Ngày
ba mươi ngẫm lại
Ngày
30 tháng 4 năm 1975, bộ đội Bắc Việt chịu để cho Đại Tướng Dương
Văn Minh lên đài phát thanh kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa
"hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và đâu ở đó". Như vậy là thủ đô Sài
Gòn đã đầu hàng, làm tiêu tan luôn Việt Nam Cộng Hòa và bêu nhục
cả Hoa Thạnh Đốn. Trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau đó,
Sài Gòn đã bị đổi danh xưng là thành phố Hồ Chí Minh. Việc thủ
đô đầu hàng và người ta vội vàng cho nó một tên gọi khác, là một
chỉ dấu cuối cùng cho thấy sự thất bại của chánh sách Huê Kỳ ở
Đông Nam Á.
Đối với Huê Kỳ, ngày 30.4.1975 sẽ được ghi nhớ đời đời xuyên qua
hình ảnh của hằng hà sa số trực thăng Mỹ, bay bất kể thời điểm,
nhưng di tản tốt đẹp, bay bổng an toàn, tương phản với nỗi sợ
hãi bám chặt vào hàng hàng lớp lớp người Việt Nam hiền hòa, bị
phó mặc cho số phận. Báo chí và truyền thông đưa ra hàng trăm
cảnh tượng đau lòng, nào là thuyền con chật ních lính tráng và
thân nhơn, nào là vô số những con người cố gắng chen chưn tìm
đường đi vào bên trong vòng thành của tòa đại sứ Huê Kỳ, nào là
những đứa trẻ thơ được trao qua đầu rào kẽm gai, phó thác cho
những bàn tay đón nhận xa lạ, với hy vọng của người ở lại để cho
hậu duệ của mình được đi vào một tương lai bất định.
Sài
Gòn rã ngũ, tan hàng với một tốc độ sửng sờ! Sau mấy mươi năm
chiến đấu chống lại lực lượng cộng sản, quân đội Nam Việt Nam đã
tan rã, trong vòng chỉ mấy tuần lễ, do thao tác của bộ đội từ
miền Bắc, một khối người ồ ạt, không làm sao hãm lại được và
càng không thể chận đứng.
Trong gần ba mươi năm chiến tranh, Hà Nội đã đánh bại được Pháp
và Nam Việt Nam trên chiến trường và "hất cẳng" Mỹ qua bàn hội
đàm. Chế độ cộng sản tỏ ra điêu luyện trong việc khai thác và
lèo lái dư luận Mỹ. Thí dụ như Hà Nội đã biến đổi được sự thảm
bại của họ trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 thành
một thắng lợi đầy tính tuyên truyền kỳ lạ, một thắng lợi chung
cuộc "bứng" Huê Kỳ ra khỏi cuộc chiến đó.
Hơn nữa, qua trận Mậu Thân, quân Bắc Việt thiệt mất khoảng năm
mươi ngàn và trong chiến dịch "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972, họ cũng
đã "nướng" hết ngần ấy quân, với tham vọng lật đổ miền Nam. Vậy
là, lực lượng võ trang nhân dân Bắc Việt cần phải có thời gian
để dưỡng quân và bổ sung.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Nam Việt Nam, lợi dụng thời gian
Hà Nội chỉnh đốn đội ngũ và trang bị trở lại, nới rộng quyền
kiểm soát đất đai, nếu tình hình cho phép. Kết quả là quân lực
Nam Việt Nam phải dàn mỏng ra trên một vùng lãnh thổ rộng lớn,
vì vậy cho nên, vào cuối năm 1974, đã tạo kẽ hở cho địch tấn
công. Tình hình đó lại trở nên tồi tệ hơn nữa với việc Huê Kỳ
giảm bớt viện trợ, cùng với một tình trạng lạm phát gia tăng
trầm trọng và, như là một hệ lụy, với tệ nạn tham ô nhũng lạm
trắng trợn.
Hiệp
định "Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình Paris" ký kết năm
1973 đưa đến việc Mỹ rút quân gần hết vào đầu năm 1973. Mùa thu
năm 1974, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội quyết định một chương trình
hai năm nhằm xâm chiếm miền Nam và thống nhứt đất nước, dưới
quyền cai trị của cộng sản. Dưới tên gọi "Tổng công kích, tổng
khởi nghĩa", chương trình này hoạch định một lô tấn công quân sự
quan trọng trong năm 1975 để kích thích nhơn dân Nam Việt Nam
nổi dậy và tạo nên một chiến thắng dứt khoát vào năm 1976.
