.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

 TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

Bài đăng trong mục này là quan điểm riêng của tác giả, Phù Sa hoàn toàn không có trách nhiệm.

Chủ quyền Việt Nam
tại bãi Tu Chính - Vũng Mây
và vùng trũng Nam Côn Sơn

  • 30.03.2009 | Trương Nhân Tuấn

Sự việc hai hãng khai thác dầu ExxonMobil (Hoa Kỳ) và BP (Anh) lần lượt rút khỏi Việt Nam là một gáo nước lạnh, một cái tát rát mặt cho phía Việt Nam, nhưng cũng là một dịp may để các học giả Việt Nam xét lại các dữ kiện cơ bản mà phía Việt Nam dựa lên đó chứng minh chủ quyền của mình tại vùng trũng nam Côn Sơn và bãi Tu Chính - Vũng Mây (TC-VM). May vì còn thời giờ để thảo luận lại nghiêm túc. Đồng thời cũng là dịp để phía Việt Nam đặt lại toàn bộ lý lẽ của mình về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa và hải phận Biển Đông cách nào cho hợp lý.

Các lô của BP khai thác là 5.2 và 5.3 (xem bản đồ), nằm giữa quần đảo Trường Sa với bờ biển Việt Nam. Hai mỏ được phát hiện các nơi đây năm 1996 là Hải Thạch và Mộc Tinh. Việc thăm dò tạm ngừng từ tháng 6 năm 2007, BP giải thích vì vùng khai thác đang có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phía BP nói rằng việc tạm ngưng là: «để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề». Tuần qua, ngày 19-3-2009, BP thông báo chính thức rút lui, hủy bỏ hợp đồng khai thác với Việt Nam. Trước đó, tháng 9 năm 2008, ExxonMobil cũng rút lui sau khi đã có những thỏa thuận với Việt Nam sau chuyến Mỹ du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 5 năm 2008.

Một ngày sau khi BP tuyên bố rút lui, ông Lê Dũng, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng:  «Điều tôi có thể khẳng định là những lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.»

Ông Dũng nói thế, người Việt Nam nào cũng nghĩ như thế, vùng biển đó là của Việt Nam không ai có thể chối cãi. Nhưng đối với người ngoài, các nước trên thế giới họ nghĩ gì? Thái độ rút lui của BP (Anh) rõ ràng là do việc tranh chấp; của ExxonMobil (Hoa Kỳ) lại càng rõ rệt hơn, vì lô khai thác của tập đoàn này nằm trong vùng TC-VM, xa bờ biển Việt Nam hơn cả hai lô 5.2 và 5.3 do BP trúng thầu khai thác. Việc này bắt buộc mọi người Việt Nam phải suy nghĩ lại.

Về địa lý, các lô 5.2 và 5.3 nằm cách đảo Côn Sơn khoảng 200km, cách đảo Đá Lát (thuộc Trường Sa) khoảng 200km và cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350km. Các con số ghi nhận không chính xác, lấy từ việc đo đạc ước lượng trên bản đồ, chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Hai lô 5.2 và 5.3 nằm trong đường giới hạn ZEE 200 hải lý của Việt Nam, đường này trên bản đồ là đường xanh đậm. Để ý, đường giới hạn vùng ZEE của Việt Nam không ăn khớp với đường bờ biển Việt Nam. Ở khoảng các tỉnh miền Trung thì đường này cách bờ đúng 200 hải lý, phù hợp với qui định của luật quốc tế về biển 1982, nhưng ở vùng các tỉnh miền Nam thì đường này phình lớn ra, nơi lớn nhất đo khoảng 270 hải lý. Việc bất thường này có hai giải thích: 1. do hiệu quả của đường cơ bản của bờ biển Việt Nam ; 2. do hiệu quả của đảo Hòn Hải (thuộc nhóm đảo Phú Quí). Nhưng Hòn Hải lại là điểm A6 của hệ thống đường cơ bản, do đó tuy có hai cách giải thích khác nhau nhưng hiệu quả thì như nhau.

