Lang thang về McNamara:
Người về cõi vô biên

Trên cõi đời này,
có người nằm xuống êm ru bà rù, kẻ khác ra đi lại trống gióng,
chiêng khua rùm trời, dậy đất. Như cái chết mới đây của ca sĩ
"Ông Hoàng Nhạc Pop", Michael Joseph Jackson, thôi thì vang dội
năm châu bốn biển, lệ sầu tuôn rơi ngập cõi nhơn gian! Và hồi
gần đây, Robert Strange McNamara âm thầm bước qua cửa tử, êm đềm
như mơ, vì tắc thở trong giấc ngủ cô miên, nhưng cũng khá om sòm
vì buổi sanh tiền, đương sự cũng đã có một thời khuấy đất, quậy
trời, đặc biệt là ở Việt Nam.
Tin tức cho hay ông McNamara đã từ trần ngày 6 tháng Bảy năm
2009, ở tuổi đời chín mươi ba. Một con người tên tuổi, đã nằm
xuống và đã ra đi về cõi vô biên! Một con người khá lừng danh vì
đã có một quá trình sinh sống vô cùng rạng rỡ. Ngay từ những
ngày mài đũng quần trên băng ghế nhà trường, ông đã là một loại
bé ngoan chăm học, lại học giỏi, và đỗ đạt hạng cao, bằng lớn,
xuất thân từ những trường đại học danh tiếng của đất nước Hiệp
Chúng Quốc Huê Kỳ, như Berkeley và Harvard.
Mang cái sở học đó bước vào đời, McNamara đã không ngớt thành
công trong sự nghiệp ở ngành công nghệ xe hơi của công ty "Ford
Motor" vào những năm 50 và trong cuộc sống sau này, ở ghế Chủ
Tịch Ngân Hàng Thế Giới. Nhưng, những quãng đời vẻ vang đó đã
buồn hiu và âm thầm lui vào hồ sơ lý lịch của ông, chỉ còn lại
chuỗi dài tháng năm ông làm Bộ Trưởng Quốc Phòng cho hai đời
tổng thống Kennedy và Johnson, khi Chiến Tranh Đông Dương đợt
hai nổi cộm lên cao, một cuộc chiến chẳng mấy vẻ vang, nhưng
buồn thay lại được dư luận Mỹ gán cho ông với tên gọi "Cuộc
Chiến McNamara".
* * *
Khi chuẩn bị bước vào Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống John F. Kennedy
mời McNamara giữ chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng, trong khi đương
sự đang vẻ vang ăn nên làm ra ở công ty Ford Motor. Ông vừa khôi
phục được tình hình của hãng nầy, sau khi đã giảm nhẹ cơ cấu
hoạt động, phân cấp các khâu sản xuất và chỉnh đốn lại quy luật
quản lý. Năm 1960, ông đã là nhơn vật thứ nhì của nhóm tài phiệt
đó, một vị trí từ xưa đến giờ chưa từng có một người nào thuộc
ngoại vi gia đình nhà họ FORD chiếm giữ.
Nên chi, khi Tổng Thống Kennedy có ý định đưa đương sự vào ghế
Quốc Phòng, McNamara đắn đo, không muốn thả mồi bắt bóng, cũng
phải, dẫu rằng Kennedy muốn vậy vì thấy ông ta là con người tinh
khôn nhứt, chưa từng gặp bao giờ. Khi McNamara xin miễn, nhúng
nhường viện lẽ chưa đủ phẩm chất để đảm nhiệm chức vụ đó, thì
Kennedy nói rằng: "Này Bob, anh biết có nơi nào đào tạo chức vụ
tổng thống không?"