Bắc Việt theo dõi rất sát những xáo trộn trên chánh trường Huê
Kỳ, từ khi ông Nixon từ chức hồi tháng Tám năm 1974, nên muốn
thừa cơ hội thử lửa một phen. Tháng Giêng 1975, họ tiến chiếm
tỉnh Phước Long, nằm sát biên giới Cam Bốt. Các đơn vị chánh quy
Bắc Việt, với sự hợp đồng của du kích địa phương, đã đánh bật
lực lượng trú phòng trong vòng ba tuần lễ. Trên 3.000 quân sĩ
Nam Việt Nam bị hy sinh và bị bắt. Chiến cụ và quân dụng đáng
giá bạc triệu bị mất vào tay đối phương. Dẫu cho Phước Long
không có một tầm quan trọng nào đặc biệt về quân sự hay kinh tế,
nhưng đó là tỉnh đầu tiên mà Bắc Việt chiếm được kể từ năm 1972,
một tỉnh chỉ cách thủ đô Sài Gòn có 80 dặm.
Biến cố, dứt khoát có vẻ cốt tử đó, rất ít được truyền thông Mỹ
nói tới. Hoa Thạnh Đốn có cam kết là sẽ "phản ứng lại bằng lực
lượng quân sự mạnh mẽ" để đánh trả bất kỳ sự vi phạm nào của Bắc
Việt đối với hiệp định 1973. Vậy mà, cuối cùng Huê Kỳ chẳng nhúc
nhích gì hết. Thế là Hà Nội cứ yên chí làm tới.
Khá quái gở là ông Thiệu chẳng có chút gì nản lòng. Vì ông ấy
tiếp tục tin tưởng ở những lời hứa của Nixon, dẫu cho Nixon đã
bị bắt buộc phải từ chức vì vụ tai tiếng Watergate. Và có thể
ông ấy cứ tiếp tục tin tưởng vào những lời hứa đó, gần như đến
lúc cuối cùng, nên cứ thắc mắc là "chừng nào B-52 mới trở lại
đây?"
Đến tháng 3 năm 1975, Hà Nội lại tấn công nghiêm trọng hơn.
Trong hai năm đã qua, bộ đội Bắc Việt đã trì chí đưa vào miền
Nam nhiều trọng pháo, hỏa tiễn đất đối không và tăng Liên Xô
không kể xiết, cùng với 100.000 bộ đội còn sung sức. Hiệp định
Paris có đồng ý cho trên 80.000 quân chánh quy Bắc Việt ở lại
miền Nam, nay như vậy thì con số đó đã tăng lên 200.000.
Lúc bấy giờ, quân số của cộng sản ở trong Nam – quân chánh quy
và quân du kích - gần cả triệu người, dẫu cho đã bị thiệt hại
nhiều trong thập niên vừa qua. Những đơn vị bộ binh do Võ Nguyên
Giáp thành lập chủ yếu là nặng về trang bị võ khí cá nhơn, nhẹ
về tiếp vận hoặc yểm trợ cho cá nhơn. Trái lại, quân đội Nam
Việt Nam được rập theo mô hình quân đội Mỹ. Quân số Nam Việt Nam
gồm có khoảng 750.000 người, trong đó chỉ có 150.000 là lính
chiến đấu. Họ được trang bị đầy đủ, nhưng yểm trợ kém, mặc dầu
đàng sau họ là cả một bộ máy tiếp vận khổng lồ.
Năm 1973, tướng Giáp mắc phải chứng bịnh nhiễm bạch huyết cầu
nên phải tạm thời trao quyền chỉ huy cho Văn Tiến Dũng, một
tướng bốn sao khác của Bắc Việt. Dũng đã âm thầm và len lỏi đưa
lực lượng chiến đấu vào Nam để thiết lập tổng hành dinh ở Lộc
Ninh, cách Sài Gòn khoảng 75 dặm về hướng Bắc. Công cuộc chuẩn
bị khá công phu, có cả việc thiết lập đường ống dẫn dầu và một
mạn lưới điện thoại không phương tiện điện tử nào xâm nhập được.
Dũng đưa ra chiến thuật cốt sao ít bị tổn thất bởi hỏa lực ồ ạt
mà quân đội Nam Việt Nam đã quen sử dụng, theo đường lối cố vấn
của Mỹ. Rủi thay cho quân đội Nam Việt Nam là tiếp tế đạn dược
cho họ không đạt yêu cầu vì lúc nào cũng tiêu thụ quá mức, trong
khi chi viện của Mỹ lại bị giảm bớt.
Tướng
Dũng đi đến Lộc Ninh qua đường mòn Hồ Chí Minh, lúc bấy giờ tuy
tên gọi là đường mòn nhưng đã được mở rộng ra hai tuyến, có trải
đá, với những nhánh đường đi đến cách Sài Gòn lối 30 dặm. Mục
tiêu ban đầu của Dũng là Ban Mê Thuột, một thành phố của Cao
Nguyên miền Trung và tỉnh lỵ của Darlac. Thành phố này là điểm
mấu chốt trong hệ thống phòng ngự của quân đội Nam Việt Nam. Nếu
chiếm được Ban Mê Thuột thì cộng quân có thể lấy đó làm điểm
xuất phát để cắt Nam Việt Nam ra làm đôi.
