.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TỦ SÁCH

Tô Hải: Hồi ký của một thằng hèn

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 CHÍNH LUẬN


Các nhà lý luận Cộng sản
góp ý Văn kiện đại hội Đảng

  • PSN 21.11.2010


GS Trần Phương, Chủ tịch Hội KHKTVN

Ngày 7-10-2010 vừa qua tại Hà Nội hơn 20 trí thức, đều là đảng viên cộng sản kỳ cựu, hơn nữa đều là đảng viên cấp cao, do Bộ chính trị quản lý, đã tụ tập trong một cuộc hội thảo dưới danh nghĩa của cuộc họp là do Hội khoa học kinh tế Việt Nam và Trung tâm thông tin, dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cùng phối hợp tổ chức, nhằm «góp ý cho các Dự thảo văn kiện Đại hội XI của đảng Cộng sản». Các dự thảo chính là Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương, Cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược kinh tế - xã hội 2010-2020, thường gọi tắt là Báo cáo chính trị, Cương lĩnh và Chiến lược, mà quan trọng nhất là Cương lĩnh.

BIÊN BẢN HỘI THẢO KHOA HỌC

HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VN và TRUNG TÂM TT và DBKT – XHQG

(Chưa được chỉnh lý)

  • Chủ trì: GS Trần Phương, Chủ tịch Hội KHKTVN

  • Khai mạc: 8 h 30

  • Thành phần: - Hội KHKT – XH QG: GS Trần Phương – nguyên phó Thủ tướng Chinh phủ ; Vũ Khoan – nguyên phó Thủ tướng Chính phủ ; PGS Trần đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế ; GS Phan văn Tiệm – nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính ; Việt Phương – nguyên Thư ký cố vấn của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng ; Dương Thu Hương – nguyên phó Thống đốc Ngân hàng ; GS Đào xuân Sâm – nguyên Trưởng bộ môn Quản lý kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc ; PGS Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới …

  • Một số thành viên Tổ Biên tập Cương lĩnh

  • Một số cán bộ nghiên cứu (được mời).

Nội dung: Góp ý cho các Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng.

GS Trần Phương

Đề nghị nói ngắn, nói rõ: muốn sửa điều này, bổ sung điều kia thôi, không cần giải thích vì mọi người đều đã đọc, đã biết cả. Nói ngắn để nhiều người được nói, và nghe đươc ý kiến của nhiều người.

 

GS Đào Công Tiến

Không nên giữ “kim chỉ nam” như cũ. Phải coi cái đúng ở mọi thuyết đều là nền tảng tư tưởng.

Cần nhận thức lại CNXH, CNXH như cách hiểu chính thống, ngòai khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh” như mục tiêu thì được ; nhưng 3 đặc trưng ở mô hình trong đó Đảng CS toàn trị, đấu tranh giai cấp, …thì cần thay bằng một mô hình văn minh hơn. Ở đó, dân quyền, pháp quyền phải là tối cao. Hiện nay cần tăng cường tư tưởng khoan sức dân (như Di chúc của Bác Hồ).

Các giải pháp đột phá : phải nhằm vào cải cách chính trị (chứ không chỉ kinh tế).

 

Ông Việt Phương

Nay người ta không quan tâm góp ý vào văn kiện, vì cho rằng ĐH nào cũng chủ yếu là vấn đề nhân sự thôi. Về văn kiện, có 5 ý sau :

- Qúa dài, rất trùng lắp,

- Đã có một số chủ trương đúng, mới đã được ghi nhận trước đây.Không được tước bỏ đi. Phải đưa trở lại + nhiều cái mới nữa. Những cũ kỹ, lạc hậu, sai lầm quay lại nhiều quá.

- Rất nhiều điều chỉ có thể là dự báo KH lại coi là chủ trương. Ví dụ: Đến giữa TK XXI VN thành thế này, thế kia.

- Giữa các văn kiện không có tư tưởng thống nhất.

- Văn kiện bị tụt lùi xa so với ĐH 9, 10.

Nếu có thể sửa chữa ti nào thì tốt. Hoặc nên có một Nghị quyết mới, khác. Chỉ nên 10-15 trang, chủ trương tinh túy thôi.

 

Ông Nguyễn Trung

Văn kiện chưa rõ vấn đề giải phóng con người, mà còn chưa thống nhất được dân tộc về ý chí, về con đường đi.

Nhận định về quốc tế, về các nước XHCN và tình hình đất nước sai. Nên bỏ đi !

Nên có một Nghị quyết khác với các vấn đè chính là :

-  PTBN: nên ghi rõ thành 1 chủ trương + chương trình hành động cụ thể. Thủ tướng đã có một bài viết về v/đ này rồi.

- Quan hệ đối ngoại, nhất là đối với TQ : phải rõ quan điểm.

- Cải cách thể chế chính trị thành một vấn đề bức xúc, không giải quyết không phát triển được. Phải xây dựng Hiến pháp mới.

