.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 CHÍNH LUẬN


Bush đi Obama tới

  • PSN - 29.01.2009 | Cổ Lũy

Tuần lễ trước ngày rời tòa Nhà Trắng, Tổng Thống Bush đã họp báo và đọc diễn văn cuối cùng chấm dứt hai nhiệm kỳ dài tám năm. Như thường lệ tổng thống, và nhất là Phó Tổng Thống Dick Cheney, hoàn toàn không tỏ ra hối hận mà còn hãnh diện về những gì mình nói và làm trong thời gian dài vừa qua-dù cả nước và thế giới như thở phào nhẹ nhõm. Lịch sử sau này sẽ ghi chép về hai vị lãnh đạo tối cao Hoa-Kỳ đầu thế kỷ 21 ra sao? Vô cùng rõ rệt là phản ứng của Tổng Thống Bush khi được đặt câu hỏi này. Ông trả lời: “Lịch sử? Ta không thể nào biết được. Lúc đó chúng tôi đã chết hết rồi, còn gì nữa?”

 

Chúng ta cũng chưa biết được, nhưng lịch sử “tươi,” hay lịch sử “ghi chép trong thì hiện tại” (gồm truyền thông, báo chí, những phân tích, nghiên cứu của giới đại học, chuyên gia) như đã nhận định khá rõ rệt. Nhật báo Nam California Los Angeles Times với uy tín toàn quốc và thế giới ghi nhận một số thành quả quan trọng của chính quyền (như chương trình giúp người già mua thuốc men Medicare, trợ giúp bệnh AIDS ở Phi Châu) nhưng nhấn mạnh những năm thời ông Bush là một giai đoạn với nhiều “cơ hội bỏ lỡ, lạm quyền khủng khiếp, và ngang nhiên chà đạp những giá trị công lý và lịch sử của nước Hoa Kỳ.” Năm 2001, sau khi Tối Cao Pháp Viện với đa số bảo thủ ra lệnh ngưng kiểm phiếu lại, đưa đến kết quả ông thành tổng thống (dù thua ứng viên Al Gore nửa triệu phiếu dân chúng), ông Bush đã hứa hẹn xây dựng “một đất nước với công lý và cơ hội.” Nhưng sau đó, phần lớn những gì chính quyền làm đều vi phạm những hứa hẹn này: từ chính sách chống khủng bố không có ý kiến của lập pháp (Quốc Hội) cho tới thái độ kiêu ngạo coi thường hiến pháp, những dữ kiện khoa học rành rành cũng như dư luận thế giới, hoặc trung thành mù quáng và để mặc cho Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld và Tổng Trưởng Tư Pháp Alberto Gonzales ở lại trong nội các sau những lộng hành lộ liễu.

 

Nét nổi bật nhất của chính quyền là thái độ độc đoán, trịch thượng, phản dân chủ, xem mình như vạn toàn, vạn năng và không thể nào sai lầm được-dựa trên thuyết “đơn phương” hành động (unilaterialism) của tay trí thức tân bảo thủ thân Do Thái Charles Krauthammer (xin xem Phái Tân Bảo Thủ và Chính Sách Ngoại Giao Mỹ, trên tạp chí Thế Kỷ 21, Tháng Mười 2004, cùng người viết). Người ủng hộ Tổng Thống Bush đưa ra lập luận rằng vụ tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ 11 Tháng Chín, 2001 đã thay đổi tất cả. Trong diễn văn giã từ, ông Bush cho biết thời gian qua đi cho mọi người, nhưng ông đã không còn như trước khi cuộc tấn công xẩy ra. Chẳng ai trách cứ tổng thống phải cảnh giác để tránh những tấn công kế tiếp, nhưng rõ rệt chính quyền Bush đã dùng cuộc tấn công không những như một ủy thác bảo vệ “đất nước” mà còn như một cái “nguyên cớ toàn năng” làm căn bản cho mọi chính sách phá sản khác như cuộc tấn công Saddam Hussein và chiếm cứ Iraq với những lý do chính hoàn toàn “bịa đặt.” Cả Iraq và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (G-WOT, Global War On Terror) đều bị thúc đẩy bởi suy nghĩ sai lầm nhưng ngang ngạnh, không cần xét lại: qua mặt Quốc Hội và hệ thống tòa án quân sự trong việc bắt giữ, xử án tình nghi khủng bố, thay đổi định nghĩa pháp lý để toàn quyền “tra tấn,” và “nghe lén” không có trát tòa, những chính trị hóa Bộ Tư Pháp dưới quyền ông Gonzales sẵn sàng nghe theo-tất cả đi đến vi phạm hiến pháp nghiêm trọng có thể bị bãi nhiệm (impeachment; ông Bush và Cheney đã làm áp lực Tổng Trưởng Gonzales nhưng sau đổ cho ông này khuyến cáo những vi phạm là hợp pháp). Ðây chưa kể đến những khó khăn đầy thử thách trong nước.

