PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Xã hội

"Miếng nhục"
của người nghèo Sài Gòn

 

  • PSN 5.06.2008 - Nguyễn thị Lan Anh

Nhận trát đòi họp mặt của Lớp trưởng P. với lý do liên hoan mừng X. xong cái Thạc sĩ, kẻ viết bài phải miễn cưỡng có mặt. Bữa tiệc chiêu đãi X. toàn những thứ quê kiểng như rau muống xào tỏi, bầu luộc chấm chao, chả nhái, dế cơm chiên giòn, cá kèo nướng mọi (cá còn sống, đặt lên vỉ nướng, xong chấm muối ớt ăn ngay), ốc xào nước dừa, uống với bia Tí Ghè (Tiger).

Tàn buổi, hai chục tên già đầu trợn mắt nhìn cái hóa đơn kê số tiền một triệu rưởi, xuýt xoa kêu đắt. Kẻ viết bài nhẩm tính trong đầu ba ngàn một gói mì ăn liền. Một triệu rưởi mua được năm trăm gói mì. Thời buổi đắt đỏ này, mỗi ngày chỉ cần hai gói đủ sống. Nếu được năm trăm gói, quá bằng kho báu!

Tính toán thế, vì kẻ viết bài quen biết em Trần T., sinh viên năm cuối khoa Sử trường KHXH&NV. Công thức tồn tại của Trần T. là sáng mì gói, chiều mì gói. Nấu nước sôi, cho thêm mấy lá rau vặt ở vườn trường (lá cây ớt, cây hoa mào gà, cây sống đời…), rồi thả gói mì vô. Đợi mì nở mềm, chan cơm nguội, lua một mạch hai chén cơm ngon lành, đủ năng lượng họat động nửa ngày cho tấm thân cao thước sáu, nặng nửa tạ. Ngồi với T. nghe kể về Phan Rang quê em, vùng đất nóng như rang, không có rau cỏ gì ăn được vào mùa khô. Những cây xương rồng tua tủa gai trên đồi cao, dê bò phải cố nuốt. Mẹ em lấy lá khoai mì muối chua (như muối dưa). Ngay cả cùi mít cũng muối chua kiểu “nhút” của dân Thanh Chương – Nghệ Tĩnh. T. bảo trọ học ở Sài Gòn, ăn uống kham khổ, đối với dân miền Trung rất bình thường vì “nứt mắt bọn em đã biết mùi nghèo. Nghèo từ trong trứng nghèo ra”. Thực đơn nấu mì gói chan cơm cả chục ngày liền vẫn được coi là thần tiên, vì còn cơm “đoàn tụ” với mì, thay vì cơm không, hay mì không.

Trong vài tuần lễ liền, trên bảng kỷ lục thắt lưng buộc bụng, kẻ viết bài đã xếp anh sinh viên T. ở ngôi đầu bảng. Cho đến khi tiếp cận các tín đồ canh bún chợ Phạm Văn Hai, vị thứ này mới thay đổi. Nhưng canh bún là món gì?


Photo Lan Anh/Việt Tribune
Gánh hàng rong canh bún này thật quen thuộc ở Sàigòn.

Đây là món Bắc quý vị ạ. Cực kỳ dễ nấu. Lại rẻ tiền. Kẻ viết bài từng thấy các bà Bắc di cư 54 ở Hố Nai – Biên Hòa nấu canh bún theo công thức tôm khô giã nhỏ đun sôi kỹ, cho rau cần nước vào, nêm nếm. Xong cho bún “tùm” vào theo. Hết chuyện! Khi ăn thì mắm tôm, tiêu, chanh ớt cho lên mặt, kiểu lấy cay, lấy nóng làm ngon của con nhà nghèo.

