PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

Nghệ thuật sống thiền


Tiếp nối sự nghiệp chư tổ
 

  • PSN - 30.05.2009 | Sư ông Làng Mai

Phương khê, 20.05.09

Thân gởi các con của thầy ở Từ Hiếu, và khắp nơi,

Các con hãy cùng thầy hình dung cái không khí vui tươi của tổ đình Từ Hiếu vào ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu, tức là ngày 16/02/năm 1897, cách đây 112 năm. Hồi đó sư tổ Hải Thiệu Cương Kỷ đang làm trú trì chùa Từ Hiếu và ngài đã làm trú trì được 50 năm rồi! Chùa mới được trùng tu trở lại trước đó hai năm, có lầu chuông, lầu trống và tiền đường mới. Hôm ấy, rằm tháng giêng Đinh Dậu (1897) vừa mới ăn Tết xong, đại chúng làm lễ khởi sự khắc bản sách Thiền Môn Nhật Tụng! Các nghệ sĩ khắc bản làm việc rất vui. Sách Thiền Môn Nhật Tụng có 126 trang, và phải khắc tới 68 bản gỗ. Khắc xong sách Thiền Môn Nhật Tụng. Chùa lại còn khắc kinh Báo Phụ Mẫu Ân nữa. Đây là công tác văn hóa của tổ đình để phục vụ cho hành giả trong tỉnh Thừa Thiên và các tỉnh lân cận.

Hồi ấy chưa có chùa nào có Đại Tạng Kinh, cả ở trong cung vua cũng không có, kinh sách rất hiếm, và sách Thiền Môn Nhật Tụng lại là sách cần thiết nhất cho các chùa. Sư Tổ Hải Thiệu Cương Kỷ hồi đó đã 87 tuổi. Sư tổ có một thị giả trẻ tuổi tên là điệu Kỉnh 14 tuổi mà sư tổ rất thương yêu và tin cậy. Chú Nguyễn Hữu Kỉnh được vào chùa làm điệu năm 11 tuổi. Và chú đã theo hầu sư tổ những lúc sư tổ đi giám sát các nghệ nhân đang khắc bản sách Thiền Môn Nhật Tụng. Chú điệu ấy chính là Sư ông của các con và là thầy bổn sư của thầy. Chú chính là sư tổ Thanh Quý Chân Thật của chúng ta sau này.

Hơn một năm sau đó, sư tổ Hải Thiệu Cương Kỷ viên tịch, và tổ Thanh Thái Huệ Minh, đệ tử của sư tổ, lúc ấy đang làm tri sự tổ đình Từ Hiếu, đã có ý cho điệu Kỉnh được thế độ làm sa di ngay trước linh sàng của sư tổ Hải Thiệu, để chú Kỉnh được làm vị đệ tử cuối của sư tổ với pháp danh là Thanh Quý và pháp tự là Chân Thật. Đó là ngày 2 tháng 3 năm Mậu Tuất (23.03.1898). Thanh Quý có nghĩa là người đệ tử cuối cùng mang chữ Thanh; và pháp hiệu Chân Thật nói lên được tính tình và bản chất của sư chú Thanh Quý. Ai trong sơn môn sau này cũng công nhận là sư tổ Thanh Quý là một vị cao tăng mà đức độ chân thật khó có người bì kịp. Sư ông của các con, sa di Thanh Qúy hiệu Chân Thật có một người sư chị rất dịu hiền, pháp danh là Thanh Linh, pháp tự là Diên Trường, được thọ giới sa di ni trước sư ông của các con một năm (1898). Sư chị của sư ông các con tên là Nhàn, sinh năm 1863, là cháu ngoại của Tùng Thiện Vương, một nhà thơ nổi tiếng của triều Nguyễn. Chính sư tổ Hải Thiệu Cương Kỷ đã làm lễ truyền giới sa di ni cho sư chị, và sư ông của các con đã có mặt trong lễ truyền giới ấy. Ni sư Diên Trường sau này đã thành lập các chùa Phổ Quang và Trúc Lâm làm cơ sở tu học cho ni giới. Các ni viện đầu tiên ở Huế là do ni sư Diên Trường thành lập. Năm 1924 (Giáp Tý) trong Đại Giới Đàn tại chùa Từ Hiếu do tổ Thanh Thái Huệ Minh tổ chức, ni sư Diên Trường đã đứng ra làm y chỉ sư cho các giới tử thọ giới sa di ni và tỳ kheo ni. Thầy rất mừng khi biết ở ni viện Diệu Trạm các con đã thiết lập bàn thờ để thờ ni sư Diên Trường. Các ni viện khác có gốc rễ từ tổ đình Từ Hiếu khắp nơi cũng nên làm như thế, bởi ni sư Diên Trường là vị ni tổ của tất cả các sư cô thuộc môn phái Từ Hiếu.

