.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Ngươi không phải là một tạo sinh, mà là sự biểu hiện
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

n Học

Diễn Đàn

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

Giữ thân cho mẹ - Giữ nước cho cha

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Tư Tưởng

Nhận biết - Tỉnh táo

  •  PSN 2.3.2014 | Cư sỹ Minh Đạt.
    Birmingham, UK, ngày 20/12/2013.
    Quý mến tặng Anh Phạm Việt Hưng và PVHg's Home.

Ts'ui Hao đã đánh mất Cái tôi, đã tách rời Tâm trí, Trực giác của ông bừng mở, khi làm bài thơ này. Li Bai viết lời trân trọng Ts'ui Hao, không làm được bài thơ nào, vì Cái tôi của Li Bai và Cái tôi của Ts'ui Hao đang sừng sững có đó. Vô ngã cho nhân loại bài thơ bất hủ. Bản ngã, Tâm trí có làm cho kẻ sỹ trân trọng nhau, nhưng Bản ngã, Tâm trí không làm được tuyệt tác thơ ! Bản ngã, Tâm trí đã làm mất đi Tình yêu của nhà thơ với cái đẹp.

 

1. Trong tháng vừa qua, trên PhamVietHung's Home (một blog luôn háo hức vào, luôn có được sáng sủa trước khi ra) có hai nhà khoa học được đặc biệt nhắc tới. Người thứ nhất là ông hoàng của vật lý lý thuyết, ông hoàng của vũ trụ học, Stephen Hawking. Người thứ hai là ông hoàng của toán học, của logic toán học, của toán học hình thức, David Hilbert.

 

Hai con người to lớn này, dường như họ khác nhau.

 

Đầu thế kỷ 20, ông hoàng David Hilbert uy quyền và rực rỡ trong ánh hào quang của vai trò lãnh đạo toán học thế giới. Ông đã có một bài siêu diễn văn nổi tiếng tại Paris năm 1900 về danh sách các bài toán. Danh sách những bài toán này quyết định hướng nghiên cứu toán học thế giới trong thế kỉ thứ 20. Ông đã hợp nhất các tiên đề của cả hình học phẳng và hình học không gian của Euclid trong một hệ thống duy nhất. Ông đã mở rộng khái niệm không gian Euclid vô hạn chiều, sau này gọi là không gian Hilbert. Đóng góp này ảnh hưởng trực tiếp tới giải tích hàm hiện đại, và góp phần quan trọng cho toán dùng trong vật lý, lý thuyết lượng tử trong nhiều năm sau đó. Ông đã sử dụng và bảo vệ lý thuyết tập hợp của Cantor và các số siêu hạn (transfinite number)... Không thể phủ nhận những thành tựu đó, những đóng góp đó. Và rồi, ông cùng những nhà toán học xung quanh mình, xây dựng lên một chương trình toán học vĩ đại, chương trình Hilbert. Với dự định xây dựng một hệ thống siêu toán học. Ông muốn toán học phải được hệ thống hóa trên một nền tảng logic vững chắc và đầy đủ. Ông có đức tin về điều này. Ông cho rằng, chỉ cần chứng minh: (1) tất cả toán học có thể suy ra từ một hệ thống hữu hạn các tiên đề được chọn ra một cách đúng đắn; và (2) một hệ thống tiên đề như vậy là có thể chứng minh được tính nhất quán của nó. Toán học đã được ông hình thức hóa; hình thức hoá bằng tư tưởng hình thức và bằng ký hiệu cùng công cụ logic. Thứ toán học đã được ông siêu hình hoá; nó thoát ly khỏi thế giới hiện thực; hòng mong muốn xác định tính đúng/sai của bất kỳ một mệnh đề toán học nào và chứng minh tính phi mâu thuẫn của toàn bộ toán học(?)

 

Thế rồi, chủ nghĩa hình thức đã thống trị toán học thế giới trong nhiều năm. Chủ nghĩa hình thức đã dẫn đến nhận thức méo mó về bản chất của toán học. Toán học bị đồng nhất với logic hình thức, logic thuần tuý suy diễn bằng ký hiệu, đã bất chấp ý nghĩa thực tế của các đối tượng toán học. Đồng thời hạ thấp vai trò thực dụng của toán học, dồn mọi nỗ lực vào việc tìm kiếm hệ thống siêu toán học hình thức. Toán học như bị mất đi sức mạnh của chính nó.

 

Thế rồi, ông hoàng David Hilbert chỉ thoái vị, sau sự ra đời Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, vào năm 1931. Nhưng sự thoái vị thực sự cũng phải diễn ra nhiều năm sau đó.

 

Khác với David Hilbert, ông hoàng đã thoái vị; ông hoàng Stephen Hawking, vẫn đang trên đỉnh cao, đỉnh cao vinh quang. Trong sự nghiệp khoa học của mình, Stephen Hawking đã đóng góp cho nhân loại nhiều công trình có giá trị. Ông đã có sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn. Đây là lý thuyết trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát; nó tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking). Ông đã là người đầu tiên xây dựng một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải đa vũ trụ về cơ học lượng tử...

 

Tháng 10/2012, trên Scientific American, Stephen Hawking và nhà vật lý tại Đại học Công nghệ California, Leonard Mlodinow, đã có bài báo với nhan đề The Elusive Theory of Everything, anh Phạm Việt Hưng dịch ra Lý thuyết về mọi thứ, một lý thuyết khó đạt được. Ông và Leonard Mlodinow đã cho rằng: Cá vàng trong bể kính tròn nhìn thấy một phiên bản hiện thực khác với hiện thực của chúng ta.

 

Có lẽ, dừng lại một chút, một chút để nói về The Theory of Everything.

 

Từ những năm 1920, Einstein đã từng ước mơ về một Lý thuyết trường thống nhất, Unified Field Theory. Einstein có tham vọng, thống nhất các trường vật lý lại với nhau. Nhưng rồi ông không thể tiếp tục được. Sau này, những người theo tư tưởng đó, bắt đầu bằng Gabriele Veneziano, rồi Yoichiro Nambu, Holger Nielsen, Leonard Susskin... đã xây dựng lên Lý thuyết dây, String theory. Một thuyết hấp dẫn lượng tử, được xây dựng với mục đích thống nhất tất cả các hạt cơ bản cùng các lực cơ bản của tự nhiên, ngay cả lực hấp dẫn. Năm 1995, tại Hội nghị Siêu dây, tổ chức trong Đại học Nam California, Edward Witten, đã làm nức lòng người, bởi một bài giảng đầy kinh ngạc. Witten đã châm ngòi cho cuộc cách mạng siêu dây lần thứ hai. Witten đã giới thiệu rằng, trong lý thuyết M, tổng quát của lý thuyết dây, không gian là 11 chiều! Các nhà vật lý lý thuyết hiện đại đặt rất nhiều hy vọng vào lý thuyết này vì nó có thể giải quyết được những câu hỏi như tính đối xứng của tự nhiên, hiệu ứng lượng tử tại các lỗ đen (black hole), cũng như tại các điểm kỳ dị, sự tồn tại và phá vỡ siêu đối xứng... Đồng thời nó cũng mở ra những tia sáng mới cho cơ học lượng tử, và không thời gian. Trong lý thuyết dây, tất cả các lực và các hạt được miêu tả theo một lối hình học phong nhã, như ước mơ của Einstein về việc thiết lập vạn vật từ kết cấu của không thời gian.

