PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Xã hội


Sài gòn bất khuất

 

  • PSN 3.03.2008 - Cố Nhân

Tháng Tư, trời đất vào xuân, nhưng ngày cuối tháng Tư năm bảy mươi lăm đó, người dân Sài Gòn còn tâm trí đâu nữa mà ngẩn lên nhìn trời, để đếm những áng mây chì nặng trĩu của mùa nực dông. Họa hoằn lắm mới được một cơn mua, như để rửa sạch tội lỗi mà thiên hạ lại lấm tấm mồ hôi vì đang lên cơn sợ hãi. Thành phố nơm nớp lo sợ phải tiếp đón "kẻ xa lạ phương Bắc", như chừng "hòn ngọc Viễn Đông" đang âu lo phải lọt vào tay thô bạo của lũ cướp ngày.

Vừa mới đây thôi, một trong những chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng đã rời khỏi sân thượng của tòa đại sứ Huê Kỳ, nằm không xa nhà thờ chánh tòa của thành phố bao nhiêu và cách Dinh Độc Lập chừng vài ba khu phố. Trên chiếc trực thăng đó, ông Đại Sứ Graham Martin – ông đại sứ cuối cùng của Mỹ bên cạnh Việt Nam Cộng Hòa - ốm đau và kiệt sức, nhìn đăm đắm mà lơ đãng, một cách không hồn qua khung cửa kiếng, một cái nhìn cuối cùng xuống thành phố mà định mạng đang bấp bênh. Một cái nhìn câm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa, chăm chú xuống mảnh đất bầm giập với bao nhiêu năm khói lửa binh đao. Một cuộc chiến tranh trời đánh thánh vật! Cũng như bao nhiêu con người của miền Nam khác lúc bấy giờ, chắc là ông đại sứ cũng tự trách mình "lẽ nào để lại tất cả cho cộng sản"?

Ở ngoại ô Sài Gòn, miệt Gia Định, sư đoàn 324 Bắc Việt tiến vào từng nhóm nhỏ, không bị đối kháng mà cũng chẳng có reo hò chào mừng, dẫu cho họ nói rằng "tổng khởi nghĩa". Phía phi trường Tân Sơn Nhứt, còn nghe đại bác nổ, nhưng tiếng súng im lần khi bộ đội tiến đến gần những trung tâm đầu não của thành phố to lớn nhứt miền Nam. Đến 12 giờ 15 thì tất cả đều chấm dứt. Cờ Mặt Trận Giải Phóng đã được kéo lên bên trên Dinh Độc Lập, trong khi đó bộ đội "Bác Hồ" tiếp nhận sự đầu hàng của "Minh cồ", vị tổng thống vừa nhậm chức ba ngày qua.

Tin đồn tắm máu, làm cho nhiều người lo sợ trước đó, đã không xảy ra. Thế nhưng, sau ba mươi năm chinh chiến, kẻ chiến thắng không thấy nói chuyện hòa hợp hòa giải. Hà Nội nghiêm nghị khắt khe bắt đầu trả đũa. Sài Gòn quyến rủ, phóng túng và toan tính, rồi đây sẽ bị thanh lọc, trừng phạt vì những sự hỗn độn và phải học tập chủ nghĩa xã hội khoa học. Thậm chí người ta còn đặt tên khác cho nó, thành phố Hồ Chí Minh! 

Người ta bắt đầu đưa mọi thứ vào khuôn khổ. Những khẩu hiệu cách mạng xuất hiện trên những bức tường thành phố và đâu đâu cũng có hình ảnh "Bác Hồ". Khách sạn đều bị đổi tên, Continental cố cựu, được nhiều thế hệ ký giả và văn gia mến mộ - nơi mà Graham Green sáng tác ra quyển "Un Américain Bien Tranquille" (Một Người Mỹ Thật Trầm Lặng) – trở thành Đồng Khởi, nhà hàng Caravelle, mà quày rượu được bộ tham mưu của tướng Westmoreland thường chiếm lấy, từ nay tên là Độc Lập. Hồi năm 1968, sau trận đánh Tết Mậu Thân, trên sân thượng của khách sạn này, người thực thi chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon, tướng Creighton Abrams, đã than thở rằng:"Lẽ nào mình bỏ những thứ này lại cho cộng sản!"

Hai mươi bảy năm sau, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, Robert McNamara, không còn giữ im lặng được nữa, đưa ra lời tự phê nghiêm khắc, cho rằng cuộc chiến tranh làm thiệt mạng 58.000 người Mỹ là một "sai lầm khủng khiếp". Bốn trăm ngàn quân nhơn, công chức, bác sĩ, luật sư, nhà báo, giáo sư, đã từng phục vụ chế độ đã tiêu ma, bị đưa đi các trại cải tạo, để gọi là "học tập để trở nên con người mới xã hội chủ nghĩa".

