.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Ngươi không phải là một tạo sinh, mà là sự biểu hiện
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

n Học

Diễn Đàn

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

Giữ thân cho mẹ - Giữ nước cho cha

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Tư Tưởng

Sự an toàn 

  • PSN 5.4.2014 | Mộc Nhiên

 

Le leadership et le symbole de l'éducation représenté par une forme de tête humaine avec des engrenages et rouages ??qui représente le concept de propriété intellectuelle transférés et partagés avec d'autres. Banque d'images - 9979402Sự an toàn thể chất của mọi sinh vật và của con người nói riêng là điều thiết yếu không cần phải bàn cãi. Điều này có lẽ đã được tạo hóa ghi sẵn trong gen của mỗi sinh vật, nhưng hình như sự an toàn về mặt tâm lý lại đeo đuổi con người dai dẳng và khốc liệt hơn. Mỗi một hành động của con người đều có thể qui chiếu vào hành vi hướng tới sự an toàn cho bản thân mình, đặc biệt là an toàn tâm lý, một cảm thức được an ổn về tương lai không thể biết chắc sẽ như thế nào.


Sự bất an, lo lắng cho tương lai có lẽ là một định mệnh thời gian của riêng con người. Vì tôi từng chịu đau khổ, hay đã nhìn thấy nhiều trường hợp đau khổ, tôi đâm ra lo sợ cho tương lai của mình sẽ giống như thế, tôi tìm kiếm và chuẩn bị mọi thứ có thể giúp tôi tin chắc mình sẽ an ổn trong tương lai, các thứ mà tôi tìm kiếm có thể là sở hữu vật chất cho thật nhiều để không bao giờ thiếu hụt, hay gắn mình vào một ý tưởng, một lý tưởng có thể an ủi tôi trong nhiều năm về sau. Vấn đề ở đây, theo Krishnamurti, không phải là có nên tìm một cuộc sống yên ổn, an toàn hay sống bất kể ngày mai. Điều mà Krishnamurti muốn nói là sự truy tìm cảm thức an toàn là một nỗi đau thời gian. Truyền thống lại có liên quan mật thiết đến cảm giác an toàn, và sở dĩ người ta bám theo truyền thống vì họ cảm thấy được an toàn trong đó, họ sợ hãi một tương lai bất an.


Con người truy tìm sự an toàn từ bản thân cho đến những ý niệm rộng lớn vô cùng. Theo Krishnamurti, trước tiên tôi tìm sự thể an toàn thể chất, và điều này hoàn toàn thuộc bản năng và hợp lý, nhưng tôi phát triển sự an toàn to hơn, vững chắc hơn qua tiền bạc, nhà cửa, tài sản, đất đai; sau đó tôi tìm an toàn trong danh tiếng, tôi muốn phóng đại cái tôi của mình lớn hơn cái mà tôi đang có, tôi cần có nhiều người biết tôi hơn; tôi tìm an toàn trong những người thân quanh mình, trong gia đình, tôi sợ cảm thức cô độc, lẻ loi một mình giữa những báu vật an toàn mà tôi đã thu nhặt được, và ngược lại, nếu chẳng còn sự an toàn nào khác thì tôi sẽ quay về gia đình, người thân, là nơi dù tôi chẳng có tài năng hay tiếng tăm gì mọi người vẫn biết tôi, vẫn dung chứa tôi; tôi tìm an toàn trong những cảm thức rộng hơn khi đồng hóa mình vào phe phái, tổ chức, quốc gia, một nguyên tắc sống, một lý tưởng cầu toàn, hay phó thác cả thân tâm mình vào một đấng thiêng liêng nào đó. Loại bỏ tất cả những thứ đó ra tôi chẳng là gì cả, tôi không thể nào chịu được cảm thức sống trong bất an khi phải lẻ loi đương đầu với những bất trắc không lường trước được.