 

PGS Võ Đại Lược

Đồng tình với các ý kiến trước. Lẽ ra Hôi thảo phải có người lãnh đạo nghe.

Ta đang sống trong thời đại Thế giới đại điều chỉnh, nhưng Văn kiện không ghi nhận được điều này.

Đánh giá sai nhiều lắm. Ví dụ : Sụp đổ của XHCN là tổn thất, vậy không phải là thời cơ à?

Định nghĩa về CNXH; Công hữu là chủ đạo ? thật là vô lý, có hại cho đổi mới ! Doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo, nền tảng của kinh tế nhà nước, chỗ này là phi XHCN nhất, nguy hiểm quá.

Ngoài chủ trương công hữu và Đảng CS lãnh đạo chả khác gì phương Tây.

Vấn đề hoàn thiện thể chế ghi trong Văn kiện lại không có định hướng, trở nên vô nghĩa.

Phải có thí nghiệm thể chế, nên xây dựng đặc khu kinh tế.

Tóm lại : Các Văn kiện hiện quá lạc hậu so với thời đại.

 

TS Nguyễn Mại

- Có 3 chỉ tiêu cần thay đổi ; thu NS 26% (quá cao), 5 năm qua thu 28% ; điều chỉnh Tổng đầu tư XH/GDP : 42% (quá cao) chỉ nên 35% thôi ; thu thuế qua hải quan là hơn 30%. Rất phi lý ! Phải tăng thu trong nước, giảm thu hải quan. Các nước thu trong nước tới 90%.

Phải khoan sức dân. Cần cải cách thuế một cách cơ bản, triệt để.

Đề nghị phải làm rõ PMU 18, Vinashin,

Đột phá 3 lĩnh vực nêu trong Văn kiện thì không phải là đột phá. Phải đột phá Tư duy!

Đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị, phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước. Quốc hội hiện chưa phải là cơ quan lập pháp !

Tôi nghĩ vấn đề Đảng có thật sự muốn nghe hay không ?

 

Ông Vũ Khoan

Tiêu chí thực hiện CNH như thế nào ? Nhưng trong điều kiện phải HĐH, chứ không chỉ CNH.

-  Xử lý những bất ổn trong kinh tế vĩ mô ; thâm hụt NS, nhập siêu quá cao ;

-  Hoàn thành đầy đủ cái nền tảng hay là xây dựng mới ?

-  Tình hình Quốc tế khó khăn hơn trước ; sau khủng hoảng người ta thay đổi cả, ta không rõ;

-  Nhân tố TQ ; chưa tính hết và chưa đúng. VD ; dùng ND tệ làm phương thức thanh toán.

Về mô hình phát triển: Văn kiện trình bày chưa rõ. (chưa hình thành được mô hình PT cho 10 năm tới).

Vấn đề đột phá : (bây giờ thành mốt rồi), nên đưa nguồn nhân lực lên đầu tiên. Trong nhân lực quan trọng nhất là vấn đề người lãnh đạo. Gíáo dục chưa biết là đi theo hướng nào ?

Thể chế : Phải đặt vấn đề về thể chế quản trị quốc gia.

Góp ý chỉ ta là với nhau chăng ? Dân có biết gì đâu ? Đại hội Đảng bộ các cấp cũng có đóng góp gì đâu Văn kiện thiếu vấn đề giải pháp, không biết làm thế nào để thực hiện những ước muốn kia ?

 

Ông Vũ Tuấn

Văn kiện không phản ánh được cuộc sống. Phải đưa cuộc sống vào Nghị quyết. Đổi mới chính trị chưa theo kịp đòi hỏi, đang cản trở.

Xác định cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng : Lãnh đạo là ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? Chính quyền thì ỷ lại Đảng, cái gì cũng đợi để Thường vụ bàn !

 

PGS Trần Đình Thiên

25 năm qua, điều ta đạt được là nhờ chuyển sang thị trường chứ không phải là do định hướng XHCN. Gắn CNXH với thị trường như thế nào không rõ. Bây giờ thế nào là chủ đạo ?

 

TS Lê Đăng Doanh

Cần kiểm điểm lại các nhiệm vụ ghi trong ĐH 9, 10

Có một số việc không làm ví dụ: Luật về Hội, Luật về quyền tiếp cận thông tin, Luật Hiến pháp, vv…Tại sao Đảng lại không thực hiện NQ ĐH Đảng ?

Vậy sắp tới có quy chế gì không ?

Đổi mới thể chế phải là then chốt ! Phải ngăn chặn lợi ích nhóm, kiểm soát sự lãnh đạo của Đảng. Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng.

Thể chế là vấn đề sống còn. Đảng phải đổi mới, phải được giám sát.

Tình hình KT vĩ mô và KTTG không giống như trong Văn kiện.

