xây đập
Sanmenxia chận ngang dòng sông, làm 400,000 người mất nhà cửa do
con đập cao 350 bộ này gây ra.
Nhưng các kỹ sư TQ lúc đó đánh giá sai lầm số lượng phù sa của
Hoàng Hà tải hàng năm (con sông có cái tên này do quá nhiều phù
sa, gấp 3 lần sông Mississippi của Mỹ) nên vùng hạ lưu đập thì
không sao nhưng vùng phía trên cái đập danh tiếng thì bão lụt
còn dữ dội hơn ngày xưa.
Ngày nay ngươì ta vẫn “say máu phát triển kinh tế” bất chấp mọi
hậu quả cho Hoàng Hà. Số lượng đập thủy điện của TQ đã gấp 3 lần
của Mỹ và đến năm 2030, sẽ có thêm 18 đập lớn được xây trên dòng
sông này, mặc dù hiện nay nó đã trân mình chịu đựng 20 cái đập
lớn rồi!
Chính phủ Bắc Kinh biết trước thế nào cũng thiếu nước dùng. Ngay
từ bây giờ, đã có kế hoạch vĩ đại về các hệ thống kênh đào tốn
tới 62 tỉ đô la, nhằm làm giảm áp lực hút nước từ Hoàng Hà.
Sẽ có tới 12 ngàn tỉ galons nước từ hạ lưu sông Dương Tử được hệ
thống này dẫn ngược mỗi năm lên phía bắc dàì đến 700 dặm, có hai
nơi các con kênh chạy phía dưới dòng sông Hoàng Hà!
Nhưng liệu Hoàng Hà có thọ nổi 1 thế kỷ nữa khi mà người ta
không thèm săn sóc nó mà cứ ra tay bốc lột nó cho việc phát
triển?
Hồng Quang
theo National Geographic |