Ai
cứu xóm Chùa?
Xóm Chùa là tên
một làng quê được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn của nữ tác
giả Đoàn Lê (trong tập Trinh tiết Xóm Chùa, NXB Hội Nhà
văn, 2005). Có thể đó không phải là một địa danh thật và không
phải mọi câu chuyện ở đây đều xảy ra tại một làng quê cụ thể
nào, nhưng với cái nhin sắc sảo và nhân ái của tác giả, tôi tin
là những câu chuyện xảy ra liên quan đến cái Xóm Chùa này đều là
những chuyện có thật tại nông thôn nước ta từ ngày Mở cửa. Tôi
khâm phục văn tài của Đoàn Lê vì chị đã làm cho người đọc không
thể không khắc khoải suy nghĩ và lo âu cho tương lai của nông
thôn nước ta trước những diễn biến đi ngược lại với truyền thống
nhân văn, nhân ái qua hàng nghìn năm qua.
Xóm Chùa hay Xóm Chùa Ông là nơi dân chúng tụ tập lại sống quanh
khu lăng mộ của một liệt sĩ dòng tôn thất nhà Trần. Xóm Chùa
đang yên lành thì náo động lên bắt đầu từ cái cát-sét có được
sau ngày giải phóng. Nó làm đủ mọi nhiệm vụ trong đám cưới, đám
tang. Không ngày nào không có người tìm đến chủ nhân với hàng
đống các loại băng khóc cha, khóc mẹ, loại dành riêng cho con
dâu, con rể, con nuôi, có cả loại kinh Phật dành cho đối tượng
đang thập tử nhất sinh. Cú sốc lớn hơn là từ ngày cái gái Nhớn
được tuyển làm diễn viên ở Trung ương quay về làng với hai
mắt xanh lè, mí mắt rắc nhũ óng ánh, mặt mũi chỗ đỏ, chỗ nâu,
quần áo miếng xanh, miếng tím.. Rồi lại xuất hiện cái ti-vi
cho cả xóm xem chung. Tiếp đến bà Chiu bán rượu nếp bị chiếc xe
của Tây móc vào đòn gánh kéo lê một quãng gây xây xát nhẹ mà
được đền tới 400 đô-la, khiến cho nhiều người ao ước được vướng
vào xe của Tây như bà (!). Rồi chuyện cô gái lai đen tên Mừng
chuyên hủ hóa với trai làng và quy đổi ra thành gạo. Nhưng chưa
có gì đáng xáo trộn bằng chuyện mở đường cao tốc qua làng làm
tha hóa cả một tầng lớp cán bộ thất học và tham lam. Chủ tich
xã Quang sau bốn năm cầm quyền, bằng cách nhử mồi câu cá, sợi
dây bảo hiểm cho gã hoạn lợn đã dài tận Huyện, tận Thành phố, gã
cóc sợ ai nữa. Gã thường bật cười bảo dân xóm Chùa: Các vị đi xe
đạp lên Tỉnh kiện tôi sao nhanh bằng tôi đi xe máy(!). Thế
là lão bán đứt Khu vườn cây của các cụ cho Viện cây giống. Nhưng
sự thật là “Viện đứng nhận lấy danh nghĩa thôi. Họ chỉ có ba
suất. Còn bác Thái (bí thư) lo cho bảy suất con cháu anh
em trong nhà…Còn mười suất phía ông Quang chủ tịch mặc ông ấy
lo… Ông biết Viện trưởng Viện cây giống là ai không? Chồng con
Cúc nhà dượng Tám gọi chúng tôi bằng bác họ” …Thế đấy, họ
Đào vươn ngành, vươn chi như vòi bạch tuộc, bám vào đất xóm Chùa
chưa thỏa, sao còn dây mơ rễ má, cốt che mắt thiên hạ ăn cướp
với nhau. Họ tranh cướp nhau mặt đường đến nỗi lão Hớn đã nói “
Để có rẻo mặt đường dưới âm, cần phải chết sớm tranh đất, tôi
xin chết ngay”. Thiêng thật, sau khi bị mất trộm ba cây vàng
có được do bán hớ mảnh đất đáng giá mười ba cây lão đã thắt cổ
tự vẫn. Đáng sợ hơn là thời kỳ cô Khờ (có ông nội là mõ làng, bố
đi đánh dậm nuôi cả nhà) lấy người Đài Loan đổi tên là Lầy Lầy
và với dáng điệu đung đưa háng với bộ váy xẻ ngược, xẻ xuôi, để
lộ đến tận khúc đùi nõn nà, đập cửa ô tô đánh sầm rồi điềm nhiên
lắc mông đi về làng. Lầy Lầy mừng tết Trung Thu cho mỗi người 1
đô-la, trẻ con mỗi đưa mỗi gói bánh quy kèm mấy viên kẹo Tàu.
Cả làng được dịp rộ lên kéo nhau đi nhận quà như đi nhận phát
chẩn. Lầy Lầy về làng để tuyển con gái đi Đài Loan mà tiêu
chuẩn phải xinh xắn, dễ coi, trẻ, khỏe…lại còn phải xịn. Lầy Lầy
dám bảo bà Duệ lo cho khoản tiền kha khá để vá màng trinh cho
con bà trước khi đưa đi xuất ngoại. Và bi thảm nhất là chuyện cả
làng há hốc mồm ra khi biết kết quả khám nghĩa vụ quân sự có tới
một nửa thanh niên xóm Chùa bị loại vì máu có khoản dương
tính với con Hít (!).Lão Bản ngậm ngùi: Còn đâu Xóm Chùa
ngày xưa nữa. Giờ tha hồ con gái đóng mác xuất ngoại, con giai
đu đưa ma túy,ca-ve lẻn vào tận làng hoạt động kiếm tiền.