Phải nhìn thẳng vào sự thật. Lừa được người ta mà không lừa được thực tiễn đâu.

Các nước xung quanh cải cách rất nhanh. Ở ta có 3 vấn đề bức thiết: Thể chế, lợi ích nhóm, vận hành quyền lực tùy tiện không thể không giải quyết.

 

GS Nguyễn Đình Hương

Tôi vẫn hy vọng đóng góp của ta đến được TW.

Các văn kiện còn mâu thuẫn. Ví dụ như nội dung nói về cơ cấu còn khác nhau. Vậy cần có sự thống nhất về thuật ngữ giữa các văn bản.

 

GS Lê Du Phong

Tôi có 4 nhận xét :

- Tư duy lý luận lạc hậu, mâu thuẫn, xa rời thực tiễn ; thụt lùi so với ĐH trước ; Vấn đề công hữu, KTNN là chủ đạo, bình đẳng mọi thành phần là những vấn đề nổi cộm.

- Lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ giảm.

- Xem thường lịch sử; Nói CNXH là điều kiện để độc lập. Các triều đại trước có CNXH đâu mà vẫn độc lập.

- Không gắn với thời đại, xem thường thiên hạ.

Nếu cứ thế này, đến năm 2020 chắc chắn sẽ tụt xa so với các nước.

Hungari : 2001 : 5000 USD/người, năm 2998 ; 15000 USD/người, họ nhanh hơn ta nhiều.

Đột phá : Đầu tiên là đổi mới hệ thống chính trị vì đang là vật cản.

 

GS Trần Phương

Hiện nay ta thích nói một cách, làm một cách khác. Ta nói CN Mác-LêNin, nhưng nó là cái gì mà bảo nó là nền tảng ? Ta có làm theo các nguyên tắc của CN Mác không ? Đổi mới của ta thực chất là “thụt lùi” ; thừa nhận cả KT tư nhân … Mác đã sai khi dự kiến về đặc trưng của CNXH. Ta giả vờ theo Mác, vì nói vậy nhưng đã làm khác đi rồi.

Đổi mới là so với cái đã sai trong 20 năm trước !

Mác nói : triệt tiêu chế độ tư hữu, thế là sai ! Vì mất động lực. (Giống nhận xét của Victo Hugo về Mác).

Vậy: CNXH là gì? Có ai trả lời được không?

Ta nói và ta biết là ta đang bịp người khác ! Nhưng “Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc ; nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc !” (Abraham Lilcon).

Vậy, viết thế nào thì viết, nhưng đừng đao to búa lớn quá.

Mác mới là phác thảo, dự báo về XH tương lai chứ có phải nguyên lý, kinh thánh đâu ? Liên Xô cũng từ chối XHCN đấy chứ !

Không thể nói KTNN là chủ đạo được, nhiều nhất chỉ là nòng cốt thôi. Nói thế là sai với thực tế. Có sử dụng quả đấm thép nào đâu ?

Phải xác định rõ CNXH là gì? Định hướng nó là gì ?

CN Mác-Lê nin có điều đúng, có điều sai rồi ! Vậy thì phải xem trong đó có cái gì là nền tảng chứ. Bây giờ có đến 6,5 tỷ người, đến nước sạch cũng bị thiếu rồi, đánh nhau vì nước uống. Cái gọi là CNCS đã là ảo tưởng rồi.

Tôi nói với ông Đỗ Mười, ông Phạm văn Đồng là đến cuối thế kỷ XXI này, con cháu chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến CNXH.

Tóm lại, cương lĩnh viết không rõ ràng. Chiến lược cũng nhiều điều không rõ ràng.

Nông dân còn chiếm đa số. Đầu tư cho nông nghiệp quá thấp, suốt cả 30 năm nay. Đê đập không tốt, hệ thủy nông, hồ chứa nước …

Sắp tới ta 100 triệu dân, nuôi số này như thế nào ? Đảng này, Chính phủ này muốn ổn định phải lo đến nông dân. Phải sửa chỗ đầu tư bất cập vào nông nghiệp.

Phân cấp quản lý 10 năm qua là sai. Vì biến thành rất nhiều “vương quốc” !

Tỉnh nào cũng có xi măng, sân bay, nhà máy thép, cảng biển …đầu tư nham nhở. 15 khu KT, làm gì có tiền mà làm 15 khu KT.

Tổ chức quản lý các DNNN sai! Nhật chỉ có MITI, nhưng dưới nó là các tập đoàn tư nhân lớn. Ta thì Bộ không làm quản lý, sửa chữa, đi quản DN, làm sao quản nổi ?

Tài sản toàn dân ai quản ? Phải xử lý vấn đề này như thế nào ? Như vậy, cơ chế quản lý không rõ ràng, phải sửa !

Thể chế : Loài người đi đến chỗ Dân chủ. Nhưng thế nào là Dân chủ ?

Nhất định phải đến chỗ Dân chủ + Pháp quyền.

