
...
Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết
triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây
niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong
những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh
vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia
lớn nhất của thời đại chúng ta.
Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy
được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng
hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ
nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu
nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng
bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.
Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (... )
Tuy là lớn lên và sống
trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy
Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang
xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp
thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng
bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng
chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa
của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích
thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.
Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự
thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết
cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng:
“Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những
người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những
người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù
của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam,
là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.
Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển
hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến
tranh Việt Nam. (... )
Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang
hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò
quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu
cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn
toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào,
một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật
giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp
môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải
là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong
khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn
tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý
thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ
còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng
ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.
Trích dịch từ :
Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the
suffering of the Vietnam War
By
Pankaj Mishra
TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES
|
|
Am mây ngủ
CHƯƠNG 1
Huyền Trân thức giấc,
lắng tai nghe. Có tiếng tụng kinh. Đây là tiếng tụng kinh của chú
tiểu Pháp Đăng. Giọng chú trong như tiếng chuông đồng, Chú đang
khoan thai tụng bài kệ mở đầu cho thần chú Lăng Nghiêm, từng âm rành
rọt và trong veo như những hạt châu tiếp nhau rơi đều trong không
gian ngời sáng. "Đại hùng đại lực đại từ bi, hy cánh thẫm trừ vi tế
hoặc: Linh ngã tảo đăng vô thượng giác, ư thập phương giới tọa đạo
tràng ...".
Huyền Trân nằm yên, để hết tâm ý vào lời kinh. Công chuá cảm thấy
toàn thân thư thái và dễ chịu. Có lẽ đây là lần đầu tiên nàng được
hưởng một cảm giác an lạc kỳ diệu như vậy. Công chúa không dám trở
mình, sợ rằng nếu trở mình thì niềm an lạc kia biến mất. Nàng thở
nhè nhẹ, nhắm hai mắt lại và theo dõi lời kinh một cách chăm chú.
Chú Pháp Đăng đã tụng hết bài tựa và đang chuyển sang hội thứ nhất
của chú Lăng Nghiêm. Nhịp mõ tự nhiên mau dần, trở nên dồn dập rồi
giọng chú thay đổi hẳn. Chú Lăng Nghiêm như một cánh diều bắt gió và
lời kinh giờ đây bay như một lá phướn. Tiếng mõ cũng không còn là âm
thanh tròn trịa và rời rạc như trước: Tiếng mõ cũng trở thành một
giải lụa dài bay phất phới trong không gian.
Khi chú Pháp Đăng tụng hết Lăng Nghiêm và bắt đầu qua tới Chú Đại Bi
thì Huyền Trân không còn theo dõi lời kinh nữa. Nàng nghĩ đến Phụ
vương nàng hiện giờ chắc đang ngồi thiền trên am Ngọa Vân và đến
chuyện hai cha con sẽ cùng nhau leo núi lên đỉnh Vân Tiêu ngày hôm
nay, và công chúa từ từ ngồi dậy.
Liêu phòng tối om. Ngọn lửa cây đèn dầu lạc để trong góc phòng chỉ
lớn bằng một hạt đâu không đủ để soi sáng mặt bàn. Huyền Trân khua
chân tìm đôi giép cỏ mà chú Pháp Đăng đã đem tới cho nàng chiều hôm
qua rồi đứng dậy, tới khơi cao ngọn đèn. Trong liêu phòng, ngoài cái
bàn con và chiếc giường nhỏ, không còn có một vật gì nữa cả. Nàng
đưa tay với lấy chiếc áo lông cừu vắt dưới chân giường, khoác lên
vai, rồi hé cửa liêu và bước ra ngoài sân am.
Bây giờ là mới đầu canh năm, trời còn tối lắm, nhưng nhờ có ánh sao
nên Huyền Trân thấy được dáng đá và dáng cây quanh am. Nàng nhìn lên
trời. Sao nhiều qua, và sáng quá. Hơi núi làm công chúa rùng mình,
ớn lạnh. Nàng trở vào liêu phòng, và cứ để áo lông cừu trên vai mà
nằm lại xuống giường để tiếp tục nghe kinh. Chú Pháp Đăng đã tụng
xong Thập Chú. Chú đang niệm danh hiệu Phật Thích Ca.
Huyền Trân lên tới núi Yên Tử từ sáng hôm qua và đã được gặp mặt Phụ
vương nàng là đại sĩ Trúc Lâm. Nàng đã được hầu chuyện với ngài từ
đầu giờ Tỵ đến cuối giờ Mùi. Hôm qua, nàng đã được ông anh ruột của
mình là Huệ Võ Vương Trần Quốc Chấn đưa tới chân núi Yên Tử bằng xe
song mã. Huệ Võ Vương định cho người võng nàng lên tới am Long,
nhưng nàng từ chối. Một vị tiểu ni tại ni viện dưới chân núi đã đưa
nàng và người hầu cận của nàng là Thị Ngọc lên am Long.