Bây giờ thầy xin trở về với sách Thiền Môn Nhật Tụng.

Sách Thiển Môn Nhật Tụng của tổ đình Từ Hiếu có một bài tựa viết chung cho hai sách Thiền Môn Nhật Tụng và Kinh Báo Ân. Bài tựa này được viết ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu, tức là ngày 16.02.1897. Bài tựa nói đến gốc gác của chùa Từ Hiếu, am An Dưỡng do tổ sư Nhất Định dựng lên, và công lao của sư tổ Hải Thiệu Cương Kỷ trong buổi đầu tạo dựng tổ đình Từ Hiếu (1848) và gần 50 năm sau, khi đại trùng tu lại tổ đình (1895) cũng như trong việc chủ trương khắc bản in kinh. Hồi còn tập sự xuất gia tại tổ đình, thầy đã có cơ hội được phụ tá các sư chú lớn in kinh Thiền Môn Nhật Tụng. Các sư anh đã tổ chức in kinh tại lầu trống của tổ đình và thầy đã học được cách in kinh với mực tàu và giấy bản. Thầy đã sử dụng một chiếc lá mít hái ở vườn chùa để xoa lên lưng giấy cho mực được in vào đầy đủ trên trang giấy. Có được một bản sách Thiền Môn Nhật Tụng cho riêng mình để học hỏi, thầy rất hạnh phúc. Thầy học thuộc lòng hai buổi công phu rất nhanh. Chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi và mười bài chú khác thầy cũng đã học thuộc lòng trong vòng hai tuần lễ.

Năm 2007 trong chuyến về Việt Nam thầy đã có dịp chỉ cho một số các thầy các sư cô Làng Mai tháp tùng phái đoàn được thấy các bản gỗ của sách Thiền Môn Nhật Tụng này và nhờ thầy Từ Hòa in thử một trang cho mọi người cùng thấy. Nếu có dịp các con cũng nên học cách in như thầy đã từng in năm ấy. Ngoài các kinh Thiền Môn Nhật TụngBáo Ân còn có kinh Đại Hạnh Phổ Hiền, bản khắc rất đẹp, các con nhớ in thử cho biết.

Tuy là công việc khắc bản Thiền Môn Nhật Tụng được bắt đầu vào ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu (16.02.1897) nhưng chắc chắn trước đó nhiều tháng bản chính của sách trong đó có bài tựa đã được chuẩn bị viết xuống đầy đủ rồi, nét chữ viết rất đầy đặn và đẹp. Mỗi trang có bảy dòng, mỗi dòng có mười bảy chữ. Nghi thức cuối cùng trong sách là Nghi thức lạy Báo ân gồm có 27 lạy, trong đó có danh hiệu các tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền, Minh Hoằng Tử Dung, Hoán Bích Nguyên Thiều và Thật Diệu Liễu Quán.

Đúng 100 năm sau ngày khởi sự khắc bản sách Thiền Môn Nhật Tụng tại tổ đinh Từ Hiếu thì sách Nhật Tụng Thiền Môn 2000 được ấn hành tại Âu Châu và Mỹ Châu, hoàn toàn bằng quốc văn. Sự kiện này được xảy ra năm 1997 và cũng vào mùa Xuân. Sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 cũng đã được chuẩn bị trong suốt 15 năm trước khi được ra đời. Thầy trò chúng ta ở Đạo Tràng Mai Thôn đã làm việc trong từng ấy năm tháng để hôm nay sách được cống hiến cho các hành giả khắp nơi, không những bằng tiếng Việt Nam mà còn bằng nhiều thứ tiếng khác nữa. Sách Thiền Môn Nhật Tụng của chúng ta hiện giờ rất giàu có, ấn bản nào cũng dày trên ba trăm trang, với rất nhiều kinh văn, nghi thức, thi kệ, sám văn và hồi hướng. Tháng 4 năm 2009 vừa qua chúng ta mới cho ra đời bản tiếng Pháp của sách Nhật Tụng Thiền Môn, với tựa đề là Chants du Coeur, do nhà xuất bản Sully ấn hành, 318 trang. Trước đó sách cũng đã được ấn hành bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ý.