Đảng quyết mọi thứ mà lại không chịu trách nhiệm gì. Thế mới chết chứ.

Không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà cả quan điểm tư tưởng đấy.

Viết rằng 2020 thành nước công nghiệp mà có 3000 USD/người là bịp dân. Nước CN mà có 3000 USD/người thôi à ! Vậy mục tiêu không rõ ràng và không đúng.

Cương linh cũng không chỉ cho biết cần làm gì. 3 cái đột phá không phải là đột phá. Không đột phá vẫn phải làm 3 cái đó.

Cương lĩnh và văn kiện đều theo tinh thần chúng ta quyết làm tất cả. Thành ra chúng ta không làm gì cả. La liệt, đủ thứ ; không thể góp ý gì được, không biết làm gì để tiến lên.

 

Ông Nguyễn Trung ( lần 2)

Nên lưu ý kiến của TS Lê Đăng Doanh. Đừng say mê về chuyện tăng trưởng con số, vì có thể vì nó mà sụp đổ.

Kiến nghị : KTNN chủ đạo là thế nào ! Cần định nghĩa rõ. Có phải làm những cái tư nhân không được làm không ? Đề nghị bỏ hẳn cái phần làm trái nghề đi. Bỏ hẳn phần bao cấp quyền, bao cấp vốn, mà chỉ còn dịch vụ công.

Vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc, rất nguy hiểm. Toàn bộ xuất siêu của ta đập vào nhập siêu của Trung Quốc mà không đủ. Nếu Trung Quốc chỉ dùng Nhân Dân tệ để buôn bán khu vực thì ta nguy.

Nhân sự : Tổng Bí thư phải gương mẫu thực hiện công khai minh bạch ; nên có chương trình hành động, có cam kết ; có một tổ chức giam sát việc thực hiện cam kết.

 

GS Đào Xuân Sâm

Tại sao Văn kiện lại ngổn ngang thế.

Trong hành trang của Đảng đừng nên nói CN Mác-Lênin vì ta không có nguyên bản, chỉ có du nhập. Hành trang đó bây gìờ vẫn mang vào ĐH XI. Nên xem lại trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cương lĩnh thất bại, tuyên truyền thất bại. Lý luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ. Học viên bây giờ phải học cưỡng bức 3 chứng chỉ.

Trong khu vực DNNN không tìm thấy động lực nối tiếp. Ngổn ngang quá. Gỉa dối quá. Thật là bi kịch.

Cảnh ngộ của Đảng ta từ sau Đại hội XI bắt đầu bước vào suy đồi. Không loại trừ khả năng Dân tộc phải chịu đựng nhiều năm.

Sửa gì? Nên tập trung vào Đảng, Nhà nước, khu vực công.

 

GS Phan Văn Tiệm

Tôi chia sẻ với tất cả các ý kiến đã nói, rất tâm đắc. Văn kiện ít tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nên viết lại Cương lĩnh. Cụ Hồ rất ít nói về CNXH.

Phong trào CS quốc tế rất tả khuynh, biểu hiện rõ nhất là căm thù tư hữu. Sức sống của chế độ tư hữu lớn lắm.

Từ nay từ bỏ chủ đạo. Không nên lập ra các Tập đoàn KT, vì đó là sân sau của quan chức.

 

Bà Phạm Chi Lan

Cảm nhận chung của các địa phương giống như các anh vừa nói. Mọi người ngạc nhiên hỏi rằng : “Bây giờ viết vậy, họ tin thế thật à?” Dân còn tin Đảng như tôi nói đây ? Toàn là giả dối cả. Cộng đồng quốc tế người ta cũng có tâm trạng như vậy.

Người ta bình luận, Triều Tiên dại quá ! Lại đưa ông Kim con 27 tuổi lên đại tướng. Khôn ra thì luân chuyển một chút rồi hãy lên !

Nếu đưa cái Cương lĩnh Chiến lược này ra mà thông qua thì sẽ ra sao đây ?

Qủa đấm thép không đấm vào đối thủ mà lại đấm ngay vào chính ta.

Còn 2 “Vinashin” Nữa tình trạng không khác gì Vinashin, rất nguy hiểm.

Nợ công trầm trọng quá.

Cải cách hệ thống chính là nút thắt phải gỡ.

 

Bà Dương Thu Hương

Văn kiện thì không có gì mới về nhận thức lý luận, không sát thực tiễn, cái cũ không sửa được, vậy thì sẽ đi đến đâu?

Định hương XHCN của KTTT, của CNH là gì mà cứ phải có cái đuôi ấy ?

Dân Chủ thì ở đâu cũng giống nhau ; dân được nói mới là Dân Chủ.

Đảng vẫn đặt Dân tộc sau giai cấp, Cương lĩnh như thế không tập hợp được lực lượng.

GDP 2005 khác 2010 về giá nên không rõ có thật phát triển không?

