Tạ Thu Thâu,
từ
quốc gia đến quốc tế
của Nguyễn văn Đính
I.
Giới thiệu về Quyển sách
Tôi đón nhận quyển sách TẠ THU THÂU Từ Quốc gia đến
Quốc tế của tác giả Nguyễn văn Đính, do các con của ông
tận tay trao tặng với những cảm tình vô cùng quí báu: “Tất cả các
em, con của Nguyễn văn Đính, thương tặng anh Trần như người anh của
tụi em, Út và các anh chị”.
Món quà tặng bằng sách vở tự nhiên là quí giá đối với người yêu
sách. Cách trao tặng đầy ấp cảm tình nồng nhiệt lại nâng cao giá trị
món quà trở thành vô giá cho người nhận.
Tôi phải viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối
với các em, con của Bác Tư, tác giả quyển sách. Và viết về quyển
sách sau khi đã đọc qua còn để bày tỏ lòng tưởng niệm đối với tác
giả.
Ấn bản đầu tiên
Quyển TẠ THU THÂU Từ Quốc gia đến Quốc tế là một ấn
phẩm xuất bản lần đầu tiên năm 1939 tại Sài gòn. Sách dày 96 trang
do nhà in Đông Phương, số 125 rue de Cây Mai, Chợ lớn, in xong ngày
18 avril (tháng 4) năm 1939, một ngàn quyển trên giấy thường và 50
quyển trên giấy blanc neige (bạch tuyết), nặng 30g, đánh số
từ 1 đến 50, không bán. Sách nộp bản ngày 22/4/39 (người nhận nộp
bản ghi bằng bút mực). Giá bán mỗi quyển là 0$ 30 (đồng bạc
Đông Dương).
Những chi tiết này viết lại để gợi ký ức của độc giả lớn tuổi về một
thuở sinh hoạt sách báo, in ấn, giá thị trường của Sài Gòn. Đồng
thời, những chi tiết này tưởng cũng giúp cho độc giả thuộc thế hệ
sau chiến tranh có ý niệm sơ đẳng về tình trạng xã hội Nam kỳ lúc
bấy giờ.
Quyển TẠ THU THÂU Từ Quốc gia đến Quốc tế chỉ được ra
mắt độc giả Việt Nam một lần duy nhứt. Sau đó, sách bị nhà cầm quyền
thực dân Pháp cấm, nên không được tái bản. Và ngày nay, sách vẫn bị
nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội ngăn cấm.
Ấn bản mới
Năm 2005, các con của tác giả tình cờ tìm lại được, do một sử gia
người Pháp lưu giữ và đã cho in lại một số rất ít, trên giấy thường,
chỉ nhằm mục đích phổ biến trong phạm vi thân hữu.
Quyển sách tuy tái xuất hiện dưới dạng khiêm tốn nhưng đã động viên
được cảm tình nồng nhiệt của đông đảo thân hữu và đặc biệt là Trường
Trung Học
Janson de Sailly, Paris 16, nơi tác giả là học sinh vào thập niên
20. Ban Giám đốc, Hội Ái Hữu cựu học sinh của trường đã cho mượn
phòng ốc, phụ tổ chức và cùng tham dự buổi giới thiệu quyển sách
được tái bản.
Hôm 4 tháng 11 vừa qua, các con của tác giả tổ chức tại trụ sở của
Hội Ái Hữu Kỹ sư Centraliens, Paris 8, một buổi giới thiệu ấn phẩm
mới, do nhà xuất bản Hãi Mã ở TX, Huê kỳ, xuất bản (Giám đốc nhà
xuất bản Hải Mã là Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, nguyên Tổng trưởng xã
hội trong chánh phủ Sài gòn trước 75, e mail:
phieutran@sbcglobal.net). Sách dày 142 trang do nhà in Cal, ở
California, Huê kỳ, in với bìa ba màu rất trang nhã, có thêm phụ bản
Thơ của Điền Nguyên, tức tác giả, và bài điều tra về cái chết của Tạ
Thu Thâu, do sử gia Hoàng Ngọc Thành, nguyên giáo sư tại Đại Học Văn
Khoa Sài Gòn thực hiện, có những khám phá mới rất thuyêt phục. Giá
bán ghi 12$US.
II. Về tác giả Nguyễn văn Đính
Thời học sinh tranh đấu
Ông tên thật là Nguyễn văn Đính, sanh năm 1907 tại xã Long Điền,
Quận Giá Rai, Bạc Liêu. Lúc nhỏ, ông học tại nhà, do thân phụ rước
thầy về dạy, vừa học chữ quốc ngữ vừa chữ tây.
Lớn lên,
ông lên Sài
gòn theo học trường Nguyễn Phan Long. Lúc
này, ông đã bắt đầu tham gia phổ biến báo
La Cloche
Fêlée
(Chuông Rè) của ông Nguyễn An Ninh. Năm 1927,
ông qua Paris
học nội trú ở trường Janson de Sailly cho đến lớp Dự Bị Thi tuyển
vào trường kỹ sư.
Chưa kịp thi, được tin phụ thân mất, ông phải về nước chịu tang và
trách nhiệm vai trò con trai trưởng (cũng là con trai duy nhứt)
cai quản sự nghiệp của gia đình với hơn ba ngàn mẫu ruộng lúa. Nhưng
ông quyết định ủy nhiệm cho người chị trông nôm thay thế, để được tự
do trở lên Sài Gòn tiếp tục tranh đấu chống thực dân, giành độc lập
cho nước nhà.
Ông đã hợp tác hoạt động với ông Tạ Thu Thâu ngay lúc còn ở Paris,
khi ông Tạ Thu Thâu vừa đậu Tú Tài ở Việt Nam, sang Pháp cùng năm ấy
để tiếp tục học.
Dấn thân
Năm 1940, ông tham gia Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bị thực dân pháp bắt bỏ
tù,
Năm 1945,
ông làm Chủ
tịch Mật Trận Việt Minh Giá Rai, Bạc Liêu,
Năm 1946, ông đắc cử Quốc Hội VNDCCH tại đơn vị Bạc Liêu, với số
phiếu đứng thứ nhì, sau Hồ Chí Minh ở miền Bắc.
Từ 1947 đến 1954, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến, ông lần lượt nắm giữ các chức vụ thông tin văn
hóa : xuất bản các báo Chống Xâm lăng, Tiến Lên, Thống Nhứt, …ở các
chiến khu Vườn Thơm, Đồng Tháp Mười, Cà Mau.
Ly khai Việt Minh trở về Sài gòn ngày 14 tháng 7 năm 1954. Ông được
Chánh quyền Ngô Đình Diệm mời làm cố vấn chánh trị cho Chiến dịch
Trương Tấn
Bửu. Chiến dịch vừa kết thúc, ông liền bị Chánh quyền Ngô Đình Diệm
bắt giam ở Gia Định.
Mãn hạn giam, ông về nhà sum họp gia đình và đi dạy học tại các Tư
Thục ở Sài Gòn. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, ông xuất bản
Tuần báo Chân Trời, góp thêm một tiếng nói thiểu số cho sinh hoạt
chánh trị Sài gòn lúc bấy giờ..
