Thiền dưới ánh sáng khoa học
Thiền
là một nét văn hoá đặc sắc của phương Đông. Từ đầu thế kỷ 20, sau
khi được du nhập vào phương Tây, thiền đã thoát ra khỏi ranh giới
của tôn giáo và nhanh chóng được tiếp nhận như một phương pháp để
chữa lành những căn bệnh của xã hội hiện đại do căng thẳng tâm lý
gây ra. Ngày nay, với tinh thần khoa học và tính thực tiển của người
Âu Mỹ và dưới sự giúp sức của các thiết bị hiện đại, nhiều hiệu quả
thực tế của thiền đã dần dần được sáng tỏ.
Thiền là quá trình hạ thấp sóng não và giảm chuyển
hoá
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho thấy trong quá trình ngồi thiền,
nhịp thở chậm lại, nhịp tim và huyết áp giảm xuống, sóng não hạ thấp
và mức độ chuyển hoá giảm theo. Năm 1967, Giáo sư Herbert Benson,
trường Đại học Harvard đã tiến hành nghiên cứu trên 36 người tham
gia ngồi thiền. Thí nghiệm cho biết khi ngồi thiền nhu cầu oxy ít
hơn bình thường 17%, nhịp tim giảm 3 nhịp mỗi phút và có sự gia tăng
sóng theta ở não. Một nghiên cứu khác do hai Giáo sư người Nhật
Kasamatsu và Hirai thực hiện trong khi thiền sư Soto ngồi thiền cho
thấy có sự xuất hiện tuần tự sóng alpha, gia tăng biên độ sóng
alpha, tiếp tục là sự giảm thấp sóng alpha và cuối cùng là sự phát
triển sóng theta[i].
Sóng não hạ thấp tương ứng với tình trạng an tĩnh của cơ thể. Sóng
beta nhanh và không đều (khoảng 20c/s) ứng với điều kiện tâm lý căng
thẳng, nhiều tạp niệm. Sóng alpha (khoảng 8 đến 13c/s) là sóng não
ứng với tình trạng thư giãn cơ bắp, tâm lý thoải mái và tinh thần
minh mẩn. Sự gia tăng biên độ sóng alpha ứng với tình trạng êm dịu
thần kinh. Sóng theta (khoảng 4c/s) thường xuất hiện liền trước lúc
ngủ. Khi ngồi thiền, sóng theta sinh ra nhưng con người vẫn tỉnh
táo, sóng theta ứng với quá trình nhập tĩnh của hành giả. Ở những
người nhập tĩnh sâu, điện não đồ có thể xuất hiện sóng gamma (từ 1
đến 2c/s).
Nói chung, sinh hoạt hàng ngày luôn làm cho thần kinh con người ở
trong tình trạng căng thẳng, kích thích ở những mức độ khác nhau dễ
gây rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn hoạt động nội tiết
và hoạt động miễn nhiễm. Ngược lại, quá trình hạ thấp sóng não, giảm
chuyển hoá và giảm tiêu hao năng lượng của thiền là quá trình chủ
động làm cho bộ não được nghỉ ngơi, phục hồi khả năng tự điều chỉnh,
tự hoàn thiện, qua đó cải thiện các chức năng sinh lý của cơ thể và
nâng cao khả năng chống lại những sự quấy nhiễu của môi trường bên
ngoài.
