.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 CHÍNH LUẬN


Việt Nam cuối 2008:
lúng túng, hoang mang, loạng quạng

  • PSN - 2.01.2009 | Phạm Trần

Những gì gọi là “của dân, do dân, vì dân” thì thực tế toàn là “của đảng, do đảng, vì đảng”, trong khi các “giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, toàn thể nhân dân lao động” được đảng đề cao lại là những thành phần chịu thiệt thòi nhất trong xã hội
 


Nguyễn Đức Bình, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Một tiếng kêu lạc lõng giữa đường

Nguyễn Đức Bình, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa lên tiếng kêu gọi toàn đảng tiếp tục chấp hành theo Cương lĩnh năm 1991 để “khẳng định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Việc này không làm ai ngạc nhiên đối với một người như Nguyễn Đức Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương vào thời kỳ Liên Xô và khối Cộng sản Đông Âu tan vỡ năm 1991. Ông Bình đã đem cả sự nghiệp chính trị của mình để đầu tư vào việc thành hình bản “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Điều quan trọng nhất của Cương lĩnh 1991 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”

Nhưng tại sao Nguyễn Đức Bình đã phải khổ công viết một loạt bài dài 5 kỳ trên Tạp chí Tuyên Giáo, cơ quan tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 11/2008, để biện minh cho việc phải “Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa”?

Theo nội dung bài viết thì ông Bình đã để lộ ra một số mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ đảng và trong hàng ngũ cán bộ lý luận tư tưởng đối với nội dung của Cương lĩnh 1991, trong đó có ý kiến phê bình có nhiều điểm mơ hồ và không thực tế. Cũng có người còn mạnh dạn, theo lời ông Bình, “khuyên Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa”sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ:

“Trước tình hình đó, nhiều người hoang mang, giao động về lý tưởng, có người khuyên Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn bởi, theo họ, thời thế (thời đại) đã thay đổi.”

Nhưng nguyên do sâu xa hơn khiến ông Bình phải lên tiếng bảo vệ Cương lĩnh 1991 là vì trong thời gian tới đây, có thể tại Hội nghị đảng giữa nhiệm kỳ của khoá X, sẽ có việc rà soát lại Cương lĩnh 1991 và bổ sung cho phù hợp với tình hình. Tất nhiên những lời phê bình, kiểm điểm, dù thuận hay nghịch sẽ khiến ông Bình khó xử.

Vì vậy Nguyễn Đức Bình đã cố giải thích để trấn an: “Con đường cách mạng trước sau như một của Đảng ta và nhân dân ta - con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là tư tưởng cơ bản xuyên suốt Cương lĩnh của Đảng năm 1930, Cương lĩnh năm 1991, là đường hướng cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta hiện nay, không gì lay chuyển nổi. Giai đoạn hiện nay người cộng sản Việt Nam phải rất kiên định và sáng tạo hơn bao giờ hết trên đường hướng đó.

Giữa lúc tình hình thế giới còn rối ren, lộn xộn, lịch sử chưa định hình, những xáo động về tư tưởng là khó tránh khỏi. Những kẻ cơ hội tuyên bố xã hội đương đại có 3, 7 đường, thậm chí hàng trăm con đường chứ không chỉ có một. Có những kẻ dao động nghiêm trọng về lý tưởng cách mạng mà họ vẫn tôn thờ, họ quay sang con đường xã hội dân chủ, hay "con đường thứ ba".

Nhưng “Những kẻ cơ hội”và “những kẻ dao động” trong đảng là ai, nhiều hay ít đã đổi chiều? Từ lâu không thấy những người làm công tác tư tưởng hay cấp lãnh đạo dùng nhóm chữ “chệch hướng”để nói về những người đòi xét lại vai trò lịch sử của đảng Cộng sản đối với đất nước, hay nghi vấn về nhu cầu của Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với dân tộc.

Điều này không có nghĩa tình trạng thờ ơ với lý thuyết Cộng sản hay hoang mang về định hướng của đảng trong cán bộ, đảng viên đã chấm dứt. Bằng chứng đã phản ảnh trong bài viết của ông Bình: “Lại có đồng chí cho rằng với thực trạng thế giới hiện nay, sau khi Liên Xô tan rã, không cần nhắc lại nữa định nghĩa thời đại vì chủ nghĩa xã hội trên thế giới còn rất xa vời, khẳng định thời đại lúc này không ích gì, trái lại dễ gây ảo tưởng chủ quan, phiêu lưu trong hành động thực tế. Quan điểm này không có sức thuyết phục. Thời đại nếu đã không còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội thì sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta không còn cơ sở lịch sử thế giới khách quan và những người cách mạng mất đi một cơ sở vững chắc cho niềm tin lý tưởng ở quy luật lịch sử và tiền đồ cách mạng.”

