
Thảm nạn
tết Mậu Thân 1968 ở Huế.

Thảm nạn
Mỹ Lai 16.03.1968.

Thảm nạn
Cải cách ruộng đất 1951-1955. |
Khổ
đau có thể làm cho ta nên người, làm cho ta sáng mắt, nếu ta
biết học hỏi từ khổ đau. Nhờ có trải qua kinh nghiệm khổ đau, ta
có thể hiểu, thương, và chấp nhận cùng nhau. Trong chúng ta có
những người đã trưởng thành nhờ đi qua khổ đau, nhưng cũng có
những người bị chìm đắm trong khổ đau mà không thoát ra được,
bởi vì không học được bài học thương đau.
Đất nước đã đi qua một cuộc chiến đầy thương đau, cho đến bây
giờ thương tích trong chiều sâu vẫn còn, chưa được chữa trị.
Cuộc chiến dai dẳng mà đất nước chúng ta đã trải qua cuối thế kỷ
20 không phải chỉ là một cuộc chiến giải phóng mà còn là cuộc
chiến tranh ý thức hệ. Chúng ta biết, nếu tất cả những người đấu
tranh cho độc lập tổ quốc đã cùng đứng với nhau trên một chiến
tuyến không bị các chủ nghĩa đặt vào trong thế đối lập nhau thì
cuộc tranh đấu đã sẽ không cam go như thế, cuộc chiến tranh đó
không kéo dài như thế, đau thương tang tóc đã không lớn lao như
thế, và dân tộc cũng sẽ không bị ly tán như bây giờ.
Trong các đại Trai đàn Bình đẳng Chẩn tế Giải oan thiết lập tại
quê hương năm 2007 các Phật tử tham dự đã có dịp cầu nguyện với
nhau : « …Nhờ
phước đức tổ tiên để lại, cho nên hôm nay tất cả chúng ta mới
được về lại với nhau để nhìn nhận nhau như con một nhà, để cùng
hứa với nhau là sẽ học cho thật thuộc bài học của đau thương
trong quá khứ: nguyện từ nay về sau không để cho đất nước bị
chia cắt một lần nào nữa, từ nay về sau khi có khó khăn nội bộ
sẽ không nhờ đến bất cứ một thế lực ngoại bang nào can thiệp
nữa, từ nay về sau sẽ không khởi xướng một cuộc chiến tranh ý
thức hệ nào nữa,… »
Học thuộc bài học đau thương để đừng lập lại thêm lần nào nữa,
người Phật tử phải học trước vì tinh thần của đạo Phật là tinh
thần phá chấp, không bị kẹt vào giáo điều, ý thức hệ. Giới thứ
nhất của dòng tu Tiếp Hiện nói lên được tinh thần phá chấp ấy :
« Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao
dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào
bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào,
kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Bụt dạy phải
được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát
khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ
phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. »
Những đau thương của các dân tộc Trung Đông hiện thời cũng phát
xuất từ sự đối đầu tôn giáo và ý thức hệ. Chúng ta biết những
thành phần gọi là « khủng bố » giết người không gớm tay, không
hối hận mà còn nghĩ rằng mình đang đi trên con đường chính trực,
hầu hết đều là những thanh niên con nhà lành, có học thức, có
bằng cấp, có địa vị xã hội cao. Họ sẵn sàng chết để trừng phạt
đối phương, là vì họ trung kiên với một ý thức hệ, một tôn giáo…
Bên phía « chống khủng bố » cũng vậy, dù phải sống xa nhà, luôn
luôn đối diện với tử thần, và dù phải chết họ cũng cam lòng vì họ có niềm tin
rằng mình đang chiến đấu để bảo vệ chân lý …
Tác giả Chu Văn đã tham dự vào cuộc chiến chống Pháp rồi chống
Mỹ từ hồi còn rất trẻ. Đọc bài tựa Liêu Trai, ta nghe anh nói về
những khổ đau do sự cuồng tín vào chủ nghĩa và ý thức hệ gây
ra. Là người tranh đấu trong hàng ngũ cộng sản, không phải là
người chống cộng. Mục đích của anh khi viết bài này cũng không
phải để chống cộng, cho nên tiếng nói của anh có giá trị khách
quan, ai cũng nhờ đó mà thấy được sự thực.
