CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BÁO CÁO
V/v làm
rõ một số ý kiến tại cuộc
Tọa đàm về bauxite ngày 20/2/2009
Trân trọng kính gửi:
- đ/c Trương Tấn Sang UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
- đ/c Ngô Văn Dụ Bí thư TW Đảng CSVN, Chánh Văn phòng TW Đảng

Phiên bản
gốc của Báo Cáo
Tôi được mời tham gia cuộc Tọa đàm về bauxite do VP TW tổ chức ngày
20/2/2009. Do thời lượng Tọa đàm có hạn, vì chưa có điều kiện phát
biểu, chấp hành ý kiến chỉ đạo của đ/c Ngô Văn Dụ - chủ trì Tọa đàm,
tôi xin được trình bầy với Ban Bí thư và Văn phòng TW Đảng CSVN một số
ý kiến như sau:
1/ Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình với đa số các ý kiến tại cuộc Tọa
đàm đều cho rằng việc lựa chọn nhà thầu TQ vào Tây Nguyên là một nguy
cơ rất lớn đối với an ninh quốc phòng.
Trong các tham luận công khai, tôi cũng như các nhà khoa học đều hiểu,
nhưng chưa nêu thẳng vấn đề: lựa chọn nhà thầu TQ là một sai lầm cố ý
của TKV (Tập đoàn Than và Khoáng sản ).. Tôi xin nói rõ hơn như sau:
- Là cán bộ của TKV, đến nay tôi đã có kinh nghiệm (hiểu rõ cách đấu
thầu) qua không ít hơn 6 cuộc đấu thầu quốc tế các dự án nhiệt điện
chạy than của TKV khi tôi được giao trực tiếp tham gia (là gíam đốc
cty Tư vấn), hay quản lý (là trưởng ban điện lực) và phụ trách (là
Tổng giám đốc cty nhiệt điện). Tôi có thể khẳng định, nếu đấu thầu một
cách minh bạch, đúng luật, và với tiêu chí là lợi ích tối đa lâu dài
của đất nước (chứ không phải của chủ đầu tư) thì không thể có một nhà
thầu TQ nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào.
- Để chọn được nhà thầu TQ, TKV đã hạ rất thấp các tiêu chuẩn công
nghệ trong đấu thầu, đã lựa chọn công nghệ thải bùn đỏ bằng công nghệ
“ướt” rất lạc hậu và rất nguy hại cho môi trường mà cả thế giới đã
không còn chấp nhận (ngay cả TQ, Nga và Ấn Độ cũng đang chuyển dần các
nhà máy của mình từ công nghệ “ướt” sang công nghệ “khô”, các nước ở
vùng nhiệt đới có mưa nhiều giống như Tây Nguyên cũng không áp dụng
công nghệ này). Đây là một quyết định để dẫn tới việc chỉ các nhà thầu
TQ có thể tham gia đấu thầu và có thể chào giá rất thấp (vì TQ đang có
sẵn công nghệ, đang cần phải “bán sắt vụn” lại có dịp để “chuyển giao”
sang VN).
- Việc nâng công suất nhà máy lên gấp 2 lần so với quy hoạch ban đầu
và triển khai đồng loạt cả hai dự án lớn cũng được TKV làm theo “lời
khuyên” của nhà thầu TQ, với lý do làm “nhỏ” thì các nhà thầu sẽ không
tham gia. Thực tế cho thấy, tuy đã làm “lớn”, nhưng do cố tình lựa
chọn công nghệ lạc hậu chỉ có ở TQ, nên cũng chẳng có nhà thầu nào
khác (ngoài các nhà thầu TQ) tham gia đấu thầu.
