PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Vấn Đề Xã Hội

Chuyện dài "Mùa xuân Bắc Kinh:

Người về từ Thiên An Môn

  • PSN - 3.06.2009 | Cố Nhân

Cả thế giới đã nhìn thấy cô gái hai mươi hai tuổi, tay cầm loa, tuyên bố, hô hào sanh viên trên Quảng Trường Thiên An Môn. Sài Linh là một trong những người còn sống sót qua cuộc thảm sát trong đêm kinh hoàng 3 rạng 4 tháng Sáu, khi Quân Đội Nhơn Dân cùng với chiến xa tiến vào "dẹp loạn". Vẫn còn khiếp đảm, cô đã ghi âm bằng chứng sống thật của mình, sau đó gởi chui qua Hương Cảng vào ngày 8 tháng Sáu. Đích thân Sài Linh cũng đào thoát được ra khỏi Trung Quốc và sinh sống ở Úc Đại Lợi.

*  *  *

Nhà bất đồng chánh kiến Sài Linh, một lãnh tụ phong trào đòi dân chủ nổi tiếng hồi 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, đang đứng trước bức tranh lừng danh của một người ngăn chận chiến xa Trung Quốc, trong trận thư hùng ở Thiên An Môn, trong căn hộ của bà ở Cambridge, Mass.

Tôi tên Sài Linh, người trách nhiệm ban bảo vệ trên Quảng Trường Thiên An Môn. Tôi vẫn còn sống sót. Đã có được một vị trí đặc biệt để có thể phê phán những biến cố xảy ra từ ngày 2 đến 4 tháng Sáu, tôi cảm thấy có bổn phận tường trình sự thật cho tất cả mọi người Trung Quốc, nông dân cũng như người thành thị.

Ngay ngày 2 tháng Sáu, vào lúc mười giờ đêm, chuyện rắc rối đầu tiên đã xảy ra. Một chiếc xe công an đụng bốn người vô can, làm thiệt mạng ba người. Sau đó, những người lính trên đoàn quân xa, từ trên xe ném võ khí và quân phục xuống cho dân thường và sanh viên đứng ngăn chặn đoàn xe. Trước hành động kỳ lạ đó của quân lính, chúng tôi thấy cần phải đề cao cảnh giác hơn nữa. Vì vậy cho nên, chúng tôi gom góp tất cả những thứ đó đem nộp cho công an, và họ có cấp cho chúng tôi biên nhận đàng hoàng.

Biến cố thứ ba xảy ra vào xế chiều ngày 3 tháng Sáu. Khoảng hai giờ chiều nhiều đơn vị quân đội và công an xuất phát đồng thời từ Liuboukou và Xinhuamen. Họ kéo đến đánh đập chúng tôi cùng với những người khác có mặt trên Quảng Trường. Nhiều bạn bè tôi leo lên một chiếc xe tải và dùng loa nói với quân lính và công an: "Công an nhơn dân yêu mến nhơn dân! Công an nhơn dân không đánh đập nhơn dân!" Một người lính tiến tới gần một người bạn của tôi, đá một phát vào bụng anh ta rồi nói: "Đồ bẻm mép! Ai mà yêu thương mày!", xong đập vào đầu làm cho anh ấy té xuống.

Đến khoảng từ tám giờ đến mười giờ đêm, tình hình càng trở nên trầm trọng thêm. Có tin là khoảng một chục người chết. Khoảng bảy tám giờ tối, chúng tôi mở phiên họp báo tại ủy ban để thông báo cho ký giả Tàu và ngoại quốc biết rõ diễn tiến thật sự của tình hình. Tổ chức của chúng tôi đưa ra lời tuyên bố chủ yếu là: "Đả đảo chế độ bất hợp pháp của Lý Bằng!"

