Am mây ngủ
CHƯƠNG 4
Jaya Simhavarman đệ tam
băng mà không trối trăn lại được lời nào. Quần thần tụ họp trong
điện quyết định đưa thái tử Harijitputra lên ngôi trước khi báo tin
vua băng cho thần dân trong nước biết. Sáng ngày hôm sau, lễ suy tôn
được cử hành rất sớm trên điện và ngay sau đó vua Harijitputra thiết
triều lấy danh hiệu là Jaya Simhavarman đệ tứ. Hôm ấy tin dữ được
truyền ra, cả kinh kỳ Vijaya nhốn nháo. Dân chúng đổ tới hoàng
thành, bứt tóc đấm ngực và than khóc. Họ tiếc thương vị vua trẻ anh
hùng đã từng chiến thắng giặc Mông Cổ, đã từng là niềm tin và sự tự
hào của họ trong suốt hai mươi năm trời. Cả nước để tang Harijit.
Tất cả mọi cuộc vui chơi đều bị hủy bỏ. Hàng triệu người cắt tóc để
tang vua. Suốt trong bảy ngày đêm, trước hoàng cung không lúc nào
không có hàng ngàn người đến ngồi để than khóc. Sáng ngày thứ tám,
dân chúng hạng vạn người theo gót vua mới và triều thần lên đường
đưa vua ra dàn hỏa thiêu. Xác vua được quàng trên một cái kiệu lớn
để trên lưng một con bạch tượng, phía trên có lọng che. Theo sau là
một hàng voi sắp hàng đông tới một trăm con, trên lưng đều phủ lụa.
Hai bên quân lính đi dàn hầu, mặc áo giáp bằng mây. Kiệu của Huyền
Trân và các cung phi đi sát kiệu của Harijit. Các cung phi này đều
sẽ bị hỏa táng một lần với vua Chế Mân. Hoàng hậu vì đang mang thai
thế tử con vua nên sẽ được trà tỳ sau khi sinh nở.
Đàn hỏa thiêu của vua được dựng trên bờ biển. Đó là tục lệ nước
Chàm. Trong trường hợp của dân thường thì người chết được thiêu ngay
ngày hôm sau. Nếu là quan chức lớn thì lễ hỏa thiêu được tổ chức ba
ngày ba đêm sau khi chết. Trong trường hợp của vua thì phải đợi đúng
bảy ngày bảy đêm. Đám rước đi tới xế chiều mới đến được hỏa đàn ở bờ
biển Thí lị bì nại. Đàn được dựng toàn bằng gỗ trâm hương. Trong
tiếng trống và tiếng tù và não nuột, linh kiệu được hạ xuống và đưa
từ từ lên hỏa đàn. Xác vua đã được tẩm liệm rất kỹ lưỡng và tưới đầy
dầu thơm. Các đạo sĩ Bà La Môn bắt đầu đọc kinh bằng tiếng Phạn.
Tiếng kinh vang dội rất lớn, có thể là hàng trăm người đọc một lần.
Giàn hỏa đã bắt đầu bốc cháy. Tiếng tù và, tiếng kèn và tiếng trống
lại bắt đầu nổi dậy. Huyền Trân không dám nhìn về phía đàn hỏa. Nàng
sợ trông thấy cảnh những người cung phi bị đưa lên để hỏa thiêu.
