Dư
âm một biến cố:
Tiếng vọng từ lòng đất
"Đêm
3 rạng 4 tháng Sáu, đang ngồi chơi trong sân nhà cùng với gia đình,
tôi nghe súng nổ rần trời. Như vậy là một thảm kịch làm xao xuyến
thế giới không sao tránh khỏi, rốt cuộc cũng đã xảy ra.
"Tôi viết tài liệu này ba năm sau khi thảm kịch ngày Bốn tháng Sáu
đã nổ ra. Giờ đây, bao nhiêu năm đã qua rồi. Trong số những người
tranh đấu liên quan đến biến cố đó, ngoại trừ một ít người thoát
được ra nước ngoài, phần đông còn lại đã bị bắt, bị kết tội, và bị
tra khảo nhiều lần. Giờ đây, sự thật phải được xác định. Nhứt định
là ba câu hỏi dưới đây phải có đáp số ở thời điểm này.
"Một là, lúc đó người ta cho rằng phong trào sanh viên là một "âm
mưu có quy hoạch" của những thành phần chống Đảng, chống xã hội chủ
nghĩa, được lãnh đạo đàng hoàng. Vì vậy cho nên, giờ đây chúng ta
phải hỏi xem những người lãnh đạo đó là ai? Kế hoạch đó là gì? Âm
mưu đó như thế nào? Lấy bằng chứng đâu để biện minh cho những điều
đó? Người ta cũng nói rằng có những "bàn tay mờ ám" trong nội bộ
Đảng.
Vậy thì những bàn tay đó là ai?
"Hai là, người ta cho rằng biến cố đó nhằm lật đổ nước Cộng Hòa của
Nhơn Dân và Đảng Cộng Sản. Đâu là bằng chứng? Lúc đó tôi đã bảo rằng
phần đông dân chúng chỉ yêu cầu chúng ta sửa đổi thói hư tật xấu,
chớ chẳng phải mưu toan lật đổ chế độ chánh trị của chúng ta. Sau
bao nhiêu năm rồi, các cuộc tra khảo có đem lại bằng chứng nào
không? Tôi đúng hay họ đúng? Nhiều nhà đấu tranh đòi dân chủ, đã đi
lưu vong, nói rằng trước ngày Bốn tháng Sáu, họ vẫn tin tưởng rằng
Đảng còn có thể tự mình cải tiến được. Thế nhưng sau "Ngày Bốn Sáu"
rồi, họ thấy Đảng hết thuốc chữa, và chỉ vào lúc đó họ mới đứng ra
chống đối lại Đảng. Trong những ngày biểu tình, sanh viên có đưa ra
nhiều khẩu hiệu và lời yêu cầu, nhưng nạn lạm phát rõ ràng là không
được nói tới, dẫu cho lạm phát là một đề tài nóng bỏng dễ bị chỉ
trích nhứt và có thể làm bùng nổ mọi thứ trong xã hội. Nếu thời đó,
sanh viên có ý định chống đối Đảng cộng sản thì tại sao họ không nắm
lấy đề tài nhạy cảm đó? Nếu như họ có ý định huy động quần chúng thì
đặt vấn đề đó ra có phải dễ hơn không? Bây giờ ngẫm lại, thì rõ ràng
là lý do mà sanh viên không nêu vấn đề lạm phát ra là vì họ hiểu
rằng vấn đề đó liên hệ đến chương trình cải tổ, và nếu họ nêu rõ vấn
đề đó ra để huy động quần chúng thì hóa ra họ làm cho tiến trình cải
tổ bị bế tắc sao.
"Ba là, có ai chứng minh được phong trào "Bốn Sáu" là "hành động bạo
loạn phản cách mạng", như người ta đã gán ghép cho nó không? Sanh
viên rất phục tùng kỷ luật. Nhiều báo cáo cho biết rằng trong một
vài trường hợp, khi Quân Đội Giải Phóng Nhơn Dân (QĐGPND) bị gây hấn
thì sanh viên đã đến binh vực họ. Đông đảo dân chúng trong thành phố
đứng ra ngăn chận QĐGPND, không cho vào thành phố. Tại sao vậy? Có
phải họ định lật đổ nền cộng hòa không?