* * *
Như vậy là ngày 21 tháng Giêng 1961, McNamara trở thành Bộ
Trưởng Quốc Phòng thứ tám của Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ, để rồi
ngồi miết đến khi Tổng Thống Kennedy bị ám sát (22.11.1963), rồi
tiếp tục đến ngày 29 tháng Giêng 1968, dưới nhiệm kỳ của Tổng
Thống Lyndon B. Johnson. Bảy năm trong lịch sử của đất nước Mỹ,
bảy năm để cho đương sự đưa chánh sách quốc phòng kinh qua một
cuộc cách mạng, tái cấu trúc Ngũ Giác Đài, với bốn triệu rưởi
công chức, trong đó có ba triệu rưởi người mặc quân phục. Đồng
thời, bảy năm đó cũng làm cho ông trở thành một con người tự do
phóng khoáng kiên định, mà cũng là một nhơn vật bị thiên hạ gièm
pha nhiều nhứt trên nước Mỹ.
Robert McNamara đảm nhiệm chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng trong khi
Chiến Tranh Lạnh đã lên đến điểm cao. Do đó, công tác hàng đầu
của ông là lập lại quân bình võ khí hạt nhân giữa Huê Kỳ và Liên
Xô. Lúc bấy giờ, dư luận Mỹ cho là đất nước họ đang gặp nguy cơ
và nghĩ rằng Huê Kỳ có ít hỏa tiễn hạt nhân hơn Liên Xô. Trong
vòng chín tuần lễ, nhà chiến lược quốc phòng đó nhận thấy dư
luận nghĩ vậy là không đúng, vì theo nhận định của ông thì Huê
Kỳ đang trội hơn Liên Xô về mặt này.
Sau khi nhậm chức Bộ Trưởng Quốc Phòng, ông bật đèn xanh cho
cuộc đổ bộ lên Vịnh Con Heo ở Cuba, một cuộc đổ bộ được quy
hoạch dưới trào Tổng Thống Eisenhower, mà đến ngày 17.4.1961,
dưới nhiệm kỳ của Tổng Thống Kennedy, mới tiến hành. Người này
quy hoạch, kẻ kia thi hành nên thất bại chẳng làm ai ngạc nhiên.
Thua keo này, ta bày keo khác, McNamara dựng lên nhiều đề án
khác để lật đổ Fidel Castro, Chủ Tịch nước Cuba. Trong số những
dự định này có cả những âm mưu ám sát "El Comandante" đó của
Cuba, theo kế hoạch kết hợp của CIA và Mafia, qua những cung
cách khá buồn cười như tẩm thuốc vào những điếu xì gà của Líder
Máximo để khi hút ông sẽ bị đê mê hay bị rụng râu, như xịt hóa
chất trong phòng thu âm đài phát thanh trước khi Castro vào đọc
diễn văn, như dùng hóa chất làm rụng lông,... Được biết từ cuộc
đổ bộ thất bại đến khi Tổng Thống Kennedy qua đời đã có tám âm
mưu ám sát nhà lãnh tụ tối cao đó.
Thế nhưng cuộc chiến nhiều dấu ấn nhứt trong sự nghiệp của
McNamara là Chiến Tranh Việt Nam. Ngay từ năm 1964, Thượng Nghị
Sĩ Wayne Morse (Dân Chủ) đã gọi nó là "Cuộc Chiến McNamara". Một
danh xưng chính đương sự cũng chấp nhận, khi ông tuyên bố: "Tôi
rất hân hạnh được tên mình gắn liền với cuộc chiến đó, và tôi sẽ
làm mọi cách khả dĩ để chiến thắng." Rất tin tưởng, ông dự đoán
Huê Kỳ sẽ chấm dứt chiến tranh một cách vẻ vang trong vòng ba
hoặc bốn năm nữa thôi.
Hai năm sau, khi chiến phí lên đến hàng tỷ Mỹ kim và tổn thất
nhơn mạng lên đến hàng chục ngàn người chết, ông thố lộ riêng tư
với báo chí là "ném bom không tạo điều kiện để chiến thắng". Ông
cũng cho Tổng Thống Johnson biết mối hoài nghi đó. Tổng Thống
Johnson lại nghĩ rằng chuyện McNamara yêu cầu rút ra khỏi Việt
Nam là một âm mưu để làm cho ông thất cử. Như vậy là Johnson yêu
cầu McNamara từ chức vào năm 1967.