Dự thảo Văn kiện đánh giá : “Dân chủ trong Đảng được mở rộng”. Tôi nghĩ trong Đảng là mất Dân chủ nhất. Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì phải hy sinh quyền lợi của cử tri, chỉ vì vị trí của đảng viên.

Hầu như không có nhận định nào trong Văn kiện là đúng sự thật thực tiễn.

An ninh quốc phòng ; tôi đang rất lo sợ. Bau xit Tây Nguyên, cho thuê rừng, lao động nước ngoài …không được giải quyết dứt điểm. Trong các báo cáo đè cập rất mờ nhạt.

Niềm tin của dân với Đảng giảm sút thì trách nhiệm của Đảng đến đâu ? Liên Xô đổ vì dân không còn tin Đảng.

Phần viết về nguyên nhân : đánh giá rất sơ sài và đổ cho khách quan.

Tất cả yếu kém trên mà chỉ nói BCH TW xin tự phê bình,…; nói thế quá nhẹ nhàng ; mà không nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm.

Phương hướng Phát triển đất nước thì thiếu giải pháp.

 

TS Lưu Bích Hồ

Tôi đánh giá rất cao Hội thảo này, vì rất thẳng thắn, cởi mở. Tôi rất chia sẻ các ý kiến các anh các chị hôm nay.

Nhưng nói mãi mà vẫn không vào được Văn kiện.

Có lẽ cần có ngọn cờ của đổi mới thì mới vào Văn kiện được.

Tôi nghĩ đất nước ta chưa bao giờ dân trí cao như bây giờ. Nhưng trình độ lãnh đạo thì khó xác định. Họ hiểu biết mà không nói ra. Dẫu sao, nói chung trình độ trí tuệ thì chưa bằng bên ngoài. Đây là nguyên nhân làm cho cuộc sống không vào được Văn kiện.

Vậy có thể thay đổi được không ? Tôi còn một chút hy vọng.

Đề nghị anh Trần Phương giảng lại cho các đ/c TW hiểu thế nào là công hữu, vì trước anh đã giảng cho họ làm như hiện nay. Nay anh cần giảng giảng lại cho họ.

Đề ngị bỏ DNNN là chủ đạo ; thừa nhận Xã hội Dân sự và phát triển Xã hội Dân sự.

Bây giờ tình thế và ngọn cờ không giống như hồi ĐH 6.

Nền tảng của xã hội ta là gì? Tôi xin hỏi ý kiến các anh ? Đảng có dựa vào công nhân không? Có dựa vào nông dân không? Tôi nghĩ không ? Vậy dựa vào cơ sở nào ? Có dựa vào trí thức không ? Cũng không nốt !

Vậy có phải doanh nhân ? Mà doanh nhân lại chỉ là các DNNN ư ? Phải viết lại, đánh giá lại chỗ này trong văn kiện.

Thế giới bao giờ cũng phải dựa vào trí tuệ, nên phải dựa vào trí thức và doanh nhân. Nhưng lại mâu thuẫn với điều lệ Đảng !

Nếu không kịp sửa, đề nghị không thông qua Cương lĩnh ! Để lại sau.

 

PGS Võ Đại Lược (lần 2)

Còn một vấn đề chưa nói đến là công tác cán bộ. Tình trạng mua quan bán chức lộ liễu, công khai, hết sức nguy hiểm. Thị trường quan chức bóp chết tất các thị trường khác.

Cơ chế tuyển dụng, tuyển chọn cấp cao như thế nào ? Không công khai minh bạch.

Người lãnh đạo ở các cấp không có chịu trách nhiệm gì cả với quyết định của mình. Bộ giao thông, Bộ xây dựng … cầu đổ, nhà đổ , không thấy nói gì về trách nhiệm cả. Một đất nước như vậy thì không mong đợi gì !

 

GS Vũ Huy Từ

Tôi rất nhất trí với tất cả các ý kiến từ sáng đến giờ. Chưa bao giờ vấn đề nghiêm trọng như bây giờ. Dân không còn tin Đảng như trước nữa. Không ai quan tâm nữa.

Xin lưu ý : trong Dự thảo có câu ; Nhà nước tập trung XD đường bộ + đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Có nên đưa vào không ?

 

GS Trần Phương (lần 2)

Tư tưởng trong Đảng không rõ ràng. Có nguyên nhân của nó đấy. Trước đây có Nghị quyết của ĐCS và CN quốc tế (1957 và 1960), xem đó là những quy luật và dựa vào đó, người ta khai trừ Nam Tư ra khỏi các Đảng CS.

Cương lĩnh 1991 vẫn y như quan điểm chung của hệ tư tưởng cũ. Chưa có đổi mới gì cả. Vì chưa kiểm điểm lại hệ tư tuổng cũ.