Ngoài ra, tương tự như dự án luyện đồng Sinh Quyền, tiêu chuẩn về chất
lượng sản phẩm
alumina cũng rất quan trọng. Tôi e ngại rằng (để đấu thầu, giảm chi
phí đầu tư), chất lượng sản phẩm alumina do TQ chào sẽ rất thấp để sau
này TQ sẽ mua lại với giá rẻ mạt (như hiện đang mua loại đồng của Sinh
Quyền). TQ không có công nghệ nguồn về nhôm, cũng phải đi nhập của các
nước phát triển, còn sản phẩm alumina của TQ có chất lượng khác nhau
và có tiêu chuẩn thấp hơn so với của các nước phát triển.

Những
rừng thông và đồi chè trước đây đang bị san bằng để xây dựng nhà
máy tuyển quặng bô-xít. Ảnh: VNN |
2/ Về
ý kiến cho rằng cần phát triển bauxite hơn phát triển cây công nghiệp
(của các đ/c Hoàng Sỹ Sơn - phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Phan
Tuấn Pha- Bí thư tỉnh ủy Đắk Nông) Cả hai đ/c đại diện cho Đảng bộ và
UBND các tỉnh có dự án bauxite đều phát biểu ủng hộ tiếp tục triển
khai các dự án bauxite vì hai lý do chính: (i) bauxite có lợi thế hơn
sản phẩm nông nghiệp (cà phê, chè, điều, cau su) vì giá bán sản phẩm
nông nghiệp rất biến động; và (ii) nếu không khai thác bauxite thì
(bauxite vẫn chỉ là đất), 20-30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ phê phán
chúng ta tại sao không khai thác!
(i) Trước hết, tôi cho rằng cả hai ý kiến này đều không chính xác, và
nếu xem xét kỹ thì đây là những ý kiến phản khoa học, do thiếu thông
tin. Bauxite gắn chặt với vùng đất đỏ bazan trên Tây Nguyên là tài
nguyên khoáng sản có hạn, không tái sinh, còn cây công nghiệp là nguồn
tài nguyên vô hạn, có tái sinh (nhờ được trồng trên đất bazan tài sản
vô giá của quốc gia này). Thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Tây Nguyên
là đất đỏ bazan. Phát triển cây công nghiệp góp phần duy trì và làm
tăng thêm mầu xanh cho môi trường, giảm các nguy cơ như lũ ống, lũ
quyét, hạn hán kéo dài, duy trì và phát huy được thế mạnh của đất đỏ
bazan. Còn khai thác bauxite sẽ làm mất đi thế mạnh của Tây Nguyên,
hủy diệt mầu xanh, làm thay đổi thổ nhưỡng của vùng đất đỏ bazan, làm
tăng thêm nguy vơ về hạn hán kéo dài, lũ ống, lũ quyét xẩy ra nhiều
hơn. Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện
nay, về lâu dài cái giá phải trả của VN là không phát triển được cây
công nghiệp trên vùng Tây Nguyên (do sẽ thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng
đất bazan thay đổi) và có nguy cơ còn làm mất và ô nhiễm nguồn nước
ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu (Đồng Nai, Bình
Dương, TP. HCM v.v.).
