
Hệ
thống ống chằng chịt, trong đó có nhiều đường ống ngầm
xả thẳng nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị
Vải. (TVNN). |
Trong những bài viết trước đây, chúng tôi đã trình bày về những
huyền thoại và nghịch lý trong phát triển của TQ cũng như những
sự lạm dụng môi trường có thể đưa đến những xáo trộn xã hội và
chính trị trong tương lai. Việt Nam hiện đang rập khuôn theo TQ
trong cung cách phát triển. Do đó, kết quả là trong hiện tại sức
đề kháng của người dân ở hai quốc gia trên đã bắt đầu manh nha.
Và cường độ phản kháng ngày càng tăng thêm.
Trước tình trạng phát triển ồ ạt và không có sự cân bằng giữa
phát triển và bảo vệ môi trường, TQ đã tạo dựng song hành ngoài
những thành quả kinh tế đã đạt còn có một tình trạng môi trường
xuống cấp ngày càng tệ hại. Theo ước tính của các chuyên gia môi
trường thuộc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), chi phí cần
thiết để sửa chữa hay hạn chế những vấn nạn môi trường xảy ra
trong quá khứ và hiện tại là 7% của ngân sách hàng năm của nước
nầy. Từ những sự kiện trên cùng với tình trạng môi trường ngày
càng xuống cấp, người dân sống ở đồng quê, nông dân, những người
chăn nuôi, trồng trọt... ngược lại không thừa hưởng được những
phúc lợi đến từ phát triển mà phải chịu thêm nhiều thiệt hại do
ảnh hưởng của môi trường. Cho nên, họ đồng loạt đứng lên đòi hỏi
nhà cầm quyền TQ phải cải thiện và giải quyết tình trạng ô nhiễm
môi trường không khí, đất đai, và nhất là nguồn nước mặt và nước
ngầm.
Họ không còn gì để mất. Sự can đảm nhờ đó tăng lên cao. Điển
hình nhất là cuộc nổi dậy của dân làng Huaxi, ngoại ô thành phố
Dongyang, thuộc tỉnh Zejiang (Tứ Xuyên) vào tháng tư vừa qua.
Cuộc nổi dậy chống lại cảnh sát hiện vẫn còn đang tiếp tục mặc
dù nhà cầm quyền địa phương đã quyết định di dời khu sản xuất
công nghiệp tại làng nầy. “Chúng ta hãy chiến đấu cho đời sống,
cho sức khỏe của con cháu của chúng ta. Chúng ta hãy bảo vệ
ruộng lúa và vườn rau cải trong làng”. Đó là khẩu hiệu và là một
chứng liệu cho sự quyết tâm của dân làng Huaxi.
Trên toàn lãnh thổ TQ qua cuộc khơi mào của dân làng Huaxi đã
bộc phát và trở thành một hiện tượng toàn quốc dù các vụ nổi dậy
đã xảy ra từ hơn 10 năm qua, nhưng cường độ cũng như tầm ảnh
hưởng không lan rộng và có tính cách quốc gia. Theo TS Li
Lianjiang, chuyên gia chính trị học nghiên cứu về sự phản kháng
của nông dân thuộc viện đại học Baptist Hong Kong, thì từ năm
1993 trở đi, trung bình có 10 ngàn vụ nổi dậy của người dân phản
kháng nhà cầm quyền trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các cuộc
phản kháng nầy được nhà cầm quyền TQ gán tên là “những xáo trộn
công cộng”. Con số nầy đã tăng bất ngờ trong năm 2004, lên đến
74 ngàn vụ, trong đó nông dân đứng lên để đòi hỏi cải thiện môi
trường, được đền bù tương xứng trong các chương trình di dời nhà
cửa, đất đai của người dân để xây dựng cơ xưởng kỹ nghệ quốc
doanh hay cho ngoại quốc đầu tư.
Trở qua TQ, đứng trước tình thế trên, nhà cầm quyền trung ương
dường như đang bị phân tâm trước việc giải quyết những yêu cầu
môi trường của nông dân. Một là dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi
trường, và yêu cầu thiết yếu của người dân là chính đáng và cũng
là một động cơ giúp nhà cầm quyền nhận thức rõ được nơi nào cần
phải lưu tâm trước những sự lạm dụng môi trường của địa phương.