Cái tha hóa len lỏi đến cả nhà ông lão đại tá về hưu có thằng
con phá hang làm Khu Du lịch sinh thái rởm Hang Dơi. Nó đưa ba
gái về nhà nói dối là để chờ lớp đào tạo nhà buồng, không ngờ
một cô khiêu khích được lão già đến nỗi làm ông chết vì nhồi máu
cơ tim ngay trên giường (!).
Đọc xong 16 truyện trong tập sách này lòng tôi đau xót quá. Đành
rằng không phải chỗ nào cũng như Xóm Chùa này, nhưng rõ ràng ở
nhiều nơi nông thôn hiện đã không còn bình yên nữa. Tôi thường
xuyên trả lời trên báo Nông nghiệp Việt Nam cho nên hàng ngày
nhận được khá nhiều thư. Bên cạnh những thông tin đáng mừng về
thành công của đổi mới cây trồng, vật nuôi và phát triển nghề
thủ công, còn không ít những lá thư tâm tình về sự nghèo đói, bỏ
học, buồn chán và cả những thư hỏi rất nhiều về chuyện tình dục
trước hôn nhân. Nông thôn đang chuyển động. Cái tốt đang về với
làng quê nhưng không ít cái xấu cũng đang len lỏi về theo. Nhà
nghỉ, quán Karaokê, cắt tóc thư giãn, Game online …đang tỏa dần
đến tận các xóm làng vốn bao đời thanh bình, êm ả. Không it
những cán bộ cơ sở hy sinh việc nhà để gánh vác biết bao công
tác giúp đỡ dân làng chỉ với những đồng tiền lương hay phụ cấp
quá ít ỏi. Nhưng những Xóm Chùa vẫn hiện diện nơi này nơi nọ với
những biến tướng khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự tha hóa
của cán bộ cơ sở, sự tê liệt hoạt động của Đảng và các đoàn thể
quần chúng, sự bóp nghẹt dân chủ, trù giập người cương trực và
sự tiếp nhận dễ dãi những lối sống hưởng thụ không lành mạnh.
Ai cứu những Xóm Chùa nói trên? Câu hỏi đó cần được mọi người
suy nghĩ trước khi để tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu.
Đừng quên rằng trên 70% cư dân nước ta còn đang sống ở nông thôn
và nguồn lực lao động để công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước
đang trông chờ vào lớp trẻ còn đang chưa rời khỏi đồng ruộng hôm
nay.
Nguyễn Lân Dũng
Theo
Vietsciences.org
Trinh tiết xóm chùa
Ba chữ đại tự sơn đen Triều phục thôn vẫn được giữ y nguyên trên
cổng làng tới tận giờ. Ra điều xưa kia ở đây có ối quan, phấp
phới đường thôn toàn phẩm phục triều đình, chứ không phải loại
quần áo giô- kề hàng thùng nhà chúng bay, nói cho mà biết!
Thế nhưng con Khờ dám đung đưa háng với bộ váy xẻ ngược, xẻ
xuôi, để lộ đến tận khúc đùi nõn nà, đập cửa ô tô đánh sầm, rồi
điềm nhiên lắc mông đi vào làng. Cứ hệt như con Khờ nhón váy
bằng hai ngón tay cong cong kiểu cách, chiếu cố bước qua vòm
cổng thiêng liêng của xóm Chùa ông. Cha con đĩ, thôn triều phục
nó coi chẳng khác cửa hàng Karaôkê nhà nó à!
Nếu ở trường hợp khác chắc cái Khờ không khỏi bị các cụ bà chửi
té tát vào mặt. Còn các cụ ông sẽ khạc nhổ, rủa một câu thật
hiểm: “Rõ nòi nhà mõ!”. Mõ vốn chức danh của ông nội con Khờ,
người có công đẻ ra anh đánh dậm, bố nó, một thời làm chủ tịch
xã rất hách. ông ta được cái nết chưa quen tham ô, chưa mạnh tay
“thiến” dân như các đời chủ tịch kế nhiệm. Bởi vậy lúc ông ta
đột ngột chết, nhà cửa vẫn tuềnh toàng, mấy món tiền kếch sù sắp
bí mật chia chác hóa ra tuột hết. Thôi cũng được cái tiếng trong
sạch làm vui!
Xây
nhà ba tầng, xây lại mộ cụ mõ, xây mộ ông đánh dậm, nghênh ngang
to bằng hai nhà táng ở giữa nghĩa địa xóm Chùa, rất khiêu khích.