Khi về hưu,
Robert McNamara thố lộ tâm tình cho thấy rằng ông hối tiếc về
Chiến Tranh Việt Nam và về cuộc chạy đua võ trang hạt nhân. Qua
tài liệu "The Fog of War" (Sương Mù Chiến Tranh) - do Errol
Morris thực hiện năm 2003 - ông cho biết: "Chúng ta là nước hùng
mạnh nhứt thế giới. Tôi không nghĩ là chúng ta có thể áp đặt sức
mạnh quân sự, kinh tế hay chánh trị của chúng ta một cách đơn
phương. Nếu như chúng ta đã tôn trọng quy luật đó ở Việt Nam thì
Mỹ không phải lâm vào tình cảnh như ngày nay."
Là con người quan niệm rằng những cường quốc đều "Khiếp Sợ Như
Nhau", McNamara tán đồng lập trường của Kennedy qua các cuộc
khủng hoảng lớn hồi đầu những năm 1960, như sự xuất hiện của bức
tường ô nhục Bá Linh, sự thất bại của cuộc đổ bộ đánh phá Castro
ở Vịnh Con Heo, và cuộc xung đột về hỏa tiễn mà Liên Xô đưa đến
Cuba. Năm 1962, quân đội Mỹ chính thức đặt chưn lên Việt Nam,
với quyết tâm bảo vệ thành trì của Thế Giới Tự Do ở Sài Gòn,
trong khi những người lãnh đạo Nam Việt Nam cứ phớt tỉnh như
không. Tổng Thống Kennedy đã mó tay vào mớ bòng bong ở Nam Việt
Nam và Tổng Thống Johnson đã kẹt vào cả cánh tay, McNamara thì
sốt sắng lao vào, dẫu rằng đôi khi cũng đắn đo ngại ngùng.
Một biến cố trên biển ở Vịnh Bắc Việt hồi năm 1964, được Johnson
và McNamara làm lớn chuyện, đánh dấu bước đầu leo thang chiến
cuộc. Lính Mỹ sa lầy. Sanh viên Mỹ nổi nóng, đứng lên xuống
đường phảng đối ồn ào. Chính con cái của McNamara cũng không tán
thành, chống đối chiến tranh cùng với bạn bè.
Mệt mỏi và chán nản vì những năm căng thẳng thần kinh, và thấy
rằng không làm sao chiến thắng được ở Việt Nam, McNamara chốp
lấy chiếc phao cứu nguy qua sự bổ nhiệm vào vị trí đầu não của
Ngân Hàng Thế Giới hồi năm 1968. Tổng Thống Johnson không tìm
cách lưu nhiệm ông vì, tuy hai người có vẻ thân cận, nhưng lại
"đồng sàng vị mộng". Thậm chí, khi Tổng Thống Johnson ra lịnh
cho mấy ông tướng đem B-52 ném bom Việt Cộng cũng không cho
McNamara biết.
Mấy năm sau, McNamara thử tìm cách rút ra một bài học từ cơn ác
mộng của Huê Kỳ. Trước tiên qua quyển sách "Nhìn lại: Thảm Kịch
Việt Nam và Những Bài Học" (In Retrospect: The Tragedy and
Lessons of Vietnam – 1995), và sau đó qua một phim tài liệu
"Sương Mù Chiến Tranh" (The Fog of War.
Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara – Errol
Morris – 2003). Với một sự chân thành không chê vào đâu được,
ông nhìn nhận là đã lầm lẫn về bản chất của cuộc chiến. Người Mỹ
coi đó là cuộc chiến tranh chống cộng trong khi đó chỉ là trấn
áp một phong trào giải phóng dân tộc mà thôi.
Năm 1968, con người mang tai tiếng vì chiến cuộc ở Việt Nam bỗng
dưng trở nên một người binh vực cho Thế Giới Thứ Ba, gồm có
những quốc gia nghèo nàn. Như là một thái độ ăn năn sám hối
chăng? Ông quan tâm nhiều hơn đến số phận của nhơn loại đau khổ.