Còn canh bún chợ Phạm Văn Hai khác hẳn. Nó là sự hợp tấu của canh bún và bún riêu. Người ta giã cua đồng lọc nước, đun sôi. Thịt cua kết lại thành giề. Cà chua xào, đổ lên mặt nồi nước, thêm tí gạch cua chưng hành mỡ tạo cảm giác bồng bềnh mây nước. Đọan thả bún sợi to vào, đun sôi. Rau muống luộc cắt khúc, để riêng. Khi khách ăn thì múc bún vào tô, cho ít rau muống lên, chan nước. Khéo sao cho có miếng cà chua, riêu cua chen giữa rau muống. Lọ mắm tôm, đĩa chanh ớt để sẵn, khách tự lấy.

Giữa không gian nghi ngút khói sương, toàn đàn bà với nhau khỏi phải giữ kẽ, chị em thoải mái húp soàn sọat, vã mồ hôi, nước mắt nước mũi vì cay vì nóng. Người khỏe có thể “đánh” một lúc hai tô. Đứng dậy, trả sáu ngàn. So với một gói mì nấu lên, chan cơm, thì vẫn rẻ hơn. Lại nhanh chóng, tiện lợi, đủ vi ta min. Chị Hương bán quần áo sida trong nhà lồng chợ Phạm Văn Hai vừa rút “xà beng” xỉa răng, vừa kể gia phả bà hàng bún “con mẹ bán canh bún này trụ ở đây hơn mươi năm rồi. Ban đầu đặt quang gánh vỉa hè, bán năm trăm, một ngàn. Rồi lên ngàn rưởi, hai ngàn một tô. Chỉ canh bún thế mà xây nhà lầu, thuê mặt bằng, mướn thêm đầy tớ… Suốt khu chợ rau chợ cá, bọn bán quần áo, trái cây, mỹ phẩm, đều ăn của nó”. Thế chắc phải ngon? Bà bạn chị Hương lắc đầu “Chả ngon! Nhưng được cái rẻ vô địch. Ngồi bán ngoài chợ cả ngày, ế ẩm, nóng nực. Chỉ thèm đồ nước. Nhưng hủ tiếu, bún bò, miến gà, mì… thì mười ngàn, ăn không nổi.

 

"Phải ăn canh bún”

Nghe các bà vén màn bí mật trong khâu bào chế canh bún, kẻ viết bài bủn rủn cả người. Cua đồng nấu canh bún là… cua chết. Cà chua cũng mua lọai dập nát. Rau muống để nguyên chiều dài cọng rau, rửa qua, luộc trong nước có bỏ thuốc tiêu mặn – bi cạc bô nát đờ xút – cho rau vừa xanh, lại mau mềm… Nồi nước cua màu đỏ cam hấp dẫn là nhờ bột ngọt và bột màu công nghiệp (lọai dùng pha để sơn quang dầu bàn ghế)… Biết độc thế, sao cứ ăn? Thời buổi tiền mất giá này, ba ngàn thì mua được gì hơn thế mà chẳng ăn? Vả lại chê canh bún, ăn thứ khác, thì cũng “ngon bổ, vệ sinh” y vậy thôi.

Thực tế phũ phàng từ bát canh bún của các bà các chị buôn bán cò con, ít tiền, thích tiện ở chợ Phạm Văn Hai, coi vậy, nhưng chưa phải là ghê gớm, thảm khổ gì nếu so với các công nhân xí nghiệp. Công nhân ngày nào cũng vào ca từ sáng tới chiều, tới khuya. Có muốn cũng không thể nấu mì gói chan cơm như anh T., hay lê la canh bún như các bà ngoài chợ, mà chỉ đành nhắm mắt nuốt những thứ được xí nghiệp cung cấp, để rồi không ít lần bị ngộ độc hàng lọat, phải đi bệnh viện cấp cứu.

