PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Vấn Đề Xã Hội

Thiên An Môn, 20 năm sau:

Ngày đó có tôi

  • PSN - 27.05.2009 | Cố Nhân

Năm 1989, ở tuổi 34, ông Cai Chongguo (Thái Xung Quốc) đang giảng dạy tại Đại học Vũ Hán, cách Bắc Kinh một ngàn cây số về phía Nam. Ông đã tích cực tham gia phong trào sanh viên tranh đấu trên Quảng Trường Thiên An Môn. Có mặt ở Bắc Kinh ngày 4 tháng Sáu và ông đã chứng kiến trận thảm sát ở đó. Sau đó, ông đã đào thoát qua Hương Cảng để di tản qua Pháp tỵ nạn từ hai mươi năm nay. Từ bấy đến nay, ông chưa khi nào trở về Trung Quốc. Cha mẹ ông đã khuất núi mà ông không được vuốt mắt, thế nhưng để chuyện tình cảm gia đình qua một bên, ông vẫn giữ niềm tin và nỗi hy vọng về một tương lai chánh trị tốt đẹp hơn cho dân tộc Trung Hoa. Ông tiếp tục tranh đấu qua hiệp hội của ông - đặt cơ sở tại Hương Cảng - trên mạng thông tin toàn cầu, trên băng tần vô tuyến loan phát về hướng Trung Quốc. Kỷ niệm hai mươi năm, ngày quân đội nhơn dân Trung Quốc tàn sát đồng bào mình tại Quảng Trường Thiên An Môn, Thái Xung Quốc có phát hành tập sách, thuộc loại tài liệu làm bằng "J'étais à Tiananmen" (Tôi có mặt ở Thiên An Môn), nxb. L'Esprit du Temps. Phù Sa xin điểm qua để báo cáo cùng độc giả.

*  *  *

Quảng Trường Thiên An Môn

Cuộc đời tôi hiện nay như bị chia làm hai, một nửa ở Trung Quốc trước năm 1989 và nửa kia sau này. Khi nhớ lại quãng đời thứ nhứt, tôi có cảm tưởng là không phải tôi mà một ai khác. Lúc nào tôi cũng lấy làm lạ về cái cảm nghĩ như vậy, nhưng lại tự hào là một con người lưỡng diện, có hai tâm hồn, hai cái tôi, đôi khi tranh luận nhau.

Chính dòng lịch sử hiện đại của Trung Quốc cũng bị những biến cố 1989 cắt đôi. Trước đó, chánh phủ đã từ bỏ chánh sách tai hại của Mao Trạch Đông và tiến hành một loại cải cách và những cuộc cởi mở đầy tin tưởng và một cách tự tin. Thậm chí Đặng Tiểu Bình, người cầm đầu phong trào đó, đã được Tạp chí "Time" của Mỹ bầu lên ngôi vị nhơn vật trong năm hai lần! Sau năm 89, cuộc "thảm sát" đã làm cho dư luận quần chúng thế giới phải ngỡ ngàng và đã làm cho tâm tư của toàn thế giới mang một đốm đen.

Ngày nay, sau một thời gian thẩm định, nhà nước Tàu đã bị tất cả những tổ chức nhơn quyền trên thế giới phê phán. Và ở quốc nội, thay vì cởi mở chánh trị người ta lại thẳng tay trấn áp. Hàng năm, kỷ niệm về những biến cố 89 cứ sôi sục, nên chi kể từ tháng Ba, trên Quảng Trường  Thiên An Môn công an dày đặc, cùng với một cuộc bày binh bố trận quan trọng để ngăn ngừa và bọn chỉ điểm len lỏi trong quần chúng.

Nếu ngày nay tìm cách quên đi các biến cố 89 thì làm thế nào người ta hiểu được thái độ của Trung Nam Hải về vấn đề dân chủ, cũng như những lý do khiến họ tiếp tục kiểm soát gắt gao ngành giáo dục và những phương tiện truyền thông mới như Internet. Và cũng chẳng biết được tại sao nhà nước lại mạnh tay siết chặt chủ nghĩa quốc gia dân tộc.

"Những biến cố 89 đã hai mươi tuổi đời, tôi đã sinh sống trên đất Pháp hai mươi năm, đã rời bỏ quê hương, thành phố, gia đình, bè bạn của tôi. Tôi đã từ bỏ những cảnh quang của thời thơ ấu, con sông, hòn núi đã từng gợi cảm cho tôi, bỏ đi những "cái linh tinh dễ mến". Đôi khi người Pháp, họ ngạc nhiên cho hoàn cảnh của tôi và đương nhiên thắc mắc: "Hai mươi năm không gặp gia đình, không về thăm quê hương xứ sở, như vậy chắc là buồn lắm." Không! Trái lại tôi thấy ngạc nhiên với những thắc mắc của họ vì với tôi, đó là chuyện đương nhiên. Đó là cuộc sống của tôi. Những biến cố 89 đã đưa tôi đến cảnh lưu đày, và điều đó đã làm nên bản chất của tôi. Mặt kia của cá nhơn tôi là một con người chăm chú làm việc, tìm cách sinh sống và làm một người cha đứng đắn."