Vùng TC-VM là hình đa giác vẽ bằng màu tím trên bản đồ. Vùng này có hai lô 133 và 134 tô màu vàng. Xét trên bản đồ thì vùng TC-VM một phần nằm ngoài đường ZEE của Việt Nam, rất gần các đảo Trường Sa nếu so với bờ biển Việt Nam.

Phía Trung Quốc cho rằng các lô trên có chồng lấn với hải phận (và thềm lục địa) của Trung Quốc, vì thế phía Việt Nam không thể đơn phương khai thác. Hai tập đoàn, BP đang khai thác ở hai lô 5.2 và 5.3, ExxonMobil dự định khai thác các lô thuộc TC-VM, đều rút lui. Lý lẽ nào của phía Trung Quốc đã khiến cho BP và ExxonMobil rút lui? Phía bên Việt Nam cố gắng giải thích việc rút lui là do lý do kinh tế, khai thác không có lợi, nhưng không hề thuyết phục. Hai lý lẽ thuyết phục nhất có lẽ là: 1. sức ép của Trung Quốc; 2. các bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Trung Quốc.

Về sức ép của Trung Quốc, điều này đúng, vì Trung Quốc hiện nay là đầu tàu của sự phát triển kinh tế thế giới, là chủ nợ của Hoa Kỳ. Mặt khác, Anh Quốc có rất nhiều quyền lợi tại Trung Quốc do đó BP nhượng bộ yêu sách của Trung Quốc cũng hợp lý. Nhưng khi nói Trung Quốc có chủ quyền ở các vùng này, trên quan điểm Việt Nam thì không có gì phi lý và ngang ngược hơn. Nhưng thái độ của BP và ExxonMobil, dầu sao cũng là các tập đoàn khai thác dầu khí lớn nhất nhì thế giới của Anh và Hoa Kỳ, họ chỉ nhưọng bộ nếu các lý lẽ phía Trung Quốc là hợp lý.

Đây là hậu quả của một sự sơ suất to lớn, phía Việt Nam dường như không hề màng đến các lý lẽ của Trung Quốc, sai lầm kéo dài từ năm 1958 đến nay.

Sai lầm vì, các viên chức Việt Nam lạc quan đã đành, học giả Việt Nam cũng vậy, nhưng thật ra phần lớn đều thiếu tầm nhìn, chỉ giải thích vấn đề theo cảm tính, theo ý muốn của mình mà bất chấp thực tế đã xảy ra như thế nào. Đến hôm nay một số học giả Việt Nam vẫn loay hoay với hỏa mù của Trung Quốc tung ra, mất thời giờ tìm hiểu và giải thích ý nghĩa tấm bản đồ chữ U, còn gọi là bản đồ 9 gạch hay bản đồ «lưỡi bò», mà không biết rằng đó chỉ diện, là hỏa mù có công dụng đánh lạc hướng Việt Nam (và cả thế giới), làm cho phía Việt Nam nếu không mất thì giờ thì cũng trở thành khinh địch.

Việc loay hoay này thấy rõ qua buổi «Hội thảo biển Đông» vừa qua trong nước. Có người mất không biết bao nhiêu thời gian để tìm hiểu và chứng minh «biển lưỡi bò» không thể là biển lịch sử của Trung Quốc v.v… Nhưng các việc đó đều vô ích.

