PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự xã hội

Chuyện bên Tàu

Mượn oai ngài Vạn Thế Sư Biểu

 

 

  • PSN 27.07.2008 - Cố Nhân

Mới 5 giờ sáng thôi mà hàng trăm ngàn người dân Khúc Phụ đã tề tựu xếp hàng trên một khoảng đường dài năm cây số để đón chào "ngọn lửa thiêng", ngọn đuốc Thế Vận Bắc Kinh 2008, theo cách gọi tên của Trung Quốc.

Cùng với một số thị xã lân cận, Khúc Phụ hình thành cái nôi của nền văn minh Trung Quốc. Nơi hội nhập của hai tỉnh Hà Nam và Sơn Đông, kề cận Hoàng Hà, là sinh quán của Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử, những bậc sáng lập ra Đạo Khổng. Và còn có Lão Tử và Trang Tử, những người hình thành Đạo Giáo, và nhà thơ lớn Đỗ Phủ nữa. Theo Marc Boulet, trong quyển "La Vie en Jaune", thì nền văn minh Trung Quốc đã ra đời trên mảnh đất bé nhỏ đó, gần như cùng thời kỳ với Đức Phật, Socrate, Platon và Alexandre Đại Đế.

Khía cạnh hấp dẫn nhứt của lịch sử Trung Quốc là những sự thay đổi đột ngột, thương hải tang điền, thường làm rung động đất nước xưa cũ này. Cách nay đúng ba mươi năm, cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa đã một thời tung hoành, một cuộc cách mạng nhứt định là vô cùng quá khích, hết sức đẫm máu, để đánh đổ trật tự xã hội xưa cũ, trong đó có tinh thần Khổng Giáo, đã ngự trị trên đất nước Tàu từ năm 221 đến 1912.

Mới đây, chế độ cộng sản của đất nước này vừa vinh danh ngài Vạn Thế Sư Biểu một cách rầm rộ, mượn biểu tượng của Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, ngọn đuốc thế vận. Khúc Phụ tượng trưng rất đúng cho Trung Quốc của đầu thế kỷ XXI. Một khu đất lịch sử được trùng tu đúng thị hiếu, với một tường thành bao bọc ngôi đền uy nghi của Khổng Tử và một công viên vui chơi rất trang nhã và đẹp mắt. Đàng xa, là nghĩa trang đặc biệt của gia đình họ Khổng, vùng trời phảng phất của những linh hồn một trăm năm mươi thế hệ hậu duệ của Ngài, thường có liên hệ đến các bậc vua chúa triều Minh và triều Thanh.

Và nhứt là cách xa với Thượng Hải và Bắc Kinh, những thủ phủ tạp chủng và đa dạng, người ta phát hiện được ở Khúc Phụ một nước Trung Hoa tỉnh lẻ, nồng nhiệt và vui tươi. Đàng sau cái sáng chói của cảnh trí đón chào du khách là những con đường dơ bẩn và đầy nhịp sống, là những quán cóc ngập khói, với những cô gái phấn son loè loẹt, là những nhà trọ hư hỏng đổ nát, trang trí giả tạo và vô số những tòa nhà màu trắng, chưa cất xong đã đổ nát.

Trong khi chờ đợi ngọn "đuốc thiêng", sẽ xuất hiện từ đền Khổng Tử vào lúc 8 giờ, người ta thấy một Trung Quốc kiên nhẫn và dễ thương đang đứng chờ. Bầu không khí thật ngoan hiền, như mọi lễ hội trên đất người Hoa, mặc dầu có những đám công an xua đuổi những người đi xem đến quá gần hàng rào an ninh. Những người đàn bà đứng tuổi, ăn mặc theo truyền thống, cả kiểu dáng lẫn màu mè, múa may quay cuồng theo điệu nhạc vui tươi và phe phẩy những chiếc khăn đủ màu. Với tiếng tu huýt ra lịnh, hàng ngàn em bé học trò đưa cao những cây cờ và biểu ngữ mang những khẩu hiệu như:" Tiếp lửa là tiếp sức sống, tiếp niềm hy vọng!", "Chào mừng Thế Vận!", "Đốt bỏ đam mê, chuyển tiếp ước mơ". Cũng có những danh ngôn của Khổng Tử như "Tứ hải giai huynh đệ!", "Đức hạnh tạo bằng hữu".

