PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài cuối (15)

Âm mưu giải thể Việt Nam Cộng Hòa

 

  • Cổ Nhân | PSN - 27.04.2008
    Bài trước

Hai mươi bảy tháng sau ngày ký Hiệp Định Paris, ông Gerald Ford, Tổng Thống mới lên thay thế Nixon, bị bãi nhiệm vì vụ tai tiếng Watergate, viết cho ông Khurkrit Pramot, thủ tướng Thái Lan: "Tôi vô cùng quan tâm về chiến dịch quân sự hiện nay của Bắc Việt tiến đánh Việt Nam Cộng Hòa. Bây giờ, Bắc Việt đã lột bỏ mặt nạ giả vờ tôn trọng Hiệp Định Paris. Họ đưa các sư đoàn quân chủ lực công khai tiến chiếm Nam Việt Nam. Tôi xin bảo đảm với Thủ Tướng là Huê Kỳ vẫn quyết tâm cung cấp cho Nam Việt Nam phương tiện để chống cự lại. Chúng tôi nhứt định giúp đỡ bằng hữu của chúng tôi."

Ông Ford quyết định phái Tham Mưu Trương Lục Quân, Tướng Fred Weyand, đi Nam Việt Nam để lượng định tình hình và đề nghị hành động tương lai. Tướng Weyand quan sát chiến trường Nam Việt Nam từ 28 tháng Ba đến 4 tháng Tư năm 1975. Ông kết luận rằng "hiện tình quân sự hiện nay thật nguy ngập, và Nam Việt Nam có rất nhiều khả năng tồn tại dưới hình thức một đất nước bị cắt xén mấy tỉnh phía Nam." Tướng Weyand nghĩ rằng Huê Kỳ phải, bằng mọi cách, cung cấp vật liệu và thiết bị để Nam Việt Nam tái lập lại tiềm lực mà đối đầu với cuộc tấn công này. Tướng Weyand trình với Tổng Thống Ford: "Chúng ta tới Việt Nam trước tiên là để giúp đỡ nhân dân Nam Việt Nam – không phải để đánh bại Bắc Việt. Chúng ta đã ra tay giúp đỡ người Nam Việt Nam và họ đã nắm lấy. Giờ đây, họ cần đến bàn tay giúp đỡ đó hơn bao giờ hết."

Theo Tướng Weyand điều cần thiết hiện giờ là cấp ngay cho Nam Việt Nam 722 triệu đô la để cho họ có được thế phòng ngự tối thiểu mà đương đầu lại hành động xâm lược này. "Chi viện thêm của Huê Kỳ nằm trong tinh thần lẫn ý định của Hiệp Định Paris, một hiệp định vẫn còn là khuôn khổ thực tế cho một giải pháp ôn hòa ở Việt Nam." Ông Weyand kết thúc tờ trình với lời lẽ: "Uy tín của Huê Kỳ, như là một đồng minh, đang được đánh giá ở Việt Nam. Muốn giữ vẹn uy tín đó, chúng ta phải nỗ lực tối đa để hậu thuẫn cho Việt Nam ngay trong lúc này."

Mười ngày sau, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Quân cộng sản đã tiến đến giai đoạn cuối cùng để dốc hết toàn lực tấn công. Thượng nghị sĩ James Eastland của tiểu bang Mississippi thắc mắc: "Trời ơi, tại sao chúng ta không đem bom ném xuống Bắc Việt?" Trong khi đa số các thượng nghị sĩ không còn quan tâm đến chuyện trợ giúp gì hết thì nói làm gì đến chuyện đem bom nguyên tử ném xuống Bắc Việt.