Thiền tạo ra sự khác biệt cụ thể trên não bộ, phát
triển trí não và làm chậm sự lão hoá
Các nhà thần kinh học cho rằng não bộ có thể nhận biết, thích ứng và
tự điều chỉnh các phân tử và các tế bào trên cơ sở kinh nghiệm và sự
luyện tập. Ông Kosslyn, một nhà tâm thần học nói “Nếu bạn làm
một điều gì đó, bất cứ cái gì, ngay cả chơi bóng bàn, trong 20 năm,
mỗi ngày 8 tiếng thì trong não bộ của bạn sẽ có một sự khác biệt so
với những người không làm việc đó. Điều nầy là tất yếu”. Gần
đây, một báo cáo của 2 nhà khoa học Arthur F. Kramer và Mc. Auley
trường Đại học Illinois được phổ biến trong tập san chuyên về lão
khoa số tháng 9/2006 của Hội Khoa học Mỹ đã xác nhận những người già
thường xuyên tập thể dục có thể phát triển vùng não tương ứng và cải
thiện trí nhớ. Người tham gia thí nghiệm[ii]
là những người có cuộc sống tĩnh tại, tuổi từ 60 đến 79 tuổi. Họ
được tập trung mỗi tuần 3 lần để tập những bài tập aerobic nhẹ
-tương tự như một loại thiền động- Sau 6 tháng, đối chiếu, so sánh
bộ não của những người nầy qua những hình ảnh được chụp bằng máy
cộng hưởng từ đã cho thấy có sự gia tăng đáng kể khối lượng não giữa
trước và sau đợt thí nghiệm. Đối với thiền tĩnh, kết quả càng khả
quan hơn. Bà Sara W. Lazar, Giáo sư trường Đại học Harvard, là người
đồng nghiên cứu với Tiến sĩ Benson tại Bệnh viện Massachusettes
General Hospital (MGH). Bà cho biết thiền giúp gia tăng chức năng
của bộ não, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng và cải thiện lão
hoá. Đặc biệt, thiền làm gia tăng độ dày của phần vỏ não phía trước
trán. Điều nầy tương phản với quá trình thoái hoá não ở người già.
Nghiên cứu nầy dựa trên những người từ 25 đến 50 tuổi, ngồi thiền 40
phút mỗi ngày. Bà Lazar nói “Ảnh hưởng của thiền định có thể
đảo ngược tiến trình lão hoá”.
Thiền là liệu pháp đối trị các bệnh tâm thể
Từ lâu, khoa học đã phân biệt được mỗi khu vực não có liên quan đến
những cảm xúc hoặc những khả năng khác nhau của con người. Ngày nay,
với sự hổ trợ của các thiết bị hiện đại, các nhà khoa học đã xác
định được rằng quá trình ngồi thiền đã hoạt hoá được vùng não
trước trán bên trái, nơi có những tế bào thần kinh cho ta
cảm giác phấn khởi, an lạc. Chính điều nầy đã giúp cho các vị thiền
sư dễ an định nội tâm, khó bị kích động bởi những cảm giác hận thù,
sợ hải, lo âu. Do đó, thiền cũng là biện pháp đối trị hữu hiệu đối
với các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra. Giáo sư Herbert
Benson cho rằng phần lớn các bệnh nhân đến các phòng mạch đều có
liên quan đến stress. Những ca bệnh nầy đáp ứng rất kém đối với
thuốc và phẫu thuật nhưng lại rất tốt đối với các liệu pháp tiếp cận
tâm thể. Đối với các bệnh có nguồn gốc tâm lý, liệu pháp thiền là
cách chữa tận gốc. Những nghiên cứu về thiền đều cho thấy thiền làm
giảm sự căng cơ, giúp giải toả sự lo âu, bất an, đặc biệt là làm
giảm họat hoá các nội tiết tố stress. Hiện nay có một phương pháp
thiền đã được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại
nhiều trường Đại học và Bệnh viện ở phương Tây, kể cả một số trường
lớn ở Mỹ như Umass, Stanford, Duke, Virginia, San Francisco,… Đó là
MBSR. MBSR là chữ viết tắt của thuật ngử “Mindfullness Based
Stress Reduction”, tạm dịch là “giảm Stress dựa trên
sự tỉnh giác”. MBSR được xem là một liệu pháp bổ sung
giúp điều chỉnh tinh thần, cảm xúc và cải thiện sức khoẻ. Đây là một
kỹ thụât phát triển chánh niệm, tức khả năng nhận biết điều gì xảy
ra nơi thân và tâm, qua đó có thể làm chủ bản thân và điều hoà cảm
xúc. MBSR đã được Giáo sư Jon Kabat-Zinn khởi xướng đưa vào thực
hành lâm sàng từ đầu những năm 1970. Cho đến nay, hàng chục ngàn
người đã được hưởng lợi từ chương trình huấn luyện và điều trị nầy.
Kết quả cho thấy MBSR giúp điều trị những bệnh về tim mạch, các
chứng đau nhức mãn tính, rối loạn chức năng ở dạ dày, ruột, chứng
đau nửa đầu, cao huyết áp, mất ngủ, lo âu, hoảng loạn... Hiện nay,
trên thế giới đã có hơn 200 bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thực hành
điều trị bằng MBSR[iii].