Vào hạ bán thế kỷ thứ 20, niềm tin cho rằng tôn giáo là thuốc
phiện của dân tộc cần phải loại trừ một ngày nào đó ; niềm tin
nơi chủ trương vô sản chuyên chế rằng chỉ có tư tưởng công nông
là lành mạnh, còn những tư tưởng duy tâm, tiểu tư sản đều là
nguy hại cho dân tộc ; niềm tin rằng chủ thuyết Mác – Lê là đỉnh
cao nhất của trí tuệ loài người là con đường duy nhất để giải
phóng dân tộc, v.v… đã đứng vào thế đối lập với niềm tin duy
linh, hữu thần, nhân vị,… đã gây chia rẽ, chống đối, khổ đau,
loại trừ, và bao nhiêu đau thương cho dân tộc đất nước.
Nếu chúng ta không muốn quê hương đất nước lập lại những khổ đau
đã đi qua thì chúng ta phải quyết học cho được bài học khổ đau
của quá khứ. Phật tử phải học cho thuộc trước, rồi giúp cho quốc
dân cùng học thuộc. Đây là công tác giáo dục hòa bình căn bản.
Chúng ta phải chỉ bảo, dặn dò con cháu của chúng ta để các thế
hệ tương lai thực hành được kinh nghiệm học hỏi của chúng ta.
Tháng 8.2008
Chân Minh
Bài
tựa Liêu Trai của Chu Văn :
Chút duyên với Liêu trai
Nói vậy mà chơi, nghe vậy chơi…
Chuyện
ấy xảy ra cách đây bốn chục năm dư (1949) tại một vùng hẻo lánh,
thôn Thuyền Quan, xã Trừng Giang, huyện Thái Ninh, tỉnh Thái
Bình. Từ đâu dun dủi ra nên thể, về sau, cho đến bây giờ, kẻ cầm
bút này đôi lúc nhớ lại như vừa hôm qua, cứ bâng khuâng tự hỏi :
Quả như lời nói của người xưa, trong bút có thần, trong sách
có người đẹp thật sao ?
Cuốn kỳ thư của văn học Trung Hoa thời ấy, đến với chúng tôi
trong một ngày cuối năm, tiết trời lạnh, mây mù ảm đạm. Mưa dầm
gió bấc, một bước ra ngoài, lầy lội lép nhép. Mấy anh em chúng
tôi, cán bộ Ban tuyên huấn tỉnh Thái Bình, cùng ngồi thu lu trên
một bộ ngựa, hút thuốc lào vặt uống nước chè hột. Không có bàn
cờ, không có cây bài, và buồn nhất là không có sách đọc. Tờ báo,
quyển sách hiếm lắm, chỉ có một sách lý luận chính trị được phân
phối, song cũng là nhỏ giọt. Đang lúc buồn tẻ ấy, bỗng chú liên
lạc ở hàng xóm chạy về, cầm tay một cuộn giấy khá dầy, ai bỏ
vương trong góc nhà, có lẽ đã từ lâu. Lật mở xem, thì là một
quyển sách cũ, mất những trang đầu trang cuối, nhiều tờ quấn tổ
sâu. Một mùi bụi ngái ngái bốc lên. Một cuốn sách chữ Hán, chỉ
riêng tôi biết đọc, mà đọc cũng chưa thạo. Lật đi lật lại, reo
to : Liêu Trai Chí Dị. Tất cả cùng kinh ngạc mừng rỡ.
Hầu hết những anh em ngồi đây, ít nhiều đã đọc Liêu Trai qua cây
bút Tản Đà. Ôi ! Liêu Trai, tiên và quỷ, hồ ly và nho sĩ, những
cảnh gặp gỡ vườn hoang gác lạnh, những cuộc chia tay « minh
dương đôi ngả », những vần thơ, những tiếng khóc tiếng cười não
nuột trong đêm khuya.