Hội đồng Lý luận TW có bao giờ ngồi lại nghĩ xem Mác có cái nào đúng, cái nào sai không ? Lê nin cũng vậy ! Ví dụ : tư tưởng CM không ngừng.

Cương lĩnh đầy dẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói XHCN mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Phải sửa !

Nhưng ai sửa ?

 

Kết luận

Các nhà Kinh tế học thảo luận về Dự thảo Văn kiện, nhưng thực tình không nhằm vào sửa Văn kiện. Ta chỉ chuyển cho Ban Văn Kiện, họ có sửa hay không là việc của họ. Trách nhiệm của nhà ngiên cứu là nói trung thực, thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, mong muốn Đảng mạnh lên, đất nước mạnh lên.

Dù không được chấp nhận, nhưng ít ra cũng lưu vào văn bản, lưu lại hậu thế rằng năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy, để hậu thế biết rằng, hóa ra đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dót nát./.

Kết thúc Hội thảo lúc 17 giờ


Nhà báo Bùi Tín đã bình luận sự kiện này
trên website VOA ngày thứ Hai 15.11.2010 như sau :

‘Túi khôn dân tộc’ bác bỏ hoàn toàn
Cương lĩnh của Bộ chính trị

  • Bùi Tín viết riêng cho VOA Thứ Hai, 15 tháng 11 2010

Đây là một tin cực kỳ hệ trọng.
Một tin động trời, có thể nói trời nghiêng đất ngả cho thế lực cường quyền.
Sự kiện như thế này chưa từng có trong lịch sử 70 năm của đảng Cộng sản Việt Nam.
Tác động của sự kiện này chưa thể lường hết được.

Ngày 7-10-2010 vừa qua tại Hà Nội hơn 20 trí thức hàng đầu của thủ đô, đều là đảng viên cộng sản kỳ cựu, hơn nữa đều là đảng viên cấp cao, do Bộ chính trị quản lý, đã tụ tập trong một cuộc hội thảo khoa học rất lý thú.

Danh nghĩa của cuộc họp là do Hội khoa học kinh tế Việt Nam và Trung tâm thông tin, dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cùng phối hợp tổ chức, nhằm «góp ý cho các Dự thảo văn kiện Đại hội XI của đảng Cộng sản». Các dự thảo chính là Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương, Cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược kinh tế - xã hội 2010-2020, thường gọi tắt là Báo cáo chính trị, Cương lĩnh và Chiến lược, mà quan trọng nhất là Cương lĩnh.

Xin kể một vài tên tuổi và chức vụ của những người tham dự. Có Giáo sư Trần Phương, nguyên Ủy viên trung ương đảng, Phó thủ tướng ; ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương đảng, Phó thủ tướng; Phó giáo sư Trần Đình Thiên, hiện là Viện trưởng Viện kinh tế; Giáo sư Phan Văn Tiệm, nguyên thứ trưởng bộ Tài chính; ông Việt Phương, nguyên Cố vấn của Thủ tướng; Giáo sư Đào Xuân Sâm, dạy môn quản lý kinh tế tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc; bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn kinh tế của thủ tướng; bà Dương Thu Hương, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Phó giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới; ông Nguyễn Trung, từng là đại sứ ở Thái Lan; ông Vũ Quốc Tuấn, cố vấn chính trị - kinh tế của thủ tướng; Tiến sỹ Lê Đăng Doanh; Tiến sỹ Nguyễn Mại; Giáo sư Lê Du Phong; Giáo sư Nguyễn Đình Hương; Tiến sỹ Lưu Bích Hổ; Giáo sư Vũ Huy Từ; Giáo sư Đào Công Tiến…

Suốt 9 tiếng đồng hồ, hơn 20 vị phát biểu ngắn gọn, súc tích, mỗi lần chỉ 10 phút, được ghi âm và ghi vào biên bản, nhằm chuyển cho Ban dự thảo các văn kiện. Trưởng ban dự thảo mỗi văn kiện là Tổng bí thư hay một ủy viên Bộ chính trị, đều không có mặt...

Các vị trí thức đảng viên cấp cao trên đây có thể coi là một mảng tinh hoa của đảng cộng sản, được đảng tuyển lựa, học hành bài bản, nói chung giỏi ngoại ngữ Pháp, Anh, Nga, Trung Hoa … có kinh nghiệm cầm quyền. Họ có thái độ khoa học khách quan, vô tư, phần lớn đã nghỉ hưu, đang hoạt động tự do, có tư duy độc lập, nói chung không dính dáng với các nhóm thân hữu, cánh hẩu, các nhóm lợi ích riêng, tham nhũng, tệ hại trong nền kinh tế phe phái (crony economy) như các chuyên gia của Đại học Harvard Hoa Kỳ tại Việt Nam phát hiện và đặt tên.