 

Stephen Hawking cho rằng: "Bất cứ khi nào chúng ta tạo ra một mô hình của thế giới và thấy nó thành công, chúng ta có xu hướng quy cho mô hình đó như phẩm chất của hiện thực hoặc chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên, lý thuyết M, giống như ví dụ cá vàng, cho thấy cùng một tình huống vật lý có thể được mô hình hóa theo những cách khác nhau, mỗi cách sử dụng những yếu tố và khái niệm cơ bản khác nhau. Có lẽ là để mô tả vũ trụ chúng ta phải sử dụng nhiều lý thuyết khác nhau trong các tình huống khác nhau. Mỗi lý thuyết có thể có phiên bản riêng của mình về hiện thực, nhưng theo chủ-nghĩa-hiện-thực-phụ-thuộc-mô-hình, sự đa dạng là chấp nhận được, và không lý thuyết nào trong số các phiên bản có thể được cho là hiện thực hơn lý thuyết khác. Tính đa dạng ấy không phải là kỳ vọng truyền thống của nhà vật lý trong việc tìm kiếm một lý thuyết thống nhất về tự nhiên, nó cũng không đáp ứng với quan niệm thông thường của chúng ta về hiện thực. Nhưng có thể đó là kiểu cách của vũ trụ."

 

Trước đó, người ta cho rằng công trình của Stephen Hawking về hố đen và nguồn gốc vũ trụ là tiến bộ cụ thể nhất mà các nhà vật lý lý thuyết đã đạt được theo hướng kết hợp lý thuyết hấp dẫn của Einstein với vật lý lượng tử vào trong một lý thuyết cuối cùng về mọi thứ.

 

Đó là sự khác nhau, khác nhau giữa Stephen Hawking và David Hilbert. Một ông hoàng vẫn còn rực rỡ ánh hào quang trên ngai vàng khoa học. Một ông hoàng đã thoái vị.

 

Nhưng thực sự, họ giống nhau, họ không hề khác nhau.

 

David Hilbert có câu nói nổi tiếng:

 

"Wir müssen wissen, wir werden wissen, Chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết."

 

Stephen Hawking có câu nói tương tự, vào năm 2011, tại Hội nghị Zeitgeist do Google tổ chức:

 

"Philosophy is dead, Triết học đã chết".

 

Ông nói rằng các vấn đề triết học có thể được khoa học trả lời, đặc biệt là những lý thuyết khoa học mới. Chúng sẽ dẫn tới một bức tranh mới và hết sức khác biệt về vũ trụ và vị trí của con người trong nó. Đặc biệt hơn, khi dẫn tập đầu tiên của chuỗi truyền hình Curiosity trên Discovery Channel, vào năm 2011, Hawking tuyên bố rằng:

 

"We are each free to believe what we want and it is my view that the simplest explanation is there is no God. No one created the universe and no one directs our fate. This leads me to a profound realization. There is probably no heaven, and no afterlife either.

 

Không có Chúa. Không ai tạo nên vũ trụ và không ai định vận mệnh chúng ta. Điều này dẫn tôi tới một nhận thức sâu sắc rằng cũng không có cả thiên đường lẫn thế giới bên kia"

 

Đó là điểm họ giống nhau. Đó là điểm họ không khác nhau.

 

David Hilbert đã xây lên cho mình một bể kính. Bể kính được cấu trúc bởi hệ thống tiên đề và không gian Hilbert, bởi danh sánh các bài toán thế kỷ, bởi những ký hiệu toán học, bởi khái niệm tập hợp, bởi chương trình siêu toán học, bởi chủ nghĩa hình thức,... Trên hết, là bởi tư duy phụ thuộc của ông, vào chính những kiến thức đó. Một bể kính vững chắc. Rồi biến mình thành con cá vàng, với tầm nhìn là tầm nhìn trong bể kính. Thượng đế của ông ấy là Chủ nghĩa hình thức, ông ấy không nhìn thấy Thượng đế khác; và ông đã bị phụ thuộc vào nó!

 

Stephen Hawking cũng vậy. Tuy rằng ông ấy đã sáng suốt, vượt lên sự diễm lệ của sự kết hợp giữa hàm số beta Euler, với các mặt Riemann, với các mode dao động,... trong lý thuyết M. Ông ấy đã vượt lên sự Hấp dẫn lượng tử. Nhưng ông, vẫn bị phụ thuộc, phụ thuộc vào những tri thức đã đưa ra; mũi tên thời gian, kỳ dị hấp dẫn, bức xạ hố đen, rồi nghịch lý thông tin hố đen và chân trời sự kiện,... Nhưng tri thức đó, đóng khung ông trong bể cá của chính mình. Thượng đế của ông ấy là những Lý thuyết khoa học mới, ông ấy không nhìn thấy Thượng đế khác; ông đã bị phụ thuộc vào nó!

 

Cả hai, cả Stephen Hawking, cả David Hilbert những con người to lớn ở chiều này, dường như ở một chiều khác, có những điều họ thực sự chưa trưởng thành.

 

2. Người cổ Phương Đông đã từng dạy về chuyện này.

 

Người ta thường nghĩ, Kinh cổ Veda dạy sự chuyển đổi kiến thức. Điều đó là nhầm lẫn. Điều đó là ngu xuẩn. Không phải là kiến thức. Nói là kiến thức đã làm mất đi sự linh thiêng của Kinh, làm mất đi sự minh triết của Veda. Nó là Kinh về Nhận biết, về Tỉnh táo. Thánh điển Upanishads, mở rộng và diễn giải Kinh cổ Veda, có nói đến điều này; Hamvas Béla, trong một tiểu luận về Sự sống, có trích đoạn như sau:

 

"Thế giới và tất cả những gì đang sống, đều chìm ngập trong sự tồn tại của thượng đế. Kẻ từ bỏ, niềm vui là của kẻ đó. Cái của người khác, hãy đừng mơ ước.

 

Cứ để cho đám đông rên rỉ, cứ để họ chúc tụng họ cuộc đời trăm tuổi. Bởi niềm vui đích thực là của ngươi. Đừng bám lấy niềm ước mong trần thế.

 

Ma quỷ che đậy thế giới này và bóng tối mù lòa bao trùm lên những kẻ, mà linh hồn đã chết đều rơi xuống đây sau cái chết của họ.

 

Kẻ biết duy trì những thực thể sống trong bản thân họ, duy trì các bộ phận của cái Tôi, của bản thân họ trong tất cả những gì là sự sống, kẻ đó không bao giờ biết sợ hãi, không sợ cái chết và những cái khác nữa.

 

Bởi vì kẻ là cái Tôi của mọi thực thể sống, đã thức tỉnh; và nỗi buồn phiền và lo lắng đọng lại ở đâu, nếu kẻ đó thấy tất cả là MỘT?

 

Những kẻ vô thức vật vờ trong bóng tối mù lòa, nhưng những kẻ tích lũy kiến thức cho kiến thức còn vật vờ hơn trong bóng tối dày đặc hơn.

 

Con đường dẫn tới một nơi khác, khác nơi kiến thức hoặc vô kiến thức dẫn dắt. Những bậc thày lớn của thời cổ đã dạy như thế, những người mà lời dạy của họ còn để lại cho chúng ta. Kẻ nào có kiến thức hoặc vô kiến thức đều không đủ, và cần phải bước qua cái chết bằng cả hai nhận thức này, kẻ đó sẽ bất tử.

 

Kẻ bước vào màn đêm dày đặc là kẻ tin rằng nó biến thành hư vô; nhưng kẻ cho rằng nó sẽ trở thành một cái gì đó, kẻ đó còn bước vào một màn đêm dày đặc hơn.

