Chuyện bên Tây thời bị Đức chiếm đóng:
Ăn nằm với kẻ thù
Liệng
chiếc mũ cát-kết xuống, Herman Goering cầm lấy ly Champagne chánh
hiệu do một kiều nữ tươi cười dâng cho, hớp một hớp rồi mở lời khen
cô nàng khéo chọn rượu, rất hợp khẩu vị. Ông Tướng Tư Lịnh Không
Quân, nhơn vật thứ hai của Đức Quốc Xả này rất sành về mỹ nghệ, nhìn
tranh ảnh là biết giá trị ngay, nên hết sức ngưỡng mộ bức tranh
nguyên tác to lớn của Toulouse-Lautrec treo trên tường của biệt thự
sang trọng nằm cạnh Viện Bảo Tàng Louvre.
Những nhạc công, ăn mặc trang nhã, cổ áo thắt nơ, trổi lên nhạc khúc
của Mozart, làm cho phòng khách sang trọng tràn ngập một bầu không
khí thơ mộng, trong khi đó bánh ngọt được bày ra trên mâm bạc để đón
mời vị khách quý. Có thể cuộc chiến tranh đang diễn tiến khốc liệt
ngoài kia, nhưng một cuộc viếng thăm nhà chứa nổi tiếng nhứt của
Paris, "Le Chabanais", lúc nào cũng làm cho cấp lãnh đạo cao cấp
nhứt của Đức Quốc Xã đánh giá cao phép lịch sự của nước Pháp.
Có thể cuộc thất bại quân sự liễng xiễng và ô nhục của Pháp, trong
trận đương đầu với Đức Quốc Xã hồi 39-45, đã mở ra một thời vàng son
cho những nhà chứa của "Kinh Đô Ánh Sáng", dành cho những thú vui
nhục dục. Nhà bình luận xã hội nổi tiếng của Pháp, Patrick Buisson,
đã cho rằng sự vươn lên của hệ thống nhà săm, sau khi Pháp thua
trận, là bằng chứng điển hình và hùng hồn nhứt của thái độ "nằm ngữa
hợp tác với quân thù", một cung cách rất phổ biến thời đó, nhưng lại
chuốc lấy nhục nhã cho xứ sở người Gaulois trong thời Thế Chiến Thứ
Hai.
Trong quyển sách "1940-1945 Những Năm Gợi Tình" (1940-1945
Années Erotiques), Patrick Buisson đã đập tan huyền thoại, cho rằng
thời kỳ Paris bị Đức chiếm đóng là một khoảng thời gian khắc nghiệt,
qua đó người dân bị chiếm đoạt, bị ngược đãi và phải chịu đựng một
cách tàn nhẫn. Các chủ nhà chứa, thay vì phải khốn khổ hứng chịu
nhiều điều khủng khiếp - thường thường đi kèm với tình cảnh bị quân
xâm lăng chiếm đóng - họ lại được nhiều nhơn vật cấp cao của Đức
Quốc Xã, cũng như hàng trăm sĩ quan cấp dưới khác của Đức, nâng đỡ.
Bằng cách đầu tư thêm tiền bạc, nhập kho vô số hàng hóa chợ đen và
thậm chí có cả những vật quý giá lấy từ những kho tàng cướp bóc được
trong những vùng chiếm đóng minh mông của Adolf Hitler.
Nạn mãi dâm hạng sang phát triển rầm rộ, với sự đồng tình của các
bà, các cô, làm cho Paris trở nên một thành phố mang tiếng là nơi mà
tình dục phát triển mạnh nhứt ở Châu Âu. Nhiều cô gái "si mê" những
người lính Đức xâm lược đến đỗi hết lòng làm cho họ có cảm tưởng như
vẫn còn sinh sống trong gia đình. Các kiều nữ đi học tiếng Đức, tập
thưởng thức nhạc cổ điển như các ông khách của mình, thậm chí đi
nhuộm tóc đen cho khác lạ với người khách tình của mình, phần lớn có
mái tóc vàng hoe.