Dùng kế nghi binh, quân cộng sản tiến đánh sơ sài hai tỉnh cực
Bắc của Nam Việt Nam. Dẫu là hai tỉnh nhỏ thôi nhưng cũng làm
cho dân chúng phải xao xuyến tinh thần, nên gần 50.000 dân chạy
giặc phải di tản, làm xôn xao cả xóm làng, ảnh hưởng dây chuyền
tác động đến những trận đánh kế tiếp.
Quân miền Bắc cắt đứt giao thông trên những mạch đường dẫn vào
thị xã nên đã cô lập được Ban Mê Thuột. Ngày 10 tháng 3 năm
1975, ba sư đoàn chánh quy Bắc Việt, có tăng yểm trợ, đánh úp
Ban Mê Thuột, dưới sự bảo vệ của hai trung đoàn tăng cường của
Sư Đoàn 23. Dầu cho tương quan lực lượng không đồng đều nhưng
quân phòng ngự cũng đánh trả hăng hái, nhưng rốt cuộc quân của
Dũng cũng chiếm được tỉnh lỵ ngày 12.3.1975. Chính Ban Mê Thuột
là đầu mối của hiện tượng chẳng lành, càng ngày càng hủy hoại
tinh thần của Nam Việt Nam. Nhiều sĩ quan quân đội lấy trực
thăng chở thân nhân họ hàng bỏ chạy xuống phía Nam. Cuối cùng,
Tướng Phú cũng bỏ chạy.
Những đoàn người bắt đầu bỏ nhà cửa vườn tượt chạy trốn, đông
nghẹt đường lớn và ngõ ngách, ồ ạt kéo nhau dồn ra biển, làm
nghẽn cả bến tàu, tìm phương tiện xuôi Nam. Không phải chỉ những
người có dây mơ rễ má với Huê Kỳ hay với quân đội Nam Việt Nam
mới bỏ chạy mà đám đông quần chúng, không có lý do gì để sợ bộ
đội Bắc Việt trả thù, cũng chạy đi. Có lẽ họ bị ám ảnh bởi
chuyện di cư hồi 1954. Nên chi họ cứ bỏ của chạy lấy người vì
hoảng sợ cộng sản.
Đoàn người chạy giặc còn có một đặc tính khác đem lại hậu quả
tai hại cho tinh thần kháng cự của Nam Việt Nam. Quân sĩ Nam
Việt Nam, trong giờ phút đó, chiến đấu mà lòng không yên nên khi
rời bỏ chiến tuyến còn phải đi tìm vợ con thân quyến để đưa đến
chỗ an toàn. Đó cũng là phản xạ tự nhiên của con người trước
hiểm nguy của chiến tranh, nhưng buồn thay tình huống đó lại làm
tan rả nhanh chóng khả năng chống trả của miền Nam.
Tổng Thống Thiệu thì nghĩ rằng mục tiêu tấn công của Dũng có lẽ
là Pleiku. Ông hoảng sợ khi được tin Ban Mê Thuột thất thủ nên
ngày 14.3.75, đã kín đáo ra lịnh rút lực lượng Nam Việt Nam ra
khỏi vùng Cao Nguyên. Thật là một sự sai lầm tai hại lạ thường
vì chẳng có kế hoạch triệt thoái gì hết và lịnh rút bỏ đã khiến
cho quân lính phải trà trộn vào làn sóng người tỵ nạn, miên man
trong dòng chảy khốn khổ đầy đau thương và nước mắt.
 Đoàn
người chạy giặc này không giống với những toán người di tản hồi
Thế Chiến II. Những người bỏ trốn cộng sản ở Việt Nam vận dụng
đủ mọi thứ phương tiện chuyên chở, nào là xe đò, xe tăng, xe
tải, thiết vận xa, xe tư nhơn, đủ hết. Bất cứ phương tiện gì
chạy bằng bánh xe là cứ nối nhau kế tiếp, đầu liền đuôi, dọc
trên Đường 7B. Xe cộ đầy ắp lính tráng còn chất thêm người trong
gia đình, từ bé thơ nằm ngữa trên tay chí đến ông già bà cả
trong nhà, kẻ ngồi trên mui, người đeo bên hông xe, trông giống
như xe đò chở khách quá tải. Nhiều người trật tay té xuống đường
là bị xe đàng sau cán nát thây.
