Am mây ngủ
CHƯƠNG 9
Khi cu Lợi thức dậy thì
trời đã tảng sáng. Nhìn lên chỏng tre, nó thấy u nó nằm yên, hơi thở
đều đặn. Lợi cảm thấy an tâm. Thang thuốc của ông lang Ý Yên hay
thật. Cả ngày hôm qua u nó quằn quại không ngớt vì đau, vày mà hồi
hôm uống bát thuốc vào bà đã nằm yên và ngủ được. Ông lang sau khi
bắt mạch và cho thuốc, đã về ngủ tạm ở nhà bác Trực ở dưới chân núi.
Trong nhà, ngoài u nó và nó, còn có bà Tư xóm dưới. Bà Tư cũng đến
từ chiều hôm qua. Bà thường hay đến giúp bà con trong xóm vào lúc
sinh nở. Người ta nói là bà có "kinh nghiệm". Hiện bà đang ngủ ở
trên chỏng của Lợi. Hồi hôm Lợi đã lấy rơm trải ra giữa nhà mà ngủ.
Ban đầu nó nghĩ rằng nó sẽ phải thức cả đêm để săn sóc cho u nó. Ai
ngờ u nó uống thuốc được một hồi thì nằm yên và sau đó thì bà ngủ
thiếp đi. Lợi cũng ngủ thiếp đi. Cả ngày lo lắng lăng xăng cho nên
nó mệt và ngủ rất say.
Lợi đi xuống bếp. Hồi hôm nó đã sắc nước nhì của thang thuốc, bây
giờ nó định hâm lại cho u nó uống. Lợi rút một nắm rơm nhỏ dúi vào
bếp trấu và đợi. Một lát sau rơm ngún và có khói. Vẫn dí nắm rơm vào
bếp trấu, nó kề mồm vào thổi nhẹ. Lửa bùng cháy. Lợi cầm một chiếc
đũa tro cời cho trống khoảng giữa ba ông đầu rau rồi đặt nắm rơm
đang cháy vào đấy. Nó tiếp rơm vào rồi lấy chiếc đũa tro chặn lên
phía bên ngoài nắm rơm để cho rơm cháy chậm. Xong, nó bắc một nồi
nước đầy lên bếp. Vừa coi sóc cho lửa cháy đều dưới nồi, Lợi vừa lấy
mấy cục than tàu để trên lửa rơm cho cháy xém trước khi gắp bỏ vào
chiếc hỏa lò kê gần đấy. Sắc thuốc thì phải dùng hỏa lò và than tàu.
Than tàu còn ít lắm, chỉ đủ để hâm thuốc mà thôi. Hôm qua ông lang Ý
Yên bảo phải chuẩn bị than củi để phòng khi có sinh em bé thì đốt
lên cho u nó sưởi. Bà Tư bảo than tàu đắt lắm. Bà sai Lợi ra hốt một
thúng trầu đỏ sẵn giữa nhà. Bà còn bảo nó đi kiếm củi gộc đem vào.
Củi gộc tức là gốc tre khô. Bà bảo khi cần sưởi thì đốt cho gộc cháy
rồi đổ trấu vào cho lửa cháy ngún. Bà Tư còn bảo Lợi kiếm cho bà một
thanh nứa để dành bà cắt nhau cho em bé.
Vừa đun bếp, cu Lợi vừa nghĩ đến công việc phải làm hôm nay. Có lẽ
nó phải thổi cơm cho bà Tư ăn. Nó phải nghĩ tới trả cá bống kho mặn
gần như còn nguyên, có thể dọn ra để bà Tư ăn với cơm. Như vậy là nó
chỉ cần thổi một niêu cơm là đủ. Bỗng Lợi nhớ ra rằng hôm nay là
ngày mồng tám tháng tư, ngày Phật Đản. Ngày hôm nay thiên hạ ai cũng
ăn chay. Vậy là trả cá bống không được tích sự gì rồi. Lợi đứng dậy,
đi tìm hũ vừng. Nó ôm hũ vừng mà lắc, còn một ít vừng, may quá. Nó
sẽ rang muối vừng để bà Tư ăn cơm, nhưng mà trước phải vo gạo để nấu
cơm đã.
Suốt ngày hôm qua, cu Lợi lo lắng cuống cuồng, có nhiều lúc u nó đau
đớn đến chảy cả nước mắt. Lợi chịu đựng không nổi khi nghe tiếng rên
siết của u. Bố nó chết trận bên Chiêm năm ngoái. Bây giờ nếu u nó
chết theo thì nó sẽ trở nên mồ côi. Tiền bạc không có, làm sao có có
thể đi rước thầy thuốc về xem mạch cho u. U nó bảo nó chạy sang xóm
bên mời bác Tư. Bác Tư đã làm đủ cách nhưng cơn đau của u nó cũng
không giảm xuống tí nào. Bác đã đem gừng sống giã nhỏ pha với rượu
để xoa bóp, đã dùng cả lá trầu không và một mớ tóc rối để đánh gió
cho u nó. Trong lúc hai bác cháu còn đang cuống quít chưa biết làm
gì hơn cho u nó bớt đau thì Ni Sư Hương Tràng đến. Thì ra Tuất đã
báo chi Ni Sư biết là u nó ốm nặng và nó phải ở săn sóc cho u. Lạ
quá, Ni Sư Hương Tràng không phải là thầy thuốc, nhưng khi thấy bà
vừa bước vào nhà Cu Lợi có cảm tưởng ngay rằng mọi sự sẽ êm đẹp và u
nó sẽ không còn đau đớn. Mà thật vậy, Ni Sư vừa đặt tay lên trán của
u nó thì u nó không còn rên siết nữa. Ni Sư dịu dàng hỏi thăm u nó
để biết xem trong người đau đớn như thế nào, và u nó đã bình tĩnh
trả lời từng câu một, không còn vừa nói vừa thở vừa khóc hổn hển như
trước. Sau đó, Ni Sư dặn bác Tư và nó ở lại trông coi và thỉnh thỏng
xoa bóp tay chân cho u nó trong khi Ni Sư sang Ý Yên mời ông thầy
thuốc.
Đó là khoảng xế chiều. Từ lúc Ni Sư đi khỏi, u nó có lên cơn đau hai
lần nhưng không còn dữ dội như trước. Có lẽ nhờ bác Tư và Lợi xoa
bóp chân tay theo lời Ni Sư dặn; cũng có lẽ là nhờ biết rằng Ni Sư
sẽ trở về với một ông thầy thuốc.
