.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

             TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

  Khoa học & Môi trường

Hồ Sơ thềm lục địa Việt Nam

  • PSN - 9.05.2009 | Trương Nhân Tuấn
Việt Nam vừa nộp hai Hồ Sơ liên quan đến thềm lục địa mở rộng của mình, lần lượt ngày 6 và ngày 7 tháng 5 năm 2009. Hồ Sơ ngày 6 nộp chung với Mã Lai, nội dung trình bày ranh giới hải phận 200 hải lý của mỗi nước cùng với khu vực thềm lục địa mở rộng chung giữa hai nước, chiếu theo điều 76, phần 8 của Luật Quốc Tế về Biển 1982. Khu vực này thuộc vùng biển phía nam của biển Đông. Hồ Sơ nộp ngày 7 liên quan ranh giới hải phận 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, thuộc khu vực phía bắc biển Đông. Hồ Sơ này cũng thiết lập dựa trên tinh thần điều 76, phần thứ 8 của bộ luật Quốc Tế về Biển 1982.

Cả hai Hồ Sơ được viết bằng tiếng Anh, có thể tham khảo tại trang web Oceans and Laws of the Sea (Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea) trang “Submissions, through the Secretary-General of the United Nations, to the Commission on the Limits of the Continental Shelf, pursuant to article 76, paragraph 8, of the United Nations Convention on the Law of the Sea of 10 December 1982” của Liên Hiệp Quốc: 
http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/commission_submissions.htm

Phần một: Hồ Sơ Chung giữa Việt Nam và Mã Lai. Hồ Sơ gửi Uỷ Ban Ranh Giới Thềm lục địa. Làm theo điều 76, phần 8 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (gọi tắt là Luật quốc tế về biển 1982), liên quan đến khu vực phía nam Biển Đông.

Hồ Sơ này lược dịch như sau :
1. Phần dẫn nhập:
1.1 Hồ Sơ được hai nước Việt Nam và Mã Lai - là hai quốc gia duyên hải - hợp tác soạn thảo chung theo tinh thần điều 76 của bộ Luật Quốc Tế về Biển 1982. Hai bên dựa trên các qui tắc hướng dẫn về Khoa Học và Kỹ Thuật của Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS/11/Add. 1) cũng như các Qui Định về Thủ Tục của Ủy Ban (CLCS/ 40/ Rev. 1) để phân định thềm lục địa mở rộng của mỗi nước.
1. 2 Nước Mã Lai đã ký luật Biển 1982 ngày 10 tháng 12 năm 1982 và thông qua ngày 14 tháng 10 năm 1996. Việt Nam ký ngày 10 tháng 12 năm 1982 và thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1994.
1. 3 Chiếu theo phụ đính I, phần 3 của các Qui Định về Thủ Tục của Ủy Ban, Hồ Sơ Chung này chỉ liên quan một phần thềm lục địa của hai quốc gia duyên hải (Việt – Mã Lai). Hồ Sơ này liên quan đến một khu vực, minh họa trên bản đồ 1 và được giải thích ở mục 5.1, tùy thuộc hoàn toàn vào bờ biển của hai quốc gia duyên hải có thềm lục địa mở rộng. Hai quốc gia duyên hải có thể nộp thêm, chung hay riêng sẽ, những hồ sơ quan hệ các khu vực khác.

2. Các điều khoản thuộc điều 76 của bộ Luật Biển 1982 đã được sử dụng : 
Hai nước đã sử dụng các điều 76 (4) và 76 (5) để xác định ranh giới thềm lục địa trong khu vực.

3. Các thành viên thuộc Ủy Ban đã cố vấn việc soạn thảo Hồ Sơ :
Trong quá trình soạn thảo Hồ Sơ này, hai nước Việt và Mã Lai đã được sự cố vấn của ông Abu Bakar Jaafar, thành viên thuộc Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa. Ngoài ông này thì không có thêm người nào khác thuộc Ủy Ban.