Thiền tăng cường hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu cho thấy các phương thức Thiền khác nhau như quán
sát hơi thở, lần chuỗi, niệm kinh, nhẩm số hoặc những cử động lập đi
lập lại như đi bộ, đi quyền, đan len... đều có khả năng làm gia tăng
hệ miễn dịch. Có thể kể đến[iv]
những cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Kundalini ở Boston vào năm
1976 tại Bệnh viện Cựu Chiến Binh La Jolla ở California, thí nghiệm
của nhà Tâm lý học Alberto Villoldo ở trường Đại học Sanfrancisco
năm 1980. Nhiều người đặc biệt quan tâm đến công trình nghiên cứu
của Bác sĩ Carl Simonton về điều trị ung thư trong những năm 1970.
Trong những thí nghiệm này ông hướng dẫn cho người bệnh thư giãn và
hình dung những bạch cầu của họ là những chiến sĩ tìm và diệt. Đội
quân dũng mảnh đã chiến đấu, chiến thắng và mang đi các tế bào ung
thư đã chết. Kết quả thí nghiệm trên những bệnh nhân ung thư giai
đoạn cuối đã cho biết thời gian sống còn của những bệnh nhân tham
gia ngồi thiền tăng lên gấp 2 lần rưởi so với những người không ngồi
thiền.
Vào tháng 7/1997, Tiến sĩ Richard Davidson, Giáo sư Tâm lý học
trường Đại học Wisconsin đã tiến hành một cuộc nghiên cứu[v]
về tác động của thiền đối với hoạt động thần kinh và khả năng miễn
nhiễm trên 48 đối tượng là nhân viên của công ty kỹ thuật sinh học
Promega (phần lớn những người này là những nhà khoa học). Những
người nầy được hướng dẫn thực hành thiền mỗi lần 3 giờ, mỗi tuần một
lần, trong thời gian 8 tuần lễ. Cuối giai đoạn 8 tuần, những nhân
viên ngồi thiền và những nhân viên khác không ngồi thiền đều được
cho chích ngừa vaccin cúm. Ở thời điểm 4 tuần và 8 tuần sau
khi chủng ngừa, tất cả mọi người đều được thử máu để kiểm
tra số lượng kháng thể. Kết quả cho biết số kháng thể đã gia tăng
thêm 50% ở những người có ngồi thiền so với những người không ngồi
thiền. Như vậy, cuộc thử nghiệm đã cho thấy việc Thiền trong một
giai đọan ngắn cũng có tác dụng gia tăng hệ miễn dịch. Quan trọng
hơn, khả năng nầy có thể kéo dài một thời gian sau khi ngưng ngồi
thiền.
Thiền giúp cải thiện hành vi
Các nhà tâm thần học đang cố khám phá xem liệu việc ngồi thiền có
thể cải thiện những chương trình của bộ não có khuynh hướng chống xã
hội hay không. Mới đây, một cuộc nghiên cứu về tác động của
Vipassana, một loại thiền quán niệm hơi thở của Ấn Độ cổ, đối với
những tù nhân tại nhà tù Tihar đã được công bố trên tờ the
Indian Express số ra ngày 16.12.2006. Nghiên cứu được tiến
hành bởi một nhóm sinh viên trường Đại học Vivekanand ở New Delhi.
Họ chọn ra 42 tù nhân tình nguyện. Phân nửa số người trên được hướng
dẫn thực tập thiền trong thời gian 10 ngày. Sau thời gian thí
nghiệm, các tù nhân được đánh giá các tiêu chuẩn về lòng tự trọng,
khả năng ổn định cảm xúc và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.
Điều ghi nhận được là tất cả những người đã trải qua khoá thiền đều
có kết quả tích cực hơn nhiều so với những người không ngồi thiền.
Nhà tù Tihar ở New Delhi là nhà tù đầu tiên thực hiện chương trình
giáo dục tù nhân thông qua những khoá thiền Vipassana 10 ngày từ năm
1975. Hiện nay chương trình nầy đã được thực hiên ở nhiều nơi trên
thế giới, bao gồm Ấn Độ, Israel.
Mông Cổ, New Zealand, Taiwan, Thailand, Anh quốc và Hoa Kỳ[vi].