"Đương nhiên, khi có đông đảo quần chúng tụ tập, lúc nào cũng có một
thiểu số trong đám đông có ý muốn gây chuyện với QĐGPND. Tình hình
như vậy là quá hỗn loạn. Rất có thể một vài bọn lưu manh lợi dụng
tình hình để gây xáo trộn, nhưng làm sao lại có thể gán những hành
động như vậy cho đa số nhơn dân và sanh viên? Giờ đây đáp số cho vấn
đề cần phải được làm sáng tỏ.
Triệu Tử Dương
(Người tù của đất nước)
Gần tới ngày kỷ niệm năm thứ hai mươi cuộc thảm sát đẫm máu Thiên An
Môn (1989-2009), Triệu Tử Dương - nhà cựu lãnh đạo hàng đầu của Đảng
cộng sản Trung Quốc, vì có cảm tình với sanh viên chống đối nên bị
thất sủng - đã trình bày quan điểm của mình về thảm kịch đó trong
một quyển hồi ký di cảo. Triệu tiên sinh qua đời ngày 17 tháng Giêng
năm 2005, sau khi bị quản thúc tại gia mười lăm năm có hơn, đã bí
mật ghi những nhận xét của mình về biến cố "Mùa Xuân Bắc Kinh" vào
băng từ, được bạn bè thầm lén chui ra ngoài, nay được in thành sách.
Với một lòng yêu nước khác hơn tập đoàn chóp bu lãnh đạo, và chỉ một
thái độ thông cảm với sanh viên như vậy mà chẳng ai chịu nghe, nên
những điều đáng tiếc đã xảy ra và nhơn vật lừng danh như Triệu Tử
Dương - đã từng cam khổ phấn đấu leo từng bước lên những nấc thang
của Đảng cộng sản Trung Quốc một cách gian nan – cũng phải câm
miệng, im mồm ngồi nhà diện bích, nhìn thế sự diễn ra, lòng đầy áy
náy. Một cánh chim đại bàng bị kềm hãm, như chừng đã gãy cánh, không
được tung bay!
Bốn năm, sau ngày ông giã biệt cõi đời và hai mươi năm, sau biến cố
làm cho ông thân bại, danh liệt, những tình tiết của cuộc thảm sát
Thiên An Môn bắt đầu xuất hiện, qua tiếng nói của chính ông từ lòng
đất bay lên. Hồi ký bên kia cuộc đời của nhà lãnh đạo cải cách Trung
Quốc, Triệu Tử Dương, đã lột trần âm mưu che giấu chuyện ăn gian nói
dối của các lãnh tụ cộng sản Tàu từ bấy đến nay. Họ đã tận lực che
đậy hành động tàn sát mang tính lịch sử, liên hệ đến cái gọi là "Mùa
Xuân Bắc Kinh" hồi năm 1989, một cái ung nhọt thối tha, nhơ nhớp,
giết hại bao nhiêu mạng người, chỉ "có tội" đòi hỏi nhà nước cởi mở
chánh trị và diệt trừ bọn tham quan ô lại.
Hồi ký bên kia cửa tử của một nhơn vật Trung Quốc, đã từng đảm nhiệm
nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu của đất nước - từ thủ tướng nhà
nước đến tổng bí thư đảng, chưa kể những chức vụ quan trọng trước đó
ở địa phương – đã phản bác lại luận điệu lếu láo của Trung Nam Hải.
Cuộc tranh đấu ôn hòa, đòi hỏi nhơn quyền và cởi mở chánh trị, bắt
đầu bằng phong trào tuyệt thực của sanh viên, bị nhà nước lấy kiếng
phóng đại quan sát để cho là phong trào được lồng vào một âm mưu
rộng lớn, chống lại Đảng cộng sản Trung Quốc. Vì vậy cho nên chánh
phủ quyết tâm mang chiến xa và quân đội nhơn dân, đánh lại nhơn dân,
mà dẹp "loạn" trong đêm 3 rạng 4 tháng Sáu 1989.