Hầu như đêm nào trong tuần cũng tưng bừng vui chơi, rượu chè trác
táng, trong lúc phần đông dân chúng phải tuân hành luật giới nghiêm
từ mười một giờ đêm tới năm giờ sáng. Dẫu cho chuyện giết hại đại
trà nhắm vào cộng đồng Do Thái đông đảo của Pháp và bom đạn Đồng
Minh đổ xuống những nhà máy ở ngoại ô, cuộc truy hoan cứ bình thản
tiếp diễn. Theo Buisson thì "Giới lầu xanh của Pháp đã gặp thời buổi
vàng son. Nhiều nơi có nguy cơ bị đóng cửa vào những ngày vừa mới
giải phóng, nhưng dưới thời Đức Quốc Xã được phục hồi hoàn toàn."
Sau khi chinh phục được nước Pháp hồi mùa hè năm 1940, quân xâm lược
Đức Quốc Xã lại lộ diện là những khách hàng say mê chuyện mua dâm.
Lực Lượng Võ Trang Đức Quốc Xã và Đội Bảo Vệ "SS" dựng lên khoảng
hai mươi hai nhà chứa nổi tiếng, biến thành những tụ điểm "xả hơi"
chỉ dành riêng cho cấp chỉ huy quân đội Đức Quốc Xã và một số ít
viên chức Pháp chịu hợp tác với quân chiếm đóng, mang thân phận
những tên "Pháp gian".
Cấp chỉ huy quân sự Đức ấn định giá biểu cho những nhà thổ, trong đó
có một phần nhỏ bé, không đáng kể, gọi là nộp thuế cho nhà cầm quyền
Pháp chịu hợp tác. Các bác sĩ Đức kiểm tra sức khỏe gái mãi dâm mỗi
tuần ba lần (lục-xì), để bảo đảm họ không mắc bịnh. Nếu có trường
hợp bịnh hoa liễu bộc phát thì sẽ bị coi như là "hành động phá
hoại".
Lối xử sự này của Đức Quốc Xã cũng giống như truyền thống của thời
Nả Phá Luân, vì hồi đầu Thế Kỷ thứ XIX, vị Hoàng Đế của nước Pháp
cũng đã ra lịnh liệt kê và khám sức khỏe các cô gái ăn sương mỗi
tuần hai lần. Là nhơn vật được Hitler vô cùng ái mộ, Nả Phá Luân gặp
khá nhiều khó khăn với những "lầu xanh" bắt đầu xuất hiện ở Paris và
đồng thời ở một số thành phố quan trọng của nước Pháp. Những nhà săm
này, phải có một bề ngoài lành mạnh, kín đáo và do một người đàn bà
làm chủ, đặc biệt là một người trước kia hành nghề mãi dâm, sau này
lên chức tú bà.
Đức Quốc Xã công bố một tài liệu hướng dẫn chánh thức cho những ai
muốn đi nhà thổ và cho lính canh giữ cẩn thận khi có những quan lớn
Đức Quốc Xã, như Goering đến chơi. Tiền thù lao cho mụ tú bà chủ
chứa là một món tiền cao nhứt trong lịch sử công nghiệp mải dâm. Một
lần giải quyết sanh lý có khi cũng bằng lương của một sĩ quan cao
cấp trong một tuần. Hơn thế nữa, tất cả các "khách biên đình" được
khuyên nên mang theo rượu champagne, chocolat và thuốc điếu để tặng
các cô gái buôn phấn bán hương mà họ thích. Gọi là để duy trì một
dáng vẻ lịch sự của tụ điểm, để cho thanh lâu có được một bộ mặt
sang trọng, để giữ bề ngoài của một câu lạc bộ dành cho những bực
hào hoa phong nhã. Con trai của Nữ Hoàng Victoria (Anh quốc) cũng là
khách thường xuyên của những nhà chứa hạng sang đó.
Trong những phòng dành riêng thường có đủ thứ trò chơi trụy lạc đồi
bại. Theo lời Buisson thì:"Những nhà chứa đó là cung điện của những
nhà quý tộc dâm ô. Đó là một thế giới xa lạ với nền kinh tế đình đốn
và với cuộc sống tẻ ngắt của sinh hoạt hằng ngày. Phải ở đó, người
ta mới tìm được những trò tiêu khiển và một cơ hội để lên tinh thần.