Tác phẩm
- Nghề làm báo,
- Tạ Thu Thâu, từ Quốc gia đến Quốc tế,
- Tàn nhẫn ( sáng tác ),
- Đi tìm chủ nghĩa cộng sản,
- Lau Già Mơ Bóng Rừng Trinh ( thơ ).
Ông mất vì bệnh già, năm 1985 tại Sài gòn.
Việt Minh và ly khai
Ông là con trai duy nhứt trong gia đình, sở hữu chủ hơn ba ngàn mẫu
ruộng lúa ở Bạc Liêu, nhưng ông cương quyết khước từ vị thế nghiệp
chủ để tránh mang tiếng “địa chủ bóc lột ” và phải đầu hàng giai
cấp.
Dưới thời Đệ I Cộng Hòa, luật Cải Cách Điền Địa ban hành, ông có
quyền hưởng 100 mẫu và tiền truất hữu, nhưng một lần nữa, ông lại bỏ
qua cơ hội, vẫn sống nuôi gia đình với đồng lương giáo chức tư thục.
Qua Đệ II Cộng Hòa, với Luật Người Cày Có Ruộng, mỗi người được 5
mẩu để tự canh tác, ông vừa kịp hội đủ giấy tờ thì những biến cố dồn
dập xảy ra… Rồi đến ngày 30 thanh 4 năm 1975. Mất tất cả.
Lúc còn trong hàng ngũ Việt Minh, nhờ làm Thông Tin, ông theo dõi
được những tin tức bên ngoài, nên ông có thì giờ chuẩn bị hoàn cảnh
thích hợp cho việc ly khai Việt Minh.
Ông tập chèo ghe mỗi ngày, chèo ra sông Cái, đi và về Cà Mau, để cho
mọi người quen mắt khi thấy ông một mình trên chiếc ghe nhỏ. Gần cận
ngày quyết định, ông đưa gia đình từ Sài Gòn xuống ở chơi dài hạn,
như là ông đang chuẩn bị đem cả gia đình sống luôn trong chiến khu.
Ông phải ra về trước ngày Hiệp định đình chiến ký kết 21/07/1954,
tại Genève, để không bị Hiệp định chi phối, làm mất tư cách người đi
kháng chiến chống thực dân chỉ vì lòng yêu nước trên hết. Hơn nữa,
ông phải ra về kịp lúc, để Hiệp định không làm tổn thương đến trách
nhiệm tinh thần của một Đại biểu Quốc hội đã được sự tín nhiệm tuyệt
đối của dân chúng trong kháng chiến, mà không thể có tiếng nói về số
phận của đất nước bị quyết định bởi các cường quốc với sự đồng tình
của Hà nội.
Ông phải chạy đua với thời gian. Thế mà ông mất đến 9 lần mới ra về
được, khi trước mắt chỉ còn có một tuần lễ là Hiệp định ký kết.
Cứ mỗi lần chèo xuồng ra gần tới chợ, ông trông thấy đồn tây, tai
nghe tiếng súng “cắc bùm ”, lòng xốn xang, không còn đủ can đảm đưa
chiếc ghe tiến tới để có thể bước chân lên bờ :
“ … Phút giây đoạn tuyệt, hết rồi ớ Anh !
Chín năm trường chiến đấu tranh
Hôm nay em quyết dứt tình ra đi
… ”
(Dứt tình, thơ Điền Nguyên, 9/7/54)
Đến lúc thực dân Pháp trở lại theo thỏa ước 6/3 của Hồ Chí Minh,
những người kháng chiến phần lớn rút vào chiến khu.
Biết bao người chết trên chiến trường, chết vì bệnh, thiếu điều kiện
chữa trị và thuốc men ?
Biết bao người bị cộng sản sát hại trong kháng chiến vì bất đồng
chánh kiến ? Vì không chịu trở thành cộng sản ? Còn biết bao người
khác chỉ muốn đi kháng chiến giành độc lập, bất đắc dĩ trở thành
cộng sản ?
Trường hợp ông Nguyễn văn Đính rời bỏ chiến khu trở về, vô cùng khó
khăn : vừa tranh đấu với cộng sản, vừa tranh đấu ngay với nội tâm
của chính mình !
Nhà thơ Điền Nguyên :
Lau Già Mơ Bóng Rừng Trinh
Ngoài những tác phẩm vừa biên khảo, vừa sáng tác bằng văn xuôi, ông
Nguyễn văn Đính còn có thêm một tập Thơ, dưới bút hiệu Điền Nguyên,
địa danh nơi sanh quán của ông.
Tôi nói ông là nhà thơ hay thi nhân, mà không là thi sĩ, vì ông làm
thơ theo kiểu “tài tử ”, tức làm thơ để giải bày tâm sự, những cảm
xúc của mình, và mượn đó để kết bạn tâm giao, đồng điệu.
Ông quan niệm thơ :
Thơ là một bản nhạc không âm thanh
Thơ là một bức họa không màu sắc.
Tập thơ Lau Già Mơ Bóng Rừng Trinh gồm những bài thơ gần như
đủ thề loại : thơ mới biến thể, thơ cổ điển, có cả những bài thơ độc
vận, những bài thơ mà mỗi câu có tên một loài hoa hoặc tên một
người, những bài thơ đọc ngược, xuôi, … Sau cùng là những bài thơ
họa.
Để kết thúc lời giới thiệu thi phẩm, ông mượn bài Lương Châu Từ để
diễn tả tâm trạng nhiều ray rứt của ông khi nhớ lại 60 năm trước,
ông cũng như bao nhiêu người khác, thuộc đủ thành phần xã hội, hâm
hở dấn thân đi theo Việt Minh làm kháng chiến :
“ …Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?
”.
Nay ông thấy lạnh buốt cõi lòng trước cảnh đất nước tóc tang, đầy
bải tha ma do chiến cuộc kéo dài, để rồi đất nước bị cắt chia ! Ông
tự hỏi có mấy người ra đi được trở về ? và, như vậy để phục vụ cho
ai ?
“ … Ánh trăng trải ngọc đường làng
Em như tỉnh giấc mơ màng, ớ Anh !
Sông dài cuốn cuộn uốn quanh
Lòng em như nước lạnh tanh đi rồi !
… Chín năm trời !
Trải qua hơn nửa cuộc đời vì ai ?
…. Thoát nghe tiếng vạc ăn đêm gọi đàn
Bàng hoàng nhướng mắt mơ màng
Mơ màng rồi tới kinh hoàng, Anh ơi ! ”
(Dứt tình)
Đã biết xưa nay người ra đi chinh chiến mấy ai được trở về, thế mà
ông vẫn dấn thân, không đắn đo lợi hại cho bản thân, cho gia đình.
