PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Xã hội

Đôi điều nhân một chuyến về

 

  • PSN 2.05.2008 - Hồ Phú Bông

1.

Người thân tôi qua đời, chúng tôi về chỉ còn kịp đi thăm mộ cùng với mẹ tôi vì hôm tang lễ mẹ tôi không đưa tiễn được. 

Mới đó mà đã gần ba mươi năm, tôi mới đi lại lộ trình Sài Gòn-Long An.  Ngày trước đi Bến Lức là đi về miền quê, hai bên đường ruộng lúa xanh ngát với những cánh cò trắng bay la đà.  Không khí nhàn nhã, êm đềm có tầm nhìn hút mắt đó đã tan biến mất!  Sài Gòn-Long An bây giờ là những khu phố san sát, bụi mù và chật cứng!  Sài Gòn như con quái vật chưa no mồi nên đã và đang nuốt chửng từng thành phố nhỏ lân cận.  Lộ trình Sài Gòn-Long An lượng xe không dữ dội như xa lộ Biên Hòa nhưng cũng phải chen lấn, luồn lách, chạy từ từ vì cứ phải ở trong thành phố!  Ngày xưa cây cầu Bến Lức xe chạy hai chiều, bằng bê tông cốt sắt, khá “hoành tráng”, bây giờ chỉ dành để chạy một chiều về hướng Sài Gòn, còn chiều kia đã có thêm một cây cầu mới song song.  Qua khỏi Bến Lức xe quẹo trái, bắt đầu vào đồng ruộng.  Được một đoạn không xa thì xe không còn đường chạy tiếp nên chúng tôi lội bộ.   Vẫn kinh rạch, vẫn những thân dừa ngã ngớn soi bóng trên ao nhưng tôi chưa cảm thấy mùi ngai ngái thân quen.  Có thể tôi mang tâm trạng khác, nhưng cũng có thể bụi mù phố thị đã ùa theo vào đây làm ô nhiễm không khí trong lành.  Cô em dẫn đường đi thoăn thoắt nên chốc chốc lại dừng chân đợi mẹ tôi và tôi.  Tôi chậm rãi đi sau cùng, cũng dành thời gian để quan sát.  Vào sâu, không khí thật sự vùng quê mới hiện ra.  Qua một xóm nhà lá có mấy người ngồi trước hiên, hình như đang uống cà phê, màu da sạm nắng và mặc độc cái quần đùi đang phì phà khói thuốc nhìn khách lạ.  Tôi chụp ảnh đàn vịt con vàng mượt lông tơ lem luốc sình, đang rúc rỉa bên bờ ao.  Mấy căn nhà khác trống hoang trống hoách, không rào giậu.  Màu lá bần xanh ngắt, rễ ngoằn ngoèo nổi trên mặt sình màu xám đậm.  Bầy thòi lòi nằm dương đôi mắt thao láo với trăm ngàn vết bò rối rắm như tranh ấn tượng.  Cái tĩnh mịch vùng quê Nam bộ phải giờ nầy tôi mới cảm nhận lại được. 

Hai ngôi mộ người thân nằm chơ vơ trên đồng ruộng khô nước.  Hai cây mía (lau) cắm ở chân mộ vàng khô lá.  Theo tục lệ, hình như đây là loại gậy đuổi tà ma khi chôn cất(?) Vôi vữa còn vương vãi đây đó nhưng chung quanh vắng ngắt.  Em tôi cắm một bó hoa vào chiếc bình mà thợ chưa kịp gắn vào bia mộ.  Cái mới mẻ của ngôi mộ vừa xây hình như chưa phù hợp được với cái mộc mạc yên lành của quê nghèo.  Ngày trước đi trên đường tôi vẫn thường thấy rải rác những ngôi mộ nổi bật trên các thửa ruộng ngập nước ven đường, và ở đâu đó (hình như đường đi Rạch Giá) lại có một ngôi mộ xây kiên cố nhưng chôn theo thế đứng vì sợ nước làm ngập đầu người chết(?)  Người miền Nam vẫn thường chôn rải rác không có nghĩa địa, hai ngôi mộ người thân của tôi cũng vậy.  Hai cô em tôi lại băng qua bên kia cánh đồng ruộng, xa lắc, đề thắp nhang cho vài ngôi mộ người quen khác.  Cảnh đồng không mông quạnh chợt biến đi khi tôi nhìn thấy mấy cột lớn đang nhả khói của một nhà máy phía đường lộ chính vừa đi vào.   

