Tết này em không về

Lê
Thị Công Nhân |
Vào trại, chị không ngờ lại biết được tin em qua một nhóm bạn tù
vừa chuyển từ Hoả Lò về. Qua giọng nói, ngôn ngữ, chị cảm nhận
mọi người quý trọng em lắm, như một nữ anh hùng thời đại, một
cánh chim báo bão, dù bị đảng giương cung độc ác bắn gãy cánh
ngang trời mà cú rơi tự do từ tột đỉnh "thăng tiến" xuống nền
trại giam, mang đầy màu sắc... làm chị về phòng giam rồi mà cứ
thao thức mãi. Số phận vô tình gắn hai chị em mình thành một,
nên nỗi đau ngục tù số phận cũng chia đều. Ngoài đời chị ấm
lòng vì trong cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam có em ở
bên bao nhiêu thì trong tù lòng chị đau đớn bấy nhiêu.
Trại hoả lò nơi em ở, vốn khét tiếng vì sự độc ác, tối tăm, chật
chội và hắc ám, nơi nạn bạo hành, trấn cướp vẫn diễn ra hàng
ngày, nơi người với người tranh giành nhau từng miếng ăn, chỗ ở,
chỉ vì nạn ...đất chật người đông, kỷ cương pháp luật buông thả
nên mỗi năm ba ngành toà án, công an, viện kiểm soát
phải đảm bảo chỉ tiêu 6000 người "nhập khẩu", vì vậy mỗi
người chỉ được vẻn vẹn 60 cm để nằm trong một không gian chật
chội 40 người một phòng 30 m2, tha hồ chen chúc
giữa cái nắng như nung của bầu trời nhiệt đới, cái lạnh cắt da
cắt thịt của mùa đông trong lao hun hút gió lùa. Lúc là
chảo rang người khổng lồ, khét lẹt mồ hôi, lúc là nhà
đá lạnh lẽo bẩn thỉu, ẩm ướt, tối tăm, nơi ghẻ lở hắc lào
là chuyện không có gì phải làm ầm ĩ (mỗi người, mỗi ngày chỉ
được chia một chậu nước để tắm rửa, vệ sinh) cũng là nơi ốm
đau không được chăm sóc. Sự sỉ nhục, đánh đập của cán bộ quản
giáo đối với tù nhân xảy ra như cơm bữa. Nơi yêu thương, đầm ấm,
bao bọc, sẻ chia bị tước đoạt không thương tiếc, nhường chỗ cho
nạn sùng tín trung cổ: Hằn gắt, dối lừa, sỉ nhục và thú tính
phát triển vượt bậc... Một viên ngọc toả sáng giữa đời thường
như em, giờ bị rơi vào bùn lầy nước đọng phải hoà trộn với
bao sỏi đá. Một người vốn sinh ra là để hưởng tự do, an
nhàn, phú quý, nền văn minh nhân loại thấm đẫm từ đầu đến
chân, nay rơi vào chốn ô trọc, nhơ nhớp, tận cùng của sự mất vệ
sinh, ô nhiễm. Một người sống trong sách vở, kính chúa yêu nước
thương người, nay sống trong tăm tối, người với người sống để...
hành hạ, sỉ nhục, trấn áp nhau. Một người không bao giờ tham gia
vào các trò chơi mất phẩm giá như em, nay vì tình thế trớ trêu,
cả bè lũ chó má nhảy lên bàn độc phán xét bắt bớ mà rơi vào giữa
bọn lừa đảo, trộm cắp, ma tuý, tú bà, sở khanh,
thật là xót xa đau đớn qúa Nhân ơi . ..