Tất cả những gì đã và đang xảy ra, Huyền Trân thấy như trong một
giấc mộng. Mới ngày nào đây, nàng nấu cháo cảm cho vua ăn, rồi bây
giờ thân xác Harijit đang bốc cháy trên giàn hỏa. Nàng gắng khóc
nhưng không khóc được. Nếu giờ này nàng không mang một giọt máu của
Harijit trong người thì thân hình nàng cũng đang bốc cháy. Thôi thế
là tan tành giác mơ. Thôi thế là tan tành cả một cuộc đời. Cuộc đời
mà nàng đã quyết tâm hiến dâng cho tình hữu nghị giữa hai nước Chiêm
Việt. Huyền Trân đưa cánh tay trái lên nhìn. Nàng nhớ lại buổi chiều
nào cùng Phụ hoàng ngồi bên bờ suối trước am Long Động. Bàn tay này
đã làm được gì? Trong vòng bốn năm tháng nữa bàn tay này sẽ bốc cháy
trên giàn hỏa. Bỗng nhiên nàng nghĩ đến cái bào thai trong bụng
mình. Con nàng sẽ là trai hay gái? Đứa con này sẽ mang bàn tay nàng
để đi vào đời hậu lai. Bàn tay của cha mẹ và của giống nòi, nàng đã
trao về cho một thế hệ hậu lai. Như vậy là nàng có thể an tâm mà
lên giàn hỏa sau khi đưa nó ra đời. Nàng sẽ không tiếc nuối cuộc
đời.
Huyền Trân tự hỏi: Mình có còn tiếc nuối cuộc đời hay không? Harijit
chết trồi thì mình sống làm gì? Nàng đã yêu người thanh niên anh
dũng này. Harijit cũng đã yêu nàng thắm thiết. Nàng đã được sống
hạnh phúc trong tình yêu ấy. Một tình yêu ngắn ngủi nhưng chất chứa
bao nhiêu mặn nồng, và đứa con trong bụng nàng là chứng tích cụ thể
cho tình yêu ấy. Chết đi, nàng không tiếc nuối. Nàng chỉ xót xa cho
đứa bé sau này. Nó sẽ được nuôi nấng trong cung điện vua Chàm, sẽ
lớn lên và sẽ nghe kể về mẹ của nó ngày xưa, một bà công chúa Đại
Việt. Chỉ có thế thôi. Nó không được ấp ủ bằng hơi hướm của nàng,
hơi hướm của một bà mẹ Đại Việt. Tội nghiệp cho nó hay tội nghiệp
cho chính nàng?
Trong da thịt mình, Huyền Trân cảm thấy hai nỗi đau. Nỗi đau thứ
nhất là sự thiếu vắng Harijit. Mất chàng, cuộc đời nàng không còn
hứng thú gì nữa. Nỗi đau đó chỉ có lửa mới đốt cháy được, và vì vậy
nàng không sợ lên giàn hỏa. Lửa sẽ đốt da thịt nàng cùng một lúc với
niềm đau của nàng. Nàng cảm thấy không thể mổ xẻ và lấy nỗi đau ấy
ra khỏi da thịt nàng. Nhưng còn một niềm đau thứ hai: Đó là sự xót
xa của nàng đối với đứa con không cha và trong bốn tháng nữa, không
mẹ. Nỗi đau đó nàng cảm tưởng dù thân thể nàng có bị đốt ra tro bụi,
nó cũng không tan. Nó sẽ đọng thành khối bất diệt.
Lửa vẫn cháy; tiếng tù và, tiếng trống và tiếng kèn vang dội. Thấp
thoáng, Huyền Trân thấy bóng những đoàn vũ công nhảy múa quanh giàn
hỏa, những điệu múa nghi lễ tống tiễn linh hồn vua về thượng giới.
Tiếng đọc kinh văn trầm hùng kéo dài. Quanh giàn hỏa dân chúng quỳ
trên mặt đất để cầu nguyện đông đến hàng vạn. Giờ này, trên toàn
quốc thổ Chiêm Thành, già trẻ trai gái đều biết là Harijit thân yêu
của họ đang nằm trên giàn hỏa. Cả nước sẽ để tang cho Harijit, có
người sẽ để tang trọn đời. Huyền Trân nhớ lại những lời Văn Túc
Vương dạy nàng về tục hỏa thiêu của người Ấn Độ. Tập tục đó người
Đại Việt gọi là trà tỳ. Tiếng Chiêm gọi là sati. Văn Túc Vương kể
rằng, tuy tập tục này người Đại Việt đã bỏ từ lâu, nhưng vào đời Lý.