Đối với Hà Nội, những người Sài Gòn đều bị coi như là những "cộng tác viên xưa cũ, mang dấu ấn của chủ nghĩa đế quốc." Dẫu sao đi nữa thì đức tính đầu tiên của người công dân dưới chế độ mới của cộng sản không cần phải hữu hiệu mà trước tiên phải đi theo đường hướng cách mạng. Cũng được đi. Sài Gòn, thành phố ương bướng đành phải khom lưng, cúi đầu. Những người cầm quyền mới của thành phố là những chàng bộ đội trẻ măng, những người lính chiến non choẹt, dáng điệu cứng đờ trong bộ quân phục rộng thênh thang, xen lẫn với những người trẻ tóc tai để dài, mặc quần ống chưn voi và áo sơ mi bó sát người, theo thời trang lúc đó. Hai thế giới sinh sống bên cạnh nhau, rình rập dòm ngó nhau mà chẳng bên nào nói với bên nào. Còn có những cán bộ, dễ nhận ra qua dáng đi tướng đứng hơi vụng về và, đặc biệt nhứt là ở bộ sưu tập bút máy giắt ngay hàng thẳng lối trên túi áo sơ-mi. Họ rất đông người và dễ nể.

Đâu đó đều trật tự. Cấm không được ngỏ lời với người nước ngoài, dù cho với những người Liên Xô, lan tràn ở phía Nam để giúp đỡ các đồng chí từ Bắc vào. Cấm không được có chút lời phê phán gì đối với những "lựa chọn đúng đắn và rộng lượng" của những giới chức cầm quyền mới. Vã lại, tất cả các báo chí miền Nam đều bị đóng cửa và những xí nghiệp đều được quốc hữu hóa. Dẫu cho đều đặn và máy móc, người ta cũng không xóa được tinh thần đối kháng thụ động. Vì người ta có trăm phương ngàn kế để làm cho thành phố tiếp tục mang một mặt nạ mập mờ, như một đô thị chịu bó mình vào quy luật tập thể, nhưng trên thực chất vẫn trung thành với quá khứ tháo vát lâu đời. Cứ nhì nhà nhì nhằng, cà rịch cà tang mà thành phố lây lất qua ngày đoạn tháng thôi.

Trong khi những hộp đêm và nhiều nhà hàng phải đóng cửa - và một vài tiệm buôn bán hàng hóa nhập cảng cũng vậy - trong khi những hãng xưởng bị cho là thừa thãi phải tan biến đi, thì những sinh hoạt khác lại mọc lên. Chẳng hạn như các quán cà phê lại nổi lên như nấm để cho thanh thiếu niên, ăn không ngồi rồi, nghe nhạc "rock", với những ca khúc mang hơi hướng thời thượng, đại khái như "Có một ngày ta giương buồm lên để đi xa thật xa mà chẳng bao giờ trở lại...".

Đầu trên đường Tự Do (sau này là Đồng Khởi), bà Suzanne Đại biến căn nhà của bà - trước "giải phóng" là một văn phòng luật sư sang trọng – thành một nhà hàng tư nhơn. Trong một khung cảnh chọn lọc, trang nhã, đôi khi khách ngồi ăn món gà nấu đậu giữa những tủ sách luật Dalloz và những đồ sứ Huế. Một bối cảnh làm cho người ta hoàn toàn liên tưởng đến dĩ vãng của người chủ quán ăn. Biết ý khách hàng, bà chủ - một phó chủ tịch thượng viện thời Tổng Thống Thiệu - chống chế trả lời:"Có lẽ hơi quá đáng." Vì Hà Nội, với một bề ngoài cách mạng chắc dễ gì buông tha. Chẳng hạn như nhơn một kỳ đại hội đảng, hay qua một bài xã luận trên báo "Nhân Dân", hoặc phản ứng lại một bài nói của tổng bí thơ, thủ đô cũ của Nam Việt Nam tỏ ra bực dọc khó chịu, thì Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh ra tay siết chặt ngay. Thế là, những chiếc ghế nhỏ, mấy cái bàn con nằm trên lề đường trước những quán cà phê phải dẹp ngay vào bên trong. Để cho những khách hàng rảnh rỗi bớt la cà đấu láo, "chính chị, chính em".

