.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 CHÍNH LUẬN


Nguyễn Hộ,
nhà cách mạng ngoan cường

  • PSN - 18.07.2009 | Nguyễn Thanh Giang

Mở đầu tập chính luận “ Quan điểm và Cuộc sống ” của mình, Nguyễn Hộ viết: “ Xã hội văn minh là xã hội dân chủ tự do. Ngược lại chính dân chủ tự do càng thúc đẩy nền văn minh phát triển. Vì vậy dân chủ tự do trở thành xu thế tất yếu của thời đại và là yêu cầu không thể thiếu được của xã hội loài người. Do đó, đối với dân tộc Việt Nam hiện nay, dân chủ tự do càng cấp bách hơn bất cứ lúc nào hết. Dân chủ tự do là một trong những yếu tố căn bản nhất tạo nên định hướng chiến lược của Việt Nam ” ( * ).

 

Ông tin rằng tự do, dân chủ không chỉ là nhu cầu thiết yếu khách quan mà còn là phẩm chất, là nội năng của dân tộc mình: “ Đối với nhân dân Việt Nam nói chung đặc biệt với nhân dân Miền Nam ( bao gồm thanh niên, phụ nữ, sinh viên, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân lao động, nông dân, tín đồ Phật giáo, Công giáo và các từng lớp khác ) nói riêng, vấn đề tự do dân chủ không phải là điều gì xa lạ đối với họ; mà ngược lại chính dân chủ tự do đã thấm vào xương, vào máu của nhân dân Việt Nam, đã trở thành giá trị thực sự được tạo ra bằng sự hy sinh lớn lao, dai dẳng thông qua thực tiễn đấu tranh ngoan cường, mặt giáp mặt với quân thù của dân tộc Việt Nam suốt 45 năm chiến đấu cách mạng. Đó là cái giá rất đắt phải trả cho một giá trị - giá trị dân chủ tự do. Điều đó có nghĩa là giá trị ấy tuyệt đối không thể biến thành đặc ân của bất cứ ai ” ( * ).

V

ậy mà: “ Chính đảng Cộng sản Việt Nam đã tước đoạt của nhân dân các quyền tự do mà nhân dân đã từng trả giá quá đắt - thứ vũ khí mà nhân dân phải có để bảo vệ lợi ích của mình khi nó bị vi phạm bất cứ trong hoàn cảnh nào. Dân chủ tự do bị chà đạp, vũ khí tự vệ bị tước đoạt thì nhân dân giống như những người bị xiềng xích, bị bịt tai, bịt mắt, khớp miệng và tất nhiên gần 70 triệu người Việt Nam không thể không biến thành tù binh của đảng Cộng sản Việt Nam.” ( * ).

 

Ông cho rằng: “ Đa nguyên là biểu tượng muôn màu muôn vẻ của mọi sự vật…Có vườn hoa nào mà chỉ có một loại hoa, ít nhất phải có hàng chục, thậm chí hàng trăm loại với hàng trăm màu sắc lộng lẫy và hương thơm đậm đà quyến rũ ”.( * )

V

à ông nêu câu hỏi: “ Vậy tại sao ở Việt Nam cũng có nhiều dân tộc, nhiều giai cấp, giai tầng, nhiều tín ngưỡng tôn giáo, nhiều trình độ học vấn và môi trường đào tạo khác nhau,... lại chỉ được quyền tồn tại một quan điểm, một tư tưởng, một Đảng thôi ? Trong khi đó ở khắp thế giới - 5 châu, 4 biển - đâu đâu cũng thấy có sự tồn tại và phát triển của nền chính trị đa nguyên, dân chủ đa đảng ( ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada, Ần độ, Ang-giê-ri, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Nam Phi, các nước Bắc Ấu, Châu Mỹ la-tinh,...),” ( * ).

 

Trả lời câu hỏi trên của ông cũng đồng thời là lời tố cáo đanh thép và rất xác đáng: “Không phải vì dân tộc, đất nước mà chính vì sợ mất vai trò lãnh đạo và đặc quyền, đặc lợi của cá nhân hoặc một nhóm người lãnh đạo mà Đảng cộng sản Việt Nam đã chà đạp thô bạo hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam, biến nó thành một thứ trang trí, không có giá trị thực tiễn trong việc bảo vệ dân chủ tự do và lợi ích của công dân; ra sức chống lại quyết liệt những đòi hỏi về các quyền dân chủ tự do của nhân dân dưới chiêu bài " chống đa nguyên, đa đảng " để hù hoạ trước hết trong nội bộ Đảng và sau đó trong đông đảo quần chúng rằng " đa nguyên, đa đảng là một quan điểm rất nguy hiểm, chống Đảng, chống cách mạng, chống chủ nghĩa xã hội của bọn phản động " ” ( * ).

