Tây Tạng ba mủi giáp
công

Những
xáo trộn gần đây ở Tây Tạng xuất phát, không phải chỉ từ nguồn
gốc nhơn quyền và tôn giáo mà thôi đâu, nhưng còn vì lý do kinh
tế nữa. Đợt phát triển kinh tế vừa qua ở Tây Tạng do Bắc Kinh
thúc đẩy, vì lợi ích của người Hán là chủ yếu, chớ không phải
cho dân bản địa, vốn là những thành phần chịu thiệt thòi hơn ai
hết, về vật chất cũng như về văn hóa.
Một đêm đông giá lạnh, tôi bước vào vũ trường Babila, một hộp
đêm mới nhứt ở Lhassa, để phỏng vấn người chủ địa điểm vui chơi.
Ông ta là một nhà kinh doanh người Hán, lên đây làm ăn. Bối cảnh
hộp đêm chẳng khác gì những nơi tương tự ở bất cứ nơi đâu. Cũng
những cô vũ nữ duyên dáng, với giày gót nhọn, váy đầm cũn cỡn,
nước hoa ngạt ngào. Ông chủ hộp đêm than phiền: "Còn nặng mùi
văn hóa Tây Tạng quá. Nhưng tôi không nghĩ là sẽ thất bại." Thế
nhưng khi nhìn quanh thì chẳng thấy có nhơn viên người Tây Tạng
nào, mà khách hàng Tây Tạng cũng chẳng thấy. Khách khứa của hộp
đêm phần lớn là những nhà kinh doanh và sĩ quan người Hán, thu
nhập ít lắm cũng phải hai ngàn đô, một số tiền gấp mấy lần lương
bổng ở Tây Tạng này.
Tình hình của hộp đêm hé lộ cho thấy vấn đề mà người Tây Tạng
phải chịu đựng dưới gánh nặng cai trị của các quan lại Tàu. Văn
hóa Tây Tạng bây giờ được gói gọn vào ngành du lịch. Nền văn
minh, văn hóa của một vùng đất nổi tiếng là nằm trên đỉnh trời,
trên nóc nhà thế giới, giờ chỉ còn gợi được óc hiếu kỳ của du
khách mà thôi. Kinh tế du lịch đang phát triển mạnh, thế nhưng
người bản địa có hưởng được gì đâu. Chỉ có người Tàu từ thập
phương kéo tới hưởng thụ hết trơn!
Hồi gần đây, kinh tế Tây Tạng phát triển mạnh mẽ, nhưng lợi ích
đó, người gốc Tây Tạng sức mấy mà hưởng được. Đó mới là điều cốt
lõi làm sôi máu phản kháng, gần đạt mức độ cách mạng, của người
dân Tây Tạng, chớ không phải chỉ là tội ác vi phạm nhơn quyền và
cấm cửa tôn giáo. Vì vậy mà, trong tuần qua, người ta có cảm
tưởng như bỗng dưng những cuộc xuống đường bộc phát nổ ra dữ dội
ở Lhassa và trên khắp đất nước Tây Tạng, cũng như ở đất tạm dung
bên Ấn Độ. Một cuộc phản kháng mạnh bạo hơn hết kể từ tháng Ba
năm 1989, khi người Tây Tạng vùng lên chống lại ách đô hộ của
Trung Quốc. Ngày nay, vùng đất tự trị đó đang ở ngưỡng cửa của
một thời đại kinh tế mới, trong đó cơn "đại hồng thủy" bành
trướng áp đảo của Tàu Cộng có vẻ còn tàn bạo hơn những thập niên
che chở độ hộ trước kia.
Dứt khoát là những vi phạm nhơn quyền cứ tiếp tục diễn ra ở Tây
Tạng. Nào là bắt bớ, khảo tra, nào là nông dân bị cướp đất, nào
là hạn chế hà khắc các sinh hoạt và tự do tư tưởng ở các tu
viện. Có thể những hạn chế đó đã phát khởi những hành động đối
kháng mới đây.