Tối đến, chẳng cần chờ đến giờ cấm lửa, giới nghiêm - thường là vào nửa đêm – khá nhiều ngọn đèn đã được tắt đi. Đấy là lúc mà Sài Gòn thao thức, le que trong bóng đêm... Thế là, như chừng đôi mắt cú vọ của guồng máy không còn soi mói được qua bóng tối, những người Sài Gòn bắt đầu giao dịch linh tinh. Chỉ một số nào thôi. Bực tức vì vô số kiểm tra chánh trị, dồn ép người ta vào cảnh khốn cùng, ngẫm nghĩ lại những luyến tiếc xưa cũ,... hàng trăm ngàn người đã tìm cách trốn nhà, bỏ nước ra đi. Bằng mọi giá, chết cũng cứ đi.

Trong Chợ Lớn, thảm cảnh còn nặng hơn. Quả thật, chế độ cộng sản tìm mọi cách để phá tan cái cộng đồng người Hoa đó. Họ đã rượt đuổi, đánh phá những chành gạo tích lũy từ bao mùa lúa đã qua. Chế độ đã giải tán những hiệp hội người Hoa, những tư sản mại bản bí mật, đã từng khống chế nền kinh tế thành phố.

Trên những chiếc thuyền mong manh, trên những chiếc ghe máy khốn nạn, cả gia đình bồng bế nhau tự ý đi đày, đem cuộc đời mình ra đánh cuộc với số mạng. Vì đâu phải họ chỉ đương đầu với một nguy cơ, vì dẫu có thoát được mạng lưới công an tuần duyên, họ còn gặp những hiểm họa khác, nào là đắm tàu, nào là cướp biển, nào là hãm hiếp rừng rú dã man, trên một vùng biển Đông bao la. Họa hoằn lắm những con người khổ hạnh của trùng dương biển cả kia mới trôi giạt vào một trong những trại tỵ nạn được hối hả dựng lên cùng khắp Đông Nam Á. Một thảm họa vô bờ bến, không sao kể xiết! Cộng đồng thế giới có xôn xao, có đắn đo lo sợ, có xót thương cảm kích, có lên án thái độ vô nhơn, thì cũng hoài công vì Hà Nội cứ trơ như đá, vững như đồng với con tim đỏ màu cộng sản!

Chuyện thuyền nhơn hẵng để đó, nhà cầm quyền cộng sản lo sợ nhiều hơn với những chuyện rộn ràng binh đao ở miệt biên giới phía Bắc và phía Nam. Trung Quốc nhắc nhở rằng mỗi hành động ảnh hưởng đến cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn là một đòn đánh vào Trung Quốc và hăm dọa sẽ cho Việt Nam một "bài học nghiêm khắc". Hồi sau của chuyện này, ai ai cũng biết, là Trung Quốc xua quân qua Việt Nam vài ba cây số trên đường cái quan để rồi phải rút về một cách thảm bại năm ba ngày sau đó. Nhưng, chính ở bên "Cam-Bu-Chia" mới bắt đầu xảy ra những chuyện nghiêm trọng hơn. Được Bắc Kinh khuyến khích, quân Khmer Đỏ thăm dò thử hệ thống phòng thủ Việt Nam bằng cách cho vài toán quân ít người đột nhập qua bên kia biên giới. Hà Nội tìm cách đối thoại, nhưng hoài công.

Tháng Giêng năm 1979, lực lượng võ trang Việt Nam tràn qua vương quốc Khmer cũ, đánh chiếm Nam Vang và đẩy quân Pol Pot đến tận biên giới Thái Lan. Trên bình diện quân sự mà nói thì đó là một chiến thắng vẻ vang. Như vậy, nỗi thống khổ của nhân dân Cam Bốt đã chấm dứt, thế nhưng chuyện xâm chiếm đất đai của thiên hạ thì dựa vào lý do nào đây? Trước hết, duy trì một đạo quân viễn chinh sẽ tốn kém vô cùng. Thật là tốn kém. Kế đó, Việt Nam tiếp tục lún sâu vào một thế cô lập thảm thương, trong khi "người anh cả" Liên Xô - với mức hợp tác kinh tế then chốt cho Việt Nam - bắt đầu dang xa nước đàn em tốn kém và phiền phức. Tóm lại, sau khi nuốt trửng Sài Gòn, Hà Nội gặp quá nhiều khó khăn để quản lý cái gọi là "Thành Phố Hồ Chí Minh".