 

Ngày 20 Tháng Giêng đầu năm những chuyện này đã thành quá khứ, chính quyền Bush-Cheney chính thức chấm dứt, nhưng với hệ quả sâu xa còn đeo đẳng chính quyền kế tiếp Barack Obama: chính quyền mới sẽ phải cởi xóa cái di sản quá tiêu cực. Trong diễn văn nhậm chức lịch sử nhưng tương đối ngắn ngủi-chỉ 18 phút, so với tiêu chuẩn những diễn văn tự viết khá dài của mình-ông Obama đã tỏ ra không hùng hồn, văn chương và đầy thách đố. Người ta đã thất vọng vì không nghe thấy một diễn văn đi vào sử sách (mà ông Obama có đủ khả năng thực hiện) tương xứng với “biến cố” đầy ý nghĩa trong thiên niên kỷ thứ ba Hoa Kỳ; đúng ra, ông Obama chỉ chú tâm vào những vấn đề cấp bách hiện đại.

 

Ðầy lạc quan trước những khó khăn quá khổ, như Tổng Thống Ronald Reagan đầu thập niên 1980, ông nhấn mạnh khía cạnh tích cực về vị thế quốc gia trên thế giới cũng như con người Hoa Kỳ tưởng như đã mất mát tám năm qua. Nhưng ông cũng nghiêm khắc vạch ra cái thất bại tập thể (“collective failure”) đã khiến người Mỹ không làm được những quyết định khó khăn để lên đường về một tương lai sáng sủa hơn. Tuy không hùng hồn như diễn văn đêm thắng cử ở công viên Chicago, ông vẫn nhấn mạnh “trách nhiệm” và “kỷ luật tự giác,” cũng như đòi hỏi “hy sinh” cho phúc lợi chung; ông cảnh cáo “đây là lúc phải gạt bỏ những cái ấu trĩ”-đã đến lúc phải tự động, tự giác và bắt tay vào việc xây dựng lại một nước Hoa Kỳ đổ nát nhiều mặt.

 

Ðây không phải chỉ riêng về mặt tài chính, kinh tế trong nước mà còn là một khẩn khoản về vai trò xây dựng hòa bình thế giới. Ông như không chùn chân trước những chỉ trích lúc tranh cử rằng ông sẵn sàng nói chuyện với “kẻ thù” hoặc những ai nghi ngờ thiện chí của Hoa Kỳ. Thật rõ rệt ông tuyên bố, “Với thế giới Hồi Giáo, ta nhìn thấy con đường đi tới, dựa trên căn bản quyền lợi hỗ tương và lòng tương kính”-khác hẳn với nhãn hiệu “khủng bố” hay “phát-xít” Hồi Giáo của chính quyền Bush trước đây. Tuy nhiên, ở mặt này nhiều người cũng khó chịu về nhận xét và ngôn từ không nghiêm chỉnh, như lập lại lời ông Bush, “Chúng ta đang ở trong thời chiến với một mạng lưới lớn rộng đầy bạo hành và thù hận.” Có lẽ ông Obama người rất chính xác với ngôn từ đã quá cẩn thận và sợ mất lòng những tổ chức thiên Do Thái với thế lực quá khổ ở Hoa Kỳ (xin xem Ảnh Hưởng Lốp-Bi Do Thái Ở Hoa Kỳ, trên tạp chí Thế Kỷ 21, bốn số cuối năm 2007, cùng người viết).

