PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Vấn Đề Xã Hội

Dáng dấp của một thành phố:

Tây Đầm và Sài Gòn

  • PSN - 30.8.2009 | Cố Nhân 

...những phần tử tinh hoa của xứ sở, đỗ đạt học vị và thu thập phẩm chất của đất nước, thường mang khả năng đó đi phục vụ cho những nhà đầu tư nước ngoài hay cho những cơ quan nhà nước, với một mục đích hoàn toàn vụ lợi. Họ không được đào tạo để suy ngẫm, còn suy ngẫm với óc phê phán lại càng ít hơn nữa. Ngay khi cuộc tranh luận bước sang những vấn đề có tính xã hội và chánh trị thì họ lảng đi, hoặc chẳng biết phải ăn làm sao và nói cách nào. Không phải vì bị cấm kỵ, nhưng đúng ra là họ không có thói quen...

Trời, mới đó mà đã tám tháng qua, như vèo một cơn gió thổi! Hình như người Việt thường nói là "như bóng câu qua cửa sổ" thì phải. Thibaut và tôi – Caro - lại sẽ phải lên đường đi tới những chân trời mới khác. Nhưng trước khi trình bày cùng các bạn những cảm tưởng và những nhận xét của chúng tôi trên đoạn đường kế tiếp, tôi nghĩ là cần phải nán lại đôi chút để giới thiệu một vài cảnh quang đã trông thấy thường ngày ở Sài Gòn... Những hình ảnh rất tầm thường vô vị, nhưng hết sức hàm súc đối với chúng tôi, những con người đã từng va chạm với thành phố này...

 

Thông thường, sống bám trụ một nơi nào thì tốt hơn, mới hy vọng nghiệm thấy được con người có khả năng tích lũy thông tin mau đến tốc độ nào, để có thể thích nghi với môi trường, trong đó mọi mấu chốt đều bị xáo trộn. Tiếp nối giai đoạn hưng phấn và sinh động ban đầu, là thời kỳ ổn định, để rồi người ta bắt đầu xác định một nhịp sống lề mề, ngày nào cũng như ngày nấy. Vậy là người ta nghĩ bụng rằng "ờ thì cũng được đi, cần quái gì quan sát một cuộc sống linh động đổi thay, cứ hòa mình vào mà sinh sống cho êm chuyện".

 

Ngày máy bay đáp xuống phi trường cửa khẩu, điều mà tôi không sao quên được là tâm tư tôi tràn ngập một nỗi hãi hùng, khi mắt tôi trông thấy khoảng không gian vô tận, đầy dẫy nhà cửa chồng chất lên nhau một cách loạn xị, chạy dài đến tận chưn trời, cuối đất. Lúc bấy giờ, lòng tôi tự hỏi làm sao mình sống được trong tình huống huy hoạch đô thị quái gở này.

 

Ấy vậy mà, chẳng bao lâu sau, bản đồ thành phố cầm tay, nhông nhông trên hai chiếc xe đạp "cáu cạnh" vừa mới tạo, hai đứa tôi trầm người vào vũ trụ đó, xuôi ngược trên những đại lộ thênh thang, di sản của công trình huy hoạch thành phố thời thuộc địa, cũng như trên những con hẻm quanh co, ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo, mang một dáng dấp, một bầu không khí lai căng, nửa phố thị nửa nhà quê. Đôi khi, cảm thấy mình được nằm gọn trong một toàn cảnh vô cùng sinh động đưa tôi lên chín từng mây, nhưng có lúc nó lại làm cho tôi rã rời.

 

Trên đường đi đến trường đại học hoặc đi làm, mỗi khi tôi kẹt cứng giữa những ống phun khói của xe gắn máy nhập cảng từ Nhựt, dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, khi hàn thử biểu vượt ba mươi tám, bốn mươi, trong lúc mình mẩy tôi nhớt nhát mồ hôi, và còi xe cứ inh ỏi thủng cả màng nhĩ, thế là quá mức chịu đựng, tôi muốn chạy trốn, tìm chút vắng vẻ trong căn buồng bé nhỏ, hay thảng hoặc đi về đồng quê để cân bằng lại tâm trí. Dẫu có đi đâu trong thành phố này thì mình cũng phải chấp nhận nhịp độ lưu thông điên cuồng của nó. Khoảng cách từ nơi này đến nơi khác không phải xa xôi gì, nhưng mực độ lưu thông lúc nào cũng kềm hãm mình ở tốc độ hai mươi cây số giờ.