Hàng ngàn người khác, không có phương tiện cơ giới phải chạy
giặc bằng đôi chưn, mang theo đồ tế nhuyễn của riêng tư, thật
thảm thương. Qua mười lăm hôm, ngày nắng, đêm lạnh, không có
thức ăn, chẳng một giọt nước uống. Đường sá rơi rải đầy người bị
bỏ lại, trẻ con, người già yếu, kẻ thương tật ốm đau... "Bộ đội
Bác Hồ" của Sư Đoàn 320 nã súng và bắn đạn pháo binh vào đám
đông tỵ nạn đang tìm đường chạy ra biển, làm bia cho đạn thù,
giết chết dân thường trăm này qua ngàn khác. Pháo cộng sản nã
đạn vào xe và người chạy nạn gần như trực xạ, làm tung toé xác
chết, thây ma lên các cành cây bên đường và máu người tưới đỏ
đất!
Đây là một cách tàn sát dã man lạ kỳ. Không phải như ở Kosovo -
với một niềm hận thù dân tộc lâu đời đưa đến một vụ gọi là thanh
lọc chủng tộc, hạ sát cũng mấy ngàn người - vụ tàn sát này của
cộng sản Việt Nam là giữa những con người cùng máu mủ, cùng một
màu da với nhau. Tính ra cũng phải khoảng 40.000 người nằm
xuống, chết đi tức tưởi trên đường chạy trốn lửa đạn. Tình huống
càng tồi tệ hơn, khi quân lính Nam Việt Nam tức giận, hận đời
quay súng lia đạn bắn vào đám đông tỵ nạn. Cảnh tượng đau lòng
càng xót xa hơn nữa, khi đoàn người di tản kia đến được bến tàu
rồi, người ngợm rã rời, chết được còn sướng hơn, thì những người
đồng bào ruột thịt, không còn biết "bầu ơi thương lấy bí cùng",
nặng tay "chém đẹp" khi bán món ăn, thức uống.
Tồi
tệ hơn nữa là tình nghĩa hậu phương, tiền tuyến chưa chi đã hết,
một vài người lính cộng hòa, tán tận lương tâm, cướp bóc người
dân thường và cắp giựt thứ gì lấy được là cứ lấy. Cạn ao thì bèo
cũng đến đất, nhẫn tâm tới như vậy sao?
Trước tình hình đó, tướng Dũng đốt giai đoạn, thừa thắng xông
lên, đưa quân lên mạn Bắc, đánh chiếm Pleiku và Kontum ngày 18
tháng 3. Thế là quân đội Việt Nam Cộng Hòa rã tan như băng giá
gặp nắng, rút lui nhanh hơn bộ đội miền Bắc chiến thắng đuổi
theo. Như chừng bỏ ngõ để mời địch tiến vào.
Cuộc đầu hàng chiến lược hối hả và thiếu suy nghĩ của ông Thiệu
ở Cao Nguyên đã làm cho Nam Việt Nam mất đi sáu tỉnh và cả một
sư đoàn quân chánh quy. Hàng tỷ đô la quân và chiến cụ bỏ lại
cho địch quân.
Thế rồi, những nhà lãnh đạo Nam Việt Nam bèn "dĩ bất biến, ứng
vạn biến", ông ứng bà hành đưa ra chánh sách phòng ngự da beo.
Mấy quan "đỉnh cao trí tuệ" cho lịnh tập trung nỗ lực cố thủ vài
ba thị trấn duyên hải, như Đà Nẳng, Huế cũng như Sài Gòn và châu
thổ sông Mê Kông. Ông Thiệu, nổi tiếng là nhà chánh trị lỗi lạc
cừ khôi mà lại có một suy nghĩ gần như trẻ con. Ông đinh ninh
rằng cầm cự được ở những điểm chiến lược đó có thể tạo điều kiện
cho Huê Kỳ có thời gian mà huy động lực lượng quân sự để rồi một
lần nữa bắt buộc Bắc Việt phải thương thảo.
Cuộc tấn công tỉnh Quảng Trị hồi cuối tháng Ba 1972 của lực
lượng quân sự Bắc Việt đã tạo ra một lượng người lánh nạn đáng
kể. Ở thị xã Huế, thiên hạ càng thêm kinh hoàng. Thành phố này
đã phải chịu đựng tổn thất nặng nề từ cuộc tấn công Mậu Thân
1968, trong 25 ngày chiếm đóng của cộng quân. Qua trận "Mùa Hè
Đỏ Lửa", thành phố này lại phải hy sinh thêm 20.000 thường dân
nữa. Một phen nữa, lính tráng và dân chúng lại nhập vào nhau
thành một đoàn người chạy nạn đao binh dồn xuống Đà Nẳng. Ngày
23.3, tin đồn cộng với binh lính bỏ ngũ, lại thêm Việt Cộng
tuyên truyền kích động làm cho việc phòng ngự Huế trở thành bất
lực. Cố đô đành rơi rụng vào ngày 24.3.