(ii) Giá bán sản phẩm nông nghiệp tuy có biến động nhưng nhu cầu tiêu
dùng của cả loài người về cà phê, chè, đều là ổn định, được tiêu thụ ở
rất nhiều nước, không có sản phẩm thay thế. Giá bán sản phẩm bauxite
biến động rất lớn, nhu cầu của TG cũng thay đổi và chỉ được sử dụng
chủ yếu tập trung ở một số nước có ngành chế tạo xe hơi và máy bay như
Mỹ, Nhật, Đức, Nga, TQ. Tôi xin cập nhật những thông tin gần đây nhất:
giá bán nhôm trên Thị trường Giao dịch Kim loại Luân Đôn (LME) giao
động rất lớn, giá thấp nhất 1040U$/tấn (1993) và cao nhất lên tới 3249
U$/tấn (2006). Chỉ từ tháng 7/2008 đến tháng 10/2008 giá nhôm tại LME
đã giảm từ 3300 xuống còn 1885 rồi 1500 U$/tấn. Theo đánh giá của các
chuyên gia về nhôm, hiện nay giá bán hòa vốn đối với 75% các nhà máy
phải là 2500U$/tấn trong khi giá thành sản xuất bình quân của thế giới
2700-3200U$/tấn. Vì thế các nước đã và đang tiếp tục cắt giảm sản
lượng (chỉ tính riêng năm 2008: TQ đã cắt giảm 18% sản lượng nhôm
tương đương với công suất 3,22-3,70 triệu tấn/năm, 10% sản lượng
alumina; tập đoàn Alcoa của Mỹ đã giảm 18% sản lượng nhôm tương đương
với 3,5 triệu tấn/năm; Brazin giảm tới 40% sản lượng nhôm; Nga- giảm
25%, Tadzickistan (thuộc LX cũ)- 10% v.v.) Trong các năm tới thị
trường và giá bán của sản phẩm bauxite sẽ còn tiếp tục biến động theo
chiều hướng xấu đi: dự báo năm 2009, nhu cầu alumina của TQ chỉ có
27,83 tr. tấn, trong khi tổng công suất của các nhà máy sản xuất lên
tới 32,97 tr.tấn (thừa 5,14 tr.tấn).
(iii) Về ý kiến (của tỉnh Đắc Nông) cho rằng cần khai thác bauxite
ngay bây giờ chứ không để giành cho thế hệ sau, “nếu không khai thác
thì bauxite cũng chỉ là đất thôi”: đây cũng là ý kiến phản khoa học và
ngắn về tầm nhìn. Tôi xin báo cáo như sau:
- Nếu hiện nay chúng ta sớm phát triển ngành công nghiệp bauxite-nhôm,
thì chúng ta phải đối mặt với một bất cập rất lớn không thể vượt qua
là thiếu điện giá rẻ. Trên thế giới các nước đều gắn nhôm với thủy
điện, vì chỉ có thủy điện mới cho giá rẻ (dưới 3cents/kWh) trong khi
tỷ trọng chi phí về điện trong chi phí sản xuất nhôm rất cao (chiếm
tới 40-65%). Gần đây, Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ đã phải cho vay bù
lãi suất tới 2-3%/năm để một công ty nhôm của TQ đầu tư 3,2 tỷ U$ xây
dựng nhà máy nhôm ở Mã Lai vì hai lý do:
(i) Khuyến khích việc đưa các dự án nhôm tiêu hao nhiều điện năng ra
nước ngoài (trong khi TQ cũng không phải thiếu điện trầm trọng như
VN); (ii) Nhà máy nhôm này (do TQ nắm không ít hơn 50%) được quyền mua
toàn bộ sản lượng điện của nhà máy thủy diện Bakun công suất 2400MW sẽ
được Mã Lai xây dựng ở tỉnh Saravac với giá bán điện chỉ có 2
cents/kWh. Dự án thủy điện này cũng do một tổng công ty nhà nước khác
của TQ là Sinohydro xây dựng. Toàn bộ sản phẩm nhôm sẽ được bán lại
cho TQ. Các tập đoàn nhôm UC Ruasal (Nga) và Alcoal (Mỹ) cũng coi việc
đầu tư vào các nhà máy thủy điện để có được nguồn điện lớn với giá rẻ
là ưu tiên số 1 trong hoạt động của mình. Toàn bộ tiềm năng về thủy
điện của các tỉnh Tây Nguyên, nếu được khai thác hết cũng chỉ tương
đương với dự án nói trên của Mã Lai.
- Nếu sau 20-30 năm nữa chúng ta mới phát triển ngành công nghiệp
nhôm, thì con cháu chúng ta sẽ không “phê phán chúng ta là dốt”, như ý
kiến của đ/c bí thư tỉnh Đắc Nông, ngược lại, thế hệ mai sau sẽ phải
cám ơn chúng ta là đã rất thông minh, có tầm nhìn xa về khoa học công
nghệ. Nhân đây tôi xin nói rõ hơn:
+ Tại cuộc hội thảo đầu tiên về bauxite ở Đắk Nông tháng 12/2007 do
tỉnh Đắt Nông và TKV tổ chức, trong tham luận của mình tôi đã lưu ý
đến bom Napal- là một loại bom cháy, có sức hủy diệt cao là một phát
minh của Đại học Ha Vớt Hoa Kỳ, rất có hại trong chiến tranh, nhưng
rất có ích trong phát triển kinh tế.
