PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Xã hội

Sài Gòn trong cơn sốt Euro 2008

 

  • PSN 21.06.2008 - Nguyễn thị Lan Anh


Đọc báo về Euro tại Saigon. Photo Lan Anh

Hai trận Bồ Đào Nha gặp Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ gặp Cộng hòa Czech, mở màn cho chuỗi 31 trận đấu của 16 đội tranh cúp vô địch Châu âu 2008 đã diễn ra vào lúc nửa đêm ngày 7 tháng 6 theo giờ Sài Gòn. Đối với nhiều người mê coi đá bóng, đây mới chỉ là khúc dạo đầu, càng vào sâu giải đấu sẽ càng hứa hẹn nhiều gay cấn.

Phục vụ Euro
Cũng như nhiều môn thể thao khác, coi bóng đá là phải coi live. Mỗi lần banh xé gió, đi căng như kẻ chỉ, uy hiếp khung thành là người coi chồm dậy vỗ tay, vỗ đùi (kể cả vỗ lộn đùi người ngồi cạnh), vật mình rên rỉ, chửi thề …Với họ, có thế mới đã.

Từ lâu, Nhà Văn Hóa Thanh Niên là một địa chỉ “đã” như vậy. Khách trung thành của Nhà Văn Hóa hầu hết là sinh viên, cán bộ, công chức trẻ ở quanh khu vực quận 1, quận 3, quận 5. Sau giờ đi làm về, ăn uống, tắm rửa, nghỉ lấy sức. Tầm chín mười giờ tối là bấm điện thoại í ới hẹn nhau, vọt xe ra đường, tới luôn Nhà Văn Hóa.

Tới sớm có thể coi hàng trăm bức hình chụp từng đội bóng lừng danh Châu Âu treo đầy trên tường. Lại có thể dành chỗ ngồi tốt. Dũng và Đàn Lê, hai bạn trẻ đang chăm chú chụp lại hình Cristiano Ronaldo của đội Bồ Đào Nha cho kẻ viết bài biết …Ở đây “máu lửa” lắm. Cả ngàn người ngồi bệt ngoài sân xi măng. Hét cùng hét. Vỗ tay cùng vỗ tay. Rất khí thế! Có con gái coi không. Nhiều chứ! Lắm cô kể vanh vách tiểu sử huấn luyện viên, cầu thủ, phân tích chiến lược chiến thuật từng đội rất giỏi.

Ngoài Nhà Văn Hóa Thanh Niên, dân ghiền bóng đá lớn tuổi, có tiền và thích tiện nghi lại kết các quán cà phê máy lạnh ở góc Hồ Con Rùa, trên đường Trần Quang Khải, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Nam Kỳ Khỏi Nghĩa, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu … Búng tay có khăn lạnh, cà phê, có bia, có cháo gà. Xe để có người coi cẩn thận. Năm ba chiến hữu lai rai vui vẻ quanh cái tivi bự chảng sắc nét, dựa vô ghế bành êm ái thoải mái … « Tàn cuộc hết chưa tới hai trăm ngàn đồng, chịu được. » Anh Tư Hùng chủ tiệm bán xe máy góc Ngã tư Phú Nhuận bình thản nói vậy. Bởi vì tiếng là 31 trận, nhưng đâu phải đêm nào cũng coi đủ. Chỉ coi trận nào hay. Tốn kém ăn uống theo kiểu anh trả bữa nay, mai tới tôi trả, đâu đáng gì!


Báo chí Sàigòn tràn ngập bài vở Euro. Lan Anh

Nhìn bề ngoài, Sài Gòn ban ngày hiền lành, cù mì củ mỉ. Nhưng tới đêm, Sài Gòn trẻ hẳn, rộn ràng vui vẻ, thỉnh thoảng rộ lên chỗ này chỗ kia những tiếng la dậy trời dậy đất “Sút, sút đi”, “ Vào, vào rồi.” Quán xá nào cũng đèn đuốc sáng choang, tivi LCD mới cáu, bãi giữ xe rộng, đồ ăn thức uống không chém. Lại có quán lo xa, như quán Kỳ Đồng, thay bàn ghế gỗ nặng nề bằng bàn ghế nhựa …”để phòng lúc nóng máu tụi nó có lấy phang nhau cũng không bị lỗ đầu”.

Ngoài quán cà phê, quán nhậu bình dân, cháo gà, mì gói, hột vịt lộn “cũng thề ... đi cùng Euro” tới nơi tới chốn. Chị Cúc, “chuyên trị” gỏi gà, cháo gà đầu đường Huỳnh Hữu Bạc, bình thường dọn hàng bán từ chiều, mười giờ đêm đã về nghỉ nhưng “bắt đầu từ bữa nay, có đá banh, là có bán. Khuya cỡ nào cũng bán”, chị ‘tuyên bố’ như vậy. Vì “đá toàn vào giờ ác ôn. Thức khuya, la hét cả giờ đồng hồ, mà uống cà phê, trà đá suông đói chịu gì nổi. Phải ăn cái gì chớ”.