 

Lời tố cáo của ông càng trở nên quyết liệt hơn: “ Đảng cộng sản Việt Nam phát động chống đa nguyên, đa đảng là chống lại sự nghiệp dân chủ tự do của dân tộc Việt Nam, chống lại văn minh tiến bộ của đất nước tức muốn kiềm hãm dân tộc Việt Nam trong mê muội tối tăm, mù quáng. Bởi vì không có một nước nào trên thế giới có một chế độ đa nguyên, đa đảng mà lại không có một nền dân chủ rộng lớn. Đa nguyên, đa đảng gắn liền với dân chủ tự do là nền tảng đã sản sinh ra đa nguyên đa đảng. Chỉ có ở những nước chuyên chế độc tài, phát xít tàn bạo thì không bao giờ có sự tồn tại của đa nguyên đa đảng. Bằng chuyên chế độc tài được sơn phết bóng loáng, đảng Cộng sản Việt Nam quyết chống lại các quyền dân chủ tự do của nhân dân quần chúng, nhưng lại không dám nói thẳng điều đó mà phải mượn cái chiêu bài "chống đa nguyên, đa đảng " ” ( * ).

 

Để chống chế người ta thường đem Singapor làm cái bùa hộ mệnh chứng minh rằng độc đảng vẫn có thể phát triển được. Nguyễn Hộ cho rằng đây là điều ngụy biện vừa phi lý vừa trơ trẽn: “ Thật là đáng tủi nhục cho dân tộc Việt Nam với gần 70 triệu người và với một lịch sử chiến đấu oai hùng mà thế giới đều biết và khâm phục, ngày nay lại được so sánh và xếp hạng về chính trị ngang hàng với Xinh-ga-po ( với non 3 triệu dân và với một lịch sử bình thường ).” ( * ).

 

Có chăng, ông khuyên rằng hãy nhìn sang nước bạn gần như đã từng đồng hành: “ ở Cam-pu-chia - nước láng giềng mà Việt Nam với tinh thần "quốc tế vô sản" đã hy sinh biết bao xương máu tại đây để giúp bạn "bảo vệ độc lập" và "xây dựng chủ nghĩa xã hội" - vào cuối năm 1991 đã tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội, từ bỏ chủ nghĩa độc nguyên - độc quyền lãnh đạo của Đảng - biến đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia ( tức đảng Cộng sản ) thành đảng của nhân dân Cam-pu-chia; chủ trương thi hành chính sách hoà giải, hoà hợp dân tộc, chấm dứt chiến tranh, thực hiện hoà bình, thi hành chính sách dân chủ - đa nguyên, đa đảng và xây dựng một nền kinh tế thị trường sống động ( kinh tế tư bản ) ở Cam-pu-chia ” ( * ).

 

Ông khẳng định: “ Tất nhiên, chấp nhận và phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa của Việt Nam đã tạo điều kiện thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nền chính trị đa nguyên - dân chủ đa đảng. Bởi vì qui luật vận động khách quan vẫn là: kinh tế nào, chính trị ấy - kinh tế độc tài đi liền với chính trị độc tài; kinh tế tự do đi liền với chính trị tự do; chớ không thể kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa lại đi liền với chuyên chính độc tài vô sản được ” ( * ).

 

Nỗi khát khao tự do dân chủ càng đốt cháy tâm can vì ông cho rằng do chưa có tự do dân chủ thật sự nên : “ thực tế thì có biết bao nhiêu vấn đề không tốt, không kém gì những vấn đề không tốt trong xã hội thực dân, đế quốc trước đây, thậm chí có những mặt còn nghiêm trọng, tồi tệ hơn nhiều; cụ thể là trong chủ nghĩa xã hội vẫn có những kẻ dựa vào địa vị, quyền lực mà áp bức, bóc lột quần chúng, cướp đất, cướp nhà, trấn áp, uy hiếp, trù dập quần chúng, bắt bớ giam cầm họ một cách phi pháp; xã hội dẫy đầy bất công tham nhũng, ăn hối lộ "tràn đồng"; thất nghiệp, ăn mày, làm đĩ nhan nhãn; giết người cướp của lộng hành ” ( * ).

