Việt Nam dưới mắt người Québec:
Khám phá Việt Nam
Trước khi vào chuyện
- Bên Canada, trường Đại học CEGEP ở Saguenay Lac-Saint-Jean,
Québec, Canada (Collège d'Enseignement Général et Professionnel –
Đại học Giáo dục Tổng quát và Chuyên nghiệp) có mở những chuyến đi
thực tế ở nước ngoài, để cho sanh viên thực tập khám phá, tìm hiểu
và viết ra những gì tai nghe mắt thấy, trong chương trình đào tạo
nghề làm báo. Mới đây, một nhóm tám người của trường này - bảy sanh
viên và một giáo sư hướng dẫn - đã đi Việt Nam trong chương trình
đó, và sau đây là những khám phá của họ về Việt Nam.
Hành trình khám phá Việt Nam, kéo dài trong một tháng, khởi sự từ
Sài Gòn rồi đi lần ra ngoài Bắc. Sau đó, cất cánh trở về từ Hà Nội.
Phù Sa sẽ lần lượt báo cáo cùng quý độc giả những khám phá về Việt
Nam của toán nghiên cứu nói trên.
Sau mấy tháng chuẩn
bị và sau thời gian dài vô tận ngồi máy bay, với những lần quá cảnh
Dallas (Mỹ) và Tokyo (Nhựt Bổn), cuối cùng chúng tôi cũng đến được
Việt Nam. Giờ đây, bảy nhà báo trẻ mới ra ràng, xuất phát từ lò
"Cégep de Jonquière", bắt đầu xắn tay áo lên, khám phá một đất nước
mới lạ và một nền văn hóa cách xa với phong tục tập quán bản thể
trên một cự ly mà đạn pháo thần công bay đi muốn hụt hơi...
Chuyện khác biệt ngôn ngữ gác qua một bên, vì đương nhiên rồi, điều
làm cho chúng tôi choáng váng trước tiên là tầm vóc cũng như nhịp độ
giao thông trên đường phố. Từ một môi trường im ắng và trật tự của
Phương Tây, chúng tôi đã rơi vào một bầu không khí ồn ào, bát nháo,
chẳng có lời lẽ nào mô tả được. Tiếng xe cộ bóp còi, tiếng nổ ầm ĩ
của xe gắn máy là thứ nhạc nền đinh tai nhức óc, ngự trị suốt ngày
và một phần lớn ban đêm, trên thành phố lớn của xứ sở Việt Nam -
thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà bọn chúng tôi đổ bộ xuống đầu tiên.
Đâu đâu trong thành phố cũng thấy mô tô, vì đó là phương tiện chuyển
vận chủ yếu của thị dân trên thành phố rộng lớn này.
Ngày mới tới nơi, từ sân bay Tân Sơn Nhứt xuống khách sạn trong
thành phố, chúng tôi đi trên hai chiếc taxi. Trên đoạn đường chẳng
bao xa đó, chúng tôi có cơ hội đánh giá mức độ cả gan, liều lĩnh và
lì lợm của bác tài xế người Việt. Chúng tôi có lý do để lo sợ cho
những người lái mô tô và xe đạp đáng thương kia, không được trang bị
đầy đủ để di chuyển an toàn trên đường của thành phố như vậy.
Đường lộ có lằn phân chia giới tuyến ra làm hai phần rõ rệt, để cho
xe cộ đừng đâm đầu vào nhau. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết của luật
lệ đi đường, vì trên thực tế cụ thể thì những người lái – xe hơi
cũng như mô tô và xe đạp – tha hồ nghĩ ra sáng kiến và vận dụng tay
nghề trong khi điều khiển và lạng lách.
Đèn lưu thông ba màu, xanh, vàng, đỏ chỉ để chớp mắt đưa tình và làm
cảnh cho thành phố. Lề đường, trên nguyên tắc là dành cho những
người đi bộ, nhưng ở đất nước Việt Nam - đầy dẫy anh hùng - lại là
khoảng không gian để thiên hạ qua mặt, vượt đường, len lỏi. Còn lòng
đường, với bề ngang đúng quy cách dành cho một chiếc xe, lại là
không gian để cho taxi, xe buýt và vô số xe gắn máy cũng như xe đạp
cặp kè nhau và qua mặt nhau không khoan nhượng và một cách vô liêm
sỉ.