Thế
nhưng, những vụ xáo trộn ở Lhassa cũng bắt nguồn từ những thay
đổi kinh tế. Ban đầu, ngày 13 tháng Ba, chỉ có vài trăm nhà sư
từ những tu viện Lhassa biểu tình, thế rồi phong trào biến thể
nhanh
chóng thành cuộc bạo động làm cho thương gia và nông dân cũng
tràn ra đường phố thủ phủ Tây Tạng. Đối tượng của những vụ phá
phách và bạo động cho thấy có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Những
chiếc xe bị lật ngược và đốt phá trước tu viện Jokhang, nơi chốn
linh thiêng hồi thế kỷ thứ VII, giữa lòng Lhassa. Và không cách
xa bao nhiêu, trên đường Bắc Kinh, là những chiếc xe Toyota Land
Cruisers mắc tiền và những chiếc xe sang trọng hiệu Honda và
Audi. Toàn là những loại xe cao cấp của bọn quan lại Tây Tạng và
của giai cấp thống trị người Hán bên Tàu sang. Những hiệu buôn
bị đốt phá là những hàng quán, những kinh doanh của người Tàu,
phần đông được dựng lên từ thời kỳ cuối những năm 1990, lúc mà
Bắc Kinh quyết định nỗ lực trở lại trong tinh thần gia tăng
triệt để vùng tự trị Tây Tạng và đưa người Hán vào vùng này.
Ông Abrahm Lusgarten, ký giả tờ "Washington Post", cho biết
trong chuyến viếng thăm Tây Tạng cách nay sáu năm thì Lhassa còn
là một thành phố thơ mộng, dĩ nhiên là bị ảnh hưởng Tàu Cộng
rồi, nhưng chủ yếu còn nổi bật kiến trúc Tây Tạng truyền thống,
còn những sản phẩm Tây Tạng và nhứt định là còn dân chúng Tây
Tạng. Mỗi năm, cứ mùa đông đến, khi hàn thử biểu xuống hẳn dưới
số không và khi thành phố nằm trên cao độ 3600 thước bị những
cơn gió của cao nguyên Tây Tạng thổi qua.
Nhơn mấy chuyến đến thăm sau này, những thay đổi quá mức ở đây
làm cho tôi ngỡ ngàng hết sức. Dân số đã bùng nổ, từ 250.000 vọt
lên 500.000 và, dẫu cho những con số thống kê muốn nói gì thì
nói, những di dân mới đến rất hiếm có người Tây Tạng. Những di
dân này dĩ nhiên là cứ ở lại Lhassa năm này qua năm nọ.
Người Tàu đã dẹp bỏ những mạng đường lịch sử của thủ đô Tây
Tạng, những con đường hẻm nhỏ hẹp trải đá, hai bên là những dãy
nhà quét vôi trắng xưa cũ hằng bốn thế kỷ. Hàng loạt các khu phố
đã bị thay thế bằng những tòa nhà, trụ sở văn phòng và hàng quán
thương mại lạnh lùng, xây cất vội vàng và theo kiểu cách "kho
hàng" thật khắc khổ, khô khan. Một trung tâm thương mại trị giá
mười triệu đô la, cao năm từng lầu, với những tủ kính bày hàng
có những cô người tượng chiêu hàng đồ lót táo bạo, cách khu
Jokhang (trung tâm thương mại trước kia đã bị thiêu hủy) chừng
vài khu phố.
Từ nay, người Tàu cầm đầu hết mọi lãnh vực thương mại, mua bán
tất cả các thứ trái cây, lái hầu hết các xe taxi và khai thác
loại quặng chủ yếu. Và cuối cùng, hồi tháng Bảy năm 2006, khoảng
đường sắt nổi tiếng từ tỉnh Thanh Hải tới Tây Tạng đã chạy suốt.
Cơ cấu hạ từng cơ sở này loại bỏ những rào cản cuối cùng, đã
từng cô lập Tây Tạng.