+ Theo dự báo của các nhà khoa học, sau 20-30 năm nữa, trình độ khoa
học công nghệ (trong đó có các công nghệ về hóa-lý) sẽ cho phép chúng
ta áp dụng phát minh trên của Đại học Ha Vớt trong việc đảm bảo an
ninh năng lượng. Kim loại nhôm sẽ được sử dụng để phát điện (có thể
thay cho dầu mỏ, khí đốt và than đá hay uranium đang dần cạn kiệt) với
hiệu suất rất cao. Theo tính toán của các nhà khoa học, để sản xuất ra
1 “đơn vị nhôm”, chúng ta cần 1 “đơn vị năng lượng” (đơn vị này hiện
nay rất lớn). Nhưng sau 20-30 năm nữa, trình độ công nghệ cho phép
thực hiện qui trình ngược lại, từ 1 “đơn vị nhôm” chúng ta có thể sản
xuất ra được gần 2 “đơn vị năng lượng” dựa trên nguyên lý hoạt động
của bom Napal (phản ứng ô xy hóa của kim loại nhôm tinh khiết cho phép
chúng ta thu được một lượng nhiệt rất lớn).
+ Ngoài ra hiện nay ô xít nhôm Al2O3 (là alumina- sản phẩm của các dự
án bauxite Tây Nguyên để xuất khẩu) mới chỉ được dùng làm nguyên liệu
thô cho ngành luyện nhôm và sản xuất một số hóa chất đơn giản khác.
Nhưng trong tương lai, cũng như các loại ô xít kim loại khác sẽ được
sử dụng để khử khí thải CO2 trong các nhà máy nhiệt điện để thu được
khí CO (là một dạng khí cháy, có nhiệt năng cao) có thể tái sử dụng
lại ngay cho chính các nhà máy nhiệt điện hay cho các lò hơi công
nghiệp. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều thành tựu (bản quyền và
bí quyết công nghệ) trong vấn đề này (chủ yếu cũng là của Mỹ).
+ Trên quan điểm khoa học và công nghệ, Đảng ta đã rất sáng suốt khi
trong Báo cáo chính trị của Đại hội X đã bỏ cụm từ “khai thác bô-xít
và sản xuất alumin” ra khỏi danh mục các sản phẩm cần được hỗ trợ đầu
tư phát triển, thay vào đó, đã khẳng định “Khẩn trương thu hút vốn
trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện một số dự án quan trọng về
khai thác dầu khí, lọc dầu và hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa
chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng. Có chính sách hạn chế xuất
khẩu tài nguyên thô”. Tôi cho rằng, ý kiến của đ/c Bí thư tỉnh Ủy Đắk
Nông tại cuộc Tọa đàm là không có tính khoa học và càng không phù hợp
với tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Tỷ trọng phân bố trữ lượng bô-xít Việt Nam theo vùng
(Nguồn: Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV).