Quyển hồi ký này của
Triệu tiên sinh được thực hiện một cách khác thường và độc đáo. Nó
xuất phát từ những cuộn băng ghi tiếng nói, lâu ba mươi tiếng đồng
hồ để tường thuật lại, dĩ nhiên là trong vòng bí mật. Nay, sau khi
những tài liệu băng từ đó được chuyển lậu ra nước ngoài, hậu duệ của
họ Triệu mới chép ra thành sách và dịch ra tiếng Anh, dưới tên gọi
"Prisoner of the State" (Người Tù Của Đất Nước).
Tài liệu này là một chứng cớ, đem ánh sáng rọi chiếu những ngõ ngách
âm thầm và mờ ám của ban lãnh đạo Đảng thời đó. Triệu Tử Dương ca
ngợi phong trào dân chủ Thiên An Môn. Câu chuyện của ông, về cung
cách tập đoàn lãnh đạo Đảng gạt ông ra khỏi thế uy quyền, nói lên
một cách trắng trợn cuộc đấu đá chánh trị của cấp đầu sỏ lúc bấy
giờ, để cuối cùng đi đến quyết định hạ bệ ông và đàn áp phong trào,
làm cho hàng trăm người chết và bao nhiêu người khác bị thương tật
trên Quảng Trường nổi tiếng của Bắc Kinh. Nên chi, ông có tâm sự:
"Tôi tự nhủ là dẫu thế nào đi nữa, tôi chẳng muốn làm tổng bí thơ
của một Đảng đã điều động quân lính để bắn vào sanh viên."
Triệu Tử Dương nhìn về tương lai xa xôi của Trung Quốc khi quyết
định ghi băng một cách vô cùng kín đáo hồi ký của mình, trong những
năm bị quản thúc tại gia, cho đến ngày tắt thở. Ông bác bỏ con đường
bảo thủ của Đảng sau 1989, mà ông cho là sai lầm, và cổ súy một tiến
trình tiệm tiến để đi tới một chế độ dân chủ kiểu Tây phương: "Trên
thực tế, chế độ dân chủ đại nghị kiểu Tây phương đã chứng tỏ có một
sức sống mãnh liệt. Nếu không đi theo con đường đó thì chúng ta
không làm sao giải quyết được những tình huống bất thường của nền
kinh tế thị trường ở Trung Quốc."
Đối với tập đoàn lãnh đạo hiện nay của Đảng cộng sản Trung Quốc,
những "xáo trộn" của hai mươi năm về trước chỉ là một biến cố xa vời
và tập hồi ký của Triệu Tử Dương nhứt định sẽ bị cấm lưu hành trên
một đất nước Trung Hoa - tự hào là cái rún của vũ trụ - và Trung Nam
Hải nhứt định phải, bằng mọi cách, ngăn chặn và tiêu diệt ấn bản chữ
Hán lẫn Anh-Mỹ của tài liệu độc hại đó. Còn được hay không là chuyện
khác, vượt khỏi tầm tay của tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc.
Triệu Tử Dương vẫn là biểu hiện của tánh cương trực và tinh thần cải
cách trong chánh trị, đối với những ai còn hoài niệm "Mùa Xuân Bắc
Kinh", cũng như với những đồng hương thích khám phá ra những ngõ
ngách bí hiểm của chánh trường. Rất có thể ấn bản tiếng Tàu sẽ được
đông đảo quần chúng lục địa tìm đọc cho bằng được, dĩ nhiên là một
cách lén lút.
Bao Pu (Bào Phác), giám đốc nhà xuất bản "New Century Press" ở Hương
Cảng, sẽ phát hành ấn bản tiếng Hoa, cho rằng dường như Triệu Tử
Dương muốn công bố biến cố Thiên An Môn, theo cách nhìn của mình, để
phản bác lại cung cách lên án chánh thức của nhà nước về biến cố
Thiên An Môn. Theo Bào Phác thì: "Triệu Tử Dương không có dặn dò gì
hết (...), nhưng ông nhứt định là hồi ký này phải tồn tại sau khi
ông qua đời. Đó là một thời kỳ mấu chốt của Lịch Sử Trung Quốc, một
thời kỳ khẳng định cho nước Trung Quốc hiện đại. (Hồi ký này) đưa ra
những chi tiết mâu thuẫn lại những giải thích của chánh phủ."
