PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

       TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

Bài đăng trong mục này là quan điểm riêng của tác giả, Phù Sa hoàn toàn không có trách nhiệm.

Thầy Nhật Từ,
nạn nhân của hiểu lầm

  • 10.01.2009 | Quang Kính Võ Đình Ngoạn

Không lúc nào bằng lúc nầy một số không ít người Phật tử chúng ta cần nhớ lại lời Phật đã dạy cho người dân Kalama đến như thế. Bài kinh nầy như tuyên ngôn của đức Thế Tôn cho phép các Phật tử đưa ra những nghi vấn, những thắc mắc mà mình chưa hiểu để Phật giải bày thêm khiến mình được thông suốt, không vướng mắc các điều ngài đã chỉ dạy. Theo tôi nghĩ chỉ đức Thế Tôn mới có cách giảng dạy rốt ráo, đầy tinh thần bình đẳng, tự do dân chủ như vậy. Bài kinh ấy cách đây đã hơn 2500 năm nhưng đến bây giờ vẫn còn là chân lý tuyệt đối, nó không bị giới hạn bởi không gian thời gian.

Thuở Đức Thế Tôn còn tại thế, ngài đến thành Kesaputta của vương quốc Kosala, nơi đây có những người Kalama đang sinh sống. Người dân nơi đó bạch đức Phật rằng:

Bạch Thế Tôn có một số Sa Môn, Bà La Môn đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn và một số Sa Môn, Bà La Môn khác cũng đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân. Trong những Tôn giả Sa môn này, ai nói sự thật, ai nói láo.

Đương nhiên, nầy các Kalama, các ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, nầy các Kalama, các ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân.

Nầy các Kalama, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa Môn là bậc đạo sư của mình.

Nhưng nầy các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các Pháp nầy là thiện, các pháp nầy được người có trí tán thán, các pháp nầy nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc“ thời nầy Kalama, hãy chứng đạt và an trú. Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên (Tăng Chi Bộ III.65 Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch).

Đối với cá nhân, tôi lấy làm hỗ thẹn và cũng rất đau buồn, bởi đạo Phật truyền vào đất nước ta đã hơn hai ngàn năm, văn hóa Phật giáo cũng là nền văn hóa dân tộc, bàng bạc trong văn chương bình dân, trong văn chương thành văn, trong ca dao tục ngữ, trong truyện cổ tích dân gian.., vậy mà có một số người Phật tử trong chúng ta vẫn chưa thấu rõ được điều căn bản trong giáo lý nhà Phật đó là Từ Bi, Trí Tuệ và lòng Dũng Cảm mà mỗi một người Phật tử ai ai cũng cần phải có. Nhưng giáo sư Bapat, một người ngoại quốc đã có nhận định rất quán triệt về ba phương châm đó, chúng ta cùng nhau xem vị giáo sư Bapat nói về Phật giáo như thế nào?

Chưa có một trang lịch sử nào của Phật giáo bị xóa nhạt bởi ánh sáng của ngọn lửa tôn giáo hay bị bôi đen bởi làn khói dị giáo hay các nơi thị tứ vô tín ngưỡng nóng bỏng, hay bị nhuộm đỏ với máu của các nạn nhân vô tội vì hận thù tôn giáo. Phật giáo chỉ dùng một thanh gươm, đó là gươm Trí Tuệ, và chỉ thừa nhận một kẻ thù – đó là Vô Minh. Đó là chứng tích của lịch sử không thể chối cải được (Trích 2500 năm của Phật giáo, người dịch?).

Đối với những người không phải Phật tử, họ không hiểu hoặc hiểu một cách thiển cận về những lời dạy của đức Thế Tôn nên họ đã có những nhận định sai lầm về Pháp môn tu học của một số tăng sĩ Phật giáo nên họ kết tội một cách chủ quan những vị sư không theo đường lối, chủ trương của nhóm, của đoàn thể mình, họ đã ngộ nhận, qui tội một cách vội vã những vị Tăng nầy là người của đối phương hay thân đối phương, họ đã đưa ra những luận cứ thật hời hợt, không xác thực, thiếu vững chắc để kết tội một cách vội vã thiếu chính chắn, có vị còn mạ lỵ với lời lẽ khiếm nhã. Song đau đớn thay cho những người con Phật! Không hiếm Phật tử đã bị những định kiến, nghe theo sự tuyên truyền, báo cáo, hoặc vì đúng theo lập trường tranh đấu của mình, hoặc khiếp sợ trước sự hăm dọa, chụp mũ... họ đã vô tình tiếp tay cho những người bạn chưa hiểu biết về giáo lý của đấng Từ Phụ, thay vì họ giải thích cho những người đó hiểu, họ lại đánh phá ngay chính tôn giáo của mình, gây chia rẽ trong nội bộ, tạo mất đoàn kết, họ mạ lỵ ngay chính những vị Tôn sư khả kính của mình không thương tiếc! Tôi mong rằng quí đạo hữu nầy nên nhớ lại bài kinh Phật đã dạy cho người dân Kalama, suy nghĩ đến lời nhận xét của giáo sư Bapat để chúng ta khỏi tự mình biến thành một Đề-Bà Đạt-Đa, thành những người cực đoan, quá khích... khi phê bình hoặc phán xét một người nào chúng ta nghĩ xem mình có khách quan, có dựa vào những dữ kiện có thật, có chính xác hay không? Nhất là khi những nguồn tin đó được mở đầu bằng những chữ Nghe nói, theo nguồn tin trong nước... song không biết do ai nói? nguồn tin đó phát xuất từ đâu? Do hãng thông tấn nào? Ngày giờ xảy ra sự việc, hình ảnh đính kèm, hoặc ám số tài liệu được giải mật tại thư viện nào, văn khố nào..? Nhất là ta phải rà xét xem những tờ báo, những đài ấy có đáng cho chúng ta tin cậy hay không.