3/ Về
ý kiến cho rằng công nghệ của TQ là tốt:
Tại cuộc Hội thảo do Liên hiệp các hội KHKT VN (VUSTA) tổ chức ngày
19/1/2009 vừa qua, trong Báo cáo của mình tôi đã nêu rõ một ví dụ về
công nghệ lạc hậu, không hiệu quả (công nghệ luyện đồng) mà TQ mới
chuyển giao cho TKV trong dự án đồng Sinh Quyền gần đây. Tôi cho rằng
không cần nhắc lại. Nhân đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Những nhà
máy alumina phía Nam TQ (mà TKV đã tổ chức cho một số cán bộ ngoài TKV
đi thăm quan) sử dụng loại bô xít (sa khoáng) khác hẳn với bô xít của
Tây Nguyên (phong hóa) về nguồn gốc. Quá trình sản xuất alumina thực
chất là các quá trình hóa-lý. Việc lựa chọn công nghệ phải dựa trên
kết quả phân tích về thành phần thạch học và thành phần hóa học của
quặng chứ không thể sao chép “copy” và đánh giá công nghệ bằng mắt
thường. Ngoài ra, chất lượng quặng bauxite của VN (tuy chưa có được
đánh giá chi tiết, nhưng) căn cứ vào các thông tin hiện có, thì không
cao, đòi hỏi phải tuyển để nâng cao chất lượng trước khi áp dụng công
nghệ Bayer.
4/ Về ý kiến cho rằng khai thác bauxite sẽ góp phần
thúc đẩy phát triển kinh tế và không chiếm nhiều đất canh tác của các
tỉnh Tây Nguyên:
- Trước hết, về kinh tế, các nhà khoa học đều khẳng định điều ngược
lại. Rất may, lần nào, theo báo cáo tại cuộc Tọa đàm của chính đ/c
Hoàng Sỹ Sơn- phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, các dự án bauxite hàng năm
chỉ đóng góp 120-150 tỷ đồng cho ngân sách địa phương chứ không phải
1500-2000 tỷ (được phóng đại lên 10 lần) như trả lời trên báo của đ/c
Chủ tịch tỉnh Đắk Nông. Thực ra mức đóng góp này là không tương xứng
so với số tiền rất lớn VN phải đi vay để đầu tư, và thấp hơn nhiều nếu
chúng ta đầu tư vào mục đích khác, không phải là bauxite.
- Về diện tích chiếm đất, tuy diện tích không lớn so với toàn vùng
lãnh thổ của Tây Nguyên, nhưng diện tích đất bị các dự án chiếm dụng
vĩnh viễn lại là những nơi có giá trị canh tác cao, và (theo báo cáo
của sở TNMT Đắk Nông) lớn hơn nhiều lần diện tích được tạo ra hàng năm
(so với thành tích mở rộng khai hoang, trồng rừng) của các địa phương
này.
5/ Về
nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
tôi cho rằng ý kiến của đ/c Chủ tịch VUSTA (Hồ Uy Liêm) nêu trong Tọa
đàm (đã không đại diện cho các nhà khoa học) là rất khiếm nhã. Tôi
nghĩ cá nhân đ/c Hồ Uy Liêm cần chính thức xin lỗi Đại tướng về lời
phát biểu gây nghi ngờ nội dung bức thư. Tôi hoàn toàn ủng hộ và thêm
cảm phục Đại Tướng về bức thư đầy tâm huyết và đầy trách nhiệm đó. Bản
thân tôi đã từng làm đại diện cho Bộ Mỏ và Than của VN làm việc tại
Ban Thư ký của COMECON trong cùng thời gian phía Chính Phủ VN đưa dự
án bô-xít Tây Nguyên vào Chương trình hợp tác đa biên của COMECON
(ngoài tôi, khi đó còn có nhiều người khác chứng kiến như các anh
Dương Đức Ưng- đại diện cho Bộ Cơ khí Luyện Kim (nay là Bộ Công
thương), Lê Dũng- đại diện cho UB KHKT (nay là Bộ Khoa học công nghệ)
v.v.. Chúng tôi có đủ thông tin và điều kiện để tìm hiểu dự án này.
Những vấn đề Đại tướng đã nêu trong thư là hoàn toàn chính xác. Khi đó
(và cả bây giờ), Liên Xô và các nước thành viên COMECON rất cần bô-xít
của VN để luyện nhôm cung cấp cho ngành chế tạo xe hơi, máy bay, và
trang thiết bị quân sự-quốc phòng. Liên Xô (cũ) không cần chè của VN
(khi đó người dân LX chỉ dùng chè của Ấn Độ hay của Srilanca), mà chỉ
cần bô-xit của VN, những vẫn khuyên VN không phát triển dự án bô-xít
mà phát triển các nông trường chè.