Đó, giữa cơn sốt lưu thông như vậy mà những người cuốc bộ của thành
phố Hồ Chí Minh - trong đó có chúng tôi đây - tám mạng chưn ướt chưn
ráo từ Québec sang, phải bạo gan, nhắm mắt băng qua đường. Quả thật
là một trường hợp "uống thuốc liều" hết sức táo bạo!
Cú choáng váng thứ hai, cũng khá nặng nề, mà chúng tôi phải hứng
chịu từ lúc đặt chưn xuống Việt Nam, là nhiệt độ... Trời! chưa hẳn
là mùa hè sao mà ở đây nóng dữ vậy kìa! Hình như người địa phương
gọi cái nóng đó là "nực dông". Không làm thế nào để so sánh được với
Saguenay của chúng tôi bên Québec. Nhứt định là hàn thử biểu của
Lac-Saint-Jean cũng phải đầu hàng! Chẳng có một cái nóng hè nào mà
chúng tôi đã trải qua có thể làm chuẩn để đối chiếu hết. Như vầy thì
đâu có cách nào mà nói cho người đọc bên Canada biết được cái "nóng
ngày hè nóng nóng ghê" bên Việt Nam này! Nhưng đã trót thì phải trét
nên chúng tôi "hạ quyết tâm cao" là đi đến cùng, góc biển, chưn trời
nào cũng phải tới.
Từ lúc chạm trán đầu tiên ở phi cảng, chúng tôi đã có thể kiểm
nghiệm được cái "nhã nhặn" của dân tộc mà chúng tôi đến viếng thăm.
Ở Việt Nam, khi người ta mở lời với mình thì mình có cảm tưởng như
họ hỏi mình điều gì đó, chớ không phải đòi hỏi mình phải tuân hành
một quy định gì hay phải thanh toán một hóa đơn. Người ta rất lễ
phép và quan tâm đến mình. Phải chăng vì chúng tôi là người nước
khác đến? Còn đối với đồng bào của họ thì sao? Có được như vậy hay
không? Dư luận người việt lưu vong bên Québec có cho biết là "vậy mà
không phải vậy". Vậy là sao?
Tám con người Québec chúng tôi, túi cóc đeo lưng, với hỗn danh "Tây
ba lô" và bộ tịch Tây Phương lóng ca lóng cóng, có vẻ như những quái
tượng giữa đám đông Việt Nam. Người ta nhìn nhìn, ngó ngó, làm cho
chúng tôi có cảm tưởng như một vai diễn trong đám quần chúng da vàng
mũi tẹt. Họ mĩm cười nhìn chúng tôi đi qua với một khoảng cách thế
nào đó, ngờ ngợ và ngỡ ngàng.
Tám người bọn chúng tôi chẳng một ai có được tiếng Việt Nam nào chộ
vốn, ấy thế mà chúng tôi xoay xở cũng phải xong - bằng tiếng Anh -
để làm cho thiên hạ biết mình muốn gì. Là thuộc địa Tây ngày trước,
Việt Nam cũng còn có một cộng đồng Pháp ngữ. Nhưng chỉ có những
người trọng tuổi và những ai chọn sinh ngữ đó ở trường học mới nói
thôi.
Thế nhưng, ngày nay thiên hạ thực tế và thực tiễn hơn, Pháp ngữ đã
được liệt vào hàng kinh viện, kính nhi viễn chi, hóa thành một môn
ngoại ngữ để học, không phải để nói. Nên chi, tiếng Anh đâm ra thông
dụng hơn, để giao dịch, để mua bán và vì lẽ có nhiều người sử dụng
hơn. Về phần chúng tôi, những người Canada nói tiếng Pháp, đấu với
người ngoài thì Anh-Mỹ, tán gẫu với nhau thì dĩ nhiên là tiếng Tây.
Tuy nhiên, chưa biết ở những nơi khác, trên khắp đất nước hình chữ
"S", xa thành phố lớn và xa chốn kinh kỳ, có được bao nhiêu người
nói tiếng Anh đây?!
Cố Nhân
(Mượn ý của bài "Premières découvertes en terre vietnamienne",
Valérie Carrier, Le Quotidien, Canada)
[http://www.cyberpresse.ca/dossiers/vietnam/200905/15/01-857008-premieres-decouvertes-en-terre-vietnamienne.php] |