Điểm mấu chốt trong quá trình thăng trầm của Triệu Tử Dương trong
chánh trị Trung Quốc là mối quan hệ ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo của ông
với Đặng Tiểu Bình, một con người tán thành một nền kinh tế thị
trường cho Trung Quốc, nhưng lại bác bỏ những đòi hỏi dân chủ, dẫu
phải vận dụng sức mạnh. Đối với họ Triệu thì Đặng Tiểu Bình và Thủ
Tướng Lý Bằng – lúc bấy giờ có biệt danh là "tên đồ tể Bắc Kinh", vì
đã ban hành thiết quân luật trên truyền hình, trước khi chiến xa kéo
tới – cùng với những nhơn vật chóp bu của Đảng đã, vì lợi ích bản
thân, nên cứ để cho chế độ chuyên quyền và độc đoán của triều đại
Mao Trạch Đông trở lại.
Triệu Tử Dương khẳng định là muốn giải quyết những vấn đề của Trung
Quốc thì phải từng bước một đưa đất nước vào con đường dân chủ. Nên
chi, ông kết luận rằng: "Tôi nghĩ là đã đến lúc chúng ta phải bắt
tay vào vấn đề đó một cách nghiêm chỉnh."
Trong một phiên họp hồi tháng Năm 1989, Đặng Tiểu Bình và những
người lãnh đạo cấp cao khác quyết định ban hành thiết quân luật,
trước khi mở cuộc thảm sát. Họ Đặng cho rằng: "Xét vì chẳng có cách
nào lùi bước mà tình hình không thoát khỏi tầm tay của chúng ta thì
chỉ còn có nước là đưa quân đội vào Bắc Kinh và ban hành thiết quân
luật." Nghe vậy, Triệu Tử Dương vô cùng căm tức.
Ngày 19 tháng Năm, người ta thấy Triệu Tử Dương xuất hiện trước công
chúng lần cuối để nói chuyện với sanh viên và rơi lệ yêu cầu họ hãy
trở về nhà. Trong lần đối thoại công khai tại Quảng Trường này,
người ta không sao quên được bài phát sóng trực tiếp nổi tiếng và để
đời, trong đó ông mở đầu bằng: "Các em sanh viên ơi, chúng tôi đến
quá trể, các em bỏ lỗi cho chúng tôi." Ngày hôm sau, thiết quân luật
được ban hành.
Sau khi họ Triệu ra đi rồi, những người biết có băng ghi âm đó đã
kín đáo và âm thầm tìm kiếm, một cuộc săn tìm rất phức tạp, sau cùng
cũng thâu thập được hết và chép lại để xuất bản. Ý kiến của Bao Tong
(Bào Đồng) - năm nay 76 tuổi, cánh tay phải của Triệu Tử Dương, sau
năm 1989 phải vào tù – cho rằng việc xuất bản quyển hồi ký Triệu Tử
Dương là một tin mừng, trong khi Bắc Kinh cứ câm như thóc trầm ba
mùa về những biến cố Thiên An Môn. Trả lời một phóng viên hãng thông
tấn AFP của Pháp, Bào Đồng cho biết: "Tiếng nói của Triệu Tử Dương
vẫn tồn tại mãi và không làm sao giấu nhẹm được. Điều tệ hại nhứt có
thể xảy ra là sự im lặng... và chánh quyền không cho phép bàn luận
về chuyện đó. Nếu như nhà nước chọn lựa đường lối như vậy thì họ chỉ
làm cho quần chúng nhơn dân căm thù hơn nữa mà thôi."
Trước khi Triệu Tử Dương bị hạ bệ, Bào Đồng, phụ tá thân tín của
Triệu tiên sinh, đã bị cho vào tù ngày 28 tháng Năm 1989, vì tội
"tiết lộ những điều quốc cấm và tuyên truyền phản cách mạng". Sau
khi ở tù về, Bào Đồng vẫn giữ nguyên lập trường của mình nên được
coi như là một trong những tiếng nói chống đối nổi tiếng nhứt. Vì
vậy cho nên, trước thời điểm kỷ niệm hai mươi năm "Mùa Xuân Bắc
Kinh" năm nay, ông đã "được công an mời đi nghỉ mát trên vùng núi
Hoàng Sơn, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc", dĩ nhiên
là trong chương trình tăng cường an ninh thủ đô Bắc Kinh.
