Thím xẩm nuôi kim

Trong một xã hội
mà người đời đề cao quan niệm "nhứt nam viết hữu, thập nữ viết
vô" - một trai thì kể, mười gái vứt đi – thì thương thay phận
gái liễu bồ. Khi mà trong nếp sống phương Tây, người ta coi
trọng phụ nữ, phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, không
ai nỡ cao tay đánh khẽ, dẫu với một cành hoa, thì bên Tàu, một
xứ sở tự cho mình là đứng giữa càn khôn vũ trụ, một đất nước do
những ông "con trời" cai trị, những người đẹp lại bị hất hủi.
Thậm chí vừa mới chào đời bằng tiếng khóc oa oa thì người ta chỉ
muốn bóp mũi, liệng đi cho khuất mắt.
Không giết ngay được thì thiên hạ tìm cách giết lần, giết hồi
bằng cách này hay phương thức khác. Mới được biết rằng trên đất
nước của "Người cầm lái vĩ đại", thiên hạ vừa mới phát minh ra
một phương thức để cho hậu duệ giống cái chết lần chết mòn mà
gia đình khỏi phải bị lôi thôi với nhà nước.
Đó là câu chuyện của bà Lã Quý Phan, ngụ trong một căn nhà dưới
chưn núi, cách xa Côn Minh hàng trăm cây số. Bà là người làng
Longtanpo, một làng có bao nhiêu người thì bấy nhiêu trâu. Một
gia đình tam đại đồng đường, cha mẹ chồng, vợ chồng và thằng cu
tám tuổi cùng chung sống dưới một mái nhà. Trong sân nhà nuôi
được mấy con gà mái lấy trứng và vài ba con heo lấy thịt và trao
đổi thức ăn khác, một con ngựa cái vừa đẻ và một con chó dữ dằn
không tên.
Bà Lã Quý Phan năm nay ba mươi tuổi đời, đội chiếc nón rộng vành
lụp xụp, để che khuất mái tóc mà người ta đã cắt đi, cho mất
chất nữ trên người bà. Qua những năm tháng dài đăng đẳng, bà
thường thấy đau nhói ở ngực, ngang hông và nước tiểu màu, đo đỏ
như có máu. Năm 2004, qua một lần khám bịnh ở tỉnh lỵ Côn Minh,
những ảnh quang tuyến X cho thấy một điều khó tin, nhưng có
thiệt, làm cho bác sĩ cũng phải chóng mặt. Vì qua hình ảnh,
người ta thấy có hai mươi sáu lằn trắng xuất hiện ở vùng bụng,
lưng, cổ, phổi và cả trên đầu. Đó là bóng dáng của những cây kim
may, dài bốn năm phân.
Từ trước đến nay, bà nông dân kia đâu biết được trong người mình
có ngần ấy kim may, một điều bí mật được nông thôn kín miệng,
kín mồm. Đó là phương thức mà nông thôn Trung Quốc áp dụng để
loại bỏ các cháu gái trót sanh ra đời. Một "căn bịnh" nam tôn,
nữ ti làm cho nước Tàu sẽ có ba mươi triệu con trai độc thân từ
nay cho đến năm 2020. Hiện nay, sự chinh lịch trai-gái ở các
tỉnh nghèo có khi lên đến tỷ lệ 140 trai cho 100 gái.
Miệt nhà quê bên Tàu có quan niệm rằng sanh con gái như "canh
tác trên một mảnh đất mà không có hột giống" hay là nhìn "nước
trôi qua". Bởi lẽ, "nữ sanh ngoại tộc", con gái là con người ta,
vì khi có chồng thì đàn bà con gái phải theo chồng, nên chi là
một lực lượng lao động tăng thêm cho đàn trai.
Nhìn những tấm ảnh quang tuyến đó, bác sĩ giải thích cho bà Phan
biết rằng những cây kim đó được "thư" trong người bà khi còn bé.
Nói ít, hiểu nhiều, bà Phan buồn lòng, nghĩ ngay đến chuyện
người lớn đã làm và từ đó bà mất ngủ khá lâu. Tưởng tượng đến
ngần ấy cây kim được đâm vào thân thể bé bỏng của bà khi vừa mới
mở mắt chào đời. Theo chỗ bà Phan biết thì bà phải chịu nhục
hình đó ngoài sự hiểu biết của người mẹ, vì do ông cha chủ động
làm ra, một người cha hung bạo mà mẹ bà đã phải xé hôn thú, tách
ngang khi bà Phan lên bốn tuổi.