 

Không có tự do dân chủ, không có cơ chế giám sát đủ quyền lực, không có tam quyền phân lập, chỉ độc đảng, độc quyền chuyên chế, người ta không chỉ đàn áp dân chúng công khai mà còn thẳng tay tiêu diệt ngay cả đồng chí mình, dù là những công thần cách mạng, khi thấy cần thiết mà biết rằng không ai dám hé răng: “ Điều đặc biệt quan trọng xảy ra trước và sau Đại hội lần thứ 6 của đảng Cộng sản VN (tháng 12/1986) là một loạt cấp tướng ( đại tướng, trung tướng) bị giết hại một cách bí mật và nhiều câu hỏi được đặt ra trong dư luận xã hội lúc bấy giờ, nhất là ở Thủ đô Hà Nội: kẻ sát nhân là kẻ nào ? bàn tay bí mật giết người từ đâu ? Bởi vì, chỉ trong một thời gian rất ngắn, liên tiếp cả hai đại tướng: Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn cùng ở vào một tình huống giống nhau - chuẩn bị nhận chức vụ mới (Bộ trưởng Quốc phòng) - cũng đều bị chết bất ngờ (ngộ độc). Trường hợp của Đại tướng Hoàng Văn Thái trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nói với vợ ông rằng: " Người ta đã giết tôi ", và vợ ông trước những người đến viếng thăm đã khóc thê thảm và kêu to lên rằng: " Người ta đã giết chồng tôi ". Cái chết đột ngột của Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng tương tự như trên ( theo lời kể tỉ mỉ của hai vợ chồng ông Trung tướng đương chức ở Hà Nội - năm 1987) ” ( * ).

Ông khẳng định : “ Chính Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã biến mình trở thành một cản ngại lớn trên con đường phát triển đi đến văn minh của dân tộc Việt Nam ” ( * )

                                         *

Nguyễn Hộ sinh ngày 1 tháng 5 năm 1916 tai Gò Vấp-Sài Gòn. Mười chin tuổi ông trở thành công nhân của xưởng đóng tầu Ba Son. Năm 1937, ông gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương.

Ông mới chính là người thuộc giai cấp công nhân theo định nghĩa của Marx- Lenin. Mấy ông hoạn lợn hay thợ sơn, thợ khóa đi rong chỉ là những thị dân hay vô sản lưu manh.

Do vận động công nhân đấu tranh với giới chủ và tổ chức đình công, ông bị nhà cầm quyền Pháp kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo từ 1940 đến 1945. Tại đây, ông bị giam cùng phòng với ông Lê Duẩn. Ra tù, ông tích cực hoạt động chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Từ 1950 đến 1952 ông là Ủy viên Thường trực của Ban Thường Vụ Ủy Ban Kháng Chiến Sài Gòn – Chợ Lớn. Sau năm 1975, ông làm Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1986 ông cùng thượng tướng Trần Nam Trung và các ông Trần Văn Giầu, Trần Bạch Đằng, La Văn Lâm, Đỗ Trung Hiếu, Tạ Bá Tòng thành lập Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến cũ với tôn chỉ và mục đích:

1 -. Tập họp những người kháng chiến trong hai thời kỳ (chống Pháp và chống Mỹ) nhằm phát huy truyền thống yêu nước trong nhân dân ta                                                                                                                      

2 -. Ðóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam XHCN.                   

3 -.  Ðoàn kết tương trợ giúp đở lẫn nhau trong cuộc sống.

Những người tham gia câu lạc bộ kháng chiến đã tiến hành hoạt động bằng các hình thức: hội thảo, mít tinh, kiến nghị, viết báo, ra báo nhằm các mục tiêu cụ thể chống tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, ức hiếp trù dập quần chúng, tham nhũng, bè phái, bao che lẫn nhau vì đặc quyền, đặc lợi trong hàng ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước.