4. Những tranh chấp :
4.1 Hai quốc gia phải thông báo cho Ủy Ban biết những tranh chấp chưa giải quyết hiện có trong khu vực. Hồ Sơ Chung này dựa lên các qui định và điều luật : điều 76 (10) và điều 9 phụ chương II của bộ Luật Biển 1982, qui định số 46 và các điều thuộc phần 1, 2 và 5 của phụ chương I của Qui Định và Thủ Tục của Ủy Ban.
4.2 Chiếu theo các điều lệ kể trên, hai quốc gia duyên hải (Việt và Mã Lai) bảo đảm với Ủy Ban, trong phạm vi chấp nhận được, Hồ Sơ Chung này không gây ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới giữa các quốc gia kế cận hay đối diện.
4.3 Hai quốc gia duyên hải (Việt – Mã Lai) cam kết bảo đảm sẽ không có sự phản đối đến từ các quốc gia duyên hải láng giềng khác. Hai quốc gia xác nhận Hồ Sơ này phù hợp với phần 5 (b) thuộc phụ chương I của Qui Định về Thủ Tục của Ủy Ban.

5. Mô tả ranh giới thềm lục địa trong Khu Vực được xác định :
5.1 Đường ranh giới được sinh và nối bởi giao điểm của hình bao các vòng cung với đường ranh giới 200 hải lý của Mã Lai và Phi Luật Tân ở phía đông (điểm A), giao điểm của hình bao của hai vòng cung hội tụ với đường ranh giới 200 của hải lý Mã Lai từ điểm A theo hướng tây-nam (điểm B và C), giao điểm của đường ranh giới 200 hải lý của Mã Lai với đường biên giới theo hiệp định phân định thềm lục địa giữa Mã Lai và Nam Dương năm 1969 theo hướng tây-nam (điểm D), điểm 25 căn cứ theo hiệp ước vừa nói trên theo hướng tây-bắc, điểm 25 căn cứ theo hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Nam Dương năm 2003 theo hướng tây-bắc (điểm F), và giao điểm theo hiệp ước Việt Nam – Nam Dương vừa nói trên theo hướng tây-bắc (điểm G), và đường bao các vòng cung với đường ranh giới 200 hải lý của Việt Nam theo hướng đông-bắc (điểm H và G)
Đường ranh giới này bao gồm 810 điểm đã được xác định và liệt kê trong Bảng 1.

6. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc soạn thảo Đề Trình Chung này

6.1 Hồ Sơ Chung, đính kèm cùng các bản đồ, số liệu, tài liệu phụ lục và dữ liệu, được soạn thảo bởi các cơ quan nhà nước của hai Quốc Gia Duyên Hải, liệt kê sau đây :

Các cơ quan thuộc Chính phủ Mã Lai
(a) Hội đồng An ninh Quốc Gia thuộc Phủ Thủ tướng
(b) Bộ Ngoại giao
(c) Chưởng lý viện
(d) Cục Nghiên cứu và Địa hình  
(e) Cục Khoáng sản và Địa chất
(f) Trung tâm Thủy văn học Quốc gia, thuộc Hải quân Hoàng gia Mã Lai
(g) Petroliam Nasional Berhad (PETRONAS)

Các cơ quan thuộc Chính phủ Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
(a) Bộ Ngoại giao
(b) Bộ Tài nguyên và Môi trường
(c) Bộ Khoa học và Kỹ thuật
(d) Viện Hải Học Vật lý và Địa Chất
(e) Viện Địa Dư
(f) Cục Nghiên cứu và Địa hình Việt Nam
(g) Cục Nghiên cứu Thủy văn học và Địa hình, Hải quân Việt Nam
(h) PETROVIETNAM

7. Sơ đồ và toạ độ
7.1 Sơ đồ 1 minh họa đường ranh giới thềm lục địa trong Khu Vực Được Xác Định, chủ đề của Hồ Sơ Chung này. Những toạ độ địa lý theo hệ thống World Geodetic System 1984 (WGS84) về ranh giới của thềm lục địa trong Khu Vực Được Xác Định, cũng như các những phương pháp tính toán, được liệt kê trong Bảng 1.