Trong khoảng thời gian gần đây nhiều vị tăng sĩ Phật giáo có uy tín với hàng triệu Phật tử ở trong và ngoài nước, không những có ảnh hưởng rộng lớn đến đại chúng Phật tử Việt Nam mà có vị được nhiều người trong cộng đồng thế giới biết đến bởi những hoạt động Phật sự có tính đại chúng, mang đến những lợi ích thiết thực ứng dụng vào đời sống cộng đồng bằng tinh thần Từ Bi, bằng phương pháp lấy giáo lý nhà Phật để dần dần chuyển hóa tâm thức kẻ ác hoặc những người lầm lỗi, hoặc bằng phương châm Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường đạo của Nguyễn Trãi, một Phật tử thuần thành, thấm nhuần tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, một thiền phái đem đạo vào phục vụ một cách thiết thực cho đời... Nhưng tiếc thay những vị thầy nầy đã bị một số người Việt hải ngoại hiểu lầm nên đã kết tội một cách nông nổi là cộng sản hay thân cộng. Trong số các vị ấy có thầy Thích Nhật Từ.

Tin, bài liên quan:

Pháp Âm: VÀI NÉT VỀ THẦY THÍCH NHẬT TỪ

Phù Sa: Trao đổi cùng thầy Thích Nhật Từ,  thư ký IOC sau Vesak 2008

Người Việt Quốc Gia: BẢN TUYÊN CÁO của các Hội Đoàn và Đảng Phái trong Cộng Đồng Việt Nam Vùng Washington DC, MD & VA và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Vùng Hoa Thịnh Đốn & Phụ Cận

Tuyết Mai: Phỏng vấn Đại đức Thích Nhật Từ

Tuyết Mai: Thầy Thích Đức Tĩnh nói về Thích Nhật Từ

Quốc Dân Đảng: Nguồn Gốc Sư Quốc Doanh Vesak Nhật Từ

Blog Cao Chí Thành: Chống phá Đại Đức Thích Nhật Từ? Chống phá Cộng Sản? hay ghen tị mới Phật Gíao?

Sách Hiếm: ĐĐ Thích Nhật Từ và  Các Xóm Đạo Washington D.C.

Giờ đây tôi xin mời quý độc giả, quí đạo hữu cùng tôi thử xét lại trường hợp thầy Nhật Từ xem có đúng như những điều mà một số người nhận định hay chăng, tôi cũng trông mong rằng khi xét đến vấn đề nầy, chúng ta nên trở về với cái tâm thanh tịnh, cái tâm không hận thù, không tỵ hiềm ganh ghét, cái tâm không bị ô nhiễm, nó trong xanh như mặt nước hồ thu không gợn sóng, để các cặn bẩn của tư tưởng được lắng đọng xuống tận cùng đáy hồ, để bóng tối vô minh lùi bước cho ánh sáng trí tuệ bừng lên...

Đầu tháng 8 năm 2008 vừa qua, do sự thỉnh mời của các Phật tử ở hải ngoại và ở Mỹ, thầy Nhật Từ đã qua thuyết giảng cho đại chúng tại Virginia và vùng Phụ cận. Một số hội đoàn, cá nhân trong cộng đồng người Việt tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ ra tuyên cáo chống đối. Theo tôi nghĩ việc qui kết thầy là cán bộ cộng sản là không đúng, những lập luận quý vị đưa ra thiếu xác thực, không đủ sức để thuyết phục được đại đa số quần chúng nhất là các Phật tử trong nước và ngoài nước đã ngưỡng mộ và tôn kính thầy. Do đó thay vì tạo sự đoàn kết, quý vị đã vô tình làm phân hóa, gây mất đoàn kết trong cộng đồng người Việt. Qua những sự kiện trên khiến nhiều người thay vì ủng hộ quý vị nay trở nên mất cảm tình và trở nên chống đối, điều nầy chỉ có lợi cho nhà nước Việt Nam. Bởi vì để mở màn cho việc quy tội nầy, một số không ít báo chí, đài, website có những bài viết, bài phỏng vấn vu khống, mạ lỵ. Qua các dữ kiện đó khiến không ít Phật tử trong và ngoài nước phẫn nộ vì bậc đạo sư của họ bị bôi lọ mà không có chứng cớ thiết thực để minh chứng. Giờ đây, tôi xin lần lượt trình bày quan điểm, những nhận xét của mình hầu mong quí vị, quý đạo hữu xét lại sự việc trên. Trước khi vào cuộc đối thoại, tôi mong quý vị đại diện cộng đồng, quý đảng phái, quý đạo hữu... cần có một tầm nhìn xác thực, khách quan, minh bạch ngỏ hầu chúng ta thấy được đó là một sự ngộ nhận đáng tiếc.

Tôi biết đến thầy Nhật Từ, vị tu sĩ Phật giáo nầy do một người bạn giới thiệu tôi nên vào đọc trang website Đạo Phật ngày nay do thầy thực hiện bởi trong đó có nhiều bài pháp thoại rất hữu ích cho việc tu học. Nhưng thực sự tôi được thiện duyên nghe Pháp và gặp mặt thầy là vào dịp thầy sang Hoa Kỳ hoằng dương giáo pháp theo lịch trình pháp thoại mùa hè vào năm 2007 bởi các Phật tử hải ngoại mời sang. Do sự thỉnh mời của thầy trù trì, ban trị sự Hội Phật Giáo Mỹ Châu chùa Hoa Nghiêm, thầy có đến chùa để ban giảng những bài pháp thoại cho đại chúng. Bài pháp đầu tiên tôi được nghe đó là bài “Giã từ nỗi đau thất tình“, tôi nhớ hôm đó là trưa chủ nhật ngày 12 tháng 8 năm 2007, không gian chánh điện đông nghẹt đại chúng tới nghe giảng, sau đó thầy đi nhiều tiểu bang để hoằng dương giáo pháp. Qua tác phong, cử chỉ khi thuyết giảng và sự thấu triệt giáo pháp thâm sâu của một vị giảng sư, tôi cảm thấy thầy qủa thực là một tăng tài, là viên ngọc quý cho đạo Phật Việt Nam.