Các nhân vật trên đây, theo tôi, có thể gọi là một «think tank» mới mẻ, một «túi khôn» đặc sắc, quý báu của dân tộc, vì rõ ràng qua từng lời phát biểu có trách nhiệm, họ tỏ ra gắn bó với nhân dân, với dân tộc, không theo đuôi, không sợ hãi, không ham danh vọng tiền tài, những điều cực kỳ quý hiếm khi toàn đảng sa sút, mất uy tín, khi xã hội băng hoại khủng khiếp do nạn độc đảng, độc đoán dai dẳng gây nên.

Họ đã nói, đã góp ý kiến những gì?
Tôi xin tóm lược trung thực gọn ghẽ như sau.

Một nét chung là cả hơn 20 vị đều tỏ ra có tư duy độc lập, suy nghĩ kỹ lưỡng bằng cái đầu tỉnh táo riêng của chính mình, nhưng lại đạt đến sự đồng thuận đến kỳ lạ. Mỗi vị phát biểu sau đều nói lên sự đồng ý sâu sắc với những ý kiến phát biểu trước, chỉ nói thêm những điều mới mẻ hay nhấn mạnh thêm, bổ sung thêm ý của người phát biểu trước. Không có ý nghĩ, quan điểm nào trái nhau giữa hơn 20 vị tham dự hội thảo.

Nét nổi bật thứ 2 là hầu hết những đường lối, chính sách then chốt, chủ yếu nhất trong Cương lĩnh và Chiến lược do Bộ chính trị hiện tại và Ban chấp hành trung ương đương nhiệm thông qua trong những kỳ họp 11 và 12 khóa X đều bị bác bỏ và phê phán rât thẳng thắn, đúng mức. Tất cả đều cho rằng đường lối «kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin» là sai lầm, giả dối, nguy hiểm vì Mác mắc nhiều sai lầm cơ bản (như cổ súy cực đoan đấu tranh giai cấp, căm thù quyền tư hữu, tiêu diệt sở hữu cá nhân, thổi phòng một cách cực đoan sở hữu nhà nước), do đó đã phá sản hoàn toàn ở Đông Âu, Liên Xô, và tàn phá nền kinh tế các nước XHCN, trong đó có Việt Nam.

Tất cả đều cho rằng đường lối «kiên định chủ nghĩa xã hội» cũng là sai lầm, giả dối vì chủ nghĩa xã hội hiện thực từng áp dụng ở hơn một chục nước (ở Việt Nam từ 1960 đến nay) đều thất bại, phá sản hiển nhiên. Còn chủ nghĩa xã hội trước mắt và tương lai, gắn liền với kinh tế thị trường, thì chưa ai hình dung ra sao, làm sao mà thực hiện được. Đây là một quan điểm ảo tưởng, viển vông, lừa dối, không khoa học.

Còn mục tiêu xây dựng một xã hội Dân chủ, Bình đẳng, Hiện đại, Văn minh chỉ là nói suông, là bánh vẽ, nhằm lừa dối nhân dân và tự lừa dối mình, vì kèm theo không có những biện pháp hiện thực để thực hiện. Đặc biệt khái niệm dân chủ - dân chủ trong xã hội và dân chủ trong đảng - là vấn đề then chốt nhất, cần thực hiện cụ thể rõ ràng thì lại không có biện pháp thiết thực.

Tất cả các vị tham gia hội thảo đều nhất trí cho rằng vấn đề chính trị lớn nhất, cơ bản và cấp bách nhất là đổi mới hệ thống chính trị, là thay đổi cơ chế lãnh đạo của đảng và nhà nước, vì tổ chức hệ thống cai trị, cầm quyền hiện nay quá cũ kỹ, không hợp lý, không hợp pháp, vai trò của Quốc hội được xác định trong Hiến pháp là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước nhưng thực tế lại không có thực quyền, việc gì cũng phải chờ quyết định của «Thường vụ Bộ chính trị», mà nhóm người này bao biện, ôm đồm, trình độ kém, không do dân cử, không có quyền gì theo Hiến pháp hay pháp luật.

Về kinh tế, có rất nhiều ý kiến mạnh bạo mới mẻ. Tất cả các vị đều cho rằng quan điểm coi hình thức «sở hữu quốc doanh đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế » là sai lầm lớn, nguy hiểm, tai hại, trái với quan điểm bình đẳng trước pháp luật giữa mọi hình thức sở hữu. Sự phá sản, lỗ nặng của biết bao tổng công ty, tập đoàn kinh tế quốc doanh chưa đủ để mở mắt những người viết dự thảo hay sao?

Việc các bộ từ bỏ vai trò đề ra và quản lý việc thực hiện chính sách, lại chỉ chăm lo làm cái việc điều hành các tổng công ty quốc doanh là một lệch lạc tệ hại nguy hiểm.

Việc hạn chế trên thực tế hoạt động kinh doanh của tư nhân, ngăn cản tư nhân lập những tổng công ty hùng mạnh cũng như vừa và nhỏ … như ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, v.v., là một sai lầm nghiêm trọng, coi nhẹ động lực kinh doanh tư nhân hợp pháp, kìm hãm động lực vô tận của nền kinh tế quốc dân.