7.2 Sơ đồ 2 minh họa đường ranh giới phía ngoài của thềm lục địa mở rộng được thiết lập để phụ lục cho Đệ Trình Chung này. Những tọa độ địa lý theo WGS84 của các điểm được xác định do tiêu chuẩn đã được sử dụng để làm thành đường ranh giới phía ngoài của thềm lục địa mở rộng được liệt kê trong bảng 2.

7.2 Sơ đồ 2 minh họa đường ranh giới phía ngoài của thềm lục địa mở rộng được thiết lập để đính kèm với Hồ Sơ Chung này. Những tọa độ địa lý WGS84 theo tiêu chuẩn xác định các điểm làm thành đường ranh giới phía ngoài của thềm lục địa mở rộng, được liệt kê trong bảng 2.

Phần 2: Hồ Sơ của Việt Nam
Gửi Uỷ ban Ranh Giới Thềm Lục Địa. Chiếu theo điều 76, phần 8 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, liên quan đến Khu Vực bắc biển Đông.

1. Dẫn nhập

Việt Nam là một quốc gia duyên hải, nằm bên bờ biển Đông, có khoảng 3.260 km đường bờ biển, có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, bao phủ một phần rộng lớn của biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa tọa lạc ở phía bắc và Trường Sa ở phiá đông-nam biển Đông. Quốc gia Việt Nam nhìn nhận có đầy đủ cơ sở để hành sử chủ quyền, quyền áp dụng luật pháp quốc gia và thẩm quyền xử lý tại các vùng lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam, căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982)
Việt Nam đã ký công ước về Luật Quốc Tế về Biển 1982 ngày 10 tháng 12 năm 1982 và thông qua công ước này vào ngày 23 tháng 6 năm 1994 
Chiếu theo các điều ước của luật Biển 1982 và địa hình thiên nhiên của bờ biển và thềm lục địa, quốc gia Việt Nam cho rằng có đủ cơ sở để mở thềm lục địa đến 200 hải lý tính từ đường cơ bản, là đường từ đó tính bề rộng lãnh hải của VN.
Theo phần 3 của phụ đính I của Ủy Ban về Qui Định về Thủ Tục, Hồ Sơ này là một hồ sơ riêng phần (partial submission), nhằm xác định ranh giới phía ngoài của một phần thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ bản, đã được đo đạc trong tinh thần tôn trọng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam: Vùng phía bắc (VNM-N Area) thì thuộc về Việt Nam.
Hồ Sơ của Việt Nam về thềm lục địa mở rộng đã được thiết lập từ những dữ kiện thâu thập qua các cuộc nghiên cứu tổng quát vào các năm 2007 và 2008 và những dữ kiện trong lãnh vực đại chúng như về chiều sâu, từ lực, trọng lực và địa chấn.
Hồ Sơ Vùng Phía Bắc (VNM-N Area) có quan hệ đến các vùng như sau: Đường biên giới phía bắc là đường cách đều (trung tuyến) giữa các đường cơ bản của VN và Trung Quốc. Đường biên giới phía đông và phía nam là đường ranh giới phía ngoài của thềm lục địa đã được địnnh nghĩa trong Hồ Sơ này, đúng theo tinh thần của điều 76 (8) của bộ Luật Biển 1982. Đường biên giới phía tây là đường cách 200 hải lý tính từ đường cơ bản.

2. Những khoản đặc biệt của điều 76 đã được dùng để dẫn chứng
Đường giới hạn phía ngoài được vạch ra trong Hồ Sơ này được đặt cơ sở lên nội dung phần 1, 4, 5 và 7 của điều thứ 76. 

3. Thành viên của Uỷ Ban đã cố vấn trong việc soạn thảo Hồ Sơ

Không một thành viên nào thuộc Uỷ ban Ranh Giới Thềm Lục Địa mở rộng đã giúp Việt Nam để soạn thảo hồ sơ này.