Đến tối mịt Ni Sư mới về tới. Có ông lang Ý Yên về theo với Ni Sư.
Ông mang theo một tay nải khá lớn. Có cả thằng Qúy và thằng Tâm đốt
đuốc đi theo để đưa đường cho hai người. Quý và Tâm cũng là người
làng Hổ Sơn. Chúng cũng là những em bé chăn trâu như cu Lợi.
Vào tới sân nhà, Ni Sư bảo Quý và Tâm dụi đuốc để dành, rồi bà đưa
ông lang về nhà, mời ông ngồi nghỉ và bảo cu Lợi đi nấu nước vối mời
ông uống. Sau đó, ông lang bắt mạch cho người bệnh. Bắt mạch xong,
ông mở tay nải bốc thuốc. Trong khi cu Lợi nhen hỏa lò sắc thuốc thì
ông nói với Ni Sư rằng chứng bệnh của u thằng Lợi là do sự buồn
phiền và lo lắng mà sinh ra. Thuốc của ông có công dụng an thần và
tẩm bổ chứ không có gì lạ. Ni Sư tiếp chuyện ông lang cho đến khi
nước nhất của thang thuốc được sắc xong và u thằng cu Lợi được đỡ
dậy để uống thuốc. Thuốc uống xong, Ni Sư đỡ người bệnh nằm xuống
rồi đắp chăn cho bà. Ni Sư nói:
- Uống thuốc này vào thì thế nào cũng khỏe, rồi bác sẽ sinh cháu dễ
dàng. Bác cứ niệm Phật Quan Âm một lát rồi ngủ. Này Lợi, bây giờ con
sắc nước nhì đi, để sáng mai hâm lại cho u con uống. Con đổ vào một
bát rưỡi nước lã và sắc lại còn nửa bát thôi nhé.
Ni Sư lại còn đến nắm tay bác Tư và dặn dò mấy câu. Rồi bà bảo Quý
và Tâm đốt đuốc lên, đưa thầy lang về nhà bác Trực ngủ tạm đêm nay
và cũng để đưa bà về núi. Trước khi đi, Ni Sư còn căn dặn cu Lợi là
hễ có gì xảy ra thì lên chùa báo tin cho Ni Sư biết.
U thằng cu Lợi nằm yên. Một lúc sau đó thì bà ngủ. Cu Lợi mừng quá.
Nó bưng cây đèn dầu lạc đi xuống bếp, định đi lấy gạo thổi cơm để
dọn cho bác Tư, nhưng nó vừa xuống tới bếp thì bác Tư cũng đã theo
xuống, Bác bảo rằng bác còn no lắm và cu Lợi chỉ cần nấu cơm đủ cho
một mình nó ăn thôi. Nghe bác nói thế, Lợi không nấu cơm nữa. Nó đi
lấy bát xúc cơm nguội còn lại trong nồi và xin phép bác Tư ngồi ăn
ngay dưới bếp. Nó đem trả cá bống kho mặn ra để ăn với cơm nguội.
Bác Tư kê một chiếc đòn thấp rồi ngồi bên cạnh Cu Lợi. Bác nói:
- Cháu đừng lo. Bác nghe nói ông lang này giỏi lắm. Thế nào u cháu
và em bé cũng được bình an. May quá, nếu không có Ni Sư trên chùa
đích thân đi mời thì ông lang Ý Yên chẳng bao giờ bước chân tới nhà
này đâu. Thế là nhà cháu có phúc lắm đấy con ạ.
Cu Lợi vừa ăn vừa nghĩ đến tiền thầy và tiền thuốc cho u nó. Như
đoán biết được nó đang nghĩ gì, bác Tư lại nói:
- Mày đừng lo, cháu ạ. Ni Sư đích thân đi mời ông lang thì chắc chắn
là Ni Sư sẽ chu toàn cho u con mày, mà có thể ông lang vì nể Ni Sư
mà không lấy tiền chuyến này cũng không biết chừng. Cứ lạy Phật phù
hộ cho u mày mạnh khỏe mẹ tròn con vuông là quý rồi. Thôi, mày ăn
cơm đi. Tao lên ngủ một chốc, có gì thì gọi tao dậy nghe cu Lợi.
Cu Lợi đứng dậy định lấy đèn đưa bà Tư lên nhà trên nhưng bà đưa tay
ra hiệu bảo không cần. Bà Tư lên rồi. Cu Lợi ngồi xuống tiếp tục ăn
cơm. Nó gắp thêm một con cá bống để lên chén cơm. Trả cá này là do u
nó kho, nhưng u nó chưa hề động đũa tới, những con cá bống trong trả
đều do Cu Lợi câu được ở ngoài bờ sông. Nó nhớ tới buổi chiều hôm
kia khi đang câu cá ở bờ sông thì Tuất tới tìm nó. Ni Sư Hương
Nghiêm bảo Tuất đi tìm Lợi và gọi Lợi lên chùa để tập diễn lại lần cuối
sự tích Phật tổ giáng sinh. Tuất đến nhà Lợi thì u Lợi nói Lợi đang
câu cá ở bờ sông. Tuất ra bờ sông kiếm Lợi. Lúc đó giỏ cá của Lợi đã
đầy tới nửa. Tuất tới nhìn vào giỏ cá mà phần lớn là cá bống rồi nói
với Lợi:
- Anh Lợi ác lắm, những con cá này hiền lành có làm gì Lợi đâu mà
anh Lợi lại bắt chúng lên để cho chúng chết?
Lợi ngước nhìn Tuất. Tuất mặc một chiếc áo cánh màu nâu non; tóc
Tuất xõa chấm trên hai vai, khuôn mặt xinh đẹp của Tuất sáng rỡ
trong ánh nắng chiều và hai mắt của Tuất đen láy. Lợi không biết trả
lời Tuất ra sao. Nếu gặp một người khác hỏi nó câu đó thì nó trả lời
được ngay. Nó sẽ trả lời rằng con người sinh ra đời phải ăn và phải
uống, vì vậy mà từ xưa tới nay người ta đã làm ruộng, trồng rau,
nuôi lợn, nuôi gà và câu cá. Trời sinh ra lúa gạo, lợn, gà, tôm, cá
là để nuôi người. U Lợi đã từng nói với Lợi như vậy, và người lớn
nào cũng sẽ trả lời như vậy, nhưng Lợi biết đối với Tuất nó không
thể trả lời như thế. Tuất giống như một cành hoa đào mong manh, trả
lời như thế cũng giống như một luồng gió mạnh tới thổi bay tất cả
những cánh hoa đào mơn mởn. Tuất giống như một tờ giấy trắng tinh,
trả lời như thế cũng giống như làm đổ nghiên mực vào tờ giấy. Lợi
biết Tuất khờ dại ngây thơ nhưng trong thâm tâm nó không dám chê
cười sự khờ dại ngây thơ đó. Trái lại, nó còn thấy cái khờ dại ngây
thơ này như là một cái gì dịu hiền, trong trắng và đẹp đẻ. Có một
cái gì nơi Tuất khiến nó nghĩ tới Ni Sư Hương Tràng. Ni Sư Hương
Tràng thương yêu Tuất là phải, Lợi nghĩ như thế. Ni Sư là một người
lớn, nhưng nơi bà, Lợi thấy có sự hồn nhiên ngây thơ của những đứa
trẻ con như Tuất. Nó nghĩ có lẽ vì vậy mà nó yêu mến Ni Sư lạ lùng.