Đến chín giờ tối, toàn thể các đồng chí trên Quảng Trường đều đứng lên, tay mặt đưa cao, tuyên thệ: "Tôi xin thề góp phần đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa, đem lại thạnh vượng và mức tăng trưởng của tổ quốc vĩ đại, để bảo đảm và bảo vệ đất nước chống lại hành động hủy diệt của một nhóm người mưu phản. Chúng tôi bảo vệ cho hàng tỷ người khỏi bị chết oan uổng và tôi xin đem tuổi thanh niên của mình ra bảo vệ Thiên An Môn và nền Cộng Hòa này. Dẫu cho thây rơi, máu chảy, cũng đừng để mất vị thế của Nhơn Dân. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đến người sanh viên cuối cùng."

Đến mười giờ đêm, Đại Học Dân Chủ đã được hình thành. Hiệu trưởng là Trương Đức Lễ, người trách nhiệm hàng đầu của tổ chức. Các đại diện của những tổ chức trên Quảng Trường đều đồng lòng ủng hộ đại học này. Ban lãnh đạo phong trào nhận được nhiều lời kêu cứu vì tình hình vô cùng nguy ngập. Trên Quảng Trường có tiếng vỗ tay vang vậy để chào đón sự hình thành trường Đại Học Dân Chủ, được đặt bên cạnh tượng Nữ Thần Dân Chủ.

Nhưng bên phía Đông Quảng Trường và trên đại lộ Trường An, máu đã đổ vì những tên đồ tể - quân lính của đạo quân 27 – đã đem chiến xa, súng máy, lưỡi lê, lựu đạn cay mắt ra sử dụng, nhưng cũng bị tràn ngập. Quân lính nổ súng bắn bừa bải, chỉ vì một tiếng nói, vì một hòn đá ném đi. Những thân người nằm dài trên đại lộ Trường An đều đẫm máu. Bạn bè tôi từ đó trở về ai cũng đầy máu trên hai tay, trên ngực áo và trên hai bắp đùi vì đã khiêng xác bạn bè bị bắn chết.

Lúc mười một giờ đêm, ban lãnh đạo phong trào ra lịnh chấm dứt mọi bạo động. Vì sao? Bởi lẽ phong trào yêu nước và đấu tranh đòi dân chủ, ra đời hồi tháng Tư, chủ yếu trong nội bộ sanh viên, từ tháng Năm đã biến thành phong trào quần chúng rồi. Nguyên tắc và mục tiêu của chúng tôi là phải đạt được nguyện vọng trong vòng bất bạo động.

Nhiều sanh viên, công nhơn và người dân thủ đô đến yêu cầu chúng tôi phải võ trang vì tình hình đã biến chuyển rồi. Nhiều bạn trai của chúng tôi rất hăng hái. Tuy nhiên, chúng tôi đã giải thích cho mọi người biết rằng, bằng mọi giá, chúng ta muốn đạt được mục đích mà không có bạo động, và sự hy sanh cá nhơn là thái độ cao quý nhứt của nguyên tắc hiếu hòa của chúng tôi. Nối vòng tay lớn, siết chặt bên nhau, chúng tôi bước ra khỏi lều vải, miệng hát vang "Quốc Tế Ca". Chúng tôi tụ họp lại quanh Đài Kỷ Niệm Anh Hùng Dân Tộc và chúng tôi ngồi yên chờ lưỡi dao của bọn đồ tể.

Chúng tôi biết rằng đây là trận giặc giữa tình thương và hận thù, chớ chẳng phải giữa hai lực lượng võ trang. Vì vậy cho nên nỗi buồn rầu to lớn nhứt của chúng tôi là có một số bạn bè, giận quá mất khôn, lấy gậy gộc và chai thủy tinh - những võ khí rất thô sơ – đánh lại quân lính hung bạo, trang bị súng máy và chiến xa. Phần chúng tôi thì cứ an tâm ngồi yên chịu hy sinh.

Trong lều vải của chúng tôi, có những Micro nối liền với loa phát ra bên ngoài. Chúng tôi cho bài "Con Cháu Của Rồng" vào máy, hát vang lên. Chúng tôi cùng nhau hợp xướng, nước mắt lưng tròng, cùng nhau ấp ủ và tay trong tay, vì chúng tôi biết rằng giờ phút cuối cùng của chúng tôi đã đến, giờ phút mà chúng tôi phải hy sinh vì nền dân chủ.