Sự dấn thân đó không phải là thái độ của kẻ liều mạng, mà dấn thân
đáp ứng một cái gì thiêng liêng réo gọi. Không quan tâm đến thành
quả để không làm vẩn đục cái thiêng liêng kia…
Cụ Phan văn Hùm cũng cùng tâm trạng. Ra đi không hẹn ngày về. Chỉ
kịp căn dặn người vợ hiền ở lại nhà “chấp kinh” hay phải “tùng
quyền”. Cụ đều tôn trọng sự chọn lựa đau lòng ấy. Bởi Cụ cũng như
những người yêu nước khác, lúc bấy giờ không khác gì thân phận của
con ve khắc khoải đợi chờ giọt sương mùa hạ, cũng như bầy chim nhạn
phải vội vã bay đi trốn tuyết khi trời vừa mới sang thu :
“ ….Trốn tuyết đầu thu thương nỗi nhạn,
Chờ sương giữa hạ tội thân ve … ”
(Thơ Phan văn Hùm)
Tình gia đình tuy thiêng liêng nhưng trước nợ nước trở thành tiểu
tiết. Tình yêu đất nước mới là đại nghĩa. Mà theo đạo lý Việt Nam,
xưa nay, đại nghĩa vẫn trên tiểu tiết, khi “đất nước trông ra luống
não nề, Thơ PVH ”.
Có người phê bình sự dấn thân của các Cụ là thái độ lãng mạn của
người tiểu tư sản.
Đúng ! Chỉ có kẻ lãng mạn mới dám dấn thân tranh đấu mà không hề bận
lòng đến chuyện thành bại. Hiện tại, họ sẵn sàng khước từ sự nghiệp,
công danh đang có hoặc ở tầm tay. Họ từ chối cái họ CÓ để chạy theo
cái CHƯA CÓ, như ĐỘC LẬP, như TỰ DO. Quả thật họ là những con người
đầy chất lãng mạn. Nhưng phải nói sự chọn lựa của họ mới thật sự
phát xuất từ lòng yêu nước tinh ròng :
“ …Chín năm trời !
Hy sinh hơn nửa cuộc đời vì ai ?
Bắc Nam hăm mấy triệu người
Chín năm trường chiến vì ai đây mà ?
Phải vì thống nhứt quốc gia ?
Phải vì dân tộc mới ra chiến trường ?
Hôm nay ngoảnh lại quê hương
Toan chia sông núi lót đường cho ai ?
”
Trước thực tế phủ phàng, kháng chiến bị phản bội, nhà thơ Điền
Nguyên, sau khi quyết định rút về thành, không thể làm gì khác hơn
nên đành tự an ủi :
“….Anh là ánh sáng nguồn khơi
Là hoa chớm nở đón ngày Xuân sang
Em như cánh én lạc đường
…”
Ra về sống dưới mái gia đình, sum họp trong cảnh vô cùng đạm bạc.
Ông đi dạy học cho vài Tư Thục ở Sài Gòn, vừa có đồng lương hàng
tháng, vừa có bạn trẻ để tâm sự, hàn huyên, đợi chờ hoa nở đề đón
nàng Xuân !!! Nhưng bóng dáng nàng Xuân vẫn còn biền biệt !!!
Trong cuộc sống mới ở giửa thủ đô, ông không bỏ qua bất cứ biến cố
nào xảy ra trên đất nước Việt Nam. Mỗi lúc ấy, ông cùng với các bạn
trẻ gặp nhau phân tích tình hình, thảo luận. Lúc nào ông cũng khuyên
đàn em, đàn cháu nên bình tĩnh, thận trọng thái độ.
Nhóm Caravelle là bạn của ông.
Về thơ họa của nhà thơ Điền Nguyên, có bài thơ sau đây tưởng rất
đáng nhắc lại làm quà cho độc giả yêu thơ ngày nay. Đó là bài thơ
ông họa bài “ Đền Kiếp Bạc” của Hồ Chí Minh :
Chí hùng khai quốc tạo anh hùng
Bởi nghiệp Rồng Tiên, nghiệp kiếm cung
Rạch máu biên cương dương cánh bạc
Khơi nguồn Âu Việt định danh Hồng
Kết tinh một bọc, hồn dân tộc
Vá víu năm châu, xác Đại đồng
Nếu Đức Trần thiêng, cười ý bác
Thành danh, chưa hẳn đã thành công !
Nhà thơ Điền Nguyên muốn gởi gấm tâm sự của mình qua thi phẩm Lau
Già Mơ Bóng Rừng Trinh. Cái tâm sự sâu thẩm vẫn là tách mình ra
khỏi gọng kìm lịch sử của đất nước : ly khai với cộng sản, trở về
với đời sống bình thường mà không mang tiếng đầu hàng giặc, vẫn bảo
vệ nguyên vẹn cái danh dự, cái thiên chức cao quí của người kháng
chiến chỉ vì lòng yêu nước thôi thúc… Cho ông. Cho bao nhiêu những
người khác đồng cảnh ngộ với ông, hoặc đã ra đi không hẹn ngày về !
Cái lãng mạn của ông Nguyễn văn Đính, người kháng chiến chống thực
dân, được nhà thơ Điền Nguyên phơi bày qua một bình diện khác, riêng
tư hơn, thầm kín hơn, nhưng rất trữ tình. Đó là cái rung động, cái
xao xuyến của con tim người yêu nước và đa tình. Chỉ có người đa
tình mới biết lãng mạn đúng phong cách. Nhưng sau cùng người đa tình
vẫn phải chấp hành lẽ phải của con tim phán quyết. Chọn lựa người
bạn trăm năm, ông đã sống trọn vẹn với gia đình và vẫn giữ trọn vẹn
nghĩa tình với người bạn tình như một tri kỷ :
“…Tình thơ vương vấn đeo theo mãi
Nghĩa cả bâng khuâng khó tách rời
Sa Đéc, Cần Giờ, hai lấy một
Biết chăng, chăng biết, hỡi ai ơi ? ”
(Long Điền, 1936 - Sa Đéc, người tình tên Hồng Hoa, Cần Giờ, quê
của người vợ trọn đời)
II. Tác phẩm Tạ Thu Thâu từ
Quốc gia đến Quốc tế
Tập sách TẠ THU THÂU từ Quốc gia đến Quốc tế (*), bản gốc xuất bản ở
Sài gòn năm 1939, gồm 96 trang, chia ra làm 6 Chương với 1 phụ bản
của tác giả viết thêm để trả lời quyển sách của ông Nguyễn văn Trấn
« Ai chia rẻ nhóm
La Lutte ? »
vừa phát hành trước đó vài ngày. Ông Nguyễn văn Trấn, qua quyển sách
của ông, ông lên án ông Tạ Thu Thâu và nhóm Trốt-kít (Đệ IV Quốc tế)
là phát-xít và phản động, các ông Tạ Thu Thâu, Trần văn Thạch, Hồ
Hữu Tường, Lê văn Thử phá hoại Đông Dương Đại hội, chia rẻ nhóm La
Lutte.
Ngay trong lời tựa, tác giả, ông Nguyễn văn Đính, lên tiếng nghiêm
khắc tố cáo những thủ đoạn hiềm khích gay gắc của phe Đệ III Staline
đối với nhóm ông Tạ Thu Thâu trong bức thư di chúc của ông Nguyễn
Thế Rục. Không thể chấp nhận được những lời phỉ báng ông Tạ Thu Thâu
của phe Đệ III, ông Phan văn Hùm đã phải lên tiếng bênh vực ông Tạ
Thu Thâu mà không muốn bị hiểu xuyên tạc là ông cố tình tâng bốc ông
Tạ Thu Thâu lên hàng lãnh tụ phong trào tranh đấu chống thực dân
pháp ở Việt nam. Thật ra, ông Tạ Thu Thâu có tầm vóc một lãnh tụ.