Mỗi lần được ngồi nghe. Ni Sư nói chuyện nó thấy trong lòng ấm áp,
và sung sướng lạ kỳ. Lợi đã gặp bao nhiêu người lớn, nhưng Lợi chưa
bao giờ thấy được một người lớn tươi mát như Ni Sư Hương Tràng của
nó. Cần câu trong tay Lợi chúi xuống nặng tay nó. Cá cắn câu. Nó
giật lên. Một con cá bống lớn bằng ngón chân cái của nó đang dãy dụa
loang loáng dưới ánh nắng chiều. Lợi chỉa thẳng cần câu lên trời để
cho con cá xáp vào gần nó. Lợi đưa ta ra nắm lấy con cá bống và gỡ
miệng cá ra khỏi lưỡi câu. Lúc đó, Tuất cũng đã xáp lại gần. Tuất
nói:
- Anh Lợi, anh cho Tuất con cá này đi.
Lợi nhìn Tuất hơi ngập ngừng nhưng cũng đưa con cá bống cho Tuất.
Tuất nắm lấy con cá, nhìn vào cái hàm cá nhỏ xíu bị chiếc lưỡi câu
làm cho bị thương gần như toạc ra. Nó xít xoa như chính nó bị đau.
Rồi nó bảo:
- Tội nghiệp chưa, con cá đẹp thế này mà bị người ta móc lưỡi câu
vào hàm rồi kéo lên. Bống ơi, chị thả bống xuống nước rôi bống bơi
cho xa, đừng có trở lại loanh quanh ở bến này nữa nhé.
Tuất nói chính Tuất và con cá bống nghe nhưng Lợi có cảm tưởng như
Tuất nói những lời này chỉ là để trách móc Lợi. Nó chưa biết nói sao
thì Tuất đã thả con cá bống xuống nước. Con cá lội đi rồi mà Tuất
vẫn còn đưa tay khoác nước như muốn đuổi con cá đi cho thật xa. Tuất
lau tay vào chéo chiếc áo cánh nâu non của nó rồi nói với Lợi:
- Thôi Tuất về nhé, anh Lợi. Anh nhớ lát nữa lên chùa, Ni Sư đợi anh
đấy.
Rồi Tuất đi, Từ đó về sau, Lợi không câu được con cá nào nữa. Đầu óc
ngẩn ngơ. Nó nghĩ lẩn thẩn rằng con cá bống mà Tuất thả xuống nước
đã báo cho những con cá khác mà lìa xa khúc sông Lợi đang câu. Nó
cuộn cần câu lại và xách giỏ cá về. Giao cá cho u, Lợi đi tắm, thay
áo và lên chùa. Nó vừa đi vừa suy nghĩ đến Tuất và con cá bống. Con
cá bống hồi nãy mà Tuất thả xuống sông có một liên hệ gì đó với con
cá bống trong truyện Tấm Cám mà nó đã từng nghe u nó kể nhiều lần.
Nó thấy Tuất là chị Tấm trong truyện và con cá bống sau này sẽ có
thể làm cho Tuất trở nên một bà hoàng hay một bà chúa. Nghĩ tới đây
lại thấy sự việc dính vào nhau rất lạ lùng. Ni Sư Hương Tràng của nó
cũng là một bà chúa, và bây giờ bé Tuất theo Ni Sư học đạo rồi cũng
sẽ trở nên một bà chúa. Hồi còn bố nó ở nhà nó đã từng nghe bố nó và
u nó nói chuyện về Ni Sư Hương Tràng với một thái độ kính phục. Nó
nghe nói Ni Sư là một bà chúa đi tu. Lúc ấy Lợi không thể tin rằng
Ni Sư là một bà chúa được. Một bà chúa thì phải sang trọng như tiên,
quần áo lượt là, luôn luôn có người hầu hạ hai bên, đi đâu cũng có
kiệu rước và hai bên có lính hầu. Đằng này Ni Sư của nó lại sống rất
đơn giản như bất cứ người nghèo nào ở trong làng. Ni Sư đi dép thật
đấy, nhưng đó chỉ là dép cỏ. Áo Ni Sư mặc là áo nâu, một chiếc áo
nâu đã cũ và màu cũng đã bạc. Vải áo là thứ vải gai thô sơ chứ cũng
không được mịn màng như chiếc áo cánh nâu non của bé Tuất nữa. Nó
không tin Ni Sư là bà chúa nhưng ở trong xóm nó hình như người lớn
nào cũng nói Ni Sư là một bà chúa, em ruột của đức hoàng đế đương
triều, nghĩa là em của vua. Cho đến một ngày nọ, cách đây chừng hai
năm, nó mới tin. Hôm đó hai bố con Lợi đang loay hoay đào củ đậu ở
đám vườn gần nhà bác Trực thì thấy có một đoàn người ngựa đến ngừng
dưới chân núi. Từ trên chiếc xe song mã, có một người ăn mặc rất uy
nghiêm bước xuống. Có những người lính hộ vệ cầm giáo đứng hai hàng
để bảo vệ cho người ấy. Rồi lại có người đem kiệu ra để cho người
mặc áo uy nghiêm kia ngồi lên. Rồi trong khi đám người ngựa chờ đợi
ở chân núi, hai người khiêng kiệu bắt đầu leo lên đường núi. Lại có
bốn người lính khiêng giáo đi theo hai bên để hộ vệ. Tất cả đều ăn
mặc rất sặc sỡ và nghiêm chỉnh. Xe và kiệu cũng được trang hoàng
vàng rực và đỏ chói. Hai bố con của Lợi không dám đến gần. Sau khi
đào xong được hai gánh củ đậu, họ ghé lại nhà bác Trực xin nước uống
và hỏi thăm. Bác Trực nói hồi nãy bác đã đem nước dối ra mời các bác
lính hầu và đã được các bác này cho biết là hôm nay có ngài Huệ Võ
Đại Vương từ trên kinh về thăm Ni Sư. Huệ Võ Đại Vương là anh ruột
của Ni Sư Hương Tràng. Đại Vương và Ni Sư đều là em ruột của đức Kim
Thượng tại vị. Ngài về làng nhưng không sứ về cho xã quan nên dân
làng không ai được biết để ra nghinh đón.
