Chuyển hóa năng lượng tình dục
Khi
nào thiếu niềm vui, hạnh phúc trong đời sống, người ta dễ lâm vào tình
trạng nghiện ngập. Gần đây, người ta đã bắt đầu quan tâm tới những người
nghiện tình dục. Nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện xì ke... và bây
giờ ta có thêm nghiện tình dục. Người nghiện tình dục có nhu cầu đi tìm
phim ảnh khiêu dâm mà xem. Họ thường xuyên thủ dâm, hoặc đi mua dâm.
Những người này không thoát ra cái vòng lôi cuốn đó. Họ đi cai nghiện.
Họ bị xem là những bệnh nhân, đang cần được chữa trị. Nhiều người cai
nghiện xong rồi, một thời gian sau, lại phải đi cai nghiện nữa.
Nhìn vào những người bệnh này, ta phải thấy những yếu tố không-bệnh của
họ. Nhìn vào tâm thức họ, bên cạnh năng lượng tình dục, ta phải nhận
diện ra năng lượng vô dục cũng đang có mặt. Người nào cũng có khả năng
vui sống. Người nào cũng có một cái quyền: quyền hạnh phúc. Không phải
khi nào hết khổ đau rồi, thì ta mới có quyền hạnh phúc. Chừng nào ta mới
hết khổ đau? Tu học, không có nghĩa là tranh đấu, để tiêu diệt khổ đau.
Tu học còn có nghĩa là nuôi dưỡng niềm vui trong đời sống hàng ngày. Ta
cứ mải mê tranh đấu với khổ đau, và quên mất rằng hạnh phúc là một cái
gì có thật, đang có mặt ngay bên ta.
Mỗi ngày,
ta là một con người mới. Sự sống đổi mới hàng ngày. Sau một giấc ngủ
dài, thức dậy, tâm thức của ta mới tinh. Ta đi ngồi thiền để đón mừng
một ngày nữa đã đến với chúng ta. Ngồi thiền là để ăn mừng sự sống. Ta
thấy hơi thở đang vào ra phổi ta với một nhịp điệu điều hòa, bình an.
Ngồi như vậy là nuôi dưỡng năng lượng vô dục. Đó là năng lượng của niềm
an nhiên và hạnh phúc. Ngồi thiền là để thưởng thức sự sống. Tu là gì?
Tu không phải là tranh đấu với những yếu tố bất thiện, tiêu diệt hết cái
xấu ác đi để cho một bình minh mới ló dạng. Tu là nuôi dưỡng những thiện
pháp, những yếu tố an lành đang có đó, để giúp ta nở được một nụ cười
thật đẹp.
Người bác
sĩ hay nói về bệnh tật. Người tu hay nhấn mạnh đến khổ đau. Đó là những
thói quen mà ta cần chuyển đổi. Khi dạy con, ta nhìn thấy những thói xấu
của con ta để chuyển đổi, nhưng ta cũng đừng quên những đức tính tốt
đang có mặt ở trong đứa con. Nếu ta chỉ nhìn thấy bệnh tật ở trong người
đi cai nghiện thì ta không giúp người đó phát triển những yếu tố tích
cực đang có mặt. Bệnh là một cái tên chung. Ta có thể nhìn mười người
đứng trước mặt ta dưới một mẫu số chung: những người bệnh. Nhưng nếu
muốn khám phá ra những đức tính đẹp, những năng khiếu hay của từng
người, ta cần có thời gian để đến với từng người một để mà quan sát, học
hỏi.
Ta cần
khám phá lại chính mình. Ta là ai? Ta là con người chỉ có toàn khổ đau
đang cần tu học để đạt tới sự chuyển hóa? Hay ta cũng có những niềm vui,
những đức tính đẹp mà lâu nay chính ta cũng không biết tới? Đừng nghĩ
rằng ta đã biết chính mình rồi. Mỗi ngày, ta được tái sinh như một con
người mới. Bụt nói tới ta như một thực tại vô ngã. Ta không phải là con
người của hôm qua. Ta là con người của hôm nay. Con người hôm nay có
những cái hay, cái đẹp mà ta chưa nhìn thấy hết. Ta phải có thời giờ để
tìm hiểu chính mình. Ngồi thiền, đi thiền, là ta tập dừng lại để nhìn
mình một lần nữa cho thật kỹ. Và ta sẽ ngạc nhiên, thú vị thấy rằng mình
là một thực tại rất mầu nhiệm. Dù một ít khó khăn, khổ đau đang có mặt
trong ta, thì hạnh phúc, và niềm vui vẫn là những yếu tố không hề vắng
mặt. Mỗi ngày, niềm vui của ta mới tinh.
Đi cai
nghiện tình dục, tức là người nghiện đã thấy khổ đau khi không chăm sóc
được vùng năng lượng mạnh mẽ này. Năng lượng tình dục có thể trở nên rất
mạnh là vì trong ta có một sự đói khát. Khi đói bụng, ta làm mọi cách để
có được thức ăn. No bụng là một nhu cầu căn bản của con người. Và sự
quấy phá của năng lượng tình dục báo động cho ta một sự thiếu thốn thứ
hai: đói khát tình thương, đói khát hạnh phúc. Nhà văn Lâm Ngữ Đường,
trong tác phẩm “Sống đẹp” có nhấn mạnh tới hai nhu cầu lớn của con
người: ăn uống và thỏa mãn dục tình. Tôi nhìn hai nhu cầu này dưới hai
danh xưng khác: ấm no và được thương yêu. Hoặc: ấm no và hạnh phúc. Đói
thì ta ăn. Thân ta đói thì ta tìm tới cơm và bánh mì. Còn nếu tâm ta
đói, thì có nghĩa là ta không có đủ hạnh phúc. Chính sự thiếu hạnh phúc,
đã khiến cho người ta lâm vào tình trạng nghiện ngập. Nghiện tình dục là
một dấu hiệu báo động, cho ta thấy con người đang thiếu thốn niềm vui,
và hạnh phúc.
Người tu
là người học sống cho có hạnh phúc. Người tu thành công là người không
còn đói khát về tình thương. Trước hết, người này biết thương mình.
Thương mình là một nghệ thuật. Không ai thương mình hay bằng mình thương
lấy chính mình. Ngồi thiền, đi thiền, ăn thiền... đều là những phương
pháp tu tập để người tu sống thật sâu sắc đời sống của mình. Ngồi cho
hạnh phúc, đi cho hạnh phúc, ăn cho có hạnh phúc... tức là tu. Tu như
vậy thì ta tiếp xúc được với niềm vui ngay trong khi ta hành trì. Ta
không đi tìm một cái gì mơ hồ, xa vời ở phía đàng xa nữa. Và ta không
lâm vào tình trạng đói khát, thiếu thốn tình thương, thiếu thốn sự chăm
sóc. Tôi nghĩ rằng những trung tâm cai nghiện tình dục nên tập người ta
biết áp dụng thiền tập ở trong đời sống hành ngày. Người đi cai nghiện
sẽ thấy rằng mình là người có dư thừa hạnh phúc. Họ sẽ thoát khỏi vòng
ràng buộc của sự thèm khát.
Thoát ly vĩnh viễn.
(còn
tiếp nhiều kỳ)
Pháp Dụng
Không có
con đường dẫn tới hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường. (Thích
Nhất Hạnh) |
|

mở cửa sổ
mở cửa cho
nắng mới
đem ánh sáng đi vào
cho nguồn tâm mở rộng
bao la như trời cao
Pháp Dụng |