Vương Lực, một học sanh trung học mười lăm tuổi đời có viết một bức thơ tuyệt mạng. Tôi không nhớ hết nguyên văn, nhưng tôi còn mang máng nội dung của một đoạn em ấy đọc cho tôi nghe. Đại khái thì điều kỳ lạ là em có trông thấy một con gián nằm dưới đất, muốn giết đi. Nhưng khi em bắt đầu ra tay thì con gián không nhúc nhích nữa. Vương Lực chỉ mới mười lăm tuổi đầu mà đã biết suy nghĩ chuyện chết sống! Đất nước ơi, xin đừng quên những đứa trẻ, đầu xanh đã phải tranh đấu vì người!

Lúc một giờ sáng, với tinh thần của người trách nhiệm trong phong trào, bao gồm cả Quảng Trường, một vài người bạn nữa và tôi đi vòng quanh Đài Kỷ Niệm để nhận định tình hình và cổ võ các bạn tôi một lần nữa. Tất cả chúng tôi đều ngồi xuống, không có lấy một lời nói, những người quyết tâm nhứt ngồi hàng đầu. Phía sau chúng tôi, các bạn bình tỉnh nhứt quyết là nếu những người phía trước bị giết hay bị giải tán bằng võ lực thì họ cứ ngồi yên, không cử động mà cũng chẳng giết ai hết.

Tôi kể lại ngắn gọn một câu chuyện xưa cũ mà ai cũng biết, câu chuyện một ổ kiến, trong đó sinh sống hàng trăm tỷ con. Một hôm, lửa bốc cháy trên đồi. Muốn thoát nạn, bầy kiến phải cấp tốc chạy xuống chưn đồi. Làm sao mà di tản kịp tất cả ngần ấy đây? Túng thì phải tính, cả ổ kiến họp lại bám vào nhau thành một khối tròn, rồi toàn bộ lăn xuống chưn đồi. Một vài con kiến bị cháy, nhưng cả ổ còn lại được thoát hiểm.

Hỡi các đồng chí! Tất cả chúng ta trên Quảng Trường này là lớp vỏ bọc ngoài của nhơn dân. Và chúng ta đã ý thức được rằng chúng ta phải hy sanh mới mong cứu vãn được nền Cộng Hòa. Bốn đứa chúng tôi, trong đó có Hậu Đức Giám, Lưu Tiểu Ba và Chu Đạc, cuối cùng đành chịu thua: "Đâu được, không thể hy sinh như vậy!" Nhưng các bạn tôi cứ quả quyết. Vậy là, chúng tôi đi tìm những cấp chỉ huy để điều đình với họ. Các bạn tôi nói với người chịu trách nhiệm phía bên kia: "Chúng tôi sẵn sàng rời Quảng Trường, với điều kiện là các đồng chí phải bảo đảm an ninh cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ giải tỏa Quảng Trường trong yên lặng."

Thế rồi ban chỉ huy hỏi ý kiến các sanh viên muốn ra về hay tiếp tục chiếm cứ Quảng Trường. Chúng tôi đồng ý quyết định là nên rút đi. Ngay trong lúc chúng tôi sắp sửa rút đi thì một toán lính, mũ sắt, súng máy, lại phản bội lời cam kết chuyển sang tấn công gần Đài Kỷ Niệm. Không để cho chúng tôi có thì giờ ra đi êm thấm, như chúng tôi đã quyết định, họ ngăn cản không cho chúng tôi báo cho tất cả những người tại Đài Kỷ Niệm, bằng cách phá hỏng các loa phóng thanh rồi nổi lửa tại Đài Kỷ Niệm. Phần đông những bạn bè ở Đài Kỷ Niệm đều xuống kịp và chúng tôi kéo đi, nước mắt ràn rụa. Để đáp lại những ai khuyên chúng tôi đừng khóc, chúng tôi cho họ biết rằng: "Rồi đây chúng tôi sẽ trở lại vì đây là quảng trường của nhơn dân!"