Liêu Trai - cuốn Liêu Trai hiện ra, trước mắt chúng tôi, như một
thứ hồ ly, lạ lùng bí hiểm, đầy mùi hương xạ, nhưng hấp dẫn, và
đáng trân trọng bao nhiêu !
Vội vàng khêu đèn, đem sách ra đọc. Một người đọc và dịch, ba
bốn người nghe. Anh em chúng tôi, rồi cả ông chủ nhà cũng lần
tới. Ánh đèn soi mờ tỏ, những gương mặt say sưa, chúng tôi nằm
sấp cạnh nhau, mặc cho đêm dài, và mưa dầm cứ sa, tưởng như
không bao giờ muốn dứt. Nghĩ lại cũng nực cười. Công việc ban
ngày của Tuyên huấn ngày ấy là biên tập và phổ
biến những tài liệu giáo dục trường kỳ kháng chiến, chiến tranh
du kích, sửa đổi lề lối làm việc, địch vận, phá nguỵ, kinh
nghiệm chống càn, toàn những công việc hết sức sôi động, với
những cuộc họp, hội thảo, báo cáo, chỉ đạo, điển hình, chuyện
nước sôi lửa bỏng của một vùng đất đang chuẩn bị đối đầu với
những cuộc càn quét, vây ráp, thì đêm đêm, cũng vẫn những người
ấy, lại châu đầu quanh ngọn đèn dầu, chìm đắm trong thế giới
huyền ảo mung lung. Cho hay, con người ta vẫn cần có những giờ
phút thư giãn cho cơ thể, và tâm hồn, mà cái mơ, nhất là những
giấc mơ đẹp, không những không làm giảm sức hoạt động của cái
thực, mà lại tái tạo được sức lực để bồi bổ cho công việc thực.
Chúng tôi đêm đêm đọc Liêu Trai, dần dần hầu như tất cả đã thuộc
những cốt truyện. Đọc đi đọc lại mãi rồi, mới gấp sách lại, trao
đổi về ý nghĩa triết lý của các truyện, bàn bạc đến tâm tư người
viết - Bồ Tùng Linh tiên sinh – và nghiền ngẫm những câu văn
hay, những bài thơ kỳ diệu, tiếng của ma quỷ hồ ly, nhưng thực
chất là những vần sáng tác đầy tâm linh của tác giả.
Vậy ra trong cái xã hội Liêu Trai, người thế gian sống với quỷ
cõi âm, con người chung đụng với giống hồ ly thành tinh, nó
không có gì ngăn cách cả. Làm người, nhưng có nhiều người xấu,
còn xấu và độc ác hơn ma quỷ hồ ly. Là ma quỷ hồ ly, mà thông
minh, túc học, văn nhã hào hoa, trái tim đầy nhân ái, bao dung,
hơn cả kiếp người thật. Cái ác ở đây thường gặp là ở những kẻ
quan sang chức cả, nhiều của lắm tiền, buông thả trong những đam
mê thấp hèn, và hanh vi tàn khốc, coi hạnh phúc của người như
một vật nát dưới chân, mua trò chơi phù phiếm bằng sinh mạng của
đồng chủng… Những đứa này sống không cần đạo lý, công lý nào
hết. Chúng hoành hành ngang dọc, không biết trên đầu có ai, sách
nhiễu hối lộ, mua chuộc quan nha, vu hãm kẻ vô tội . Những kẻ
khốn nạn, nịnh hót ăn trên ngồi trốc, tài tử giai nhân thì gian
nan bạc phận. Những bất công đó, thèm được rửa sạch bằng lưỡi
gươm kiếm khách, một phép thiêng mầu nhiệm, bắc cân họa phúc
rạch ròi.
