PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh


Mậu Thân - Mậu Tý: 40 năm

  • Cổ Nhân | PSN - 9.02.2008

Hãy tưởng tượng đi, ngày mai, ngày kia, phiến quân đồng loạt tiến công hàng trăm thành phố trên toàn đất nước Irak, rồi một toán đặc công xâm nhập được "khu vực xanh", nơi đóng đô của các cơ quan có máu mặt của Huê Kỳ ở Bagdad và rồi 12.000 chiến đấu quân Hồi Giáo cố thủ trong vùng thánh địa Kerbala, phải qua nhiều tuần lễ đánh đấm nhau trên đường phố mới tống khứ được đám quân cố thủ đó.

 

Hãy tưởng tượng đi, hằng bao tháng qua Hoa Thạnh Đốn và các vị tướng quân đội Huê Kỳ cứ lặp đi lặp lại rằng tình hình đã sáng sủa và là địch sẽ không thắng, có số liệu chứng minh đàng hoàng. Hãy tưởng tượng Huê Kỳ đang bước vào năm tranh cử tổng thống, và tất cả đều diễn ra trước ống kính thu ghi của những kinh truyền hình. Thôi thì một sự kinh ngạc đến ngỡ ngàng, đến sững sờ cho khán thính giả quê nhà nước Mỹ xa vời, đang sống trong thanh bình êm ấm. Trong quá khứ bốn mươi năm về trước, y chang những thứ tưởng tượng đó, buồn thay lại là thực tế cho một Việt Nam của năm 1968 vào một giai đoạn gọi là "Tết Mậu Thân".

 

Ngày đầu năm, Tết nguyên đán là ngày lễ năm mới trên lịch truyền thống của Việt Nam, cũng giống như của Trung Hoa. Quân cộng sản – nghĩa là bộ đội Bắc Việt cộng với du kích miền Nam - lợi dụng những ngày lễ lạc này, năm đó nhằm ngày 31 tháng Giêng, để mở một cuộc hành quân rộng lớn đánh vào chế độ miền Nam, bằng cách nuốt trọng lời cam kết đình chiến của chính mình.

 

Sau khi chiến tranh Đông Dương của Pháp kết thúc hồi 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai xứ sở thù địch, miền Bắc cộng sản và miền Nam quốc gia. Thế rồi, Huê Kỳ từng bước một lao mình vào cuộc xung đột mà Tây thực dân đã bỏ vỡ. Năm 1967, Mỹ có nửa triệu người ở Việt Nam, và ông tướng tư lịnh chiến trường, William Westmoreland - một tên gọi tiền định mà cũng đáp ứng uớc mơ của Mỹ chăng, là sẽ thêm được đất đai ở phía Tây cho đất nước Huê Kỳ - coi như là "đã thấy được ánh sáng cuối đường hầm". Nhưng rồi, hy vọng của tướng quân lại phai tàn đi theo năm tháng.

 

Tên gọi của chiến dịch đó, cộng sản đặt rất kêu là "Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa", vì những bộ óc đầy sáng tạo phía cộng sản hy vọng rằng khi pháo lịnh đã nổ cho hành động quân sự giáo đầu thì theo sau sẽ là quần chúng nhơn dân nổi dậy, hình thành cái gọi là "hai mũi giáp công", đánh cho Mỹ hoãn hồn, cho ngụy tiêu tan. Ấy vậy mà không, vì "công kích" bị chận đứng nhanh chóng, thành ra "khởi nghĩa" phải tịt ngòi. Cho nên, đúng như nhận xét của thế giới tự do, lẫn của người trong cuộc, như đại tá cộng sản Bùi Tín, cựu phó tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân miền Bắc, đào thoát sang Pháp năm 1990, đã tuyên bố với BBC:

 

"Có thể nói cả năm Mậu Thân đó lực lượng bên này đã mất chỗ đứng, không chỉ ở nông thôn mà còn ở thành thị. Do đó mà tình hình trở nên hết sức khó khăn. Tuy lúc đầu có giành thắng lợi nổi bật về mặt tuyên truyền nhưng trên thực tế là mất hết chỗ đứng, mất hết lực lượng."

 

Trước khi tiến hành, nội bộ Hà Nội đã có bất đồng ý kiến trong quyết định mở chiến dịch. Vì bấy giờ miền Bắc chia ra làm hai phe, một theo Nga và một theo Tàu. Tập đoàn lãnh đạo vâng lịnh Mạc Tư Khoa, mà chủ chốt là tướng Giáp, người hùng Điện Biên Phủ, cho rằng chưa phải lúc, nên thương thuyết với Mỹ thì hơn. Bên kia, thân Trung cộng, thì tin tưởng ở thế tất thắng của chiến tranh nhân dân. Khuynh hướng thứ hai tuy quá khích nhưng chiếm ưu thế nên chi bè lũ của Giáp đành phải tan tác như lá chết ngày thu lộng gió!