Sau trận đó, chúng tôi được biết rằng một số bạn bè chúng tôi còn kỳ vọng ở chánh phủ, và ngay cả với quân đội. Họ nghĩ rẳng quân đội chỉ đuổi đi rồi thôi. Mệt lả người, họ nằm dài trong những căn lều. Chiến xa thẳng thừng cán lên người họ. Sau đó, người ta cho biết là có trên hai trăm người bị tăng đè nát như vậy. Mặt khác, người ta còn cho biết là trên bốn ngàn người chết.

Ngay bây giờ, tôi cũng không biết được con số chính xác nạn nhơn. Những người chiến đấu ở đằng đầu Quảng Trường thuộc Nghiệp Đoàn công nhơn độc lập. Họ chiến đấu đến người cuối cùng và tất cả đều hy sinh, cũng phải từ hai mươi đến ba mươi người.

Khi chúng tôi ra đi rồi, chiến xa đã tưới xăng lên lều vải cùng quần áo và thiêu hết những xác của bạn bè tôi. Rồi họ xịt nước rửa sạch Quảng Trường, không còn dấu vết gì hết. Họ cũng phá hủy hoàn toàn Tượng Nữ Thần Dân Chủ, biểu tượng của phong trào chúng tôi.

Tay trong tay, chúng tôi ra ngả phía Nam của Quảng Trường để đi qua phía Tây và qua ngang lăng Mao Chủ Tịch. Chúng tôi bắt gặp khoảng mười ngàn quân lính có mũ sắt đang tập trung ở phía Nam của lăng. Chúng tôi la lên:"Đồ đểu giả! Quân phát xít!" Trong khi tiếp tục đi về hướng Tây, chúng tôi thấy khoảng mười ngàn quân lính, hàng hàng lớp lớp chạy tới Quảng Trường. Tức giận điên người, dân chúng và sanh viên ở đó la ó:"Quân phát xít! Đồ đểu cáng! Quân thô bạo!" Chẳng cần để ý gì đến chúng tôi, quân lính tiếp tục chạy đến Quảng Trường.

Trong cuộc rút lui, khi đi ngang qua Liuboukou, tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo phong trào đều ở tuyến đầu. Tại nơi đó, vào xế chiều ngày 3 tháng Sáu, cuộc chạm tráng đẫm máu đầu tiên đã nổ ra. Đường phố ngập đầy rác rưởi, thùng rác bể nát và bốc cháy.

Khi đến đại lộ Trường An, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng não lòng! Con đường đầy nghẹt xe bị đốt, gạch đá ngổn ngang. Chắc hẳn phải có choảng nhau rất nặng nề ở đây, nhưng không thấy có xác chết nào hết. Sau này, chúng tôi được biết một lũ phát xít đã lấy súng máy ồ ạt bắn người rồi một bọn khác chồng chất xác người lên xe buýt và trên xe thồ. Một vài người còn sống, rốt cuộc rồi cũng bị chết ngộp!

Dẫu cho bọn phát xít đó thi hành tội ác giữa ban ngày, nhưng lại khéo thu dọn chiến trường, không để lại dấu vết nào. Trước những hành vi tàn tệ của bọn phát xít khát máu, chúng tôi đâm ra ngỡ ngàng, định kéo nhau trở lại Quảng Trường. Thà chết còn hơn! Một vài người lính còn chút nhơn từ, khuyên chúng tôi:"Này các em, súng máy đặt đầy trên đó. Đừng liều mạng hy sinh nữa!"

Chẳng biết làm gì hơn, chúng tôi rời khu Xidan, tìm cách lánh nạn ở khu phía Tây thành phố. Trên đường đi, chúng tôi gặp một bà mẹ, nước mắt, nước mũi lòng thòng, lòng đau đứt đoạn, vì đứa con của bà đã bị bắn chết. Chúng tôi cũng gặp nhiều xác chết dân thường nằm la liệt ngoài đường phố.

Chúng tôi đi về ngả trường đại học ở phía Bắc. Ai chúng tôi gặp cũng thấy lệ ứa quanh tròng. Một người đàn ông phân bua với tôi:"Tôi có mua tín dụng của nhà nước. Thật đau lòng khi nghĩ rằng họ đem tiền đó ra để mua súng đạn giết dân thường và trẻ con vô tội!" Bạn bè và những người dân thường còn cho tôi biết những chuyện đau lòng là những tên đồ tể dã man đó cứ vung tay chém giết. Bọn nó bắn hỏa tiễn vào mấy tòa nhà hai bên đại lộ Trường An, giết chết trẻ con và các ông già bà cả. Những người đó có làm gì quấy đâu? Họ chẳng hô hào một khẩu hiệu nào hết!