Các cung phi có người vẫn còn chết theo vua và chôn theo vua. Tục lệ
này đến đời Trần đã gần như được bỏ hẳn, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn
có những cung phi muốn được chết với vua một lần.
Lửa đã tắt, những tro xương còn lại của Jaya Simhavarman đệ tam được
thu nhập và cất chứa vào trong một cái bình bằng vàng gắn kín. Bình
vàng này được đưa lên kiệu và rước ra thuyền ngự đậu sẵn ở bờ biển.
Đèn đuốc được thắp lên, hàng trăm chiếc thuyền nhẹ phò chiếc thuyền
ngư ra khơi. Huyền Trân cũng được rước xuống một chiếc thuyền đi sát
bên thuyền ngự. Từ trên những chiếc khác, tiếng đọc kinh lại bắt đầu
nổi dậy. Khi đoàn thuyền ra tới ngoài khơi thì người ta làm lễ thả
bình vàng đựng tro xương của vua xuống biển. Tiếng kèn và tiếng tù
và, lại nổi lên ai oán. Đệm sau hai thứ âm thanh ấy, có tiếng trống
từng hồi vang dội. Những tràng hoa được liệng xuống biển. Lễ thủy
táng chấm dứt. Đoàn thuyền từ từ quay mũi hướng về đất liền.
Nhìn những tràng hoa nhấp nhô lên xuống trên sóng, lấp lánh dưới ánh
đuốc, Huyền Trân kêu thầm: "Vĩnh biệt, Harijit, vĩnh biệt". Thuyền
nàng cũng đã quay mũi hướng về đất liền. Nhìn ra chân trời phía
đông, Hoàng hậu thấy biển cả bao la bát ngát. Harijit đã trở về với
thế giới bất sinh bất diệt. Huyền Trân thầm đọc Tâm Kinh Bát Nhã cho
chồng.
Vua Chế Mân băng vào tháng bảy Chiêm Thành, tức là vào giữa tháng
năm Đại Việt. Tháng sáu năm ấy Thị Khánh vẫn chưa chịu về nước. Nàng
xin ở lại cho đến khi Hoàng hậu sinh hạ thế tử. Huyền Trân gầy ốm
hẳn đi. Vua Harijitputra khuyên nàng nên giữ gìn sức khỏe. Vua nói
với nàng là tuy tục lệ Chiêm Thành buộc Hoàng hậu phải hỏa thiêu
theo Vua, nhưng trong thâm tâm vua không muốn bà hỏa thiêu. Không ai
dám đi ngược truyền thống của đất nước. Dân chúng cũng thương mến
nàng như thương mến Harijit, và họ muốn Harijit của họ không bị cô
đơn ở thiên đường. Tuy vậy, theo vua, việc hỏa thiêu của Hoàng hậu
có thể được trì hoãn cho tới không những sau khi thế tử qua đời mà
có thể đến khi có sứ giả của Đại Việt tới. Huyền Trân cám ơn vua và
nói rằng bà không sợ hỏa thiêu, xin vua yên tâm. Bà cũng ngỏ ý xin
vua tổ chức lễ đăng quang ngay cho Hoàng hậu mới, đừng đợi đến sang
năm. Vua Chế Chí nghe lời. Mười hôm sau, kinh thành Vijaya lại treo
đèn kết hoa. Cả nước lại tổ chức hội hoa đăng và hát xướng. Trong
hai năm liền Chiêm Thành đã làm lễ tấn phong cho hai vị Hoàng hậu.
Hoàng hậu của vua mới là con của một vị đại thần trong triều, Huyền
Trân bây giờ đã đứng lên hàng Hoàng thái hậu.
Đầu tháng tư năm ấy, Huyền Trân lâm bồn và hạ sinh một thế tử, đúng
như nàng mong ước. Thế tử được đặt tên là Dayada; cái tên này đã do
Harijit đặt cho hồi vua còn sinh tiền. Huyền Trân ôm con trong tay.