Nhựt Báo (tựa tờ nhựt báo) ngày 16 / 06 / 1938 có đăng tin Hội Cứu
Tế bên Pháp tình nguyện nhận nuôi con trai của ông Tạ Thu Thâu. Bản
tin có câu ở cuối bài « ông Tạ Thu Thâu là người xứng đáng dẫn đạo
quần chúng ».
Ông Nguyễn văn Đính, tác giả tập sách và là bạn thân của ông Thâu,
đã không ngần ngại quả quyết ông Tạ Thu Thâu là « người rất xứng
đáng dẫn đạo quần chúng lao khổ ở xứ này. Xứng đáng ở tài bộ cũng
như ở tấm lòng trung hậu của ông.
Như vậy, nếu ông Phan văn Hùm và dân Việt nam có ghi tên ông Tạ Thu
Thâu, ngay bây giờ, vào lịch sử tranh đấu chánh trị của xứ này đi
nữa thì tưởng cũng không phải là điều quá đáng ».
Vào lúc ông Tạ Thu Thâu bị phe Đệ III công kích, phỉ báng thậm tệ vì
ông là người tài giỏi, được lòng quần chúng, ông bị thực dân Pháp
cầm tù và bị bại liệt mất hết nửa thân mình.
Tác giả lấy làm đau lòng cho hoàn cảnh bi đác của bạn : Tại sao ông
Thâu bị liệt bại ? Ông Nguyễn văn Tạo cũng ở tù chung với ông Thâu
lần trước kia và cũng nhịn đói, mà lại không bị bại liệt nửa thân
mình như ông Thâu ?
Ông Thâu viết thư cho ông Tổng trưởng Thuộc địa yêu cầu được qua
Pháp chữa bịnh nguy kịch này. Nhưng thư của ông không được chấp
thuận. Sau đó, ông Thâu được chuyển qua nhà thương Chợ quán để chữa
trị.
Tác giả Nguyễn văn Đính lo ngại bịnh tình của ông Thâu nếu không
được chữa trị kịp thời và đúng thầy, đúng thuốc, sẽ khó tránh dẫn
đến thần kinh của ông bị rủ liệt, biến ông trở thành một con người
hoàn toàn không còn khả năng tranh đấu nữa.
Có lẽ sự lo sợ này đã thúc đẩy ông Nguyễn văn Đính viết tập sách về
Tạ Thu Thâu để ghi lại, tuy có vội vàng, « một giai đoạn trong đời
chánh trị của ông Thâu, nhứt là cách hoạt động của ông, lòng thành
của ông đối với giai cấp vô sản từ năm 1928 tới bây giờ. Tới đây, ai
cũng thấy ông Thâu tận tụy với chủ nghĩa của ông, đã hi sanh đời ông
cho giai cấp vô sản là đủ. Người Việt nam có thể coi ông Tạ Thu Thâu
như mười năm trước họ đã từng tôn sùng 2 nhà ái quốc tranh đấu cho
chủ nghĩa quốc gia Phan Bội Châu và
Phan Chu Trinh ».
Quan niệm viết về Tạ Thu Thâu của ông vì vậy mà khác hẳn với ông
Phan văn Hùm.
Không riêng gì ông Tạ Thu Thâu bị phe Staline phỉ báng và công kích
là phát-xít, phản động, trước đó hơn mười năm, ông Nguyễn An Ninh
cũng bị lên án đầu hàng thực dân khi ở trong tù ông viết hai bức thư
xin ân xá. Người ta vội quên công lớn của ông Ninh gây dựng lên
phong trào tranh đấu đòi độc lập cho Việt nam.
Theo tác giả Nguyễn văn Đính, ông Nguyễn An Ninh là người đã sớm đem
lại cho ông và ông Thâu cái hiểu biết khai tâm về chánh trị và hoạt
động chánh trị ái quốc. Vì cũng là bạn tranh đấu chung, tác giả hiểu
rõ tư tưởng của hai người nên nhận xét ông Ninh khác hẳn với ông
Thâu. Ông Ninh là một trí thức ái quốc, ngay thẳng, bất bình cái chế
độ cai trị ở cái xứ này, đứng lên hô hào tranh đấu chống thực dân.
Ông không phải là một chiến sĩ tranh đấu cho lý tưởng cộng sản Đệ
III hay Đệ IV gì hết, trong lúc đó ông Thâu là một chiến sĩ kiên
cường tranh đấu cho lý tưởng giai cấp vô sản. Theo tác giả, có hiểu
rõ như vậy, người ta mới hiểu tại sao ông Ninh viết 2 bức thư kia.
Sau khi nói về trường hợp ông Thâu là nạn nhân của phe Staline, tác
giả nhắc lại nhiều trường hợp khác những người Đệ IV bị Staline trù
dập, ám hại và được giải thích lý do bằng những lời khai dối trá do
Staline giàn dựng lên để buộc tội. Ngoài ra, Staline còn xử dụng độc
dược để hủy hoại cơ thể con người. Nên tác giả nghi ngờ ông Thâu bị
bại liệt nửa thân người lúc ở tù là có thể do những người cộng sản
Việt nam theo phe Staline ở tù chung đầu độc.
Sau này, thế giới đều biết cách ám hại những người bất đồng chánh
kiến của Staline là cho họ vào nhà thương điên. Cách này ngày nay,
cộng sản Hà nội thường áp dụng cho những người tranh đấu đòi dân chủ
và nhân quyền ở Viêt nam.
Cộng sản thường lên án phát-xít là tàn ác. Nhưng Hitler mới dựng chế
độ quốc xã sau này nên chắc chắn đã phải học được cái gian ác dã man
từ Lê-nin và Staline.
Ông Nguyễn An Ninh đã nhiệt tình vận động cho ông Bùi Quang
Chiêu,
Chủ tịch Đảng Lập Hiến có xu hướng thân Pháp, về nước được dân chúng
tiếp rước tưng bừng. Hành động này nói thêm lập trường tư tưởng
chánh trị của ông Ninh là trước sau chỉ tranh đấu cho Việt nam được
độc lập mà thôi.
Tác giả kết luận về 2 người bạn Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu : muốn
xét Nguyễn An Ninh, phải đứng trong khuôn khổ một nhà trí thức ngay
thẳng, bất bình cái chế độ này. Muốn xét đoán Tạ Thu Thâu, phải đứng
trên nền tảng lao động quốc tế.
Khi viết tập sách Tạ Thu Thâu từ Quốc gia đến Quốc tế, tác
giả Nguyễn văn Đính chỉ chú trọng những hành động chánh trị của Tạ
Thu Thâu mà thôi.
Tạ Thu Thâu Quốc gia
Năm mà tập sách Tạ Thu Thâu từ Quốc gia đến Quốc tế xuất bản,
ông Tạ Thu Thâu được 33 tuổi.
Ông sanh trưỏng trong một gia đình nghèo, đông con, cha làm nghề thợ
mộc trong địa phương. Lúc nhỏ, ông khi đi chăn vịt, khi theo người
lớn đi bắt cá, tôm trong sông rạch để phụ thêm bữa ăn gia đình.
Theo cha lên tỉnh làm việc, ông bắt đầu đi học vì ông không còn tiếp
tục đời sống như lúc ở nhà quê nữa.