Mười một ngày sau, trong một nỗ lực cuối cùng để cứu viện, Kissinger ra trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện. Thượng Nghị Sĩ Sparkman hỏi "vậy chớ, theo Hiệp Định Paris, chúng ta có nghĩa vụ gì không." Kissinger cho biết: "Hiệp Định không có nghĩa vụ nhưng có thẩm quyền, đó là Điều 7. Tổng Thống Nixon và nhiều người khác cho rằng nếu Huê Kỳ tự tách mình ra khỏi Hiệp Định thì có thể chi viện và làm cho nó có hiệu lực. Theo tinh thần Hiệp Định thì chúng ta không có nghĩa vụ gì hết. Chúng ta đã nói với chánh phủ Nam Việt Nam là nếu họ để cho chúng ta rút quân lính ra khỏi Việt Nam thì Huê Kỳ được nhiều khả năng xin chi viện cho họ và tăng cường hiệu lực cho Hiệp Định. Chỉ trong tinh thần đó mà thôi, chớ không phải vì nghĩa vụ pháp định. Chúng tôi không bao giờ xác nhận đó là nghĩa vụ, cũng không khi nào cho đó là nghĩa vụ. Nhưng một số người trong chúng tôi nghĩ đó là nghĩa vụ tinh thần."

Ngày hôm sau, Kissinger họp với Tổng Thống Ford và trợ lý Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Brent Scowcroft tại Phòng làm việc của tổng thống. Thượng Viện đã dứt khoát sẽ không chuẩn thuận ngân sách cần thiết để cứu vãn Nam Việt Nam. Kissinger than rằng: "Chúng ta chẳng còn đồng ten nào hết. Nếu như chúng ta có thể bảo với Lê Đức Thọ là nếu quân cộng sản không tự chế, Mỹ sẽ đưa quân trở lại, thì hắn ta sẽ trừng mắt nhìn chúng ta, nhưng tôi không nghĩ là hắn ta sẽ chịu nhượng bộ. Kissinger sợ rằng một khi Thượng Viện bác bỏ khoản tiền chi viện thì thiên hạ có thể bắt đầu bêu riếu những người Mỹ nào muốn lấy lòng bọn cộng sản. Khối người sẽ trở cờ."

Ngày hôm sau, họp với toàn bộ nội các chánh phủ tại Bạch Ốc, Kissinger loan báo là "hiện giờ toàn bộ quân Bắc Việt đã ở miền Nam... Chỉ cần một lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ cũng chiếm được toàn bộ Bắc Việt. Thiệt là vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris một cách khủng khiếp."

Những tuần lễ đầu tiên của tháng Tư đó cũng có nhiều trường hợp đàng sau hậu trường chánh trị Sài Gòn để âm mưu lật đổ ông Thiệu. Những biến cố đó cho thấy rằng, chung cuộc lại, Nam Việt Nam phải đối đầu với hai kẻ thù là cộng sản và chánh phủ Huê Kỳ.

Ngày 2 tháng Tư 1975, trưởng cụm CIA ở Sài Gòn, Thomas Polgar, đánh điện cho tổng hành dinh CIA Hoa Thạnh Đốn đề nghị nên lật đổ Tổng Thống Thiệu, để dọn đường cho Tướng Dương Văn Minh lên nắm quyền. Như vậy để tạo điều kiện cho việc thành hình một chánh phủ liên hiệp và như vậy may ra ngăn được đà tiến của quân Bắc Việt. Polgar cố nài nỉ vì cho rằng có nghe trưởng đoàn Hung Gia Lợi trong Ủy Ban Giám Sát Hiệp Định Paris nói rằng nếu Tổng Thống Thiệu từ chức ngay tức khắc, thì Bắc Việt sẽ chịu điều đình.