6/ Về nhiều ý kiến cho rằng bài tham luận của TKV là
“rất hay nhưng khó tin”. Nhân đây, tôi cũng xin bình luận thêm như
sau:
- Trước hết, có thể thống nhất một điều là: VN lần đầu tiên triển khai
các dự án bauxite, chưa có kinh nghiệm thực tế, nên những vấn đề đang
được nêu ra đều chỉ nằm trên giấy (kể cả nhận định của Bộ Công thương,
hay cam kết của TKV), còn dừng ở mức độ lý thuyết, dựa trên các thông
tin trên TG (của các nhà khoa học) đều chưa được thực tế chứng minh
đúng/sai . Điều có thể ai cũng đã nhận ra là tính rủi ro (về mọi mặt:
công nghệ, kỹ thuật, môi
trường, an ninh, quốc phòng, v.v...) trên thực tế quá cao, còn những
giải pháp mới chỉ là "khẩu hiệu".
- Bản thân tôi là một cán bộ làm việc ở TKV từ khi TKV mới được thành
lâp đến nay (hiện nay tôi được giao giữ chức Giám đốc Công ty Năng
lượng Sông Hồng -TKV, là chi nhánh của TKV tại Hưng Yên để phát triển
bể than Đồng bằng sông Hồng), tôi cũng cho rằng những "giải pháp" của
TKV không có cơ sở khoa học, mới chỉ dừng lại ở mức độ nói về vấn đề
bùn đỏ ( có độ pH cao), TKV cam kết là không nguy hại, có thể xử lý
được. Nhưng, như trên tôi đã nêu, bùn đỏ sẽ ít nguy hiểm khi được xử
lý bằng công nghệ thải "khô", còn với công nghệ thải "ướt" như TKV và
các nhà thầu TQ đang áp dụng ở Tây Nguyên (chất lỏng 54,4%, chất rắn
45,6%) thì lại rất nguy hại bởi các lý do sau: (i) "Khô" có nghĩa là
ít chất sút ăn da lẫn trong bùn đỏ; (ii) Nếu thải "khô", các thành
phần cỡ hạt khác nhau của bùn đỏ sẽ đông cứng lại thành chất rắn, ít
nguy hại nếu bị trôi lấp. Còn "ướt" thì dung dịch bùn đỏ sẽ phân ly
thành nhiều pha với các cỡ hạt khác nhau, trong đó có pha cỡ hạt siêu
nhỏ gồm các kim loại nặng độc hại sẽ ngấm xuống đất, còn các pha cỡ
hạt lớn lại không thể liên kết lại với nhau khi gặp mưa rất nguy hiểm,
dễ bị trôi lấp; (iii) Với công nghệ "khô" thì các đập chắn của các hồ
bùn đỏ không phải chịu lực, chỉ có chức năng "chắn". Ngược lại, với
công nghệ thải "ướt", các đập của hồ bùn đỏ (theo lựa chọn của TKV cao
tới 25m, dài 282m, nằm trên độ cao 850m so với mực nước biển) sẽ giống
như các đập hồ thủy điện, phải chịu lực do áp lực thủy tĩnh của bùn đỏ
ướt tạo ra, nên kém an toàn.
- TKV nói sẽ rất coi trọng vấn đề xử lý vấn đề bùn đỏ theo tiêu chuẩn
quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, vì lợi ích của chủ đầu tư, các thiết
kế hồ bùn đỏ đều lấy theo tiêu chuẩn GB của TQ. Với qui mô hồ thải bùn
đỏ lớn như của TKV (rộng 116ha), các nước trên thế giới phải đầu tư
hàng trăm triệu US$, trong khi hồ bùn đỏ của TKV do TQ thiết kế có mức
đầu tư ít hơn nhiều lần. Thực tế các dự án nhiệt điện của TKV do các
nhà thầu TQ thực hiện đã cho thất, các tiêu chuẩn GB của TQ thường
thấp hơn nhiều so với của các nước khác, trong khi đó các nhà thầu TQ
thường hay "nói một đằng làm một nẻo", càng không ai dám tin.