Ở đây, chuyện tình yêu chiếm số lớn. Trai là người, gái là hồ
ly, là bộ xương khô đã nát từ kiếp nào, mà còn thiết tha rạo rực
trước cuộc sống trần gian, đầy tục lụy nhưng xiết bao lạc thú.
Chỉ có cuộc sống mới có tình yêu. Cho nên hồ quỷ tìm đến người
chỉ vì quá mê người. Quá mê người nên sinh hại người, và chính
con người và tình yêu đã khiến ma quỷ hồ ly hy sinh cả kiếp
tiên, tu luyện từ bao thuở để hưởng kiếp sống ngắn ngủi của loài
người.
Chúng tôi say mê Liêu Trai, mơ những giấc mơ Liêu Trai, những
giấc mơ kỳ diệu, đầy vàng son của tuổi hai mươi. Rồi trong quan
hệ hàng ngày, ngôn ngữ giao tiếp, cách đối nhân xử sự cũng nhiễm
đầy phong vị Liêu Trai.
Ấy thế rồi cuốn sách quý giá biết bao đột nhiên từ biệt chúng
tôi khá là đột ngột, như thoắt hiện ra rồi lại thoắt biến đi.
Một sáng đẹp trời, tôi đang làm việc với một mớ tài liệu, giao
thông vừa đưa tới, bỗng thấy cô hàng xóm ngập ngừng bước vào. Cô
là em họ ông chủ nhà, ở Hải Phòng tản cư về năm ngoái. Người
thành thị ăn mặc trang nhã, cô gái đi tới như một luồng ánh sáng
xanh, làm vui cả gian nhà … Cô nói nhỏ nhẹ, rụt rè.
-
Mẹ bảo sang nói với các anh bên cơ quan…
Tôi ngạc nhiên :
-
Thế bà và cô cần gì ạ ?
Cô gái nói trong hơi thở :
-
Là xin các anh cho em cuốn sách chữ nho ạ?
-
Sách chữ nho?
-
Dạ! thầy em, trước có quen một chú khách ở Hải Phòng, Chú
cho bộ sách, hai quyển ạ. Là bộ Liêu Trai. – à vâng, Liêu Trai…
-
Vâng, Liêu Trai. Thầy em quý lắm. Hôm Tây nó đánh Hải
Phòng, gia đình chúng em chạy về. Hai cuốn sách còn lại có một.
thế rồi thầy em mất…
Cô xụt xịt khóc:
-
Chúng em không đọc được, nhưng mà là của thầy em nên vẫn
bày thờ. Một hôm thấy mất. Thế rồi, nghe các anh có cuốn sách
đọc rất hay…
Tôi đưa sách. Cô cúi đầu cám ơn, thoăn thoắt bước ra, bóng dáng
mảnh mai mờ dần trong bóng lá. Một cô tiểu thư khuê các, buồn
cảnh cô đơn, hay một nàng hồ ly hiện ra trong khoảnh khắc, trêu
cợt chàng thư sinh trong cảnh phòng văn lạnh lẽo? Thế là thú vui
đêm đêm của chúng tôi đã bay đi mất tích. Những câu chuyện về
con người đẹp hiện ra rồi biến đi mang theo sách quý, được đem
ra bàn tán - thầm thì thôi – cũng như một sự kỳ ngộ đưa không
khí Liêu Trai vào việc thật hàng ngày.
Chiến sự ngày càng lan rộng. Đêm đêm tiếng đại bác từ sông Cái,
bờ biển, vọng sang. Cơ quan chuẩn bị gọn nhẹ sẵn sàng di chuyển.