Trong chiều hướng đó, ông đề nghị Ngân Hàng Thế Giới cho Việt
Nam vay - một sáng kiến mà McNamara rất thiết tha - nhưng nước
Mỹ, với đa số cổ phần trong Hội Đồng Quản Trị, không đồng ý, vì
còn căm tức nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
* * *
McNamara là một chánh khách độc đáo của Huê Kỳ, có một không
hai, ai ai – phe hữu, cánh tả cũng như phái trung dung – cũng
đều coi ông như hung thần, ác quỷ. Những nhơn vật quần chúng
khác của Mỹ thường bị một bên nào đó ghét thì trái lại được bên
kia thương yêu binh vực. Xưa nay, chưa từng thấy có người nào bị
cả phe cấp tiến, lẫn bảo thủ và luôn cả cánh ôn hòa chỉ trích
bao giờ.
Tại sao lại có chuyện lạ kỳ như vậy, vì lý do nào mà những lời
ong, tiếng ve cay nghiệt quá lố cứ nhằm ông mà châm chọc xỉa
xói? Ông đâu phải là tổng thống, là nhơn vật đầu sỏ, mà trăm
người trong thiên hạ cứ chĩa mũi dùi vào hoài vậy? Tại sao người
ta không trách cứ Tổng Thống Kennedy khi khổng khi không dây mơ
rễ má làm chi vào chiến cuộc Đông Dương, hay than phiền Tổng
Thống Johnson đã làm cho chiến tranh leo thang, hoặc giả chỉ
trích Tổng Thống Nixon đã để cho chiến cuộc dằng dai? Chỉ vì các
vị tổng thống, người nào cũng có ủng hộ viên, tay chưn bộ hạ
biết tìm cách giảm nhẹ và chống đỡ những thiệt hại bàng hệ,
ngang hông, có cơ xúc phạm đến thanh danh của bực đầu đàng, khi
chánh sách của họ thất bại ở Việt Nam.
Những người tôn sùng dòng họ Kennedy đã lăng xăng vội vã viết
lại lịch sử để tạo một hình ảnh của huynh đệ nhà này, từ những
chiến sĩ chống cộng đanh đá cá cày - đã nhiều phen tìm cách ám
sát Fidel Castro và say mê học thuyết chống khuynh đảo – thành
ra loại "bồ câu" chủ hòa. Trong khi đó họ tô son trét phấn một
Lyndon Johnson miễn cưỡng và thận trọng, để biến đương sự thành
loại "diều hâu" hiếu chiến, loạn thần kinh.
Hồi cuối thế kỷ XX, càng ngày càng có nhiều người lớn tuổi nhớ
lại chuyện Tổng Thống Kennedy đã thầm kín hứa với các cụ là ông
có thể bỏ rơi Việt Nam để cho cộng sản làm gì làm, nếu ông đắc
cử nhiệm kỳ hai. Một tiết lộ rất ư là tiện lợi và gọn nhẹ, chẳng
khác nào kể lại chuyện bị người hành tinh khác xuống bắt đem đi.
Như vậy là nói rằng "kiến trúc sư" của chiến tranh Việt Nam
không phải là Kennedy mà cũng chẳng phải Johnson, mà chính Bộ
Trưởng Quốc Phòng của hai ngài tổng thống thì hợp tình hợp lý
quá rồi. Nên chi có câu "Hoàng đế là nhứt hạng, chỉ có những
quan cận thần sai quấy thôi"!
Điều bất hạnh cho McNamara là thay vì những nhơn vật khác trong
chánh quyền như McGeorge Bundy hoặc Walt Rostow phải bị hy sanh
thì chính ông lại lãnh đủ, làm dê tế thần cho cuộc thất bại ê
chề của toàn bộ hai nhà nước Kennedy-Johnson. Chẳng hiểu vì sao
thảm họa ở Việt Nam lại đổ cho McNamara trong lúc đó thì những
ngài Cố Vấn An Ninh Quốc Gia như Bundy và Rostow thì không hề
hấn gì.