Lúc học Lớp Nhì, ông Thâu bắt đầu đi dạy học cho trẻ em con nhà giàu
trong làng vào dịp bải trường để kiếm tiền phụ thêm gia đình và để
dành cho kỳ nhập học tới.
Năm 14 tuổi, ông thi đậu Sơ học. Có mảnh bằng trong tay, ông hăn hái
với ý định tìm việc làm. Vì lúc bấy giờ, người có bằng cấp Sơ học
không phải là nhiều và có được khả năng đủ làm thư ký công sở hoặc
tư sở. Nhưng mới có 14 tuổi nên không ở đâu chịu thâu nhận ông vào
làm việc. Không còn cách gì khác hơn là tiếp tục học lên nữa. Ông
định thi học bổng vào học Trường Tây Chasseloup-Laubat ở Sài gòn.
Việc thi, ông chắc đậu. Nhưng tiền đâu để đi lên Sài gòn ở và đi
thi ? Trước tình cảnh của con, cha của ông lấy làm đau khổ nên đã tự
tử. May nhờ có người trông thấy cứu sống.
Nghe chuyện thương tâm của con nhà nghèo học giỏi, một ông Quản
mã-tà và một Thầy Thông giây thép góp tiền lại cho ông lên Sài
gòn thi. Đậu học bổng rồi, ông quay trở về tiếp tục dạy học để kiếm
tiền dự bị cho ngày nhập học.
Cuối năm thứ ba chương trình Trung học Đệ nhứt cấp, ông Thâu thi đậu
vừa Brevet Elémentaire và Diplôme, tức bằng Thành Chung (Diplôme
d’Etudes Primaires Supérieures Indochinoises = DEPSI ; còn bằng Sơ
học là Certificat d’Etudes Primaires Supérieures Indochinoises =
CEPSI ).
Ông Thâu cũng chỉ mới có 17 tuổi, thiếu 1 tuổi mới có thể đi làm
việc. Đi học nữa có Nhà nước nuôi nên ông thi lên ban Tú Tài. Hết
năm thứ nhứt ban Tú Tài, ông đậu luôn Brevet Supérieur. Đây là một
bằng cấp rất khó đậu. Người có bằng cấp này đủ đi dạy Trung học Đệ
nhứt cấp. Và ông Thâu tính đi dạy học giúp gia đình. Nhưng cha của
ông muốn ông phải học lên nữa. Thế là ông tiếp tục học xong ban Tú
Tài.
Năm ông đậu bằng Brevet Supérieur, cả Đông dương chỉ có một mình ông
đậu nên ông Grandjean, Chánh chủ khảo, ân cần mời ông dạy học cho
Nhà nước và sẽ xin cho ông lấy quốc tịch pháp luôn. Tạ Thu Thâu từ
chối.
Ông đã xếp đặc cuộc đời của ông rồi. Ông chỉ cần lấy bằng Brevet
Supérieur để đi dạy học và còn thì giờ lo hoạt động chánh trị. Ông
không muốn ra Hà nội học vì cái học ở đó cốt đi làm « quan hành
chánh cho Tây » mà thôi.
Nhưng cuộc đời đi dạy học tư của ông nào có được yên thân đâu mặc
dầu ông được tiếng là một ông thầy tận tâm và dạy giỏi ở trường
Nguyễn Xích Hồng vì vài hôm thì bị bắt rồi được thả ra. Sau cùng,
ông phải ngưng dạy học vì bị nhà cầm quyền thực dân đày biệt xứ (đày
qua địa phương khác ).
Sau phong trào rước Bùi Quang Chiêu, đưa đám tang cụ Phan Chu
Trinh,
sau những cuộc biểu tình, đình công lớn, học sinh bải khóa ở Sài
gòn, ông Thâu thấy cần phải mở rộng sự hiểu biết thêm nhiều nữa. Ông
chuẩn bị qua Pháp học thêm và đồng thời mở mang kiến thức tranh đấu
chánh trị. Ông bắt đầu đọc về mác-xít.
Tới Paris, ông gặp ông Nguyễn Thế Truyền, người mà lúc còn ở Sài
gòn, ông có dịp đọc báo Việt Nam Hồn. Ông Nguyễn Thế Truyền đang
hoạt động đảng Độc lập của ông. Khi ông Truyền về Việt nam, ông Thâu
tổ chức lại đảng Độc Lập để làm nơi tụ họp thợ thuyền và sinh viên.
Theo tác giả Nguyễn văn Đính, ông Tạ Thu Thâu đến đây là người Quốc
gia vì ông chưa có những hoạt động cụ thể theo đường lối quốc tế vô
sản cũng như chưa gia nhập một tổ chức cộng sản nào cả ? Hay vì ông
Thâu trước khi qua Pháp đã từng tham gia những hoạt động như tổ chức
đón rước
ông Bùi Quang
Chiêu, dự đám tang Cụ
Phan Chu
Trinh, tham gia những cuộc đình công, bải khóa của học sinh mà được
xem là người Quốc gia ?
Ông Thâu chưa tham gia một tổ chức quốc tế, nhưng tư tưởng của ông
lúc nào cũng hướng về giai cấp vô sản, những người cùng khổ. Và có
một điều không thể phủ nhận ở ông Thâu : ông trước sau vẫn là người
yêu nước chơn chánh. Vậy phải chăng xu hướng của ông về giai cấp vô
sản là một cách thể hiện lòng ái quốc, vì Việt nam vốn là một nuớc
nghèo, phần lớn dân chúng bị các thế lực thực dân áp bức, bóc lột ?
Giải phóng được giai cấp bị áp bức là cởi bỏ được sự đô hộ ngoại
bang, đem lại độc lập cho nước nhà ?
Giữa Quốc gia và Quốc tế
Trong tập sách Tạ Thu Thâu từ Quốc gia đến Quốc tế, qua lời
ông Phan văn Hùm thì Tạ Thu Thâu thật sự biết chủ nghĩa quốc tế, tức
cộng sản, là từ năm 1928 khi ông đi tìm chủ nghĩa quốc gia.
Năm 1927, ông Hoàng văn Dụ, người Đệ IV, khuyên ông Thâu nên qua Nga
học hỏi cách tranh đấu cách mạng, nhưng ông Thâu không đi vì muốn ở
Pháp học hỏi và tìm hiểu xã hội pháp. Qua lần sau, nam 1928, ông
Nguyễn Thế Rục, của cộng sản, khuyên
ông đi Nga,
ông dứt khoát từ chối vì ông đã nghe những vụ xung đột, thanh toán
nhau giửa Staline và Đệ IV. Lúc này, ông Thâu bắt đầu đọc sách vở
của Trotsky xuất bản. Ông có xu hướng theo phe Trotsky, cũng tả
phái, nhưng đối lập với phe Staline.
Ông bắt đầu tổ chức một nhóm cộng sản trong đảng Độc Lập để hoạt
động chung với những người của Staline và Quốc gia. Chỉ ít lâu sau,
đảng Độc Lập bị giải tán. Đây là cơ hội cho ông Thâu tổ chức Liên
đoàn cộng sản, tức đảng Công nhân Quốc tế ở Pháp. Và cũng vào lúc
này, một bộ phận Đệ IV đang manh nha ở Đông dương.