Theo Bao Pu (Bào Phác) - con trai ông Bào Đồng, hiện đang cư ngụ tại
Hương Cảng và cũng là người đã cho xuất bản cuốn hồi ký tiếng Hoa
của ông Triệu Tử Dương – thì ông Bào Đồng đã chấp nhận rời khỏi Bắc
Kinh ngay từ trước khi ấn bản tiếng Anh của cuốn hồi ký được phát
hành vào giữa tháng năm. Trên nguyên tắc, ông được phép trở lại Bắc
Kinh ngày 7/06. Ấn bản tiếng Mỹ, của quyển hồi ký đã được phát hành
tại Hương Cảng ngày 19.5.2009, nhưng trước đó một vài nhà phát hành
đã nôn nóng đưa ra các tiệm sách rồi.
Hai cha con nhà họ Bào đã chuẩn bị tư tưởng để đối phó với mọi tình
huống, liên hệ đến việc xuất bản hồi ký. Họ nghĩ rằng dẫu sao đi nữa
thì hậu quả có như thế nào cũng không quan trọng, miễn là tài liệu
được phổ biến cho dư luận thế giới biết bộ mặt thật của cái gọi là
tập thể lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc vĩ đại.
Tờ "Washington Post" viết rằng bằng chứng mà Triệu Tử Dương đưa ra
xác quyết nhiều chuyện ai ai cũng rõ về việc đấu đá nội bộ Đảng để
tranh giành chức tước lúc bấy giờ. Nhưng hồi ký đã phá vỡ quy định
bất thành văn của chóp bu cộng sản là không bao giờ đích danh quy
trách nhiệm bất cứ điều gì cho một ủy viên nào trong Bộ Chánh Trị
hết. Nghĩa là những tên chúa đảng phải bao che lẫn nhau, sống chết
mặc dân, yên thân lãnh đạo! Chế độ cộng sản nào mà chả thế! Như một
lũ mafia!
Hồi ký họ Triệu tiết lộ rằng việc ban hành thiết quân luật được
quyết định trái với nội quy của Đảng. Đoạn cuối sách đưa ra bản phác
họa phê bình chế độ Trung Quốc và tác giả tuyên bố ủng hộ giải pháp
dân chủ hóa chánh thể. Quyển hồi ký cho thấy cụ thể những tình tiết
của trận đấu đá bên trong Bộ Chánh Trị Trung Quốc. Theo Bào Phác
thì: "Quyển nhựt ký này là một tài liệu vô giá vì nó đã tái hiện
được một phần lịch sử đã bị tập đoàn lãnh đạo của Đảng cố tình bôi
xóa đi hoặc bóp méo, có lợi cho họ. Chính ông Triệu Tử Dương không
căn dặn phải xử lý ra sao các cuộn băng đó.
Không những phê phán những người lãnh đạo trước kia, ông Triệu Tử
Dương còn chỉ trích những mánh khóe của bọn chóp bu ngày nay ở Trung
Nam Hải là giả vờ đóng góp vào việc phát triển kinh tế, trong khi họ
đã làm mọi cách để cản trở tiến trình đó. Bị đưa vào vùng quên lãng
của lịch sử nhà nước, cựu Tổng Bí Thơ Triệu Tử Dương đã cất cao
tiếng nói, trong bầu không khí im lặng tuyệt nhiên, ngày nay đang
bao phủ kín mít vấn đề cải tổ chánh trị ở Trung Quốc. Ông đã đề nghị
Bắc Kinh phải có một nền dân chủ đại nghị, nếu như người ta hy vọng
duy trì một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Bằng không thì Trung
Quốc sẽ phải đứng trước chuyện "mua quan, bán tước, tệ tham ô nhũng
lạm xấu xa và một xã hội ngăn cách người giàu với kẻ nghèo".
Cố Nhân
|