Khi trở về, vì phải ghé thăm một gia đình bên quận 8, nên xe rẽ vào một đoạn đường mà mỗi bên có 3 làn xe với vạch kẻ đứt đoạn bằng sơn trắng dài mười mấy cây số và một cây cầu ngắn xây kiểu cọ cho bắt mắt.  Mặt đường đen bóng, rộng thênh thang.  Đường phân ranh ở giữa trồng cây và hoa khá đẹp, đang có công nhân chăm sóc.  Có nơi đủ rộng cho một ao cá hẹp đang phản chiếu mây trời, chạy dài giữa hai dòng lộ, nhưng khu vực nầy lại rất ít xe nên cho cảm tưởng như đang ở phương Tây.  Anh tài xế cho biết đây là đoạn đường chạy vào Phú Mỹ Hưng là khu vực xây cất đặc biệt để rao bán cho Việt kiều được quảng cáo tràn lan trên Net.  Tôi chợt nghĩ đến cảnh chui rúc, bờ bụi, muỗi mòng, trốn tránh khi vượt biên và ngày đó báo đài không ngớt kết án là bọn phản động ôm chân đế quốc đi tìm bơ thừa, sữa cặn.

 

2.

Tôi và một người bạn đón taxi ra phố.  Tôi nói với anh taxi:  “Anh chạy xuống hồ Con Rùa”.  Nhìn chúng tôi, anh hỏi:  “Hai chú ở khách sạn Phạm Văn Hai hả?”  Tôi cười, không trả lời.  Tôi đang mặc cái T-shirt trắng với cái logo nhỏ của hãng hàng không Delta “đền” vì toàn bộ hành lý 3 cái valise của tôi bị hãng làm thất lạc.  Khi khai báo với cô phụ trách ở phi trường tôi được trao cho một túi nhỏ trong đó có cái T-shirt nầy, một bàn chải thật nhỏ với chút kem đánh răng loại dùng trên máy bay và một lưỡi dao cạo râu.  Không hiểu là khách đàn bà có khác hơn không(?)  Tôi mặc tuềnh toàng như vậy nhưng cũng lộ diện với anh taxi trẻ!  Chạy một quãng tôi khen anh taxi:  “Anh lái như vậy là đúng lộ trình ngắn nhất, khác với anh hôm qua cứ chạy lòng vòng vì nghĩ là tôi không biết đường”.  Anh trả lời: “Có gian như vậy thì cũng chả được hơn bao nhiêu đâu chú ạ!   Hãng tính tỉ lệ Km thì cũng đâu có ăn cả được?”. - “Thế anh kiếm một ngày được khoảng bao nhiêu?”. - “Dạ, không chừng chú ạ nhưng một tháng cũng khoảng ba, bốn triệu.  Một ca làm là 24 giờ”.  Tôi ngạc nhiên:  “Anh bảo chạy 24 giờ liền?”.  – “Họ chia ca như vậy”.  Nghe anh nói giọng Bắc 75 nên tôi hỏi: “Anh ở Bắc vào hay sinh trong nầy?”. – “Dạ, cháu vào được hơn 4 năm rồi”.  - “Bằng lái của anh là thứ thiệt hay giả?  Tôi nghe nói thời buổi nầy thì đủ loại giả, kể cả vợ chồng”.  Anh taxi cười:  “Dạ, cháu thì bằng thật nhưng người lái với bằng giả nhiều lắm chú ạ”. – “Tại sao lại phải dùng bằng giả?”. – “Vì chạy làm bằng giả chỉ tốn 2 đến 3 triệu là có ngay, còn bằng thật thì khoảng 5, 6 triệu nhưng phải chờ 6 tháng”.  Tôi lại ngạc nhiên: - “Tại sao lại phải chờ đến 6 tháng?”.  - “Vì phải đăng ký và theo một khóa học.  Thủ tục rất nhiêu khê và nhiều khi mấy ổng bày vẽ ra để dễ bán bằng giả cũng nên.  Nhưng bằng giả hay thật cũng từ một gốc mà ra cả đấy, chỉ khác là bằng giả thì không có hồ sơ gốc cho nên nếu bình thường công an không thể phát hiện chỉ khi xảy ra tai nạn lúc đó họ mới truy hồ sơ”.  Tôi ngẫm nghĩ: “Phải chăng vì bằng giả nhiều nên tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam được coi là cao nhất?”.  Anh taxi phân trần: “Cháu chịu thôi.  Nhưng theo cháu, dùng bằng giả thì phải chạy cẩn thận hơn chứ chú ạ!”. 