Cả buổi hội thảo, tôi đã nói trên blog của mình từ ngày 19-3, đã không nói lên việc gì mới (ngoài việc tổ chức là mới). Mọi người chỉ nói cho nhau nghe những cái mà mọi người đều biết. Những cái mới, như hồ sơ của Trung Quốc ra sao, lý lẽ họ thế nào, việc phản biện của họ có căn cứ gì hay không… thì không nghe nói tới, từ lịch sử cho đến pháp lý, mặc dầu tài liệu của Trung Quốc nhiều gấp trăm lần tài liệu của phía Việt Nam. Rõ ràng như ban ngày, Trung Quốc làm gì có chủ quyền ở HS và TS, nhưng họ có cả trăm đầu sách, tài liệu, một mặt bắt bẻ, phản biện các lý lẽ của Việt Nam, mặt khác chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại các nơi này. Phía Việt Nam, nếu không nói quá, thì là tay trắng. Học giả Việt Nam đang tự mãn dưới đáy giếng hay đang là con ngựa thồ bị bịt cả hai mắt? Một hai người hiếm hoi có thể đem lại cái mới cho hội thảo, như nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, thì không thấy có mặt. Có lẽ là do phía nhà nước mà thôi. Những học giả như ông Nguyễn Quang Ngọc đã có bài tham luận rất giá trị, đã đi đúng phương hướng, nhưng lại bị giới hạn vì những vật cản chung quanh. Nhà nước có nói với ông Ngọc thế này: «phía học giả Việt Nam đang làm khó nhà nước trong việc hoạch định chính sách». Thì ra nhà nước muốn học giả Việt Nam viết theo định hướng của chính sách nhà nước, tức viết theo lối vuốt đuôi, trong khi các nước khác, chính sách của nhà nước được đặt trên các nghiên cứu của các nhà khoa học. Ai mà không bất mãn?

Trở lại vấn đề là ngày hôm nay, trên hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS thuộc chủ quyền của Tàu. Điển hình, cuốn L’Atlas des atlas tháng 9 năm 2008 của Courrier International, một cơ sở truyền thông uy tín hàng đầu thế giới, đã ghi ở trang 91 như thế.

Sự thật là sự thật, nhưng học giả Việt Nam, một số chỉ muốn tự sướng, giải thích cho nhau nghe rằng công hàm này không hề có giá trị về pháp lý. Ai nói khác thì kẻ đó làm lợi cho Tàu, nếu không phản động thì cũng là chống cộng cực đoan. Nhưng không có ai đủ khả năng giải thích được cho dư luận nước ngoài là công hàm này không có giá trị. Phải cay đắng mà kết luận rằng những học giả này vừa kém về phẩm vừa kém về tinh thần học thuật.

Như thế, trước dư luận quốc tế, HS và TS đã là của Trung Quốc. Các học giả Việt Nam (có thể) không biết, và cũng (có thể) không muốn biết, phía Trung Quốc đã đưa các tài liệu gì để vừa thuyết phục vừa đe dọa BP và ExxonMobil?

Về pháp lý cũng vậy, một số các học giả, những nhà nghiên cứu Việt Nam cũng chỉ nghiên cứu theo lối uống thuốc an thần, chỉ giải thích luật lệ theo ý muốn của mình. Việc giải thích bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là một điển hình.

Mọi người đều biết bộ luật này còn rất nhiều điểm chưa hoàn chỉnh. Ở một số điều người ta có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau mà cách nào cũng đúng. Trường hợp tranh cãi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về chiếc tàu Impeccable là một thí dụ. Đây là một trong nhiều kẻ hở của Luật Biển 1982. Vậy mà một số học giả Việt Nam chỉ giải thích luật này theo lối có lợi cho mình, không cần nghiên cứu xem đối thủ của mình giải thích ra sao! Biết địch biết ta mới hy vọng thắng. Biết ta không cần biết địch, mà biết ta cũng rất lơ mơ, thua là cái chắc.

Các bài viết của ông Dương Danh Huy đã đăng rộng rãi trên các kênh truyền thông lớn trong nước và hải ngoại gần đây về hải phận Biển Đông và chủ quyền HS và TS là thí dụ điển hình cho lối làm việc đó.