Ở Pháp, ông đi hô hào cho Phong trào phản đế khi thì ở Bâle (Thụy
sĩ), khi thì ở Bá-linh nên giới sinh viên an-nam không ai mà không
biết ông Tạ Thu Thâu.
Kịp đến vụ Yên-bái xảy ra và tin Tòa Đề-Hình xử tử hình 19 nhà ái
quốc của Việt nam Quốc dân đảng, ông lập tức đứng lên kêu gọi người
Việt nam ở Pháp, không phân biệt chánh kiến, thành phần, tức cả
người cộng sản phe Staline, cùng họp nhau đi tới trước dinh Tổng
thống Pháp biểu tình phản đối bản án. Chính ông Tạ Thu Thâu là người
đề xuất và hướng dẩn việc này, chớ không phải do cộng sản Đệ III
Staline tổ chức như những thông tin tuyên truyền sai sự thật.
Lúc nào ông Tạ Thu Thâu cũng sẳn sàng phản ứng cho chánh nghĩa Việt
nam, vượt trên màu sắc đảng phái, nên ông bị phê bình là người quốc
gia. Mà thật ông theo chủ nghĩa Quốc gia thuở nhỏ. Khi còn ở Việt
nam, ông luôn luôn biểu hiện lập trường tư tưởng của ông chống lại
chế độ thực dân đô hộ. Hơn nữa, ông đã sớm ý thức chánh trị thương
nước từ lúc mới học năm thứ nhứt Trung học tại trường bổn quốc
Chasseloup-Laubat, có lẽ nhờ giáo sư Nguyễn văn Bá khơi dậy lòng ái
quốc ở ông. Năm ấy, ở Việt nam chưa có bóng dáng cộng sản thì làm
sao ông biết được cái gì là thuyết giai cấp vô sản, chủ nghĩa quốc
tế ? Sự sớm giác ngộ chánh trị của ông không gì khác hơn là phản ứng
từ lòng ái quốc của một thanh niên con nhà nghèo và lương thiện.
Phong trào Nguyễn An Ninh với tờ báo Chuông Rè, Phong trào Nguyễn
Phan Long
với vụ biểu tình ở Chợ Lớn, đã kích thích mạnh mẻ lòng ái quốc ở ông
thêm sôi sục. Nhưng ông đã cảm nhận như có cái gì không thật sự thỏa
mản ông trong tầm nhìn về tương lai cho công cuộc tranh đấu. Hằng
ngày ông cứ nghe vang bên tai những lời kêu gọi « Hởi đồng bào ! Ai
là giống lạc hồng, hãy ngó lại giang san tổ quốc, … ». Ngó lại, rồi
phải làm gì, cách nào, …không thấy nói rõ ra.
Ông Tạ Thu Thâu hết lòng cảm phục tiết tháo của Cụ
Phan Bội
Châu trước Tòa án thực dân. Lòng ái quốc của ông được nung nấu thêm.
Đây là lúc, ông thật sự dấn thân công khai hoạt động chống thực dân
Pháp tại Việt nam. Ông mang băng tay vàng, đại diện đảng An-nam trẻ
đón rước
ông Bùi Quang
Chiêu
và tham dự đám tang cụ Phan Chu
Trinh.
Qua năm 1927, ông cùng với vài người bạn cho ra tờ báo Nhà Quê. Tựa
tờ báo bộc lộ suy nghĩ của ông không phản phất chút gì về giai cấp,
về quốc tế.
Khi qua tới Paris, ông ghi danh theo học Toán ở Đại học Sorbonne.
Nhưng chỉ ít lâu sau, ông nhận thấy Văn bằng Cử nhân Toán cũng sẽ
không thỏa mản hoài vọng của ông. Ông bỏ học, lui tới những Câu Lạc
bộ Nghiên cứu và nhờ đó ông quen biết được những nhà văn xã hội có
tiếng, trong đó có
ông Daniel Guérin
là người hết lòng quí trọng ông và trở thành bạn thân của ông.
Đến cuối năm 1928, Tạ Thu Thâu bắt đầu tham dự những buổi hội thảo
chánh trị tại các cà-phê khu la-tinh hay ở Hội Bác học. Ông tranh
luận hùng hồn với nhóm bảo thủ hoặc với phe cộng sản Staline. Ông
nắm vững học thuyết mác-xít làm các bạn của ông hết sức ngạc nhiên
Từ những cuộc tranh luận này, ông bắt đầu ngờ vực chủ nghĩa Quốc
gia. Mỗi lần có hội nghị, ông được đề cử đi tham dự. Sau lần tham dự
hội nghị phản đế ở Francfort về, Tạ Thu Thâu thấy chủ nghĩa quốc gia
không còn đủ sức thuyết phục trong tình hình hiện nay. Nhưng theo
hẳn chủ nghĩa quốc tế vô sản, tức mác-xít, thì phải từ bỏ quốc gia
sao ? Mà không theo chủ nghĩa quốc gia thì mình còn giữ được lòng ái
quốc không ? Còn tranh đấu cho Việt nam không ? Ông cứ mãi đắn đo …
Tạ Thu Thâu Quốc tế
Đến năm 1930, sau thời gian chuyên cần tìm đọc về mác-xít, Tạ Thu
Thâu một hôm bắt gặp trong tập san Sự Thật (La Vérité)
của nhóm trotskiste ở Paris, có chừng mươi người, một bài phê phán
chế độ thuộc địa mà ông cho là đúng đắn. Ông đạt lý và xin gia nhập
nhóm Đệ IV. Từ nay, ông hoạt động theo đường lối của Đệ IV và mục
tiêu thấy rõ.
Tham dự biểu tình phản đối bản án tử hình của các nhà ái quốc VNQDĐ,
ông cùng với các bạn bị nhốt hết 8 ngày ở nhà tù Santé của Paris. Ra
tù, tất cả bị trục xuất về nguyên quán.
Về Sài gòn, chỉ thấy có 2 ông Nguyễn văn Tạo và Trần văn Thạch công
khai hoạt động. Nhóm Đệ III rải truyền đơn công kích Tạ Thu Thâu và
kêu gọi dân chúng đừng nghe lời của ông.
Báo
La Lutte
ra đời để cổ động cho liên danh Lao động ứng cử Hội đồng thành phố.
Sau đó,
La Lutte
đình bản.
Qua năm 1934, có Ủy Ban Điều tra Thợ thuyền Pháp qua Việt nam muốn ở
đây có một cơ quan ngôn luận bắng tiếng Pháp để bênh vực thợ thuyền.
Ông Nguyễn An Ninh cho biết phía Đệ III không có người khả dĩ đủ khả
năng điều khiển tờ báo tiếng pháp như vậy nên muốn làm phải nhờ tới
những người Đệ IV. Khi 2 bên hợp tác phải tôn trọng nguyên tắc chung
là chỉ bênh vực quyền lợi lao động mà thôi. Cả hai phe, không ai
được phép lợi dụng tờ báo tuyên truyền riêng cho phe cánh mình. Chỉ
được ít lâu, cộng sản Staline ở Sài gòn vâng lịnh Đệ III Quốc tế ở
Paris xung đột với phe Tạ Thu Thâu, tách ra làm tờ Tiền Phong
(L’Avant-Garde). Cùng lúc đó,
ông Dương Bạch
Mai cũng vì hành động theo lịnh của cộng sản Paris mà bị Tây thuộc
địa bỏ tù.