Hầu hết chúng ta đều muốn an toàn – đó là một nhu cầu động vật trong con người. Hiển nhiên chúng ta phải có một sự an toàn nhất định trong ý nghĩa thể chất. Chúng ta phải có một nơi để sống, và phải biết mai có gì ăn không – trừ phi sống ở phương Đông người ta có thể bất cần an toàn thể chất, lang thang từ làng này qua làng nọ và các thứ tương tự. Thật may, hay không may, người ta không thể làm vậy ở đây vì nếu làm thế sẽ bị bỏ tù vì tội du thủ du thực.


Trong con thú, trong đứa hài nhi, trong đứa trẻ, thôi thúc được an toàn về thể chất rất mạnh. Nhưng hầu hết chúng ta lại đòi hỏi có an toàn về tinh thần. Trong mọi thứ chúng ta làm, suy nghĩ hay cảm giác, chúng ta muốn có an toàn, ổn định. Đó là lý do tại sao chúng ta tranh chấp với nhau gay gắt, tại sao chúng ta ganh tị, tham lam, tị hiềm, tàn nhẫn; đó là lý do tại sao chúng ta lại quan tâm kinh khủng về những thứ chẳng ra gì. Nhu cầu cứ nhất định đi tìm kiếm an toàn tâm lý đã tồn tại hàng triệu năm, và chúng ta chẳng bao giờ thắc mắc sự thực về nó. Chúng ta xem đương nhiên rằng phải có an toàn tâm lý trong quan hệ của mình với gia đình, với vợ hay chồng, với con cái, với tài sản, với đấng được gọi là thượng đế. Bằng mọi giá chúng ta phải cảm thấy an toàn.


Nào, bây giờ tôi muốn nói về nhu cầu an toàn tâm lý, bởi vì nó là một vấn đề thực tế. Đối với hầu hết chúng ta nếu không cảm thấy an toàn về mặt tâm lý thì có nghĩa là chết rồi, hay trở nên điên loạn, khác thường. Chúng ta có thể thấy sự khác thường này trên gương mặt nhiều người. Tôi muốn tìm ra sự thực vấn đề, tôi muốn hiểu toàn bộ nhu cầu an toàn, bởi vì chính mong muốn được an toàn trong quan hệ nuôi dưỡng ganh tị, lo lắng, làm nảy sinh thù ghét và khốn khổ mà chúng ta phải chịu. Và vì đòi hỏi được an toàn trong nhiều triệu năm, làm thế nào một tâm trí bị khuôn định như thế khám phá ra được sự thực về an toàn?.. Nhưng đây là vấn đề khó tìm hiểu, bởi vì không chỉ từ thơ ấu mà từ ngay khi bắt đầu lịch sử, chúng ta đã luôn luôn muốn được an toàn – an toàn trong công việc, trong suy nghĩ và cảm xúc, trong niềm tin và các thánh thần của mình, trong quốc gia, trong gia đình và trong tài sản. Đó là lý do tại sao ký ức, truyền thống, và toàn bộ hậu cảnh của quá khứ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Mỗi kinh nghiệm lại cộng thêm vào cảm thức an toàn của tôi, mỗi kinh nghiệm được ghi lại trong ký ức, thêm vào kho chứa các thứ đã xảy ra. Kinh nghiệm tích lũy này trở thành hậu cảnh vĩnh viễn cho tâm trí bao lâu tôi còn sống, và với hậu cảnh đó tôi rút kinh nghiệm thêm nữa, vì thế mỗi kinh nghiệm xa hơn được cộng thêm vào, tăng cường cho cái hậu cảnh ký ức mà tôi cảm thấy an toàn, an ninh. Cho nên cần phải nhận ra toàn bộ tiến trình khuôn định ghê gớm của mình.