Ngày 7 tháng 8 năm 2008 vừa qua rất tiếc tôi đã không có thiện duyên để nghe được những pháp thoại của thầy bởi vì buổi tối thầy giảng cũng là lúc tôi ngồi trên phi cơ để đi thăm bà con ở tiểu bang khác. Khi về lại Maryland, tôi rất ngạc nhiên thấy trên báo Saigon nhỏ số 799 ra ngày 15 tháng 8 năm 2008 có đăng bản tuyên cáo của các Hội đoàn và Đảng phái trong Cộng đồng Việt Nam và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa vùng Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận. Để hỗ trợ cho bản tuyên cáo trong mục Phiếm Dị kỳ nầy bà Đào Nương viết bài Cái Thân Làm Tội Cái Đời nói về thầy Nhật Từ nội dung bài cũng cùng một luận điệu cáo buộc, phỉ báng giống như Diễn Đàn Tôn Giáo. Đối với tờ Thủ Đô Thời Báo năm thứ 22 số 2157 ngày thứ tư 13 tháng 8 năm 2008 có đăng bài Phỏng vấn thầy Nhật Từ của bà Tuyết Mai và ông Nguyễn Kim Hùng thực hiện tại chùa Hoa Nghiêm. Nhìn vào bản tuyên cáo, tôi thấy về hình thức và nội dung trình bày gồm có 5 nhận định, 4 tuyên cáo và sau cùng là danh sách các đoàn thể và cá nhân đính kèm. Phần nhận định nêu lý do thầy làm tổng thư ký IOC, thầy là một thành viên trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên thầy là cán bộ cao cấp có tuổi đảng, được đảng cho du học tại Ấn Độ. Thầy ra nước ngoài với chiêu bài hoằng dương giáo pháp song thực chất là tôn giáo vận, đang thi hành nghị quyết 36 của đảng, nhằm gây chia rẽ người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại... Về tuyên cáo, những hội đoàn nầy quyết tâm bẻ gảy âm mưu trên, phản đối Hội Phật Giáo Mỹ Châu chùa Hoa Nghiêm mời thầy đến giảng, kêu gọi người Việt ở hải ngoại tiếp tay cho chiến dịch nầy bằng cách tẩy chay không đến nghe giảng... Nhưng thực chất vấn nạn thầy Nhật Từ như thế nào? Tôi xin đưa ra những nhận định hầu mong làm sáng tỏ sự việc.

Không riêng gì cá nhân tôi, nhưng cũng có rất nhiều vị trong chúng ta được biết đại đức Thích Nhật Từ không phải lần đầu tiên thầy ra nước ngoài để hoằng dương giáo pháp, thầy đã có những chuyến hoằng dương Phật Pháp ở ngoại quốc kể từ năm 2004 ở Úc châu, ở Florida, Hawaii, thầy đã đến Cali nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn vào năm 2005, những năm sau đó 2006, 2007 thầy đã đến nhiều chùa ở nhiều tiểu bang như Texas, Pennsylvania, vùng Hoa Thịnh đốn... để giảng về giáo lý nhà Phật, nhiều Phật tử ở các nơi trong nước Mỹ được nghe những bài Pháp thoại của thầy. Tại sao lúc ấy quý vị đại diện các đoàn thể trong cộng đồng người Việt không lên án thầy là cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam, cho mãi đến năm 2008 quý vị mới gán cho thầy là cán bộ, là đảng viên ưu tú được đảng giao cho nhiệm vụ ra nước ngoài để thi hành nghị quyết 36 của chính phủ nhằm gây chia rẽ, làm lũng đoạn tinh thần chống cộng của cộng đồng người Việt tị nạn. Sự kiện nầy khiến không ít Phật tử chúng tôi nghi ngờ đặt dấu hỏi?

Sau đây tôi xin mạn phép nêu ra những dữ kiện được nhóm người cực đoan, quá khích đưa lên mạng điện tử, lên báo, đài... điển hình là mạng điện tử Diễn Đàn Tôn Giáo để làm luận cứ cáo buộc thầy là cán bộ, là đảng viên khiến không ít quý vị đại diện cộng đồng hiểu lầm vì nguồn tin nầy. Những sự việc đó tôi xin được tóm lược:

Qui kết là cán bộ vì thầy nói nhà nước có lợi về mặt chính trị khi phóng viên mạng lưới Phù Sa hỏi nhà nước đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 thì nhà nước có lợi gì?

Thầy là thành viên của giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Thầy là Tổng Thư Ký Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế về Tổ Chức Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 (Vesak Liên Hiệp Quốc).

Giờ đây tôi xin trình bày quan điểm của mình cùng quý vị, quý đạo hữu theo từng sự kiện để chúng ta có một tầm nhìn chính xác hơn.

Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó  #  I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it  #  Je désapprouve ce que vous dites, mais je défendrai à la mort votre droit de la dire (Voltaire)

Nhà nước có lợi về mặt chính trị: khi thầy nói lên câu nầy chúng ta có thể kết luận rằng thầy là người của nhà nước không? Nếu chúng ta cho rằng được thì nhận định của chúng ta thật là thiển cận. Bởi vì đó là một sự thật ai ai cũng đều thấy rõ. Thầy là một tu sĩ nói lên sự thật đâu có gì là sai trái. Ngay cả hàng cư sĩ chúng ta cũng không được nói dối vì đó là một trong năm điều cấm, nhất là khi chúng ta đã qui y Tam bảo. Chúng ta đâu có thể vì câu nói nầy rồi vội kết luận rằng thầy là người của chính quyền. Có lẽ quý vị sẽ hỏi lại đã biết như thế tại sao còn tham dự vào việc tổ chức đó. Tôi lại xin thưa bởi vì có lợi về lâu, về dài cho Phật giáo, cho quần chúng nhân dân. Có lợi vì chính phủ chính thức công nhận bằng văn bản, bằng truyền thông đại chúng là Phật giáo đồng hành với dân tộc bởi vì Phật giáo đã đồng cam đồng khổ với dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Vui cùng cái vui của dân tộc, buồn theo cái buồn của đất nước... Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng đồng hành với dân tộc không có nghĩa là đồng hành với việc làm sai trái của chính quyền, làm những điều đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân hay đồng hành với quân cướp nước để đánh phá các phong trào kháng chiến giành độc lập của dân tộc... Những ai có tư tưởng méo mó, mỉa mai về từ đồng hành với dân tộc nên hiểu rằng đồng hành nó khác với từ đồng lỗi. Khi chính quyền đã không xem Phật giáo là thuốc phiện, là mê tín, việc truyền thừa giáo pháp Như Lai sẽ dễ dàng. Quần chúng tin tưởng hơn vào tín ngưỡng của cha ông mình đã theo qua quá trình trên 2000 năm, nên họ cùng nhau sách tấn tu học xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Khi ấy không ít các cán bộ nhà nước trở thành Phật tử chân chính, lúc đó theo tôi nghĩ chính sách cai trị sẽ đổi khác. Lịch sử Phật giáo đã minh chứng điều đó, suốt 15 thế kỷ hoàng kim, không bị ngoại xâm hay chia cắt của Ấn Độ cũng là 15 thế kỷ các triều đại mà các người lãnh đạo đất nước là Phật tử chân chính. Đối với Việt Nam cũng vậy các triều đại Lê, Lý, Trần đã đưa dân tộc đến chỗ thái bình thịnh trị, khiến cho nhà Tống phải kiên dè, quân Nguyên Mông khiếp sợ trước sức đề kháng của dân tộc.

Có một điều tôi xin trình bày, không hiếm quý vị có quan niệm rằng những người có các hành động đê tiện hoặc tàn ác thường dùng câu cứu cánh biện minh cho hành động để binh vực cho những thủ đoạn đê tiện và tàn độc của mình. Nhưng giờ đây thử nghĩ lại các vị có khác gì? Quý vị lên án vụ Nhân Văn Giai Phẩm nhưng giờ đây quý vị đã tạo nên một vụ án tương tự như vụ Nhân Văn Giai Phẩm vào các vị sư Phật giáo với những dẫn chứng, lý luận thật vu vơ. Hành động của quý vị chẳng khác gì trường hợp một người đi đêm dẫm phải chất dơ bẩn vào chân mà cứ cầm bó đuốc soi hết chân người nầy qua chân người kia. Không biết vô tình hay cố ý khi câu trả lời của thầy Nhật Từ gồm 3 phần: Về mặt chính quyền – Về mặt Phật giáo – Về mặt quần chúng thì quý vị đã bỏ sót 2 phần quan trọng mà chỉ phổ biến đến phần có lợi cho chính quyền ở trên mạng, trên đài để quần chúng biết do đó nhiều người đã hiểu lầm thầy Nhật Từ, ngay cả một số người đại diện cộng đồng cũng mang tâm trạng trên. Thế là các vị đã đạt được mục đích mong muốn trong ý đồ xuyên tạc.
 

Thầy Nhật Từ là đảng viên ưu tú được đảng cho du học Ấn Độ: Đại đức Thích Nhật Từ đi tu từ năm 13 tuổi, đến năm 2008 thầy được 26 tuổi đạo, chúng ta làm tính cộng thì thầy được 39 tuổi. Thầy đi du học tại Ấn Độ vào năm 1994 tức vào năm 25 tuổi, thử hỏi trong thời gian ngắn đó thầy có thể là một đảng viên cao cấp được không? Nhất là khi mà đất nước trong thời bình, việc thu nhận đảng viên không phải là cấp bách như trong thời kháng chiến chống ngoại xâm. Sự chọn lựa đảng viên được gạn lọc rất kỹ lưỡng, phải điều tra rõ ràng về lý lịch, phải kinh qua nhiều giai đoạn (đội, đoàn rồi mới đến đảng) ai chứng minh được rằng thầy ở đội, đoàn, học tại trường đảng nào, năm tháng... và nhất là trong những giai đoạn đó phải có các thành tích hoạt động. Nói rằng ông A hay bà B nọ là cộng sản, là đảng viên một cách khơi khơi thì ai chẳng nói được. Với những lý giải trên tôi hy vọng rằng quý vị, quý đạo hữu đã có câu trả lời thỏa đáng.