 

Trở thành một cái gì là điều khác, khác với việc trở thành hư vô. Các bậc thày thời cổ đã dạy như thế, và để lại cho chúng ta một truyền thống.

 

Kẻ nào biết, không có chuyện trở thành một cái gì đó, nhưng hư vô hóa cũng không, và với hai nhận thức này bước qua cái chết, chỉ kẻ đó bất tử.”

 

Người cổ India đã chia nhân loại làm ba loại người.

 

Loại người vô thức, những người không nhận biết, những người đang đi vào bóng tối. Đúng hơn, họ đã ở đấy sẵn. Họ đang ngủ. Họ là những kẻ tưởng thời gian của mình chưa tới. Họ không nhận biết về bản thân mình và những điều xung quanh. Họ đang lầm lẫn bản thể của mình với những điều không phải là nó. Nhưng, người cổ India cho rằng: những người này, vẫn còn hy vọng. Nếu họ nhận được những cú giáng, những cú chấn động, có thể họ bừng tỉnh và mở mắt. Tiềm năng của họ có, có điều kiện, nó sẽ mở ra.

 

Loại thứ hai, cao hơn, cao hơn những kẻ vô thức. Họ là những người Nhận biết. Họ sống trong thế giới của kiến thức. Có hai khả năng cho loại người này, họ sẽ đi về một trong hai con đường, ngược chiều nhau. Nếu họ cởi mở, họ sẽ có ý thức hơn, ý thức của họ sẽ đi vào những tầng sâu hơn. Và họ sẽ có thể nhận biết, nhận biết nhiều hơn. Họ có thể nhận biết về bản thân mình, họ có thể nhận biết về những điều xung quanh. Nếu họ không cởi mở, những người thu thập kiến thức cho kiến thức, họ sẽ ở trong sự tăm tối hơn, họ sẽ trở thành nô lệ nhiều hơn. Nô lệ của kiến thức. Thứ kiến thức duy lý. Kiến thức duy lý là giấc ngủ nguy hiểm, nó mê mờ hơn, nó nhiều ràng buộc hơn. Thu nhập kiến thức cho kiến thức, chỉ gia tăng số lượng vật chất của kiến thức; nhưng không thay đổi chất lượng, không gia tăng sự chuyển hoá của nhận thức. Nó đóng khung những con người này lại. Những con người này, tiềm năng có trong họ; nhưng sẽ là khó mở hơn những người vô thức, nó bị nhiều lớp khoá, lớp khoá kiến thức duy lý.

 

Loại thứ ba, không phải hai loại trên, không đi trên đường của hai loại trên. Họ không bị kiến thức dẫn dắt. Họ không trôi không chiều hướng như vô thức. Họ không phải là vô thức. Họ không phải là Nhận biết. Họ vượt lên nhận biết, họ là người Tỉnh táo.

 

Họ là người mà, "biết duy trì những thực thể sống trong bản thân họ, duy trì các bộ phận của cái Tôi, của bản thân họ trong tất cả những gì là sự sống". Vậy thì, họ bắt đầu thấy và hiểu hiện hữu là sự hợp nhất hài hoà. Mọi vật, mọi con người đều chung một gốc, MỘT. Con người đó, không còn là cái tôi cá nhân. Họ là cái tôi vũ trụ. Họ cởi mở, họ sáng tạo, họ tỉnh táo. Tâm thức họ đã mở, hoà vào bầu trời mở. Họ đã thức tỉnh.

 

Đó là giáo lý của người India cổ, giáo lý của Hinduism.

 

Vô thức, Nhận biết và Tỉnh táo là ba trạng thái Tâm thức của con người. Con đường đến Chân lý, không phải từ kiến thức.

 

3. Cách tiếp cận hiện đại, không khác vậy, từ cái gốc đó mà ra. Tôi đã từng viết trong: "Tâm thức, không gian ba chiều."

 

Tâm thức là một không gian, không gian ba chiều. Tâm thức có ba chiều chính: Trí tuệ, Tâm trí và Trực giác. Phát triển tâm thức là biến đổi, biến đổi cùng lúc ba chiều này. Một chiều biến đổi, không làm cho Tâm thức phát triển; phải cả ba chiều biến đổi. Tâm thức phát triển, khi và chỉ khi đồng thời phát triển trí tuệ, triệt tiêu tâm trí, khơi mở trực giác; phải đồng thời cả ba.

 

Trí tuệ là sự tiếp thu kiến thức của các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học kinh doanh, khoa học chính trị, khoa học con người và khoa học tâm linh,… Đồng thời là sự hấp thụ những trải nghiệm của đời sống, niềm hân hoan của thành công, nỗi cay đắng của thất bại. Tất cả theo thời gian, năm tháng những kiến thức và những trải nghiệm ngấm vào máu thịt, thấm đẫm trong từng tế bào, không chỉ chứa đựng trong bộ óc mà còn tràn đầy trong trái tim, hình thành và hun đúc nên thành bản lĩnh trí tuệ. Trí tuệ là cái bên trong của con người, nó từ bên ngoài rồi trở thành một phần của cái bên trong.

 

Trí tuệ là cái làm nên Con Người. Đó là hiện tại của con người. Thông qua Trí tuệ con người thực hiện chức năng sống. Và tất cả các hoạt động khoa học, tất cả các hoạt động kinh doanh, tất cả các hoạt động chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,… của con người đều dựa vào nền tảng chung đấy là Trí tuệ.

 

Tâm trí là những cảm xúc, những suy luận, những định kiến, những phán xét, những liên hệ, những tưởng tượng và cả tư duy,… Tâm trí luôn luôn lôi kéo Trí tuệ. Tâm trí là lăng kính của Trí tuệ. Qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) con người nhận biết được thế giới hiện thực. Thấy một Bông hoa mọc ven đường; cảm nhận được hương thơm nhè nhẹ, bồi hồi bởi sắc tím nhàn nhạt,… Hãy cảnh giác với tâm trí, tâm trí đã hiện về rất nhanh, vâng rất nhanh. Nếu đang vui, tâm trí sẽ mách bảo, sẽ mua một cây hoa này để trồng, sẽ hái những đoá hoa này tặng bạn, sẽ trồng bên hồ nước sau nhà,… Nếu đang buồn, tâm trí sẽ thủ thỉ rằng bông hoa này đẹp nhưng không thích nó, nó gợi đến kỷ niệm buồn, hoa này đẹp nhưng bán khá đắt tiền, hoa này đẹp nhưng hương vị nhạt nhoà, nhà bên cạnh cũng có hoa này, sẽ trồng bụi hồng rực rỡ cho nó đẹp hơn,… Nếu là người hiểu biết, có thể tâm trí sẽ giảng giải: đấy là cây thuộc họ gì, chỉ mọc ở vùng nào, chỉ ra hoa vào thời gian nào,… Tâm trí hiện lên đủ chuyện: phải hay trái, đúng hay sai, đẹp hay xấu,… để rồi khởi lên mọi thứ cảm xúc, đánh giá, phân biệt... Tâm trí không những khởi lên những vấn đề của hiện tại, mà còn nhớ lại các cảnh thuộc quá khứ, mơ ước các cảnh trong tương lai cũng mãnh mẽ không kém. Tâm trí luôn thường quên đi bản chất của sự thật. Tâm trí luôn phụ thuộc vào trạng thái của tình cảm. Trong tâm trí cảm xúc là một yếu tố quan trọng nhất.