4. Không có tranh chấp 

Chiếu theo Phần 2 (a) của Phụ đính I về Quy Định về Thủ Tục, Việt Nam thông báo cho Uỷ Ban biết rằng, hiện nay có một ý thức chung, tại vùng thềm lục địa là chủ đề của hồ sơ này, có những chồng chéo về quyền lợi của các quốc gia duyên hải kế cận. Tuy nhiên, căn cứ theo các điều khoản của Luật Biển 1982, quốc gia Việt Nam cho rằng không có tranh chấp nào liên quan đến Khu Vực thềm lục địa mở rộng chủ đề của Hồ Sơ này.
Mặt khác, quốc gia Việt Nam muốn bảo đảm với Ủy Ban rằng, chiếu theo điều 76 (10) của bộ Luật Biển 1982, điều 9 của Phụ Đính II của luật Biển 1982, qui định số 46 và Phụ Đính I của Ủy Ban Qui Định về Thủ Tục, Hồ Sơ này không ảnh hưởng đến việc phân định hải phận giữa Việt Nam và các quốc gia duyên hải kế cận khác. 
Việt Nam đã có những nỗ lực để bảo đảm rằng sẽ không có sự phản đối nào đến từ các cuốc gia duyên hải kế cận khác.

5.2 Chi tiết về đường ranh giới thuộc thềm lục địa mở rộng của Việt Nam : Bắc Phần (VNM-N)

Việt Nam đã thiết lập đường ranh giới phía ngoài thềm lục địa mở rộng của Khu Vực bắc biển Đông (VNH-N) qua việc áp dụng hai công thức : Công thức Gardiner, tính chiều rộng của thềm lục địa mở rộng theo tỉ lệ 1% độ dày của trầm thích và công thức Hedberg, chiều rộng thềm lục địa mở rộng được tính từ “chân của bờ triền” (Foot Of the Slop – FOS) + 60 hải lý.

Nhờ đó, 45 điểm đã được xác định và tạo thành đường ranh giới phía ngoài thềm lục địa mở rộng của Việt Nam: Khu Vực bắc biển Đông (VNH-N). Đường ranh giới được minh họa theo Sơ đồ 1.

6. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc soạn thảo Đề Trình này

Đệ Trình này cùng với tất cả các bản đồ, con số, tài liệu đính kèm, phụ lục và dữ liệu đã được soạn thảo bởi một đội ngũ liên ngành, thuộc các cơ quan sau đây :

Bộ Ngoại Giao
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Khoa học và Kỹ thuật
Viện Hải Học Vật lý và Địa Chất
Cục Nghiên cứu và Địa hình Việt Nam
Cục Nghiên cứu Thủy văn học và Địa hình, Hải quân Việt Nam
PETROVIETNAM

Cố vấn khoa học và kỹ thuật : Trung tâm Hải Học Quốc Gia, Southampton, Vương Quốc Anh

Phần 3 : Nhận xét. 
Đây là một hồ sơ thuần túy kỹ thuật, các số liệu và dữ kiện liên quan đến việc đo đạc tuy được công bố, nhưng việc diễn giải các số liệu đó đòi hỏi một sự hiểu biết nhất định về tình hình địa chất, địa mạo của thềm lục địa Việt Nam. Ở phần này người viết chỉ giới hạn trong sự hiểu biết của mình.