 

Khoảng thời gian mà tôi thích nhứt trong ngày là lúc chạng vạng tối, khi trời đất nhá nhem cho mình hít thở một bầu không khí dịu dàng hơn, khi đường phố ít bị xe cộ chèn nhau mà chạy và khi thiên hạ có vẻ như bớt hối hả vội vàng. Đó chính là lúc mà tôi thích đi lang thang với Thibaut trên những con đường trong khu phố. Lúc bấy giờ thiên hạ, cuối cùng mới hết bôn ba chạy ngược, chạy xuôi.

 

Trên hè phố, mấy hàng quán ban ngày thu dọn rút lui, như chừng để làm một giấc qua đêm, nhường chỗ cho những chiếc bàn con và những cái ghế tí tẹo, ban đầu ngồi đau cả mông, nhưng lần hồi rồi cũng thấy thoải mái dễ chịu. Bạn bè, thân quyến, những cặp trai gái trẻ, tình nhơn hay chỉ là bầu bạn, túm tụm nhau lại, cùng nhau sinh hoạt và cười nói ồn ào đôi khi thật hào hứng.

 

Khoảng cách giữa đời sống riêng tư và công cộng đã xóa nhòa, cái này xen lẫn với cái kia. Từ chiếc bàn con, ngồi uống sinh tố với bạn bè, tôi quan sát căn nhà đối diện. Một gia đình tụ họp lại trong căn phòng sinh hoạt chánh, thông thường trông ra mặt đường. Cái máy thu hình chễm chệ ngay giữa nhà, xung quanh trống trơn, cho mình có cảm tưởng như những người sinh sống nơi đây có một cuộc đời tạm bợ.

 

Bàn thờ thần thánh hộ mạng, là bộ phận chủ yếu thứ hai trong nhà, lại được đặt ngay dưới đất hoặc treo lửng lơ trên vách. Bàn thờ đó nhắc nhở những người trong gia đình nguồn gốc tạm bợ lâu đời hơn của họ, khi mà mọi thứ trong thành phố rộng lớn này lôi cuốn họ vào một cuộc vận hành điên cuồng.

 

Thế là tôi vừa nhâm nhi ly sinh tố vừa liếc nhìn vào khung cảnh gia đình này. Máy thu hình lúc nào cũng vẫn mở xuyên suốt như vậy. Vài ba người trố mắt nhìn màn hình, một số người khác chỉ lơ đãng nghe tiếng mà không xem hình, coi như một thứ âm thanh làm nền cho bối cảnh gia đình. Bà cụ già thắt bím tóc cho cô cháu nội hay ngoại gì đó. Cô bé nằm ngửa nghiêng trên nền gạch, miệng ngậm cây kẹo mút, một thứ chất dẻo lấy từ một loại tảo, pha trộn với sản phẩm hóa học để tạo nên hương vị trái cây ngòn ngọt mà trẻ con ở đây rất thích.

 

Bà mẹ, ngồi bên cạnh, làm chủ một cửa hàng tạp hóa con con của gia đình, lẩm nhẩm kết toán thu chi sau một ngày buôn bán dài đăng đẳng, thường bắt đầu từ năm giờ sáng. Trước cửa nhà, cùng với bao nhiêu người đàn ông khác, người chủ gia đình ngồi chồm hỗm, hai mắt chăm chăm ngó xuống đất, đúng hơn là nhìn vào ván bài đen đỏ. Mức quan tâm lên cao độ vì số tiền đặt cược cũng khá nhiều. Một nhóm khác nữa, cũng tụm năm, tụm ba trước cửa nhà, quanh bàn cờ tướng. Thế nào cũng có ăn thua tiền bạc chút đỉnh vì nếu không thì làm gì hào hứng được.

 

Khi đứng dậy, người thì rủng rỉnh tiền đồng, kẻ lại cháy túi sạch sành sanh. Những trò chơi tiền bạc này, trên nguyên tắc là bị cấm đoán, nhưng, ở đất nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa đó, không thiếu gì những điều cấm kỵ được "bạn dân" khoan hồng nhơn đạo, tai ngơ mắt điếc. Đính kèm với những trò chơi này, thường thì có lai rai ba sợi, chỉ uống bia thôi. Cho nó vui và để giải khát, sau một ngày lao động vậy mà. Có người uống một vài chai, có kẻ nhiều hơn, đôi khi cũng quá chén, làm đệ tử của Lưu Linh. Tất cả tạo điều kiện tăng thu nhập cho quán cóc của bà mẹ.