Nhớ tới Harijit, nàng khóc như một đứa trẻ thơ. Thế tử rất bụ bẫm hai
mắt đen láy. Vua cho bốn thị nữ đến phục vụ cho thái hậu và săn sóc
đứa bé. Thị Khanh và Thị ngọc rất ít khi được ẵm Dayada.
Bảy ngày sau khi Thế tử Dayada sinh, Huyền Trân vào gặp vua Chế Chí,
tức là Jaya Simhavarman đệ tứ. Bà xin với vua phái một sứ đoàn qua
Đại Việt cáo ai về việc vua Chế Mân băng hà và đồng thời cũng để báo
hỷ về việc Thế tử Dayada ra đời. Vua bằng lòng và chỉ định một phái
bộ do đại thần Bảo Lộc Kê dẫn đầu, đem theo nhiều cống phẩm. Một
thớt bạch tượng được mang theo để dâng lên vua Anh Tông, nhân danh
Thế tử Dayada. Huyền Trân nhân dịp ấy cho Thị Khanh theo về. Nàng
viết một lá thư cho Thượng hoàng kể hết mọi việc và cũng để vĩnh
biệt ngài. Nàng cũng viết một lá thư cho Thái hậu Tuyên Từ và một lá
thư khác cho vua Anh Tông. Ba lá thư này nàng viết bằng chữ Hán và
niêm phong cẩn thận. Nằng dặn Thị Khanh cất giữ cả ba lá thư và khi
về tới nơi thì lập tức dâng ngay lên vua Anh Tông, không được chậm
trễ. Rồi nàng vào cung lấy cho Thị Khanh một ít nữ trang riêng của
nàng để Khanh làm vốn liếng sau khi lấy chồng.
Sứ đoàn Chiêm Thành lên đường mười hôm sau đó. Huyền Trân tính thầm
trong bụng để xem chừng nào phái đoàn mới tới được Thăng Long. Có
đem voi theo thế nào cũng đi chậm. May mắn lắm thì đến cuối tháng
chín, phái đoàn mới tới được kinh sư. Một mặt nàng mong được phụ
hoàng qua thăm trước khi nàng lên hỏa đàn, một mặt lại sợ cảnh lên
hỏa đàn của nàng sẽ thương tâm qua đối với bậc cha già. Nàng chẳng
biết nghĩ sao, chỉ biết niệm đức Bồ Tát Quán Thế Âm, cầu mong Bồ Tát
sắp đặt cho nàng mọi chuyện.
Từ hôm ấy, Huyền Trân theo gương Phụ hoàng ăn chay. Mỗi buổi sáng
nàng thức dậy thật sớm và hành sám theo nghi thức Lục Thời Sám Hối
Khoa Nghi của vua Trần Thái Tông soạn. Vua Thái Tông là vị vua đầu
của triều Trần, là ông cố của Huyền Trân. Ngài đã từng sáng tác
nhiều sách Phật trong đó có tác phẩm Thiền Tông Chỉ Nam mà hồi còn
nhỏ nàng chỉ mới được đọc bài tựa. Tác phẩm ấy hiện giờ không có
đây. Huyền Trân rất làm tiếc. Nàng muốn ngồi thiền như phụ hoàng
nàng nhưng nàng chưa được dạy về cách thức thiền tập. Tuy vậy, nàng
cũng cứ ngồi, một ngày nhiều bận, và đem hết tâm trí để niệm Phật.
Thỉnh thoảng nàng cùng các thị nữ lên chùa lạy Phật. Chùa này là
ngôi vihara lớn nhất ở thủ đô Vijaya. Ngày xưa Phụ vương nàng đã cư
trú ở đây trong suốt thời gian làm thượng khách của quốc vương Chiêm
Thành. Các tăng sĩ ở đây rất kính mến nàng. Họ đã từng biết mặt Phụ
hoàng của nàng. Huyền Trân hỏi các thầy về cuộc viếng thăm của Phụ
hoàng ngày xưa. Các vị đưa nàng tới thăm liêu phòng mà ngài đã từng
cư trú, cho nàng xem đôi dép năm xưa mà ngài đã để lại chùa làm vật
kỷ niệm. Huyền Trân xúc động khi trông thấy những kỷ vật ấy.