Tại sao lại có Khổng Tử trong cuộc rước đuốc thế vận kìa? Một cô sinh viên trong đám đông giải thích: "Sau khi sống với cộng sản, con người mất đi khả năng trí tuệ. Đầu óc của họ đã bị tẩy sạch. Giáo dục của chế độ không cung cấp cho con người tí gì để suy nghĩ hết. Cứ nhay đi nhay lại những gì Đảng nói và Đảng dạy. Vậy là sau thời kỳ thiếu thốn đủ điều, thiên hạ khao khát đổ xô vào tư bản chủ nghĩa, với những cái quá lố của nó. Vì vậy nay nhà nước phải cầu cứu đến Không Tử."

Qua đoạn phim quảng cáo, người ta xen vào một bài học, theo đó một người Hoa lịch sự văn minh giải thích cho đồng bào biết rằng tinh thần thế vận cũng được áp dụng trong đời sống hàng ngày của mỗi người, như cần phải giúp đỡ, lắng nghe, an ủi người đồng loại. Lịch sự, văn minh, lễ phép, biết phong cách ở đời, đó là bực hiền nhơn quân tử, như Khổng Tử đã dạy hồi thế kỷ thứ VI trước Thiên Chúa giáng sanh. Với lòng vị tha và khoan dung, người quân tử sống trung dung và hài hòa.

Quan niệm đó của Khổng Giáo bắt đầu chiếm địa vị chủ yếu ở Trung Quốc, khi mà đất nước này đã trở thành một trong những xã hội bất bình đẳng nhứt thế giới. Để kềm hãm lại những quá lố của một mức tăng trưởng loạn xị trong một phần tư thế kỷ qua, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào đã ban hành nguyên tắc một "xã hội hài hòa" ở Trung Ương Đảng hồi năm 2006. Một nguyên tắc đòi hỏi phải loại trừ những xung đột trong xã hội, mà trong năm 2005 đã lên tới 87.000 vụ chạm trán hung hăng giữa quần chúng nhơn dân với lực lượng an ninh.

Ban lãnh đạo Đảng còn có đủ khả năng làm trung gian hòa giải giữa những kẻ lợi dụng chế độ tư bản rừng rú và những nạn nhơn hay không? Chắc còn lâu. Ngày nay, Đảng cộng sản Trung Quốc cảm thấy hốt hoảng vì người dân Trung Quốc, cũng giống như nhơn dân Tây Tạng, sẽ lợi dụng Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 để nói lên nỗi chán chường, thậm chí nỗi thất vọng của họ.

 

*  *  *

 

Dân tộc Trung Quốc, người đông trên vùng đất rộng thênh thang, nên hay có ý đồ làm gì cũng hoành tráng, đồ sộ, đại quy mô. Nhưng tiếc thay lực bất tòng tâm, lòng muốn nhưng khả năng chưa vươn tới. Xã hội cộng sản nào cũng vậy, cứ tưởng nêu cao khẩu hiệu ắt hẳn thành quả cũng phải cao. Tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải giờ đây đã chạm mặt với thực tế nên biết rằng trong và sau Thế Vận Hội đất nước có thể gặp khó khăn. Nhứt là trước Thế Vận, trời đất đã cảnh báo bằng một trận địa hãm thiên băng làm cho điêu đứng. Nên chi, mượn danh Vạn Thế Sư Biểu và dựa vào giá trị nhơn văn của dân tộc để làm lợi khí tuyên truyền mà xoa du nỗi bất bình của thiên hạ.

 

Cố Nhân

(Nguồn: La "flamme sacrée" chez Confucius, François Hauter, Le Figaro, 23.7.2008)
http://www.lefigaro.fr/international/2008/07/23/01003-20080723ARTFIG00001-la-flamme-sacree-chez-confucius-.php


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.