PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Vấn Đề Xã Hội

Việt Nam trong mắt người Québec
Cuộc sống dung hòa

  • PSN - 6.05.2009 | Cố Nhân

Mới sáu giờ sáng mà một đạo quân xe gắn máy đã ồ ạt tràn vào thành phố Sài Gòn, thi đua nhau bóp còi inh ỏi. Những người buôn bán trái cây, rau cải, vịt quay đã bày hàng xong trên lề đường. Trên những bếp con, người ta nấu nước lèo, luộc miếng thịt bò và trụng bánh phở, mà dân Sài Gòn, tuy ngồi chồm hỗm nhưng ăn rất ngon lành. Vì nhiều người chia nhau không gian sinh sống của căn nhà nên người ta chiếm lề đường để làm bếp, để ăn uống, để mở tiệm con con và thậm chí để tòn ten trên võng đu đưa mà ngủ.

 

Tám triệu dân cư sinh sống trong thành phố này, làm việc cũng có, mà mậu dịch kinh doanh cũng có, đạp xe chạy ngược chạy xuôi chẳng phải không và chiếm cứ bất cứ tấc đất nào có thể lấn được. Ở Sài Gòn cuộc sống linh động và nhộn nhịp hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn, lúc nào cũng vậy, bất kể ngày đêm. Những con đường bụi bặm khi nào cũng đầy ứ xe gắn may, xe đạp, xe cam-nhông, và đôi khi có cả xe sang trọng, những đoàn xe cưới, những người bộ hành gồng gánh đồ vật đu đưa trên đôi vai ốm yếu...

 

Chễm chệ trên xe gắn máy, các cô gái guốc, giày cao gót cùng với chiếc áo dài duyên dáng, nhưng mặt thì bịt miếng khăn con để chống ô nhiễm và để che chắn cho khỏi bị ăn nắng. Một chiếc xe gắn máy mà chở hai, chở ba, thậm chí chở bốn còn thêm em bé ở giữa. Và trên xe như vậy, người ta chở đủ thứ: gạo bao, kiếng, cây cối, tủ, gỗ ván, nồi chảo đầy thức ăn, bao nhựa đựng cá lia thia,... Người ta chạy hàng ngang từ năm đến bảy chiếc.

 

Không thấy cảnh sát công lộ đâu hết mà đèn giao thông xanh, vàng, đỏ cũng lưa thưa. Nhưng, mèn đét ơi, dường như có chiếc đũa thần của một ông nhạc trưởng nào đó, từ thành phố, mới điều khiển hài hòa được cái vũ điệu ồn ào này. Xe cộ đó từ đâu đến để rồi đi về lối nào đây? Vậy mà... mọi người đều cố tâm chú ý, bền tâm nhẫn nại, thân ai người ấy lo, như tuân hành một quy luật bí ẩn.

 

Là một người cầm tay lái nóng tánh từ Québec sang, tôi không mảy may dám nghĩ rằng mình sẽ chạy xe được trên đường phố Sài Gòn. Thế nhưng, tôi cũng phải sớm sủa làm quen, chớ không thì làm sao đi bộ qua đường đây. Ở Hà Nội, thành phố lớn thứ nhì của Việt Nam về mạn Bắc, sáu triệu dân cư sống chen chúc nhau bên dưới những cuộn dây điện chằn chịt rối mù, chạy dài bên trên thành phố. Người ta còn bấm kèn inh ỏi hơn và lái xe một cách hỗn loạn vô trật tự hơn.

 

May mắn thay, cái đất nước của xe gắng máy đó - mười triệu chiếc trên toàn quốc – cũng là một quốc gia của nụ cười. Người ta không khi nào thấy một người Việt Nam sốt ruột, nổi nóng hay mất bình tĩnh. Lúc nào họ cũng cười, tâm tư tình cảm bị đẩy vào sân sau kín mít, và người ta rất khó biết cảm nghĩ đích thật của một người Việt Nam. Dẫu cho có gợi ra những kỷ niệm bạo tàn của chiến tranh xưa kia, người ta cũng chẳng thấy chút dấu hiệu gì thù nghịch, căm hờn.