Nhưng có một điều tôi muốn nêu ra: Sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, phần đông chúng ta ai ai cũng bị vào các trại tập trung, có người ra đi không có ngày trở lại. Tài sản, danh vọng, quyền lợi, địa vị đều mất sạch, có người thân nhân bị vùi sâu vào lòng biển cả, bị hải tặc hãm hiếp trong những chuyến vượt biên... Chúng ta có nỗi niềm oán hận chế độ là lẽ đương nhiên, không thể tránh khỏi. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi lòng thù hận đó mình đã đặt đúng đối tượng chưa, hay mình đã trút những oán thù đó vào những người vô tội. Tôi tự vấn với lòng đừng để lòng hận thù thái quá khiến chúng ta quên đi những đức tính tốt đẹp như lòng bao dung, sự biết ơn và trí sáng suốt biết phân biệt bạn thù của cha ông chúng ta. Những đức tính nầy được biểu lộ qua câu chuyện Nhâm Diên, Tích Quang là những quan thái thú nhà Hán cai trị dân ta vào thời Bắc thuộc lần thứ nhất. Một người chỉ cho dân ta về điều nhân, lễ, nghĩa, cách cư xử với nhau trong xã hội, một người chỉ cho dân ta về cày cấy, những gia đình nghèo khó có chuyện ma chay, hay cưới xin... không có tiền để lo, Thái thú Tích Quang lấy tiền túi ra giúp đỡ. Đến thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2 thì có Sĩ Nhiếp thương dân như con, được tổ tiên ta tôn gọi là Sĩ vương. Gần hơn nữa bác sĩ Yersin là bác sĩ quân y trong bộ hải quân thuộc địa Pháp mang quân hàm Trung Tá (quan năm) được người dân Việt thân thương gọi tên là ông Năm. Những vị nầy đã được người dân nhớ ơn lập đền thờ. Ngày nay nước nhà đã hết chiến tranh, thể chế chính trị đã thay đổi song hầu như các con đường mang tên bác sĩ Yersin vẫn không sửa đổi được giữ nguyên như cũ từ Nam chí Bắc. Khi đề cập đến các nhân vật nầy nhất là đối với bác sĩ Yersin đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp y khoa tìm ra những loại thuốc chữa trị các bịnh được coi là nan y thời bấy giờ hầu giúp nhân loại chống lại bệnh tật hiểm nghèo. Bác sĩ Yersin là một ân nhân vĩ đại của nhân dân toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, do đó tôi không nhằm mục đích đem các vị nêu trên để so sánh cùng thầy Thích Nhật Từ, nhưng tôi chỉ muốn minh chứng rằng đôi lúc có những người không đứng cùng chung chiến tuyến song đôi khi họ là ân nhân, là những người bạn rất tốt. Trở về trường hợp thầy Nhật Từ, chúng ta thấy gì? Xuyên qua các câu trả lời của thầy Nhật Từ trong chương trình phỏng vấn do bà Tuyết Mai và ông Nguyễn Kim Hùng đã thực hiện chúng ta có thể thấy được những hoạt động Phật sự cùng những công tác từ thiện thầy đã làm và đang làm ở trong nước như việc hàng tháng thầy đã kêu gọi sự giúp đỡ của các bác sĩ thực hiện được khoản 600 đến 1000 ca mổ mắt cườm cho các đồng bào nghèo khó, tham gia các chương trình cứu trợ nạn nhân thiên tai, giảng dạy, ấn tống kinh sách, CD dựa vào kinh điển Pa-li hay Đại Tạng Kinh, hằng tháng thuyết giảng trung bình khoảng 12 đề tài Phật pháp cho đại chúng, vào trại tù, trại cai nghiện, trung tâm phục hồi nhân phẩm thuyết giảng để họ trở về con đường thiện... để những người hữu duyên biết, hiểu đến giáo lý Như Lai hầu làm điều lành tránh điều dữ tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Những công việc nầy đều đem lại lợi ích cho nhân dân Việt Nam. Giả dụ nếu đại đức Thích Nhật Từ là đảng viên, là cán bộ đi nữa thì chúng ta cũng nên vui mừng và cầu mong sao nhà nước Việt Nam có nhiều cán bộ, nhiều đảng viên có tâm huyết, có lòng từ ái như thầy Nhật Từ để cho xã hội bớt khổ đau.
 