Chiều hôm ấy, nghe bác Trực nói, Lợi bắt đầu tin rằng Ni Sư Hương
Tràng là một bà chúa thực. Nó định bụng chiều hôm sau lên chùa nhìn
lại Ni Sư cho kỹ để thấy cho thật rõ mặt mũi của một bà chúa. Hôm
sau mới tới chân núi thì nó gặp Ni Sư đang đi xuống về phía vườn
ương. Nó chắp hai tay chào bà, và nhận thấy rằng bà vẫn ân cần và
đơn giản không khác gì mọi hôm, và chẳng có dấu hiệu nào nơi bà
chứng tỏ vẻ cao sang của một bà chúa cả. Nó lại bắt đầu nghi ngờ trở
lại. Rồi nó nghĩ rằng có lẽ bà là một bà chúa thật nhưng là một bà
chúa núp trong thể xác của một Ni Sư, cũng như trong truyện cổ tích
xưa có vị hoàng tử núp trong thân xác của một con cóc. Có thể là một
hôm nào đó, Ni Sư của nó sẽ biến trở lại một bà chúa lộng lẫy và nó
sẽ được mặc sức ngắm cho thỏa thích, nhưng Lợi lại thấy trong lòng e
ngại. Nếu Ni Sư mà biến thành bà chúa thì chắc gì nó đã dám đến gần,
và chưa chắc bà chúa đã chịu gọi nó để xoa đầu như thường lệ.
Một hôm cùng bé Tuất giúp Ni Sư mang giỏ tre trên núi xuống vườn
ương, nó lấy hết can đảm lên tiếng hỏi Ni Sư xem bà có phải là một
bà chúa không thì Ni Sư nói không. Ni Sư nói ngày xưa có lần Ni Sư
đã là một bà chúa, nhưng bây giờ chỉ là một người thường như bất cứ
ai ở trong xã Hổ Sơn.
- Tại sao làm một bà chúa sung sướng hơn mà Ni Sư không làm, lại đi
làm một Ni Sư? Bé Tuất hỏi.
- Làm một bà chúa không sung sướng như các con tưởng đâu, Ni Sư trả
lời. Bây giờ Ni Sư sung sướng hơn hồi còn làm bà chúa nhiều. Nếu Ni
Sư là một bà chúa thì Ni Sư đâu được đi trên con đường núi này với
hai con. Làm bà chúa cực lắm các con ạ. Nội một việc chải tóc, mặc
áo và đi giày cũng đủ mệt rồi, đừng nói tới những việc khác.
Cu Lợi vẫn chưa quên được chuyện con cá bống hồi nãy. Ngày xưa nhờ
con cá bống mà chị Tấm từ một cô gái quê đã trở thành một bà chúa.
Biết đâu con cá bống của Tuất một ngày nào đó cũng đã làm cho Tuất
trở nên một bà chúa như chị Tấm trong truyện cổ tích. Lợi nhớ có lần
Ni Sư Hương Tràng kể cho bọn Lợi nghe một truyện Tấm Cám hơi khác
với truyện Tấm Cám mà u Lợi thường kể. Đó là chuyện hoàng hậu Ỷ Lan.
Ni Sư nói rằng chuyện hoàng hậu Ỷ Lan là chuyện có thật. Hồi bé
hoàng hậu chỉ là một cô bé nhà quê tên là Tấm. Tấm lớn lên hái dâu
và chăn tằm rất giỏi. Quê Tấm là làng Thổ Lỗi ở tỉnh Bắc Ninh. Tấm
cũng xinh đẹp (có lẽ cũng xinh đẹp như Tuất, Lợi nghĩ thầm). Tấm
cũng có một đứa em cùng cha khác mẹ tên là Cám. Cám cũng lén bắt con
cá bống của Tấm nuôi ở giếng ăn thịt rồi chôn dấu xương cá đi. Bụt
cũng hiện ra bảo Tấm đi tìm xương cá bống rồi đem chôn ở chân
giường. Tấm chôn xương bống được một trăm ngày thì đào lên và tìm
thấy một đôi hài rất đẹp. Tấm ướm thử hài vào chân thì thấy rất vừa.
Thấy đôi hài hơi ấm, Tấm đem phơi nắng. Có một con qụa thần sà xuống
xớt một chiếc hài và đem thả vào cung vua Lý Thánh Tông. Vua thấy
hài đẹp truyền lịnh cho các cô gái trong nước tới ướm hài. Tấm bận
hái dâu nuôi tằm không trẩy kinh như tất cả các cô gái khác. Trong
nước, không ai ướm hài vừa chân. Mùa xuân năm Qúy Mão vua ngự giá đi
lễ Phật ở chùa Dâu. Kiệu vua đi tới đâu dân chúng mở hội tưng bừng
tiếp rước tới đó. Trai gái già trẻ đều mặc áo đẹp ra đứng hai bên
đường vua đi. Khi ngự giá đi ngang qua làng Thổ Lỗi, ngồi trên kiệu
cao vua trông thấy một cô gái đang hái dâu ngoài ruộng mà không ra
đón vua. Vua truyền ngừng kiệu ại, cho vời cô gái đến, và hỏi tại
sao. Cô gái ấy là Tấm. Tấm thưa với vua là nhà cô nghèo, cô phải làm
lụng để nuôi gia đình cho nên không có thì giờ để vui chơi. Vua thấy
Tấm xinh đẹp, ăn nói lễ phép và dịu dàng, liền đem lòng thương yêu.