 

Bản năng và Trực giác cùng nằm trong trong Tiềm thức. Nếu Trí tuệ thuộc về ý thức, thì Bản năng thuộc về vô thức và Trực giác thuộc về siêu ý thức. Cả ba cái thuộc về bên trong của con người. Trí tuệ là tầng lầu thứ hai, Bản năng là tầng dưới và Trực giác tầng trên cùng, tầng thức ba. Bắt đầu từ bên ngoài được tích luỹ từ tri thức từ kinh nghiệm; ngấm vào máu thịt, vào hơi thở, vào từng tế bào rồi hình thành lên thành bản lĩnh Trí tuệ. Bản năng và Trực giác lại nằm ở sâu thẳm bên trong; và được hình thành từ nhiều kiếp sống, được hình thành từ quá trình tiến hoá của loài người; không chỉ hình thành trong một kiếp người. Đó là sự khác nhau giữa Trí tuệ với Bản năng và Trực giác.

 

Bản năng thuộc về vô thức, xã hội loài người với những định kiến, những lề thói, không coi trọng bản năng, coi nó gần với thuộc tính của con vật. Nhưng không có những vận động bản năng thì con người chết, không sống được. Ăn, uống, hoạt động tính dục và đặc biệt là thở,… là những hành vi thuộc về Bản năng. Chỉ không thở trong vài giây, vài phút con người không thể sống nổi. Hãy coi Bản năng là những điều tự nhiên, đừng ghét bỏ nó; nó là tự nhiên và nó là thiêng liêng.

 

Trực giác thuộc về siêu ý thức, nó nằm sâu bên trong. Bản năng gần với thuộc tính của con vật, Trí tuệ làm cho con người không phải con vật, nhưng Trực giác mới thực sự làm cho con người trở thành Người.

 

Trí tuệ, Tâm trí và Trực giác là ba chiều của Không gian Tâm thức. Tâm thức phát triển thì Trí tuệ phát triển. Nhưng Trí tuệ phát triển không thể làm cho Tâm thức phát triển. Tâm thức phát triển khi và chỉ khi cùng đồng thời với ba sự biến đổi: sự phát triển Trí tuệ, sự buông bỏ Tâm trí và sự khơi mở Trực giác. Phải cả ba chiều biến đổi Tâm thức mới phát triển. Đó là lý do giải thích đoạn Thánh điển Upanishads đã trích:

 

"Con đường dẫn tới một nơi khác, khác nơi kiến thức hoặc vô kiến thức dẫn dắt. Những bậc thày lớn của thời cổ đã dạy như thế, những người mà lời dạy của họ còn để lại cho chúng ta. Kẻ nào có kiến thức hoặc vô kiến thức đều không đủ, và cần phải bước qua cái chết bằng cả hai nhận thức này, kẻ đó sẽ bất tử."

 

Có thể diễn đạt tính thơ ca của Tâm thức và Tâm trí như Đại dương và sóng. Đại dương thì bao la; sóng đã ngàn năm, đã triệu năm, khi hiền hoà, khi giận dữ cuồn cuộn trên mặt Đại dương. Sóng luôn gây hỗn độn cho Đại dương, như Tâm trí luôn gây rối loạn cho Tâm thức. Nhưng sóng không phải từ trong lòng của Đại dương, nó đến từ bên ngoài, nó đến từ gió, nó đến từ bão, nó đến từ chênh lệch áp suất của tầng khi quyển. Nó chỉ có thể xáo động mặt biển, chỉ bề mặt mà thôi. Ngay cả khi nó giận dữ nhất, nó cuồng nộ nhất nó cũng chỉ tạo nên xáo động bề mặt, chỉ bề mặt mà thôi. Các nhà khai thác dầu khí, họ xây dựng các công trình trên biển với cả một kinh phí khổng lồ, hàng tỷ hàng chục tỷ USD, họ phải rất cẩn thận với sóng biển. Họ đã tính toán với những cơn sóng với tần xuất rất thấp, hàng trăm năm mới xảy ra một lần, đó là những cơn sóng lớn nhất. Những cơn sóng tính toán đó, chiều cao sóng tính toán đó chỉ lên tới trăm mét. Trăm mét hỗn độn, trăm mét rối loạn, đó chỉ là bề mặt, bề mặt của Đại dương bao la sâu hàng chục ngàn mét. Nhưng có những con sóng thần, những con sóng bạo tàn. Nó cũng đến từ bên ngoài, không phải trong lòng Đại dương, nó đến từ sự nứt gẫy và trồi trụt của những lát cắt địa tầng dưới đáy Đại dương. Nó tích luỹ một năng lượng khổng lồ, bằng hàng chục hằng trăm lần năng lượng của quả bom Nguyên tử do người Mỹ thả xuống Nhật ở cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự trồi trụt của mặt đất dưới đáy biển, hãy tưởng tượng một dãy núi dịch chuyển, dịch chuyển cực kỳ nhanh. Sự dịch chuyển này kéo theo một lượng nước kèm rất lớn chuyển động theo. Các nhà Hàng hải, khi sản xuất những con tàu, họ vô cùng quan tâm tới dao động của thân tàu trên sóng. Qua tính toán, thực nghiệm trong Bể thử mô hình và thực nghiệm trên mô hình 1/1, họ nhận ra được một kết luận lớn lao, quán tính chuyển động của tàu chỉ là một phần thôi, một phần lớn khác là ở lượng nước kèm cùng chuyển động theo; nó đã tích luỹ một năng lượng rất lớn, lớn hơn nhiều năng lượng của con tàu. Và sóng thần cũng vậy, năng lượng chuyển động của dãy núi đã được cộng thêm năng lượng nhiều lần lớn hơn của lượng nước kèm. Một năng lượng khổng lồ. Nó đã gây ra khủng khoảng ở Thailand năm 2004, nó đã gây ra khủng khoảng ở Nhật bản năm 2011,… Nhưng ngay sau đó, không dài lâu, Đại dương lại trở lại êm đềm như chưa có gì xảy ra. Rồi ngay cả khi có sóng thần, thì cũng không phải toàn Đại dương nổi sóng, chỉ một phần, một khu vực nhỏ so với Đại dương bao la mà thôi. Và sóng vẫn cứ là bên ngoài, bề mặt trên hoặc bề mặt dưới. Tâm trí luôn làm rối loạn Tâm thức, nhưng chỉ là rối loạn bề mặt.

 

Khi Đại dương là Tâm thức, sóng là Tâm trí, thì Trí tuệ là nước của những dòng sông. Triệu năm nay, trong dòng Mekong nước từ Tibet, qua China, qua Thailand,… tới Việt Nam rồi đổ ra biển. Sông Ganges, sông Amazon, sông Nil, sông Mississipi-Missouri,… ngàn năm nay, triệu năm nay vẫn đưa nước chảy ra biển. Tất cả các dòng sông đều chảy ra biển. Tất cả các dòng sông đều mang nước cho biển cả. Như Trí tuệ góp kiến thức và kinh nghiệm cho Tâm thức. Các dòng sông Trí tuệ chở kiến thức và kinh nghiệm cho Đại dương Tâm thức. Các dòng sông luôn chảy, khi hiền hoà, khi cuộn sóng, luôn luôn miệt mài, luôn luôn tích góp. Sông cứ tưởng không có sông, Đại dương khô cạn. Sông luôn tưởng vậy. Nhưng Đại dương bao la lắm, nước của các dòng sông chiếm được bao nhiêu phần nước đang có trong Đại dương. Cũng như vậy, hãy đừng nghĩ rằng Trí tuệ là phần quan trọng của Tâm thức; không, nó chỉ là một phần nhỏ, rất và rất nhỏ mà thôi.