Nhưng cái “thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”của người Cộng sản, theo quan điểm của ông Bình, đã bắt đấu từ sau Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mà nay thì nước Nga Cộng sản không còn nữa. Nhân dân Nga đã đạp đổ cả chế độ mà tiến sang Tư bản từ năm 1991, sau 74 năm sống lầm than mà vẫn chưa đến được ngưỡng cửa “thiên đàng”của chủ nghĩa xã hội.

Còn ở Việt Nam thì người Cộng sản đã “quá độ” từ bao giờ?

Họ không thống nhất. Có tài liệu nói từ 1954, sau khi đảng Cộng sản cai trị miền Bắc Việt Nam, nhưng cũng có văn kiện đảng CSVN nói từ sau năm 1975. Nguyễn Đức Bình thuộc vào hàng ngũ lấy điểm khởi hành sau 1975 khi viết: “Với chiến thắng oanh liệt Mùa Xuân 1975, cả nước độc lập, thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.”

Nếu như vậy thì ít ra đảng của ông Bình đã “quá độ”được 33 năm mà chưa thấy có ai trong đảng dám nói đã “tìm thấy lối vào”của chủ nghĩa xã hội.

Chính điểm mơ hồ này đang gây tranh luận trong nội bộ đảng CSVN khiến cho các “nhà” lí luận Cộng sản như Nguyễn Đức Bình lúng túng trong cả trong lý luận lẫn hành động để đưa ra mô hình tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà đảng đang cố gắng “qúa độ” tới đó.

Ông Bình phản bác: “Ý kiến phủ định thời đại chúng ta vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới là một bước lùi về lập trường chính trị cơ bản, xuất phát. Thực tế nếu vậy thì đất nước ta, Đảng ta từ nay đi con đường nào đây? Và nếu vậy thì phải chăng Cương lĩnh của Đảng năm 1991 đã không còn căn cứ thời đại?”.

Ông Bình muốn nói nhăng nói cuội gì cũng được, nhưng khi viết rằng “con đường cách mạng trước sau như một của Đảng ta và nhân dân ta hiện nay” là vơ đũa cả nắm, mạo nhận không căn cứ.

Trước nhất, nhân dân không chọn đảng Cộng sản để lãnh đạo.

Thứ nhì, nhân dân đã bị áp chế sống với chế độ độc tài, đảng trị và không có quyền quyết định gì trong cơ chế hiện nay. Ngay cả quyền bầu cử người đại diện cho mình điều hành việc nước cũng do đảng quyết định.

Thứ ba, nhân dân không có tiếng nói nào trong việc hình thành hai Cương lĩnh 1930 và Cương lĩnh 1991.

Vì vậy “con đường”được gọi là “cách mạng trước sau như một” là con đường riêng của các đảng viên đảng Cộng sản mà thôi.


Lạc quan tếu

Trong bài viết trong Tạp chí Tuyên Giáo, ông Bình không quên nhắc lại lời tiên đoán “ăn ốc nói mò”của Cương lĩnh 1991: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay go, phức tạp của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử.”

Vậy thì ông Bình đã đoán việc này sẽ xẩy ra trong những điều kiện nào ?

Ông Bình viết: “Mâu thuẫn cơ bản nhất của thời đại ngày nay là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại, nhưng hình thái biểu hiện đã khác trước nhiều. Đó không còn là mâu thuẫn giữa hai hệ thống thế giới đối lập, nhưng cũng không phải sau khi chủ nghĩa xã hội bị sập đổ một mảng lớn thì mâu thuẫn đó không còn. Ngoài một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại, khá có trọng lượng, phải kể đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cả đến phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì hoà bình,vì độc lập và chủ quyền dân tộc, vì dân chủ và tiến bộ xã hội, những lực lượng này vẫn là lực lượng xã hội chủ nghĩa hoặc đồng minh tự nhiên của chủ nghĩa xã hội…”

“…Chừng nào còn chủ nghĩa tư bản, còn những mâu thuẫn nan giải của chủ nghĩa tư bản như hiện nay và, cùng với quá trình chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn toàn cầu hoá, những mâu thuẫn ấy ngày càng tích lũy sâu sắc và mở rộng, thì lịch sử vẫn không ngừng vận động và, theo quy luật lịch sử - tự nhiên, chỉ có thể vận động theo hướng chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ tiêu vong và được thay thế bằng chủ nghĩa xã hội…”

Sau khi đã võ đoán như thế, ông Bình lại đưa mọi người vào hỏa mù: “Có điều cần ghi nhận: Ngày nay ít ai còn mang ảo tưởng chủ nghĩa tư bản sắp chết đến nơi, nhưng phải chăng số người tin tuyệt đối vào sức sống vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản cũng ngày càng vơi dần? Xem ra đa số đánh giá chủ nghĩa tư bản còn lâu mới tiêu vong nhưng cuối cùng nhất định nó không tránh khỏi tiêu vong…”.