Trong khi cộng quân nã pháo vào Huế và những nẻo đường ra vào cố
đô thì những lực lượng khác bao vây Đà Nẳng, đã có hàng triệu
người tỵ nạn dồn về, khiến cho những xác người bị đạn pháo, bị
xe đụng và bị đám đông chen lấn chèn ép phải nằm lại đầy đường
phố. Hàng ngàn người tìm cách vượt thoát bằng đường biển, chạy
trốn bằng bất cứ phương tiện nào nổi trên mặt nước và vì vậy nên
cũng có vô số người chết chìm.
 Từ
Đà nẳng, người ta bắt đầu mở cầu không vận, cho thấy trước rằng
rồi đây Sài Gòn sẽ có xáo trộn và những trường hợp khủng khiếp.
Edward J. Daly, chủ tịch hãng hàng không "World Airways", bất
chấp lịnh lạc của đại sứ Huê Kỳ, Graham A. Martin, đưa 2 chiếc
Boeing 727 ra Đà Nẳng và đích thân bay trên chiếc thứ nhứt. Sau
khi hạ cánh, phi cơ của ông đã bị đám đông hàng ngàn người đổ
tới chực leo lên. Cuối cùng máy bay cũng phải dồn đống với 270
người. Có một nhóm quân nhân súng ống hẳn hòi cũng leo lên, chớ
chẳng phải chỉ là dân thường mà ông dự tính di tản. Chiếc 727
cất cánh giữa tiếng súng bắn theo và một quả lựu đạn đã nổ tung,
làm hỏng một bộ phận nhỏ của cánh bay. Trên tuyến cất cánh, phi
cơ chạm phải hàng rào và một chiếc xe ô tô, sau đó cũng cố gắng
lảo đảo bay lên. Người ta liều mạng chui chật trong ổ dành cho
bánh máy bay nên đã có một người bị đè bẹp chết tươi khi bánh xe
rút vào.
May mắn thay, chiếc 727 bị thương tích và bánh đáp không rút vào
được cũng về tới Tân Sơn Nứt và cố gắng hạ cánh an toàn. Hình
ảnh ghê rợn của bàn chưn người chết còn lủng lẳng ở cửa ổ bánh
đáp đã nói lên nỗi đau thương của chuyến bay. Mỉa mai thay, cái
chết của một người đã cứu sống được bốn người khác, cũng nằm
trong ổ bánh đáp đó nhưng còn sống sót vì cái xác chết kia đã
ngăn cản không cho bánh đáp xếp vào trọn vẹn, nên phi cơ cứ cẳng
chưn lòng thòng mà bay từ Đà Nẳng đến Tân Sơn Nhứt. Về sau, khi
những chi tiết về chuyến bay quá tải và bị hư hỏng mà vẫn cất
cánh được gởi về hãng làm máy bay Boeing để nghiên cứu thì kết
quả cho biết là lẽ ra phi cơ không làm sao bay được. Thế nhưng,
đôi lúc tình hình cứu nguy khẩn cấp cũng vượt khỏi lý lẽ của
điều kiện an toàn.
Điều bất hạnh qua di tản đường biển ở Huế lại tái diễn ở Đà
Nẳng, nhưng trên một quy mô rộng lớn hơn, vì thiên hạ dẫm nhau
đến chết để tranh giành lên tàu lớn hơn. Trên hai triệu người đã
dồn đống ở Đà Nẳng, nhưng chỉ có 50.000 người chạy thoát được
bằng đường biển. Từ giai đoạn này, một tình hình quen thuộc lại
diễn ra là kỷ luật trật tự không còn nữa và bắt đầu cướp bóc lan
tràn. Không còn đánh trả trong trật tự nữa vậy là dân thường
chạy giặc phải ở giữa đường tên mũi đạn chồng chéo nhau của quân
đội hai bên Nam Bắc.
Bộ đội cộng sản tiến vào Đà Nảng ngày 29.3, Qui Nhơn thất thủ
ngày 31 và Nha Trang lọt vào vòng tay của địch ngày 3.4. Trận
đánh ở Nha Trang chỉ kéo dài có ba tiếng đồng hồ. Tài nguyên
phong phú của Vịnh Cam Ranh rơi vào tay cộng sản cùng ngày, sau
không đầy 30 phút chạm súng. Những thành phố duyên hải khác rồi
ra cũng chạy theo cung cách thay ngôi đổi chủ như vậy thôi. Phi
trường Phù Cát mất đi, để lại cho cộng sản trên sáu mươi phi cơ
trong tình trạng còn khả dụng.
Trong cơn hỗn loạn đó, miền Nam đã mất đi hàng tỷ Mỹ kim chiến
cụ. Trong thời chiến tranh Việt Nam, ai có đến hoặc rời Đà Nẳng
hay Cam Ranh bằng máy bay có lẽ nhớ được hàng ngàn mẫu chất chứa
vật dụng tiếp liệu được sắp xếp cùng khắp trên sân bay. Kho tiếp
liệu khổng lồ đó đã rơi vào tay cộng sản.