Với tinh thần đấu tranh chống trì trệ, tiêu cực nói trên, Câu Lạc Bộ đã kiến nghị:

 1 -. Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cần có sự kiểm điểm định kỳ, phê tự phê về sự lãnh đạo của mình trước Ban Chấp hành Trung ương để qua đó điều chỉnh, kiện toàn cơ quan lãnh đạo: ai có đủ đức, tài thì tiếp tục phát huy, còn ai không đủ đức, tài thì cần cho rút lui để đưa người có đức có tài thay thế, chứ không thể cứ "sống lâu lên lão làng".

 2 -. Không nên 'độc diễn' khi Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (1988) mà nên có một số người ra ứng cử chức vụ nói trên với chương trình hành động cụ thể của mình. Quốc hội sẽ chọn một chủ tịch hội đồng bộ trưởng trong số các ứng viên ấy bằng lá phiếu kín của mình.

  3 -. Quốc hội cần cách chức một số bộ, thứ trưởng có liên quan không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến hậu quả là có trên 10 triệu người ở miền Bắc bị đói năm 1987, và nhân dân cả nước sống cơ cực kéo dài...

Tờ báo Truyền thống Kháng chiến của tổ chức này ra mắt số đầu tiên vào Tháng Chín năm 1988. Báo phát hành được 2 số. Số 3 có ấn bản lên tới 2 vạn đã bị tịch thu. Năm 1989 CLB Những người Kháng chién cũ cũng bị chính quyền giải tán. Các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, Lê Đình Mạnh cùng khoảng 35.000 người bị bắt (theo sự tiết lộ của báo Quân Đội Nhân Dân hồi tháng 5 năm 1991).

Thực tế cay độc ấy khiến Nguyễn Hộ tâm niệm rằng: “ Không phải đi ăn xin mà có dân chủ tự do được. Muốn có nó phải dám đấu tranh ngoan cường, bền bỉ, trừ phi cam tâm làm nô lệ ” ( * ) ông “ đã quyết định rời bỏ thành phố về sống ở nông thôn để tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Ngày 21/03/1990, tôi rời khỏi Sài Gòn cũng là ngày tôi ly khai đảng cộng sản Việt Nam. Ðảng mà sau 54 năm đeo đuổi cách mạng (với tư cách đảng viên) của tôi, nay đã trở thành vô nghĩa ” ( ** ).

Ông ca ngợi “ Cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do của nhân dân Trung Quốc ở Thiên An Môn (Bắc Kinh) hồi tháng 5 và tháng 6 năm 1987 và của nhân dân Thái Lan, Nam Phi gần đây (1992), bất chấp súng đạn, xe tăng của bọn phát xít diệt chủng, bọn phân biệt chủng tộc đã nói lên tình chất quyết liệt, đầy hy sinh gian khổ của cuộc đấu tranh vì dân chủ tự do. Còn dân chủ do lãnh đạo ban cho - dân chủ không phải trả giá gì cả - là thứ "dân chủ giả hiệu" nhằm đánh lừa thiên hạ và để tạo ra trong xã hội nhiều thứ bù nhìn, nhiều kẻ nịnh bợ và bọn tham nhũng mà thôi ” ( * ). “ Cuộc đấu tranh anh hùng đã đánh bại bọn độc tài quân phiệt khát máu của nhân dân Thái Lan hồi tháng 5/1992 vừa qua là một tấm gương sáng chói cho các dân tộc trên thế giới kể cả dân tộc Việt Nam ” ( * )

Với ông: “ Dân chủ tự do là một sự nghiệp cách mạng lớn lao nên không thể không có hy sinh, và chính nền dân chủ phải trả giá đắt ấy là nền dân chủ thật sự, chân chính ” ( * ).

Cuối tháng 8 năm 1990, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt tìm gặp Nguyễn Hộ tại một chòi canh rẫy ở vùng Phú Giáo - miền Ðông Nam Bộ, cách Sài Gòn khoảng 60 cây số. Ông Kiệt hỏi: " Thế nầy là sao ? ". Nguyễn Hộ trả lời: " Thành phố ngột ngạt quá, tôi về nông thôn ở cho khỏe ". Ông Kiệt nói: "Anh cứ về thành phố ai làm gì anh ". Nguyễn Hộ đáp: "Rất tiếc, phải chi anh gặp tôi sớm hơn độ hai tháng thì tốt quá, tôi trở về thành phố ngay. Còn bây giờ thì đã muộn rồi, bởi vì dưới sự lãnh đạo của trung ương ÐCSVN, cả nước được chỉ đạo, phổ biến rằng tôi là tên phản động, gián điệp, móc nối với CIA, nối giáo cho giặc, tiếp tay báo chí nước ngoài tuyên truyền chống đảng, chống nhà nước. Lập tổ chức chống đảng, lật đổ chính quyền, ăn tiền của Mỹ, chủ trương đa nguyên, đa đảng. Tất cả sự quy chụp ấy nói lên rằng đảng cộng sản Việt Nam đã đạp tôi xuống tận bùn đen, chôn vùi cả cuộc đời cách mạng của tôi trong nhơ nhuốc để tôi không làm sao ngóc đầu dậy được. Tình hình như vậy tôi trở về thành phố làm gì trừ khi đất nước Việt Nam có dân chủ tự do thật sự ". ( ** )