Ông này viết về chủ quyền của Việt Nam tại TC-VM như sau: «Thật ra, theo luật quốc tế, giả sử như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp đi nữa, thì vùng Tư Chính - Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn nằm ở phía bắc ranh giới với Indonesia vẫn thuộc về Việt Nam…»

«Trong việc vạch ranh giới, tập quán luật quốc tế và ngoại giao không tính những đảo nhỏ, xa bờ, tự thân không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng, như các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để tránh việc những đảo này ảnh hưởng không công bằng tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nguyên tắc này được Toà án Công lý Quốc Tế tuyên bố từ năm 1969 trong phiên toà chia thềm lục địa Bắc Hải và được khẳng định trong Điều 121, Khoản 3 của UNCLOS. Từ năm 1969 tới nay, Toà án Công lý Quốc Tế luôn luôn tôn trọng nguyên tắc này, thí dụ như trong những phiên toà Lybia/Malta, Vịnh Maine, Guniea/Guniea-Bisseau…» http://www.tuanvietnam.net/Việt Nam/tulieusuyngam/5522/index.aspx

Tác giả viết rằng «giả sử như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp đi nữa» thì ảnh hưởng các đảo này không ăn thua gì hết, TC-VM vẫn là của Việt Nam.

Tác giả giải thích Luật Biển 1982 trên tinh thần chủ quan và đưa ra những bằng chứng là các phiên tòa và các án lệ quốc tế như đã dẫn trên.

Nhưng các bằng chứng này không đúng với sự thật. Thí dụ, việc phân định hải phận và thềm lục địa giữa Lybia và Malta, tại đây việc phân định đặt trên tinh thần đồng đẳng theo đường trung tuyến chứ không có việc «không tính các đảo nhỏ xa bờ» như ông Huy đã nói. Về Vịnh Maine là một vịnh nhỏ của USA và Canada, không hề quan hệ và không thể so sánh với các đảo HS và TS. Việc phân định giữa Guniea và Guniea-Bisseau cũng thế, không thể so sánh với các đảo HS và TS. HS và TS là những quần đảo, quan trọng của nó là vùng nước giữa đảo này với đảo kia.

Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó  #  I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it  #  Je désapprouve ce que vous dites, mais je défendrai à la mort votre droit de la dire (Voltaire)

Tác giả Dương Danh Huy đưa chứng từ sai - một lỗi học thuật rất nặng - để chứng minh một lập trường không có lợi cho Việt Nam, thuyết phục Việt Nam chấp nhận lập trường đó, là có dụng ý gì nếu không phải là muốn Việt Nam bỏ HS và TS cho Trung Quốc vì nó không có giá trị?

Hiện nay ai có thể có những bài viết, tài liệu dồi dào mà các nhà nghiên cứu khác không thể có, được ưu tiên đăng ở các kênh truyền thông nhà nước, nếu không phải là người của chính quyền? Tôi cho rằng các bài viết của tác giả này phản ảnh lập trường của nhà nước Việt Nam, viết theo định hướng của chính sách nhà nước, trong vấn đề HS và TS và hải phận của Việt Nam tại Biển Đông. Những bài viết này có tác dụng chuẩn bị dư luận. Nguy cơ nhà nước Việt Nam muốn bỏ HS và TS cho Trung Quốc là có thật.

Trở lại lời thì thầm của nhà nước cho ông Nguyễn Quang Ngọc: «học giả Việt Nam đang làm khó nhà nước trong việc dựng chính sách».

«Chính sách» của nhà nước ẩn hiện quan các bài viết này đấy! Học giả Việt Nam bỏ công nghiên cứu làm chi nữa, mọi việc đã an bài.

Phía Trung Quốc thì giảng giải luật theo ý của họ (và tập quán quốc tế). Qui chế về đảo theo điều thứ 121 của Luật Quốc tế về Biển 10 tháng 12 năm 1982 như sau:

1. Une île est une étendue naturelle de terre entourée d’eau qui reste découverte à marée haute.

2. Sous réserve du paragraphe 3, la mer territoriale, la zone contiguë, la zone économique exclusive et le plateau continental d’une île sont délimités conformément aux dispositions de la Convention applicables aux autres territoires terrestres.

3. Les rochers qui ne se prêtent pas à l’habitation humaine ou à une vie économique propre, n’ont pas de zone économique exclusive ni de plateau continental.