Nay Khờ lấy tên họ Tàu, gọi là cô Lầy Lầy. Chả biết lầy lội đẹp
hơn khờ khạo ở chỗ nào, nhưng từ dạo nó bị người ta dụ dỗ đem
bán tận Hồng Kông, chốn lầu xanh nó kiếm được anh Từ Hải lấy làm
chồng, ai cũng mừng cho phúc phận nhà nó. Mừng hơn nữa nó biết
mang cái thân xác tìm về quê quán, lại mang kèm theo hàng đống
tiền, vàng, của nả... Năm ngoái nó cho mẹ tiền
Đành rằng từ thời mở cửa, xóm Chùa ông có thừa hơi hướng văn
minh hiện đại, những nhà cao tầng mọc như nấm rơm, video mở cả
hăm bốn tiếng, nhưng ngôi nhà ba tầng sang trọng hơn cả khách
sạn ba sao ngoài tỉnh cùng hai ngôi mộ nói trên vẫn khiến cả
làng lác mắt. Lần này về cô Lầy Lầy lại biếu bà con họ hàng mỗi
người một đồng tiền Tây làm quà mừng Tết Trung thu, trẻ con mỗi
đứa mỗi gói bánh quy, kèm mấy viên kẹo Tàu. Cả làng được dịp rộ
lên, kéo nhau đi nhận quà như đi nhận phát chẩn.
-Tiên nhân nó! Nó cho mỗi người một tờ tiền âm phủ đây này!
Lão Tí-nghệch ra điều có con giai bên Canada thường xuyên gửi
tiền về cho, lão khinh khỉnh mắng bà cụ Mạch:
- Bà dở hơi! Tờ một đô la chính cống của Mỹ đấy. Cái thứ tiền âm
phủ cúng bái của các bà gọi là tiền hàng mã, tiền nhái. Ai chê
cứ đưa tôi tiêu hộ.
Lão Bản chăn con bò ra khu lăng Ngài cũng nhấp nhổm không yên vì
chuyện đô la. Lão gọi thằng cu Sữa, bạn chăn bò vong niên của
lão mà hỏi:
- Mày đã được ăn kẹo Tàu rồi hở?
- Chả bằng kẹo dồi làng mình ông ạ. Thơm hắc.
- Hừm, không quen khéo tháo dạ bỏ bố!
Cu Sữa tên khai sinh là Chiến Thắng, em giai cu Bơ. Cu Bơ, nhân
vật trong chuyện Đất xóm Chùa nay đã lớn, giờ trao lại nghề chăn
bò cho thằng em út, đi lái xe ôm. Như vậy chứng tỏ đời sống đang
tiến lên. Lão Bản lắm lúc nhớ Sĩ Thái Sư lẫn cu Bơ đến ngơ ngẩn.
Lão định bụng sang mùa đông cũng bán bò, giải nghệ.
- Này, cu Sữa, mày trông bò hộ tao, nhát tao cho “năm hìu” đánh
con đề số không bảy. Đêm qua tao nằm mơ thấy rắn rồi.
- Không chơi nói dối đánh lừa trẻ con đâu đấy.
- Nứt mắt đã gớm. ông dối bao giờ?
Lão Bản lườm nó, xong đi thẳng qua cánh đồng về xóm ba, tới nhà
ông Sĩ Duệ, tức Sĩ Thái Sư. Nhất định phải thăm dò xem con Khờ
làm gì lắm tiền thế. Nó vung tiền khuấy động làng này cốt trêu
ngươi ai? Bà Sĩ Duệ con gái họ Đào, chị em thúc bá với vợ ông
đánh dậm, tất phải biết mọi chuyện.
Vào đến sân, lão Bản nhìn thấy Sĩ Thái Sư ngồi ở bàn nước ngóng
ra. Bà Duệ đang sàng gạo ngoài hè. Lão Bản chợt nhận xét Sĩ Thái
sư tóc tai dạo này có vẻ bạc tợn, nhưng bà vợ mặc cái áo hở rộng
cổ thế kia trông còn ngon lành ra phết. Lão Bản tủm tỉm nhớ bữa
ông chồng bình phẩm vụng sau lưng vợ. Các mụ nhà ta đều giống
miếng thịt ngan già luộc dối, đã hoi lại dai như chão! Chả bù
ngoài tỉnh, năm sáu chục xuân xanh vẫn nõn nà trông tựa miếng
giò lụa... ồ, không, trong cái áo mốt mới thế kia chưa gọi là
miếng thịt ngan già được. Lão Bản cất giọng đùa cợt:
- Gớm nhẩy. Giờ đôi chim bồ câu chỉ ngồi nhà gù nhau, ai sướng
bằng? Hơn được lên tiên!
Thấy lão Bản, Sĩ Thái sư vội vớ cái ấm chuyên trà, vui ra mặt.
Ngày nào lão Bản không qua lại uống trà, chuyện gẫu, Sĩ Thái sư
tưởng chừng thiếu hụt điều gì, chén trà thiếu hẳn hương vị. Còn
uống trà kiểu độc ẩm chẳng thà ra vục ngụm nước mưa ngoài bể.
Chính ông cũng không phân biệt được mình nghiện trà hay nghiện
lão Bản. Người ta nói tâm giao tri kỷ ở chỗ đó.
Bà Duệ không để lão Bản kịp ngồi đã tìm cớ phân trần chuyện nhà,
hy vọng lôi kéo lão vào phe đồng minh. Tay vẫn nhoay nhoáy cái
sàng, bà Duệ rỉ rả khơi chuyện:
- Ngồi gù nhau thì bồ câu, bồ nông đều đói rã họng, sướng nỗi gì
hở ông? Đấy, tôi mới phân tích cho thằng cháu cả, ông ạ. Nó sắm
xe máy, vừa ngốn xăng, lại khi hỏng hóc chữa tốn tiền triệu, rồi
mua mười, bán năm... Chả thấy nó xót ruột... Nhưng cứ nói tậu
cho bố mẹ đôi bò để sinh lợi hàng ngày, nó quầy quậy tiếc của.