1/ Hồ sơ nộp chung giữa Mã Lai và Việt Nam cho thấy một số điểm như sau :
- Đường cơ bản Việt Nam vẫn giữ nguyên theo Tuyên Bố 22 tháng 11 năm 1982. Đây là một điều lợi cho VN. Đường giới hạn 200 hải lý của VN được đo từ đường cơ bản. Khu vực biển đối diện với Mã Lai, điểm A6 (đảo Hòn Hải, cách bờ 74 hải lý) được làm tâm điểm để tính ranh giới vùng biển phía ngoài 200 hải lý. 
- Đổi lại, các đảo thuộc Trường Sa của VN trong khu vực này thì không tính hiệu lực. 
- Giữa VN và Mã Lai có một vùng « thềm lục địa mở rộng » chung, là khu vực được giới hạn bởi hai đường ranh giới 200 hải lý của hai nước (vẽ màu đỏ), trên bản đồ 2 tô màu màu cam. Khu vực chung này chưa thấy được phân định theo Hồ Sơ nộp chung.
- Đường ranh giới thềm lục địa mở rộng được vẽ màu cam trên bản đồ 2, nằm ngoài khá xa, về phía bắc của khu vực « thềm lục địa mở rộng chung » của VN và Mã Lai, thuộc khoảng giữa bờ VN (Nha Trang – Đại Lãnh) và bờ biển phía bắc đảo Palawan của Phi. Tọa độ các điểm thuộc đường ranh giới thềm lục địa mở rộng được xác định theo bảng 2. Các điểm được xác định theo công thức Hedberg, “chân của bờ triền” thềm lục địa (Foot Of the Slop – FOS) + 60 hải lý. 
- Đường ranh giới « thềm lục địa mở rộng » ở trên, về phía bắc, cùng với các đường ranh giới 200 hải lý của VN và Phi (đường đỏ), xác định phía nam là khu vực « thềm lục địa mở rộng » chung giữa Mã Lai và Việt Nam, tạo thành một đa giác « thềm lục địa mở rộng » chưa thấy xác định chủ quyền trên bản đồ.
- Chiếu theo các dữ kiện từ bản đồ và bảng tọa độ các điểm, người viết nghĩ rằng các điểm « chân của bờ triền » thềm lục địa FOS 01, FOS 02, FOS 03, FOS 04… rất có thể tính từ các đảo Trường Sa của VN. Việc này chưa kiểm chứng được, nhưng nếu đúng như thế thì hiệu lực các đảo Trường Sa được tính trong vùng thềm lục địa mở rộng và không tính trong hải phận của các nước (ở đây là Phi Luật Tân). Như vậy vùng « thềm lục địa mở rộng » chưa xác định chủ quyền nói ở phần trên có thể thuộc về Việt Nam. 

2/ Hồ Sơ Vùng Phía Bắc Việt Nam (VNM-N Area) :
- Theo bản đồ và các dữ kiện đính kèm, thềm lục địa VN được mở rộng dựa trên hai tiêu chuẩn : Công thức Gardiner, tính 1% độ dày của trầm thích và Nguyên tắc “chân của bờ triền” (Foot Of the Slop – FOS) + 60 hải lý (Công thức Hedberg).
- Hồ Sơ khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. 
- Tuy nhiên, các đảo thuộc quần đảo HS thì không thấy nhắc nhở đến trong việc xác định đường giới hạn hải phận giữa VN và TQ.
- Hồ Sơ của Việt Nam công bố ngày 7 tháng 5 thì ngày hôm sau phía TQ gởi công hàm phản đối đến Tổng Thư Ký LHQ. Hành động này của TQ chưa chắc vô hiệu hóa Hồ Sơ của Việt Nam. Các chi tiết trong công hàm phản đối của TQ chưa được tiết lộ, ngoài tấm bản đồ chín gạch hình chữ U được biết là có đính kèm theo công hàm. Việc này chỉ biểu hiện sự ngang ngược phi lý của TQ thêm lần nữa trước dư luận quốc tế. 
- VN nên nhân dịp này yêu cầu đưa toàn vụ tranh chấp chủ quyền HS & TS ra trước một trọng tài quốc tế.
- Hồ Sơ của Việt Nam thì được sự trợ giúp của Trung Tâm Hải Học Quốc Gia, Southampton, Vương Quốc Anh.

Theo thông tin Bộ Ngoại Giao Việt Nam, sau khi VN nộp hồ sơ ngày 7-5-2009, thì « phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc công hàm phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam ».
Sự việc được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nhân trả lời phỏng vấn báo chí cho biết:

"Ngày 7/5/2009, Chính phủ Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Trước đó, ngày 6/5/2009, Việt Nam và Ma-lai-xi-a cũng đã phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 .

Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn. 

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ".

Lời tuyên bố của ông Lê Dũng hoàn toàn hữu lý, thái độ cương quyết nhưng ôn hòa. Chúng ta cũng chờ đợi xem nội dung hồ sơ của TQ như thế nào để có những nhận định khác.

Trương Nhân Tuấn.

Theo blog Trương Nhân Tuấn.


 GIỮ THÂN CHO MẸ

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN=  |   GỬI BÀI   |   LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiou Biết và Thương Yêu đo bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.