Ngài hỏi Tấm đã trẩy kinh ướm hài chưa, rồi ra lệnh cho Tấm phải xin
phép theo vua về kinh mà ướm hài. Tấm trở nên một bà chúa và vua đặt
tên cho Tấm là Nguyên Phi Ỷ Lan. Vua xây cung Ỷ Lan cho Tấm ở và
rước thầy về dạy cho Tấm học. Sau này Tấm sinh một hoàng tử Kiền Đức
sau trở thành vua Lý Nhân Tông. Tấm làm bà chúa nhưng vẫn đảm đương
chịu khó như khi ở với gia đình. Tấm giúp vua trị nước, sửa sang
triều chính, chấn hưng nền kinh tế và mở mang việc học hành. Tuy làm
một bà chúa nhưng Tấm không quên đời sống cơ cực miền quê. Ngày xưa
trong làng Tấm có người hay đi trộm trâu ăn thịt làm cho nhiều nhà
nghèo mất cả trâu cày, không làm ăn gì được. Tấm tâu với vua xin
trừng phạt những người ăn trộm trâu. Tấm còn xin vua giúp đỡ dân
nghèo, bỏ tiền ra mua chuộc những người nghèo khó đã đem thân gán nợ
cho các nhà giàu. Con gái, con trai bị bán cho nhà giàu từ đó được
vua chuộc về và họ còn được dựng vợ gã chồng cho nữa. Tấm là người
có lòng nhân từ rất lớn. Người trong nước, ai ai cũng yêu mến Tấm và
ca ngợi công đức của Tấm. Họ gọi Tấm là Quan Âm Nữ, nghĩa là con gái
của đức Bồ Tát Quan Thế Âm, vì nhân từ như thế nên Tấm không làm
việc gì thất đức. Tấm không giống với cô Tấm trong truyện Tấm Cám mà
u Lợi thường kể. Em của Tấm ngày xưa có ăn thịt con bống của Tấm
thật đấy, nhưng Tấm vẫn tha thứ cho em, và bà dì của Tấm cũng không
bị Tấm thù ghét. Trái lại cả hai đều được Tấm cải hóa thành người
tốt.
Bọn cu Lợi rất ưa câu truyện Tấm Cám này. Ni Sư đã nói truyện có
thật thì chắc là truyện có thật. Chẳng bao giờ Ni Sư lại nói dối bọn
Lợi đâu. Có lần Ni Sư đưa cho bọn Lợi xem một cuốn sách mà Ni Sư nói
vài ba năm nữa bọn Lợi có thể đọc được. Cuốn sách nói về cuộc đời
của hoàng hậu Ỷ Lan, tức là của Tấm. Tên sách là Lý Triều Đệ Tam
Hoàng Hậu Sự Tích. Chính Lợi đã đọc được trọn cái tên sách ở ngoài
bìa. Lợi rất mong đến ngày có thể đọc được trọn cuốn sách này. Nó tự
nguyện là sẽ cố gắng học cho mau giỏi. Tấm là bà chúa mà còn học,
huống gì mình. Nghĩ lại, nó thấy sở dĩ bọn nhà nghèo mà được đi học
là cũng nhờ có Ni Sư Hương Tràng. Trong xã Hổ Sơn từ trước đến nay,
chỉ có bọn con nhà giàu mới được đi học. Bọn thằng Kim, thằng Tuấn
chẳng bao giờ xem Lợi ra gì. Trong khi Lợi phải đi chăn trâu, đào
khoai và bắt ốc thì bọn nó cắp sắch đến trường. Ngoài thì giờ đi
học, chúng chỉ biết đi chơi. Ấy thế mà rồi cuối cùng Lợi cũng được
học như chúng. Nó đã học xong các sách Tam Tự Kinh, Ấu Học Ngũ Môn
Ngôn Thi, Sơ Học Vấn Tân và bây giờ đang bắt đầu học sách Minh Tâm
Bảo Giám. Năm nay, nó không có thì giờ nhiều để học bài như năm
ngoái. Từ ngày bố nó chết trận bên xứ Chiêm, nó phải thay bố làm bao
nhiêu là công việc. Nó là người đàn ông duy nhất trong gia đình và
nó phải lo mọi chuyện. U nó lại sắp sinh em bé. Không biết u nó sinh
con giai hay con gái. Lợi thầm ước u nó sinh cho nó một đứa em gái
thùy mị và xinh đẹp như Tuất. Nó sẽ nói với u nó đặt tên em là Tấm.
Nó sẽ bắt một con cá bống cho em nó nuôi. Và biết đâu em nó không
trở thành bà chúa như cô Tấm ngày xưa. Có thể là Tuất và em Tấm của
nó cả hai đứa sau này đều trở nên những bà chúa.
Lợi bỗng nhận ra rằng chị Tấm ngày xưa đã từ một cô gái quê trở nên
một bà chúa, còn Ni Sư Hương Tràng của nó, ngược lại, đã từ một bà
chuá mà trở nên một người dân thường sống chung với những người dân
thường khác như nó và như bé Tuất. Nghĩ tới đó, Lợi cảm thấy ấm áp
trong lòng. Hình bóng của Ni Sư và của bé Tuất hiện ra êm dịu trong
lòng cậu bé. Lợi nghĩ tới cả hai người với một thứ tình cảm trìu
mến, một thứ cảm tình mà nó cảm thấy mới mẻ và tươi mát. Không có Ni
Sư thì Lợi đã không có dịp gặp gỡ và quen biết Tuất. Lợi cũng biết
sở dĩ hồi chiều, Tuất trách cứ nó ác cũng vì Tuất có cảm tình với
Lợi. Rất ít khi nó gần gũi Tuất và nói chuyện với Tuất nhưng nó nghĩ
thật nhiều đến Tuất. Tuất có mặt trong lòng nó như một con bươm bướm
duy nhất có mặt trong vườn hoa cải phía sau vườn nó. Nó muốn tới gần
con bướm nhưng nó không dám vì nó sợ con bướm bay đi. Có khi nó thấy
hình bóng dịu dàng và tươi sáng của Tuất lẫn vào với hình bóng của
Ni Sư. Tuất hiền hơn nó. Tuất không câu cá. Tuất không giết bất cứ
một con vật nào dù đó là một con ốc hay một con sâu. Tuất ăn chay
trường theo các Ni Sư. Có lần trong vuờn ương, Lợi nghe Tuất nó
chuyện với cây hoa hải đường, làm như cây hải đường là một đứa bé
biết nghe và biết hiểu. Lúc đó, Lợi cho Tuất là "chơi trò trẻ con",
nhưng mà một hôm khác, nó bắt gặp Ni Sư Hương Tràng vừa rửa lá cho
một cây hoa trà mi vừa nói chuyện với cây hoa trà ấy. Bà nâng niu
chăm sóc cây trà mi như chăm sóc cho một đứa trẻ. Lần này Lợi không
dám nghĩ là Ni Sư "chơi trò trẻ con", nhưng nó cho rằng Ni Sư nói
chuyện với cây là vô ích, bởi vì cây cối làm gì hiểu được tiếng
người. Vừa lúc đó Ni Sư ngước lên. Thấy vẻ mặt của Lợi bà hiểu nó
nghĩ gì và bà mỉm cười. Bà nói:
- Con đừng tưởng các loài cây cối không hiểu được tiếng người và
không phải là chúng không biết nói. Cây cối nói bằng lá bằng hoa của
chúng, nếu ta tinh ý thì ta có thể biết là chúng nói gì. Cây cối
cũng biết đau buồn và mừng vui. Con xem cây cây hoa trà này giỏi
lắm. Nó biết làm ra những bông hoa màu đỏ thật đấy và thật đẹp. Nếu
ta thương yêu nó, nó cũng biết thương yêu lại ta.