Mất đi đâu một xu hở ông? Rõ ràng mua năm, bán mười cơ mà... Nó
chơi xe, chúng tôi chơi bò, đổ đồng như nhau, hỏi ai khôn hơn
ai?
Sĩ Thái sư bật cười. ông biết ngay, thấy mặt lão Bản mụ này sẽ
lại lồng lên chuyện mua bò, lấy cớ trách chồng, trách con cho
xem... à, nó giàu bằng ai đã vội xấu hổ, không dám để bố mẹ chăn
bò như xưa? Chăn bò là cách người già nghỉ ngơi thong dong ngoài
đồng mát mẻ, làm quan làm tướng gì phải giữ mẽ? Cứ nói toẹt,
chẳng qua nó sĩ với đằng con vợ ngoài tỉnh nhà nó...
Sĩ Thái sư chuyên xong chén trà, mới thủng thẳng tiếp lời vợ:
- Ông Bản thấy bà cháu dại chửa. Con nó cho chơi lại không muốn,
cứ thích lăn ra làm. Làm đến chết à?
- Vâng, tôi xưa nay chỉ thích làm đến chết. Chăn con bò mà sợ?
Bà hơi xẵng giọng. ông Sĩ Duệ vội cười nịnh.
- Ơi dào, thích thì bà chăn ngay tôi đây này. Tôi xin làm bò cho
bà chăn, được không? Phải bò bốn chân như bò thật, tôi cũng
xong. Bò tôi lại không đòi ăn cỏ rách, mưa nắng không bắt ai lặn
lội, chỉ thi thoảng nhẹ nhàng mua cho đồng rượu, thế thôi...
Lão Bản vào hùa với bạn:
- Chí phải. Giàu cũng giàu rồi, mà nghèo cũng nghèo..."nứt đố đổ
vách" ra rồi. Tôi sắp làm đơn trình lên bà nhà tôi xin bán bò,
nghỉ hưu đây. Ngẫm ra chỉ tại các bà vụng đẻ. Cứ thử đẻ được đứa
con gái như con Khờ, có bằng vạn con bò không nào? Ai xứng xách
dép cho nó chưa? Con giai lão Tí-nghệch mang tiếng Việt kiều
Canada về làng mà kiệt, một đồng xu cũng không rơi vãi. Ôi chao,
nếu tôi có con gái ấy a...
Lão Bản bỏ lửng. ông Sĩ Duệ cảnh giác lảng sang chuyện khác. Dù
sao con Khờ cũng gọi bà Duệ bằng dì, chuyện xấu tốt mặc thây nó,
ông không dây, không động chạm trước mặt vợ. Chẳng may lỡ mồm lỡ
miệng, mụ họ Đào nhà ông lại gầm lên.
Năm ngoái con Khờ tức cô Lầy Lầy về thăm nhà, khi trở lại Hồng
Kông mang theo tấm ảnh lẫn lý lịch cái Huệ, em họ cô, lúc ấy vừa
tròn mười tám tuổi. Hai tháng sau, Lầy Lầy đón Huệ theo đường du
lịch sang bên đó để làm “vòng một”. Vòng một nói nôm na là cuộc
gặp gỡ giữa lão già Hồng Kông sáu mươi ba tuổi với Huệ, do Lầy
Lầy môi giới.
Xem xét mặt hàng, lão già thấy ưng ý thì kết thúc vòng một, lão
thuê Lầy Lầy chạy giấy tờ làm thủ tục hôn thê. Cũng vừa vặn hết
hạn du lịch. Huệ trở về Việt Nam thông báo chuyện cưới xin với
gia đình. Bố mẹ nó liền cấp tốc tổ chức mấy mâm cỗ “diện hẹp”,
để cái Huệ còn kịp quay sang Hồng Kông làm tiếp “vòng hai”. Tất
cả chớp nhoáng nhưng răm rắp theo đúng trình tự, không sai một
ly. Xong vòng hai, Huệ chính thức thành vợ lão già ngoại quốc,
dứt hẳn với chốn quê nhà "ăn xó mó niêu", đồng thời cũng từ đây
chính thức trở thành mỏ vàng cho cố hương. Nào gửi tiền để bố
xây nhà, sắm xe cho em, nào gửi năm ngàn đô la bước đầu giúp mẹ
trả nợ mọi khoản chi phí trước khi cưới...
Lão Bản phát ghen, chửi đổng: “Con mẹ nó! Cứ như thể cái ấy của
nó tạc bằng kim cương chứ không phải thường!”
Sau chuyện con Huệ, các bà mẹ xóm Chùa ông tỉnh ngộ rằng “đầu tư
chồng ngoại” cho con gái, chắc chắn lãi nhất. Trừ phi trời không
cho phải chịu. Riêng lão Bản quy tội tại vợ, mắng vợ vụng đẻ. Ai
đời đẻ toàn giặc nhà trời, năm thằng con giai ăn tàn phá hại.
Rồi đây chúng ta phải “bứng” những của sứt môi, lồi rốn xóm
Chùa, gái ế ẩm không xuất ngoại được. Lấy vợ hư vẫn có cơ rèn
cặp thành ngoan. Chứ lấy vợ xấu cầm bằng nó hại mấy đời con cháu
nhà mình.
