Nói dối lòi đuôi

Công trường Khách sạn
Novotel on the Park trên đất công viên Thống Nhứt đã thi công xong
phần tầng hầm. Ảnh: Phạm Hải |
Vấn đề cho
phép xây khách sạn 4 sao trong khuôn viên Công viên Thống Nhất với đủ
các lý do không xác đáng dần dần ngày càng lộ rõ.
Ngay từ
đầu, thông cáo của ông Nguyễn Văn Thịnh đã hé ra một sự bất nhất khiến
ai cũng nghi ngờ là chủ đầu tư hôm nay đã không phải là phía Thụy Điển
nữa, vậy mà ông vẫn nói những lời lấy được, rằng đó là sự "trả ơn" cho
Thụy Điển, và là "sự đã rồi"! Sao ông có thể loanh quanh như thế nếu
không phải là coi thường bàn dân thiên hạ?
Bây giờ thì
thư trả lời của phía Thụy Điển đã làm cho câu chuyện sáng tỏ. Ai thật
ai dối không còn hồ nghi gì nữa.
Điều này
đặt chúng ta trước một mối lo ngại lâu dài sau đây: Không phải Công
viên Thống Nhất mà thôi đâu, mà rồi đây tất cả những nơi vui chơi giải
trí công cộng của thành phố sẽ còn bị ai đó bày ra đủ mẹo để “cúng”
cho các Công ty kinh doanh địa ốc với những lý lẽ rất trơn tru, trong
khi các vị có thẩm quyền các cấp lại không chịu đếm xỉa đến nhu cầu
bức thiết thật sự của người dân là gì. Đó là một nguy cơ không phải
chỉ một ngày một buổi, không phải chỉ nhất thời trong hiện tại mà còn
rất lâu dài, vì hết thế hệ cầm quyền này xuống sẽ có thế hệ kia lên,
mà trước sau thì tầm mắt họ vẫn cứ ngóng đến những không gian công
cộng của dân như những “đối tượng” vô cùng hấp dẫn để mình tha hồ “xã
hội hóa” - nói theo cái ngôn ngữ rất được ưa chuộng hôm nay; chứ còn
những thứ khác, hoặc chẳng bõ “làm chủ tập thể”, hoặc muốn làm chủ
cũng đâu có dễ dàng, nhiều khi không khéo còn sứt đầu mẻ trán nữa.
Chẳng hạn
như mảnh sân "Con Voi" ở phường Trung Tự, bao nhiêu lâu nay vốn là nơi
các cháu bé vẫn đến vui chơi, trong điều kiện một phường dân cư đông
đúc không có lấy một nơi nào để giải trí cho các cháu cả, thế mà đột
nhiên UBND phường hôm nay lại đang tâm cho xây lên một cái chợ 3 tầng
và tuy nói là chợ tạm nhưng ai cũng nghĩ là nó sẽ ngấm ngầm bị "kiên
cố hóa" vĩnh viễn, giữa lúc người dân cả phường Trung Tự đều đồng
thanh kêu to lên rằng họ không cần đến cái chợ này. Vậy thì thử hỏi:
chợ xây vì lợi ích của ai?
Rộng hơn,
các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội đang nhắm tới những “định
hướng XHCN” nào đây? Rộng hơn chút nữa, những công việc mà họ thực thi
là "của dân, do dân, vì dân" hay “nói dzậy mà không phải dzậy”, nghĩa
là phải đảo ngược mệnh đề này thì mới tìm thấy nghĩa chuẩn?
Và về phía
người dân, phải chăng nên tiếp nhận các việc họ làm theo cái cách tế
nhị của lời ca Quan họ: Đành lòng vậy, dầu lòng vậy? Giờ đây
Nhà nước đã công khai cho dân cái quyền được phản biện, và cũng đang
nghiên cứu đưa ra một sắc luật "minh bạch hóa trước dân", thì thiết
tưởng, những vấn đề như thế cần được dư luận giải đáp rốt ráo và
thật sự dân chủ mới mong thanh toán được số lớn vụ việc “nổi cộm”
cứ lâu lâu lại bùng lên hết vụ này đến vụ khác, làm nhân dân Thủ đô và
cả nước phải trải qua không ít phen nhao nhác, lo lắng đến thót tim.
GS
Nguyễn Huệ Chi