 

Trong những tuần lễ trước đợt tấn công, tình báo Việt-Mỹ đã thấy có dấu hiệu cho biết là sắp có chuyện, là Bắc Việt đưa nhiều lực lượng quan trọng vào chiến khu miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh, Lào và Cam Bốt. Nhưng, nếu như Việt-Mỹ biết được những vận chuyển của cộng quân họ lại không giải đoán được những ý định của đối phương. Thế nên, sáng ngày 31 tháng Giêng, liên quân Việt-Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ. Dù rằng ngày hôm trước đã có những trận đánh lẻ tẻ ở nhiều thành phố của Nam Việt Nam. Những trận đánh bị bẻ gãy nhanh chóng, không được suy diễn thêm những hậu quả hoặc có những nghi ngờ gì khác tiếp theo sau. Cho nên, ba giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, cuộc tổng công kích mở màn. Người ta ước lượng có khoảng 80.000 quân cộng sản tham gia trận đánh. Tại hàng chục thành phố, cộng quân vận dụng cở cấp tiểu đoàn để đánh úp những công sở và căn cứ nhà binh. Phần lớn chẳng ăn thua gì. Đương nhiên cộng quân dành mọi nỗ lực cho mục tiêu Sài Gòn, chủ yếu ba điểm trọng tâm là tòa đại sứ Huê Kỳ, bộ tổng tham mưu và đài phát thanh quốc gia. Hà Nội hy vọng là quần chúng nhân dân sẽ thừa cơ hội vùng lên quật khởi. Như vậy, để tiếp tay với mũi tiến công quân sự mà "giải phóng" thành phố. Nhưng họ đã đoán sai tinh thần dân chúng của thủ đô Nam Việt Nam.

 

Một tổ đặc công gồm 19 cảm tử quân đã tiến vào được bên trong vòng rào tòa đại sứ Huê Kỳ hồi 2 giờ 45 sáng, nhưng tên tổ trưởng đã bị quân phòng vệ đại sứ quán bắn hạ ngay nên công tác bị bể. Đến khoảng 9 giờ hơn thì quân Mỹ đã ổn định lại tình hình. Ở mục tiêu đài phát thanh cũng thế, cộng quân đã thất bại, không chiếm được đài như họ mong muốn, để lên tiếng trên làn sóng, tăng cường thêm hậu quả tâm lý chiến cho cuộc tổng công kích. Ở những căn cứ quân sự cũng vậy, cộng quân những tưởng sẽ chiếm được nhiều chiến xa và trọng pháo, nhưng hoài công vì chẳng có gì hết. Họ tập trung vào một điểm ở thành phố nằm quanh trường đua Phú Thọ, là nơi mà những trận đánh nhau kéo dài cả tuần lễ.

 

Trong dịp những biến cố ở khu vực này, ký giả hình ảnh Eddie Adams của hãng tin Associated Press (AP) đã thu hình được cảnh Tướng Tư Lịnh Cảnh Sát Nguyễn Ngọc Loan đưa súng sáu vào mang tai tên Việt Cộng mà hạ sát ngay trên hiện trường. Vì tên đặc công Bảy Lốp này vừa giết chết một sĩ quan cảnh sát và cả gia đình. Bức ảnh đó đã làm cho nhà báo kia được vinh danh, nhưng về sau Eddie Adams cũng thấy hối hận:

 

"Viên tướng [Loan] giết người Việt Cộng, còn tôi giết viên tướng [Loan] bằng máy ảnh của tôi. Hình ảnh là thứ vũ khí mạnh nhất thế giới. Người ta tin vào hình ảnh, nhưng hình ảnh cũng có thể nói dối, cho dù không cố ý lừa dối. Hình ảnh chỉ là một nửa sự thật... Điều mà bức ảnh đã không nói lên là 'Liệu bạn sẽ làm gì nếu bạn là ông tướng vào lúc đó, tại nơi đó, trong cái ngày [chiến tranh] nóng bỏng ấy, và tóm được một kẻ bị xem là khốn kiếp sau khi hắn vừa mới bắn tan xác một, hai, hoặc ba người lính Mỹ?' Làm sao bạn biết được nếu chính là bạn, bạn sẽ không bóp cò [để kết liễu Bảy Lốp]?"

 

Trong vòng ba tuần lễ, những ổ kháng cự cuối cùng rồi cũng phải tiêu tan. Nhưng ở Huế, những trận chạm súng đẫm máu hơn nhiều. Đế đô này nằm gần vỹ tuyến 17, gần biên giới giáp ranh với miền Bắc nên cộng quân tập trung đông hơn. Hà Nội đưa mười hai ngàn lính uy hiếp Huế nên đã chiếm được Huế trong một thời gian ngắn. Trong thời gian tạm chiếm đó cộng sản giết hại hàng ngàn dân chúng, với tính cách trả thù vì tội ủng hộ chế độ thân Tây phương, đúng sai không cần biết.

 

Chính Bùi Tín, khi trả lời với BBC, cũng xác nhận một cách "song le, vì bởi, nhưng mà" như sau:

"Lúc bấy giờ cũng có thông tin ngay chứ. Tôi còn nhớ ông Trần Văn Quang, Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên - Huế bị phê bình để xảy ra những cuộc như thế. Nhưng lúc bấy giờ tôi không biết quy mô nó lớn đến vậy, chỉ biết là có những cuộc thảm sát nhưng tôi nghĩ nó chỉ xảy ra ít thôi... chứ tôi không nghĩ về sau này người ta nói tới hàng nghìn... trước các cuộc tấn công đã có lệnh 'cấm đánh đập và đối xử xấu' với tù nhân và những gì xảy ra không phải là mệnh lệnh từ 'trên xuống' mà là sự 'tự động' ở bên dưới.