Phải ở đó mới tìm được một chỗ để tránh né những điều phiền muộn,
một khoảnh khắc vui nhộn, xa lìa những chán chường của cuộc sống
thường nhựt."
Nhấn mạnh tới mức sống xa hoa tại những nơi như vậy, Buisson cho
rằng:"Đó là vùng hoang đảo phong phú giữa một dại dương kham khổ, là
hang động minh mông đầy ứ mọi thứ không tài nào tìm thấy ở bên ngoài
xã hội". Dẫu cho tên gọi của nhà thổ trứ danh ở Paris được đặt một
cách quái gở kỳ chướng, lấy tên của một làng thuộc vùng Charente
(miền Tây nước Pháp, gần Bordeaux), Le Chabanais là một nơi chốn
không phải chịu đựng những sự thiếu thốn làm cho người ta phải bị
thiếu ăn trong thời chiến tranh.
Trái lại, những người như Goering, nằm trong danh sách những nhơn
vật lừng danh của lịch sử, cũng thường xuyên đến đó để lén lút mua
vui. Trong những năm 1890, con trai Bertie của Nữ Hoàng Victoria,
đất nước Hồng Mao, Hoàng Tử Xứ Wales, và sau này là Vua Edward VII,
cũng là khách hàng thường xuyên của thanh lâu này. Được biết là
Hoàng Tử rất thích căn "Phòng Ấn Độ" kỳ lạ, với chuyện "Tắm
Champagne" và cái ghế làm riêng đặc biệt cho ông Hoàng để tìm thú
vui tình dục tối đa.
Về sau cái ghế độc đáo đó trở thành món đồ chơi rất được các quan
Đức Quốc Xã ưa thích, nên họ cho phép huy hiệu quý tộc của Hoàng
Thân Bertie cứ được nằm yên chỗ cũ, bên trên cái giường nhung, với
lý do là "ông ta có bà mẹ gốc Đức". Họa sĩ nổi tiếng Henri de
Toulouse-Lautrec của Pháp, cũng hay tới lui "động tiên" đó và cũng
tận hưởng những thú vui của "Le Chabanais", nên có vẽ một bức tranh
tường to lớn tặng người đẹp mà ông mến mộ, để tỏ lòng cảm kích về
những năm được hầu hạ chu đáo. Văn hào người Pháp, Guy de
Maupassant, nổi tiếng với những chuyện ngắn, cho tạo dựng tại tư
dinh miền duyên hải của ông một gian phòng giống hệt kiểu phòng Ả
Rập huyền bí của "Le Chabanais", cho đỡ nhớ nhung trong khi ông
không có mặt tại Paris.
Còn nhiều khu "Đèn Đỏ" khác nữa do Đức Quốc Xã dựng lên, trong đó có
"Le Sphinx" đã ra đời từ Thế Kỷ XVII, và "One Two Two" ở số 122
đường Provence. Nhà chứa "One Two Two" có lối trang trí nội thất trứ
danh, lại được thường xuyên tu bổ cải tiến, và có hai người ngày đêm
chăm sóc cái hang động đầy hoa thơm kiểng lạ. Còn có những tượng
kiều nữ khêu gợi bằng đá hoa cương, với y trang như nữ thần Hy Lạp,
phô bày những đường cong, nét đẹp gợi tình. Cũng có nhiều phòng
trang trí theo chủ đề kiêu kỳ, trông giống như phòng ngủ trên tàu
viễn dương hoặc như toa xe lửa loại sang trọng của Orient Express.
Các cô bán phấn buôn hương thích quân xâm lược Đức hơn đồng bào
người Pháp của họ, vốn là những người ke re cắc rắc, tính toán chi
li. Ông Buisson viết rằng, với quân Đức, "dẫu kiếm được nhiều tiền
hơn, nhưng không phải động cơ tài chánh làm cho các cô đầm có cảm
tình với những khách hàng người Đức như vậy".