Hình
ảnh cổ kính mà Tây phương thường hình dung về Tây Tạng đã làm
trở ngại cho việc phát triển kinh tế của vùng tự trị này, vì
người ta có cảm tưởng là miền đất nước này cứ phải như vậy hoài,
như cách
nay hàng nghìn năm, như là một chỗ ẩn mình cho cảnh thanh bình
thơ mộng. Vùng đất nghèo nàn thì đúng rồi, nhưng vô cùng tình
tứ. Hình ảnh đó lại làm cho thiên hạ nghĩ đến cái khuôn mẫu chơn
chất của người dân Tây Tạng ôn hòa, tôn thờ Đức Phật và bị một
nước Trung Hoa vô thần áp bức. Và cứ như vậy mà người ta ôm lấy
cái nguyên tắc cho rằng chính người Tây Tạng cũng đồng ý với
quan điểm đó.
Thế nhưng, khi thảo luận với một số người Tây Tạng thì không
phải vậy. Nhiều người Tây Tạng cũng ước mơ được hiện đại hóa,
cũng ao ước có được những gì làm cho họ sáng giá ra, như một mức
sống tốt đẹp hơn, được học hành nhiều hơn và có công ăn việc làm
khá hơn. Trong bước đầu, họ vui mừng khi thấy vật giá giảm
xuống, một chiều hướng được cho là nhờ có mối liên lạc đường sắt
mới đây. Thế nhưng, những cải thiện chờ hoài không thấy đến, thế
là người dân Tây Tạng mất hết tin tưởng ở cái hệ thống được hình
hành để loại bỏ họ qua một bên một cách trơ trẽn.
Một chiều đông giá lạnh ở thủ đô Lhassa, một nhà kinh doanh trẻ
tuổi người Tây Tạng tâm sự: "Hãy trông kìa, những bảng hiệu buôn
ngời sáng ngút ngàn và sinh hoạt thương mại năng nỗ chung quanh
ta, đó là xu thế của thời đại. Dẫu cho do người Tàu làm ra hay
người Tây Tạng lập nên thì cũng vậy thôi."
Con người trẻ tuổi đó, nói được ba thứ tiếng, tốt nghiệp ở một
trong những trường đại học lừng danh của Bắc Kinh. Nhưng, cũng
như bao nhiêu người Tây Tạng khác, anh ta khó tìm ra được một vị
trí trong nền kinh tế mới mẽ này. Một anh khác than phiền là đã
bị mất bằng hướng dẫn viên từ khi công an quyết định kiểm soát
quy chế hành nghề, bắt buộc những hướng dẫn viên phải thi hàng
năm, một cuộc thi bằng tiếng quan thoại. Lại có một người khác
phải đổi thương hiệu vì có một nhà đầu tư, người Hán đã chọn
cùng thương hiệu với anh. Bảng hiệu của các doanh nghiệp Tây
Tạng đều phải được dịch ra tiếng Tàu và thương hiệu bằng tiếng
Tây Tạng chỉ được xuất hiện bằng chữ bé tí, hầu như là thứ yếu.
Lần hồi bản sắc Tây Tạng bị gậm nhấm, bị làn sóng ô hợp của
những ngành kinh doanh mới, của những sáng kiến mới và những
luật lệ mới quét sạch.
 Tháng
Mười năm 2006, mấy trăm người trẻ có học thức và những người Tây
Tạng "hiện đại" khác, tụ tập lại trước ủy ban hành chánh của
chánh quyền địa phương ở Lhassa, một cuộc tập họp mà ngày nay
người ta có thể coi như là dấu hiệu tiên phong của những xáo
trộn ồ ạt hồi tuần lễ vừa qua. Những người biểu tình, có ăn học
và xuất thân từ giai cấp trung lưu, không chống đối lại những vụ
đàn áp tôn giáo, mà cũng chẳng phải phản bác lại những trường
hợp vi phạm nhơn quyền, nhưng để chống lại sự bất công trong nền
kinh tế mới của họ. Họ cho phần lớn những công ăn việc làm đều
được phân chia cho người Hán là điều không thể chấp nhận được.