Đến hồ Con Rùa, tôi định vào một quán cà phê ngồi nhìn, vì ở đây là trung tâm những biến động Hoàng Sa-Trường Sa vừa rồi.  Tôi cũng biết chắc những nơi như thế nầy đang đầy ắp công an chìm nổi.   Tôi muốn nghe cái hơi hướm chung vì lãnh sự quán Trung cộng và Thành Đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam cũng quanh đây.  Nóng quá, anh bạn tôi cởi cái áo khoát vắt lên vai đẩy tôi đi về hướng nhà thờ Đức Bà.

Hai, ba chiếc bus chở đầy du khách đổ xuống trước cửa chính nhà thờ.  Nghe ngôn ngữ lạ tai nên tôi đoán có thể số du khách nầy đến từ Đông Âu.  Hai cô hướng dẫn viên mặc áo dài màu sáng tươi nhưng héo nhàu trên khuôn mặt.  Trời nóng bức làm tóc, mồ hôi và trang điểm dính vào nhau.  Tà áo dài chỉ đẹp ở trời mát và gió lộng còn hoàn cảnh như thế nầy thì chưa chắc đã gây được “ấn-tượng-Việt-Nam” và biết đâu ngược lại?  Tôi ngồi lại dưới chân tượng Đức Mẹ nói chuyện với một anh thợ chụp hình về những kỷ niệm cũ.  Anh là hình bóng tôi hơn hai mươi năm trước.  Ngày đó tôi miệt mài nơi địa bàn nầy để kiếm sống khi ra khỏi tù.  Số thợ cũ đã tản mác không biết về đâu chỉ còn lại hai người nhưng tôi không gặp.  Chị Hai “dao lam” cũng còn bán cà phê bên kia đường nhưng không có “quán” như trước.  “Quán” cà phê của chị bây giờ là chiếc ấm xách tay di động để né công an.  Cái biệt danh của chị là do đám thợ hình “ác ôn” chúng tôi đặt.  Chị có thân hình thật mảnh.  Cà phê của chị thật ngon nên nổi tiếng với biệt danh “cà phê nhà thờ” (khoảng thời gian 1983-86) mà giá không đắt, nhưng vì đám thợ nghèo cứ uống ghi nợ, đến khi có tiền trả thì số tiền đã lớn đến không ngờ và biệt danh “Hai dao lam” ra đời!  Chị thật kỳ lạ!  Như một loài dây bám chặt vào hè phố.  Loài dây thật nhỏ, thật mảnh nhưng bền bỉ đến lạ thường.  Tôi không ngờ, hơn hai mươi năm gặp lại, chị vẫn vậy vậy cho dù tóc đã trắng khá nhiều.  Hay chị đã mảnh đến độ không thể mảnh hơn nên bây giờ tôi vẫn nhận ra?

Hai chúng tôi la cà theo Tự Do, vào tiệm sách Xuân Thu chật cứng sách vở và người, rồi ra trung tâm thành phố.  Mặt tiền nhà hát (Tòa nhà Quốc Hội thời Việt Nam Cộng Hòa) bây giờ có thêm mấy bức tượng kiểu Hy Lạp đứng hai bên, nơi mà mới đây công an đàn áp nhóm Nhà báo Tự Do căng biểu ngữ cầm tay bằng vải đen, nổi trên đó là năm cái còng Olympic Bắc Kinh 2008, để phản đối Trung cộng công khai hợp thức hóa việc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa nhưng nhà nước Việt Nam tùng phục một cách khiếp nhược nên cố tình giấu kín.  Hôm nay một tấm biểu ngữ khác hoan hô mấy trăm người nào đó đậu được bằng “thông dịnh viên quốc tế” đang treo ngang cửa ra vào!  Không hiểu như vậy thì khi thi đỗ các bằng cấp đại học có “oai” như bằng thông dịch viên đang được tổ chức ra trường tại đây không? 