Những cô gái ăn sương thật sự có cảm tình với những người sĩ quan
Đức vì họ hành xử hết sức quyến rủ và hào hoa phong nhã. Patrick
Buisson viết:"Mọi chuyện đều cho thấy rằng những khách chơi hoa, mới
tới vào mùa hè năm 1940, được đối xử tử tế không phải chỉ vì sức lôi
cuốn của đồng Đức Mã không thôi đâu." Nói vắn tắt mà nghe thì những
ả làng chơi đó thường mến mộ bọn Đức xâm lược hơn những người Pháp,
đồng bào của họ.
Dẫu cho chuyện tình dục là điều chủ yếu, những nhà thổ đó lúc nào
cũng duy trì một bầu không khí giải trí thoải mái, nhẹ nhàng, trong
một bối cảnh "câu lạc bộ", tụ điểm vui chơi, hơn là một nơi thuần
túy để giải quyết vấn đề sinh lý. Theo Buisson thì:"Những nhà chứa
kia đóng vai trò của một nơi chốn nồng hậu, như xuất phát từ một con
tim yêu thương ở tận chốn xa xôi. Đó là một địa điểm ấm cúng để
người ta tới uống một ly rượu, nghe một vài điệu nhạc, khiêu vũ với
một người phụ nữ, chẳng cần phải nhứt thiết nắm tay nhau lên lầu khi
kết thúc đêm vui.
Chính Fabienne Jamet, mụ tú bà nổi tiếng của Paris thời đó, người
quản lý nhà chứa "One Two Two", đã nài nỉ các sĩ quan cao cấp của
Đức nên mang quà sang trọng, như champagne và hoa tươi đến cho các
cô bạn của họ. Bà chỉ còn nhớ những sĩ quan lịch thiệp và đẹp trai,
nhứt là những người thuộc những đơn vị ưu tú của Đức Quốc Xã, như
đội SS chẳng hạn.
Sinh hoạt tình dục của quân Đức tăng lên tới mức điên cuồng trước
khi họ bắt đầu chiến dịch tấn công quân sự. Như hồi mùa hè năm 1941,
trước cuộc đổ bộ đánh Liên Xô, khi mà quân lính đang vui hưởng một
cuộc sống an nhàn ở Paris biết được là giai đoạn sắp tới của họ sẽ
là Mặt Trận Phía Đông. Nhớ lại một vài khách hàng quen thuộc, Bà
Jamet thổ lộ:"Tôi còn nhớ những nhơn viên SS, quân phục đen tuyền,
còn rất trẻ, thiệt kẻng trai, phần đông rất thông minh, nói lưu loát
tiếng Tây cũng như tiếng Anh. Bà Jamet cho biết, khi những người này
lên xe tải ra khỏi Paris, bà nói vói theo họ:"Các người điên rồi,
các người đâm đầu vào chỗ chết! Các người chỉ cần đưa Hitler ra thay
thế các người ngoài chiến tuyến là xong ngay!"
Dẫu cho phải tiếp cận với thực tế đau thương của cuộc chiến, hầu hết
những người khách "biên đình" đó chỉ quan tâm đến những đêm khoái
lạc. Như bà Jamet đã tâm sự:"Nói ra thì xấu hổ, trong đời tôi chưa
thấy bao giờ vui thích như vậy. Những đêm của thời kỳ chiếm đóng
thật là kỳ lạ. Những thanh lâu của nước Pháp chẳng bao giờ được chăm
sóc chu dáo như hồi quân Đức ở đây."
Ăn nằm với kẻ thù để lấy tiền cũng không phải chỉ riêng gì những
người có thế mà sa đọa. Hàng chục ngàn người phụ nữ đoan trang, từ
những bà nội trợ khả kính cho đến những bà giáo, cũng quan hệ tình
dục với những "quân man rợ tóc vàng", theo cách nói của Buisson. Khi
mà trên hai triệu ông chồng hoặc ý trung nhơn bị bắt làm tù binh hay
bị lùa vào trại tập trung, nhiều bà phải bán trôn để nuôi miệng.
Cuối cùng, họ bị lọt vào những nhà thổ kém lành mạnh, vì theo
Buisson thì "Không đầy một tiếng đồng hồ, một cô gái đem bán nhan
sắc của mình cho quân chiếm đóng có thể kiếm được gấp ba lần tiền
trợ cấp hàng ngày của mấy bà vợ tù nhơn chiến tranh Pháp hồi 1941.