Cũng cùng lúc đó, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng Thống đang "ngồi chơi xơi nước", bị ông Thiệu nghi là làm việc với CIA, tiếp xúc với Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên để làm một cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Thiệu. Tướng Viên làm gì cũng hỏi ý kiến Tướng Trần Thiện Khiêm, người đã từ chức thủ tướng sáu tháng trước đó. Ông Khiêm liền tham khảo ngay ý kiến của Tướng Timmes, một điệp viên lâu đời của CIA mà cũng là một nhơn vật được nhiều người trong giới chánh trị ở Nam Việt Nam biết tiếng và được cho là người chủ mưu nhiều cuộc đảo chánh. Ông Thiệu coi Tướng Timmes như là nghĩa phụ của Tướng Khiêm nên nghĩ rằng ông Khiêm sẽ ra tay nếu như CIA đồng ý. Polgar bực dọc vì diễn biến của tình hình và không muốn ba ông tướng Viên, Khiêm và Kỳ làm hỏng kế hoạch của mình nên khuyên Tướng Timmes nên dẹp mấy ông tướng kia đi. Ông Khiêm, dọ biết là CIA không muốn lật ông Thiệu và bản thân ông cũng muốn lấy lòng Tổng Thống Thiệu, nên báo cho ông Thiệu biết âm mưu ý đồ của Tướng Kỳ. Khi nhắc lại chuyện xưa, Hoàng Đức Nhã kêu lên "Ối giời ơi, những kẻ cắp mà nói chuyện danh dự!"

Khoảng thời gian từ 5 đến 19 tháng Tư, biến chuyển dồn dập giữa sứ quán Huê Kỳ ở Sài Gòn và thủ đô Hoa Thạnh Đốn. Tên trùm CIA/Sài Gòn, Polgar cố gắng thuyết phục ông Đại Sứ Graham Martin phải lật đổ ông Thiệu mới cứu vãn được Nam Việt Nam. Ông Đại Sứ đánh điện báo Kissinger đề nghị đó. Lúc bấy giờ, một nhà báo người Úc cho Hoàng Đức Nhã hay tin âm mưu đảo chánh của CIA và mấy ông tướng. Ông Jean Marie Merillon, Đại Sứ Pháp tại Sài Gòn, mời Hoàng Đức Nhã dùng bữa và thăm dò Nhã về chuyện tham dự vào cái gọi là "Lực Lượng Thứ Ba" và tham gia chánh phủ liên hiệp đang dự định thành lập. Ông Đại Sứ Pháp cho Nhã biết là ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp được Bắc Việt cho tin là nếu Tổng Thống Thiệu không còn ở chức vụ đó nữa thì cộng sản sẽ tán thành chánh phủ liên hiệp. Đại Sứ Merillon cũng cho Nhã biết là ông đã thông báo cho Đại Sứ Martin. Nhã hoài nghi và nói với Merillon: "Ông bạn ơi, đã đến nước này mà Pháp còn chơi trò chánh trị sức ép nữa à. Ông mà cũng tin là cộng sản để cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng có tiếng nói của họ thì quá ngây thơ. Họ cóc cần dàn xếp qua thương thảo mà chỉ muốn đánh cho Nam Việt Nam tan tác." Sau cùng, Nhã cho ông Đại Sứ Merillon biết rằng sẽ không bao giờ hợp tác với "Lực Lượng Thứ Ba".

Trong lúc chờ đợi, sau khi được Martin đề nghị nên lật đổ ông Thiệu, Kissinger bảo ông Martin chớ nên hấp tấp vì Kissinger muốn tham khảo với ông Dobrynin, đại sứ Liên Xô. Ngày 19.4.1975, Đại Sứ Martin vào dinh Độc Lập gặp ông Tổng Thống và khuyên ông Thiệu nên từ chức và Huê Kỳ cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho ông Thiệu. Đại Sứ Martin tiếp tục cho ông Thiệu biết rằng nếu ông từ chức thì, chiếu theo Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, Phó Tổng Thống Hương sẽ thay thế, rồi ông Hương sẽ từ chức ngay, nhường chỗ cho Chủ Tịch Thượng Viện là ông Trần Văn Lắm sẽ làm tổng thống lâm thời, dọn đường cho một chánh phủ liên hiệp.