Giống má ép-một, ép-hai sẽ chẳng ra người, chẳng ra ngợm. Kinh
nghiệm xương máu đời lão, hỏi sao không thấy? Cái mũi mỏ chim,
cặp chân vòng kiềng của đám con giai lão đều thừa hưởng ở mẹ
chúng đó thôi? Bởi vậy trước đây lão vẫn ngấm ngầm để ý cô con
út ông Sĩ Duệ cho thằng cả. Con bé như nụ hồng hàm hiếu, xinh
quá, xinh đến mức lão phấp phỏng không dám hy vọng nhiều. Bây
giờ lại nổi lên chuyện chồng ngoại, còn nói gì nữa!
Nhưng xinh quá chưa chắc đã hay. Có giời mới biết bà Duệ đang
tan nát cõi lòng từ hôm con Khờ trở về. Nói cho chính xác là từ
buổi tối Khờ tập hợp tất cả các bà bá, bà dì, nội ngoại ruột
thịt đến nhà, nói toẹt rằng:
- Cháu về lần này cũng muốn nhặt vài chị em gái, đưa sang bên ấy
cho đông vây cánh làm ăn. Cứ có khả năng "xuất" được cháu sẽ
giúp. Các bà phải xác định cho con cháu đi cứu gia đình thoát
nghèo, thoát khổ. Quanh quẩn xóm Chùa ông đây, dù tài, dù sắc
đến mấy cũng chả có cơ hội đổi đời. Làm vợ mấy anh nhọ đít, hai
tay vày lỗ miệng, phí!
- Chết chết, chị kín đáo chứ! Khéo không người ta bảo chị là mẹ
mìn Tàu thì khốn!
Một bà bá lên tiếng can. Cô Lầy ngật cái cổ trắng phau cười giòn
giã:
- Buồn cười chưa? Cháu làm gì phạm pháp đâu. Là cháu thương họ
hàng loay hoay nghèo túng, cháu giúp, bận đến ai? Ôi dào, khối
người lạy cháu chả được.
Các bà nghệt mặt nghe. Có lý quá. Chỉ một lát sau các bà tranh
nhau vanh vách khai bằng hết lý lịch của con gái. Cái Khờ tuyên
bố dứt khoát:
- Toàn người nhà, cho phép cháu nói thật. Em Thảo con dượng Tám,
em Thủy con dì Tác Lan, em Hoa con dì Huệ, những em như thế mới
lo được. Còn chị Hà con bá Thu... Cháu nói thật nhé, chị ấy
ngoại hình hơi yếu đành chịu vậy. Tiêu chuẩn phải xinh xắn dễ
coi, trẻ, khoẻ. Đặc biệt các chị em phải còn “xịn”, các bà hiểu
chứ ạ? Cái Khờ giải thích cặn kẽ chuyện chị em phải còn “xịn”,
cũng như các chuyện khác. Ai thắc mắc gì cứ hỏi. Càng nghe nó
giải thích càng thấy nó không khờ tí nào. Cuối cùng mọi người đã
thông suốt hết. Lúc ấy cái Khờ mới lôi quà cáp ra chia, người
vuông khăn, kẻ tấm áo. Lại còn kính râm, cà vạt cho các bác
giai; son môi, nước hoa cho các cô em ở nhà... Nhưng xôn xao
nhất là những bức ảnh con Huệ gửi về gia đình.
Trong ảnh không có cái nào thấy hình ông lão sáu mươi chồng nó,
chỉ rặt ô tô, phòng tắm lộng lẫy, người nó lấp lánh nữ trang
trông lóa mắt. Chao ôi, con bé mò cua bắt ốc ngày nào bỗng thoắt
cái lột xác thành bà hoàng đây này! Từ lúc ở nhà con Khờ về, bà
Duệ đứt từng khúc ruột. Cái Huệ đã ăn nhằm gì.
Con Hoa nhà bà mới thật xinh như hoa, nức tiếng hàng xã. Hoa
cũng vừa mười tám, thi trượt đại học, hiện đang ôn tập, quyết
chí thi cử phen nữa. Thế nhưng đầu năm nay nhà bà xuất hiện anh
chàng quay phim chụp ảnh đám tang, đám cưới, có cửa hiệu ngoài
phố. Cả nhà đều ngầm hiểu anh chàng ngấp nghé cô Hoa. Anh ta
không đỏm trai nhưng bù lại rất mau mắn mồm miệng, thi thoảng
không quên biếu Sĩ Thái sư bánh thuốc lào chính hiệu Tiên Lãng,
vài lít rượu làng Vân ngon nổi tiếng để ông ngâm thuốc. Dĩ nhiên
Sĩ Thái sư liền say đứ đừ, say cả rượu lẫn thuốc lào. Giả dụ anh
chàng phó nháy định chim Sĩ Thái sư thì chỉ cần thế cũng đủ ông
đổ kềnh, không phải cưa kéo thêm. Nhưng cô Hoa tỏ ra khôn đáo
để. Bà Duệ hỏi han, cô chỉ trả lời lấp lửng:
- Dào ôi, đã biết đâu bụng dạ người ta. Mình quê mùa, chắc gì
người ta ưng. Họ đùa mình đấy thôi.
Bà Duệ mừng thầm. Gái khôn mới biết vè giai. Vè, có nghĩa chỉ
lượn lờ, sát đấy mà lảng ngay đấy. Con mồi không biết đường lần,
lúc ngỡ mình chẳng là cái đinh gỉ, lúc lại ngỡ mình nắm chắc
trái tim nàng trong lòng bàn tay. Nhưng tưởng bở, tim đâu rẻ
vậy? Ngay tim lợn cũng nằm trong loại mặt hàng cao giá nhất trên
phản thịt ngoài chợ kia kìa!