Không phải như Tiến Sĩ Henry Kissinger, hay dở gì không biết,
cũng là quân sư của chánh quyền Nixon, ông McNamara không phải
là một nhà trí thức kiểu Rostow (quân sư của Tổng Thống
G.W.Bush), có công trình nghiên cứu về cộng sản và về chiến
tranh cục bộ. McNamara thường bị cáo buộc là tin tưởng quá lố
vào những giải pháp của chánh phủ chuyên viên, nhưng đó đâu phải
là thói hư tật xấu của riêng ông. Và tánh tự tin của ông - dường
như làm cho nhiều người khó chịu lúc bấy giờ - cũng là đặc điểm
chung của những người có thế lực ở Hoa Thạnh Đốn cũng như ở các
thủ đô khác.
Với bất cứ lý do nào, McNamara cũng bị quần chúng coi là hiện
thân của sự thất bại ở Việt Nam, chớ không phải nhơn vật nào
khác dưới trướng tổng thống Huê Kỳ. Nhưng như vậy cũng chưa giải
thích được tại sao thiên hạ bất đồng ý kiến về mọi vấn đề khác,
lại thường nhứt trí rằng McNamara là người gánh chịu mọi sai lầm
trong chánh sách đối ngoại của Huê Kỳ.
Thường có ba loại dư luận sáng giá về chiến cuộc Việt Nam. Những
lời bàn ra tán vào đó gồm có ý kiến bồ câu, phản chiến của cánh
tả, dư luận diều hâu, tán thành của phe hữu và những quan niệm
thực tế, nửa chim cu, nửa ác điểu của nhóm thứ ba, đứng giữa.
Mỗi phe phía dựng nên hình tượng của một McNamara phù hợp với
thái độ của phe mình về chiến tranh Việt Nam.
Bên phe tả, nhiều người trong phong trào phản chiến lập luận
rằng chiến tranh Việt Nam cũng tàn bạo như Đức Quốc Xã. Đó là
một cuộc chiến không minh bạch, với nhiều tội ác. Tự nó, cuộc
chiến đã là một tội ác, một hành động tham tàn theo kiểu thực
dân, chẳng thật sự liên hệ chút nào với cuộc Chiến Tranh Lạnh
quy mô hơn, ngoại trừ qua luận điệu tuyên truyền của Mỹ. Vì vậy
nên McNamara bị coi như là một tên tội phạm chiến tranh.
Kết án McNamara - người làm nên chánh sách chiến tranh của
Kennedy và Johnson – như tội phạm chiến tranh mà không tố giác
Kennedy và Johnson như vậy là phi lý, chẳng khác nào lên án
Himler về lò thiêu người Holocaust, lại cho Hitler là trong
trắng ngây thơ. Nhưng dường như tình trạng mâu thuẫn đó, nhiều
người tả phái chống chiến tranh chẳng mấy quan tâm.
Bên phía hữu, hầu hết những người bảo thủ tán thành chiến tranh
Việt Nam, cho rằng đó là một trong những cuộc chiến danh chánh
ngôn thuận - cũng như Cuộc Chiến Triều Tiên - để chận đứng đà
bành trướng của khối cộng sản, dưới hình thức xâm lược hoặc lật
đổ chánh quyền tại chức, với hậu thuẫn của Liên Xô hay của Trung
Quốc. Cũng như hồi thời kỳ Chiến Tranh Triều Tiên, những người
bảo thủ chỉ trích chánh quyền đã cố tình kềm hãm quân đội Huê
Kỳ.