Thầy Nhật Từ là thành viên trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên thầy là cán bộ: Khi đề cập đến các nước theo thể chế quân chủ thời xa xưa thì người dân là tôi thần và phải tuân thủ theo ý muốn của vua. Tất cả tài nguyên quốc gia đều của vua. Nếu là các nước theo cộng sản chủ nghĩa thì pháp quyền được dựa vào nguyên tắc: Đảng lãnh đạo – Nhà nước chỉ huy – Dân nhân làm chủ. Theo thiểm ý với một thể chế như thế thì không riêng gì Giáo hội Phật Giáo Việt Nam mà các tôn giáo khác cũng đều bị nhà nước chi phối, chỉ đạo, khi muốn tôn giáo mình được tồn tại đều phải theo pháp chế đó. Nếu một vị nào phát biểu rằng tôn giáo mình không bị lệ thuộc, đó là một điều quý vị muốn tránh né sự thật. Muốn tránh được sự chi phối, chỉ đạo đó quý vị chỉ có một cách là hành xử như kiểu Bá Di, Thúc Tề. Hai nhân vật nầy là con vua Cô Trúc là vua một nước chư hầu của nhà Thương (còn gọi là nhà Ân). Khi Võ vương khởi binh diệt Trụ là ông vua cuối cùng của nhà Thương, đoàn binh đi ngang nơi hai ông đang sống. Bá Di, Thúc Tề ra nắm cương ngựa không cho đi và can gián song không được. Võ vương thống nhất được thiên hạ lập nên nhà Chu. Bá Di, Thúc Tề không thèm hưởng bổng lộc của nhà Chu. Họ lên núi Thú Dương ăn rau cỏ mà sống qua ngày. Sau có người biết được bằng cười và nói với hai ông rằng nhà Chu thống nhất thiên hạ thì đất nước, sông núi, rau cỏ nầy cũng của nhà Chu hai vị ăn nó thì chẳng khác nào đã hưởng bổng lộc của nhà Chu. Bá Di, Thúc Tề bằng nhịn ăn chịu chết nơi xó núi. Đối với các tôn giáo độc thần, nhất là Ki-tô giáo, hệ thống tổ chức thật là chặt chẽ, đứng đầu là giáo hoàng kế đến là các hồng y, tổng giám mục, giám mục rồi linh mục... tất cả các tín đồ trong mọi quốc gia trên thế giới đều phải tuân theo lệnh Giáo hoàng xuyên qua các chủ chăn của mỗi giáo phận, mỗi quốc gia mình đang sống. Nhưng không phải vì thế mà giáo hội Ki-Tô của một quốc gia nào đó không bị lệ thuộc vào pháp chế của quốc gia mình đang sống, nhất là những nước chưa đặt quan hệ ngoại giao với Vatican. Điển hình nước Việt Nam, pháp lệnh đó được qui định trong việc thụ phong linh mục, mở các đại chũng viện, bổ nhiệm giám mục, tổng giám mục của tòa thánh Vatican... đều phải có sự đồng ý của nhà nước qua ban tôn giáo chính phủ, hay mặt trận tổ quốc. Nhìn vào dẫn chứng đó, chúng ta thấy đâu phải riêng gì Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu pháp chế đó. Từ sự viện dẫn trên cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng thầy Nhật Từ có phải là cán bộ hay không? Để sáng tỏ thêm cho vấn đề nầy tôi xin trích dẫn bài viết “Suy nghĩ sau Vesak 2008 ở Việt Nam“ của Tiêu Dao Bảo Cự đăng ngày 26 tháng 5 năm 2008 trên mạng Talawas. Mặc dầu tôi không đồng ý hoàn toàn nội dung của bài viết nầy, nhưng có một đoạn ông nhận xét về Giáo hội Phật giáo Việt Nam khiến chúng ta phải suy ngẫm: Giáo hội Phật giáo thân chính quyền hoàn toàn chịu sự chi phối của nhà nước hay chỉ là một sự hợp tác bất đắc dĩ có chủ ý để duy trì sự tồn tại và tìm cơ duyên phát triển trong một chế độ độc tài khắc nghiệt đối với tôn giáo? Điều nầy thật khó kết luận nếu không có cơ hội tìm hiểu sâu xa về các vị lãnh đạo của giáo hội nầy ở từng địa phương. Tuy nhiên rõ ràng chính họ đã góp phần duy trì sinh hoạt bình thường của Phật giáo lâu nay trải qua những hoàn cảnh khó khăn. Điều đó không thể phủ nhận.

Qua sự nhận xét trên chúng ta nhận thấy phải chăng vào thời điểm năm 1975 - 1981 là giai đoạn nghiệt ngã cho sự sống còn của Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian nầy có nhiều vị đã vào tù như trường hợp thượng tọa Thiện Minh (vào tù năm 1978 và giải nghiệp trong tù), thầy Tuệ Sĩ, thầy Trí Siêu và cũng có một số tôn túc tăng ni khác bị quản thúc cô lập như cố Đệ tứ tăng thống Huyền Quang, hoà thượng Quảng Độ, thượng tọa Trí Quang, thầy Tuệ Sĩ, thầy Trí Siêu... đối với Ki-Tô giáo thì vụ nhà thờ Vinh Sơn, vụ Quỳnh Lưu vào khoảng 1955, 1956...

Nhà nước đã thi hành chính sách tôn giáo như thế. Quan điểm và lập trường của ôn Huyền Quang, ôn Quảng Độ cùng một số tôn túc, các vị đó nghĩ rằng muốn Phật giáo phát triển mạnh thì Phật giáo phải thống nhất về mặt tổ chức, về mặt nhân sự không bị chính quyền chi phối, các cơ sở tôn giáo phải trả lại cho giáo hội... Một số vị khác lại quan niệm với nghịch duyên không thuận tiện về mặt thống nhất tổ chức như trên thì việc làm sao để giáo lý nhà Phật luôn luôn được đến với quần chúng, khi giáo pháp còn tồn tại thì lo chi cơ cấu tổ chức không có. Do đó ôn Già lam, ôn Từ Đàm đã đồng ý đứng ra đảm nhận việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi thiết nghĩ nếu mỗi một Phật tử chúng ta có cái nhìn quán triệt vào sự việc tuy đường lối của hai giáo hội có khác nhau song mục đích vẫn là một thì chắc chắn Phật giáo Việt Nam không dễ dầu gì bị kẻ xấu lũng đoạn. Sự kiện hợp tác giai đoạn với chính quyền hay ngay cả với kẻ thù theo tôi nghĩ đó là sách lược mà tiền nhân chúng ta đã thường dùng để đối phó với kẻ thù phương Bắc qua quá trình giữ nước và dựng nước. Như trường hợp Bình định vương Lê Lợi đã nghị hòa với Trần Trí tướng của nhà Minh để bảo tồn lực lượng, Thiền sư Ngô Chân Lưu (933 -1011) được cả hai triều đại Đinh – Tiền Lê đều phong làm Khuông Việt Quốc sư, đó là chức Tăng Thống đầu tiên trong lịch Phật Giáo Việt Nam. Đức Phật dạy kẻ thù chúng ta là vô minh. Do đó người Phật tử không có kẻ thù, chúng ta chỉ có những người bạn đã hiểu mình và những người bạn chưa hiểu vì bản ngã tham, sân, hận, nên việc duy trì ngọn tuệ đăng được toả sáng đến khắp mọi nơi đó là điều quan trọng. Vã lại tinh thần dấn thân của đạo Phật là nhằm phục vụ cho quyền lợi của quần sanh chứ không nhằm phục vụ cho một cá nhân, một tập thể hay một thể chế chính trị nào. Qua những điều trình bày trên tôi mong rằng quý vị đại diện cộng đồng, quý vị đạo hữu đã có câu giải đáp thỏa đáng cho mình.
 