Nghiên cứu của Giáo sư David Kavanagh tại trường Đại học Queensland
cho thấy đối với những người nghiện rượu, thiền có khả năng chế ngự
đựơc cảm giác thèm rượu. Đối với thói quen hay ăn vặt dễ dẫn đến béo
phì và các loại bệnh về chuyển hoá khác, nhiều nhà khoa học cho rằng
những người có nhiều áp lực trong cuộc sống thường có khuynh hướng
hay ăn vặt để làm dịu đi những căng thẳng tâm lý. Trong những trường
hợp nầy, thiền có tác dụng điều hoà thần kinh, giải toả stress nên
có thể chữa được thói xấu nầy. Đối với những trường hợp bình thường,
thiền giúp tạo một tinh thần thoải mái, lạc quan, dễ hoà hợp là điều
rất rõ ràng. Michael Slater, một nhà sinh học phân tử ở Promega đã
tham gia vào cuộc thực nghiệm về thiền của ông Davidson đã phát biểu
“Quả thật tôi là một nhà khoa học thực nghiệm trong mọi lãnh
vực của cuộc sống. Tôi nghi ngờ giáo điều. Tôi đã thử thực tập thiền
và thiền đã thực sự hấp dẫn tôi. Tôi đã cảm nhận được sự giảm căng
thẳng trong tôi. Tôi bớt gắt gỏng, cau có. Tôi có khả năng tiếp nhận
những áp lực công việc lớn hơn. Vợ tôi cũng cảm thấy tôi dễ thân cận
hơn. Như vậy, thiền đã có những tác dụng rõ rệt. Đối với những nhà
khoa học thực nghiệm, như vậy là đủ.” Những người ngồi thiền
có vùng vỏ não trước trán bên trái hoạt động nhiều hơn bên
phải nên có tinh thần lạc quan, dễ chia sẻ, tha thứ. Mặt khác, họ sẽ
phục hồi nhanh chóng sau khi bị tác động bởi những cảm xúc tiêu cực.
Thiền giúp nâng cao chỉ số thông minh cảm xúc
Trước đây, khi nói về sự thành đạt, người ta nhấn mạnh đến chỉ số
thông minh, thường gọi là IQ (Intelligent Quotient). Tuy nhiên theo
nghiên cứu của một số nhà khoa học, chỉ khoảng 25% số người thành
đạt có chỉ số thông minh trên trung bình. Như vậy, chỉ số IQ không
giải thích được sự thành công của 75% số người còn lại. Các nhà
nghiên cứu cũng loại trừ nhân tố năng lực chuyên môn. Cuối cùng,
người ta khẳng định thông minh cảm xúc là yếu tố quyết định sự thành
công của những người này. Đặc biệt trong cuộc sống hiện nay, nhịp
sống nhanh và tính cạnh tranh cao, mỗi người đều dễ bị tác động bởi
stress thì yếu tố thông minh nầy càng có ý nghĩa quyết định. Nói
chung, thông minh về mặt cảm xúc (Emotional Intelligence) hay chỉ số
thông minh cảm xúc (Emotional Quotient) là kỹ năng của một người về
việc cảm nhận, đánh giá và quản lý cảm xúc của cá nhân mình, của
đồng sự hay của đối tác để có được hiệu quả tối đa trong công việc
cũng như trong giao tiếp xã hội. Thiền có thể giúp gia tăng khả năng
kiểm soát cảm xúc, lòng tự tin và niềm hứng khởi trong công việc. Do
đó, thiền là khâu quan trọng nhất để nâng cao chỉ số thông minh nầy.