Đến một hôm bà Duệ ngỡ ngàng bắt gặp cô Hoa cầm sợi dây chuyền
lóng lánh mặt đá đỏ, ướm lên cái cổ trắng mềm mại như ức bồ câu
của cô.
- Ở đâu ra vậy, Hoa?
Hoa giấu không kịp, đành chìa sợi dây chuyền lấp lánh cho mẹ, ấp
úng:
- Vàng giả đấy mẹ...
Nhưng giấu sao được bà Duệ. Đây mà là vàng giả?
- Mày định bịt mắt tao cơ à? Gớm thật! ơó đâu ra thứ này, nói
ngay!
- Con... nhặt được của rơi ngoài đường.
- A, thế! Thế thì tao cất thứ của rơi nhặt được này đã.
Lúc ấy Hoa mới van vỉ mẹ, nói thật hết. Của anh chàng phó nháy
xú-vơ-nia nhân sinh nhật cô. Bà Duệ im lặng nhưng mơ hồ lo lắng.
Linh cảm của bà không lầm. Một bữa bà bắt gặp Hoa đang lén ăn
khế ở góc vườn. Xưa nay con bé sợ chua thế, lẽ nào... Bà bàng
hoàng. Chẳng nói chẳng rằng bà túm cô gái rượu ngay dưới gốc
khế, lôi thốc vào buồng. Bằng một cái giật rất phũ bà dứt tung
cúc áo đứa con gái đang nhũn người ra. Giật tiếp cái xú-chiêng,
bà há hốc miệng ngó sững. Đôi bầu vú trắng nõn phồng to khác
thường, hai núm xinh xinh phớt hồng của nó nay cũng sẫm lại, nở
gấp ba... Để không nghi ngờ gì nữa bà nắm cạp chun quần Hoa kéo
xoạt xuống ngang hông. Cô gái không kịp phản ứng. Bụng nữ thần
sắc đẹp chỉ hơi nhô chút đỉnh, nhưng con mắt đàn bà của bà Duệ
nhận biết đích thị là Nó.
Bà Duệ ngã vật xuống giường chết ngất. Trong cơn nức nở bà tiếc
công giữ ngọc gìn vàng cho con gái suốt mười tám năm, như giữ
con ngươi. Vậy mà... ôi con ngươi là con con ngươi ơi! ôi thuốc
lào Tiên Lãng với rượu làng Vân kia ơi!
Phải người mẹ khác chắc chuyện om sòm làng nước. Nhưng đây tịnh
không. Vẫn thấy bà Duệ đảo những chảo cốm thoăn thoắt, niềm nở
tiếp khách ngoài chợ tỉnh vào cất hàng.
Sáng tinh mơ hôm thứ ba, bà Duệ cùng Hoa đi tỉnh sớm. Tìm tới
hiệu chụp ảnh, nhưng nó đã đóng cửa. Hỏi chủ nhà mới biết thằng
phó nháy vào Nam rồi, mấy tháng tiền thuê cửa hiệu nó cũng quỵt
luôn. Ra ngoài đường bà Duệ rít lên:
- Thằng chết tiệt có biết mày bị không?
- Có.
- Nó nói sao?
- Bảo để lo cưới.
- Cưới cái mả mẹ nó! Thôi, về...
Tang rượu làng Vân chỉ còn vương hơi trong mấy hũ thuốc bắc khô
như rắn ráo. Sĩ Thái sư không hề hay biết gia đình ông đang trải
qua cơn bão lớn tương đương cơn bão Băng-la-đét. ông hồn nhiên
hỏi con:
- Này Hoa, thằng phó nháy sao lâu chưa thấy đến chơi, nhẩy?
Con gái ông gằm mặt lí nhí đáp:
- Con không biết ạ.
Bà Duệ ngấm nguýt trả lời hộ:
- Nó bị kẹp xe chết rồi. Từ rày ông đừng hỏi đến nó cho tôi đỡ
lộn ruột.
- Ơ hay, ruột bà lộn ngang lộn dọc mặc bà, sao tự nhiên độc mồm
vậy?
- Ôi chao, nó lấy vợ, bỏ rơi con gái ông kia. Tôi nói thế đã
thất hiếu hử? Rượu với thuốc sướng quá! ông đừng bàn việc nhà
cho nát thêm ra nữa.
Ông tịt. ơ được, không cho tham gia nội chính ông càng rảnh
rang. Dạo này ông đánh bạn với lão kép cải lương về già. Lão ta
sống một mình ở ngôi nhà nhỏ cuối thôn bốn. Thi thoảng lão vẫn
lén lút đón ca-ve non thật xinh về ngôi nhà độc thân suốt đêm,
để nó hầu hạ đấm bóp tấm thân nhăn nheo một nắm xương khô cho
sướng. Vợ lão chết đã lâu, không ai nỡ xét hỏi. Mà có xét, nay
lão bảo cháu gái gọi vợ bằng dì, mai bảo cháu gái con ông bạn
thân ngoài phố thì đã sao.
Nhất là không phiền toái. Chờ trời tối, chạy xe máy cái vèo lên
đến đầu tỉnh đã đón được “của lạ” về tận nhà. Như thế sạch sẽ
hơn, như thể con hát-i-vê không dám đánh đường mò về tận nơi xóm
Chùa ông thiêng liêng. Chuyện kinh thiên động địa nhưng không ai
biết cả... Chỉ cần kín đáo một chút... Lấy khăn che mặt đi em!