 

Ði vào chi tiết hơn, về mặt trong nước, ông Obama không chọn những tung hô, liên hoan thích hợp với môi trường ngày nhậm chức khi gần 70% dân chúng phơi bầy lòng ngưỡng mộ. Trước mắt là vô số những thử thách gian nan, không mấy gì đáp ứng dễ dàng hoặc nhanh chóng được- “nhưng đất nước và con người chúng ta sẽ đáp ứng được,” không phải khẩu hiệu tranh cử dễ lập lại “Yes, we can!” Ông nhắc lại những tiền lệ gian nan trong sách giáo khoa lịch sử: Abraham Lincoln thời nội chiến điêu tàn, Franklin Delano Roosevelt (FDR) thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu đằng đẵng, và George Washington thời cách mạng lập quốc tưởng chừng đã bị vùi dập. Ðây có thể là chiến lược chính trị căn bản; dân chúng đặt rất nhiều cao vọng không thực tế vào tổng thống mới; họ cần phải hiểu phục hồi kinh tế không phải dễ hoặc nhanh chóng, và người lãnh đạo chỉ vẫy tay là xong. Chính quyền mới muốn dân chúng giúp đỡ trong khoảng thời gian cấp bách để Quốc Hội thông qua kế hoạch kích thích kinh tế 775 tỉ bạc và còn có thể lên cao hơn nữa. Chính quyền muốn tích cực sử dụng số tiền này cộng với khoảng 350 tỉ nữa từ những “cứu vãn” của Bộ Tài Chính dồn vào những mục tiêu các cố vấn kinh tế chọn lựa. Tổng thống muốn Quốc Hội thông qua kế hoạch bảo hiểm y tế toàn diện, một điều mà chưa nhiệm kỳ Quốc Hội nào trước đây muốn bàn luận đến. Ngay sau đó Quốc Hội sẽ phải đương đầu với những vấn đề gai góc liên quan đến Medicare và An Sinh Xã Hội!

 

Ông Obama vội nhắc nhở dân chúng ngay: đây bao gồm những kế hoạch đầy tham vọng, nhưng vẫn có thể thực hiện được dựa trên tiền lệ lịch sử như Ronald Reagan (dùng truyền hình) và FDR (dùng truyền thanh) để trực tiếp vận động dư luận dân chúng làm áp lực lên Quốc Hội đi theo đường lối hành pháp yêu cầu. Ông Obama sẽ dùng phương tiện điện toán và truyền thông mới (đã rất nhiều sầm xì về việc ông nhất định không chịu bỏ điện thoại lưu động cá nhân Blackberry) để trực tiếp vận động hàng chục triệu người từng tình nguyện tranh cử cho ông nay sẵn sàng làm đạo quân “lốp-bi nhân dân.” Theo thăm dò dư luận dân chúng mới nhất của tờ Times và thông tấn xã Bloomberg, ở mức dân chúng ủng hộ 79% ông Obama nắm vững triển vọng thực hiện những gì ông hứa hẹn trong tranh cử và cần thiết khi đắc cử tổng thống.