Theo Krishnamurti, nêu ra nỗi đau khi đeo đuổi sự an toàn tâm lý hoàn toàn không có nghĩa phải ở lại với sự bất an. Krishnamurti thường nhắc nhở người nghe không nên hiếu vấn đề ông nói theo những mặt đối nghịch, trong phạm trù nhị nguyên, và đặc biệt đừng suy nghĩ theo hướng cực đoan. Chẳng hạn nói rằng truyền thống là một ràng buộc tâm thức không có nghĩa là phải phá bỏ mọi truyền thống, nói rằng lệ thuộc vào những người thân là một ràng buộc không có nghĩa là từ bỏ gia đình, nói rằng các tổ chức chỉ nô lệ hóa con người không có nghĩa là phải đạp đổ mọi tổ chức, nói rằng chủ nghĩa quốc gia gây phân hóa không có nghĩa là xóa sạch mọi quốc gia trên bản đồ… Vẫn theo Krishnamurti, nếu chỉ nhận ra những trói buộc tâm thức của mình mà không vội vàng nhảy ngay vào một kết luận đối nghịch chính là đặc điểm của một trí tuệ sáng suốt.


Một trong những chủ đề lúc trẻ Krishnamurti thường hay ca ngợi là cách sống dễ bị tổn thương, mong manh như chiếc lá dễ bị những cơn cuồng phong cuốn phăng đi. Về sau ông ít nói như vậy, có lẽ ông tránh gây hiểu lầm rằng ông chủ trương sống mạo hiểm, sống bất cần, sống vô trật tự. Như đã nói, từ ngữ ông dùng có thể thay đổi theo từng giai đoạn trong đời ông, cho nên sự mong manh trước cuộc đời có thể thay đổi bằng sự nhạy cảm trong cái nhìn, hoặc ông nói thẳng ra rằng, “Chẳng bao giờ có sự an toàn tâm lý cả” và đi tìm sự an toàn chỉ là một ảo tưởng thời gian.


Người ta có thể thấy rõ mong muốn được an toàn khi gặp phải một con dã thú, một con rắn, hoặc khi băng ngang đường. Nhưng ngoài ra không có sự an toàn nào khác. Thực vậy, nếu chúng ta xem kỹ thì không còn hình thức nào khác. Chúng ta muốn có an toàn với vợ con, láng giềng, bà con, các quan hệ; nhưng sẽ không có an toàn như thế đâu. Chúng ta có cha, có mẹ, nhưng chúng ta không thực sự giao tiếp với nhau, chúng ta hoàn toàn cô lập. Chẳng có sự an toàn nào, tức là an toàn tâm lý, bất kỳ lúc nào, bất kỳ mức độ nào, với bất cứ ai – đây là việc khó nhận ra. Chẳng có an toàn tâm lý nào với người khác, họ cũng tự do như mình. Nhưng chúng ta lại muốn có an toàn trong các quan hệ của chúng ta, qua hôn nhân, qua thệ ước, đó là trò đùa mà chúng ta chơi với mình và người khác.


Chưa bao giờ chúng ta tiếp cận với sự bất an này. Chúng ta sợ mình bị bất an hoàn toàn. Cần phải rất thông minh để hiểu sự bất an này. Khi người ta cảm thấy không an toàn, người ta bỏ chạy. Hay vì không tìm thấy an toàn trong chuyện gì đó, người ta trở nên mất quân bình, sẵn sàng tự vẫn, vào bệnh viện tâm thần, hay trở thành người mộ đạo – như thế cũng là một hình thức mất quân bình thôi.


Cảm thức bất an quả là một cảm thức mãnh liệt làm thân tâm con người hoàn toàn tê dại và thậm chí sẵn sàng đầu hàng trước những trói buộc, chạy trốn sự tự do của chính mình. Nhưng chúng ta cũng thấy Krishnamurti không nói về sự an toàn thể xác, về nhu cầu nơi ăn chốn ở, là nhu cầu an toàn mà ông gọi là tự nhiên cần phải có. Ông chỉ nói về sự truy tìm không ngừng nghỉ mối an toàn trong tâm lý đã khiến con người đau khổ, và con người sẽ luôn luôn đau khổ nếu cứ mải mê tìm an toàn tâm lý, vì sự an toàn đó không bao giờ có thực, hay không bao giờ bền vững. Nhưng vì sao an toàn tâm lý không thể nào có?