Sau vụ hợp tác với Đệ III tang rả, ông Tạ Thu Thâu đi dạy học ở các
trường Trung học tư Huỳnh Khương Ninh, Chấn Thanh và được tiếng là
một giáo sư giỏi.
Tháng 5/1932, ở Tân Định có cuộc diễn thuyết về phổ thông đầu phiếu.
Người ta thấy ông xuất hiện diễn thuyết và được dân chúng hoan
nghênh nhiệt liệt tài hùng biện của ông. Qua tháng 8, ông bị bắt.
Theo lời buộc tội của Tòa án, ông Thâu muốn lập đảng tả đối lập ở
Đông dương, tức đảng cộng sản đối lập với Đệ III Staline. Khi ông
Phan văn Hùm và Lê văn Thử xuất bản tờ Đồng Nai, thỉnh thoảng độc
giả được đọc bài của ông. Và dân chúng đi nghe ông diễn thuyết về
biện chứng pháp.
Đến đây, tác giả Nguyễn văn Đính xác nhận ông Tạ Thu Thâu thật sự
trở thành người Đệ IV Quốc tế. Và tác giả nhận xét một cách quả
quyết là không có ai, với tinh thần phê phán độc lập, có thể chê
trách được ở ông Thâu một điều gì hết cả.
Tạ Thu Thâu trước Tòa án thực dân
Ông bị giải ra Tòa. Trước Dự thẩm, hai tay bị còng, ông tự kéo ghế
ngồi xuống và mở lời trước « Hôm nay, có chuyện lôi thôi, tôi phải
gặp ông. Và tôi chắc trên đường đời của tôi, tôi sẽ còn gặp ông
nhiều lần nửa ». Cung cách của ông làm cho ông Dự thẩm phải nể nang.
Và quả thật như lời tiên đoán của ông. Từ năm 1935, Tòa án với ông
giống như đôi tình nhân. Cơm không lành, canh không ngọt mà thôi
nhau không được nên cứ phải dang díu với nhau hoài.
Tháng 12/1935, sau vụ làm reo của anh em đánh xe thổ mộ, ông cùng
với các bạn khác như ông Trần văn Thạch bị Tòa xử về tội viết báo
xúi dục dân chúng phá rối trị an dựa theo Nghị định Varenne. Năm
sau, ông bị ra Tòa lần nữa cũng về tội « viết báo xách động dân
chúng phá rối trật tự ».
Một mặt ông Thâu bị Chánh quyền bắt, mặt khác, ông còn bị phe Đệ III
tìm đủ mọi cách công kích và ám hại.
Trong một bức thư gởi cho bạn, ông Daniel Guérin,
ông Thâu viết rõ « Những người lao động ở đây đều biết rõ thủ đoạn
của Violette, Moutet và bọn Staline đối với chúng tôi rồi. Chúng tôi
cứ thẳng đường đi tới …. Đó là điều tôi xin anh cho những người đó
hiểu ».
Đến tháng 7 năm 1937, ông Tạ Thu Thâu bị bắt cũng vì một bài báo lên
tiếng cho lẽ phải đăng trên La Lutte. Từ đó đến nay, ông ở trong nhà
tù liên tục. Nhưng lần này, ông bị bắt vì bị khép tội có liên hệ đến
vụ Hỏa xa đình công. Ở trong tù, ông tuyệt thực phản đối sự bức bách
của Chánh quyền để đòi quyền tự do phát biểu chánh kiến của mình.
Tình trạng sức khỏe của ông lần lần suy sụp.
Tác giả Nguyễn văn Đính bênh vực ông Tạ Thu Thâu cho rằng ông Thâu
bị ở tù vì hoạt động cho cộng sản, thì phải hiểu cộng sản có nhiều
thứ : thứ khát máu như phe Staline, thứ đểu giả như Doriot, thứ đàn
áp dư luận và khủng bố như
Dương Bạch
Mai. Họ là cộng sản nhưng đều phản cách mạng với Lê-nin.
Tạ Thu Thâu với dư luận
Đặt ông Tạ Thu Thâu trước dư luận trong và ngoài nước, ông Phan văn
Hùm phê phán « Thâu có nhiều thù địch về chánh trị, Thâu chưa có ai
oán ghét về cử chỉ và hành động ».
Tác giả Nguyễn văn Đính đã thử làm một cuộc dò hỏi dư luận về ông
Thâu qua các giới ở Sài gòn : từ vũ nữ, công chức Tây, thương gia
đến giới lao động, chưa thấy có ai oán ghét ông. Chỉ vì ông là một
người ngay thẳng, lương thiện và tân tụy với mọi người. Với cả những
người cộng sản Staline, vâng lịnh cộng sản ở Paris, thường xuyên âm
mưu ám hại ông nữa.
Tạ Thu Thâu và bản năng vô sản
Về bản chất, ông Phan văn Hùm tin tưởng ông Tạ Thu Thâu không thể
nào phản bôi lại giai cấp của ông. Cứ nhìn lại bên nội, bên ngoại
của ông đều nhà nghèo thì thử hỏi làm sao ông hành động ngược lại
với thành phần xã hội của ông được. Tuy nhiên ông Phan văn Hùm cũng
dè dặc nói thêm trong đời đôi khi cũng không phải không có những
người phản bội giai cấp của mình.
Trái lại, tác giả Nguyễn văn Đính không dựa trên thành phần xã hội
mà phán xét ông Tạ Thu Thâu. Tác giả căn cứ trên quá trình hoạt động
và đức tánh lương thiện của ông Thâu mà phán xét. Từ quốc gia đến
quốc tế, ông Thâu luôn luôn gạt bỏ vấn đề tiền tài và danh vọng. Ông
tâm huyết dấn thân tranh đấu cho giới lao động nghèo khổ, cho xã hội
có công bằng, người không bóc lột người nữa. Nếu ông đi ngược lại
mục đích này thì chẳng khác nào ông phản bội con tim của ông.
Tác giả tin ở cái lương tâm xã hội của ông Thâu, điều đã biến chuyển
từ tinh thần quốc gia đi tới tinh thần vô sản quốc tế ở ông. Theo
Kausky, « cái lương tâm xã hội là một nguyên tố nhập vào tự trong
giai cấp vô sản tranh đấu, chớ không phải bổng dưng mà nó phát hiện
ra ».
Tác giả kết luận về tư tưởng của Tạ Thu Thâu « Nhờ sự tham gia vào
những cuộc giai cấp đấu tranh của Thâu ở Paris và những hoạt động
cách mạng thế giới hằng ngày mà lương tâm xã hội của Thâu mới phát
hiện ra. Nó giúp Thâu tránh được những hành động phản giai cấp vô
sản nhiều hơn là cái di truyền hay cái bản năng vô sản của Thâu ».