Ngỡ ngàng trước đà chiến thắng quá nhanh chóng như vậy, Hà Nội
cũng bắt đầu "tự biên, tự diễn", không còn theo được tuồng lớp
đã vạch sẵn. Họ quyết tâm đánh chiếm miền Nam, thế nào cho kịp
để dâng lên Bác của họ làm quà sinh nhựt ngày 19 tháng Năm.
Tướng Dũng gọi hành động quân sự đó là "chiến dịch Hồ Chí Minh"
và công bố cho toàn quân của chiến dịch khẩu hiệu mới:"Thần
tốc, táo bạo và gan dạ hơn nữa".
Như muốn đáp ứng được yêu cầu đó, đầu tháng Tư, lực lượng Bắc
Việt đã kiểm soát được mấy tuyến giao thông quanh Sài Gòn và bắt
đầu pháo vào căn cứ Biên Hòa. Một trận đánh bắt đầu ngày 9 tháng
Tư ở Xuân Lộc, trên quốc lộ 1, chỉ cách Sài Gòn có 37 dặm về
hướng Đông Bắc.
Lực lượng Nam Việt Nam chiến đấu rất hay trong vòng mười lăm
ngày ác liệt. Tiêu biểu nhứt là Sư Đoàn 18, một đơn vị trước kia
thường mang tiếng chẳng mấy tốt đẹp. Trong cuộc chiến đấu đó, dù
tỷ lệ tổn thất lên đến 30%, Sư Đoàn 18 vẫn tiếp tục đánh trả
cộng quân. Dẫu cho không có quân tăng viện và phải đối đầu với
quân đoàn 4 của Bắc Việt. Trong trận đánh đó, lực lượng Không
Quân
còn lại của Nam Việt Nam tiến hành trận đánh cuối cùng đầy hiệu
quả của họ, với loại bom chùm đặc biệt, 15.000 cân Anh và miểng
bom bay sát ngọn cỏ, và cả loại bom hơi ngộp CBU-55B.
Ở nơi khác trong vùng, ngày 12 tháng Tư, Huê Kỳ di tản 276 người
Mỹ ra khỏi Nam Vang, thủ đô Cam Bốt, trong chiến dịch mang tên
"Eagle Pull" (Đại bàng bay đi). Hành động đó cho Hà Nội hiểu
rằng đừng lo sợ Mỹ can thiệp ở Nam Việt Nam. Điều không ai hiểu
nổi là trong chín ngày vừa qua, ông Thiệu cứ bám chặt niềm hy
vọng là Mỹ sẽ can thiệp. Thế rồi, ngày 21.4.75, ông lên đài
truyền hình quốc gia tuyên bố từ chức, trao quyền hành lại cho
ông Trần Văn Hương, già nua và yếu đuối.
Xuân Lộc chịu thua ngày 23.4.1975, vậy là chỉ còn chút ít phương
tiện để ngăn chận hoặc để trì hoãn đà tiến của cộng sản hướng
vào Sài Gòn. Cũng ngày hôm đó, qua bài diễn văn đọc ở trường đại
học Tulane (Tiểu bang Louisiana), Tổng Thống Gerald Ford tuyên
bố rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam "đã hết rồi, đối với Huê
Kỳ". Lời tuyên bố của tổng thống được cử tọa đứng lên vỗ tay tán
thưởng.
Ông Trần Văn Hương, tổng thống vừa được trao quyền, lại chuyển
trách nhiệm cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Cấp lãnh đạo Nam Việt
Nam dường như chẳng còn chọn lựa nào khác nên đi đến một kết
luận lạ đời, cho rằng cộng sản có thể thương thuyết với Dương
Văn Minh. Một kết luận xa rời thực tế và lúc bấy giờ quân chánh
quy Bắc Việt và chiến xa của họ đã bao vây thủ đô Sài Gòn, một
thành phố lại đâm ra sợ hãi hoang mang.
Xưa kia được tiếng là "hòn ngọc Viễn Đông", thành phố thủ đô này
của Nam Việt Nam đã mất đi phần nào vẻ hào nhoáng của thời thực
dân Pháp, sau những năm dài chinh chiến. Dân chúng không mấy tin
tưởng ở chánh phủ. Mặc dầu có một số viên chức làm việc đứng
đắn, nhưng cũng có khá nhiều nhơn vật cao cấp không những tham ô
nhũng lạm mà còn bất tài nữa. Không phải là một chánh phủ có khả
năng gây niềm hứng khởi để người ta chiến đấu đến cùng, nhưng
lại là một chánh phủ mà Huê Kỳ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Đồng
thời cũng là một chánh phủ mà đại sứ quán Huê Kỳ phải bắt buộc
họ làm việc, càng lâu càng tốt để di tản tối đa người Mỹ và
người Nam Việt Nam trung thành.