 

Ngày 15 tháng Tư 1989

Những biến cố Thiên An Môn chính xác bắt đầu vào ngày 15 tháng Tư năm 1989. Từ ngày Đảng Cộng Sản lên nắm chánh quyền, đây là lần thứ nhứt nước Tàu phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chánh quan trọng, lạm phát nặng nề và thiên hạ sắp hàng trước cửa ngân hàng để rút tiền ra. Nhứt là dân chúng bất mãn tệ tham ô nhũng lạm lan tràn và nôn nóng muốn thấy những cuộc đổi mới chánh trị.

Cũng cùng thời kỳ đó, bên Liên Xô, Gorbatchev đã cho thi hành chánh sách công khai hóa của chương trình Perestroïka, nghĩa là ông đã tiến hành những cuộc cải tổ trong chiều hướng dân chủ. Trong khi đó, bên Tàu mọi chuyện đều bế tắc với những người lãnh đạo già nua, trên 80 tuổi rồi mà vẫn còn bám lấy chánh quyền. Hồi đầu năm 1989, cả nước, nhứt là sanh viên, hy vọng Hồ Diệu Bang, một nhà cải cách sáng suốt, có thể trở lại thế uy quyền, sau khi đã bị loại trừ khỏi ghế Tổng Bí Thơ Đảng hồi 1987.

Họ Hồ là một người được lòng quần chúng và rất được kính nể nên người ta tin tưởng ở ông để lấy lại uy quyền. Vậy mà, cái chết đột ngột của ông ngày 15 tháng Tư, vì tim bị tai biến, đã tạo ra sự bàng hoàng khủng khiếp. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng ông không chịu nổi áp lực của phái bảo thủ và cái chết của Hồ Diệu Bang đã tạo nên một cảm nghĩ bất công và một thái độ tuyệt vọng vô cùng to lớn.

Đồng loạt đứng lên, từ những thành phố lớn, sanh viên kéo ra khỏi khuôn viên nhà trường để tỏ lòng tôn kính người quá cố. Họ bắt đầu bày tỏ quan điểm của mình trên những bức tường và biểu tình bên trong cũng như bên ngoài nội vi đại học. Tại Bắc Kinh, hàng ngàn sanh viên xuống đường biểu tình tuần hành và đổ về Quảng Trường Thiên An Môn.

Ngay giữa Quảng Trường là Đài Kỷ Niệm Anh Hùng Cách Mạng Trung Quốc, nơi mà các nhà cầm quyền thường đến đặt vòng hoa để tỏ lòng tôn kính những bực vĩ nhơn đã mất. Sanh viên cũng làm như vậy để tưởng niệm Hồ Diệu Bang, nhưng cùng lúc đó tự nhiên có những khẩu hiệu được tung ra như "Dân chủ!", "Tự do ngôn luận!", "Đả đảo tham nhũng!", "Phải cải tổ chánh trị!".

[...]

 

Ngày 4 tháng Năm

Một tuần lễ sau, qua một bài diễn văn dài trên truyền hình, Tổng Bí Thơ Đảng, Triệu Tử Dương, tìm cách khuyên lơn những người trẻ, không dùng một lời lẽ nào đe dọa và cam kết sẽ mở một cuộc đối thoại. Bài diễn văn của ông khơi dậy một niềm hy vọng lớn lao ở những người Hoa nào thiết tha mong chờ thay đổi nhưng, ngày một ngày hai, chẳng có gì trở nên cụ thể hết.

Ý thức rằng đó chỉ là những lời hứa suông, một số sanh viên quả quyết hơn bắt đầu cuộc tuyệt thực. Sơ khởi, chỉ có ba trăm người bắt đầu nhịn ăn trên Quảng Trường Thiên An Môn, nhưng qua ngày hôm sau, gần ba ngàn người hưởng ứng phong trào. Cuộc tuyệt thực kéo dài một tuần lễ, trong khi đó mỗi ngày hàng triệu người dân Bắc Kinh kéo đến ủng hộ hành động của sanh viên và đòi hỏi chánh phủ phải đối thoại.