Lợi rất yêu kính Ni Sư, và nó tuân theo mọi lời chỉ dạy của bà.
Nhưng nó vẫn có cảm tưởng là nó không gần gũi với Ni Sư bằng Tuất.
Ngồi trong vườn ương với Tuất và Ni Sư, nó có cảm tưởng là Ni Sư và
Tuất đang ngồi hẳn trong vườn ương, còn nó thì như là có chân đặt
trong vườn ương còn một chân khác thì còn đặt ở ngoài vườn ương. Cảm
giác đó làm Lợi không hoàn toàn sung sướng. Chợt Lợi nghĩ rằng nó
không muốn Tuất trở nên một bà chúa nữa. Tuất mà trở nên một bà chúa
thì Lợi sẽ không bao giờ được gặp Tuất. Không bao giờ nó được cùng
Tuất khiêng giỏ tre đi bên cạnh Ni Sư trên con đường xuống núi hoặc
cùng ngồi trong vườn ương. Lợi ước mong cho con cá bống của Tuất
đừng bị ai ăn thịt. Nó tự hứa là từ nay sẽ không câu cá bống nữa.
Rủi mà câu được cá bống, nó sẽ gỡ cá ra khỏi lưỡi câu và liệng cá
trở lại trong dòng nước. Nó muốn Ni Sư mãi mãi còn là Ni Sư, đừng
bao giờ trở lại thành một bà chúa, và nó cũng muốn Tuất mãi mãi còn
là Tuất. Nó cũng không còn mong em nó trở nên một bà chúa như có lần
nó đã ước mong. Ni Sư của nó tuy không còn là một bà chúa sống trong
cung điện rực rỡ như hoàng hậu Ỷ Lan ngày xưa nhưng bà vẫn là chỗ
nương tựa cho bao nhiêu người, như nó và u nó. Không có Ni Sư thì
hồi hôm làm sao u nó qua khỏi cơn đau. Ni Sư đã đi suốt một buổi
chiều để mời ông lang Ý Yên về cho u nó. Chắc là Ni Sư mỏi chân lắm.
Bỗng Lợi nghe có tiếng rên la trên nhà và tiếng bà Tư gọi nó. Nồi
cơm đã cạn, nồi nước đang sôi sùng sục từ bao giờ mà cu Lợi vẫn
không biết. Trời đã sáng; nó vội dụi tắt nắm rơm đang cháy dưới nồi
và chạy lên nhà. Trên chiếc chõng tre, u nó đang rên la, tay bà nắm
chặt lấy thành chõng, mồ hôi ướt dầm cả mặt. Bà Tư đang lấy tay luồn
vào dưới áo để thăm bụng cho u nó. Bà bảo Lợi:
- Đến giờ rồi, cháu đem củi gộc mà đốt đi để nhóm lửa cho u cháu
sưởi. Đem ra ngoài sân mà đốt. Khi nào gần hết khói thì hẳn mang vào
đây để mà un trấu.
Nhìn u đang quằn quại trên chõng, Lợi hỏi bà Tư:
- Liệu u cháu có sao không hở bác?
- Không sao đâu, cháu cứ an tâm đi đốt củi đi. Đau đẻ thường ấy mà
cháu.
Lợi khiêng củi gộc ra sân và vào bếp lấy rơm ra làm mồi đốt. Nó làm
công việc rất nhanh. Khói bốc lên cuồn cuộn. Một lát sau, nó nghe
tiếng rên la gần như thất thanh của u nó. Lợi sợ quá chạy vào. Vừa
mới đến cửa nó liền bị bà Tư đuổi ra:
- Mày ra ngoài sân mà đứng, không được vào đây. Chừng nào tao kêu
mới được vào. Ra ngay đi!
Lợi miễn cưỡng chạy ra sân. Lòng nó như lửa đốt. Nó thầm niệm đức Bồ
Tát Quan Âm gia hộ cho u nó tai qua nạn khỏi. Nó nóng ruột quá, nếu
xảy chuyện gì thì nó biết làm sao. Nó là con trai, là đàn ông, là
chủ gia đình. Có chuyện gì thì nó phải gánh hết. Nếu có Ni Sư Hương
Tràng ở đây thì nó đâu đến nổi hoảng sợ thế này. Ý định chạy lên
chùa báo tin cho Ni Sư thoáng qua trong trí óc nó. Hồi hôm, Ni Sư đã
chẳng dặn nó có chuyện gì thì chạy lên bảo cho Ni Sư biết là gì. Tuy
nhiên nó ngần ngừ không dám quyết định. Có thể bà Tư cần đến nó để
chạy những việc gấp khác. Từ đây lên tới chùa xa lắm, đón được Ni Sư
về thì đã hết buổi, không kịp đâu.
Bỗng Lợi nghe có tiếng chuông chùa vọng lại xem lẫn với tiếng trống.
Giờ này trên chùa lễ Phật Đản đã bắt đầu cử hành. Ni Sư chắc đang
mặc y vàng hành lễ với Ni Sư khác. Dân chúng tụ họp trên chùa chắc
đông lắm. Bọn thằng Khải, con Tuất hiện giờ đều có mặt trên đó. Bây
giờ là giờ đức Phật ra đời. Lợi bỗng nghe tiếng tiếng con nít khóc
oe oe. Nó ngạc nhiên, nhưng một ý nghĩ vụt qua đầu nó, nhanh như một
tia chớp giật. U nó sinh em bé rồi! Nó muốn chạy ngay vào, nhưng lại
sợ bà Tư đuổi ra. Tiếng khóc vẫn rành rẽ. Nó lên tiếng gọi lớn:
- Con vào được chưa, thưa bác?