Ông Đại Sứ Martin đã cố gắng hỗ trợ ông Thiệu, tìm cách xin thêm
quân viện và giúp đỡ tài chánh. Ông đại sứ tận tình cố gắng,
nhưng hành động như vậy, ông đã làm cho kế hoạch di tản người Mỹ
và những người Nam Việt Nam có liên hệ chánh quyền Sài Gòn bị
chậm đi, đến nỗi không còn kịp nữa.
Cũng
may là đã di tản được hai chuyến và việc di tản chuyến thứ ba
bắt đầu giao cho những nhà chuyên môn phụ trách. Chuyến đầu
trong đợt này, dưới tên gọi "Operation Babylift" (chiến dịch
chuyên chở trẻ em), kéo dài từ 4 đến 14 tháng Tư và đã đưa được
2.600 trẻ em Việt Nam sang Huê Kỳ để làm con nuôi. Chiến dịch
này, ngay chuyến bay đầu tiên ngày 4.4.75 đã bị tai nạn thảm
thương.
Chiếc máy bay vận tải C-5A cất cánh xong và leo lên cao 23.000
bộ thì có một tiếng nổ do giảm áp suất, làm bay mất một mảng lớn
cửa phía sau, cắt đứt những sợi dây cáp của bộ phận nâng và điều
khiển đuôi. Người phi công phải vận dụng phương tiện thay thế để
lèo lái phi cơ. Ông cho máy bay quày trở lại phi đạo Tân Sơn
Nhứt và cho hạ cánh bắt buộc. Máy bay chở 382 người, 206 người
bị mất mạng, hầu hết là trẻ con.
Tất cả những chuyến bay kế tiếp đều an toàn. Chiến dịch
"Babylift" về sau bị phê phán vì đã công khai hóa để lấy tiếng
và vì chọn lựa trẻ em theo những tiêu chuẩn lệch lạc. Cuối cùng,
chiến dịch đó cũng được coi như một nỗ lực đầy thiện chí của Huê
Kỳ muốn làm việc thiện trong hoàn cảnh khó khăn.
Chuyến di tản thứ nhì được tiến hành âm thầm trong nhiều ngày,
nhờ có những phương tiện không vận dân sự và quân sự và hầu như
bằng đường thủy. Khoảng 57.700 người được di tản bằng phi cơ
thường, và 73.000 bằng tàu biển. Khoảng 5.000 người Mỹ được đưa
ra khỏi Việt Nam, cùng với nhiều người nước ngoài. Người Việt
Nam được di tản phần lớn là những thành phần mà liên hệ của họ
với chánh phủ hoặc với Huê Kỳ có thể làm cho họ gặp nguy cơ với
cộng sản.
Có nhiều trường hợp cho thấy lòng can đảm cá nhơn, như Francis
Terry McNamara, Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Cần Thơ. Bất chấp nguy hiểm
cho bản thân, ông trưng dụng một chiếc tàu đổ bộ đưa hàng trăm
người Việt Nam đến nơi an toàn trên sông Hậu Giang, bất chấp mưa
to gió lớn, bất kể Hải Quân Nam Việt Nam hay Bắc Việt gì hết.
Đại Sứ Martin có lẽ đã quá bận rộn nên quên mình và quên cả lợi
ích của nhơn viên mình. Ông không chịu cho di tản trước mà đợi
đến ngày 29.4.75. Tân Sơn Nhứt đã bị phi tuần A-37 do tên phi
công phản bội, Nguyễn Thành Trung, hướng dẫn bắn phá. Trước đó,
Trung đã lái chiếc F-5 ném bom xuống Dinh Độc Lập. Thế rồi, hỏa
tiễn và đạn pháo 130 ly của Bắc Việt đua nhau bắn phá đường bay
Tân Sơn Nhứt. Trong khi hỏa tiễn đất đối không SA-7 hoạt động
ráo riết ở vòng ngoài.
Cuối
cùng, sau khi đã đích thân quan sát, ông Đại Sứ mới chịu nhìn
nhận rằng Tân Sơn Nhứt không còn khả dụng cho phi cơ thông
thường nữa. Ông đành lòng cho phát động chiến dịch "Frequent
Wind" (Từng cơn gió). Chiến dịch này để di tản người từ Sài Gòn
bằng trực thăng xuất phát từ Defense Attaché Office – DAO (Cơ
quan trợ lực quân sự) ở Tân Sơn Nhứt và từ khu sứ quán. Khoảng
6.236 người được bốc đưa đi đến nơi an toàn, dù cho bị cộng sản
bắn quấy rối khá nhiều. Thế nhưng, có dư luận cho rằng khu vực
DAO và cuộc di tản ở đó dường như được cộng sản cố tình để yên.
Ở tòa đại sứ, trực thăng to lớn sử dụng bãi đáp nằm bên trong
vòng rào, trong khi trực thăng nhỏ bốc người từ sân thượng. Dầu
cho ít thời gian và bãi đáp không thích hợp, nhưng những phi
hành đoàn thi hành công tác vô cùng chính xác và tốt đẹp.