Cả hai lần em bị xử, dù đang bị biệt giam, không hề biết tin tức
gì (ngoài những tờ báo lá cải của đảng bôi nhọ em), nhưng chị
thừa biết tính chất phi luân của luật pháp Việt Nam, một thứ
luật vô nhân, vô đạo, vô văn hoá. Là trí thức được học hành
hiểu biết, ai cũng rõ ở bất cứ xã hội nào, trong bất kỳ thể chế
nào luật pháp cũng phải dựa trên nền tảng là đạo đức xã hội. Nói
cách khác, đạo đức chính là nguồn sống của pháp luật. Nếu vì bất
cứ lý do nào, nguồn sống này mất đi thì luật pháp thực sự hết
đất sống. Xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng ngày càng hoàn thiện sự
suy đồi nên mới bắt một người trong sáng, thánh thiện như em vào
tù, buộc cho em đủ thứ tội mà em không hề có. Bỏ mặc em quằn
quại vật vã, trong những ngày tuyệt thực, đau ốm, đi không
vững, người choáng váng. Xúi bẩy những người cùng phòng
khích bác, hạ nhục, bêu xấu em, chuyển trại em không hề
thông báo cho gia đình biết để chăm sóc khi em đang 3 phần
sống, 7 phần chết (vì tuyệt thực 1 tuần liền) trên chiếc xe
tù bít kín, trên chặng đường 225 km, xóc nảy người, thiếu
không khí khiến em ngất xỉu trong thùng xe, chưa đủ còn ra
lệnh kỷ luật em khi em chia xẻ chiếc chăn của nhà cho người bạn
tù tại nơi ở mới, cố tình không cho em gặp mẹ khi mẹ từ Hà Nội
xuống thăm v.v… và v.v… Bao nhiêu đau khổ của trần gian trút
xuống thân hình mảnh mai bé nhỏ của em mà em vẫn không chùn
bước. Trước 3 cai tù canh giữ, em vẫn lớn tiếng tố cáo tính chất
độc ác và giả dối của trại với mẹ.... Người đàn bà
hết lòng vì con, người xác định sẽ theo em đến cùng cả trong
cuộc đấu tranh không khoan nhượng với đảng cộng sản cũng như
trong thời gian em ở tù. Dù đường dài, chân mỏi, mắt hoa, không
ít lần sa chân, ngã nhào vì tuổi già, vì cực nhọc... song sức
mạnh của tình mẫu tử, của lòng tự hào luôn chiến thắng, mẹ lại
một lòng một dạ vùng lên, đòi hỏi quyền lợi, tiếp tế cho em,
cũng là nhận về sự xẻ chia của những người bà con, đồng bào từ
Hải ngoại vào trại cho em... một sự vùng lên không ngừng của
tình mẫu tử Việt Nam em ạ.
Tết này bà con hải ngoại nhắc em nhiều lắm,
người con gái mảnh mai mà tâm hồn tràn đầy khí phách. Một hình
bóng giai nhân mà cuộc đời bị giam trong ngục tối, một bóng dáng
nữ lưu trác Việt, sinh ra giữa lòng cộng sản mà lòng đầy nhân
nghĩa, yêu thương, một phẩm chất anh hùng thời đại, dám xả thân
vì đại nghĩa mà tiếc thay cuộc đời do đảng cầm quyền lại đầy cạm
bẫy, đau thương.
Năm ngoái bằng giờ này, ngày 2 tết em xuống Hải Phòng thăm
những nhà dân chủ gồm Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Xuân Nghĩa, bác Vũ
Cao Quận... Tất cả giang tay đón tiếp em, như lòng biển bao la
đón con sóng vào lòng... Năm nay, vắng bóng em thật rồi, mọi
người tha hồ nhắc tới em, ôn lại kỷ niệm ngọt ngào mà sâu lắng
này, lòng đầy chua cay, đau xót.
Tất nhiên người thương em nhiều nhất vẫn là mẹ, thân thể em do
mẹ phân thân xẻ thịt mà thành, bao nhiêu năm thắt lưng buộc
bụng, để nuôi em khôn lớn ... Giữa thời đảng trị, "bao nhiều,
cấp ít". Gạo vừa 13 ký, suốt tháng cháo thừa, cơm thiếu,
quanh năm no cậy nước. Vải tròn 4000 phân, suốt ngày quần
thiếu, khố thừa, suốt đời ấm nhờ da... Bao nhiêu hy vọng mẹ
đặt nơi em, và em như lắng nghe tiếng lòng của mẹ, nhìn sâu vào
ánh mắt mẹ mà học hành giỏi giang, tấn tới, hiểu rõ về luật, lại
giỏi ngoại ngữ... Lẽ ra, ở một xã hội dân chủ tự do, nơi tri
thức được đặt lên hàng đầu, người như em phải được đề cao trọng
vọng. Tiếc thay, trong lòng xã hội chủ nghĩa việt nam, đảng
luôn trừng trị những gì đi qúa giới hạn của đảng, đó là sự
thông minh, hiểu biết, lòng can đảm, xẻ chia với dân nghèo, sự
phê phán những việc làm thấp hèn, sai trái, sự
độc đoán chuyên quyền của đảng cũng như của những kẻ cúi
đầu làm theo mệnh lệnh sai trái của lãnh đạo đảng, chỉ vì đồng
lương tháng, vì cấp bậc trên ve áo, vì nồi cơm của vợ con v.v…
Chỉ vì gan to bằng trái núi, dám vượt qua giới hạn của đảng mà
cả em và chị, đều là nạn nhân của sự trừng phạt này. Thay vì tư
duy bầy đàn, vì ăn theo nói leo những tư tưởng mù loà sai trái
của đảng thì em mở lớp học về nhân quyền tại việt nam, hy vọng
sẽ biến việt nam từ xứ sở cằn cỗi tự do (như mưa bóng mây, như
bụi gai cằn) thành khái niệm tự nhiên, rộng khắp như hơi thở,
khí trời như biển hiệu, bến đỗ trong các nhà ga, trường học v.v…
Vì đi qúa giới hạn của đảng mà chị em mình đã bị đảng ra tay
trừng trị, giam vào ngục tối, nhằm thiến hết nhân cách phẩm giá
làm người.