-
Vấn đề hoàn thổ và bảo vệ môi trường trong khai thác bauxie: mọi người
đều hiểu rất rõ thực trạng môi trường của vùng Quảng Ninh hiện nay như
thế nào?
- Một điều nữa không thể không làm các đại biểu nghi ngờ là: (i) Tác
giả của những bài trình diễn, tham luận đó của TKV là anh Nguyễn Chí
Quang - người đã từng bị Thanh tra Chính Phủ yêu cầu TKV buộc thôi
việc trong dịp Thanh tra CP làm việc với TVN năm 1999-2000. Sau khi bị
sa thải, thời gian gần đây, anh Quang lại đích thân Chủ tịch HĐQT TKV
nhận làm "cố vấn riêng" cho cá nhân Chủ tịch HĐQT. Mặc dù vậy, trong
các giao dịch, anh Quang vẫn tự coi mình là cố vấn của HĐQT TKV, cũng
có mặt cùng Chủ tịch HĐQT để báo cáo trong nhiều cuộc hội thảo và công
khai phát biểu dưới tư cách là "đại diện cho TKV"; (ii) Các chuyên gia
giỏi có kinh nghiệm và trình độ thực sự về bauxie-nhôm trước đây (khi
làm việc với COMECON, như Hoàng Kim Phú, Tô Ngọc Thái, Nguyễn Hoàng
Ban v.v.) thì không được TKV sử dụng, trong khi TKV lại tích cực sử
dụng một kỹ sư đã về hưu là Dương Thanh Sùng - người được đánh giá
(công khai tại hội thảo của VUSTA) là chỉ thuộc loại
"chai lọ" trong lĩnh vực bauxite-nhôm. Chính vì sự mập mờ này đã làm
cho nhiều người (ngay cả trong TKV và cả bản thân Đại tướng) không thể
tin cậy vào những gì "TKV nói".
7/ Về
thái độ tiếp thu ý kiến của TKV:
Gần đây tôi nhận được công văn "MẬT" của Đảng ủy TKV gửi cho cá nhân
tôi với nột dung hình như là tôi đang bị mắc lừa các thế lực phản động
hay đang chống lại nghị quyết của Đảng vì đã có những phát biểu chống
lại các dự án bô-xít của TKV. Tôi rất bất bình về nội dung công văn
này. TKV không những không tiếp thu ý kiến của tôi (trong khi TKV chưa
có ý kiến nào để phản bác và dư luận rộng rãi đều đồng tình ủng hộ ý
kiến của tôi", nhưng Đảng ủy TKV lại có văn bản mang tính răn đe theo
kiểu "cả vú lấp miệng em" như vậy là không thể chấp nhận được. Nhân
đây, tôi xin chính thức báo cáo với Ban Bí thư cũng như VP TW Đảng về
vấn đề này như sau:
- Từ trước khi thủ tướng phê duyệt quy hoạch bô-xít, tôi đã viết nhiều
bài báo khoa học phân tích tính không khả thi của các dự án bauxite
đăng trên các tạp chí của VN. Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số
167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007, tôi đuợc mời tham luận tại cuộc Hội
thảo đầu tiên ở Đắk Nông (12/2007) đến nay, tôi (tuy đang hưởng lương
do TKV trả) vẫn đã và đang chính thức phát biểu công khai, minh bạch ý
kiến của cá nhân tôi với tư cách là một cán bộ KHKT phản đối việc
triển khai các dự án bauxite trên Tây Nguyên.