Nhận xét của người đọc
Đọc qua hết tác phẩm, người đọc nhận thấy một điều khá nổi bật là
lúc bấy giờ, để chống lại thực dân pháp, sau khi 2 Cụ Phan thất bại,
phải chăng những nhà tranh đấu ái quốc Việt nam chỉ có đi theo con
đường cộng sản ? Đệ III và Đệ IV đều tuyệt đối trung thành với lý
thuyết của Lê-nin. Chỉ có Đệ IV không đồng ý với Staline mà thôi.
Không đi với Đệ III vì cho rằng Staline quá gian ác, quá dã man.
Cả hai phe không ai thấy Lê-nin cũng gian ác không thua Staline. Vì
năm 1924, Lê-nin đã chết mất rồi ?
Nên nhớ, năm 1917, Lê-nin lên nắm quyền bằng cuộc đảo chánh đẩm máu.
Suốt thời gian chuẩn bị đảo chánh cướp chánh quyền, Lê-nin đã nuôi
dưỡng trong đầu một mô hình Chánh phủ dựa trên bạo lực chánh trị.
Khi cướp được chánh quyền, Lê-nin đem ra thực thi ngay.
Đường lối cai trị của Lê-nin được xây dựng trên lý thuyết khủng bố
chánh trị. Theo sử gia chuyên về Liên-sô, ông Nicolas Werth,
khái niệm về khủng bố quần chúng của Lê-nin có hai ý nghĩa rõ ràng :
khủng bố do quần chúng thi hành và khủng bố tập thể.
Khủng bố là ý niệm trung tâm trong tư tưởng của Lê-nin. Ý niệm về
khủng bố trở thành lý thuyết cướp chánh quyền và nắm giử Chánh quyền
để cai trị định hình rất sớm ở Lê-nin, tức vào các năm 1905-1906.
Khủng bố đối với Lê-nin là động cơ làm nên lịch sử, thông qua giai
cấp đấu tranh. Khủng bố là chân lý chánh trị. Thủ tiêu « thế giới
củ », tức thanh toán chế độ củ, quá khứ. Đó là vai trò của
bôn-sê-vít, tức của đảng cộng sản cầm quyền. Lê-nin đã không từng
dạy « Chế độ ta lấy nói dối và bạo lực làm quốc sách cướp chánh
quyền và cầm quyền. Nói dối để che dấu bạo lực và bạo lực để làm cho
nói dối thành sự thật ».
Các ông Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, Trần văn Thạch, và cả tác giả
Nguyễn văn Đính, lúc bấy giờ, có lẽ bị ảnh hưởng « Bản Án thực dân »
của Lê-nin nên thấy đó là con đường duy nhứt giúp họ giải thực giành
độc lập dân tộc ?
« Bản Án thực dân » của Lê-nin từng đã được nhiều người lấy làm cẩm
nang cách mạng chống thực dân. Lê-nin trong Bản Án đã tố cáo chế độ
thực dân gây ra những bất công xã hội, chánh quyền chỉ biết đàn áp
dân chúng, cai trị bằng bạo lực, … Dân chúng lâm vào cảnh nghèo đói,
bị bóc lột thẳng tay không thương tiếc. Chánh quyền hằng ngày dùng
bạo lực tước đoạt mọi quyền tự do căn bản của người dân, …
Nhưng khi cộng sản cướp được chánh quyền và cai trị thì những điều
Lê-nin tố cáo trong Bản Án được người cộng sản gia tăng lên gấp trăm
lần so với thực dân. Thực tế xã hội ở Việt nam ngày nay là điển
hình.
Có điều cho đến ngày nay không ai có thể chối cãi hay phủ nhận là
các ông Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Trần văn Thạch,
Nguyễn văn Đính, …đều là những nhà ái quốc chơn chánh. Họ tranh đấu
thật sự cho đất nước dân tộc. Đối với họ, đất nước, dân tộc mới là
trên hết, trên cái cộng sản Đệ III hay Đệ IV. Khi nhin nhận những
người này là những nhà ái quốc thì không thể nói cộng sản Hà nội từ
Hồ Chí Minh là yêu nước được bởi Hồ Chí Minh đã ra tay hạ sát những
người này một cách quá dã man vào thời đang tranh đấu chống thực dân
pháp.
Đọc tác phẩm Tạ Thu Thâu từ Quốc gia đến Quốc tế, người đọc
thấy rõ tấm lòng trung hậu với đất nước, với dân tộc và với cả những
người cùng khổ ở khắp nơi, như tác giả viết, của ông Tạ Thu Thâu
sáng ngời, không vẩn đục bởi tham vọng cá nhân hay phe cánh.
Năm 1924, chỉ có một mình ông đậu bằng Brevet Supérieur và được ông
Grandjean mời vào dạy học cho Chánh phủ pháp và xin cho ông quốc
tịch pháp. Môt điều quá lớn, quá ưu đãi đối với ông Thâu con nhà
nghèo. Thế mà ông nhẹ nhàng từ chối.
Chúng ta thử nghĩ nếu Hồ Chí Minh lúc đó được địa vị của Tạ Thu Thâu
thì chắc chắn đã không phải vất vả xuống tàu « lắc chảo và lái đỉa
bay » (tiếng lóng của dân Đông âu nói làm nghề rửa chén và phụ bếp)
để « tìm đường cứu nước » rồi.
Đám Hồ Chí Minh đi làm cách mạng vì gốc du thủ du thực, vốn liếng
không có gì khác hơn là cái mạng cùi đem đi thí, may ra cướp được
chánh quyền thì kéo nhau ra hưởng phú quí giàu sang. Như ngày nay.
Nếu chẳng may không thành công, thì cũng chẳng có gì mất. Chỉ có
những người có học thật sự, có hiểu biết, thì mới dấn thân tranh đấu
vì lòng yêu nước. Có học hoặc lương thiện mới biết yêu nước.
Riêng trường hợp tác giả, ông đã thấy rõ bản chật cộng sản là gian
ác, nên ông đã trốn ra về đúng lúc. Đối với ông, sau khi rời khỏi
chiến khu về với gia đình ở Sài gòn, Đệ IV chỉ còn là một quá khứ
của thời thanh niên bồng bột, nóng lòng tranh đấu cho đất nước thoát
khỏi ách thực dân.
Ông trước sau là một người kháng chiến lương thiện, một người ái
quốc chơn chánh như các ông Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, Nguyễn An
Ninh, Trần văn Thạch, …những người này bất hạnh đã lần lược bị Hồ
Chí Minh sát hại.
Đến đây, chúng tôi nhớ lại buổi chiều đến từ giả hai bác Nguyễn văn
Đính để hôm sau đi vượt biên như mới vừa xảy ra đây, tuy đã 32 năm
dài trôi qua. Bác đưa chúng tôi ra khỏi cửa và nói bằng tiếng pháp :
« Bác tin các con đi được an toàn. Bác tin tưởng như vậy. Con đừng
quên rồi đây lá rụng về cội ».
Bác đã mất. Chúng tôi ngày nay tóc đã bạc. Không biếc ngày mai chiếc
lá này sẽ rụng về đâu ?
Nguyễn văn Trần
(*) Xin cáo lỗi trong bài « đọc sách » trên đây, tác giả không ghi
trích dẫn trang đó là trang số mấy để độc giả dể theo dõi vì tác giả
đọc ấn bản củ. Ấn bản này không phổ biến.
Không có con đường đưa tới hạnh phúc, hạnh phúc là con đường. |
|