Một người bạn đã cản đường chiến xa vào lúc hai giờ sáng trên đại lộ Trường An có kể cho tôi một chuyện chính mắt anh trông thấy. Một cô bé đứng trước mũi xe tăng, tay mặt vẫy chào anh lính lái tăng. Vậy mà chiếc xe tăng đành đoạn lờ đi, cán qua người em bé. Bạn tôi đến giúp đỡ một người bạn bị thương, suýt nữa bị chiến xa nghiền nát.

Một bà mẹ thất tha thất thểu đi tìm con, mất hồn mất vía gọi tên nó rồi hỏi bâng quơ:"Hôm qua mày còn đó, bữa nay mày ở đâu?" Những bà vợ đi tìm chồng, những ông giáo đi tìm học trò, những đứa em đi tìm anh,... Nhiều biểu ngữ dán trên tường công sở tán dương "quyết định sáng suốt" của Ủy Ban Trung Ương Đảng. Giận điên người lên, chúng tôi lột xé các biểu ngữ và cho vào lửa đốt tiêu. Truyền hình nhà nước xác nhận là Quân Đội Nhơn Dân đã vào thủ đô Bắc Kinh để trấn áp bọn xách động khuấy nhiễu.

Tôi nghĩ là tôi có được một vị thế tuyệt đối tốt để nhơn danh tất cả các sanh viên, xác nhận rằng chúng tôi không phải là bọn xách động khuấy nhiễu. Tôi xin tất cả các người Hoa chân chính hãy thật tâm tự hỏi lòng mình xem những thanh niên thiếu nữ, tay trong tay, ngồi ôn hòa dưới chưn Đài Kỷ Niệm để chờ lưỡi dao của bọn đồ tể, có phải là những người gây rối không? Nếu quả thật như vậy thì tại sao họ lại bình tĩnh và yên lặng như thế?

Chủ nghĩa phát xít đã thẩm thấu vào bọn chúng! Chúng chẳng chút đắn đo mà lớn tiếng ăn gian nói dối một cách trơ trẽn nhứt và bỉ ổi dễ sợ! Nếu như chúng ta cho những tên lính giết người vô tội là đồ bần tiện và hèn hạ thì những ai loan truyền láo lếu trên khắp thế giới bằng máy chiếu phim và bằng hình ảnh thì phải gọi là gì đây?

Sau khi rời Quảng Trường, khi chúng tôi đi đến đại lộ Trường An, một chiếc tăng nhào tới chúng tôi để ném lựu đạn cay vào chúng tôi, rồi đụng nhiều người bạn nữa sau đó nghiền nát luôn. Nhiều xác không còn nhận ra được nữa. Những người bạn đi trước cứ tiếp tục đi. Chúng tôi phải lấy khăn bịt miệng lại, không để cho hơi cay làm rát cổ. Chúng tôi chẳng còn cách nào làm cho những người bạn đã hy sinh sống trở lại được nữa!

Chúng tôi chia ra làm nhiều tốp nhỏ đi lên phía Bắc, trở về đại học Bắc Kinh. Có chỗ tạm trú cho những sanh viên từ xa tới. Với một nỗi buồn mênh mang vô tận, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi còn sống đây nhưng còn biết bao nhiêu người bạn khác, đông đảo hơn chúng tôi nhiều, phải nằm lại trên Quảng Trường và trên đại lộ Trường An và không bao giờ trở lại.

Tôi viết bài này để tự nhắc mình và để kính dâng hương hồn những người đã vĩnh viễn ra đi, đời đời viên miễn.

 

Cố Nhân

(Viết theo bài "Moi, Chai Ling, survivante de Tienanmen...", đăng trên Nouvel Observateur ngày 13 tháng 7 năm 1989.)


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp :  Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên :  Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.