Hai ngày 29 và 30.4.75, đã có 662 chuyến bay không vận của quân
đội Huê Kỳ đã được thực hiện giữa Sài Gòn và những chiến hạm
lảng vảng ngoài khơi, cách đó 80 hải lý. Mười chiếc HHCH-53 của
Không Quân đã bay 82 phi vụ, trong khi 61 chiếc CH-46 và CH-53
của Thủy Quân Lục Chiến bay 556 phi xuất. Cầu không vận đó đã
được 325 phi xuất của máy bay Thủy Quân Lục Chiến, Hải Quân và
Không Quân Huê Kỳ yểm trợ.
"Air America", một đội máy bay của CIA cũng góp phần vào và đã
bay 1.000 phi xuất trong tháng trước. Phi công của "Air America"
đã tận tình một cách đặc biệt, với sự hy sinh quên mình mà những
người gọi là "lính đánh thuê" không bao giờ có được.
Tất cả chấm dứt vào ngày 30 tháng 4. Hồi 04g58 sáng, một chiếc
trực thăng CH-46, với danh hiệu "Lady Ace 09", đưa ông Đại Sứ
Martin từ sân thượng của sứ quán bay ra hạm đội. Lúc 07g53 sáng,
chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh, chở nhơn viên Thủy Quân Lục
Chiến bảo vệ sứ quán. Chiếc trực thăng này bỏ lại nhiều người
Việt Nam (từ 250 đến 400 người) đã được hứa là sẽ đưa đi. Họ chỉ
bị bỏ rơi một cách thô bạo thế thôi. Đó là trường hợp cuối cùng
trong một loạt những trường hợp phản bội của Huê Kỳ ở Việt Nam.
Còn có nhiều trường hợp di tản khác nữa, di tản không chuẩn bị
và hoàn toàn hỗn loạn. Chiếc trực thăng Việt Nam nào cũng đầy
cứng người và trông như đàn ong bay ra những chiếc tàu của Hạm
Đội 7 đang chờ đợi ngoài khơi. Những chiếc trực thăng đó được
phép đáp xuống, những người có súng bị tước lột và đưa đi nơi
khác. Rồi những chiếc trực thăng bị ném xuống biển, nhường chỗ
cho chiếc đến sau. Ít ra có 45 chiếc bị vứt đi như vậy, nhiều
chiếc khác được cất đi để sử dụng sau này.
Những
loại máy bay khác của Nam Việt Nam chạy sang Thái Lan, đáp loạn
xị trên đủ loại sân bay. Người Mỹ ở những nơi đó lúc bấy giờ nay
còn nhớ ra rằng họ đã thấy hàng đoàn phi cơ đủ loại đáp xuống,
chiếc nào cũng đầy ắp người.
Ở Hoa Thạnh Đốn, người ta vội vàng thành lập những nhóm công tác
đặc biệt. Những người có thẩm quyền ở Hoa Thạnh Đốn nhanh chóng
lập nên những trung tâm phụ trách người tỵ nạn ở Trại binh
Chaffee (Tiểu bang Arkansas), Trại binh Indiantown Gap (Tiểu
bang Pensilvania) và căn cứ Không Quân Englin (Tiểu bang
Florida). Trong vòng mấy ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, người ta
đã đưa đến Huê Kỳ 675.000 người tỵ nạn.
Ngày 30 tháng 4, một chiếc xe tăng mang số 843 sơn màu trắng to
lớn tông sập cổng dinh tổng thống Nam Việt Nam. Ông tổng thống
cuối cùng của Nam Việt Nam, đại tướng Dương Văn Minh, cho cộng
sản biết rằng ông chờ đợi để đầu hàng. Nhưng những người cộng
sản nói là ông có còn nắm giữ được gì nữa đâu mà đầu hàng bàn
giao.
Thế nhưng, đến 15g30, những người Bắc Việt chiến thắng hơi lắng
dịu xuống chút ít. Suy đi, nghĩ lại, họ chịu để cho nhà lãnh đạo
hành pháp cuối cùng của Nam Việt Nam lên đài truyền thanh phát
đi lời phát biểu đau đớn, chỉ có hai câu ngắn gọn để ra lịnh đầu
hàng. Như vậy là một hoàn cảnh đen tối khác lại bao trùm xuống
nhân dân, đã một thời mang tên gọi Nam Việt Nam.
Cố Nhân
-------------------------
Mượn ý bài "The Fall of Saigon" của Walter J. Boyne, đăng
trên Air Force Magazine Online, số 4, Tập 83, tháng Tư năm 2000.
[http://www.afa.org/magazine/April2000/0400saigon.asp
Air Force Magazine Online, April 2000 Vol. 83, No. 4]
|