Đại đức Thích Nhật Từ Tổng Thư Ký IOC là do nhà nước chỉ định do đó thầy là cán bộ nhà nước, là đảng viên: Khi đề cập về IOC là nói đến Uỷ ban Tổ Chức Quốc Tế. Ủy ban nầy được hình thành bởi phiên hợp thứ 54 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, sau khi thảo luận về đề mục số 174 của chương trình nghị sự, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đồng thanh quyết định chọn ngày đại lễ Vesak thường được tổ chức hàng năm tại Ấn Độ để tưởng nhớ đến đức Phật, người Việt gọi là Đại Lễ Tam Hợp (Ngày Đản sanh, ngày Thành Đạo và ngày Nhập diệt của đức Thế Tôn thường nhằm vào giữa tháng 5 dương lịch) làm ngày lễ hội văn hóa và tôn giáo quốc tế. Đại hội còn bình chọn đạo Phật là tôn giáo hòa bình. Văn phòng thường trực của Uỷ Ban thư ký Quốc Tế đặc vĩnh viễn tại trường đại học Phật giáo Mahachulalongkomrajamvidyalaya tại Thái Lan là nơi thường trú của Hòa thượng giáo sư tiến sĩ Phra Dhamakosajam là chủ tịch sáng lập ra tổ chức Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế (IOC). Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (Ngày Lễ Hội Văn Hóa và Tôn Giáo Quốc Tế) lần đầu tiên được chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào năm 2000 những năm sau đó được tổ chức tại Thái Lan là nơi có văn phòng thường trực của Uỷ Ban Thư ký quốc tế thuộc Ban Tổ Chức Quốc Tế về ngày lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc. Tuyên ngôn Bangkok 2007 được công bố trong nghị sự Phật giáo thế giới lần IV nhân đại lễ Phật đản từ ngày 26 – 29/5/2007 tại Buddhamonthon và trung tâm Hội thảo LHQ Bangkok gồm có 61 quốc gia thành viên tham dự. Hội nghị đã thỏa thuận 12 điều lệ, trong đó có điều 2 liên quan đến việc chấp nhận Việt Nam là nước được đứng ra tổ chức đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 (Thừa nhận tính khoan dung và vai trò chủ chốt của Vương quốc Thái Lan về việc tổ chức Lễ Phật đản LHQ trong 4 năm qua, đồng thời đồng thuận và ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại Lễ Phật Đản LHQ năm 2008).

Uỷ Ban Tổ Chức Quốc Tế Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là một tổ chức lễ hội văn hóa và tôn giáo quốc tế nên nhà nước Việt Nam không có thẩm quyền trong việc chỉ định các chức vụ chủ tịch hoặc tổng thư ký hay bất cứ một chức vụ nào cho các nhân viên của IOC. Chức Tổng Thư ký IOC của thầy Nhật Từ do các thành viên của các nước hội viên tham dự Đại lễ Phật đản LHQ năm 2008 bầu bán, do đó nói rằng Đại đức Thích Nhật Từ vì làm Tổng thư ký Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế là người của nhà nước, do nhà nước chỉ định là một sai lầm trầm trọng.

Qua các nhận định nêu trên, tôi hy vọng rằng quý vị, quý đạo hữu đã hiểu đâu là sự thật, đâu là những luận điệu của nhóm người quá khích chuyên chống phá Phật giáo. Nếu các điều nhận xét trình bày trong bài vẫn chưa thỏa đáng, quý vị, quý đạo hữu vẫn nghi ngờ về thầy Nhật Từ, tôi thiết nghĩ quý đạo hữu thử tìm đọc các sách, các băng giảng của thầy để xem có phải trong những bài pháp thoại, các sách đó có chứa đựng khoản 20% tuyên truyền cho chế độ, chuyên sách động quần chúng chống đối lá cờ vàng hay không? Theo thầy Nhật Từ thì 1% cũng không có. Thiểm ý đó cũng là một trong bốn phương pháp tu theo pháp tu Tứ chánh cần (Văn, Tư, Tu) để chúng ta hiểu rõ về giáo lý của đấng Từ Phụ hơn. Đối với những vị không phải là Phật tử trong khi tìm đọc các sách, các băng giảng để tìm hiểu sự thật, biết đâu trong số quý vị có nguời sẽ giống trường hợp giáo sư Rhys Davids người Anh. Khi đề cập đến vị giáo sư nầy, tôi xin lướt qua thân thế và sự nghiệp, ông sinh năm 1842 và mất 1922 con của một mục sư Cơ Đốc. Giáo sư Rhys Davids bỏ ra nhiều năm học tiếng Pali để tìm hiểu về kinh điển Phật giáo nhằm mục đích chứng minh rằng giáo lý nhà Phật thua hẳn thánh kinh Cơ-Đốc, ông đã thất bại trong mục đích nầy nhưng ông đã thành công trong lãnh vực khác. Đó là ông đã trở thành một Phật tử và trở nên giáo sư chuyên về Đông phương học, đặc biệt nghiên cứu về Pali và Phật giáo. Ông sáng lập ra Hội Thánh Kinh Điển Pali và là chủ tịch đầu tiên của hội, nhiều người Tây phương biết đến Phật giáo nhờ vào hội kinh điển Pali.