Ngoài thực phẩm các loại, phục vụ Euro hiệu quả nhất, xông xáo nhất, phải kể tới báo chí – thứ thức ăn tinh thần sốt dẻo hàng ngày. Không kể báo thường, trong mùa Euro này, tính sơ sơ, Sài Gòn đã có tới 10 tờ báo thể thao “mì ăn liền” cả thẩy. Tám tờ ra buổi sáng, hai tờ ra buổi chiều. Tờ ít 16 trang, tờ nhiều 24 trang. Bỏ ra hai ngàn rưi, ba ngàn rưi là người đọc có thể sở hữu ngay một tờ báo in màu, hình ảnh đẹp, đủ bài bình luận, giới thiệu, tóm tắt thành tích từng đội, tiểu sử các siêu sao, các chuyện vui ngộ nghĩnh bên lề sân cỏ ... Không đọc báo chữ thì có thể lên intetnet, mở tivi, radio theo dõi các mục Nhật ký Euro, Tin nhanh Euro, Giờ vàng Euro, Đi cùng Euro, Bình luận trước và sau trận đấu hàng ngày.


Triển lãm hình ảnh về Euro tại nhà văn hóa thanh niên. Lan Anh

Nỗi niềm bóng đá
Giờ giấc chênh lệch giữa Châu âu và Việt Nam là điều đau khổ nhất đối với dân ghiền. Nhiều công nhân chong mắt cả đêm coi bóng đá. Sáng đi làm dật dờ uể oải, vừa đứng máy vừa gà gật. Các cán bộ cơ quan nhà nước cũng vậy. Ngồi đâu lâu một chút, có gió hiu hiu là “gật đầu đồng ý” lia lịa kiểu gà mổ thóc.

“Muốn chữa dứt bệnh thì một là cúp lương. Hai, nặng hơn, thì cho nghỉ việc. Nhưng làm vậy cũng tội. Đàn ông chúng nó, thằng nào không mê bóng đá”, Bà Liên, chủ cơ sở chế biến thực phẩm chợ Tân Bình tỏ ra khá tâm lý. Bà cho biết bản thân không coi, cũng không hiểu ma lực của “trái bóng nhỏ xíu mà tới hơn hai chục thằng chạy tới chạy lui giành giựt, đổ mhôi, chảy máu chảy me” nhưng bà đủ khôn để không cấm cản quyết liệt. Chẳng cứ bà Liên, cánh “tam tòng tứ đức” Sài Gòn đều khôn. Họ truyền kinh nghiệm cho nhau: đừng tịch thu tivi, cúp cầu dao điện, khóa cửa. Mấy trò đó lạc hậu lắm. Chưa kể, gặp thằng chồng cục súc, điên lên, nó tẩn bỏ mẹ. Phải chịu khó học coi bóng đá để cùng thức, cùng coi, cùng “chung độ” mì gói. Thậm chí nó bảo “đá hiệp phụ” thì cũng phải vui vẻ ôkê. Cốt êm nhà êm cửa, nó khỏi “xổng chuồng” ra ngoài đua bè bạn, có mèo chuột lăng nhăng….

Dạo một vòng chợ búa, phố phường, không khó gì để gặp những bà mẹ, bà vợ, thậm chí cả những cô bồ “đạt đạo” như vậy. Tại một sạp báo, cô gái trả tiền mua tờ Thanh niên – Thể thao cho kẻ viết bài hay người yêu của cô rất “máu” đội Đức, gặp bạn bè là thao thao cả giờ không dứt, trong khi cô ngồi bên cạnh, im thin thít, nghe như vịt nghe sấm. Sợ chàng biết mình dốt, cô phải cấp tốc tự trang bị kiến thức bằng cách đọc báo để có cái mà “nổ” với anh chàng.

Còn chị Hoa, nhân viên bệnh viện Gia Định lại cảnh khác. Chị nhờ kẻ viết bài chở đi “kiếm mua cái gì hay hay về vuốt giận thằng nhỏ”. Chẳng là thằng bé con chị ái mộ đội Thuỵ Sĩ. Trước trận đấu, chị nhéo tai con “Thụy Sĩ thắng nỗi gì. Không coi má cũng biết nó xách dép thằng Czech”. Rút cuộc miệng không ăn mắm muối mà vẫn thiêng. Thuỵ Sĩ đá hay, nhưng thua thật. Thằng nhỏ lăn ra khóc tru tréo bắt đền…

Dãy ki ốt nằm dọc sân Tao Đàn trên đường Huyền Trân Công Chúa sáng ngày Chủ nhật 8 tháng 6 treo đầy áo cầu thủ, cờ các nước Châu âu … thật vui mắt. Ngoài chị Hoa, còn hai cô gái vào mua tặng bạn trai chiếc nón in hình gà trống Gô Loa, một cô khác chọn một lúc sáu chiếc băng đô in dòng chữ Italy vô địch để tặng “mấy thằng ở lại ký túc xá”. Có thể những quí bà quí cô này không phải là tín đồ bóng đá thực sự, mà chỉ là “tín đồ tình thế”. Nhưng chính nhờ họ mà không khí Euro thêm sôi nổi, những người buôn bán hàng thời trang, thực phẩm chế biến sẵn, quà tặng lưu niệm … sống được.