Dân tản cư từ các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội rục rịch bồng con bế
cái, vượt sông, vào Thanh Hóa, hoặc ngược lên phía chợ Đại, Cống
Thần, để rút đi Việt Bắc. Ủy ban Kháng chiến chỉ thị cho tất cả
các cán bộ cảnh giác đề phòng, và phát cho mỗi người hai ngàn
đồng tiền mặt, đề phòng những khi xảy chiến sự, có thể đứt liên
lạc. Nhóm Liêu Trai, mỗi người một việc, anh thì tham gia ban
đốc chiến, anh đi chuẩn bị cơ sở bí mật, anh sửa soạn in truyền
đơn địch vận, viết bài hô hào nhân dân đánh giặc. Một tuần, có
khi vài tuần, tạt qua về cơ quan, gặp nhau, ngậm ngùi cho cái
kiếp cuốn Liêu Trai Chí Dị! Người đẹp bên hàng xóm đã đi rồi,
không rõ lúc nào, lai vô ảnh, khứ vô tung, như sự biến đi
của hồ ly vậy. Và có mang theo cuốn sách quý. Mãi về sau, mới
biết được nàng đã về vùng địch Hải Phòng.
Mấy chàng thư sinh, ngơ ngẩn ôm tương tư, tìm thú tiêu sầu,
thường gặp nhau ở quán cà phê Chú Mại bằng số tiền “đứt liên
lạc”. Cái quán cà phê lưu động, nay đây mai đó, kiếm ăn trên số
tiền của người thành thị còn lưu lạc. Những đêm lạnh rồi những
đêm lạnh. Quán cà phê Chú Mại chứng kiến những cuộc gặp mặt kéo
dài nơi đất nóng, và chúng tôi chưa đứt liên lạc, thì số tiền
ứng tạm đã đứt hết rồi, cho đến lúc giặc đánh gần tới nơi, tiếng
súng 12 ly 7 tới sát nách rồi, anh em chúng tôi chia tay nhau,
người lên khu III, người ở lại cơ quan cũ, người vào quân đội.
Tôi khoát ba lô, theo đường dây lên công tác tại Ban tuyên huấn
Liên khu III. Trước khi đi, có đến chào người bạn vong niên –
ông chủ nhà tốt bụng - từng chia sẻ nỗi vui buồn ấm lạnh, chung
quanh những đêm Liêu Trai.
Ông rầu rầu cầm tay, ngập ngừng, cảm khái như Cao Tiệm Ly tiễn
Kinh Kha bên bờ sông Dịch:
-
Chú ra đi, phen này, có còn gặp lại không, chưa rõ, xin
cho tôi khuyên một đôi câu!
-
Bác cứ dạy bảo cho, bác ạ … Coi tôi như em bác…
Giọng ông đứt quãng:
-
Cái cuộc đời ta: Thế sự chi nghênh nam bắc điểu. Nhân
tình diệp-tống vãng lai phong. Một sự chia tay là một sự đứt
ruột. Chú ra đi, nhớ rằng cái nợ Liêu Trai, nó nặng cân lắm. Chớ
đọc Liêu Trai nữa làm gì, vì… nếu anh tỏ ra rằng biết nhiều, học
nhiều, có khi mang vạ. Cái anh hoa phát tiết vốn là điều nên kỵ.
Chúng tôi chia tay buổi chiều hiu hắt. Giặc đã đánh bốn bề. Đêm
đêm tiếng súng bôpho và ánh sáng hỏa châu. Ngày ấy, tôi lạc
quan, vô tư lắm. Nhưng mà, lời ông chủ nhà nói, nó mới nghiệm
làm sao. Năm 1958, về làng xưa, tìm thăm cảnh cũ. Cô hàng xóm
xinh đẹp đâu còn, và ông bạn vong niên, ông gặp nạn, chết thảm
trong cải cách ruộng đất. Hởi ơi!
Đây là chuyện về sau.
Nhưng cái hồi 1950, 1952 ấy, kháng chiến gian nan, ở rừng, nằm
hang, ăn sắn, chia nhau điếu thuốc bẻ đôi, nhưng đã bước vào
gian đoạn chuẩn bị tổng phản công. Tất cả cán bộ đều phải qua
chỉnh huấn chỉnh đốn tổ chức. Trong chỉnh huấn, những người đồng
chí cốt cán có nhiệm vụ giúp đỡ nhau tìm ra cái nọc độc tiềm ẩn
trong mỗi người, giúp nhau đầu tranh mà nhổ sạch những tư tưởng
phong kiến, tư sản ấy, để xây dựng cho nhau cái tư tưởng công
nông lành mạnh.