Thứ nữa, sự lo ngại của trung ương về những bất ổn chính trị qua
các vụ nổi dậy của nông dân. Do đó, tùy theo trường hợp, TQ vừa
đàn áp nổi dậy vừa lắng nghe để giải quyết những vấn đề của
người dân nêu ra.
Qua các sự kiện dồn dập trên, TQ đã thấy và đã thấy rất rõ áp
lực của dân chúng ngày cáng tăng thêm và tạo ra hai ảnh hưởng
bất lợi chính cho việc phát triển quốc gia trong những ngày sắp
tới. Đó là mặt xáo trộn xã hội và sự hạn chế đầu tư ngoại quốc
qua sự xáo trộn trên.
Đứng về mặt xã hội, ngày càng có thêm nhiều chỉ dấu về các xáo
trộn xã hội ở những nơi có khu công nghiệp hình thành. Các xáo
trộn càng trở nên bạo động hơn trong việc tranh chấp đất đai của
người dân vì được bồi thường không xứng đáng với giá trị đã có
của người dân; cũng như việc đòi hỏi chính đáng của họ là các
khu công nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của luật
bảo vệ môi trường trong sản xuất. Tiếc thay, trung ương không có
biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vần đề và Cơ quan Bảo vệ Môi
trường Quốc gia không đủ quyền lực để sửa chữa những sai trái
của địa phương. Do đó, tình trạng bất ổn ngày càng lan rộng, báo
hiệu cho một tương lai không mấy sáng sủa cho Trung Quốc trong
những ngày sắp tới.
Trước sự gia tăng các cuộc phản kháng của người dân, những nhà
đầu tư ngoại quốc nhất là trong kỹ nghệ hóa chất bắt đầu chùng
bước trong việc thiết kế và đầu tư vào quốc gia nầy trong vài
năm trở lại đây. Đối với những nhà đầu tư ngoại quốc họ rất chú
tâm đến việc xử lý chất thải rắn và lỏng cũng như kiểm soát việc
ô nhiễm không khí một khi đã xây dựng nhà máy tại quốc gia nầy.
Do đó, với tầm nhìn chung, họ cũng mong mõi các nhà đầu tư nội
địa cũng phải đặt ngang tầm bảo vệ môi trường và sản xuất để hy
vọng làm dịu bớt phản kháng của người dân.
Tuy nhiên các suy nghĩ tích cực trên không có cơ sở đứng vững
trong trường hợp áp dụng cho TQ vì không thể nào có một sự bình
đẳng trong việc áp dụng luật lệ môi trường giữa các công ty
ngoại quốc và quốc nội. Chính vì luật môi trường TQ còn quá
nhiều điểm mơ hồ (mà luật môi trường Việt Nam cũng chẳng khá gì
hơn) cho nên cán bộ địa phương tùy tiện suy diễn và thi hành,
nhất là khi có “thủ tục đầu tiên” của người bản xứ thì mọi trở
ngại về giấy phép như thủ tục lập Biên bản tác động môi trường
cho một cơ sở mới thành lập sẽ được thông qua dễ dàng cũng như
giấy phép hoạt động. Do đó, các công ty ngoại quốc hiện tại rất
e dè trong việc đổ thêm đầu tư vào quốc gia nầy.
Từ hai áp lực trên, cộng thêm sức ép quốc tế về công cuộc bảo vệ
môi trường chung trước tiến trình toàn cầu hóa trên thế giới, TQ
đã bắt đầu e ngại đầu tư ngoại quốc sẽ bị hạn chế. Thêm nữa với
sư cạnh tranh kinh tế ngày càng quyết liệt giữa các nhà đầu tư
nội địa, cũng như trước những nguy cơ tăng giá thành trong sản
xuất vì các phụ phí phải chi cho việc xử lý phế thải đang được
nhà cầm quyền TQ áp đặt, các nhà đầu tư TQ bắt đầu chuyển hướng
quay sang đầu tư ở VN. Lý do chính để đầu tư ở VN là việc quản
lý môi trưởng ở đất nước nầy còn quá lõng lẽo, đa phần chỉ cần
có “thủ tục đầu tiên” là mọi sự được thông suốt.