Cũng như xưa kia họ đã tố cáo chánh quyền của Tổng Thống Truman
để lỡ cơ hội chiến thắng ở Triều Tiên, qua việc kềm hãm và cách
chức Tướng McArthur, giờ đây cánh hữu cũng lên án chánh quyền
Johnson là đã bỏ qua cơ hội chiến thắng ở Đông Dương, do việc
hạn chế hoạt động của Tướng Tư Lịnh Chiến Trường, William
Westmoreland. Chủ thuyết cho rằng cấp lãnh đạo ở Hoa Thạnh Đốn
đã "Đâm Sau Lưng Chiến Sĩ" chiến đấu ở Việt Nam, có ý phê phán
những nhơn vật dân sự nhút nhát, như McNamara và LBJ, bắt ép
quân nhơn Mỹ chỉ chiến đấu với một tay, còn tay kia giấu sau
lưng. Hình ảnh này đã được cố Đại Tá Harry Summers phổ biến sau
chiến tranh và vẫn còn là cái nhìn nổi bật đối với phe hữu của
Huê Kỳ.
Như vậy cũng chưa đủ, McNamara còn là vật bung xung cho phe đứng
giữa, điển hình là các ông George Kennan và Hans Morgenthau,
những chuyên viên uy tín về chiến tranh lạnh ở Mỹ. Cả hai đều
chống đối việc Mỹ can thiệp ở Đông Dương, cũng như trước kia đã
phản bác chuyện Mỹ can thiệp ở Triều Tiên, vin vào những toan
tính địa lý chiến lược của họ để cho rằng cả Triều Tiên lẫn Đông
Dương đều chẳng quan trọng chút nào về mặt quân sự.
Khác với phe tả phản chiến, những người thực tế đứng giữa, trên
nguyên tắc, không chống đối chiến tranh mà họ cũng không nghĩ
Huê Kỳ là một thế lực hiểm ác. Không phải như cánh hữu chống
cộng, họ lập luận rằng Chiến Tranh Lạnh thật ra là một cuộc chạm
trán giữa những cường quốc truyền thống, chớ không phải là một
cuộc đấu tranh ý thức hệ hay giữa các nền văn minh.
Lập luận của những người thực tế - lực lượng thứ ba – cho rằng
những ai ủng hộ Chiến Tranh Việt Nam đã phạm phải sai lầm, không
phải từ con tim mà từ lý trí. Họ đã biểu lộ thái độ kiêu căng vì
thế lực, họ rất ngạo mạn, dựa vào tình hình chung của đất nước
Huê Kỳ.
Tóm lại, Chiến Tranh Việt Nam là tội ác đối với cánh tả, một sự
phản bội đối với phe hữu và một sai lầm đối với những người thực
tế. Vì vậy mà Robert McNamara - một loại dê tế thần tiện lợi để
thay thế chánh quyền Kennedy và Johnson – cũng là một tội đồ
chiến tranh đối với cánh tả, một tên phản bội đối với phe hữu và
một kẻ điên rồ đối với những người thực tế đứng giữa.
Giá như có một người sẵn sàng lãnh đủ, chẳng hạn như Bundy hoặc
Rostow thay vì McNamara, để gánh chịu sự thất bại ở Việt Nam,
thì người đó cũng bị phe thực tế chê trách là một thằng điên
khùng kiêu căng, phái bảo thủ coi như là kẻ phản bội và cánh tả
quá khích cho là tên tội phạm ngang hàng Quốc Xã Đức. Như vậy là
hình ảnh của McNamara tùy theo cảm quan của một cá nhơn về Chiến
Tranh Việt Nam.
Không còn ai cho là nghiêm chỉnh, quan điểm của nhiều người quá
khích lúc bấy giờ cho rằng Chiến Tranh Đông Dương kỳ nhì chỉ là
một cuộc tiễu trừ phiến loạn chống thực dân, chẳng ăn thua gì
với Chiến Tranh Lạnh rộng lớn hơn. Vậy mà, sau khi lấn chiếm
được Nam Việt Nam hồi 1975, bọn đầu sỏ già nua của Hà Nội đã lòi
mặt chuột, lên mặt khoe khoang khoác lác là đã chi viện đúng mức
bọn Việt Cộng miền Nam và vỗ ngực tự xưng là những người trung
thành với chủ nghĩa Mác-Lê chính thống. Thái độ đó của Bắc Việt
có đủ để phản bác lập luận trên đây chưa? Sau một thời gian đâm
bị thóc, chọc bị gạo hai đàn anh cộng sản Nga-Tàu, cộng sản Việt
Nam hoàn toàn trở thành chư hầu của Liên Xô, làm cho Trung Quốc
bất bình phải "dạy cho Việt Nam một bài học" hồi năm 1979, để
thằng em ngạo mạn biết lẽ phải ở đời.