Xuống tìm hiểu một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, kẻ viết bài được chủ cơ sở N.M, vốn là chỗ học trò cũ, kể rành mạch:

“Người cung cấp hàng (thịt cá, rau củ), người chế biến hàng, và người đặt hàng, ba người này đều biết sự kém phẩm chất của nguyên liệu. Và cả ba người này đều không ai dám ăn những thứ được nấu xong. Nhưng rồi vẫn phải mua, phải nấu, phải nhận về phân phối vì “bị ép giá tàn bạo”. Thị trường Sài Gòn, theo nhiều nguồn tin khác nhau thì tháng 3 và khốc liệt nhất là tháng 4 sắp tới đã và sẽ có cả ngàn mặt hàng đồng lọat tăng giá từ 10% tới 40%. Tại các siêu thị Big C, Sàigòn Co-op, Citimart, Maximart… thịt heo ngon trên tám chục ngàn đồng một ký. Tép tám chục ngàn. Cá biển ba chục ngàn. Rau cải các lọai, dầu ăn, bột ngọt, đồ khô… đều lên. Vậy mà một suất ăn của công nhân chỉ đặt bọn em bảy ngàn. Bảy ngàn mà đòi cơm phải đủ ăn no. Thức ăn ngoài canh, còn phải một món xào, một món mặn, cả trái chuối tráng miệng. Ai nấu nổi với giá đó? Nhưng vẫn phải nhận. Vì mình từ chối, “thằng” khác vớt liền… Thịt, cá nhiều bữa, vừa bịt mũi vừa làm. Đành lấy gia vị nhiều làm ngon, lấy khuất mắt trông coi làm sạch” Nhưng công nhân thì cũng là con người, sao cho ăn tệ như chó ăn thế. Pháp luật không sợ thì phải sợ lương tâm chứ. Bà chủ N.M cười buồn “Lương tâm không bằng lương tháng đâu! Chủ xí nghiệp bây giờ ai cũng than lỗ. Nhiều xí nghiệp bắt tăng ca, tăng giờ liên tục, cắt luôn suất cơm trưa”

 

Miếng ăn là miếng nhục …

Cụ Bính, gần chín mươi tuổi, người Bắc di cư, thong thả nhắc cả nhà như vậy. Anh con trai cũng đã có cháu nội, ngắt lời “được nhục là đại phúc. Không có nhục mới thực là …nhục”. Cụ Bính quắc mắt. Chợt nghĩ thế nào cụ thở dài buồn bã. Anh con trai nhìn bố, cũng buồn bã …thở dài. Kẻ viết bài hiểu hai bố con nhà cụ hơi bị…“Hán rộng” (độc giả phát âm “Hán” với phụ âm cuối là n, thay vì ng nhé). Họ dùng chữ “nhục” theo kiểu đồng âm dị nghĩa - nhục là thịt (trong chữ cốt nhục) và nhục là hổ thẹn, nhục nhã.

Còn tiếng thở dài của cả hai bố con, kẻ viết bài đồ chừng họ bắt chước…Tam Nguyên Yên Đổ – Nguyễn Khuyến. Ông Nguyễn này cáo quan về quê, cuộc sống rất thanh bần. Có kẻ đi dự đám tế mộ, khi về đem biếu ông miếng thịt (tặng nhục). Đang đói, được cho thịt, rất mừng. Nhưng là nhà nho, ông Nguyễn lại nghĩ ngợi “không ăn thì sẽ đói. Ăn vào người sẽ nhục. Không ăn thì sẽ gầy. Ăn vào người hóa tục”. Cuối cùng sau khi viện các danh sĩ bên Tàu từ Đào Tiềm tới Hàn Tín để biện hộ cho thái độ “nhận nhục” của mình, bậc danh sĩ giơ tay ra… mà lòng vẫn ngầm tủi nhục “Bùi ngùi lời khó thốt. Nhận thịt che mắt ướt”.