Hồi Harijit còn sống, chàng đã nói cho Huyền Trân nghe về Phụ hoàng
của nàng. Vua kể lại rằng vua đã nhiều lần khẩn khoản mời Trúc Lâm
đại sĩ vào cư trú trong cung nhưng ngài không thuận, bảo rằng ngài
chỉ muốn cư trú tại vihara. Harijit từng hỏi các vị tăng sĩ trong
chùa về ngài, và vị nào cũng tỏ vẻ kính mến và khâm phục đức độc của
đại sĩ. Họ nói Trúc Lâm đại sĩ là một vị dhuta, nghĩa là một tăng sĩ
tu theo khổ hạnh, y phục đơn sơ, ăn mỗi ngày một bữa và rất chuyên
cần về thiền định. Tất cả các vị tăng sĩ trong vihara, kể cả vị
trưởng lão, đều không theo kịp ngài. Từ Đại Việt qua, ngài đã đi bộ
theo sứ đoàn Chiêm mà không chịu ngồi kiệu theo lời yêu cầu của sứ
thần. Đi theo ngài có một vị tăng sĩ làm thị giả cho ngài; vị tăng
sĩ này biết nói tiếng Chiêm Thành. Nhờ vị tăng sĩ phiên dịch, ngài
đã giảng về Thiền học cho đại chúng tại vihara. Mỗi khi Harijit cho
người thỉnh ngài về cung thọ trai, ngài cũng chỉ đi bộ. Harijit đã
ngự tới chùa hơn mười lần để thăm ngài. Chàng nói là sự gặp gỡ với
vị tăng sĩ Đại Việt này đã làm thay đổi cuộc đời của chàng.
Harijit nói vói Huyền Trân rằng cũng như bất cứ người thường dân nào
của vương quốc Chiêm Thành, chàng lớn lên với ý niệm Đại Việt là kẻ
thù truyền kiếp của dân tộc Chàm. Tuy Chiêm Thành bị buộc phải sang
triều cống Đại Việt ba năm một lần, sứ Chiêm và sứ Việt gặp nhau ở
nước Tống không bao giờ nhìn mặt nhau, và thường trực tránh né nhau.
Khi Thượng hoàng nước Đại Việt mới vào đến Vijaya, Harijit vẫn nghĩ
rằng một ông vua mà đi tu thì đó không phải là ngoài mục đích chính
trị. Nhưng đời sống và nhân cách Thượng hoàng đã làm cho Harijit mở
mắt, và từ sự ngạc nhiên, vua Chàm đã đi tới sự mến phục. Các vị
tăng sĩ Chàm có mặt ở kinh đô Vijaya đều xác nhận với vua rằng vị
Thượng hoàng Đại Việt là một bậc chân tu. Trúc Lâm đại sĩ đã nói với
vua Chế Mân rằng ngài rất mừng khi thấy cuộc kháng chiến của Chiêm
Thành đạt được thắng lợi vẻ vang và quân binh Hốt Tất Liệt đã phải
rút về. Ngài nói phải chi hai nước Chiêm Việt xem nhau như hai nước
anhh em để có đủ sức tự cường mà chống lại những âm mưu xâm chiếm
của phương Bắc. Ngài có nhắc tới những cuộc binh lửa xưa nay giữa
hai nước Chiêm Việt mà ngài mong ước rằng sẽ không bao giờ những
cuộc binh lửa như thế lại tái diễn. "Khi tôi còn chưa nhắm mắt thì
tôi quyết không để cho có một cuộc xung đột giữa hai nước chúng ta",
người đã từng nói với vua. Vua Chế Mân thấy được lòng dạ của ông
thầy tu Đại Việt. Thượng hoàng nói khi ngài mang bình bát vân du
trong các làng mạc Chiêm Thành, ngài cảm thấy thương yêu người dân
Chiêm không khác gì người dân Việt, và ngài nghĩ rằng đưa hai dân