Bức tượng lính Thủy Quân Lục Chiến chỉa súng vào tòa nhà Quốc hội đã bị giựt sụp ngay sau 30-4, bây giờ là cái hồ nước cạn màu rêu nhạt với một bức tượng gây ấn tượng trông như mẹ bồng con.  Tượng Đức Trần Hưng Đạo chỉ tay ra biển vẫn còn đó.  Bến Bạch Đằng không thay đổi nhiều.  Một quán nước tại đây, không được sạch sẽ mấy, tôi uống một hộp coke 10oz, thay vì 12oz như thông lệ, 15.000 (tương đương 1 đô la)  Bên Thủ Thiêm nổi lên mấy bảng quảng cáo thương hiệu nước ngoài thật lớn.   Hình như cái gì dính tới ngoại quốc cũng có được một chỗ đứng tốt hơn, Việt Nam quả là một dân tộc sính ngoại!  Bàn cạnh tôi, một ông ngoại quốc đang cắm cúi gõ trên laptop còn đầu óc tôi chợt ráo hoảnh.  Tôi ngồi nhìn hai em bé khoảng chín mười tuổi đang bì bõm trên sình, dưới chân đầu cầu, đưa vợt bắt từng con cá nhỏ tí xíu bỏ vào bọc nylon, không biết hai em bắt cá làm mồi hay để ăn(?).  Dòng sông Bến Nghé đục ngầu vẫn cuồn cuộn trôi.    

 

3.

Mua vé xe bus Phương Trang đi Đà Lạt, bến xe chính ngay tại khu phố “Tây Ba Lô” Đề Thám.  90.000đ/vé.  Người nhà cho biết đây là loại xe “cao cấp” chỉ dành chở người nước ngoài nhưng mới mở rộng thị trường để lấy thêm khách Việt Nam.   Tôi đọc dòng chữ bằng inox bóng loáng bên hông xe, gần cửa lên xuống:  Aero Express High Class.  Tài xế và lơ mặc đồng phục, cà vạt.  HH và tôi thủ sẳn nước khoáng với bánh mì vì ngại ăn dọc đường nhưng vừa ngồi vào ghế mỗi người được trao thêm một chai nước nước lọc, một khăn giấy ướp nước thơm đựng trong bọc plastic mang tên hãng xe.  Xe chạy đúng giờ, anh lơ thông báo lộ trình nơi dừng xe giữa đường, nơi ăn trưa và ước tính giờ xe sẽ đến Đà Lạt.  Chuyến đi khá thoải mái.  Có một điều đặc biệt là tại một điểm dừng ngắn cho hành khách giải quyết nhu cầu, chúng tôi theo đám đông và ngạc nhiên khi phải sắp hàng!  Nhìn phía trước có vẻ lộn xộn, thì ra là khách phải cởi bỏ giày dép để lại ở bậc tam cấp và chỉ dùng dép riêng của nhà vệ sinh!  Một anh “Tây Ba Lô” lẹ tay buộc giày riêng lên ba lô đang đeo, trước khi mang dép nhà vệ sinh, phải chăng đây là phản ứng “tự nhiên” trước nạn cắp vặt(?)  Tôi cũng hơi lo ngại nhưng không kịp phản ứng.  Vừa sợ mất giày, vừa sợ phải mang đôi dép ướt nhèm nhẹp của nhà vệ sinh!  Hú vía, mọi chuyện đều tốt đẹp và có người giải thích là phải làm như vậy để nhà vệ sinh sạch sẽ hơn. 