Nhiều đại biểu vạch rõ các quan chức ở các bộ mê say tổ chức các công ty quốc doanh vì đó là «sân sau» làm ăn, lũng đoạn, thu lợi phi pháp, làm giàu bất chính của các quan chức đương quyền.

Có đại biểu nêu lên việc Chiến lược 10 năm đưa Việt Nam lên hàng ngũ một nước công nghiệp, với bình quân giá trị sản phẩm hàng năm là 3.000 đôla là một điều mỉa mai chua chát, vì Hungary từ năm 2009 đã đạt 15.000 đôla. Đã vậy không tìm ra chỗ nào ghi biện pháp cụ thể, bằng những bước đi nào, để hiện đại hóa nền công nghiệp nước ta.

Tất cả các vị đều cho rằng vấn đề nông dân đã bị bỏ qua một cách nguy hiểm vì nông dân vẫn chiếm gần 70 % số dân, quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất vẫn mù mờ - « sở hữu toàn dân» kỳ quặc, không giống nước nào, không quan tâm thực sư đến đại đa số dân cư, từng được hứa hẹn về liên minh công nông mà không có nội dung, biện pháp thực hiện.

Cuộc hội luận báo động về nạn tham nhũng bất trị, về đạo đức xã hội sa sút thê thảm, về nền giáo dục bế tắc mà Cương lĩnh và Chiến lược chỉ đưa ra vài khẩu hiệu cũ kỹ, không hiệu quả.

Tất cả đều phê phán các văn kiện dài lê thê mà rỗng, đặc biệt là xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, xa rời nhân dân, nhấn mạnh giai cấp mà coi nhẹ dân tộc.

Về đường lối đối ngoại, tất cả tham luận đều phê phán quan điểm đối với Trung Quốc không rõ ràng, như kiêng kỵ, ấp úng, e ngại, sợ sệt. Sao không đàng hoàng nói điều cần nói, cần bàn bạc trong đảng, trong xã hội, minh bạch công khai, đặc biệt là lúc này, khi có vấn đề biển Đông….

Sau khi phát biểu ngay thật góp ý xây dựng, trong thời gian cuối, các đại biểu cho rằng các văn kiện đều chứa quá nhiều sai lầm, mâu thuẫn, hầu hết sai lầm lệch lạc, thiếu sót là trong đường lối, chính sách, trong các quan điểm cơ bản. Coi như những cột cái của một ngôi nhà đều ọp ẹp, đổ gãy.

Mọi người cho rằng các văn kiện cần phải viết hẳn lại, không thể sửa chữa nhỏ, thêm bớt bộ phận.

Cũng có ý kiến trước khi chia tay là nếu không kịp viết lại thì thà rằng khất lại một thời gian, còn hơn là thông qua những dự thảo yếu ớt, giáo điều, sai lạc đầy rẫy như thế này.

Một đại biểu bi quan cho rằng lãnh đạo hiện nay không có khả năng lắng nghe và tiếp thu lẽ phải, trong khi các văn kiện đại hội XI là thụt lùi rõ ràng so với văn kiện các đại hội IX và X.

Cũng có một đại biểu trong giây phút cuối nghĩ ra một sáng kiến là chẳng lẽ khoanh tay để cho tình hình đất nước tiếp tục sa sút, suy đồi, bế tắc với vô vàn thảm họa to lớn hơn, toàn dân phải gánh chịu, nên chăng cần có một lá cờ, nghĩa là một lực lượng, một tổ chức trong sáng bảo vệ và quảng bá những chính kiến đúng đắn, xây dựng, được nghiền ngẫm kỹ, vừa được phát biểu trong cuộc hội thảo rất có giá trị này. Riêng ý này chưa được bàn thêm.

Mong rằng Bộ chính trị và Học viện chính trị - hành chính quốc gia gồm những cây bút tin cẩn của Bộ chính trị, phản biện được những phản biện của cuộc hội thảo này, có đủ lý lẽ để giữ nguyên các văn kiện mà Bộ chính trị vừa mời toàn dân góp ý, hạn cuối là ngày 30-11 năm nay.

Có mà đội đá vá trời! Tôi nghĩ thế.

Thật đại phước cho dân tộc và nhân dân ta, trong cơn nguy biến, vẫn còn một «túi khôn dân tộc» chất lượng cao đang dấn thân cho Đại nghĩa Dân tộc.Hy vọng còn nhiều «túi khôn» nữa.

Một Xã hội Dân sự có chất lượng ngày càng cao, số lượng ngày càng đông, mang nhiều màu sắc, đang vẫy gọi nhau, khoác vai nhau, đồng hành trên con đường cứu nước. Đẹp quá!
 

Bùi Tín
 

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.