(1/ Ðảo là một dải đất tự nhiên, có nước bao bọc chung quanh và không bị nước phủ lúc thủy triều lên. 2/ Một đảo có lãnh hải [lãnh địa hải phận], vùng tiếp cận, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa riêng, ngoại trừ điều kiện ghi dưới phần 3. 3/ Những bãi đá [cồn đá] mà người ta không thể sinh sống, hoặc tạo một nền kinh tế tự tại thì không có vùng kinh tế độc quyền cũng như không có thềm lục địa).

Với định nghĩa như thế mọi người có thể suy diễn theo ý của mình về thế nào là đảo. Một kiến nghị đưa lên Liên hiệp Quốc nhằm phân biệt đảo, nội dung như sau:

- Đá (rocks) có diện tích nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông

- Đảo nhỏ (islets) có diện tích 0,001 - 1 hải lý vuông

- Đảo vừa (isles) có diện tích 1 - 1.000 hải lý vuông

- Đảo lớn (islands) có diện tích trên 1.000 hải lý vuông

Như thế đảo là những thứ nhô lên mặt biển có diện tích khoảng trên 1km².

Nhưng cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Một thí dụ: Năm 1955, Nữ hoàng Anh đã ra lệnh cho hải quân cắm cờ, dựng bia chủ quyền trên Rock All rộng 3 m vuông, cao 21 m, để tuyên bố vùng đặc quyền về kinh tế xung quanh Rock All là 200 hải lý. Mặc dầu hiện nay Anh đã rút lại đòi hỏi về hải phận ZEE nhưng về thềm lục địa họ vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác.

Các đảo TS, hầu hết đều lớn hơn đảo Rock All, có đảo có nước ngọt và cây cối, hơn nữa đây là một «quần đảo», tọa lạc trên một vùng biển có diện tích rất lớn, chiều Bắc Nam dài hơn 500 Km, chiều Ðông Tây dài hơn 1.000 km, chiếm khoảng 160.000 km2, ước nào có chủ quyền ở đây (và HS) đương nhiên chiếm lĩnh cả Biển Đông, vì biển giữa quần đảo được xem gần như là nội hải. Theo Luật Biển 1982: Quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó.

Kết quả hôm nay BP rút lui, ExxonMobil bỏ cuộc, trong khi dư luận quốc tế đứng về phía Trung Quốc. Các bản đồ Atlas trên thế giới hiện nay hầu hết đều cho là HS&TS là của Trung Quốc, đặc biệt có ghi chú công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng công nhận TS&HS thuộc Trung Quốc.

Thái độ rút lui của BP và ExxonMobil càng làm cho tư thế của Trung Quốc thêm vững tại Biển Đông. Điều dễ hiểu, nếu Trung Quốc có chủ quyền ở TS thì họ có quyền lên tiếng phản đối và đe dọa, nếu cần họ sử dụng vũ lực mà không ai có thể can thiệp, nếu Việt Nam khai thác tại các lô 5.2 và 5.3 hay vũng Nam Côn Sơn và bãi TC-VM, là các vùng có chồng lấn ZEE của các đảo TS.

Đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm gần bãi Tu Chính - Vũng Mây hội đủ các điều kiện về đảo để có vùng ZEE và thềm lục địa. Nếu đảo này thuộc Trung Quốc, đương nhiên Việt Nam phải phân định hải phận với Trung Quốc để chia vùng biển này.

Lý lẽ của Trung Quốc hiện nay là như thế mà họ không nói ra. Trung Quốc úp úp, mở mở trong bản đồ chữ U, các học giả Việt Nam lần mò đi theo giải mã, đi lý giải luật biển theo lối tự sướng, thật là một việc mất thì giờ.

Sự việc sẽ đơn giản nếu ta chịu khó giải thích Luật Biển theo lối Trung Quốc và theo tập quán quốc tế.

Vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở TC-VM vì thế tùy thuộc vào ai là chủ quyền của các đảo TS.