Chúng tôi xuống xe khi cách Đà Lạt gần 30 km.  Đây là một vùng quê nhưng cũng đã đổi thay khá nhiều nên khó nhận ra nếu không có người nhà đứng đón.  Tôi quyết định sẽ ở lại đây trọn tuần với gia đình và cũng để biết thực tế đời sống của người nghèo.  Cầu Bồng Lai được đúc bê tông, đường đã tráng nhựa chạy thông đến Đơn Dương.  Đi đến mảnh đất cũ của gia đình, cái “plantation” 8 mẫu vuông vức với ao cá, vườn cà phê, cây trái, mà cả đời ba má chúng tôi đầu tư vào đấy từ đất rừng, đã bị cướp trắng ngay sau 1975, lòng tôi quặn lên.   Hết bị cưỡng bức “hiến điền” lại đến bị hăm dọa đưa đi học tập cải tạo về tội “tư sản mại bản”, cuối cùng gia đình phải chạy về miền Tây lánh nạn.  Chạy lòng vòng nên tán gia bại sản, đến năm 1991 mới dám quay về lại thì không còn một chỗ để cắm dùi!  Khiếu kiện liên tục mười mấy năm, ba má chúng tôi mới cầm được “quyển sổ đỏ” mà “chính quyền” vừa đền bù, là một miếng đất mặt tiền, dưới trũng sâu, 5x15 mét gần ngã ba Phi Nôm đi Đơn Dương!  Ba má chúng tôi đang ở tuổi 90, má tôi bỏm bẻm nhai trầu, tự an ủi: “Thôi, của đổ hốt lại được gì hay nấy!”

 

4.

Tôi đến thác Prenn không phải để du lịch mà để tìm lại dấu vết xưa.  Đoạn đường từ Liên Khương đến Prenn nhà cửa san sát.  Hai ngôi làng K’long A, K’long B của người K’ho biến mất.  Trước 1975 đây là đồng ruộng, là đoạn đường nguy hiểm nhất thường bị du kích Việt cộng đắp mô, đặt mìn.  Lúc đó những ai du lịch Đà Lạt khi đi ngang qua địa điểm nầy đã thấy đồng bào người Thượng mặc xà rông, đóng khố và phần nào nét sinh hoạt của họ qua hình ảnh nhà sàn, heo gà chạy lông rông, là một báo hiệu đặc thù về Đà Lạt.  Hình ảnh tự nhiên đó đã mất.   Nếu từ phi trường Liên Khương đến Prenn có nhu cầu giao thông tăng vọt thì, thay vì mở rộng con đường có sẳn, vừa tiện, vừa rẽ, người ta lại cầu kỳ đi xẻ một con đường mới chạy dọc theo chân núi Voi.  Con đường mới như là một vết thẹo vĩnh viễn, tàn nhẫn trên khuôn mặt mĩ miều của thiên nhiên để mặc cho nó một cái tên thời đại là “đường cao tốc”!  Đoạn đường cũ ôm ấp quanh mấy ngọn đồi nhỏ, quanh năm xanh mát trước khi đến cầu Prenn là báo hiệu cảnh đồi núi nên thơ của đường đèo trước mắt, người ta tàn phá không thương tiếc, chỉ để cuối con đường cao tốc gặp nhau tại đầu cầu Prenn.  Nơi đây được mở thật rộng, mỗi bên 3 làn xe với cổng trả tiền toll giống như chuẩn bị đi vào một đô thị công nghiệp lớn!   