Đương nhiên là Đại Sứ Martin cũng cho Phó Tổng Thống Hương biết sự thể đó, nhưng ông Hương không chịu, như vậy kế hoạch đảo chánh của CIA phải gặp nguy to. Ngày 19 tháng Tư, Nhã đã đi Tân Gia Ba, được nguồn tin xác nhận tin đảo chánh ông Thiệu và được Huê Kỳ ủng hộ. Từ Tân Gia Ba, Nhã điện thoại cho ông Thiệu biết tin đó và hai người thảo luận để tìm giải pháp. Theo ông Nhã kể lại thì: "Cả hai chúng tôi đều biết là Huê Kỳ lại có một kế hoạch ngây thơ nữa, với hy vọng cuối cùng là cứu vớt cái gọi là Hiệp Định Hòa Bình, khi cộng sản đã vi phạm trắng trợn."

Như vậy là CIA khuyến khích hai tướng Viên và Khiêm đứng lên lật đổ ông Thiệu, và được dự tính là ngày 23 tháng Tư sẽ tiến hành. Ngày 21, ông Thiệu bất ngờ giết chết kế hoạch của các tướng lãnh và của Huê Kỳ. Ông lên đài truyền hình tuyên bố từ chức. Mỉa mai thay, sứ quán Huê Kỳ chỉ biết được ông Thiệu từ chức có vài giờ trước khi ông ấy tuyên bố cùng quốc dân đồng bào.

Ngày 17.4.1975, Đại Sứ Martin tiếp tục tìm phương cách để ngăn ngừa chuyện chẳng mấy tốt đẹp xảy ra ở Sài Gòn. Ông đại sứ yêu cầu Kissinger đứng ra bảo đảm để vay mượn Á Rạp Xê Út như là kiểu tư hữu hóa chánh sách ngoại giao. Ông Martin cho Kissinger hay rằng Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam đã hứa sẽ gởi hàng triệu vàng dự trữ cho Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang ở Nữu Ước. Nhưng ông Martin cũng cảnh báo là mọi việc có thể hỏng hết nếu như Hoa Thạnh Đốn để lộ một chút dấu hiệu hoang mang sợ hãi. Bức điện của Đại Sứ Martin viết: "Chỉ cần Huê Kỳ ra lịnh di tản là bạo động sẽ bùng nổ ra... Người ta sẽ đồng loạt cho là Mỹ nhẫn tâm phản bội, nếu chúng ta phó thác người Việt Nam cho định mạng của họ, với việc đưa lính thủy quân lục chiến vào bảo đảm an ninh để đưa người của mình đi." Bức điện kết thúc với đoạn ghi chú: "Tự tay tôi đánh máy lấy. Sẽ không được lưu trử bên này, ngoại trừ bên Hoa Thạnh Đốn."

Ngày hôm sau, ông Martin nhận được điện của Kissinger ra lịnh giảm nhân số của phái bộ xuống còn 1.100, với ý kiến: "Tôi biết quyết định này sẽ như là một quả đấm cho ông. Với tôi cũng vậy thôi. Tôi có thể bảo đảm với ông là khi đã đạt tới con số đó rồi, tôi sẽ không yêu cầu ông giảm xuống nữa, ngoại trừ cái ngày mà – lại trời đừng có ngày đó – ông được lịnh phải hoàn toàn đóng cửa phái bộ. 

Ông Đại Sứ hồi đáp điện văn của Kissinger với lời báo trước: "Chắc tôi sẽ lãnh đủ. Khi mọi việc đều xong xuôi, nhứt định tôi sẽ nặng tội hơn ông. Chuyện này xảy ra khoảng hai tuần lễ trước khi sứ quán phải di tản lần cuối cùng, và ông Đại Sứ đã kiệt quệ thể xác lẫn tinh thần. Ông ta cần tìm cách đưa hết người Mỹ và càng nhiều người Việt Nam sở tại, thân thích với Mỹ, càng tốt. Theo ông Martin thì: "Không đưa được những người đó đi sẽ là một hành động phản bội cuối cùng làm cho Huê Kỳ mất hết chút ít danh dự còn lại."