 

Trên xứ sở đó, người ta chăm chú làm việc. Trên những con đường thôn dã, người ta thấy những người phụ nữ đầu đội nón lá, khòm lưng trên ruộng lúa. Người ta gặp những người nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt... Trong những hàng quán bên vệ đường, nhiều gia đình miệt mài vào những công việc vặt vãnh như dệt thảm, làm nhang, làm bánh tráng, làm nón lá, may quần áo, làm đồ gốm, làm nước mắm,... và hầu hết lúc nào cũng bằng hai tay.

 

Trong hành trình xuyên suốt Việt Nam, người ta cảm thấy rằng đất nước này bị giằng co giữa truyền thống và hiện đại, chẳng cần quan tâm chuyện có mâu thuẫn hay không. Những cơ sở kinh doanh quốc tế lớn có mặt ở các thành phố Hà Nội và Sài Gòn và hiệu ăn nhanh MacDonald's cũng bày bán những cái bánh Big Mac của họ.

 

Ngoài Bắc, người dân còn bám truyền thống hơn trong Nam. Còn trên miền núi là những sắc dân thiểu số, rất được du khách và những nhà nhiếp ảnh chiếu cố. Họ ở nhà sàn và người ta cho rằng tủ áo của họ còn quan trọng hơn bàn ghế trong nhà. Việt Nam có năm mươi bốn sắc dân ít người, chiếm mười lăm phần trăm dân số.

 

Trên Sông Hương, ở hoàng thành Huế, những người không có địa chỉ, sinh sống trên ghe thuyền, trong khi đó ở ngoại ô Hà Nội, những nhóm nhà sang trọng của những người mới phất, nổi lên san sát. Vậy mà đất nước vẫn còn nghèo và người ta phải chung nhau mà sống, ba bốn thế hệ dưới một mái nhà. Nhưng không ai chết đói. Việt Nam sản xuất nhiều gạo, tiêu, cà phê, hải sản và rất nhiều thực phẩm. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy ăn uống, trên hè phố, trong chợ, trên sông,...

 

Đi Việt Nam mà không vào xem qua các chợ búa là thiếu sót. Chợ Việt Nam bày bán đủ mọi thứ hàng kỳ dị cũng như quái gở. Theo lời người hướng dẫn du khách thì: " đây thứ gì động đậy là có thể ăn được." Mà thiên hạ ăn uống rất ngon, nhẹ nhàng và thanh lịch. Tất cả các món ăn được dọn lên cùng một lúc, rau sống, chả giò, cá, đồ biển ê hề, thịt heo, thịt gà, thịt vịt, điểm xuyết với ngò thơm và sả, và nhứt định là phải có cơm trắng, món ăn căn bản, cũng như phở, một món ăn gồm có nước lèo và bánh phở mà người Việt Nam có thể ăn bất cứ giờ giấc nào trong ngày. Không có chất béo, không bao giờ có món tráng miệng hoặc bánh mì trên bàn ăn. Để giữ gìn vóc dáng mãnh mai.

 

Đành rằng thứ gì cũng ăn được, nhưng trong những nhà hàng dành cho du khách, người ta vẫn giữ lề lối phải chăng. Tuy nhiên ở các tiệm ăn đặc biệt và thuần túy Việt Nam, người ta có thể bắt gặp những món ăn rất là ngoại lệ, như rắn, nhím, chuột, dơi, mèo, chó, và đuôi heo chiên dòn, làm món nhậu để uống bia. Có khi thêm một chút nước đái voi nữa!