 

"Khi quân Mỹ đổ bộ lại từ Phủ Bài trở ra để lấy lại Huế thì anh em họ trói, di chuyển đi hàng mấy trăm tới hàng nghìn người. Do vướng chân, mệt, rồi bị pháo bắn ở ngoài biển vào dữ dội cho nên phần lớn do tự động các chỉ huy trung đội tới trung đoàn đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết... sở dĩ họ phải làm như vậy là để tuân theo lệnh 'không được để tù binh trốn thoát' nhằm giữ bí mật. Theo tôi biết thì không có mệnh lệnh cấp trên là tiêu diệt và giết tù binh."

 

Quân Mỹ bèn phản công đánh trả ngay, một cuộc phản công khá gay go vì cộng quân len lỏi lẩn trốn trong thành nội, nhà cửa đông đúc. Thủy quân lục chiến Huê Kỳ phải mất 26 ngày mới tiêu diệt được và đánh bật quân cộng sản ra ngoài. Nhưng điều gây nhiều xúc động nhứt cho người Mỹ ở quê nhà là những trận đánh gay go như vậy lại diễn ra trước mắt họ, qua phóng sự truyền hình.

 

Nhà sử học Huê Kỳ, Victor Davis Hanson, trong quyển sách "Carnage et culture" (Bắn giết nhau và văn hóa), viết rằng:"Lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc tranh chấp, hàng triệu cha mẹ, anh chị em và bạn bè có thể nhìn thấy được cảnh các binh sĩ trong cuộc hỗn chiến." Bên Mỹ, nơi mà dân chúng đang sống trong cảnh thanh bình, những hình ảnh dữ tợn như vậy càng làm cho cuộc chiến mất bớt hậu thuẫn. Dẫu cho việc tái chiếm Huế là một chiến công quân sự ngoạn mục của Huê Kỳ, vì thu hồi lại một thành phố với cái giá là không tới 150 chiến sĩ hy sinh. Đối với cộng sản, cái mà họ gọi là "Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa" là một thảm bại quân sự, với gần 40.000 người thiệt mạng. Còn lực lượng Giải Phóng Miền Nam thì tan tành chẳng còn lại gì.

 

Thế nhưng, thắng lợi chiến thuật của Mỹ lại mở màn cho một cuộc rút lui chiến lược. Trước trận đánh "Tết Mậu Thân", Tổng Thống De Gaulle đã âm thầm đưa một phái viên đến Bắc Việt để thăm dò ý định hòa đàm của Hà Nội. Mật viên đó là một bác sĩ, giáo sư André Roussel. Đồng thời cũng có một phái viên khác đi miền Nam, theo tiết lộ của hồ sơ CIA, nhưng danh tính không được tiết lộ. De Gaulle hiểu rằng chánh phủ Mỹ không muốn lao vào một cuộc chiến toàn diện lâu dài và có thể thay đổi thế cờ về mặt chánh trị bằng cách mở hội đàm. Ngay từ năm 1966, qua lời tuyên bố Nam Vang, De Gaulle đã chỉ trích sự dấn thân của Mỷ ở Việt Nam. De Gaulle tỏ ra là một nhân vật nhìn xa thấy rộng vì hòa đàm đả mở ra tại Paris ngày 13 tháng Năm, ngày biểu tình trọng đại của sinh viên Pháp trong phong trào "Mai 1968".

 

Ngày 31 tháng 3 năm 1968, tổng thống Huê Kỳ, Lyndon B. Johnson, bất ngờ tuyên bố, trong một bài diễn văn, là sẽ mở hòa đàm, sẽ ngưng từng phần các cuộc oanh kích miền Bắc và sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Thế nhưng hồi năm 1968 cũng còn quá xa. Chiến tranh Việt Nam sẽ kéo dài bảy năm nữa để rồi kết thúc bằng một cuộc lừa đảo khác của cộng sản Việt Nam, mà cao điểm là ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày miền Nam rã ngũ tan hàng.

 

 

Cố Nhân

 

Bài viết mượn ý của:

1.- Bài báo "1968 dans le monde, le déclic – Vietnam, le choc du Tet", Jean Dominique Merchet, Libération, 01 février 2008.

[http://www.liberation.fr/actualite/monde/307402.FR.php]

 

2.- Bài báo "Le 13 mai, les pourparlers s'engagent à Paris", Pierre Journoud, Libération, 01 février 2008.

[http://www.liberation.fr/actualite/monde/307403.FR.php]

 

3.- Bài phỏng vấn "Mậu Thân 1968: Chuyển bại thành thắng", Bùi Tín, BBCVN ngày 24.1.2008, 23g55 CMT.

[http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/01/080121_tet_offensive.shtml]

 

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.