Ông Sĩ Duệ cũng vài lần được lão kép cải lương “đưa vào đời” tại
nhà hàng tỉnh lẻ cho an toàn. Ôi chao, sự ấy không thể tả nổi.
Từ đám ca-ve, hai anh già “ngộ” được nhiều điều đến thú vị. Mới
hôm nọ lão kép thì thào kể cho ông Sĩ Duệ chuyện “chữ trinh kia
cũng có ba bảy đường”, bằng giọng rất đỗi nghẹn ngào... Xin đừng
hôn em. Em thề đã giữ cái hôn cho chồng em. Anh mất tiền, muốn
làm gì cũng được, nhưng chỉ từ dưới cổ trở xuống. Chồng em ở đâu
ư?
Anh ấy đang ngồi tù. Ngồi tù vì buôn lậu nuôi mẹ con em đấy. Em
sẽ đợi chồng em. Bao giờ anh ấy trở về, em không phải đi khách
kiếm tiền nuôi con nữa...
Lão kép hát rớm nước mắt bảo ông:
- Thấy chưa? Ai dám bảo chữ trinh chỉ có một kiểu?
Sĩ Thái sư gật gù bán tín bán nghi. Nó giữ chữ trinh hay nó gần
cái miệng thuốc lào lão già nó sợ? Cũng mặc mẹ nó. Dù sao từ dạo
được “đưa vào đời” ai trông Sĩ Thái sư đều khen trẻ ra.
Bây giờ ông càng muốn phó thác gia đình cho vợ con. Dưới bàn tay
mụ nữ tướng, đâu khắc vào đó. Thì đúng đâu lại vào đó. Nhờ tài
khéo léo của bà Duệ, cô Hoa sau một tuần vắng mặt, lên phố giúp
việc anh chị, nay bỏ học về nhà quanh quẩn làm cốm với mẹ. Gia
đình Sĩ Thái sư lại êm đềm như thường. Không ai biết giây phút
nằm tênh hênh trên bàn bệnh viện, cô Hoa ngây thơ phập phồng
tình yêu của xóm Chùa đã chết rồi. Giờ còn lại đây một cái xác
lạnh khô, chán chường đến mức không buồn... chết nữa!
Bởi vậy sáng chị Lầy Lầy sang chơi. Hoa không tươi tỉnh mặn mà
lắm. Nhưng chị Lầy Lầy vừa thấy Hoa đã vồn vã xoắn xuýt.
- Ôi, lâu không gặp con bé, ai ngờ em gái chị "chim sa cá lặn"
thế này! Dì ơi, bằng nhà dì trúng xổ số thêm áp mạn đấy.
Bà Duệ cùng Hoa nín thít, mặt chảy dài. Lầy Lầy đoán ngay có
chuyện khúc mắc. Chưa kịp hỏi han, Hoa đã lỉnh xuống bếp. Bà Duệ
kéo tay Lầy Lầy vào trong buồng tỉ tê mọi chuyện.
- Giời ơi, sao em con dại thế. Phí đời cho thằng phó nháy!
- Vậy đấy. Giờ chị muốn giúp em cũng chả được. Sự tình ra nông
nỗi này, sang nước người ta thêm nhục. Dì nghe nói bọn đàn ông
ngoại quốc phát hiện con gái không còn nguyên vẹn, nó bán luôn
vào nhà chứa. Nếu không nó cũng vùi dập hơn con ở nhà nó.
- Chuyện xảy ra đến thế, đành tìm cách gỡ. Dì khổ tâm mấy cũng
không kéo lại được. Bây giờ dì nghe con, nếu nhà quyết tâm để em
Hoa đi, con khắc có cách.
Cái Khờ ngó trước ngó sau rồi hạ giọng thì thào vào tai bà Duệ:
- Dì thu xếp cho con một khoản kha khá. Con có đường dây bí mật
đưa em Hoa đi sửa sang lại.
- Chị bảo sao? - Bà Duệ sửng sốt ngó sững cái Khờ.
- Con sẽ đưa em đến một cơ sở y khoa đặc biệt, ở đấy người ta
nhận vá, người ta tân trang nguyên lành như cũ... Dì phải thề
giữ bí mật cho con đấy. Chuyện này nghiêm trọng lắm. Nếu hở ra
chúng nó giết con, không đùa đâu dì ạ.
Bà Duệ cứ há hốc miệng. Giời ơi, có thế như thế được ư? Lại như
thế thật sao? Tân trang xong, con gái đã hư cũng trở lại thành
“xịn”, lại rách, lại toạc, lại có quyền lên giá nhờ cái “trinh
tiết y khoa” ấy sao?
Trưa hôm đó, sau bao nhiêu ngày u ám Sĩ Thái sư mới thấy vợ cười
nói hớn hở ra mặt. Bà dịu dàng bảo ông:
- Cái khoản tiền của họ, ông cho tôi mượn tạm ít hôm đã.
- Bà nói hay chửa. Tiền đâu của nhà mình. Đã định ngày đầu tháng
tới các chú thím ấy về...
- Cứ đưa đây tôi giật tạm, lo việc trước đã. Rồi tôi nhắn thằng
cả chạy sớm hoàn lại. Hai triệu nhà ông chưa to đâu!
- To nhỏ mặc tôi, không được đụng vào đấy. Mà bà làm gì cũng
phải nói ra chứ. Buôn bạc giả hay sao?