Ba ngày 15, 16 và 17 tháng Năm là những ngày hết sức đặc biệt. Thủ đô Bắc Kinh tràn ngập dân chúng kéo nhau xuống đường. Báo chí, công chức cao cấp và ngay cả công an hay các nhà sư cũng tham dự phong trào to lớn này. Cuộc biểu tình của sanh viên đã biến thành sự bùng lên vĩ đại của nhơn dân, trải rộng ra khắp đất nước Trung Quốc. Tại mỗi thành phố, những yêu sách tự động xuất hiện.

[...]

 

Ngày 19 tháng Năm

Tôi đến Bắc Kinh bằng chuyến xe lửa ngày 19 tháng Năm. Lúc đến gần thủ đô, tôi để ý thấy con lộ dọc theo tuyến đường sắt đầy cứng những xe tải quân đội. Hiện tượng đó làm tôi hơi ngạc nhiên, nhưng lúc bấy giờ tôi tuyệt nhiên không nghĩ rằng chuyện đó có liên hệ gì đến các cuộc biểu tình. Vì đối với tôi, qua sự giáo dục của Đảng, quân đội trước tiên phải là quân đội của nhơn dân.

Còn ngồi trên xe lửa, tôi được nghe qua đài phát thanh, chuyển trực tiếp từ Đại Sảnh Nhơn Dân, cuộc thảo luận giữa Thủ Tướng Lý Bằng và các đại diện sanh viên. Thật là ly kỳ, vì từ năm 1949 đến nay, đây là lần đầu tiên những nhà lãnh đạo cộng sản Tàu bị bắt buộc phải đối thoại với thanh niên. Suy đi nghĩ lại, nếu cho rằng cuộc đối thoại đó được trọn vẹn loan đi trực tiếp qua truyền thanh và truyền hình – và như vậy toàn thể nhơn dân Trung Quốc và ngay cả mọi người trên thế giới đều nghe được – thì quả thật là điều khó tin.

Ngay khi đến nơi, tôi đi thẳng đến Quảng Trường Thiên An Môn. Thật là kỳ lạ! Quảng Trường đông nghẹt dân chúng. Thiên An Môn là một địa điểm rộng lớn, có thể chứa được cả triệu người, rộng gấp mười lần quảng trường Invalides ở Paris! Cuộc tuyệt thực vừa mới chấm dứt, nhưng hàng ngàn người dân Bắc Kinh còn tiếp tục đứng chiếm Quảng Trường, được mọi người Hoa chúng tôi coi là của nhơn dân.

Xung quanh Quảng Trường có khoảng năm mươi chiếc xe buýt do chánh quyền thành phố đặc thuộc quyền sử dụng của sanh viên để làm nơi trú ngụ tạm thời. Đây đó, có những lều vải được dựng lên theo sáng kiến cá nhơn để làm doanh trại đột xuất. Tiếng la, tiếng tranh luận, thậm chí có cả lời ca tiếng hát. Thật là một bầu không khí kỳ khôi. Tinh thần của chúng tôi chao đảo tùy theo những tin đồn. Người ta biết rằng chánh phủ có thể ban hành thiết quân luật bất cứ lúc nào, nhưng đồng thời người ta cũng hết sức quyết tâm theo đuổi lâu dài phong trào. Họ sắp đặt, thu xếp chỗ ở, cắm lều, dựng trại...

Tâm tư chúng tôi nửa thế này, nửa thế nọ, không dứt khoát. Chúng tôi vừa mang một nỗi lo sợ thực sự mà cũng tức giận vô cùng. Chúng tôi thấy sợ khi trực thăng bay trên Quảng Trường, và cơn tức giận thì lúc nào cũng có trong lòng. Thật là một bối cảnh hết sức đặc biệt vì những người công an bên cạnh chúng tôi đã hoàn toàn biến mất. Một vài công an có vẻ thương tình và thông cảm người biểu tình và nhứt định là nhà nước không còn tin tưởng ở họ. Nhà nước tin tưởng ở quân đội hơn. Những giọt nước mắt theo sau cơn tuyệt thực đã cạn ráo, cơn giận đã ngấm ngầm, chúng tôi quyết định đi đến cùng.

[...]

 

Ngày 29 tháng Năm

Ngày 29 tháng Năm, sanh viên Mỹ Thuật dựng Tượng Nữ Thần Tự Do trên Quảng Trường, đối diện với bức chơn dung to lớn của Mao Trạch Đông. Cũng như biểu tượng Tự Do ở Nữu Ước, tượng Nữ Thần cũng cầm đuốc trên tay, nhưng nét mặt là của cô gái người Hoa. Từ ngày 27 tháng Tư đến đầu tháng Sáu, nghĩa là trong vòng vài tuần lễ, Bắc Kinh là một thành phố tự do.