Trước hết hãy xem có một điều gì gọi là an toàn nội tại trong quan hệ, trong tình cảm, trong cách chúng ta suy nghĩ không? Có một thực thể tối thượng nào mà mọi người mong muốn, hy vọng, đặt cả niềm tin vào đấy không? Bởi vì khi các ngài muốn an toàn, ngài sẽ sáng chế ra một thượng đế, một ý tưởng, một lý tưởng cho ngài cảm giác an toàn, nhưng có thể nó không thực chút nào, có thể nó chỉ đơn thuần là một ý tưởng, một phản ứng, một sự chống kháng với sự kiện bất an đang có. Vì thế người ta cần phải tìm xem liệu có an toàn ở bất kỳ mức độ nào trong cuộc sống của mình không. Trước tiên phải xét trong nội tâm, bởi vì nếu không có an toàn trong nội tâm thì tương quan của chúng ta với thế giới sẽ hoàn toàn khác hẳn; lúc đó chúng ta sẽ không đồng hóa mình với bất kỳ nhóm nào, với bất kỳ quốc gia nào, hoặc ngay cả chính gia đình mình.


Chúng ta phải xem xét liệu có một sự thường hằng nào, liệu có một điều gì gọi là “an toàn” không… Nếu các ngài cố tìm sự an toàn trong thượng đế, đó chỉ là sự sáng chế của các ngài. Các ngài phóng chiếu mong ước của các ngài vào một biểu tượng mà các ngài gọi là thượng đế, nhưng như vậy chẳng có giá trị chút nào. Các ngài phải giải thoát khỏi uy lực trong ý nghĩa đó. Tâm trí tìm kiếm uy lực, xây dựng uy lực trong một lý tưởng, một công thức, trong một con người, trong một niềm tin đặc thù và trong thích ứng, tuân phục…


Chúng ta còn tìm thấy an toàn tâm lý, về mặt tình cảm, trong việc đồng hóa chính mình với một ý tưởng, một nòi giống, với một cộng đồng, với một hành động đặc thù nào đó. Nghĩa là chúng ta tận hiến đời mình cho một lý tưởng nào đó, cho một phe phái chính trị nào đó, cho một cách suy nghĩ nào đó, các thói quen, tập quán, nghi lễ các loại. Chúng ta dâng hiến mình cho một kiểu sinh tồn đặc biệt, một cách nghĩ đặc biệt; chúng ta đồng hóa mình với một nhóm, một cộng đồng, một đẳng cấp, hay một ý tưởng đặc biệt. Sự đồng hóa với quốc gia, gia đình, phe nhóm, với cộng đồng, cho chúng ta một cảm giác an toàn nhất định. Các ngài cảm thấy an toàn khi nói tôi là người Ấn, tôi là người Anh, người Đức, hay gì gì đó. Sự đồng hóa này cho ngài cảm giác an toàn. Người ta phải nhận ra điều đó.


Vì thế khi đặt câu hỏi liệu có sự an toàn nào hay không, nếu không hiểu trực tiếpcâu hỏi này, vấn đề trở nên cực kỳ phức tạp. Bởi vì chính mong muốn an toàn nuôi dưỡng xung đột, trong khi có thể chẳng có an toàn gì cả. Về mặt tâm lý nếu chúng tanhìn ra sự thực là không có bất kỳ loại an toàn nào, bất kỳ kiểu nào hay ở bất kỳ mức độ nào, sẽ không có xung đột…


Krishnamurti khẳng định rằng hoàn toàn không có sự an toàn tâm lý, không có điều gì là thường hằng trong những mối tương quan của con người đối với con người chung quanh, không thể giữ cho mối tương quan này cố định vĩnh viễn, không đổi, vì sự sống là biến chuyển, con người thường xuyên chuyển biến.