Từ những cuộc đấu tranh thân ái rồi đi đến truy bức, hành hạ
thật sự. Có những chuyện thường ngày - vốn là chuyện chơi đùa -
bỗng được thổi phồng thành những khuyết điểm nghiêm trọng. Trong
không khí ấy, muốn giữ được thể diện và tín nhiệm, muốn được
nhận là con cái nhà công nông nghèo khó, thì buộc phải giấu nhau
nguồn gốc gia đình, giấu nhau trình độ học vấn, giấu nhau chuyện
tình cảm riêng tư. Nặng nề, oi ả như thế, mà nếu các bạn đồng
học, đồng nghiệp, đồng liêu lại biết rằng anh đã đọc các thứ tà
thư loại Liêu Trai đã bị thâm nhiễm bầu nọc độc tư tưởng duy
tâm, thần bí, và phản động kia, đã chịu nhiều ảnh hưởng xấu xa,
thì chớ hòng thoát được…
Không nói ra, thì sai phương châm “thành khẩn bộc lộ, trị bệnh
cứu người”. Nói ra thì… dối lòng mình, dối lòng người, phụ tình
tri kỷ với Liêu Trai…
Nhiều đêm không ngủ.
Liêu Trai hiện ra, trong một giấc mơ chập chờn, mang hình bóng
em họ ông chủ nhà năm trước nàng nghiêm nghị như trách, như răn
:
- Xưa nay cuộc hẹn hò nơi mái Tây những gặp gỡ vườn sương miếu
nguyệt, nồng mặn ân tình như thế, phút biến thành túc trái, oan
khiên, chung quy chỉ vì chẳng biết kín chuyện, giữ gìn chung
thuỷ…
Hình bóng biến đi, như sương, như tuyết.
Tôi đã không thành thật trong chỉnh huấn, giấu biệt đi một sự
kiện quan trọng là đã mê và còn rất mê tập truyện Liêu Trai.
Nhưng chính trong những buổi đấu tranh ấy muốn xua đi cũng không
được cái ý nghĩ: Vậy thì những người đang ra sức giúp đỡ mình
bằng cách phân tích, so sánh, dẫn dụ và xỉ mạ kia, thì cái tấm
lòng nào là chân, tấm lòng nào là giả. Và những bộ mặt kia, thì
cái nào là người, cái nào là tiên bụt, ma quỷ, hồ ly… Thôi thì…
có vọng ngôn chi… có thính chi…(nói mà chơi, nghe vậy mà
chơi...)
Thế rồi hòa bình lập lại. Chúng tôi lao vào việc đấu tranh lở
đất long trời: giảm tô và cải cách ruộng đất. hạ phóng, ba cùng
bắt rễ xâu chuỗi, xóa bỏ toàn bộ giai cấp địa chủ. Những buổi
vạch mặt, những đêm tố khổ. Những con người thành phần trong
sạch đột nhiên trở thành thần thánh, những con người bổng trở
thành giun dế, cỏ rác, mà không biết là tội lỗi từ đâu. Thiêng
liêng là tình cha con, vợ chồng, bè bạn. Tất cả những tình cảm
cao đẹp ấy sợ rung lên trước những khảo đả nhục hình, những tòa
án mọc lên giữa chợ, dưới ánh lửa đùng đùng của ngàn ngọn đuốc
khói mờ lòa mây. Quan tòa không cần biết chữ, luận tội dựa trên
tố khổ, bị cáo chỉ có quyền nhận tội, không có luật sư bào chữa,
không được thanh minh. Thốt ra nửa lời kêu oan, lập tức bị át đi
bằng những đợt sóng “đả đảo”. Án hình phán quyết rất nhanh, tội
chết thi hành tại chỗ: Súng dân quân bắn vào những hình người,
gầy ốm xác xơ như tã rách.