Tình trạng môi trường TQ hiện tại
Vào ngày 23/11/2005, TQ đã xác nhận một vụ nổ tại một nhà máy
sản xuất hóa chất của một công ty hóa dầu và dầu khí Jilin, đã
tạo ra một tình trạng ô nhiễm trầm trọng sông Songhua, nguồn
nước chính cung cấp cho thành phố Thiên Tân với 9 triệu cư dân,
thủ phủ của Hắc Long Giang ở miền Đông Bắc TQ. Cũng cần nên biết
vụ nổ đã xảy ra 10 ngày trước dó, mà người dân địa phương hoàn
toàn không được thông báo. Hóa chất thải hồi vào dòng sông là
benzene, nitrobenzene, và aniline là các hóa chất thường được
dùng để chế tạo chất nổ, thuốc sát trùng, thuốc nhuộm. Được biết
benzene và nitrobenzene có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nếu
tiếp xúc với benzene dài hạn có thể có nguy cơ gây ung thư và
rối loạn nhiễm sắc thể. Hiện tại, dòng chảy đã bị ô nhiễm đã
chảy
ngang qua biện giới LB Nga, đổ vào sông và
chảy
ra biển Okhotsk
gần Vladivostok. Hiện tại TQ có 12 ngàn nhà máy hóa trên toàn
quốc, trong đó 50% nhà máy được xây dựng trên hai dòng sông
chính là sông Hoàng Hà và Dương Tử. Do đó nguy cơ xảy ra tai nạn
từ những nhà máy nầy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và không một
ai có khả năng tiên liệu được mức thiệt hại sẽ như thế nào. Đây
là những quả bom nổ chậm cho đất nước nầy. Qua những tai nạn đã
xảy ra, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia TQ vừa ra lệnh
ngừng ngay 10 công trình xây dựng đường xá, nhà máy phát điện vì
những công trình nầy có nguy cơ tạo ra ô nhiễm môi trường. Quyết
định trên là một trong những quyết định cứng rắn của TQ, nói lên
sức ép của dân chúng về thảm hoạ ô nhiễm môi trường trên đất
nước nầy ngày càng tăng thêm sau 25 năm kỹ nghệ hóa.
Trên đây là một sự kiện điển hình, kết quả của việc phát triển
kinh tế quốc gia không an toàn về mặt sản xuất cũng như bảo vệ
môi trường của TQ làm ảnh hưiởng đến các quốc gia lân cận. Điều
nầy cho thấy TQ, một quốc gia đang chuyển mình để trở thành một
cường quốc kinh tế quốc tế đang xuất cảng “ô nhiễm” cùng lúc với
những mặt hàng do họ sản xuất.
Nhiều hiện tượng tương tự khác như nguồn nước ngày càng cạn
kiệt, bị ô nhiễm trầm trọng, không khí không còn trong lành,
chất thải độc hại từ những nhà máy, chỉ là một trong những vấn đề
hàng ngày mà người dân TQ đang phải đối mặt. Môi trường sống ở
TQ ngày càng xuống cấp và đã lây lan qua các quốc gia láng
giềng.
Các nguồn bụi khói ô nhiễm từ Vân Nam đã bay sang tận miền duyên
hải vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Mưa acid xuống tận Nam Hàn và Nhật Bản.
Đặc biệt là những dòng sông. Có gần phân nửa dân số trên thế
giới sống trong những lưu vực sông ngòi phát nguyên từ TQ đang
bị đe dọa với cơn khủng hoảng nước đã được mô tả trong một quyển
sách nổi tiếng của Ma Jun dưới tựa đề: ”China's Water Crisis”.
Tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào tháng 11/2005, Thứ trưởng Bộ Xây
dựng Bao Xing phải thốt lên rằng: ”Quốc gia nầy với tình trạng
khủng hoảng nước khốc liệt và khẩn cấp hơn mọi quốc gia khác
trên thế giới”.