Hỏa lực và chất độc màu da cam của Mỹ đã tác hại người dân và
tàn phá cảnh quang Việt Nam quá nhiều, làm cho thiên hạ phải suy
nghĩ đắn đo. Vậy mà, những sự phá hoại của Huê Kỳ ở Triều Tiên
còn thảm khốc hơn, và những vụ tàn phá của Mỹ trong Thế Chiến
II, kể cả việc thiêu hủy những thành phố Đức và Nhựt Bổn bằng
bom thường và bom nguyên tử, cũng không phải ít ỏi gì. Đối với
sử gia, khi đối chiếu lại, cũng khó mà nói rằng Chiến Tranh Việt
Nam là trường hợp hung bạo hiếm có.
Nếu phe bảo thủ,
cho rằng đánh giặc kiểu đó ở Việt Nam là "đâm sau lưng chiến
sĩ", thì họ chưa hiểu được thực tế của vấn đề. Giả dụ chánh phủ
Johnson dốc toàn lực lượng quân sự Huê Kỳ xâm chiếm Bắc Việt
hoặc ném bom đê điều, thì chiến tranh may ra sẽ kết liễu nhanh
chóng, con số thiệt hại của Mỹ và Việt Nam sẽ ít đi, đất nước
Việt Nam sẽ được thống nhứt trong cộng đồng Thế Giới Tự Do, hoặc
giả, tệ lắm thì tiếp tục bị chia đôi giống như Triều Tiên, cho
đến ngày nay.
Nhưng, thiên hạ quên một điều là Tổng Thống Johnson phải cân
nhắc lợi hại, sợ rằng Tàu Cộng, đã từng chi viện cho Bắc Việt
hàng trăm ngàn quân hậu cần, biết đâu sẽ tiến hành một cuộc
chiến toàn diện với Huê Kỳ tại Việt Nam, như ở Triều Tiên thì
sao? Từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, người ta thấy rõ rằng Mao
Trạch Đông rất có thể can thiệp trực tiếp, nếu như Huê Kỳ làm
mạnh tay ở Việt Nam. Nghĩ cho cùng thì chánh quyền Johnson đâu
có điên khùng gì khi tìm cách ngăn ngừa đừng cho chiến cuộc Việt
Nam leo thang để trở thành một chiến tranh Hoa-Mỹ thứ hai, sau
Triều Tiên.
Có lẽ lập trường của nhóm trung dung thực tế, ngày nay được
nhiều người tán đồng hơn. Việt Nam không có tầm quan trọng về
chiến lược dài hạn và Mỹ có thể hy sinh miền đất chữ "S", không
cần chiến đấu để cho thế lực và thanh danh khỏi phải chịu thiệt
hại lâu dài. Cũng có thể. Có thể Huê Kỳ cũng đừng lập cầu không
vận Bá Linh làm gì - dẫu sao Tây Bá Linh, trên thực chất, cũng
chẳng có ý nghĩa chiến lược gì cho cam – mà cũng không nên dây
mơ rễ má đến Chiến Tranh Triều Tiên và cam kết phòng vệ Đài Loan
làm gì. Biết đâu, những nước đồng minh lớn cũng như nhỏ của Huê
Kỳ, sẽ làm cho Liên Xô khỏi lo sợ vì Mạc Tư Khoa đã đạt được từ
thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh bại Mỹ qua những hành
động "rung cây nhát khỉ" hoặc "dụ trẻ ăn cứt gà", mượn các nước
nhược tiểu đánh thuê, dưới danh nghĩa "giải phóng dân tộc".