Những cái chết thê thảm, trước trăm ngàn con mắt thỏa mãn đầy
ánh lửa dữ dằn…
Cảnh này là cảnh nào? Xảy ra ở đâu ? Nó là chuyện thật hay giấc
mơ địa ngục?
Ai là người ? và đâu là cái thật, cái giả, cáo ác, cái thiện?
Chao ôi ! Giá mà ta không đọc Liêu Trai, thì có lẽ trong những
cảnh ngộ ấy, cứ quy nghĩ một chiều, hành động một chiều có lẽ
cũng thanh thản hơn là…
Nhưng cái duyên cái nợ với trang sách, tâm linh với tâm linh vốn
có sợi dây ràng buộc. Ôi, có vì nhau mà mang lụy chăng, có vì
nhau mà xót xa trăn trở, cũng tìm thấy cái đồng điệu, ngày nay
cũng như ngày xưa.
Cuộc đời ta, năm tháng theo nhau nhanh vùn vụt, và cái còn lại
trong tim óc, những ấn tượng văn học, đâu có phai mờ ? Cuối năm
1968, trong chiến trường Trường Sơn, tôi lại trải những đêm mưa,
trong xó rừng thẳm, với tiếng chim khô khốc, tiếng tắc kè giật
giọng những phút pháo sáng trắng trời, những tiếng nổ kinh
hoàng… anh chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy, đêm đêm trong gian hầm
chữ A, đem lại cho tôi những giờ phút êm dịu, trong khung cảnh
chiến tranh ác liệt ấy chung quanh ngọn đèn dầu hạt đậu, là
những chuyện vui buồn, những người trai kể chuyện ma…
Ma quỷ đây là bạn, là đồng chí, hôm qua còn lái xe, làm đường,
bắn pháo cao xạ. Thoáng một giây ; cơn lốc đen xì ập đến, họ
chia tay hai ngả âm dương. Nhưng thể phách dù tan, mà tinh anh
còn nguyên vẹn. Họ thèm cuộc sống, và họ lẩn quất bên người
sống.
Người sống, kể chuyện về họ :
Rằng, ở ngã ba sông Ta Lê, có một đêm, tự nhiên bổng bật lên
luồng ánh sáng xanh lè, mà lại tỏ hơn trăng. Trong luồng ánh
sáng ấy, hiện ra một đoàn người ngụy trang đầy mình, súng ống
chỉnh tề, đội ngũ đều tăm tắp như đi diễu binh. Họ hành quân đến
bên sông, không chờ có phà đón, cứ lội qua dòng nước chảy như
thác. Quái chưa ! Họ đi đều, không tiếng động, bàn chân như chỉ
lướt trên mặt nước. Các chị em công binh đón bên bờ, vỗ tay.
Những người lính kia vỗ tay, không thành tiếng. Họ cười, nụ cười
rộng, răng sáng loá như sao. Và họ đi, đi tít tận vào trong phía
Nam, đi đến đâu, ánh sáng xanh ngằn ngặt bay theo họ.
Ma đây mà ! Những chị em công binh đều khóc, chỉ mong níu được
họ lại, để mà thăm hỏi đôi lời.
… Ở ngã ba Đầu Đấu, có một khúc đường men trên miệng vực thẳm,
xe qua đó chỉ cần lỡ một tấc là tiêu biến ngay. Giặc đánh ngày
đánh đêm. Chị trung đội trưởng công binh chỉ huy, cho cắm một
hàng cọc tiêu, sơn trắng, cạnh đường để dẫn lối xe đi. Một đêm,
giặc đánh nát hàng cọc tiêu. Chị công binh nọ khoác dù lụa, đứng
ra giữa đường, dơ đôi tay trắng ngần, làm hiệu cho xe đi. Hết
tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác. Máy bay địch lăn xả vào đánh
hết trận này trận khác. Tan khói bom, chị công binh áo trắng vẫn
nguyên vị trí chỉ huy, hy sinh ở tư thế đứng. Nhưng cũng từ đó,
đêm, đêm, chị lại hiện ra, trắng toát, giơ tay vẫy cho xe chạy.