Gần ba mươi phần trăm gia đình người Sài Gòn sống lây lất qua ngày nhờ ở những gói quà tình thương của người Việt hải ngoại gởi về. Làm sao mà chế ngự được thành phố, làm thế nào đưa dân chúng vào khuôn phép, một thứ dân chúng cứ tìm cách để phỉnh phờ những nhà cai trị mới? Lề đường đông nghẹt những người buôn gánh, bán bưng, những cô gái "đá lông nheo" như bất cứ những nơi nào khác, những gã "cao bồi" chừng hai mươi tuổi đời lượn qua lượn lại trên lòng đường bằng những chiếc Honda "cáu cạnh", bóng láng, những đứa trẻ tủm tỉm cười ruồi khi thấy bộ đội đi qua, một cách chống đối ngấm ngầm thường xuyên. Thành phố lại câu kết với những "ma quỷ" xa xưa. Thế nhưng, thành phố có sống thoải mái hơn không? Phải đợi đến Đại Hội VI vào năm 1986, cuối cùng thành phố Hồ Chí Minh mới vượt thoát được cái uể oải, đờ đẫn, trầm trầm, đâu chẳng ra đâu. Sau những phiên tranh luận sóng gió, cuối cùng Bộ Chánh Trị mới sáng mắt ra, để thấy rằng đất nước phải cam chịu khắt khổ, chấp nhận thiếu thốn để làm gì, như một hoang đảo nghèo đói giữa một đại dương sung túc và trù phú. Thế là ta chủ trương "đổi mới", chớ chơi hoài mửng cũ, sớm muộn gì cũng tiêu ma. Nên chi, bộ áo giáp cộng sản chủ nghĩa vì vậy cũng rạn nứt theo, mà nhìn nhận phần nào chuyện tư hữu. Chỉ là bước đầu.

Trong nền kinh tế phức tạp, nhạy cảm và mong manh châu Á, người ta bắt đầu rụt rè nhìn thấy những kết quả đầu tiên. Với ba mươi phần trăm gia đình người Sài Gòn sinh sống được nhờ những bưu kiện nước ngoài do "Việt kiều" gởi về, một số hàng hóa đã lọt ra ngoài để hình thành một thứ chợ đen khổng lồ và từ đó là một nền kinh tế song hành. Nhưng phải đợi đến năm 1981, nhờ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và nhờ ký kết hiệp định hòa bình ở Paris với Cam Bốt mà thành phố Hồ Chí Minh mới bước vào một đà tiến triển mới. Luật đầu tư đã mở cửa thành phố, đón mời những nhà kinh doanh và những tư bản ngoại quốc. Những người Hoa của Hương Cảng, Tân Gia Ba, Đài Loan, Mã Lai Á đã lập lại những mạn giao dịch với các đồng nghiệp ở Chợ Lớn, "cái bụng và nồi cơm" của thành phố. Thế là, thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp trên ba mươi phần trăm mức sản xuất kỷ nghệ quốc gia và năm mươi phần trăm sản phẩm tiêu dùng.

Dứt khoát là, chánh quyền Việt Nam muốn bắt kịp thời gian đã mất. Phần nào giống như thời kỳ "mèo trắng, mèo đen" của Đặng Tiểu Bình, để khuyến khích dân chúng nên "làm giàu". Thực ra, việc khuyến khích một nền kinh tế thị trường đem lại lợi ích cho thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hơn là Hà Nội, với một tỷ lệ phát triển hàng năm giờ đây cao nhứt ở lục địa châu Á. Phải chăng là một nơi chốn thần tiên mới, dễ ăn nên làm ra? Chưa đâu. Nhưng sự trợ giúp của FMI (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế), tiền vay mượn của Ngân Hàng Thế Giới và của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, mở đường cho đất nước này có tham vọng đứng vào hàng ngũ của những "rồng con", từ nay đến năm 2010. Dĩ nhiên là với điều kiện Đảng cộng sản và mấy con "khủng long" ở  Bộ Chánh Trị phải đưa đẩy Việt Nam trên "con đường đúng đắn".

Còn những không gian tự do thì sao? Rất là hạn hẹp, dẫu cho thành phố lớn nhứt phía Nam đó, đã tự cho mình là Sài Gòn, tự cho mình có được chút ít thoải mái và dường như sẵn sàng chớp lấy mọi thứ trong tầm tay. Dẫu sao đi nữa thì sự thay đổi đã rõ ràng rồi. Một thành phố với năm triệu dân, nửa triệu người không nhà, đã tìm lại được cái hương vị để sống và vô vàn thói hư tật xấu, như tham nhũng, mãi dâm, cần sa ma túy (gần 10.000 người nghiện ngập) và nghe đâu những tiệm hút thuốc phiện sắp được lén lút mở cửa lại. Trong nghèo khó cũng như trong sung túc, thành phố cứ vẫn là mình. Pierre Loti trước kia đã viết:"Sài Gòn lưu lạc và ưu tư mơ mộng". Thành phố Hồ Chí Minh không còn nữa khi mà Sài Gòn nhứt định cứ bất khuất, vì đổi thay danh tánh đâu phải thay đổi được bản chất.

 

Cố Nhân

(Qua gợi ý của bài "Saigon l'irréductible", Christian Hoche, l'Express ngày 20.4.1995)
[http://www.lexpress.fr/info/monde/dossier/vietnam/dossier.asp?ida=387382]


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.