Hỏi các bà các cô câu hỏi khi chồng mê bóng đá, thì vợ sợ gì nhất. Bà nào cũng đáp sợ đương sự “chơi cá độ. Vẫn biết coi phải cá mới hào hứng, mới vui. Nhưng ai biết lúc nào ‘mấy chả’ từ chỗ chỉ cá gói thuốc, chầu cà phê, tiến lên cá nhà cửa, xe cộ, đất cát. Bởi vậy, thà mang tiếng hung dữ, ngu dốt, hà tiện vì đã dám cản trở chồng cá độ bóng đá, dám cất tiền, tịch thu xe, giấu chìa khóa tủ, ém giấy tờ nhà đất… còn hơn để đến một lúc “cơn ngu của mấy chả nổi lên, mả tổ cũng đào, đem cá”. Gương Bùi Tiến Dũng – giám đốc PMU 18 – mê cá đến nỗi bay nhà, bay chức quyền vẫn còn trước mắt. Theo báo chí, ông này cá độ mạnh đến nỗi dám nướng cả triệu đô la tiền công quỹ. Hậu quả “con bạc triệu đô” đã phải vào tù bóc 13 tấm lịch. Công danh tan thành mây khói. Khổ vợ khổ con!

Bóng đá Việt Nam, chạnh lòng
Kẻ viết bài không hề bài xích bóng đá, ngược lại từng nhiều phen trắng đêm hò hét cổ vũ bóng đá, đặc biệt là ... bóng đá nữ Việt Nam. Quý độc giả ở xa không biết, trong khu vực Đông Nam Á, bóng đá nữ Việt Nam rất nổi đình nổi đám. Chị em ra sân, luôn chơi tử tế, chơi hết mình. Hiềm nỗi tiền thưởng sau mỗi lần đoạt huy chương của họ, chỉ bằng một phần trăm của đội bóng đá nam. Lần gần đây nhất, chứng kiến pha ghi bàn của tiền vệ 29 tuổi, Kim Chi, của đội nữ Việt Nam – trái bóng bay chéo vào góc hẹp khung thành Thái Lan, ghi bàn thắng “đẹp như mơ”, trong khuôn khổ vòng Chung kết Bóng đá nữ Châu Á, kẻ viết bài đã nhảy cẫng vui sướng. Nhưng lập tức lại bùi ngùi nhìn lại đội bóng: Hầu hết chị em đều khó “chống lầy”, tuổi xuân ngắn ngủi của họ hiến cả cho nghiệp bóng đá bạc bẽo. Những lần xách giầy, khoác áo ra sân “chạy như ngựa vía” chỉ rước về làn da sạm nắng và những chấn thương. Giã từ trái bóng, về với đời thường, chị em sống thế nào khi nghề nghiệp, học vấn đều bấp bênh? Chẳng bù cho các anh bóng đá nam…

Nhân nói bóng đá nam, lại nhớ vài nhận xét “chết người” của một cựu huấn luyện viên bóng đá. Ông này phán “Bóng đá ta, tiếng là chuyên nghiệp, nhưng chả hơn gì đám vô loại. Trọng tài, giám sát, bầu các đội, cầu thủ ...đều có vấn đề. Liên đoàn bóng đá Việt nam (VFF) yếu, nói không ai tin, xử không ai sợ. Ông Dương Nghiệp Khôi từ chức. Ông khác lên, chắc cũng không khá hơn. Coi Tây làm bóng đá chuyên nghiệp rồi về coi ta, thấy khác một trời một vực. Buồn lắm.”. Thế hệ học trò ông, các trụ cột của đội Cảng Sài Gòn một dạo, bây giờ theo nghiệp thầy, làm huấn luyện viên, cũng mỗi người một câu chê bóng đá Việt Nam tàn tệ. Nhưng chê mà thương đứt ruột, bất lực nhìn cỗ xe bóng đá nước nhà tuột dốc không phanh.

Kẻ viết bài thấm thía cái buồn của họ, cả nỗi nhục vì “tám chục triệu dân, mê bóng đá như điên, mà không kiếm nổi vài chục thằng đá coi được. Lẹt đẹt trong cái vũng bóng đá Đông Nam Á nông choèn choèn, có cái huy chương vàng nhỏ xíu, vớt mãi không lên”.

Sách Lễ Ký từng dạy rằng “Yêu ai cũng nên biết cái dở của người ấy. Ghét ai cũng phải biết điều hay của người ấy.” Yêu bóng đá Châu âu, biết cái dở của bóng đá Châu âu không khó. Còn ghét bóng đá Việt Nam (đúng ra là thương quá hóa giận chứ không phải ghét) thì chong đèn ban ngày cũng kiếm không ra cái hay của nó. Vậy mới sầu!

Thôi thì, trước mắt, từ đây tới hết tháng Sáu, cứ “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” Châu âu trước đã. Còn bóng đá Việt Nam, đằng nào cũng đã nát như tương. Mà tương, để càng lâu càng ngon. Không vội! (NTLA)

 

 Nguồn: Viettribune.com


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.