Chuyện cụ Bính lấy miếng thịt răn con cháu về cách sống khiến nhiều người cho là cụ rất hiểu đời. Cụ hiểu thịt là lọai thực phẩm ngon, bổ (chỉ đứng sau gạo và mắm muối, rau cỏ) nhưng việc ăn thịt không hề đơn giản. Vì nó dính đến nhân cách. Miếng ăn quá khẩu thành tàn. Nhưng sau miếng ăn, danh tiết có thể đi đời. Đau lắm, nhục lắm! Nên phải cẩn thận. Cứ coi gương ông Tam Nguyên Yên Đỗ, nhận có mỗi miếng thịt mà làm hẳn bài thơ “Nhân tặng nhục” để giãi bầy lòng mình, đủ biết vị đại nho này cẩn thận chừng nào trong từng việc nhỏ nhặt đời thường.

Không có thịt, trẻ con không phát triển, người lao động nặng không có sức, người mang thai, người già cả, người suy dinh duỡng… sẽ yếu ớt. Biết vậy, nhưng nghèo quá, kiếm đâu ra thịt mà ăn. Mới nghe than, vài người đã hăng hái tư vấn miễn phí ngay. Rằng không cần ăn thịt, chỉ ăn… hột mít cũng ô kê. Vì mười bìa đậu hũ, bổ bằng nửa ký thịt. Mười cái hột mít, bổ bằng một miếng đậu hũ…

Suy ra ăn một rổ hột mít ba ngàn, bổ tương đương nửa ký thịt bốn chục ngàn. Vừa ngon rẻ, lại khỏi suy nghĩ nhục hay không nhục lôi thôi. Kẻ viết bài bái phục công thức “hột mít= đậu hũ= thịt” này lắm. Hỏi ra mới biết tác giả là các “bố già” Hà Nội. Các bố bảo thời bao cấp công thức này khá phổ biến “ngoài ta”. Nhưng thời ấy, mọi người cùng xơi hột mít như nhau nên cũng vui, ít “tâm tư” bằng bây giờ. Bây giờ đói đến nỗi mẹ phải ăn cả thịt con…

Ý chừng các bố muốn xới lại chuyện bà Dung làm nghề “đứng đường” đã bị công an quận Bình Thạnh bắt hôm 24-3 mới đây vì tội ép T.T., đứa con gái ruột mới 10 tuổi, theo nghề của mình. Suốt năm năm liền, ngày nào cũng như ngày nào (cả ba mươi tết, cả khi đang hành kinh) cứ chập tối đứa bé 10 tuổi nọ phải đi khách. Mờ sáng mới được cho về ngủ. Không biết mặt đồng tiền, (khách đi với T. xong, bà Dung thu tiền), không học hành, không bạn bè, không đi đâu… Cho tới khi trốn thoát được, chạy về cầu cứu bố ruột. ….

Người xưa từng nói no nên bụt, đói nên ma. Miếng ăn không phải là miếng gì to, nhưng “đì” nó lâu là không ổn. Kẻ sĩ không thể cứ mì gói chén mãi. Cánh chị em buôn bán ế ẩm không thể cứ “chơi” đều canh bún thổ tả. “Sinh vật sót lại từ thời bao cấp” càng không thể bóc mãi hột mít cho vào mồm, sau đó bình tĩnh ngâm bài Nhân tặng nhục của Nguyễn Khuyến… Chuyện vùng lên, làm cách mạng… thịt chỉ là chuyện ngày một ngày hai.

Bà mẹ nhẫn tâm ăn thịt con, như bà Dung mà báo chí đang kêu ầm, xét cho cùng, cũng là biểu hiện vùng lên – dù rất man rợ – của cái đói nhiều bề, nhiều mặt. Trong giai đọan kinh tế khó khăn hiện nay đời sống của người Sài Gòn nói riêng, cả nước nói chung, luôn chung chiêng, chao đảo. Nếu không cấp bách giải quyết vấn đề lạm phát bằng những biện pháp hữu hiệu, thì e rằng chuyện mẹ ăn thịt con trong xã hội như xã hội ta, không chỉ là hiện tượng. Và “nhục” không là “nhục” riêng của một người nào.

(NTLA)

 Nguồn: Viettribune.com


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.