Người ta tha hồ bàn luận, lên tiếng ngoài đường phố, báo chí và truyền hình tha hồ tường thuật, trước khi thiết quân luật được ban hành. Từ năm 1949 cho đến lúc bấy giờ mới thấy có tự do báo chí trở lại. Nhưng được bao lâu, vì tất cả chỉ kéo dài vỏn vẹn có hai mươi ba ngày đêm!

Cái tháng tự do đó là một tháng của lễ hội, của niềm hứng khởi. Vậy thì tự do là gì, là sống không phải lo sợ. Trong tháng tự do đó, người Trung Quốc, mà nhứt là người dân Bắc Kinh, đã chứng tỏ là những công dân có trách nhiệm. Trong tháng tự do đó, trong thành phố Vũ Hán, nơi sinh quán của tôi, cũng như ở thủ đô Bắc Kinh, chẳng có một vụ trộm cắp nào, chẳng thấy một tai nạn, cuộc sống công cộng đã biến đổi. Người Hoa họ kháo với nhau: "Bọn trộm cắp cũng đình công!" Ngoài đường phố có chút trục trặc gì, sanh viên vây quanh những cá nhơn đương sự, chỉ cần chìa thẻ sanh viên ra là êm chuyện. Ai ai cũng bảo nhau: "Hãy nghe lời sanh viên!" Chưa bao giờ thiên hạ tương kính nhau đến như vậy.

[...]

 

Ngày 4 tháng Sáu

Sáng sớm, khi rời Quảng Trường đi ngang qua các cô y tá vừa săn sóc những người bị thương, tôi nghe một cô la lớn: "Đừng bao giờ quên ngày 4 tháng Sáu!" Một cô khác kể: "Tôi thấy bóng dáng một sanh viên với một ánh đèn nhỏ trong căn lều bị xe tăng cán chết."

Về tới nhà của người bạn đã sáu giờ sáng vậy mà chẳng ai chịu đi ngủ. Mọi người đều khóc. Sắp sửa ra phi trường thì tôi nghe bên kia đường có tiếng ồn ào. Hàng ngàn sanh viên chuẩn bị kéo về nhà. Đám đông hô to những khẩu hiệu trăm lần sắt máu hơn ban sáng: "Đặng Tiểu Bình, tên giết người!", "Bọn tao sẽ treo cổ mày lên, Lý Bằng!", "Chúng tao sẽ trả thù, mạng đổi mạng!" Tiếng la của hàng ngàn người trẻ lại vang dội trong cái thanh vắng vừa trở lại, vài tiếng đồng hồ sau cơn bão tố đêm qua.

Tôi đứng trên con đại lộ chạy thẳng đến Thiên An Môn. Lối vào Quảng Trường bị một hàng chiến xa khóa chặt. Bên phải tôi, đông đảo sanh viên lũ lượt đi ra xa theo lối đại lộ Trường An, một tên gọi thật hợp cảnh hợp tình. Ngay lúc đó, mấy chiếc tăng chận đường bất thình lình khởi động, chạy ngay tới đám sanh viên đang đi ra xa. Gần chỗ tôi đứng, khoảng mươi người dân Bắc Kinh tìm cách xen giữa sanh viên và xe tăng để ngăn chặn lối tiến tới của nó. Vì ngưỡng mộ và nễ trọng sanh viên nên dân chúng làm mọi cách để bảo vệ họ. Nhưng quân lính tung lựu đạn cay và xả súng bắn đạn thật vào đám đông. Hai, ba người ngả xuống trước mắt tôi. Người ta phải nhắm mắt lại và ngoảnh mặt chỗ khác vì khói cay làm nghẹt thở và mặt mày nóng bừng.

Vài ba phút sau, khi mở mắt ra, bên cạnh tôi một cô bé la hét vì khiếp sợ và tuyệt vọng: "Chiến xa cán chết sanh viên!" Tôi thấy tận mắt các chiến xa lùi lại cán lên những xác mà chúng đã cán chết. Một cô gái mặc đồ xanh dương – tôi chẳng khi nào quên được - một cậu con trai quần áo màu xanh lá cây. Giờ thì chiến xa đã trở lại vị trí cũ trên Quảng Trường. Một người đàn ông bươi móc các xác hết xem coi có ai còn sống sót không. Ông dựng lên một thân xác, ôm lấy vào vòng tay rồi đem đi một đỗi xa. Ngay tại chỗ đó, hàng chục sanh viên vừa bị chiến xa nghiền nát dưới xích sắt của nó!

 

Cố Nhân

(Dựa theo bài "J'étais à Tiananmen", của Cai Chongguo, đăng trên Nouvel Obs, ngày 25.5.2009.) [http: //bibliobs.nouvelobs.com/20090525/12649/jetais-a-tiananmen]


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp :  Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên :  Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.