Do đó, đã đến lúc TQ cần phải chọn lựa giữa sự tăng trưởng kinh
tế hay có được một môi trường sạch hơn. Và lãnh đạo TQ đã xóa
dần quan điểm “bảo vệ môi sinh” chỉ là sản phẩm của tư tưởng
tiểu tư sản. Do đó, có nhiều chuyển biến trong việc phát triển
của TQ.
Từ cuối thập niên 1990, Bắc Kinh đã ra lịnh cấm đốn cây trong
hầu hết những khu rừng núi của họ, sau khi nhận ra rằng sự phá
rừng là một yếu tố chính dẫn đến những nạn lụt, hạn hán lớn gây
thiệt hại hàng tỷ Mỹ kim. Và đi xa hơn nữa, lãnh đạo TQ đã bù đấp
nhu cầu gỗ trong nước bằng cách phá rừng ở các quốc gia Phi
Châu, Miến Điện, và nhất là Việt Nam... để có thễ giữ cương vị
“cơ xưởng sản xuất của thế giới”. Để đạt được danh hiệu trên,
nạn nhân gần nhất và chịu nhiều thiệt hại nhất là Việt Nam.
Sự chuyển dịch sản xuất từ TQ sang Việt Nam
Tương tự như đa số các hảng xưởng sản xuất của Hoa Kỳ, từ hơn
hai thập niện vừa qua, đã di chuyển cơ sở sản xuất về các quốc
gia Mỹ La tinh, đặc biệt là Mễ Tây Cơ, vì ở những nơi nầy, nhân
công rẽ mạt và luật lệ môi trường hầu như không dược áp dụng. Tư
bản Tây phương cũng hành xử tương tự là đổ xô vào Đông Âu, những
quốc gia vừa thoát khỏi gông cùm Cộng sản như Ba Lan, Hung Gia
Lợi. TQ cũng đang chuyển mình tiến về Đông Nam Á. Và Việt Nam là
một trong những thí điểm lớn để cho tư bản TQ định cư.
Trước sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, việc hạ
giá thành phẩm là việc làm ưu tiên để có thể chiếm lĩnh thị
trường thế giới. Đó là chính sách chung của mọi quốc gia. Do đó,
Việt Nam là một mãnh đất béo bở cho tài phiệt TQ đầu tư vì: -
Nhân công còn quá rẻ, ngay cả đối với nhân công TQ vốn dĩ đã quá
rẻ mạt; - Chi phí cho việc bảo vệ môi trường không bị đòi hỏi
gắt gao như ở TQ hiện tại; - Và quan trọng nhất là mọi thủ tục
hành chánh và dịch vụ xuất nhập cảng đều được dễ dàng vì cung
cách quản lý địa phương ở Việt Nam dễ bị mua chuộc. Từ 3 yếu tố
trên, Việt Nam đối với TQ có thể được ví như là Mễ Tây Cơ với
Hoa Kỳ trong lãnh vực đầu tư và sản xuất.
Thêm một yếu tố tâm lý quan trọng khiến cho các nhà đầu tư TQ di
chuyển xuống VN là TQ tìm thấy nơi đây một xứ sở giống như đất
nước của họ, một đất nước đang chuyển mình từ từ và đang từ bỏ
chủ thuyết cộng sản không tưởng để tiến tới một nền kinh tế thị
trường tự do đầy hấp dẫn... Còn về tâm lý chung của hai dân tộc,
có nhiều điểm tương đồng chính nhất là việc quan hệ kinh doanh
dựa theo cách tiếp cận có tính cách cá nhân và thường xử dụng
quyền lực áp đặt để lấn áp pháp luật hầu mang lại mọi dễ dãi
trong thủ tục hành chánh.
Hãy nghe Zou Qinghai, Chủ tịch phòng Thương mãi Triết Giang
tuyên bố: ”Chúng tôi hiểu thông suốt rằng phải đưa tiền hối lộ
mới xong công việc. Cách thức phát triển của VN chỉ đơn giản là
một bản sao của TQ”.