 

Nhưng ông Obama không ngừng ở đây, ông còn muốn chấm dứt “những than van nhỏ nhen và hứa hẹn hão huyền, những đổ lỗi, buộc tội lẫn nhau, và giáo điều sờn rách từng đầu độc bầu khí chính trị trong xã hội chúng ta... Vấn nạn hôm nay không phải là chính quyền quá to lớn hoặc nhỏ bé, nhưng là chính quyền có hữu hiệu hay không.” Tham vọng và tự tín quá mức, một số trí thức đối lập đã lên tiếng nhận xét! Họ, như cây bút phê bình bảo thủ nhiều người đọc George Will, nhận ra ngay ông Obama không ngần ngại chỉ ra nhược điểm người Mỹ tiêu thụ vật chất, đòi hỏi những hàng vật và dịch vụ quá mức, và thiếu kỷ luật tự giác. Họ cũng đồng ý với ông, và ông Reagan rằng chính quyền lớn nhỏ không phải chuyện đáng bận tâm; điều chính là nó phải hữu hiệu. Và ông Obama cũng sẽ thu tóm nhiều quyền lực hành động vì những thay đổi nghiêm trọng ghê gớm trong vòng bốn tháng qua đã làm nhòa cái đường phân ranh giữa đâu là phân bộ công đâu là thế giới tư nhân, đâu là địa hạt chính quyền, chỗ nào nằm trong địa hạt tư. Những trở lực hạn chế khả năng chính quyền từ nay sử dụng quyền lực hành pháp để chuyển phần tài nguyên quốc gia lớn lao vào các mục tiêu ưu tiên cũng yếu đi.

 

Về mặt đối ngoại, ông Obama như đi theo triết lý công chính về quyền lực người nắm quyền phải tuân theo. Ông nhắc nhở người Mỹ, “quyền lực của chúng ta đi lên khi ta sử dụng nó một cách khôn ngoan, thận trọng; an ninh của chúng ta xuất phát từ cái công chính của mục tiêu chung, sức mạnh của tấm gương ta muốn người khác noi theo, phẩm chất ôn nhu của khiêm nhường và tự chế.” Như đồng thanh với triết lý này, một tuần trước lễ nhậm chức bà Hillary Clinton (nay đã được thượng viện chấp thuận chức vụ ngoại trưởng) tuyên ngôn hùng hồn không kém: “Hoa Kỳ không thể nào một mình giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, và thế giới cũng không thể giải quyết những vấn đề này mà không có Hoa Kỳ... Ta phải sử dụng điều gọi là ‘sức mạnh sáng suốt,’ tất cả những công cụ ta có trong tay.” Sức mạnh “sáng suốt” là một tổng hợp uy thế “cứng” (hard power, sức mạnh quân sự) và uy thế “mềm” (soft power, sức mạnh ngoại giao).

 

Theo giáo sư viện Ðại Học Harvard, Joseph Nye (tác giả The Power To Lead), “soft power” là khả năng đạt được những gì ta muốn bằng cách lôi cuốn người khác đến với mình thay vì ép buộc hay mua chuộc bằng quyền lợi vật chất. Dư luận thế giới cho thấy Hoa Kỳ đã mất mát rất nhiều thiện chí từ Châu Âu, Châu Mỹ La-Tinh (Trung và Nam Mỹ) và rõ rệt nhất là thế giới Hồi Giáo. Soft power bao gồm văn hóa, giá trị được tôn quý và những chính sách. Trong tám năm qua Hoa Kỳ đã bị hạn chế rất nhiều về soft power, nhất là ở thế giới Hồi Giáo, nơi dân chúng bị trực tiếp tấn công bởi văn hóa, những giá trị và nhất là chính sách của chính quyền Bush-Cheney. Dĩ nhiên, trong ba thành phần của soft power, chính sách là phần dễ thay đổi hơn cả, và ông Obama đã đưa ra dấu hiệu lạc quan với ưu tiên và hành động nhanh chóng dành cho thế giới Hồi Giáo. Hai nhân vật uy tín và kinh nghiệm nguyên Nghị Sĩ George Mitchell được bổ làm đặc sứ về vấn đề hòa bình gai góc giữa Do Thái-Palestine, và nguyên Thứ Trưởng Ngoại Giao Richard Holbrooke về an ninh khu vực Pakistan-Afghanista n; ông Obama cũng trực tiếp thành khẩn nói chuyện với thế giới Hồi Giáo qua phỏng vấn trên truyền hình Hồi Giáo.