tộc vào binh lửa là một điều tội lỗi lớn, vì vậy khi ngài đề nghị gã
công chúa Huyền Trân cho mình. Harijit thấy đây không phải là một
việc sắp xếp ngoại giao, có tính cách chính trị. Đó là một tiếng nói của
trái tim, của tình thương. Thượng hoàng đem con mình mà phú thác cho
vua Chiêm, đó cũng là đem trái tim của mình mà phú thác cho dân
Chiêm. Có thể là nhân duyên lịch sử này sẽ xóa đi được bao nhiêu thù
hận đã từng chất chứa lâu ngày trong lòng người Chàm. Harijit thấy
được rằng hòa bình là một điều quý hóa. Chân Lạp đã từng đem binh
qua xâm phạm lãnh thổ Chiêm Thành, và nhiều lần kinh đô Vijaya đã bị
họ tàn phá. Nếu Chiêm Thành cứ theo đuổi chiến tranh liên miên với
nước láng giềng miền Bắc thì tránh sao được cái ngày lưỡng dầu thọ
địch, làm sao nước nhà tồn tại được trong cảnh trên đe dưới búa?
Cũng vì vậy mà vua Chế Mân đã thấy được trong đề nghị của Thượng
hoàng câu trả lời thỏa mãn được cả lý trí lẫn con tim của vua, và
vua đã nghe theo lời Thượng hoàng.
Muốn cho cuộc hòa giải lịch sử này được thực hiện tốt đẹp, vua Chế
Mân quyết định cắt hai châu Ô và Ri để làm lễ nạp trung. Việc nhượng
đất này đã gây sóng gió trong triều Chiêm, nhưng cuối cùng triều
thần đã chiều theo ý vị vua anh hùng của họ. Thế là một năm sau,
Huyền Trân về Chiêm. Trong suốt thời gian nàng làm Hoàng hậu, ở vùng
biên giới hai nước không hề xảy ra một cuộc xung đột nào. Huyền Trân
nghe nói dân Chàm tại các thôn La Thủy, Tác Hồng và Đà Bồng thuộc
châu Ô không chịu thuận phục triều đình Đại Việt, cho nên vua Anh
Tông đã sai quan Hành Khiển Đoàn Nhữ Hài vào đất mới, chọn người
Chàm ra làm quan, cấp ruộng đất và miễn tô thuế cho dân chúng trong
vòng ba năm. Đất hai châu từ đó được đổi tên là Thuận và Hoá, nhưng
cuộc tình duyên giữa vua Chiêm và nàng công chúa Đại Việt ngắn ngủi
quá. Nàng về tới kinh đô vào cuối tháng sáu năm ngoái thì đến giữa
tháng năm năm nay vua Chế Mân băng. Mười một tháng làm Hoàng hậu ở
xứ Chiêm đã qua mau như một giấc mộng, nhưng đó không phải là một
giấc mộng. Thái tử Chế Đa Gia mà nàng đang ẵm trong tay là một chứng
tích của cuộc tình duyên kỳ lạ giữa nàng và quốc vương Chiêm Thành.
Bây giờ là đã vào gìữa tháng mười một. Chỉ còn có mười hôm nữa là
Dayada được tròn ba tháng. Mắt Dayada rất sáng. Chú bé đã biết nhìn
theo bàn tay mẹ, và đã biết cười mỗi khi Huyền Trân nói nựng với nó.
Trang trước |
Trang kế
Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính
là con đường (Thích Nhất Hạnh) |
|

Lời nhà xuất bản
1. Chương 1
2. Chương 2
3. Chương 3
4. Chương 4
5. Chương 5
6. Chương 6
7. Chương 7
8. chương 8
9. Chương 9
10. Chương 10
11. Lời bạt
12. Niên biểu
|