Sau đây là phần nhận định về Phật giáo của vị giáo sư nầy: Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được vẻ đẹp và sự quán triệt Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế của Đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó. Giờ đây chúng ta thử thực hành Bát Chánh Đạo vào vào Đời sống hằng ngày như giáo sư Rhys Davids đã làm bằng cách những ý kiến, những nhận định của mình luôn luôn trung thực, không có định kiến, những tư duy, suy nghĩ của mình chímh xác, chân thật, ngôn từ mình hòa nhã, tôn trọng, quý mến nhau, công việc làm của mình không hại đến người có lợi ích cho mọi người, sống cuộc đời thanh cao, trong sạch, chúng ta luôn luôn tinh tấn, luôn luôn tâm niệm, xác định những điều đó là cần, là quý khiến cho cuộc sống thì lo chi chúng ta không được mọi người quý mến, nể trọng. Nếu chúng ta sống theo đường lối Bát Chánh Đạo cuộc sống chúng ta thật là an lạc, hạnh phúc. Nhân loại sẽ sống với nhau trong tình huynh đệ...

Thông thường chúng ta hay dùng phương pháp tuyên truyền theo cách lập đi lập lại nhiều lần về những tính xấu, những lỗi lầm những hành động sai trái... của đối phương. Tệ hại hơn nữa vì đôi khi chúng ta dựng đứng sự việc để người khác hiểu lầm kẻ mình muốn triệt hạ. Tôi thiết nghĩ phương cách Tăng Sâm giết người nầy có những phản hồi lắm khi gây nên những tệ hại như phản tuyên truyền, gây mất đoàn kết, tự thân mình làm giảm uy tín cá nhân, đoàn thể vì sự thật bao giờ cũng là sự thật (với hệ thống truyền tin hiện đại, độc giả, thính giả sẽ kiểm chứng dữ kiện qua nhiều đài, nhiều báo, nhiều diễn đàn điện tử). Thế thì tại sao chúng ta không dùng một phương cách khác, phương pháp nầy theo tôi nghĩ nó hữu hiệu hơn, xã hội sẽ tốt lành hơn. Phương cách đó tôi xin được tạm đặt tên là Tăng Sâm cứu người. Thiển nghĩ chỉ có những tu sĩ Phật giáo mới làm được việc nầy. Những vị tu sĩ Phật giáo sẽ rao giảng những điều lành, những điều thiện, khuyên bảo mọi người tránh xa các việc ác vào các tầng lớp xã hội, từ những vị lãnh đạo quốc gia cho đến tầng lớp dân nhân nghèo khổ... một lần không được, hai lần không được... nhưng tôi tin tưởng nhiều lần sẽ được. Qua quá trình truyền thừa giáo pháp Như Lai lịch sử Phật giáo đã chứng minh được điều đó. Chúng ta đừng nên chống đối, đừng nên chụp mũ về công tác hoằng dương giáo pháp của họ nên giúp cho họ có thiện duyên hơn... Hãy để cho các tăng sĩ Phật giáo hành xử sự việc theo đúng chức năng sở trường của họ là giáo hoá chúng sinh làm lành tránh dữ, dứt bỏ ba nghiệp độc tham sân si khiến thế giới sống trong thái bình thịnh trị tạo cảnh Niết-bàn, cảnh Thiên đường hạ giới.

Mong muốn thay...
 

Quang Kính Võ Đình Ngoạn

 

Bài đăng trong mục này là quan điểm riêng của tác giả, Phù Sa hoàn toàn không có trách nhiệm.

DIỄN ĐÀN TỰ DO

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế,  Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 SỰ KIỆN

v Ngày 9 tháng 12 năm 2006 :
Hội Dân Oan Việt Nam ra đời tại Hà-nội.

v Ngày 10 tháng 12 năm 2006 :
Tuyên bố thành lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam

v Ngày 2 tháng 11 năm 2006 :
Tthành lập Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam.

v Ngày 31 tháng 10 năm 2006 :
Tthành lập Hiệp Hội Đoàn Kết Công - Nông VN.

v Ngày 20 tháng 10 năm 2006 :
Công Đoàn Độc Lập Việt Nam ra đời.

v Ngày 16 tháng 10 năm 2006 :
Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền VN ra đời.

v Ngày 8 tháng 9 năm 2006 :
Đảng Thăng Tiến Việt Nam tự công bố thành lập tại Huế.

v Ngày 7 tháng 9 năm 2006 :
Nhóm Thanh Niên Dân Chủ Sơn Hà ra đời tại hà Nột

v Ngày 2 tháng 9 năm 2006 :
Tập san Tự do Dân chủ ra đời tại Hà-nội.

v Ngày 8 tháng 6 năm 2006 :
Đảng Dân Chủ XXI tuyên bố tái họat động

v Ngày 8 tháng 5 năm 2006 :
Tập Hợp Thanh Niên Dân chủ ra đời cùng website Tiếng Nói Thanh Niên Dân Chủ

v Ngày 15 tháng 4 năm 2006 :
Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận ra đời tại Sài Gòn và phát hành khắp nước.

v Ngày 8 tháng 4 năm 2006 :
Tuyên Ngôn Dân Chủ ra đời tại Việt Nam.

v Tối ngày 25 tháng 1 năm 2006 :
Nghị viện Âu Châu ra Nghị Quyết 1481 lên án tội ác chống nhân loại của các nhà nước Cộng Sản.

 
vResolution1481.2006.Nghị quyến 1481.2006
 

LÊN TRÊN=  |  GỬI BÀI LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống. 
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.