Ngày 25 tháng 4, Đại Sứ Martin đánh điện báo cho Kissinger biết là ông đã tìm được cách để đưa hai ông Thiệu và Khiêm ra khỏi nước một cách kín đáo. Hồi 21g20 ngày hôm đó, hai ông tướng đã lên chiếc máy bay C-118, rời Tân Sơn Nhứt đi Đài Loan. Tin đồn râm ran cho rằng ông Thiệu cũng đưa đi mười sáu tấn vàng của kho dự trữ Nam Việt Nam ra khỏi đất nước. Nhưng hai ngày sau, Martin báo cho Kissinger là vàng của Nam Việt Nam không có đi sang Nữu Ước. Những người giữ vàng không muốn để Mỹ chiếm giữ.

Ngày 28.4.1975, Tướng Dương Văn Minh gởi một bức thơ cho Đại Sứ Martin, yêu cầu ông này ra lịnh cho nhơn viên của DAO rời Việt Nam trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bắt đầu ngày 29.4.75, để cho vấn đề hòa bình ở Việt Nam được thực hiện sớm sủa.

Thế nhưng, ông Martin chưa muốn rời Việt Nam. Ông khẩn khoản yêu cầu Kissinger cho phép ông cùng với khoảng hai mươi người nữa trong ban tham mưu ở nán lại, ít ra một đôi ngày nữa để cho chuyện ra đi còn có chút tư cách và để thu dọn đàng hoàng tài sản còn bề bộn ở Sài Gòn. Vậy mà, trong một phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Giám Đốc CIA, William Colby cho biết rằng đề nghị ngưng bắn của Đại Tướng Minh đã bị bác bỏ. Một tình hình vô cùng nguy hiểm. Quả là Bắc Việt có ý định hạ nhục Huê Kỳ nên cứ để người Mỹ tiếp tục ở đó là không khôn ngoan.

Ngày 29.4.1975, Đại Sứ Martin được lịnh rời khỏi Sài Gòn và kiểm lại xem mọi người Mỹ đã đi hết chưa. Ông Đại Sứ nhứt quyết không thi hành lịnh, Kissinger giận tái người: "Chẳng có lý do gì cho người Mỹ cứ ở đó. Ông ấy đã được lịnh của Tổng Thống Huê Kỳ là phải rời khỏi nơi đó rồi mà... Cái ông trời đánh, thánh đâm này làm gì vậy không biết nữa?" 

Kúc 06g30 sáng (giờ Hoa Thạnh Đốn) ngày 29.4.1975, Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger tuyên bố công khai là Tổng Thống Ford đã ra lịnh hoàn toàn rút hết người Mỹ ra khỏi Việt Nam vào khoảng 11g00 đêm qua, theo đề nghị của ông Đại Sứ, và vì sân bay Tân Sơn Nhứt đã đóng cửa nên cần phải di tản bằng trực thăng.

Khi phát súng lịnh từ Hoa Thạnh Đốn đã nổ thì cuộc di tản của Mỹ được ồ ạt tiến hành. Bấy giờ mọi sinh hoạt "tháo chạy" đều tập trung ở tòa nhà đồ sộ, màu trắng, thường ngày nằm uy nghi trên đại lộ Thống Nhứt, cách dinh Độc Lập chẳng bao xa. Năm 1954, với Hiệp Định Genève 1954, "thực dân Pháp" đã tổ chức di cư, rút ra khỏi miền Bắc, tương đối còn có trật tự hơn. Ngày nay, với "chiến hữu" Mỹ thì mạnh ai nấy chạy! Người ta ngồi yên ấm ở Hoa Thạnh Đốn mà ra lịnh, mà quát tháo. Như Tướng George S. Brown, Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên quân thì cảnh cáo những người chịu trách nhiệm di tản ở Sài Gòn, "Tôi không muốn thấy người Mỹ đứng đó để chờ chuyến bay cuối cùng." Còn ngài tiến sĩ Kissinger thì đùng đùng nổi giận, đánh điện cho ông Đại Sứ đang bù đầu ở hiện trường: "Ông phải cấp thời sử dụng trực thăng vận mà đưa tất cả người Mỹ, tôi lập lại tất cả ngưòi Mỹ, ra khỏi Sài Gòn." Ngày ba mươi tháng Tư, người ta vẫn còn khôi hài niêm yết ở sân của sứ quán: "Xin tắt đèn trước khi ra khỏi đường hầm."