Thác Prenn không còn thiên nhiên.  Cứ trông như một ngọn thác giả, nước đục ngầu.  Chủ trương khai thác thương mại tối đa nên những quán nước, quán bán đồ lưu niệm, đặc biệt lại có một cầu treo một buồng duy nhất (cable) chỉ dài vừa đủ chiều ngang thác nước bon chen giữa cảnh trí thiên nhiên vốn dĩ đã thật hẹp.  Đôi vợ chồng đà điểu cao quá đầu người có lông tơ xám mịn từ cổ trở lên với đôi mắt ngơ ngác trông thật đáng yêu nhưng không phải được thong dong cho khách thưởng ngoạn ném thức ăn!  Đôi vợ chồng nầy đang phải “lao động”(!) và bị nhốt vào vòng kẽm gai với chiếc yên da màu đen đợi đưa du khách tham quan giá 20.000, cỡi chụp hình 10.000 một lần!  Một chú ngựa tía được trang trí đặc biệt để khách trèo lên ngồi chụp ảnh ngay chân thác.  Nếu không trèo lên mà chỉ đứng bên cạnh để chụp cũng phải trả 5.000.  Nhìn về cuối khu vực thác, tôi thấy trên lưng 2 chú voi đang lố nhố mấy người khách nước ngoài!  Khi tôi leo trở lên dốc đang phân vân nửa về, nửa ở thì cùng lúc hệ thống cable vận chuyển, tiếng kêu như tiếng cưa máy của ai đó đang tàn phá thiên nhiên!  Bên cạnh đó một tấm biển chỉ đường lên “Đền bà chúa thượng ngàn” độ dốc thật đứng.  Tò mò, tôi leo lên.  Toàn bộ đỉnh một ngọn đồi thông thiên nhiên bị cắt gọn!  Một ngôi “đền” với võng lọng vàng son chật cứng trong ba gian thờ, có một cái sân thật thoáng mát, trông còn thật mới.  “Đền” thật vắng, tôi hỏi người đàn ông duy nhất, (tôi đoán) chủ ngôi đền, trạc 60, về lai lịch “bà chúa”.  Ông giải thích là bà chúa có từ đời vua Lê, chuyên bảo vệ núi rừng.  Ông hướng dẫn tôi quan sát quanh “đền”, chỉ tôi vị trí “long tàng” là con suối đang chảy xuống thác, phía sau lưng và núi Voi “phục” ngay trước mặt “đền” là địa lý có một không hai!  Ông khoe ba “Đền Hùng” cũng ở các đồi bên cạnh và thắng cảnh nầy đã được ông Nguyễn Khoa Điềm (lúc bấy giờ đang là Trưởng ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương Đảng) phong làm “thắng cảnh quốc gia”!  Bây giờ thì tôi mới hiểu ra chiếc xe jeep mui trần, gắn loại vỏ đặc biệt để chạy trên đường ciment có lằn ngang làm sẳn, đặt ở ngay chân thác dành cho du khách nào thích mướn để lên “viếng Đền Hùng”!

Nếu có “Bà chúa thượng ngàn” là người bảo vệ thiên nhiên thì “bà chúa” có đồng ý cho cắt ngang một ngọn đồi nguyên sinh để lập đền thờ không?  Đã là “bà chúa” thì có cần “long ẩn, voi phục” để làm vua chúa người đời(?) hay đây là mộng vương tướng lỗi thời của ai đó vào đầu thế kỷ 21?  (Mong thay những dòng nầy đến tay ông)

Đà Lạt là thành phố nổi tiếng về du lịch nhờ phong cảnh và khí hậu nhưng người ta đã không bảo vệ, tôn tạo mà chỉ biết khai thác thương mại như khai thác thân xác một cô gái nõn nà nơi chốn lầu xanh! 

Từ nơi tôi ở lên Đà Lạt bằng xe bus 9.000đ/vé.  Ngày xưa, không một góc phố, một con hẽm nào không có dấu chân HH và tôi nhưng hiện tại chúng tôi đang thật sự là người khách xa lạ.  Có gõ dấu giày mình trên lối cũ mới thấm hết được cái hoang vắng trong tâm hồn.  Chúng tôi ghé thăm một người bạn cũ còn sót lại.  Có lẽ anh là con số hiếm hoi còn trụ lại!  Nhìn anh, rồi nhìn hai tấm ảnh lớn hơn phân nửa người thật, đang treo trong phòng ngủ, anh mở cửa cho chúng tôi xem, mới thấy rõ hết dấu vết của thời gian.  Một tấm, anh trong bộ quân phục đại lễ trắng đỏ, áo có ngù, dây biểu chương màu bảo quốc huân chương đang đứng thế nghiêm với thanh kiếm chỉ thẳng lên trời, tấm kia, bộ nhung phục dạo phố mùa Đông với nụ cười tự tin của tuổi trẻ.  Giọng anh trầm tĩnh: “Bất công và bạo ngược khắp xã hội nhưng mình già rồi đâu còn làm gì được nữa!  Mới hôm rồi tụi nó gọi cả lô người vượt-tường-lửa lên làm việc, may quá mình không dính.”  Tôi tế nhị hỏi chuyện khác khi vừa nghe hai chữ “may quá”.  Hai chữ thật vô tình nhưng đã nói lên một sự thật: sự đầu hàng nghịch cảnh.  Tôi hỏi anh có nghe các vụ biểu tình của dân oan, của sinh viên về Hoàng Sa-Trường Sa, anh bảo “có nghe” với một thái độ thật thờ ơ!  Quay qua chuyện con cái, anh nói: “chúng cũng đỗ đạt và đang làm cho hãng xưởng nước ngoài.  Thôi, cứ để cho tụi nó yên, linh tinh một đời như tụi mình có được cái gì đâu?  Chỉ thiệt lấy thân!”  