Bắc Kinh cho những gì đang diễn tiến ở Tây Tạng như là sự tiến
bộ, coi tỷ lệ tăng trưởng từ 12 đến 15 phần trăm trong thu nhập
quốc dân mấy năm qua như là mức đóng góp hào hùng của Trung Quốc
cho nền văn hóa Tây Tạng. Thế nhưng, chánh sách của Trung Nam
Hải dường như nhằm vào những mục tiêu nào hoàn toàn khác biệt.
Trung Quốc thường xuyên theo đuổi một chánh sách "thuần hóa"
những vùng "viễn Tây" của mình, thông qua biện pháp đồng hóa
bằng kinh tế và di dân. Bắc Kinh đã áp dụng chánh sách thuế khóa
đặc biệt để khuyến khích những nhà kinh doanh Tàu từ miền Đông
đổ về miền Tây và đã nới rộng quy luật di dân. Khẩu hiệu "Thanh
niên người Hán hãy Tây tiến" đã có thời vang dội. Những công ty
quốc doanh đã đảm đương nhiều dự án xây dựng kết xù, như làm
đường xe lửa hoặc xây dựng xa lộ với những nhà thầu và nhơn viên
người Hán. Tiền thu nhập đều gởi về quê ở Trung Quốc, để làm
giàu cho qưê cha đất tổ.
Những việc mở mang cũng như tài sản đổ vào Tây Tạng, người dân
vùng này đâu có hưởng được bao nhiêu. Dẫu cho hàng mấy mươi năm
đầu tư cho Tây Tạng mà tỷ lệ mù chữ vẫn còn nhiều hơn tỉnh Tứ
Xuyên kế cận gấp bốn lần và số trường học cơ sở chỉ bằng một
phần tư của những nơi khác trên đất nước Trung Quốc.
Thế Vận Hội tháng Tám tạo cho người Tây Tạng – cũng như nhiều
dân tộc bị áp bức khác ở Trung Quốc – cơ hội thuận lợi to lớn
nhứt, có thể là lần cuối cùng, để chứng minh cho thế giới thấy
nền kinh tế huyền dịu của Trung Quốc còn nhiều bất công. Đối với
người Tây Tạng, có thể đây là dịp may cuối cùng để giữ gìn quê
cha đất tổ bằng ba phương diện dân tộc, tôn giáo và kinh tế,
bằng không thì sẽ vĩnh viễn mất đi. Vì vậy nên cuộc vùng lên năm
2008 này khác hẵn hồi 1989, và đó cũng là lý do đưa thày tu và
dân chúng Tây Tạng xuống đường.
Được hỏi xem sự bất công đang nổi lên có đáng ngại hay không thì
người Hán trẻ tuổi, chủ nhơn của hộp đêm, trả lời một cách lạc
quan, tin tưởng vào cung cách sử dụng người Hoa để lập lại ổn
định: "Chỉ toàn người Hoa. Giờ thì có nhiều người Tứ Xuyên, tôi
cảm thấy yên lòng."
Như vậy, đây là trận đánh cuối cùng, một mất một còn của người
Tây Tạng. Một trận đánh hợp thời, đúng lúc lại thuận lòng người.
Với chiến thuật "ba mặt giáp công" chắc là Tây Tạng phải thắng.
Dứt khoát là, trong chiến lược có nhiều dạng thắng lợi.
Cố Nhân
Bài viết tổng hợp từ:
1.- "What They're Really Fighting for in Tibet" của
Abrahm Lusgarten, Washington Post, March 19, 2008;
[http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2008/03/19/AR2008031903053.html?hpid=opinionsbox1]
2.- "Tibet – Il s'agit aussi d'économie", Corrier
international, 21 mars 2008.
[http://www.courrierinternational.com/article.asp?obj_id=83912#]
|