Với phương tiện viễn thông hiện đại và hàng đầu, mọi liên lạc vô tuyến từ địa điểm sôi động Sài Gòn đều bắt đầu trực tiếp với Hoa Thạnh Đốn và Hawaii (Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương), qua Trung Tâm Chỉ Huy và Kiểm Soát Trên Không của Chiến Trường. Những liên lạc cuối cùng cho biết tình hình thảm thương và tệ hại của chiến dịch di tản. Tường trình của người liên lạc từ một chiếc trực thăng CH-53 cho biết: "Tất cả những người Mỹ còn lại, lúc này, đều ở trên sân thượng sứ quán. Người Việt Nam đều ở dưới nhà. Người Nam Việt Nam đã tràn vào sứ quán, lục lọi tùm lum và khắp nơi... nhưng không thấy có hành vi thù địch. Cuối cùng và chót hết, vào lúc 07g51 sáng, giờ Sài Gòn, những quân nhơn TQLC bảo vệ an ninh cho sứ quán leo lên chiếc trực thăng của chuyến bay vĩnh biệt Sài Gòn để về đơn vị gốc. Liên lạc vô tuyến để hạ màn một thảm kịch Mỹ-Việt chỉ vỏn vẹn, ngắn gọn: "Tất cả người Mỹ đều ra đi, xin lập lại đã ra đi." Quân bộ chiến của Mỹ kéo vào trên bãi biển Đà Nẳng hồi 1965 thì hào hùng và rực rỡ, vậy mà khi rủ nhau kéo đi lại thật là ủ ê và thê lương!

Đó là chuyến ra về của người Mỹ tại Việt Nam, quả thật tất cả những người Mỹ đã ra đi. Thế nhưng, đâu đã hết trọn vẹn vì trên sân thượng sứ quán vẫn còn lại 420 người Việt đã có công lao với Mỹ trong suốt thời kỳ hợp tác Mỹ-Việt. Đã được hứa là "sẽ bốc đi", nhưng lúc bấy giờ, khi chiếc trực thăng cuối cùng chở những người lính "giả từ vũ khí" hút mất ở chưn trời thì trông mãi, trông hoài, hụt hơi dài cổ, đôi mắt chú chăm lục soát chân trời, thì chẳng thấy tăm dạng của chuyến bay nào trở lại hết. Chỉ là một chân trời tím và tím ngắt, lạnh lùng và hất hủi! Tuy rằng vài giờ trước đó, người ta đã được một người lính TQLC đầy tình ý bảo đảm là "sẽ không ai bị bỏ lại".

Vậy mà, như đã linh cảm điều tệ hại, nhiều bậc cha mẹ đã cài trên ngực áo của trẻ thơ những lời dặn dò là sang Mỹ con phải học để ra kỹ sư này nọ hay để trở thành bác sĩ nọ kia. Thế nhưng, người muốn mà trời đất quyết định, bỗng nhiên hoàn toàn im lặng vô tuyến. Không còn liên lạc được nữa, giữa những người phụ trách di tản ở mặt đất, ở ngoài khơi trên chiến hạm và ở Hawaii và Hoa Thạnh Đốn. Đại tá Harry G. Summers lên tiếng than: "Cuộc chiến Việt Nam đã thiệt tình chấm dứt. Hôm nay chẳng phải là một ngày để tự hào là người Huê Kỳ!"