Ngọn lửa đấu tranh của người Việt hải ngoại, vốn đã yếu vì chia năm xẻ bảy, liệu có làm ấm lại được nỗi giá băng trong tâm thức của những người “bám trụ”?  Khi còn trẻ nếu ai chê mình “hèn” thì chắc chắn sẽ tranh cãi đến cùng, hoặc đưa đến xung đột tay chân, nhưng hơn ba mươi năm vô vọng và phải ép mình chịu đựng, “hèn” giờ đây đã trở thành một triết lý sống?   

Chúng tôi trở lại Sài Gòn cũng bằng xe bus Phương Trang.  Lần nầy tôi mua vé trước một ngày để chọn hai ghế đầu vì chúng tôi muốn dễ dàng ghi nhận phong cảnh.  Đúng giờ thì có taxi đến đón tận nhà và đưa chúng tôi đến bến.  Hai ghế đầu phía bên kia của hai người vừa quá tuổi trung niên, có vẽ có địa vị xã hội, vì bên ngoài rất đàng hoàng và suốt lộ trình, dù không muốn, tôi cũng phải nghe loáng thoáng chuyện họp hội và lệnh lạc cho nhiều người qua cell phone.  Chúng tôi lại cũng bị phát hiện là ở xa về, một ông bắt chuyện trước: “Anh chị là Việt kiều Mỹ hay Canada?”  Ông tiếp: “Tôi có mấy đứa bạn từ Mỹ về cứ rủ tôi đầu tư nuôi cá ở bên đó để bán cá sống trực tiếp cho các chợ Việt Nam.  Tụi nó về rủ tôi đi chơi hoài.”   HH và tôi không biết việc thương mại nên đề tài lan man chuyện khác.  Những bảng hướng dẫn trong xe toàn là chữ Đại Hàn, chỉ duy nhất một tấm biển tiếng Việt gắn trước xe, ngay chỗ cửa lên xuống: “Vì lý do an toàn lái xe Phương Trang luôn chạy tốc độ đúng qui định xin quý khách lượng thứ”  Tôi chỉ vào đó hỏi ông: “Tôi từ xa về nên mới tò mò, ông xem câu viết!  Tại sao tài xế chấp hành tốt luật pháp, hãng xe lại phải “xin quí khách lượng thứ”?  Ông ngạc nhiên, đọc kỹ lại câu “slogan” mới bật ngữa!  Tôi tiếp: “Phải chăng chính câu viết nầy đã phản ảnh đúng thực trạng xã hội?”  Ông kia chen vào: “Anh chị có thấy sự đổi thay và có biết những chương trình rất hoành tráng của đất nước không?”  Ông khoe nhờ “đổi mới” nên tăng trưởng kinh tế hạng nhất Á châu!  Tôi tế nhị hỏi lại: “Ông có thấy hãng xe cho chiếu DVD ca nhạc suốt dọc đường là hoàn toàn được sản xuất ở hải ngoại?”  Lúc đó hình như ca sĩ Duy Khánh(?) mặc quân phục Dù với bê rê đỏ vừa hát xong bản “Người ở lại Charlie” có kèm cả hình ảnh khói lửa từ đại pháo và xe tăng.  Tôi thêm: “Trước 1975, Đà Lạt-Sài Gòn đã có hai hãng xe bus là Thống Nhất và Thành Lợi, khách muốn đi giờ nào cũng có vé, tuy lúc đó xe chưa có máy lạnh và không rộng như xe đang chạy nhưng 1/3 thế kỷ trước đã văn minh như vậy thì hiện tại, nói chung, phải gọi là “đổi cũ” chứ sao lại đổi mới?  Ông kia trả lời thế: “Thì với mấy ổng là đổi mới còn với mình là đổi cũ!”  Tôi tiếp: “Cái giá phải trả cho đổi cũ là sinh mạng 4-5 triệu người trẻ Việt Nam, ai chịu trách nhiệm?”