 

Sóng thì bề mặt, mà nhìn vào Đại dương luôn thấy sóng; còn các dòng sông thì cứ tưởng không có sông nước Đại dương sẽ cạn. Tâm trí và Trí tuệ là như vậy với Tâm thức. Đâu có biết rằng trong lòng Đại dương luôn có những dòng Hải lưu. Những dòng hải lưu chảy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ dưới Đông Nam lên Tây Bắc; chảy thông qua các Đai dương, chảy từ Ân độ dương tới Thái bình dương, chảy từ Thái bình dương tới Đại Tây dương… Ngàn năm nay, triệu năm nay những dòng hải lưu luôn chảy. Bề mặt Đại dương không thấy gì, khi không có sóng Đại dương luôn êm đềm, hiếm ai biết được trong lòng Đại dương có những dòng Hải lưu. Không có những dòng Hải lưu Đại dương là Đại dương chết. Những dòng Hải lưu là cuộc sống của Đại dương. Những dòng Hải lưu với Đại dương là Tiềm thức, là Bản năng, là Trực giác với Tâm thức.

 

Trí tuệ, Tâm trí, Trực giác và Tâm thức nó là như vậy. Nó không thể khác được, xin đừng hiểu nó khác đi. Nó phải là như vậy.

 

Cũng có thể dùng ngôn ngữ Toán học có thể diễn đạt những điều này. Nếu coi Tâm thức là một hàm số, có ba biến số, biến số thứ nhất là Trí tuệ, biến số thứ hai là Tâm trí và biến số thứ ba là Trực giác. Hàm Tâm thức đạt cực đại khi và chỉ khi hai biến số Trí tuệ và Trực giác đạt cực đại cùng đồng thời với với biến số Tâm trí đạt cực tiểu. Nó là hàm ba biến. Có thể bằng những phương trình, những phép toán vi phân, những phép toán tích phân, những phổ, những phép rời rạc… để mô tả điều này được không? Tôn giáo biết, Toán học hiểu? Nhưng nếu mô tả được, thì hãy mô tả hàm Tâm thức với biến số Trí tuệ chỉ cần là hàm đa thức đơn giản mà thôi; chỉ cần đạo hàm một vài lớp là nó có thể trở thành tuyến tính hoặc bằng không. Nhưng với biến số Tâm trí và Trực giác thì khác đấy; hàm Tâm thức lúc này phải là dạng phổ hoặc là những hàm số phức tạp, nó không thể tuyến tính sau vài ba lần đạo hàm đâu, nó phải có những điểm kỳ dị, nó phải có những bước nhảy, nó phải có những điểm gãy,… Và có thể biến số này còn có thể là hàm số của biến số kia. Quan hệ Toán học này phải là quan hệ phức tạp, không thể đơn giản được. Nhưng lời giải của nó sẽ là đầy bất ngờ. Cực trị của Tâm thức đầy bất ngờ. Nó có thể đạt cực trị tại những điểm, những toạ độ đơn giản nhất.

 

4. Con đường phát triển Tâm thức, đi từ Phụ thuộc, qua Liên thuộc rồi tới Độc lập.

 

Phát triển Trí tuệ, con người uyên bác hơn, con người Nhận biết hơn. Nhưng con người sẽ phụ thuộc, phụ thuộc vào những điều đang nhận biết. Kiến thức khoa học, luật pháp nhà nước, luân lý xã hội, quy luật kinh tế,... đấy là những cái con người phát minh ra, nó phục vụ con người và rồi con người phải phụ thuộc vào nó. Phải phụ thuộc vào nó, con người mới cảm thấy tốt hơn. Vì nó là hiện thực của thế giới này. Thế giới này tồn tại, không thể, không có nó. Có nó, để con người phân chia, phân biệt là tốt, là xấu. Để con ngươi đấu tranh, giải quyết giữa đúng và sai, giải quyết giữa thiện và ác. Và con người sẽ mãi mãi vướng mắc, phụ thuộc, nô lệ cho những điều đó. Nó là phụ thuộc.

 

Nhưng nếu, buông bỏ được Tâm trí, con người cởi mở hơn. Đúng sai, không sao. Thiện ác, không sao. Tiêu cực tích cực, không sao. Hai cái đối lập, là luôn cùng sinh ra, luôn cùng phát triển, luôn bù cho nhau, luôn hài hoà. Nhưng để chấp nhận được điều đó, chấp nhận được Nhị nguyên đối đãi, điều duy nhất là Tâm trí phải buông bỏ. Tâm trí buông bỏ là một cách nói; cách nói có vẻ chính xác hơn: tách rời Tâm trí. Tâm trí có đó, nhưng không phụ thuộc vào nó. Chỉ có Tâm trí buông bỏ, tách rời Tâm trí, mới không phán xét, không phân biệt, không đau khổ, không tiếc thương, không tức tối,... vì sai, vì ác, vì tiêu cực. Chỉ có tách rời Tâm trí, mới có thể chấp nhận được điều đó. Đó là liên thuộc. Chỉ có tách rời Tâm trí, mới tạo nên liên thuộc, mới vượt qua được phụ thuộc. Trí tuệ, dù có bản lĩnh, dù có uyên bác đến một mức nào chăng nữa, cũng chỉ tạo ra sự phụ thuộc cao hơn, cao hơn nữa mà thôi. Trí tuệ càng cao, sẽ càng nâng cao; nâng cao những điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng, giới hạn,... Tất cả những cái đó, gọi là chất lượng cuộc sống, chất lượng cuộc sống văn minh; nó chính là những cái để phụ thuộc. Trí tuệ không thể tạo nên sự liên thuộc.

 

Tách rời Tâm trí, là cả một hành trình vất vả, bền bỉ và dài lâu. Thiền là một phương tiện (có lẽ là duy nhất) để tách rời Tâm trí.

 

Bắt đầu bắt tách rời thân thể. Tầng đầu tiên, với Thiền là quan sát, tách rời và nhận biết thân thể. Nhận biết từng cử chỉ, hành động: đi, đứng, nằm ngồi, ăn, nói,… Nhận biết từng bộ phận cơ thể: tay, chân, ngón chân, ngón tay, các bộ phận trong cơ thể: dạ dày, thận, tim… Dần dần người thiền trở nên ngày càng tỉnh táo. Và khi đã trở nên nhận biết thì điều kì diệu bắt đầu xảy ra. Những hành động vô thức, những hoạt động vô minh, mà quen làm trước đây, nay biến mất. Người đó có thói quen thở hắt ra, không thở hắt ra nữa. Người đó có thói quen khi ngồi rung chân, không rung chân nữa khi ngồi. Người thiền trở nên lịch lãm hơn, nhẹ nhàng hơn. Thân thể người đó trở nên thảnh thơi hơn, trở nên hài hoà hơn. An bình bắt đầu lan toả trong thân thể; và âm nhạc, âm nhạc tinh tế rộn ràng trong thân thể họ; họ luôn hân hoan và ánh mắt họ luôn long lanh; lễ hội luôn có cùng họ. Người đó luôn sung sướng.