Tức thì mắt bà long lên. Bà điên lắm. Muốn biết sẽ được biết!
Đằng nào việc con Hoa đi Hồng Kông rồi cũng phải bàn. Đã khoẻ
hoạnh hoẹ thì dỏng tai nghe cho hết những điều bà âm thầm gánh
vác hộ “quả phúc” nhà ông nhá!
Sĩ Thái sư tưởng đâu sét đánh xuống đầu. Những chuyện khốn nạn
đến thế chúng mày dám giấu ông? Chúng mày coi ông là thứ gì
trong nhà này hả? Ông càng tức gấp đôi vì không thể quát tháo
cho hả giận, càng không thể nện mẹ con nhà họ Đào một trận thừa
sống thiếu chết.
Sĩ Thái sư lao ra khỏi nhà như phát rồ. Đi cho bình tĩnh. ở nhà
có thể ông hộc máu mắt. Qua khỏi ngõ, bất đồ ông chạm trán lão
Bản dong bò đi thả. Lão Bản toét miệng cười trêu:
- Thiết triều hôm nay có người vạch mặt gian thần đấy ngài Thái
sư ạ.
Ý lão Bản nhắc khéo việc mấy ông xóm Chùa định làm đơn kiện
thằng cha chủ tịch xã. Mọi bận thế nào Sĩ Thái sư cũng hồ hởi
bắt chuyện, bàn bạc, to nhỏ với lão. Nhưng lạ, bữa nay mặt Sĩ
Thái sư cứ hằm hè, tái dại rất khó tả. Lão Bản liền rủ:
- Rỗi, đi với tôi đi. Không trò chuyện mồm nó mốc ông ơi.
Lão cũng đang đầy ứ một bầu tâm sự cần được thổ lộ đây. Hai
người lặng lẽ theo sau con bò. Cả hai đều cúi đầu mà đi, trông
xa như thể họ mặc niệm trước mông con vật.
- Thằng Hợp, Phó Chủ tịch xã nói còn sai làm sao. Đi khám đợt
nghĩa vụ năm nay mới chết đắng ra. Một nửa thanh niên xóm Chùa
bị loại vì máu có khoản... dương tính con Hít.
Ông Sĩ Duệ trợn tròn mắt hỏi lại:
- Sao? ông nói sao? Sao lại bố láo thế được? Tôi ngỡ chỉ có con
nhà Cua thôi chứ?
- Cái thằng chết tháng trước hử? Nói làm gì... Sang giai đoạn
cuối bây giờ đã có ba thằng nữa rồi. Con nhà Thìn, con Tài Bân,
con mụ Thích.
- Chao ôi, xóm Chùa đổ đốn thế rồi ư?
Lão Bản ngậm ngùi:
- Thôi đi. Còn đâu xóm Chùa ngày xưa nữa. Giờ tha hồ con gái
đóng mác xuất ngoại, con giai đu đưa ma tuý, ca-ve lẻn vào tận
làng hoạt động kiếm tiền... Còn gì để nói, hở ông?
Sĩ Thái sư liếc xéo lão Bản. Cái vẻ thâm trầm mỉa mai còn phảng
phất trên gương mặt lão khiến ông gai người. Lòng dạ ông như bị
xát muối. Và cùng với nỗi xót thầm, ông nghe tức tưởi trỗi dậy
một sự phản kháng yếu ớt. Nói cho cùng, đám con gái xóm Chùa có
đánh cắp trinh tiết cũng đâu phải tội lỗi ghê gớm lắm. Chúng là
nạn nhân thôi. Nạn nhân cho thói đời, cho đồng tiền theo cách
chúng nó. Thời buổi mở cửa, chữ trinh dẫu đến ba vạn đường đã
sao? Những thằng đàn ông nước ngoài dại dột cứ để chết bố chúng
nó!
Con bò thong dong gặm cỏ. Hai lão ngồi xuống bờ tường đá khu
nghĩa địa. Từ đây nhìn xuống đất xóm Chùa uốn lượn giống hình
con rồng nghênh chầu mặt nguyệt. Mặt nguyệt chính là ngọn đồi.
Khu nghĩa địa được xây hình tròn trên đỉnh đồi cũng tựa cái rốn
của mặt nguyệt. Hướng cửa nghĩa địa quay về làng, để trừ ma quỷ
cho dân con xóm Chùa ông. Do vậy xưa nay ai cũng yên chí mình
được che chở, chả sợ gì sất...
“Ôi, vậy vì sao ra nông nỗi này?”. Sĩ Thái sư bải hoải ngoảnh
nhìn xóm Chùa. ơ kìa hình như dải đất uốn lượn thân thuộc ấy
bỗng dưng lùi xa, lùi xa từng tí một trước mặt ông. Hay có làn
sương mù nào đang giăng lên, chephủ xóm Chùa chăng? Mà lạ quá,
ngay bờ tường đá dưới chân ông cũng bồng bềnh tựa hồ thụt xuống,
lún xuống...
Sĩ Thái sư xây xẩm mặt mũi, ngã lăn vào lòng lão Bản. Hai tay
ông vẫn chới với muốn níu giữ lấy cái gì vô hình đang vuột mất.
Đúng lúc một cơn xoáy lốc ào qua, cuốn theo tiếng kêu của lão
Bản về làng, rồi thả rơi từng khúc âm thanh rời rạc, nghe như
tiếng ai gọi hồn...
|