Những chiếc trực thăng đã hứa, nhưng chẳng bao giờ trở lại nữa. Vì toàn thể người Mỹ đã ra về. Mặc kệ cho những ai khác. Trọn quyền và tự do chọn lựa phương tiện để ra đi, đường biển, đường bộ mà ngữ vựng sau này gọi là vượt biển, vượt biên, với danh nghĩa hào hùng của thời đại là "thuyền nhơn". Để kết thúc một tấn tuồng đầy nét bi kịch, từ tòa Bạch Ốc uy nghi, Tổng Thống Gerald Ford long trọng tuyên bố: "Chuyện di tản đã hoàn tất... Hành động này khép lại một chương trong quá trình hành động của Huê Kỳ."

Tòa nhà sáu từng của sứ quán Huê Kỳ trên đại lộ Thống Nhứt bị bỏ lại nằm trơ với đám đông những người hôi của, lục lạo khắp nơi, món nào cầm được thì cứ lấy, của đâu của bỏ, trong tinh thần "nhơn dân làm chủ", với ý hướng chủ đạo, lấy của Mỹ chẳng phải là ăn cắp. Tòa nhà khang trang, lịch sự trước đó mấy ngày, giờ thì như cô gái ăn sương, sau hồi mưa gió tơi bời, hoa tàn, nhụy héo, chăn gối nhăn nheo... Giấy tờ vung vãi bừa bãi trắng đất, bàn tủ lăn chiêng, máy chữ méo mó, bẹp nát, vứt bỏ bên góc tường,...

Mười hai giờ mười ngày 30.4.1975, chiếc tăng lịch sử của Việt Cộng đã vượt qua cổng dinh Độc Lập, nhưng thiên hạ cũng không quên đạo diễn thành cảnh đụng sập cho có vẻ hào hùng, trong chiều hướng "đánh vào dinh lũy cuối cùng của Mỹ ngụy". Trong khi đó, toàn bộ thành phần chánh phủ của Đại Tướng-Tổng Thống Dương Văn Minh đã khăn áo chỉnh tề đợi "cách mạng" tới để bàn giao, dẫu cho những tên bộ đội từ núi rừng kéo vào nói là ông còn gì để bàn giao, tốt hơn là nên đầu hàng không điều kiện.

Một cuộc chiến đấu oai hùng và đầy ấp tang thương của quân dân Nam Việt Nam lại được những quan to, áo quần bảnh bao, cả Việt lẫn Mỹ kết thúc bằng một hồi cuối hết sức bi thảm. Với chiếc trực thăng Mỹ sau cùng lẳng lặng bay đi, mặc tình cho những ai kẹt lại, với lời nói cuối cùng của một ông Đại Tướng, hai lần cờ đã vào tay (1963 và 1975) mà không phất được, một Việt Nam Cộng Hòa đã âm thầm bị bóp chết mà chẳng một tờ khai tử.

Ấy vậy mà, trong phiên họp hội đồng nội các tại Bạch Ốc, trong một bầu không khí ảm đạm, ngài tiến sĩ lừng danh của thời Nixon, Henry Kissinger, vẫn còn nhận ra một điểm tích cực: "Chúng ta đã giữ được danh dự của mình vì đã đem đi được từ 42.00 đến 45.000 người Việt Nam."

Thế nhưng, Tướng Vernon Walters, sĩ quan tùy viên quân sự của sứ quán Mỹ ở Paris, người đã đích thân đưa đón Kissinger ra ngoại thành Paris để "đi đêm" với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy, lại không nghĩ như vậy. Mãi đến bây giờ, ông vẫn còn giữ cây cờ vàng ba sọc đỏ của Nam Việt Nam trong văn phòng. Được hỏi lý do, Tướng Walters nói rằng cây cờ bé nhỏ đó tượng trưng cho "việc làm chưa hoàn tất. Chúng ta đã bỏ rơi ba mươi chín triệu người phải chịu cảnh nô lệ đọa đày." Đó là di sản của cái gọi là "HÒA BÌNH TRONG DANH DỰ".

Danh dự của ai và cho ai đây?

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.