Nói như ông Dương Danh Huy «Thật ra, theo luật quốc tế, giả sử như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp đi nữa, thì vùng Tư Chính - Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn nằm ở phía bắc ranh giới với Indonesia vẫn thuộc về Việt Nam» là nói theo lối uống thuốc an thần, là vừa dọn sân để nhà nước làm bàn thờ «cống» TS cho Trung Quốc, vừa để mất bãi Tu Chính - Vũng Mây.

Tóm lại, Việt Nam muốn có chủ quyền vùng trũng Nam Côn Sơn và bãi Tu Chính - Vũng Mây thì Việt Nam phải khẳng định chủ quyền của mình tại TS. Không cách nào khác hơn được vì Việt Nam đã có bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của mình ở HS và TS.

Nhưng Trung Quốc cũng có bằng chứng không thể chối cãi là công hàm của ông Đồng công nhận hai quần đảo này là của Trung Quốc.

Các học giả Việt Nam nói cho nhau nghe là công hàm này không có giá trị pháp lý nhưng quốc tế đâu có nghe như vậy!

Trở lại bài viết của tôi mới đây về «ý nghĩa pháp lý của công hàm ông Phạm Văn Đồng», tôi đã thấy sự việc từ lâu, trước dư luận thế giới công hàm ông Đồng có giá trị về pháp lý (hay tuyên truyền), dư luận hiểu và nhìn nhận HS&TS là của Trung Quốc. Mặc dầu không muốn nói nhưng cuối cùng tôi phải nói. Vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam mà tôi nói, không thể để trễ hơn. Tôi nói để các học giả Việt Nam thận trọng, qua những dấu hiệu vừa thấy, nhà nước Việt Nam sắp buông tay tại HS và TS.

Thời hạn chót nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng là ngày 13 tháng 5, chỉ còn không đến hai tháng nữa. Nhiều bài viết lên tiếng yêu cầu Việt Nam công bố hồ sơ thềm lục địa mở rộng, nhưng việc quan trọng không phải kêu gọi Việt Nam phải nộp cho đúng thời hạn, vì rất thừa, nhà nước Việt Nam biết mình phải làm gì, quan trọng là nội dung hồ sơ đó như thế nào! Trong số các bài viết đó, có vài bài tính cách như dọn sân để nhà nước Việt Nam làm lễ triều cống HS và TS cho Trung Quốc hơn là khuyến cáo nhà nước có một hồ sơ vững chắc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam.

Một trong các bài viết theo lối dọn sân đó của ông Dương Danh Huy, dựa (?) trên thèse của ông Marc Valencia người Phi Luật Tân, thì các nước chia đôi với nhau Biển Đông theo Luật Biển, các đảo HS&TS chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà không có vùng kinh tế độc quyền ZEE 200 hải lý. Viết như thế cũng là một hình thức uống thuốc an thần và cũng là một hình thức tự bắn vào chân mình. Bắn vào chân vì HS và TS là của Việt Nam, đương nhiên các đảo này phải có hiệu lực theo định nghĩa của Luật Biển chứ tại sao chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà không có ZEE 200 hải lý? Nhưng có biết rằng Trung Quốc giải thích các đảo này như thế nào và tập quán quốc tế ra sao?

Nếu thông minh hơn thì xét lại bản đồ luật biển của Phi Luật Tân vừa công bố. Các đảo TS của Việt Nam mà họ giành lấy, ngoài khoanh vàng trong khoanh xanh, có ghi chú: Regime of Islands. Qui chế của các đảo được Luật Biển 1982 định nghĩa theo điều 121 có ghi trên. Như thế Phi Luật Tân đâu loại trừ vùng biển ZEE của các đảo, đặc biệt vùng biển ở giữa các đảo? Luật biển nào cấm việc này?

 

Kết luận

Nếu vụ khai thác Bô-xít hiện nay tại Tây Nguyên là nguy hại cho Việt Nam về môi trường và địa-lý chiến lược, thì việc để mất HS&TS cho Trung Quốc thiệt hại còn lớn gấp ngàn lần; vì đó là vùng sinh tồn của các thế hệ Việt Nam trong tương lai.