Thế nhưng, bảy đời tổng thống Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ đâu có nhẫn
tâm chấp nhận như vậy. Từ Truman đến Reagan, các tổng thống Huê
Kỳ, dân chủ cũng như cộng hòa, đều nghĩ rằng qua những cuộc dấn
thân của Mỹ ở Bá Linh, Đông Dương hay Triều Tiên là vì danh giá
của một cường quốc hùng mạnh và đầy quyết tâm đứng ra bảo vệ
những quốc gia đồng minh yếu kém, không phải vì quyền lợi vật
chất.
Trong thời Chiến Tranh Lạnh, nhiều người theo chủ nghĩa thực tế
có khuynh hướng chê bai khía cạnh lý tưởng của cuộc chiến, cho
là phù phiếm so với những yếu tố vật chất, hoặc coi đó như là để
ngụy trang những điều thiết thực, nghĩa là những quyền lợi vật
chất và quân sự. Lập luận như vậy là không thích đáng để thấu
hiểu đứng đắn dã tâm của những con người tôn thờ chủ nghĩa
Mác-Lê, rồi ngày nay cũng không hiểu được ác ý của những người
Hồi Giáo, trong cuộc chạm trán ở Trung Đông.
Thái độ của phe thực tế càng bị suy yếu đi vì dường như họ không
phân biệt được lãnh vực nào thuộc chiến lược và lãnh vực nào
không. Giá mà cuộc chiến Việt Nam kết thúc bằng một sự bế tắc
như Chiến Tranh Triều Tiên, với một Miền Bắc hom hem nghèo mạt
và một miền Nam hiện đại hóa phú cường, liệu giờ đây có bao
nhiêu người thực tế còn lý luận rằng công cuộc ngăn chặn chủ
nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á là một hành động điên rồ?
Vậy thì, trong tương lai, những nhà sử học sẽ viết như thế nào
về Robert McNamara cùng với vai trò của ông ở Việt Nam? Trong
vòng một thập niên sắp tới, các nhà sử học sẽ lần hồi đưa Chiến
Tranh Đông Dương kỳ nhì – và cả kỳ nhứt và kỳ ba nữa – vào lịch
sử chung của Chiến Tranh Lạnh, thay vì coi nó như một trường hợp
cá biệt. Ngoài ra, mọi chuyện đều tùy theo người viết sử và
Robert McNamara sẽ là một nhơn vật như thế nào, sẽ tùy thuộc
người đó nhìn Chiến Tranh Việt Nam ra làm sao.
Cứ "trăm dâu đổ đầu tằm" là gọn gàng và tiện lợi nhứt. Nhưng phê
phán một nhơn vật lịch sử đâu có thể đơn giản như vậy được. Nhứt
cử, nhứt động của thời thế đều phụ thuộc ở bối cảnh thời gian và
không gian. Nếu như đưa ra một kết luận biệt lập với môi trường
xung quanh thì cũng chỉ là một quyết đoán phiến diện. Còn phê
phán tùy theo lập trường chủ quan thì chẳng có giá trị gì.
Vậy mới biết sống trên đời phải làm sao theo được lời dạy của
ông bà mình là "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Khi còn
sống oai của cọp ai mà không sợ, chết đi rồi da cọp được thiên
hạ tôn quý đem trưng bày nơi cao sang quyền quý. Còn người ta,
chết đi rồi muốn được tiếng thơm thì lúc sống phải làm nên những
chuyện phi thường hoặc hữu ích cho nhơn loại. Chớ chuốc lấy
tiếng thị phi, thì thà rằng cứ lẳng lặng và âm thầm ra đi vào
cõi vĩnh hằng còn hơn.
Cố Nhân
(Mượn ý bài:
"All Sides Blame McNamara for Vietnam",
của Michael Lind, đăng trên báo mạng "Salon.com" ngày 7 tháng 7
năm 2009.)
[http://www.salon.com/opinion/feature/2009/07/07/mcnamara/index.html?source=newsletter]
|