- Mày vào được rồi. Có tiếng bà Tư trả lời.
Lợi chạy ùa vào nhà. Nó nhìn lên chõng. U nó đang nhìn nó mỉm cười.
Một nụ cười yếu ớt. Bên cạnh u, em bé được quấn trong một cái áo cũ
của bố nó. Bà Tư đang gói một gói gì đó. Bà bỏ cái gói này vào trong
một chiếc nồi đất mới, còn đỏ au. Bà nhìn Lợi, bảo:
- Nhà cháu có phúc lắm đấy, cu Lợi ạ. U mày vừa mới sinh cho mày một
đứa em giai. Mày ngồi đó với u, để tao đi ra tìm chỗ chôn cái nồi
này đã. Nó nhìn em bé. Đứa bé đã hết khóc. Nó ngủ. Lợi nói với u:
- Thằng bé này kháu lắm u ạ. U đã định đặt nó là gì chưa, hả u?
U nó trả lời bằng một giọng còn yếu nhưng đầy hạnh phúc:
- Chưa con ạ. Bác Tư bảo có thể đặt tên nó là thằng Đa, nhưng u nghĩ
để nhờ Ni Sư đặt tên nó. Tạm thời mình hãy gọi là thằng cu Em.
Lợi nhìn u, ái ngại:
- Chắc là u mệt lắm và đói bụng lắm. Để con xuống xới một bát cơm
nóng đem lên cho u ăn nhé. Có cá bống kho, ăn với cơm ngon lắm.
Vừa lúc ấy, bà Tư trở vào. Nghe Lợi nói thế, bà bảo:
- Phải chưng nước mắm cho u mày ăn với cơm. Vài ba bữa nữa mới được
ăn cá bống.
Lợi định đi xuống bếp nhưng bà Tư ngăn lại:
- Để bác lo cho. Bây giờ con thay áo và lên chùa báo cho Ni Sư biết
để Ni Sư mừng. Cứ đi đi. Củi gộc lát nữa bác sẽ mang vào nhà và un
trấu sau.
Lợi còn đang lưỡng lự thì u nó nói:
- Phải đấy con ạ. Con lên chùa báo cho Ni Sư biết đi. Nhớ rửa tay
rửa mặt và thay áo trước khi đi, con nhé.
Cu Lợi vâng lời u. Nó đi ra phía sau bếp, cởi áo quần rồi múc nước
mưa trong chum xối lên đầu ào ào để tắm. Xong nó vào thay áo cánh và
quần cộc, chào u nó và bà Tư rồi đi ra ngõ.
Tiếng chuông chùa vẫn khoai thai rành rọt điểm từng tiếng một. Lợi
nghe như có tiếng nhiều người tụng kinh. Làm sao từ đây mà nghe được
tiếng tụng kinh, chắc là trí óc mình tưởng ra như vậy đó thôi, Lợi
thầm nghĩ. Nó mong đi mau cho tới chùa. Nhưng con đường khá xa, còn
phải leo trèo khá lâu mới tới chùa được. Vừa đi, nó vừa nghĩ tới u
nó, tới em bé mới sinh, tới Tuất, và tới Ni Sư. Đó là những người mà
nó yêu mến nhất trên đời này. Bố nó đã chết. Nó chỉ còn lại những
người đó. Nó thầm niệm đức Bồ Tát Quan Thế Âm để cho những người đó
đừng bao giờ ốm đau hoặc gặp phải những tai nạn khác.
Lợi đến chùa khi buổi tụng kinh vừa chấm dứt và các Ni Sư đang rút
lui vào hậu liêu vài phút trước khi ra làm lễ tắm Phật. Người đâu mà
đông thế. Có lẽ tất cả dân làng Hổ Sơn đều có mặt trên núi này. Ai
cũng mặc áo quần tươm tất. Chỉ có nó là ăn mặc đơn sơ nghèo nàn. Lợi
đợi Ni Sư ở bên ngoài liêu xá. Kìa Ni Sư đã trở ra. Bà khoác một
chiếc y vàng ngoài cái áo nâu thường ngày. Thấy vẻ mặt của nó, Ni Sư
không cần hỏi cũng hiểu cái gì vừa xảy ra. Nó đến gần Ni Sư chắp hai
tay và cúi đầu xuống. Ni Sư hỏi:
- U con sinh con trai hay con gái?
- Bạch Ni Sư, u con sinh con trai.
Ni Sư không hỏi thêm gì nữa. Bà bảo Lợi đi theo bà qua vườn cảnh của
chùa, nơi đó lát nữa sẽ cử hành lễ tắm Phật. Bọn con Tuất, con Thìn,
thằng Thông đã chuẩn bị sẵn sàng để sau khi các Ni Sư tụng kinh sau
thì diễn tích Đản Sinh. Già trẻ lớn bé bao quanh hồ nước thành không
biết bao nhiêu từng lớp, trẻ con đứng trước, người lớn đứng sau. Mọi
người rẽ lối cho các Ni Sư đi vào. Lợi đi với Ni Sư Hương Tràng nên
nó len theo được vào giữa một cách dễ dàng. Mọi người chắp tay hướng
về phía đức Phật sơ sinh. Ni Sư Tĩnh Quang xướng bài Khai Kinh Kệ
rồi hướng dẫn mọi người tụng Kim Quang Minh Kinh. Tuy là một buổi
tụng kinh trang nghiêm nhưng không khí hôm nay còn vui hơn cả một
ngày hội. Tiếng tụng kinh cao vút. Tụng Kim Quanh Minh xong. Ni Sư
tụng đến bài Tam Tự Quy rồi đến bài Hồi Hướng. Bài Hồi Hướng vừa
chấm dứt thì các lồng chim được mở ra và hàng trăm con chim tung
cánh bay lên giữa tiếng hò reo của mọi người. Có tiếng Ni Sư Tĩnh
Quang hô lên: "Trần Triều Đương Kim Hoàng Đế Vạn Tuế". Tất cả thiện
nam tín nữ đều hô lên "Vạn Tuế", để đáp lại. Ni Sư lại hô "Đại Việt
quốc dân vạn tuế". Mọi người lại hô lên "Vạn Tuế" để đáp lại. Tiếng
hò reo vang dội cả núi. "Phục nguyện quốc thái dân an, tứ phương
bình định can qua, pháp giới chúng sinh tình dữ vô tình, đồng thành
Phật đạo". Ni Sư Tĩnh Quang đọc xong lời Phục Nguyện thì tiếng niệm
"Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật" của quần chúng cũng vang vọng lên
trong một niềm phấn khởi mà Lợi chưa từng thấy bao giờ. Lợi ngước
mắt nhìn những con chim vỗ cánh bay lên trời xanh. Có những con chim
chưa chịu bay xa cứ luẩn quẩn trên những cành cây gần đó. Lợi biết
là tất cả những con chim này đều đã được làm lễ quy y Tam Bảo hồi
sáng nay. Lợi mừng cho chúng. Lợi mải miết nhìn đàn chim bay lên
không chán mắt. Nó mơ ước trở thành một con chim bay liệng trên
không để nhìn xuống đám người đang dự lễ Đản Sinh. Bỗng nó nghe
giọng Ni Sư Hương Nghiêm vọng lên rõ ràng và rành mạch từng tiếng:
- Đêm ấy, hoàng hậu Ma Gia mộng thấy một điềm lành. Bà thấy một con
voi trắng sáu ngà từ trên trời đi xuống và nhẹ nhàng chui vào hông
bà. Sáng dậy bà thuật lại giấc mộng cho vua Tịnh Phạn nghe ...