Nhà nước Việt Nam không thể công bố bất kỳ hồ sơ nào hay một tuyên bố nào có ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam tại HS và TS qua hồ sơ thềm lục địa mở rộng sắp tới. Sẽ là một tội phạm trời đất không dung thứ nếu nhà nước Việt Nam bỏ HS&TS cho Trung Quốc hay có những tuyên bố có hàm ý như thế. Công việc của nhà nước ngày hôm nay là làm các việc cần thiết để giải độc công hàm của ông Phạm Văn Đồng. Công việc của trí thức Việt Nam là thảo luận rốt ráo các ngõ ngách của luật lệ để vô hiệu hóa công hàm của ông Đồng. Bài viết của tôi về hiệu lực pháp lý của công hàm này đang chờ sự phản biện nghiêm túc từ các học giả Việt Nam. Chạy trốn nó là chạy trốn một sự thật: dư luận thế giới đã công nhận HS&TS của Trung Quốc là do hiệu lực của công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng.

Tài liệu tham khảo

Sổ tay pháp lý cho người đi biển do Tuần Việt Nam tóm lược và đăng tải 16-03-2009. Sách do Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới Chính phủ và NXB Chính trị Quốc gia phát hành, năm 2002. http://www.tuanvietnam.net/Việt Nam/nghexemdoc/sachhaynendoc//6509/index.aspx

- Bản đồ của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Dương Danh Duy công bố (minhbien.org). Bản đồ đính kèm luật biển Phi Luật Tân, nguồn Tuần Việt Nam.

Atlas des Atlas, Courrier International, 2008

20 ans de jurisprudence de la Cour internationale de justice, 1975-1995, Par Brigitte Stern, Edition: illustrated, Publié par Martinus Nijhoff Publishers, 1998, ISBN 9041111220, 9789041111227.

-  Luật Quốc tế về Biển 1982

© 2009 Trương Nhân Tuấn
© 2009 talawas blog

 

Các bạn có ý kiến về bài này xin gửi về địa chỉ: phusaonline@gmail.com

DIỄN ĐÀN TỰ DO

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 SỰ KIỆN

v Ngày 9 tháng 12 năm 2006 :
Hội Dân Oan Việt Nam ra đời tại Hà-nội.

v Ngày 10 tháng 12 năm 2006 :
Tuyên bố thành lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam

v Ngày 2 tháng 11 năm 2006 :
Tthành lập Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam.

v Ngày 31 tháng 10 năm 2006 :
Tthành lập Hiệp Hội Đoàn Kết Công - Nông VN.

v Ngày 20 tháng 10 năm 2006 :
Công Đoàn Độc Lập Việt Nam ra đời.

v Ngày 16 tháng 10 năm 2006 :
Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền VN ra đời.

v Ngày 8 tháng 9 năm 2006 :
Đảng Thăng Tiến Việt Nam tự công bố thành lập tại Huế.

v Ngày 7 tháng 9 năm 2006 :
Nhóm Thanh Niên Dân Chủ Sơn Hà ra đời tại hà Nột

v Ngày 2 tháng 9 năm 2006 :
Tập san Tự do Dân chủ ra đời tại Hà-nội.

v Ngày 8 tháng 6 năm 2006 :
Đảng Dân Chủ XXI tuyên bố tái họat động

v Ngày 8 tháng 5 năm 2006 :
Tập Hợp Thanh Niên Dân chủ ra đời cùng website Tiếng Nói Thanh Niên Dân Chủ

v Ngày 15 tháng 4 năm 2006 :
Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận ra đời tại Sài Gòn và phát hành khắp nước.

v Ngày 8 tháng 4 năm 2006 :
Tuyên Ngôn Dân Chủ ra đời tại Việt Nam.

v Tối ngày 25 tháng 1 năm 2006 :
Nghị viện Âu Châu ra Nghị Quyết 1481 lên án tội ác chống nhân loại của các nhà nước Cộng Sản.

 
vResolution1481.2006.Nghị quyến 1481.2006
 

LÊN TRÊN=  | GỬI BÀI  | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.