Tôi nói rằng chẳng có bất kỳ loại an toàn nào, về mặt tâm lý, ở bất kỳ mức độ hay chiều sâu nào. Điều đó không phải là một thực tế với các ngài. Nếu các ngài lặp lại thì chỉ nói dối, vì nó không phải là một thực tế đối với các ngài. Các ngài phải tìm ra nó, bởi vì đó là một vấn đề khẩn thiết, bởi vì thế giới đang trong hỗn loạn, thế giới đang trong tình trạng tuyệt vọng, hung tàn, dã man hết sức đáng sợ. Khi nói “thế giới” tôi muốn nói đến thế giới chung quanh bên cạnh các ngài, không phải thế giới xa xôi của ai đó, mà là một thế giới quanh ngài, gia đình ngài, những người các ngài thường giao tiếp…


Có sự an toàn không? Có sự thường hằng mà con người tìm kiếm mọi lúc không? Khi tự quan sát mình, các ngài thấy cơ thể mình thay đổi, các tế bào cơ thể thay đổi thường xuyên. Khi nhìn lại mối tương quan của các ngài với vợ con, với người láng giềng, với quốc gia, với cộng đồng, có điều gì là thường hằng không? Các ngài thích biến nó thành thường hằng. Quan hệ với vợ con mà các ngài gọi là hôn nhân hợp pháp và giữ chặt nó. Nhưng có thường hằng trong quan hệ đó không? Bởi vì nếu các ngài đã đặt hết sự thường hằng vào vợ hay chồng, khi họ ngoảnh mặt quay lưng, hay để mắt đến người khác, hay bị bệnh, hay chết, ngài sẽ hụt hẫng hoàn toàn, ngài sẽ trở nên ghen tuông, ngài lo sợ, ngài chạy đến chùa, ngài nguyện cầu, ngài gọi mời mọi thứ ngớ ngẩn đến với mình.


Bức tranh mà Krishnamurti vẽ ra có vẻ hơi cay đắng và vô vọng khi sự an toàn trong một quan hệ rất hẹp là gia đình cũng bị ông tước bỏ. Tuy nhiên, ông bảo nếu hiểu rằng không thể có được sự an toàn tâm lý, hành vi của con người sẽ chuyển biến sang một trạng thái không có xung đột, vì ước mơ an toàn chỉ là sự phóng chiếu những giằng co bên trong tâm trí. Krishnamurti còn đi xa hơn nữa khi cho rằng sống với sự bất định là sáng tạo, vì lúc đó con người không chạy trốn nữa, họ sẽ đối mặt với mọi vấn đề của cuộc đời ở mọi cấp độ, mọi khủng hoảng, mọi thách đố, bằng một tâm trí sáng tỏ, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, chính ông cũng nói nếu như con người không còn cảm thấy an toàn trong hoàn cảnh họ đang sống, họ có thể phản ứng một cách bệnh hoạn là trở nên rối loạn tâm thần, trở nên điên loạn và sự điên loạn ấy chính là sự an toàn của họ, vì họ đã cắt đứt liên lạc với cái thế giới luôn đe dọa họ. Nhưng nếu không bị điên loạn vì không tìm được sự an toàn, cách mà họ chạy trốn, Krishnamurti cũng xem là một sự điên loạn. Ông nói rằng, “Khi trí não không có sự an toàn, nó tìm kiếm an toàn trong niềm tin, trong thánh thần, trong ý thức hệ, và đó là hành động rối loạn thần kinh”.


Tóm lại, theo Krishnamurti, sự an toàn tâm lý chỉ là một ảo tưởng, người ta không thể tìm thấy nó trong bất cứ cấp độ nào của đời sống, dù vẫn luôn luôn tưởng tượng rằng mình sẽ có nó. Vấn đề là cần phải tự mình nhận ra sự thực đó, không nên chấp nhận rằng đó là sự thực, vì chấp nhận như vậy chỉ là sự dối trá. Khi nhận ra được sự thật này, con người không tìm cách chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi hay lo âu nữa, họ đối mặt trực tiếp với biến động của cuộc sống ở mọi cấp độ, và đó là cách sống sáng tạo.

Biên dịch: Mộc Nhiên
 

TƯ TƯỞNG

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.