 

Dĩ nhiên soft power không là giải pháp cho mọi vấn đề trong bang giao quốc tế. Nhà độc tài Kim Jong Il ở Bắc Hàn thích “văn hóa” Hollywood qua phim ảnh Mỹ, nhưng soft power không thể thuyết phục ông bỏ chương trình vũ khí hạch nhân; soft power cũng chẳng lấy lại được sự ủng hộ Taliban cực đoan dành cho al-Qaeda ở Afghanistan (một chiến trường sẽ “đẫm máu” không kém Iraq, theo Phó Tổng Thống Joe Biden). Nhưng những mục tiêu giá trị như xiển dương dân chủ thực sự (thay vì hình thức) và nhân quyền dễ đạt đến hơn với soft power-và nhất là Hoa Kỳ phải làm gương mẫu về mặt này. Ngay trong tuần lễ đầu tiên sau nhậm chức, ông Obama đã giữ lời hứa đưa ra nhiều nghị định, sắc lệnh với ý nghĩa quan trọng (tuy không nhất thiết là dễ thi hành trên thực tế): đóng cửa nhà tù Guantanamo từ 2001 từng giam giữ những người bị tình nghi là khủng bố Hồi Giáo mà không có bằng cớ hoặc được xét xử theo đúng hiến pháp Mỹ, một vết nhơ lớn trong lịch sử Mỹ; hạn chế hoặc cấm ngặt người trong chính quyền làm việc hay liên hệ vào chuyện vận động hành lang (“lốp-bi”), một “truyền thống” được chính quyền Bush mở rộng, vân vân.

 

Nhận xét về diễn văn nhậm chức của ông Obama, ký giả kỳ cựu và sắc bén ở Washington, ông Ronald Brownstein xem đây rất hùng hồn nhưng cũng vô cùng cứng rắn và thực tiễn. Ông tỏ ra rất cương quyết, hơn là hân hoan như nhiều nguyên thủ quốc gia khác trong cùng trường hợp. Ông rất thẳng thắn về các trở lực, khó khăn trước mắt. Ông đặt những hứa hẹn hòa giải hòa hợp trong nước cùng với cảnh cáo rằng ông có những ý kiến và giải pháp rõ ràng về việc bắc nhịp cầu ở đâu và ra sao. Diễn văn như “một đóa hồng với nguyên vẹn những cái gai nhọn.” Ví dụ về thái độ chính quyền đi trước sau tấn công 11 Tháng Chín, “Ta xem thái độ chọn lựa giữa an ninh và những lý tưởng nước Mỹ là hoàn toàn sai lầm,” ông Obama tuyên bố với vị trí rõ ràng rằng chính quyền Bush đã làm nhơ lý tưởng Mỹ để chuộc lấy an ninh tạm bợ. Ông Obama cũng vô cùng mạnh mẽ trong việc nối liền sự “đồng lòng” của người trong nước với “thay đổi”-hai ý tưởng thường mâu thuẫn nhau. Ðây quả là rất tự tín cũng như tham vọng.

 

Giới báo chí, truyền thông nói chung đã tỏ ra rất cởi mở, hồ hởi với ông Obama, ngay từ thời ông còn tranh cử gắt gao trong đảng rồi ngoài đảng. Nhiều người nhận ra cái “thiện” của người từng trải hiểu biết, cái công chính của người trí thức học rộng, hiểu nhiều; thậm chí có người đã “tương tư” ông đến một mức độ nào đó. Với cái nhìn tỉnh táo về vai trò quan trọng của truyền thông như một quyền không liệt kê trong hiến pháp nhằm quân bằng quyền lực (cùng với ba quyền có liệt kê: lập pháp, hành pháp, tư pháp) trong chế độ thực sự dân chủ, cột báo này sẽ giữ thái độ vô tư, độc lập có thể được với chính quyền mới.

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường.

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.