 

Rồi bắt đầu nhận biết đến ý nghĩ, đó là tầng thứ hai. Chúng tinh tế hơn thân thể và tất nhiên cũng nguy hiểm hơn nữa. Suy nghĩ, tư duy là đặc tính của con người; đưa con người vượt qua Thể con vật, đặt con người vào Thể Con người, hay còn gọi là Thể tâm trí. Nhưng một cách chắc chắn rằng: đến 90 phần trăm suy nghĩ của của người là lặp lại và vô dụng; đến 90 phần trăm suy nghĩ của của người là vận hành sai và thường có bản chất tiêu cực. Bởi vì suy nghĩ luôn là phân chia, phân biệt, so sánh. Và rồi những định kiến của xã hội, những thói quen đạo đức, luật lệ,… làm biến dạng các nhận biết; là nguồn gốc để suy nghĩ vận hành sai. Hãy quan sát tâm trí mình và sẽ thấy điều này là đúng. Nó gây ra sự rò rỉ sinh lực nghiêm trọng, nó làm tiêu hao năng lượng. Nếu tập trung quan sát suy nghĩ, năng lượng suy nghĩ sẽ giảm dần, suy nghĩ dừng lại. Việc quan sát làm biến đổi suy nghĩ.

 

Và khi người thiền trở nên nhận biết về các ý nghĩ của mình, người đó sẽ ngạc nhiên về điều xảy ra bên trong. Dần dần, các suy nghĩ hỗn độn mông lung không còn nữa; chúng đã trở nên hài hoà; rồi chúng hài hoà hơn. Dần dần, các suy nghĩ là ít xuất hiện; người thiền chỉ còn sự nhận biết sáng suốt của trực giác. Khi thân thể và suy nghĩ đã an bình; người Thiền thấy rằng cả hai, cả thân thể, cả suy nghĩ cùng hài hoà. Giờ đây không có khoảng cách giữa chúng; chúng không còn chạy theo hướng khác nhau nữa. Thân thể và suy nghĩ là một; an bình sâu sắc lan toả. Người đó luôn hạnh phúc.

 

Tầng thứ ba, tinh tế hơn nữa và khó khăn hơn nữa, quan sát và nhận biết cảm xúc. Vì tâm trí, bản ngã, cái tôi không chỉ có thân thể và suy nghĩ; mà còn có cả cảm xúc. Cảm xúc nảy sinh ở chỗ tâm trí và thân thể gặp nhau. Nó chính là phản ứng của thân thể với tâm trí. Nó là sự phản xạ của tâm trí lên thân thể. Một người bạo hành, tâm trí bị xúc phạm, luôn nảy sinh ý nghĩ thù địch, ý nghĩ tấn công; khi đó năng lượng sẵn có tạo ra sự giận dữ. Thân thể sẵn sàng đánh nhau. Hoặc một người khác, có nghĩ rằng đang bị đe doạ, về mặt vật lí hay tâm lí, làm cho thân thể co lại. Các nhà khoa học gọi đây là phản ứng vật lí của nỗi sợ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những xúc động mạnh thậm chí còn gây ra những biến đổi về sinh hoá trong thân thể. Cái khó khăn lớn nhất của con người, của nhân loại là luôn có một vòng luẩn quẩn giữa suy nghĩ và cảm xúc. Chúng nuôi dưỡng và khuyếch đại nhau. Một ý nghĩ tạo ra phản xạ khuếch đại về bản thân nó dưới dạng xúc động, và tần số rung động của xúc động lại giữ việc nuôi dưỡng cho ý nghĩ nguyên thuỷ. Tình huống, hay biến cố, hay người khác là nguyên nhân được cảm nhận của xúc động; ý nghĩ tiếp thêm năng lượng cho xúc động; rồi đến lượt nó, xúc động lại tạo năng lượng cho ý nghĩ. Và cứ thế mãi. Con người khổ đau, nhân loại khổ đau vì không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này.

 

Đây là giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng nếu người thiền có thể nhận biết về các ý nghĩ; thì khi đó chỉ là một bước thêm nữa. Một chút ít nhận biết mạnh mẽ hơn là cần có. Dần dần, người thiền bắt đầu phản ánh tâm trạng của mình, xúc động của mình, tình cảm của mình. Một khi đã nhận biết về cảm xúc, vòng luẩn quẩn cảm xúc và suy nghĩ dừng lại. Sự hài hoà thiết lập. Rồi khi người thiền đã nhận biết về tất cả ba điều: thân thể, suy nghĩ và cảm xúc; khi đó biến đổi lớn lao xảy ra. Thân thể, suy nghĩ, cảm xúc; chúng sẽ trở nên gắn với nhau trong một hiện tượng. Và khi tất cả ba điều này là một; vận hành hoàn hảo cùng nhau, hoạt động hài hoà nhau; thế thì người thiền cảm thấy âm nhạc của cả ba; cả ba: thân thể, suy nghĩ, cảm xúc đang hoà tấu. An bình sâu sắc trong bản thể của người đó. Người đó luôn hoan hỷ, người đó luôn tràn đầy hạnh phúc. Hoa từ bi bừng nở và toả hương. Người đó nhận biết được cả những điều đang nhận biết.

 

Chỉ khi đó, khi đó người đó thực sự bước vào mối quan hệ liên thuộc.

 

Khi hoàn toàn tách rời Tâm trí; như một cấu trúc củ hành, các lớp vỏ che bọc, từng bước được bóc tách; phần tinh tuý hiện ra. Trực giác đã có sẵn, Trực giác luôn có sẵn; Trực giác được khơi mở hoàn toàn. Những kiến thức không phải của hôm nay, không phải chỉ một đời sống này; những Trí tuệ được tích luỹ từ ngàn năm, từ triệu năm bỗng được mở ra. Con người đó thấy được hiện hữu. Vậy thì con người đó, còn có gì để phụ thuộc, còn có phải vô vi liên thuộc.

 

Tương truyền rằng, sau khi có sự từ bỏ vĩ đại: từ bỏ tìm kiếm, Gautama Buddha đã ngồi dưới gốc cây bồ đề bốn mươi chín ngày, thiền định. Khi ngài từ bỏ hoàn toàn được tâm trí, sấm sét đã nổ ra trong ngài, ngài đã thấy tất cả các kiếp sống của ngài từ ngàn năm, từ vạn năm, từ triệu năm trong quá khứ, hiện về; ngài đã thấy được hiện hữu; ngài đã thấy được Chân lý. Trực giác của ngài đã mở ra hoàn toàn.

 

Trực giác khơi mở hoàn toàn, đó là thể của các Buddha, các Christ, thể Độc lập. Tôi đã từng trăn trở và tôi luôn trăn trở.

 

Có phải chăng; khi mọi nhà tù: giác quan, hệ thần kinh, não bộ, tư duy, suy nghĩ, cảm xúc, tri thức, tâm trí,… mọi vọng gác, mọi hàng rào, mọi tường ngăn,… cùng lúc sụp đổ, cùng lúc biến mất? Một năng lượng bao la, ngập tràn và mọi dạng đều chỉ tới vô dạng; và mọi dạng đều tan chảy và hoà nhập vào các dạng khác; một khoảng không bao la, cả đại dương và cả bầu trời; hệ mặt trời, thái dương hệ, cả vũ trụ, nhiều vũ trụ cùng hoà vào nhau, vô giới hạn; cái đẹp vô ngần, thuần khiết, tinh tuý, chân lý… Có phải chăng nó là như vậy? Có phải chăng đó là Hiện hữu?