 

Lịch sử Việt Nam cũng đi cùng với người đến thăm Việt Nam, xuyên suốt hành trình của họ. Dẫu cho cuộc chiến dai dẳng mấy mươi năm trước đây đã tàn phá khá nhiều tài sản quốc gia, đất nước này vẫn còn mang nhiều chứng tích của quá khứ. Như dấu vết của cuộc đấu tranh hàng ngàn năm chống lại giặc Tàu, tàn tích của nền văn minh rực rỡ, sự hiện diện của Tây thực dân, sự lớn lên của chế độ cộng sản và cuộc dấn thân của Mỹ vào một cuộc chiến hủy diệt xứ sở và nhơn dân đất nước này.

 

Muốn đánh giá đúng đắn chuyến đi của mình, điều quan trọng là du khách nên có một hướng dẫn viên biết rành lịch sử Việt Nam. Vì nước này là một trường hợp khá phức tạp đối với người Tây phương. Ngay một người Việt Nam cũng không biết đâu mà rờ rồi, chớ chẳng phải riêng gì người ngoại quốc. Văn hóa, kinh tế, chánh trị, tôn giáo của xứ sở này chẳng khác nào tình hình giao thông trên đường phố, hỗn quân, hỗn quan, cứ loạn cào cào!

 

Mọi đạo giáo và mọi tín ngưỡng, Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và không biết bao nhiêu thứ khác nữa, đều thâm nhập vào lịch sử Việt Nam. Lòng mộ đạo và tư tưởng tôn sùng tín ngưỡng đã để lại trong cảnh quang vô số đền chùa, với những mái ngói cong vươn lên trời cao và mang nhiều tên gọi đầy tính thơ mộng. Như Chùa Một Cột, Điện Thái Hòa, Chùa Thiên Mụ,... tất cả đều được quét dọn sạch sẻ và sơn son thếp vàng, cái nào như cái nấy. Những đền đài này đều được xây dựng lên để thờ phượng Đức Phật, hiến dâng Khổng Tử, hay để tưởng nhớ một đấng anh hùng, một vì vua chúa, một vị thần hoàng, một người dựng làng lập ấp, một ân nhơn,... Các đền chùa này lúc nào cũng có người sùng bái đến cầu nguyện, dâng hương, hoa quả, cúng tiền, thậm chí có cả những hộp Pepsi để dưới chưn tượng Phật khổng lồ.

 

Như vậy có phải là người Việt Nam có óc tin dị đoan không? Qua cách sống, họ cho thiên hạ hiểu rằng Trời Đất cũng tuân theo một số luật lệ và cứ tin tưởng như vậy họ sẽ hưởng được phước đức. Mỗi làng đều có một thầy tiên tri bói toán mà dân chúng đến xin ngày cưới hỏi, gả con, mua nhà tậu đất, buôn bán làm ăn,... Người dân thờ cúng ông bà, một niềm tin tưởng cho rằng tổ tiên tiếp tục sinh sống với con cháu để phò hộ độ trì, miễn là lớp hậu duệ biết kính trọng và gìn giữ mồ mã. Trong nhà, gia đình nào cũng có bàn thờ để cầu xin phước đức, tôn kính Táo Quân và Đất Đai... Hướng nhà tùy theo hướng dẫn của Thổ Thần và dựa theo sông núi bao quanh. Người ta tôn kính con rồng, tượng trưng cho đức hạnh và trực tính, và con rùa là dấu hiệu của tuổi thọ. Hai con vật đó là hai thành phần trong bộ Tứ Linh - Long, Lân, Qui, Phụng - của truyền thuyết Việt Nam.

 

Và người Việt Nam rất hiếu kỳ. Những người nói được tiếng Anh thì muốn biết nhiều điều về du khách, đặt nhiều câu hỏi, như bạn từ đâu đến, xứ bạn có bao nhiêu dân số, bạn làm gì, có con không? Những ai không biết tiếng Anh thì quan sát đối tượng như người từ hành tinh khác đến.

 

Cố Nhân

 

(Viết theo bài "Viêtnam: entre tradition et modernité" của Sylvie Ruel, Cyber Press, Canada, ngày 25.4.2009.)

[http://www.cyberpresse.ca/le-soleil/vivre-ici/voyages/200904/23/01-849705-vietnam-entre-tradition-et-modernite.php]

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.