Phụ vương nàng bảo nàng tá túc tại am Long đêm nay và dặn chú điệu
Pháp Đăng sáng ngày mai đưa nàng lên thăm am Ngọa Vân. Ngài sẽ đợi
nàng ở đây. Ngài phải trở lên am Ngọa Vân vì có chút việc cần thiết.
Nói xong, đại sĩ lên đường, chiếc gậy trúc trên tay.
Huyền Trân nhớ lại giây phút được gặp lại cha sau hơn hai năm xa
cách. Hai năm xa cách, nhưng bao nhiêu biến đổi đã xảy đến cho nàng.
Khi vị tiểu ni vào thông báo, Phụ vương nàng đã ra tận cổng am để
đón nàng. Thượng hoàng hơi gầy yếu, nhưng dàng điệu ngài con quắc
thước và thanh tú. Ngài nhìn nàng với đôi mắt vừa mừng rỡ vừa xót
thương. Ngài vẫn còn mặc chiếc áo nâu năm trước, tuy chưa sờn rách
nhưng đã phai màu. Công chúa muốn chạy tói ôm lấy cha mình, nhưng
không dám. Nàng chạy đến và quỳ xuống dưới chân ngài. Nàng khóc thút
thít như một đứa trẻ thơ. Đại sĩ đỡ nàng dậy và đưa nàng vào trong
am. Vị tiểu ni đi nhắc một chiếc ghế gỗ đạt gần chiếc ghế khúc lục
của đại sĩ để công chúa ngồi, rồi cùng Thị Ngọc đứng hầu một bên ông
thầy tu mà cả nước kính ngưỡng. Trúc Lâm đại sĩ tự mình đi nhóm lửa
pha trà để đãi khách. Ngài không cho ai động tới công việc. Vị tiểu
ni, sau khi uống xong chén trà cúc do đại sĩ ban cho, đã chắp tay
bái biệt ngài để xuống núi. Công chúa Huyền Trân cũng bảo Thị Ngọc
theo vị ni cô xuống núi và ở lại ni viện chờ nàng.
Đợi con uống xong chén trà cúc thứ hai, Trúc Lâm mới hỏi:
- Con leo núi có mệt không?
Huyền Trân nhìn cha:
- Tâu Thượng hoàng, con thấy trong người rất khỏe. Cảnh vật trên này
đẹp lắm.
Đại sĩ cười rất hiền:
- Con đừng gọi ta là Thượng hoàng nữa. Cứ gọi ta là cha. Ta đi tu đã
lâu; trên mười năm ta đã làm ông thầy tu áo rách. Con hãy tập gọi ta
là thầy và dùng câu "bạch thầy" cho quen đi. Sau này, trong những
lúc có nhiều người, con cũng có thể gọi ta là tôn đức hay đại sĩ như
những người khác thường gọi.
- Thưa cha, con sẽ vâng lời cha dạy. Con mong ước sau này được cha
chỉ bày cho con về Phật pháp; con muốn được làm đệ tử của cha, và
được gọi cha là thầy của con.
Trúc Lâm đại sĩ nhìn con, bằng lòng, vừa lúc ấy một chú tiểu, khoảng
mười một tuổi, mặt mày sáng sủa, vai mang một đảy đựng đầy kinh
sách, xuất hiện trước cửa am. Chú chắp tay, kích cẩn chào. Đại sĩ
cho Huyền Trân biết đó là chú Pháp Đăng, đệ tử trẻ nhất của ngài.
Chú vừa lên am Thạch Thất để lấy kinh sách về học. Ngài bảo chú nghỉ
ngơi chốc lát trước khi đi sửa sọn bữa ngọ trai cho ba người. Rồi
ngài đưa công chúa ra trước hiên am. Hai người ngồi trên những chiếc
gỗ kê dưới mái lá. Ngài bảo công chúa kể cho ngài về mọi cớ sự đã
xảy ra từ ngày công chúa về Chiêm theo chồng.
Trang trước |
Trang kế
Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính
là con đường (Thích Nhất Hạnh) |
|

Lời nhà xuất bản
1. Chương 1
2. Chương 2
3. Chương 3
4. Chương 4
5. Chương 5
6. Chương 6
7. Chương 7
8. chương 8
9. Chương 9
10. Chương 10
11. Lời bạt
12. Niên biểu
|
|
|