Tiến sĩ Daniel Golenan, một chuyên gia tâm lý thuộc trường Đại học
Harvard ở Boston, Mỹ, là người tiên phong trong việc chuyên nghiệp
hoá lãnh vực đào tạo và huấn luyện về Thông Minh Cảm Xúc. Ông chủ
trương nên giảng dạy thiền cho các học sinh, sinh viên và các nhà
quản lý để giúp họ kiểm soát cảm xúc và có khả năng tương tác tốt
trong mọi quan hệ qua đó sẽ giúp họ nâng cao hạnh phúc gia đình và
thành công trong xã hội. Tại Việt Nam, một cuộc hội thảo chuyên đề
về “Tập trung trí tuệ, nắm bắt tương lai” đã được Viện
Nghiên Cứu Giáo Dục thuộc trường Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí
Minh tổ chức vào ngày 10.10.2007 vừa qua. Kết quả điều tra mới nhất
do công ty nghiên cứu thị trường Research International thực hiện
được công bố tại cuộc hội thảo đã cho thấy chỉ có 28% học sinh, sinh
viên Việt Nam có thể tập trung hoàn toàn vào công việc hàng ngày! Số
72% còn lại cho biết họ thường gặp phải khó khăn khi phải tập trung
trong học tập hoặc trong giao tiếp. Đây là một thực trạng đáng báo
động. Nguyên nhân và giải pháp có thể có nhiều. Tuy nhiên, việc đưa
Thiền vào thời khoá sinh hoạt thường ngày là một biện
pháp mà mỗi cá nhân và gia đình có thể thực hành được. Còn nhớ, một
năm trước đây báo chí có loan tin về em Scott Thương, một học sinh
người Việt thi đậu vào Đại học năm 14 tuổi. Thương là con ông Trần
văn Thưởng, một giáo sư Toán tại bang Missouri, Hoa Kỳ. Khi trả lời
báo chí về kinh nghiệm giáo dục con cái của mình, ông Thưởng đã cho
biết, bên cạnh việc truyền đạt cho các em ý chí và động lực của việc
học tập thì việc trau dồi thể chất và tinh thần là điều rất quan
trọng. Ông nói “Mỗi ngày, các em cần phải có một giờ tập thể
dục và nửa giờ ngồi thiền.”
Thiền và cảm giác hợp nhất với vũ trụ
Khi đề cập đến thiền, đến yoga, người ta thường nói đến sự hoà hợp
hay hợp nhất. Hợp nhất giữa thân và tâm, giữa con người và bối cảnh
chung quanh và cuối cùng là sự hợp nhất hay tính vô phân biệt giữa
cái tôi hữu hạn và cái vô cùng của vũ trụ vạn hữu. Qua nghiên cứu bộ
não, các nhà khoa học cho rằng cảm giác hợp nhất và vô giới hạn có
liên quan đến thuỳ đỉnh não. Năm 1973, Tiến sĩ Gregg Jacobs, một
chuyên gia Tâm thần học thuộc Đại học Harvard qua ghi nhận sóng não
và ảnh chụp bộ não của những người ngồi thiền cho biết qúa trình
thiền làm giảm hoạt động ở thuỳ đỉnh não, nơi phụ trách các cảm giác
về không gian và thời gian. Bằng cách “tắt” thuỳ đỉnh não, hành giả
sẽ có khuynh hướng mất đi cảm giác giới hạn để tiến đến sự hoà hợp
và thấy mình và vũ trụ trở thành một.
Tóm lại, dù thiền ngắn hạn hay dài hạn, ảnh hưởng của thiền đối với
việc cải thiện các điều kiện tâm lý hoặc thể chất là điều rất rõ
ràng. Những kết quả nầy cũng được thể hiện trong đánh giá của Bác sĩ
Stephanie Steven, một chuyên gia về tim mạch và các liệu pháp bổ
sung qua một bài viết[vii]
trên báo Danvers Herald, MA, Mỹ ngày 12.1.2006 “Thiền định làm
cho cơ thể bình lặng và an định, áp suất máu giảm, nhịp tim chậm
lại. Quá trình thiền khiến một số biến đổi tâm thể lý xảy ra giúp
cải thiện sức khoẻ, giảm đau đớn, giảm căng cơ, giảm tính cáu kỉnh,
gíup ăn ngon và tăng cường hệ miễn dịch”.
Theo Ykhoanet
[i]
Katsuki Sekida. Zen Training. Shambhala Classics. 2005. Tr63
[ii]
Exercise shown to reverse brain deterioration brought by aging.
www.news.uiuc.edu/news/06
[iii]
Jon Kabat-Zinn. Mindful Yoga (www.steveshealphd.com)
[iv]
Nancy Poitou M.D. Meditation for Health.
http://mysite.verizon.net/nancy-poitou.
[v]
Stephan S. Hall. Is Buddishm good for your health. The New York
Times. Sept.14.2003
[vi]
Vipassana Meditation Courses for correction facilities.
www.prison.dhamma.org
[vii]
Stephanie Stevens. Meditation,an oasis from everyday stress.
Danvers Herald. Jan.12.2006.
|