Chị không hiện ra, là điều xấu, chớ có qua… Đã bao nhiêu tháng
như vậy. Có nhiều anh lái xe qua đó, đã hãm xe lại, chạy xuống
lạy chị. Nhưng tới gần, chỉ thấy một cái cọc tiêu trắng, cao hơn
những cọc khác một chút mà thôi !
Có khúc đèo gọi là đèo bà Nhạ, Nhạ là một cô gái giao liên hy
sinh. Mộ chị ở ngay đỉnh đèo. Trước gọi là chị sau thì ai qua đó
cũng đều tôn là Bà. Bà linh thiêng vô cùng. Mộ bà lúc nào cũng
đầy hương hoa. Có lần, bà hiện lên cứu một ông cán bộ có tuổi,
qua vùng rừng đặc bom nổ chậm. Ông già nhận cô gái làm con… Đến
ngôi mộ thì biến mất…
Mỗi người một chuyện, trên con đường ngàn dặm Bắc Nam. Những
chuyện ly kỳ như : Hồn liệt sĩ bắt biệt kích, chiến sĩ bị đạn
xuyên thủng tim mà vẫn lái xe an toàn hằng cây số. Chuyện voi
rừng tự nguyện đến trạm, nhận tải hàng, bao giờ cũng đi đầu đàn,
hết nhiệm vụ lại về rừng.
…
Cái vốn Liêu Trai, trong kho tàng văn học nhân loại bao giờ mà
cạn ! Bởi vì, cõi người ta còn có thiện, ác, chính, tà, còn có
những buồn vui, còn có những ước mơ và đau khổ, và tình yêu
chiếm ngự giá trị vĩnh hằng về thời gian không gian, vượt những
cái hữu hạn của cuộc sống.
Bốn mươi, hơn bốn mươi năm qua, những ấn tượng và say mê đối với
Liêu Trai vẫn còn rõ mồn một , không phải hôm qua, mà ngay cả
bây giờ. Và có người bạn tôi, sau nhiều năm tháng khổ công, tìm
đọc và nghiên cứu cổ văn, đã dành tâm lực quyết nuôi chí dịch
lại toàn bộ Liêu Trai.
Hơn bốn trăm truyện, đủ loại, đủ cỡ ngắn dài. Từ trước đến nay,
ở nước mình, chưa ai dịch hết khối lượng tác phẩm đồ sộ ấy. Bây
giờ có một chàng thư sinh, đang mong có đủ sức, có thời gian để
làm cái việc khổng lồ kia.
Mấy năm qua, chàng đã dịch được chừng hơn một trăm truyện và
cũng đã thấy khá dầy, tập giấy chép tay. Từ giờ đến khi trọn bộ
Liêu Trai Chí Dị được ra mắt thì hẳn còn xa. Nhưng thế nào rồi
cũng có ngày ấy, và những người yêu Liêu Trai, dịch Liêu Trai,
nào có ít đâu…
Đêm khuya, trước đèn, ngồi đọc lại những trang chép tay của anh
bạn, vui buồn với những nhân vật quái ảo trong trang sách và nhớ
lại những năm tháng trước, thuở mới làm quen với tập Liêu Trai.
Chuyện xưa, mà vẫn đầy xúc cảm mới mẻ. Và ở chung quanh cõi đời
thường, vẫn là những cuộc vật lộn giữa hay và dở, đúng và sai,
nhân hậu và độc ác, thật thà và dối trá, thiên hình vạn trạng,
luôn luôn biến đổi.
Âu cũng là một cuộc sống Liêu Trai, những pha trộn người và quỷ.
Không phải ma quỷ là ác tất cả. Không phải cứ mang tiếng đã là
con người, thì là thiện tất cả. Đặt tập bản thảo dầy dặn xuống
bàn, lặng ngồi trong đêm, vẫn thấy có một lời rút ra từ trong
sách ấy !
Thiện căn ở tại lòng ta…
4-1989
Chu Văn