Ngày 7 tháng 9 năm 1990, Nguyễn Hộ bị bắt trên sông Sài Gòn trên một chiếc xuồng có chở vũ khí. Ông bị còng, bị giam 4 tháng trong một phòng giam tại Bình Triệu rồi sau đó đưa về quản thúc tại gia suốt 3 năm trời.

Trong bản tường thuật đề ngày 9 tháng 4 năm 2008, ông viết: “ Tôi làm cách mạng trên 56 năm, gia đình tôi có 2 liệt sĩ: Nguyễn Văn Ðảo (anh ruột) - đại tá quân đội nhân dân Việt Nam - hy sinh ngày 09/01/66 trong trận ném bom tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ vào Việt Nam (vào Cũ Chi); Trần Thị Thiệt (vợ tôi) - cán bộ phụ nữ Sài Gòn - bị bắt và bị đánh chết tại Tổng Nha Cảnh Sát hồi tết Mậu Thân (1968), nhưng phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Ðó là điều sỉ nhục ” ( * * ).

Cách đây mươi năm, Cụ còn kể với tôi rằng chính tại phòng khách Cụ đang ngồi tiếp tôi, công an đã đóng chốt suốt thời gian dài và khi tiễn tôi ra cổng, con gái Cụ chỉ cho tôi thấy bên kia đường, trong một vườn trẻ có một chòi canh luôn hướng sang nhà cụ. Vậy mà duyên may làm sao, hôm ấy, vào lúc nhá nhem đổi gác, tôi là người hiếm hoi lúc bấy giờ lọt được vào nhà Cụ.

Năm 2006, tôi lại từ Hà Nội vào thăm, được Cụ mời cơm rồi bảo chị Nguyễn thị Hồng Vân – con gái Cụ - đưa sang nhà ông Võ Văn Kiệt ở 16 Tú Xương ( tiếc rằng hôm ấy ông Kiệt đang đi về Miền Đông ).

Tháng 8 năm 2006, không có điều kiện gặp trực tiếp nhưng anh Nguyễn Chính Kết cầm thư của tôi đến, cũng đã được Cụ sốt sắng nhận lời tham gia Hội đồng Cố vấn tập san Tổ Quốc của chúng tôi.

Tôi nhớ mãi lần đầu gặp Cụ, nghe tôi tự giới thiệu là Nguyễn Thanh Giang, Cụ chồm tới ôm chặt vỗ vỗ vào vai xúc động như người cha lâu ngày gặp lại con mình. Vậy mà khi trao cho tôi bức tranh siêu thực do Cụ vẽ, Cụ đã đề tặng “ Thân kính tặng Bác Nguyễn Thanh Giang ”. Cụ đặt tên bức tranh là “ Muôn mầu muôn vẻ ” nhưng tôi đặt tên là “ Đa nguyên ” và treo ngay cửa phòng tôi để tưởng niệm, để nhớ thương, để nhắc nhở về một tấm gương chí khí ngoan cường.

Tên tuổi Nguyễn Hộ, cùng với những Trần Xuân Bách, Trần Độ, Hoàng Minh Chính  … sẽ còn sáng mãi trong lịch sử đấu tranh vì tư do dân chủ ở Việt Nam.

Hà Nội 4 tháng 7 năm 2009.                                                                                       

Nguyễn Thanh Giang 
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay  
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội 
 Điện thoại: ( 04 ) 35 534 370

--------------------------------------------

( * ) Trong tập chính luận “ Quan điểm và Cuộc sống ”
( ** ) Trong bản tự thuật của Nguyễn Hộ viết ngày 9 tháng 4 năm 2008

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường.

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.