 

Ngoài sân, trẻ nhỏ chạy giỡn tung tăng, chơi mèo bắt chuột chạy quanh những chiếc bàn con của chúng tôi. Mấy đứa lớn hơn, từng cặp, từng cặp thi đua nhau đá cầu lông, một cuộc chơi khá phổ biến, ít tốn tiền mua sắm dụng cụ. Có lúc Thibaut và tôi cũng thử chơi, nhưng hình như chúng tôi là những đấu thủ hạng xoàng.

 

Đây rồi, người bán dạo với chiếc xe đạp, đàng sau có một cái thùng chứa đựng hàng hóa. Anh này bán những dĩa CD nhạc sao chép, một thứ hàng hóa mà người Việt Nam rất sành điệu. Giỏi làm giả mà cũng thích mua hàng giả, vì rẻ tiền hơn ấn bản chánh. Suốt buổi tối, còn biết bao nhiêu người bán hàng rong nữa, bán đủ thứ linh tinh.

 

Có những bà mẹ nghèo nàn, rách rưới, tay bế con nằm ngủ trên vai, len lỏi trong đám khách giải khát chỉ bán một vài gói mù-soa giấy, một vài cây kẹo cao su. Thảng hoặc, một bà cụ già, lưng khòm, thu ngắn vóc đứng còn chừng phân nửa, cầm trên tay năm ba tấm giấy số, nài nỉ khách mua, vừa giúp bà có được đồng ra đồng vào và biết đâu, có phước, có phần, sẽ được giàu sang mấy hồi.

 

Đó là đôi ba sinh hoạt tiêu biểu của Sài Gòn, mang tên Bác. Cũng là cơ hội cho Thibaut và tôi có dịp trao đổi với người này, kẻ kia để làm giàu thêm cái vốn Việt ngữ của chúng tôi. Nhưng cũng còn tùy theo đối tượng, tùy mức độ kiên nhẫn của người đối thoại và tùy giọng nói của họ nữa, vì mỗi nơi một cách nói và mỗi miền một giọng khác nhau.

 

Thường thường, người Việt Nam rất dễ chịu và hiếu kỳ. Cho nên việc tiếp xúc không mấy khó khăn. Đôi khi vì không quán xuyến được trọn vẹn ngôn ngữ Việt Nam nên chúng tôi chưa đối thoại được với mọi giới của dân Việt như sở nguyện. Những cuộc thảo luận hơi sâu sắc hơn chỉ có thể thực hiện được với những ai thuộc thành phần có trình độ kinh tế và văn hóa, có khả năng nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, nhờ họ có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với các công ty nước ngoài, qua giao dịch và làm ăn.

 

Trao đổi được như vậy rất là lý thú, nhưng cũng chỉ có một số rất ít người chịu cho chúng tôi biết quan điểm của họ về xã hội Việt Nam, dĩ nhiên là những nhận định của họ thật khác biệt với cái nhìn của những giới khác. Thế nhưng, một cách thực tiễn mà nói, những phần tử tinh hoa của xứ sở, đỗ đạt học vị và thu thập phẩm chất của đất nước, thường mang khả năng đó đi phục vụ cho những nhà đầu tư nước ngoài hay cho những cơ quan nhà nước, với một mục đích hoàn toàn vụ lợi.

 

Họ không được đào tạo để suy ngẫm, còn suy ngẫm với óc phê phán lại càng ít hơn nữa. Ngay khi cuộc tranh luận bước sang những vấn đề có tính xã hội và chánh trị thì họ lảng đi, hoặc chẳng biết phải ăn làm sao và nói cách nào. Không phải vì bị cấm kỵ, nhưng đúng ra là họ không có thói quen. Và điều đó tôi nhận thấy rõ nhứt vì tôi giảng dạy Pháp ngữ cho chính hạng người tinh hoa thượng thặng đó.

 

 

Cố Nhân

(Mượn ý bài viết "Scènes de vie à Saigon" của Caro và Thibaut hai Bloggers người Pháp).

[http://deuxansenasie.blogspot.com/2009/08/quelques-scenes-de-vie-dho-chi-minh.html]

 

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp :  Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên :  Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.