Thì ra cuộc diễn tích đã bắt đầu. Lợi nhìn xuống. Khoác trên mình
một tấm lụa, bé Tuất đang đóng vai hoàng hậu Ma Gia. Lợi chăm chú
nhìn và theo dõi. Bé Tuất đóng vai hoàng hậu Ma Gia rất khéo. Thằng
Chí đóng vai vua Tịnh phạn cũng hay. Vua Tịnh Phạn cho người vời
những ông thầy đoán mộng vào cung. Người ta đoán rằng hoàng hậu sẽ
hạ sinh một hoàng nam. Hoàng nam sẽ trở nên hoặc một vị Chuyển Luân
Thánh Vương hoặc một đức Phật. Bây giờ đây, hoàng hậu đang ngự chơi
trong vườn Lâm Tì Ni, có cái Thơm và cái Uyên làm thị nữ theo hầu.
Kìa hoàng hậu đang vịn vào một nhánh cây đầy hoa và nghiêng mình
xuống. Cái Uyên quỳ xuống đỡ ngang hông hoàng hậu và nâng lên một
đức Phật sơ sinh. Đó là một cái bắp hoa chuối non. Cái Uyên bọc đức
Phật sơ sinh trong một tấm vải lụa vàng. Tất cả bọn trẻ đồng thời
lên bài "Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư" theo điệu Đăng Đàn
Cung. Cái Uyên nâng thái tử Tất Đạt Đa trong tư thế ấy cho đến khi
bài hát chấm dứt. Nó quỳ xuống trước mặt hoàng hậu, dâng thái tử
lên. Trong khi đó bọn thằng Trâm, thằng Nguyên, thằng Quyền làm vua
rồng phun nước xuống tắm cho đức Phật sơ sinh. Chúng nó làm khéo
quá. Những vòi nước từ phía sau hòn non bộ phun ra rơi xuống đúng
vào đức Phật sơ sinh trên tay cái Uyên, trong khi tất cả các đứa
khác đang đóng vai chư thiên ca hát và tung hoa mừng thái tử ra đời.
Tiếng hát sáng tươi ấm áp như mặt trời mùa xuân: "Nhạc trời trổi
dậy, hoa tung đầy đất: chào mừng đức Phật, chư thiên hát vang ...".
Bây giờ đây thì đoàn thị nữ đang bảo vệ hoàng hậu và thái tử về
cung.
Nhìn ra phía sau hòn non bộ, Lợi thấy bóng thằng Thông đang ướm bộ
râu lá chuối vào cằm. Vai Thông khoác một tấm vải nâu. Nó sắp đóng
vai đạo sĩ A Tư Đà. Một ý nghĩa thoáng qua đầu Lợi. Nó rời chỗ đứng
của mình, chạy quặt ra phía sau non bộ. Nó đưa tay gỡ bộ râu lá
chuối. Hiểu ý, thằng Thông lấy ngay tấm vải choàng lên lưng nó và
khoác lên vai Lợi, rồi dúi chiếc gậy tre vào tay nó. Vừa lúc đó quân
hầu vào báo với vua Tịnh Phạn là ông tiên A Tư Đà từ trên núi Tuyết
đi xuống, muốn vào bệ kiến để xem tướng cho thái tử.
- Truyền mời ông tiên A Tư Đà vào, thằng Chí dõng dạc ra lịnh. Từ
phía bên kia ngọn giả sơn, cu Lợi chống gậy bước ra, lưng còm xuống
dưới tuổi tác của nó. Ông tiên A Tư Đà chầm chậm tiến tới trước thái
tử và hấp háy nhìn bằng hai con mắt đã lèm nhèm của ông. Chợt ông
bật khóc nức nở, chiếc gậy ông rung rung. Vua Tịnh Phạn hoảng hốt
hỏi:
- Tại sao, tại sao đạo sĩ lại khóc như thế? Có tai nạn gì xảy đến
cho thái tử đây không?
Cu Lợi khóc nức nở thêm một hồi nữa rồi mới ngước đầu lên, đưa cánh
tay trái dịu mắt trong lúc lưng nó vẫn còng và thân hình nó dựa hẳn
lên trên chiếc gậy đạo sĩ, Nó nói bằng một giọng khàn khàn rất hay:
- Tâu bệ hạ, bần đạo khóc là khóc cho bần đạo chớ không phải khóc vì
thái tử. Bần đạo đã già rồi, sẽ chết trước khi thái tử lớn lên và
thành Phật. Tâu bệ hạ, thái tử sẽ trở thành một đức Phật Như Lai ...
Lợi còn nói nữa, nhưng nó phải ngừng lại để chùi thêm nước mắt một
lần nữa. Trong khi nghiêng đầu lấy cánh tay chùi hai con mắt ráo
hoảng của nó, Lợi thoáng thấy dáng Ni Sư Hương Tràng. Ni Sư đang
nhìn nó. Nó thấy rõ ràng là miệng Ni Sư đang mỉm một nụ cười.
Trang trước | Trang kế
Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính
là con đường (Thích Nhất Hạnh) |
|

Lời nhà xuất bản
1. Chương 1
2. Chương 2
3. Chương 3
4. Chương 4
5. Chương 5
6. Chương 6
7. Chương 7
8. chương 8
9. Chương 9
10. Chương 10
11. Lời bạt
12. Niên biểu
|