 

Có phải chăng; khi các ý nghĩ dừng lại, toàn thể cơ chế dừng lại và con người là tách rời. Con người đã thoát vào trong thế giới dưới bầu trời mở. Con người thấy mọi thứ như chúng vậy; và thấy rằng mọi thứ không tồn tại; ngàn năm nay, triệu năm nay chúng đã chỉ là diễn giải? Chỉ các hiện hữu tồn tại; không có vật nào trong thế giới? Tảng đá, tảng đá là một hiện hữu? Cây, cây cũng là một hiện hữu, chim là một hiện hữu, mây là một hiện hữu, mặt trời là một hiện hữu, tia nắng là một hiện hữu? Mọi hình dáng đều là các hiện hữu, linh hồn? Đột nhiên, thế giới vật biến mất? Không phải là đá sẽ không có đó, không phải là cây sẽ không có đó, không phải là chim sẽ không có đó; chúng sẽ có đó thậm chí nhiều hơn thế, nhưng chúng sẽ không còn là cây, không còn là đá, không còn là chim nữa; chúng sẽ là những hiện hữu? Tâm trí con người đã biến mọi hiện hữu thành vật? Khi con người thoát ra khỏi tâm trí và có cái nhìn dưới bầu trời mở, đột nhiên chẳng có gì chút nào? Tính vật biến mất? Có phải chăng là vậy? Có phải chăng đó là Hiện hữu?

 

Có phải chăng; khi tâm trí mất đi, điều thứ hai mất theo là vật? Toàn vũ trụ đầy những hiện hữu, hiện hữu đẹp, hiện hữu thuần khiết, bởi vì tất cả chúng đều tham gia vào hiện hữu tối thượng của Thượng đế? Và khi đó những cái không phải là vật, cũng biết mất? Các định nghĩa biến mất, các quan niệm biến mất, các phân chia biến mất, tất cả mọi lý thuyết biến mất; Thuyết Tương đối của Einstein biến mất, Nguyên lý Bất định của Werner Heisenberg biến mất, Định lý Bất toàn của Kurt Gödelđã biến mất, lý thuyết Chuỗi biến mất, Không gian mười một chiều biến mất; Phép Biện chứng của Friedrich Hegel biến mất, Chủ nghĩa Hiện sinh của Kierkegaard, của Husserl biến mất; các giới hạn và phân chia biến mất? Các lâu đài tri thức, các đền đài tư tưởng cùng lúc sụp đổ? Một Nhận biết mới bắt đầu? Đột nhiên con người thấy cây bắt nguồn từ đất, không tách rời; gặp gỡ với trời, không tách rời; giao hoà cùng các tia nắng; hân hoan với ánh trăng vàng; rộn ràng với muôn triệu linh hồn? Đột nhiên con người thấy mình và mọi người đều bắt đầu từ Một; thân thể và bầu trời, các vì sao là giao hoà, là giao cảm, là hữu cơ và mật thiết? Mọi thứ được gắn với nhau; mọi con người đều là thành viên của mọi con người khác? Toàn thể vũ trụ trở thành một mạng tâm thức, hàng triệu và hàng triệu tâm thức, chói sáng, rực sáng từ bên trong, mọi bộ phận, mọi yếu tố, mọi nguyên tử, mọi tế bào, mọi hạt cơ bản, mọi chuỗi (nếu là vậy: cái tạo nên hạt cơ bản) đều được sáng? Hình dạng có đó, nhưng chúng không còn là vật chất; chúng là năng lượng động, dao động, và biến đổi? Cái để biến đổi chính là Tần số và Mật độ? Có phải chăng đó là điều đang xảy ra?

 

Phụ thuộc là mối quan hệ của thế giới này. Liên thuộc có chút ít xa xôi, nhưng nó là tiềm năng rất gần của những người Nhận biết. Tách rời Tâm trí mình, người Nhận biết có thể vượt tới Liên thuộc. Độc lập, có vẻ rất xa xôi; nhưng dường như, nó là Hiện hữu nhất.

 

5. Trong đời sống, có những khi Trực giác hé mở, như một món quà của Thượng đế. Đó là câu chuyện của nữ bác học Marie Curie. Bà đã phải bỏ ra ba năm ròng để giải quyết một vấn đề. Bà luôn trăn trở, mọi lúc, mọi nơi. Bà làm việc gần hai mươi giờ mỗi ngày; nhưng bà nghĩ đến nó, suốt hai mươi tư giờ. Ăn bà cũng nghĩ đến nó, ngủ bà cũng nghĩ đến nó. Bà đã cố gắng tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau. Nhưng mọi hướng tiếp cận đều thất bại. Thế rồi, một đêm nọ, bà đã thiếp đi vì kiệt sức, nhưng thật tuyệt vời là chính trong giấc ngủ đó bà đã tìm ra đáp án. Bà đã viết đáp áp đó ra giấy, trong mơ. Sáng hôm sau, thức dậy, bà đã bất ngờ với chuyện này. Tiềm năng, trực giác đã giúp bà.

 

Người ta nói rằng, nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel trong việc tìm ra cấu trúc ADN, cũng trong trường hợp tương tự. Trong một giấc mơ, ông đã nhìn thấy rõ cấu trúc đó. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, ông chỉ còn phải làm một việc duy nhất là tái hiện lại hình ảnh mà mình đã nhìn thấy tối hôm qua, trong giấc mơ. Tôi không biết có phải vậy không?

 

Nhưng thực sự, có cơ chế logic trong chuyện này.

 

Câu chuyện của hoạ sỹ người Hà Lan, Vincent Willem van Gogh, một danh hoạ thuộc trường phái hậu ấn tượng, có vẻ rõ ràng hơn. Hiện nay, nhiều bức tranh của ông nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới. Ông là nghệ sĩ tiên phong của trường phái Biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại. Các họa sĩ thuộc trường phái Dã thú (Fauvism) như Henri Matisse và các họa sĩ thuộc trường phải Biểu hiện Đức thuộc nhóm Die Brücke, ít nhiều ảnh hưởng của ông. Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng trong nghệ thuật thập niên 1950 cũng bắt nguồn từ việc phát triển các ý tưởng sáng tác của Van Gogh. Di sản ông để lại là một kho tàng những bức tranh có giá hàng trăm triệu đô la Mỹ, như: Chân dung Bác sĩ Gachet, Chân dung tự hoạ, Hoa diên vĩ, Chân dung một phụ nữ trước cánh đồng lúa mì, Chiếc ghế… Nhưng tất cả vinh quang và sự giàu có đó, chỉ tới sau khi hoạ sỹ đã chết. Còn cuộc đời của ông, là cuộc đời của thiếu thốn, của đói rách và của bệnh tật. Có một chút may mắn, là ông còn có người em trai là Theo; một tình anh em, một tình bạn cao cả. Theo thường xuyên gửi tiền giúp đỡ ông. Nhưng ông có rất ít tiền và ăn uống đạm bạc, ông dành phần lớn số tiền Theo gửi cho để mua vật liệu sáng tác và trả tiền cho người mẫu. Tất cả đều dành cho vẽ tranh. Bánh mỳ, cà phê và thuốc lá là những thứ ông dùng thường xuyên. Tháng 2 năm 1886, Van Gogh viết thư cho Theo kể lại chuyện ông nhớ mình được ăn thịt nóng lần cuối là từ tháng 5, năm trước đó… Cuối cùng ông đã chấm dứt cuộc sống trong bệnh tật và túng thiếu. Trong cuộc đời Van Gogh, có hai hành vi giống như sự từ chối giàu có. Lần thứ nhất, ông từ bỏ nghề buôn tranh, vì không thể coi tranh là hàng hoá. Lần thứ hai, ông khước từ vẽ tranh theo phong cách của trường phái Ấn tượng, với những màu sắc vui tươi, đang được ưa chuộng thời bấy giờ. Chính hai sự khước từ này, mà tranh của ông sáng giá tới mãi ngày nay. Nhưng cũng chính sự khước từ đó mà ông đã thiếu thốn, đã đói rách và đã bị bệnh tật hành hạ. Hành vi đấy là gì? Tình yêu với nghệ thuật. Chính Tình yêu lớn lao này, đã làm thiếu vắng Cái tôi khi ông vẽ tranh. Ông đã bỏ quên cái thiếu thốn, cái đói rách, cái bệnh tật khi ông vẽ tranh. Và ông cũng đã bỏ quyên luôn sự hứa hẹn huy hoàng của Hoàng gia, nếu đi theo Ấn tượng. Ông đã đắm chìm, ông đã hoà mình vào trong cây cọ và tấm toan. Ông chỉ còn biết người mẫu, khung cảnh, chủ đề và phong cách nghệ thuật mà ông theo đuổi. Nếu nghe theo xu hướng thời thượng, những màu sắc tươi sáng và phong cách Ấn tượng, thì đó không phải là ông đã vẽ tranh, có thể đó là ông đã hành nghề hội hoạ, ông đã kiếm tiền và sẽ được rất nhiều tiền. Nhưng không thể có những tuyệt tác cho đến ngày hôm nay. Tâm trí, bản ngã có thể sẽ giúp ông không thiếu thốn, không đói rách và không bệnh tật. Vô ngã, tách rời Tâm trí, là phút giây Van Gogh đã thấy được Hiện hữu của CHIẾC GHẾ; Trực giác của ông bừng mở. Trực giác đã sản sinh ra Chân dung Bác sĩ Gachet, Chân dung tự hoạ, Hoa diên vĩ, Chân dung một phụ nữ trước cánh đồng lúa mì, Chiếc ghế…