Nhớ lại ngày 11-5 ở trong tù, nghe tin hai em bị xử, dù không
được phép sử dụng giấy bút, chị đã làm thơ, vừa để nhắn nhủ
em, cũng là tự nhủ với lòng mình:
Nhân, Đài ơi có chị ở bên
Ba chúng ta sánh vai cùng đạo lý
Ba gương mặt bình thường như lẽ phải
Sinh ra để xoá bỏ độc tài.
Cố tình bắt em, đảng cộng sản đã vập phải bức tường của
lòng nhân ái, căm phẫn cao độ. Hàng trăm cuộc biểu tình lớn
nhỏ phía bên kia bờ đại dương vọng về, hàng triệu khối óc
cùng tập trung công sức, trí tuệ để kêu gào, kiến nghị với thủ
tướng, dân biểu của nước sở tại, đòi nhà cầm quyền Hà
Nội phải thả em vô điều kiện. Hàng triệu tấm lòng nhân ái, yêu
thương, ngày đêm lặng lẽ dõi theo bóng dáng bé nhỏ của em nơi
trại tù xa lắc giữa gió lào cát trắng, nghiệt ngã, hoang vu.
Hàng nghìn bàn tay tình nguyện chìa ra bồi lấp cho nỗi khổ thẳm
sâu trong lòng em, lòng mẹ vợi bớt nguôi ngao. Bao nhiêu cuộc
điều trần phía bộ ngoại giao, bộ công an cũng không thể nào xoá
bỏ được việc làm bất nhẫn này. Cả thể chế tàn bạo của đảng gồm
nhà tù, trại giam với bao nhiêu cực hình phải dùng để đối phó
với khí phách hiên ngang của chị em mình, hai con người tiêu
biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt nam đội đá vá trời, khai sơn
phá thạch, đi trên con đường lớn ... chứng tỏ sự hèn hạ, kém
cỏi, bất lực của đảng, cho dù sớm hay muộn thì thế thua của
đảng cũng là điều tất yếu. Đảng không thể độc tài,
độc tôn, muôn năm mãi được.
Tết này em không về,
cả nhà mình mất tết, cả cộng đồng hải ngoại đón tết kém vui,
ngôi nhà dân chủ việt nam mãi không nguôi ngoai nỗi đớn đau xa
cách này, mẹ ngày ngày lặng khóc vì thương nhớ, đúng như cái tên
của mẹ, cũng là những lời thơ chị viết : Không có em, cả nhà
đầy nước mắt.
Thuốc đắng cạn liều càng thấy đắng, đường xa dân chủ đắng cay
nhiều, Hãy vững tin ở tương lai em nhé, con đường mà chị em mình
lựa chọn còn đầy chông gai, bão tố, nhưng cái gì phải đến sẽ
đến. Để xứng đáng với chiếc ghế của hội đồng bảo an không thường
trực, để có chỗ đứng trong hàng rào mậu dịch WTO, đảng buộc phải
nhìn nhận lại và âm thầm sửa sai những sai lầm chết người,
trong đó có việc phóng thích em ra khỏi trại tù em ạ. Nếu không
có gì thay đổi, theo suy đoán chủ quan của chị và những người
bạn tù vừa chuyển từ Hoả lò về B14 cùng chị, chỉ Tết 2009 em sẽ
về đoàn tụ cùng mẹ và cộng đồng. Cố gắng lên Nhân ơi. Nhất
định Tết sau em phải trở về.
Hang đá 2 tết 2008.
Trần Khải Thanh Thủy
|