Quan điểm mò mẫm, dự đoán như thầy bói chợ chiều của ông Bình về “giờ hấp hối”của Chủ nghĩa Tư bản còn đi xa hơn: “Rõ ràng chủ nghĩa tư bản cũng đang "tự phản tỉnh”, "tự phê phán”, đang thấy khó mà tự duy trì nếu không có phép gì mầu nhiệm hơn những phép đã dùng gần như cạn kiệt để tự điều chỉnh, thích nghi. Những khái niệm "xã hội hậu tư bản", hay "chủ nghĩa tư bản mới", "chủ nghĩa tư bản nhân dân", v.v... mà một số học giả phương Tây ưa dùng nói lên hai mặt. Nó vừa là một sự nguỵ biện rằng chủ nghĩa tư bản đã thôi không còn là chủ nghĩa tư bản nữa vì nó không còn bóc lột; vừa là - về khách quan - mặc nhiên thừa nhận chế độ tư bản đích thực, truyền thống, nguyên xi như bản thân nó, đã hết lý do tồn tại, đã hết khả năng tự biện minh; có nghĩa ngay các nhà tư tưởng tư sản cũng đã mất niềm tin ở chính chủ nghĩa tư bản, đã mặc nhiên và gián tiếp phải nói đến một chế độ mới đang gõ cửa chủ nghĩa tư bản.”

Nhận xét của ông Bình có căn cứ không ? Tất nhiên cũng chỉ là đoán mò. Thái độ này cũng giống như Cương lĩnh 1991 viết: “Trước mắt, chủ nghĩa tư bản còn có tiềm năng phát triển kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, thay đổi cơ cấu sản xuất, điều chỉnh các hình thức sở hữu và chính sách xã hội. Tuy vậy, chủ nghĩa tư bản vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng sâu sắc. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân rộng rãi với giai cấp tư sản, giữa các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty xuyên quốc gia, các trung tâm tư bản lớn tiếp tục phát triển. Mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng tăng lên. Chính sự vận động của tất cả những mâu thuẫn đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản.”

Nhưng 17 năm sau khi Cương lĩnh 1991 ra đời, các chế độ theo Tư bản Chủ nghĩa vẫn tồn tại hùng mạnh. Nếu có nước nào nghiêng ngả theo Xã hội Chủ nghĩa mới thì cũng vẫn giữ nguyên lối làm kinh tế theo Tư bản. Tuyệt nhiên không nước nào dám mon men theo chủ trương kinh tế phá sản kiểu Cộng sản. Và cũng không có thêm nước nào lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng xây dựng đất nước như Việt Nam

Cả thế giới đến cuối năm 2008, chỉ có vỏn vẹn 4 nước cô đơn còn trung thành với Chủ nghĩa Cộng sản là Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Tuy Trung Hoa và Việt Nam có nền kinh tế khá hơn, nhưng nhân dân cả 4 nước đều không có các quyền tự do như nhau và số người dân đói nghèo tại 4 nước vẫn cao hơn số người đủ ăn và giầu mà đa phần là những kẻ có chức, có quyền.

Vậy mà ông Bình vẫn như người mơ ngủ để kêu gọi toàn đảng kiên định và giữ vững 4 điều xưa như trái đất:

1- Tiếp tục khẳng định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2- Tiếp tục khẳng định nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, thực hiện đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa.

3- Khẳng định và tiếp tục phát triển khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, toàn thể nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

4- Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Loại trừ những phần tử cơ hội, tiêu cực, thoái hoá, biến chất. Nâng cao tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức và trí tuệ cán bộ, đảng viên ngang tầm đòi hỏi cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Phát huy cao độ dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Số đảng viên nên "thà ít mà tốt"

Không có gì mới lạ trong 4 điều này. Những gì gọi là “của dân, do dân, vì dân” thì thực tế toàn là “của đảng, do đảng, vì đảng”, trong khi các “giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, toàn thể nhân dân lao động” được đảng đề cao lại là những thành phần chịu thiệt thòi nhất trong xã hội.

Còn về việc ông Bình kêu gọi “loại trừ những phần tử cơ hội, tiêu cực, thoái hoá, biến chất” trong đảng thì có khác nào việc lặp lại tiếng con chim cuốc đơn côi kêu trong mùa hè? Càng kêu cuốc càng khan cổ, nhưng những kẻ tham nhũng, thoái hoá trong đảng Cộng sản lại càng phát tài, phát lộc từ khi có Luật phòng, chống tham nhũng ra đời năm 2005!

Nhưng việc ông Bình phải lặp lại những điều thất bại này vào thời điểm Cương lĩnh 1991 sắp được đưa lên bàn mổ để xem đảng đã làm được đến đâu trong 4 điều cơ bản này chứng tỏ những kẻ như ông Bình cũng đã cạn kiệt tư tưởng trước làn sóng thoái trào trong nội bộ đảng CSVN.

 

 

Phạm Trần
(Cuối 2008)

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường.

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.