Tổng cộng, người ta nghĩ rằng phải có ít lắm mười ngàn gái điếm
không chuyên hoạt động ở Paris và khoảng gấp sáu lần gái mải dâm
chuyên nghiệp, so với thời kỳ trước chiến tranh. Theo ông Buisson
thì sau khi Đức Quốc Xã xâm chiếm vào mùa hè năm 1940, ưu thế quân
sự của Đức làm cho nước Pháp lép vế phải ngỡ ngàng với cơn đột biến
tình dục khá mạnh bạo. Dẫu cho lý do đích thực về tệ bê tha tình dục
có thế nào đi nữa thì nó cũng nổi cộm lên khi gần đến ngày Giải
Phóng, để rồi sau đó những người liên hệ, cuối cùng bị quần chúng
Paris nhục mạ và hành hạ theo kiểu Đức Quốc Xã.
Người ta lôi những người phụ nữ bị kết tội ăn nằm với địch ra những
công viên thành phố, rồi xén đi mái tóc trước đám đông ồn ào. Có
trường hợp bị lột trần truồng, khắc ghi chữ vạn trên trán, sau đó bị
đánh đập tàn nhẫn. Còn những nhà thổ vừa được phục hoạt thì người ta
cũng bắt đầu đem ra xử lý.
Bà Yvonne de Gaulle, đi đạo Thiên Chúa, vợ của một lãnh tụ thời
chiến và tân Tổng Thống Pháp, Tướng Charles de Gaulle, công khai nói
lên lòng căm ghét của bà đối với những nhà chứa thời đó. Bà được bà
Marthe Richard, nghị viên thành phố Paris, mà trước kia cũng là gái
điếm, ủng hộ và cho rằng những nhà đĩ được gắn liền với Đức Quốc Xã,
không thể tồn tại được nữa. Rồi "Đạo Luật Marthe Richard" được thông
qua ngày 13 tháng Tư năm 1946 chánh thức dẹp bỏ những nhà chứa và
chấm dứt những năm tình dục xấu xa và nhục nhã của thời chiến.
Trong vòng vài ba tháng, nội thất hào nhoáng của các nhà chứa bị đập
nát từng mảnh, thậm chí tấm tranh tường của Toulouse-Lautrec cũng
không tồn tại được. Trụ sở "One Two Two", ngày nay là văn phòng của
chung cư liên hợp, cùng với một số cơ sở khác. Tòa nhà sáu từng,
trước kia là trụ sở "Le Chabanais", nơi mà những người như Goering
trải qua những giờ phút vui thú nhứt trong thời chiến tranh, nay là
một tập hợp những căn hộ đặc biệt. Còn cái ghế làm tình của "Ông
Hoàng Edward" cũng bị tháo gỡ, nếu không thì nay thiên hạ cũng có
thể trông thấy ở Viện Bảo Tàng Tình Dục, gần nhà hàng ca vũ nhạc
"Moulin Rouge" ở khu đèn đỏ Pigalle, cách đó không bao xa.
Phải chăng vì rút kinh nghiệm của Đức Quốc Xã mà trước kia thực dân
Tây cũng đem chánh sách hỗ trợ sanh lý lính chiến của mình trên các
chiến trường hải ngoại TOE (Théâtre d'Opérations Extérieurs) thực
hiện ở Việt Nam? Vì vậy cho nên mới có "Xóm Bình Khang", "xóm điếm
dành cho lính Tẩy", tục gọi là "Parc à buffles" (Bãi gom trâu) ở đại
lộ Gallieni. Một chuyện làm có thể nào gọi là để "phổ cập văn hóa
văn minh Phú Lang Sa không"?
Cố Nhân
(Mượn ý bài "Sleeping With The Ennemy" của Peter Allen, đăng
trên Mail Online, ngày 01 tháng Năm, 2009.)
[http://www.dailymail.co.uk/femail/article-1175836/Sleeping-enemy-How-horizontal-collaborators-Paris-brothels-enjoyed-golden-age-entertaining-Hitlers-troops.html#]
|