 

Chuyện tiếp, về thi sỹ Li Bai. Li Bai nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và China nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Vậy mà có lần, đến Hán Dương, Vũ Hán, lên lầu Hoàng Hạc uống rượu và ngắm cảnh. Thi đàn thịnh Đường dường như nín thở để chờ đợi thơ tiên. Các thi sỹ từ cổ tới kim thường đến đây để ngắm cảnh, uống rượu và đề thơ. Ấy vậy mà, thấy bài thơ của Ts'ui Hao (Thôi Hiệu), ông đành cầm bút viết: “Trước mắt có cảnh đẹp, nhưng không nói ra lời, vì đã có Ts'ui Hao đề thơ ở trên đầu”. Kẻ sỹ trân trọng tài năng của nhau, có đấy. Nhưng trước đó vài chục năm, tại đây, Ts'ui Hao cũng đã xúc động trước cảnh sông nước bao la, khói mây mịt mùng, hoàng hôn mờ ảo, đã viết lên bài thơ bất hủ Hoàng Hạc lâu. Ts'ui Hao đã đánh mất Cái tôi, đã tách rời Tâm trí, Trực giác của ông bừng mở, khi làm bài thơ này. Li Bai viết lời trân trọng Ts'ui Hao, không làm được bài thơ nào, vì Cái tôi của Li Bai và Cái tôi của Ts'ui Hao đang sừng sững có đó. Vô ngã cho nhân loại bài thơ bất hủ. Bản ngã, Tâm trí có làm cho kẻ sỹ trân trọng nhau, nhưng Bản ngã, Tâm trí không làm được tuyệt tác thơ! Bản ngã, Tâm trí đã làm mất đi Tình yêu của nhà thơ với cái đẹp. Bản ngã, Tâm trí đã giết chết Tình yêu.

 

Trong nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, văn chương, hội hoạ, điêu khắc và điện ảnh,… nghệ sỹ sáng tác được là khi và chỉ khi đã đắm mình vào trong nghệ thuật, buông bỏ được tâm trí, buông bỏ những tính toán, buông bỏ những mục tiêu, buông bỏ hào quang giả tạo của sự đứng đầu, buông bỏ bản ngã. Quên mình, tác phẩm và bản thể hoà nhập vào nhau. Đó là sáng tác. Sáng tác không làm vì mục tiêu, không vì đồng tiền, không vì nổi danh, không vì vị trí đứng đầu,… Tất cả những cái ngu xuẩn đó không có đó. Tất cả chỉ vì Tình yêu. Khát khao yêu, thì Tình yêu sẽ tràn đầy. Tình yêu tràn đầy không còn chỗ cho những mục tiêu, không còn chỗ cho những toan tính, không có chỗ cho vị trí đứng đầu, không có chỗ cho cái tôi. Chỉ còn duy nhất Tình yêu. Không còn phân chia. Tình yêu đi vào trong im lặng. Bản thể trở thành trong suốt. Cái tồn tại tuôn trào qua đó. Giây phút đó kho tàng Trực giác bừng mở. Tinh hoa kết tụ, Tác phẩm kết tinh.

 

Không phải chỉ trong Nghệ thuật, trong Khoa học, trong Triết học, trong Cuộc sống, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều vậy.

 

Nhưng thật nguy hiểm cho cuộc sống, nếu như trong Khoa học, trong Triết học, trong Nghệ thuật và trong cả Tôn giáo, lại thiếu vắng Tình yêu, thiếu vắng Tình yêu thuần khiết. Nhiều khi người ta nhầm lẫn Tình yêu, cái không phải Tình yêu, người ta khoác danh của Tình yêu lên nó. Cuộc sống luôn bị huỷ hoại, tàn phá vì những điều như vậy. Chương trình Hilbert là một ví dụ nhỏ nhưng điển hình. Người ta có yêu toán học thực sự đâu, người ta yêu sự thống trị toán học đấy chứ.

 

Trao đổi với tôi, anh Phạm Việt Hưng viết rằng:

 

"Tôi làm việc trong ngành toán nên thấy rõ tác hại của Hilbert từ thời sinh viên, và đến bây giờ thấy vẫn y nguyên, thậm chí còn tệ hơn. Nhiều lúc thất vọng quá tôi đành lấy câu của Einstein ra làm lý do giải thích: “Only two things are infinite: the universe and the stupid of men; I am not sure about the former".

 

Vâng. Bởi lẽ, sự Nhận biết - Tỉnh táo luôn gắn liên với Từ bỏ - Tách rời và Tình yêu - Từ bi. Nếu con người không mở rộng tâm hồn, không tách rời với Tâm trí phân biệt và không phát triển Tình yêu, thì con người đó vẫn trong cõi mê mờ tăm tối Vô minh.

 

Vô minh là từ của Buddhism. Jesus Christ đã gọi nó là Tình trạng Tội lỗi. Tình trạng Tội lỗi, không có từ nào chính xác hơn vậy. Bởi một cách thông thường, nó không chỉ là Vô minh của một người, nó thường được khuyếch đại lên thành sự Vô minh tập thể, quốc gia, dân tộc... Nên Tình trạng Tội lỗi là những từ chuẩn xác nhất.

 

Gustave Le Bon, nhà tâm lý học, một French, tác giả của lý thuyết tâm lý học đám đông. Ông cho rằng: "những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa."

 

Và Hamvas Béla đã có lần thốt lên: "Nếu, ngày hôm nay Marx tỉnh dậy, nhìn xem cái gì đã xảy ra, đã thức tỉnh đám đông hào hứng thế nào, chắc chắn ông này sẽ đắm chìm vào suy nghĩ."

 

Bởi đệ tử của Marx, họ cũng không yêu ông ấy đâu, họ tưởng lầm là Tình yêu và họ đang hướng vào cái khác đấy chứ.

 

Cư sỹ Minh Đạt
Ý kiến xin gửi về địa chỉ của tac giả : <tincaytinhyeu@yahoo.com>,

TƯ TƯỞNG

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.