Hiện tại, tính đến cuối năm 2005, đầu tư của TQ chính thức vào
VN tương đối còn khiêm nhường so với các quốc gia trong vùng như
Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn là 734 triệu Mỹ kim so với hơn 50 tỷ
của ba nước vừa kể trên. Nhưng qua những con số không chính thức
có liên hệ đến những đối tác Hồng Kong thì mức thẩm thấu vào VN
có thể lên đến 3,7 tỷ. Và thương mãi hai chiều dự kiến trong năm
2006 là 7,5 tỷ Mỹ kim.
Các công ty TQ chú trọng đầu tư vào năng lượng và tài nguyên
thiên nhiên của VN. TQ đã ký thỏa thuận trong việc thăm dò dầu
khí ở vịnh Bắc Việt trong khi Hồ Cẩm Đào viếng thăm thủ đô Hà
Nội vào tháng 10,2005. Việt Nam vẫn là một lợi điểm cho TQ vì
hai quốc gia đã ký hiệp ước tự do mậu dịch với nhau. Từ đó, TQ
có thể chuyển ngành dệt sang VN để tránh vấn đề hạng ngạch
(quota) trong việc xuất cảng các sản phẩm nầy qua Hoa Kỳ và Liên
Hiệp Âu Châu.
Ảnh hưởng lên môi sinh Việt Nam
Như đã nói ở phần trên, TQ đã bắt đầu chuyển dịch các cơ sở sản
xuất qua VN vì áp lực của luật ô nhiễm môi trường ở bản địa là
chính. Các đầu tư di chuyển về VN cũng vì luật lệ ở đây nghiêm
ngặt hơn qua việc bảo vệ môi trường ở một số khu vực tại TQ, đặc
biệt ở các tỉnh ở miền duyên hải như Thượng Hải, Hong Kong,
Triết Giang. Chính quyền ở những tỉnh nầy khuyến khích đầu tư ở
VN đối với các công nghệ gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất như
công nghệ thép, plastic, điện tử, hóa chất v.v... Cơ quan bảo vệ
môi trường ở các tỉnh trên đã bắt đầu ngăn cấm và tước quyền xử
dụng đất, nước, và điện của những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường trầm trọng. Đó cũng là một trong những lý do chính để
các nhà đầu tư TQ xuôi Nam, một nơi có chi phí dùng trong an
toàn lao động rẽ mạt.
Một việc làm không nhỏ ảnh hưởng đến môi trường VN là việc nhập
cảng gỗ của VN. Năm 2004, VN thâu được 900 triệu Mỹ kim trong
việc xuất cảng 2 triệu m3 gỗ, đa số là qua TQ. Năm 2005, mức thu
nhập lên đến 1,5 tỷ Mỹ kim cho dịch vụ nầy. Với lượng rừng mất
đi ước tính là 200 ngàn mẫu/năm, trong khi đó mức trồng rừng là
20 ngàn mẫu/năm, thiết nghĩ di hại của việc thất thoát rừng nầy
ảnh hưởng đến nạn lũ lụt, hạn hán, đất đai bị hoang hóa v.v...
có thể được bù đấp so với mức ngoại tệ thu nhập qua việc xuất
cảng gỗ nầy không?
Kết luận
Từ những nhận định và phân tích trên đây, quả thật VN đang phải
hứng chịu nhiều hệ quả của việc bành trướng và phát triển kinh
tế và kỹ nghệ của TQ. Tư thế của một đàn em VN trước một đàn anh
nước lớn TQ cho đến nay vẫn là một sự thuần phục hoàn toàn.
Thuần phục trong tư thế chính trị, quân sự lẫn kinh tế. TQ đã
tạo được một sức ép quá mạnh trong ba lãnh vực trên, khiến cho
VN luôn luôn đang ở thế bị động và không thể nào thoát khỏi tầm
ảnh hưởng của ba gọng kềm trên.
Giờ đây, VN lại mang thêm nhiều di hại về môi trường qua sự xuất
cảng ô nhiễm của TQ. Môi trường VN vốn đã bị báo động từ nhiều
năm qua, lại phải gánh chịu thêm “chất phế thải” của đàn anh TQ,
liệu lãnh đạo VN có còn khả năng giải quyết các vấn nạn trên hay
Đất và Nước VN sẽ đi đến sự hủy diệt hoàn toàn trong một tương
lai không xa?
Mai Thanh Truyết (Theo VAST) |