Một tuần lễ tại vùng quê, tôi có thì giờ mở TV nhiều lần.  Chiếc TV màu, thật cũ, mà giờ phát hình bình thường chỉ có 2 đài.   Em tôi nói nếu muốn nhiều đài thì có TV Cable, phải trả thêm 30.000đ/tháng (tức khoảng 2 đô la).  Đài VTV-1 về tin tức.  VTV-3 giải trí (bóng đá và phim truyện Đại Hàn chiếm đa số).  Đặc biệt xướng ngôn viên của cả 2 đài nầy đều nói giọng Bắc.  Tuyệt nhiên không có giọng Nam!  Hiếm hoi lắm mới nghe được giọng Nam là nhờ các phỏng vấn về vụ lúa bị sâu, rầy.  Theo dõi tin tức (khá kỹ) tôi thấy không có lý do nào để phàn nàn chính phủ.  Tin nào cũng thành công tốt đẹp.  Chính phủ lúc nào cũng lo cho dân.  Hình ảnh các cấp lãnh đạo Đảng lúc nào cũng bình dân và ân cần khi tiếp xúc.  Những tin tức và hình ảnh của các viên chức ngoại quốc ca ngợi Việt Nam được đưa lên rất nhiều.  Cũng nhờ cơ hội nầy tôi mới biết nhân dáng ông Trương Tấn Sang, đặc biệt ông không có đôi vành môi mà cả khi nói lẫn cười miệng ông đều có hình chữ C úp.  Hôm đó ông đang ban thông điệp cho giới làm báo, viết văn.  Câu hỏi chưa có câu trả lời trong tôi là tại sao hai đài TV nầy chỉ dành đặc biệt cho những người không có TV cable, là thành phần nghèo khổ và toàn giọng Bắc(?)

Báo chí đã nói nhiều đến chênh lệch giàu nghèo tăng nhanh, khoảng cách ngày một lớn nhưng chưa thấy ai lưu ý khoảng cách thông tin chênh lệch cũng không kém!  Những người nghèo khổ vẫn hy vọng Đảng sẽ đem đến hạnh phúc!  Vẫn sống trong chờ đợi!  Ắt hẳn những người nghèo, những em bé lam lủ quanh năm vẫn tưởng đời mình long đong, lận đận là do số phận.  Hiện tại gần 80% dân số Việt Nam sống ở miền quê, dưới mức nghèo khổ, đang là chỗ dựa của Đảng và liệu Đảng có dám cho họ một lượng thông tin cần thiết để hiểu được sự thật và, ít nữa, cũng theo kịp một phần nào đó của văn minh nhân loại?

 

5.

Trước khi ra đi, em gái tôi trao tôi một DVD và một xấp hình chụp hôm tang lễ của người thân để phân phối cho con cháu.  Em tôi nói: “Tụi nhỏ tổ chức ma chay cho cậu cũng được lắm. Cũng hoành tráng lắm”.  Tôi ngạc nhiên đến mở tròn mắt, thao láo nhìn cô em mà một thời cũng từng làm ở Giám Sát Viện số 27 đường Nguyễn Trung Trực, Sài Gòn.  Thì ra, ngôn ngữ tự nó có khả năng xâm thực khi mà nhà nước chủ trương.  Cho dù thế giới đang thu hẹp nhờ xa lộ thông tin internet nhưng thuyết tuyên truyền nhồi sọ của Goebelbs không phải là không còn hiệu lực!  Cơ quan văn hóa của Đảng và nhà nước đã đặt vào miệng báo chí, TV hai chữ hoành tráng.  Nhà nước muốn hoành tráng là thành quả của đổi mới!  Làm gì cũng nghe hoành tráng, đọc gì cũng thấy hoành tráng.  Tôi chợt nghĩ đến 4 chữ phồn vinh giả tạo tại miền Nam sau ngày 30-4-1975!  Ngày đó bất cứ cái gì tốt đẹp đều là phồn vinh giả tạo! 

 

(March, 08)

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.