Trời che, Đất chở, con bé cứ giữ kim may trong người mà sống đến
ngày nay, không ai hiểu nổi. Lần hồi về sau, theo bà mẹ kể lại,
khi bé Phan được vài tháng tuổi thì một cây kim bên hông trái
lòi ra. Hai năm sau, một cây kim khác lại lòi ra, lần này thì từ
phía xương sườn. Lúc bấy giờ nhà bà quá nghèo, tiền bạc thiếu
trước hụt sau, hai chữ bịnh viện là những từ vô cùng xa lạ với
gia đình. Mãi cho đến khi hình ảnh quang tuyến X đã để lộ điều
không tưởng tượng nổi, câu chuyện mới đổ bể ra rồi trở thành một
điển hình.
Một cơ may cho bà Phan vì nếu quần chúng nhơn dân không hay
biết, báo chí không loan tải thì làm gì bà được giải phẩu để rút
kim ra. Nhà thương Tàu, mà chẳng thương người Tàu, không chấp
nhận phí tổn nên "Richland International Hospital" đứng ra giải
quyết cho bà và giữ lại những cây kim đó để làm tài liệu chứng
minh và học hỏi.
Vậy mà, ngày nay xảo thuật đó cứ được áp dụng ở bên Tàu. Năm
2007, người ta tìm thấy một cây kim trên đầu của một bà bốn mươi
tuổi, nạn nhơn cũa những trận đau đầu kinh khủng. Năm ngoái, tại
một bịnh viện ở Quảng Đông, hình ảnh quang tuyến của một em bé
mới một tuổi cho thấy có sáu cây kim may trong người, một cây ở
trên đầu.
Bà mẹ của Phan rất lấy làm khổ sở vì câu chuyện xảy đến cho con
mình. "Mẹ tôi buồn nên bà ấy khóc hoài", bà nông dân cho biết
như vậy và cảm thấy tủi thân vì đã bị đời âm mưu loại bỏ vứt đi.
Bà Phan than phiền: "Nếu là trai thì đâu đến đổi!" Bà cảm thấy
khó chịu vì phải để cho nhà thương và xã hội chịu gánh nặng giúp
bà. Lấy ra một cây kim thôi cũng tốn hết ba ngàn nhân dân tệ
(300 Euros), cũng bằng một năm thu nhập của cả gia đình. Cây kim
chót, cây kim trên đầu, là khó khăn nhứt, lấy ra hôm 8 tháng Ba
ở Thành Đô. Bây giờ thì bà Phan cảm thấy trong người dễ chịu,
nhờ đã lấy kim ra và nhờ người chồng lúc nào cũng an ủi.
Nỗi giằn vặt là một vết thương tâm lý. Ông bà nay đã qua đời,
còn người cha tội ác kia dẫu có hỏi lý do thì cũng chỉ biết câm
miệng hến. Nói gì bây giờ mà nói sao đây? Sau mấy năm oán hận
ông bà, và tủi nhục vì chính bản thân mình, nay bà Phan không
thèm biết nữa. Dẫu cho viễn ảnh của một cuộc sống cầu bơ cầu bất
trong núi non, ruộng rẫy chẳng có mấy tương lai, không làm cho
bà "hồ hởi, phấn khởi", dẫu cho đời sống cộng sản chẳng đem lại
cho bà và gia đình những "ngày mai ca hát", bà cũng bất cần.
Nhứt là sau khi bà đã thấy được sự khác biệt giữa đời sống thành
thị và nông thôn. Bây giờ bà muốn thoát khỏi cái truyền thống tệ
hại của Trung Quốc, bắt đầu một cuộc đời mới và quên đi những
cây kim làm bà đau khổ mấy mươi năm qua. Như quên thói đời cộng
sản, dẫu là trong một nước lớn như Trung Hoa.
Cố Nhân
(Viết theo bài "Madame Luo, la fille qui a survécu à 26
aiguilles", libération.fr, thứ ba 8 tháng 7 năm 2008.)
[http://www.liberation.fr//actualite/societe/337652.FR.php?xtor=EPR-450206]
|