- Đây không phải là lần đầu tiên tôi phải đối các việc làm của TKV hay
của Bộ Năng lượng (cũ). Những ý kiến phản đối của tôi trước đây được
cho là "trái" với các quyết định của TKV, và của Bộ NL đến nay đều
được thời gian chứng minh là hoàn toàn đúng đắn (như việc chấm thầu
không đúng của dự án điện Na Dương, việc sửa đổi hồ sơ mời thầu có lợi
cho nhà thầu trong các dự án điện, việc di chuyển nhà sàng Hòn Gai ra
địa điểm Nam Cầu trắng, việc gia tăng qua mức sản lượng than của các
mỏ để xuất khẩu cho TQ, v.v..)
- Cũng chính vì "trung ngôn thì nghịch nhĩ" tôi đã từng "được" TKV "xử
lý" theo cách áp đặt cho luân chuyển công tác theo tiêu chí việc gì
đang làm tốt thì không cho làm nữa, giao cho việc mới khó hơn, để
nhường chỗ cho những "chung thần" chỉ biết làm theo.
- Bản thân tôi, là một cán bộ KHKT được Đảng và Nhà nước ưu tiên cho
đi đào tạo nhiều lần ở nước ngoài, là một Đảng viên ĐCSVN (tôi được
kết nạp tại chi bộ Vụ Kế hoạch Bộ Mỏ và Than từ 1983), tôi luôn sống
và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đúng lương tri, phục vụ suốt
đời cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, chứ không phải chỉ biết làm
theo ý đồ và phục vụ cho lợi ích của một nhóm người. Bố đẻ tôi là Đảng
viên, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và
hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, Huy hiệu các chiến sỹ bị địch bắt
tù đầy đã giáo dục tôi hiểu rõ thế lực phản động là ai và mình cần
phải làm gì?
- Tôi không cần phải được Đảng Ủy TKV nhắc nhở về việc tôn trọng pháp
luật, trong khi TKV đã cố tình lợi dụng cơ quan ngôn luận của mình
(Tạp chí Than-Khoáng sản VN) để công khai vi phạm Luật báo chí, tung
tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự của tập thể công ty do tôi phụ trách
(đúng vào dịp tôi đang bận dự thảo về bauxite ở Đắk Nông)
8/ Về Hội thảo sắp tới do Chính Phủ sẽ tổ chức:
(i) Tôi cho rằng cần được chuẩn bị kỹ và phải có đủ thời lượng cần
thiết, tạo được tính công khai, dân chủ, tránh hình thức vội chụp mũ;
(ii) Nội dung Hội thảo nên tập chung ưu tiên bàn kỹ về tính khả thi về
kinh tế, đánh giá hiệu quả kinh tế đầy đủ; và (iii) Để tiết kiệm thời
lượng cho việc trao đổi đầy đủ có lẽ không nên mời các đối tác nước
ngoài tham dự vì có nhiều vấn đề tế nhị và nhậy cảm. Kinh nghiệm cho
thấy tại hội thảo 10/2008 ở Đắk Nông vừa qua, các đối tác nước ngoài
chỉ lợi dụng thời lượng của hội thảo để làm marketing và quảng bá cho
bản thân họ. Còn trên thực tế họ làm như thế nào thì phía VN (Bộ Cơ
khí luyện kim trước kia và TKV ngày nay) đã đi xem, thăm quan, khảo
sát gần như khắp TG rồi. Nếu đã mời đối tác nước ngoài, cần mời đầy đủ
cả các đối tác cũng đã từng khuyên chúng ta không nên làm ồ ạt như
hiện nay (như nhà thầu của Pháp)
Cuối cùng, tôi xin chân thành cám ơn các đ/c đã cho phép tôi có dịp
trình bầy ý kiến của mình. Xin kính chúc các đồng chí sức khỏe và hạnh
phúc.
Kính thư,
TS. Nguyễn Thành Sơn
Nguồn:
http://www.viet-studies.info/kinhte/Boxit_BaoCaoToaDam.pdf
|