Thầy trò chúng ta có cơ hội nối tiếp sự nghiệp chư tổ một cách thiết thực và nhờ đó thầy trò chúng ta đang có rất nhiều hạnh phúc. Hiện thời, ở quê hương, chúng ta có hai ấn bản đều mang tên Nhật Tụng Thiền Môn năm 2010. Ước muốn của chúng ta là cứ mỗi mười năm thì sách Thiền Môn Nhật Tụng lại được tu chỉnh một lần để nội dung sách được tiếp tục giàu có hơn, sáng đẹp hơn và phục vụ hữu hiệu hơn cho hành giả khắp chốn. Ấn bản Miền Nam của sách vừa được Phương Nam Book ấn hành, hình thức rất đẹp và rất trẻ. Ấn bản này có mang thêm bài tựa của Thượng Tọa Lệ Trang, một vị thầy rất có uy tín và thẩm quyền trong lĩnh vực nghi lễ.

Thầy biết các con của thầy ở Từ Hiếu và Diệu Trạm vừa được đi gặt lúa xong và đang chuẩn bị cho Mùa An Cư Kiết Hạ. Thầy được biết là các vị tôn túc ở Huế đã đáp lời mời của Tổ Đình đến dự Lễ Trai Đàn Chẩn Tế rất đông, và các con đang được liệt vị thương tưởng và đùm bọc hết lòng. Đây là một phước đức lớn, đây là ân huệ của chư tổ. Các con phải bày tỏ lòng biết ơn bằng cách tu học cho tinh tiến, ngày nào cũng chế tác và nuôi dưỡng tình huynh đệ. Thực tập chánh niệm, mỗi bước chân các con đi cho thầy, cho sư ông, cho chư tổ, và với mỗi bước chân như thế, các con có thể tiếp nhận được năng lượng của chư tổ, dù là trước sân chánh điện, trên con đường lên thiền đường Trăng Rằm, bên hồ Sao Mai, trước đồi Dương Xuân hay trên Lăng Viện. Chư tổ đã từng bước đi trên những lối đi ấy, sư ông đã từng bước đi trên những lối đi ấy, và thầy cũng đã từng bước đi trên những lối đi ấy. Đi như thế thì mỗi bước chân là phép lạ, mỗi bước chân là thảnh thơi, mỗi bước chân là trị liệu, mỗi bước chân là hạnh phúc. Chúng ta đi cho cha mẹ, cho tổ tiên, cho dòng họ, cho quê hương, cho đất nước, cho nhân loại. Hạnh phúc là cái gì có thật trong giây phút hiện tại. Chúng ta được may mắn làm con cháu của chư tổ, chúng ta nguyện sống xứng đáng để có thể tiếp tục được sự nghiệp của các ngài.

Thầy gửi tới các con niềm tin cậy và thương yêu của thầy.

Thầy của các con

Nhất Hạnh

 

T.B. Thầy gửi theo đây bài kệ tán dương Ni Sư Diên Trường, nguyên tác chữ Hán của thiền sư Viên Thành, bản dịch của thầy.

 

Thiện tai nữ đạo sư

Giải thoát nhân trung kiệt

Thịnh Niên xã thế vinh

Phỏng đạo ngộ thiền duyệt

Bát kính thị căn trì

Trường trai thủ tố tiết

Uẩn giới phù vân không

Phiền não hải thủy kiệt

Giác mộng cảnh từ chung

Độ mê tạo bảo phiệt

Công đức mãn chiên lâm

Thanh lương đẳng tuệ nguyệt

An ổn tọa bồ đoàn

Liễu chứng vô sinh quyết

Sơn sắc thanh tịnh thân

Khê thanh quảng trường thiệt

Tích lai bản bất sinh

Kim khứ hà tằng diệt

Siêu nhiên bỉ ngạn đăng

Liên đài diệu hương khiết

 

Dịch:

 

Lành thay nữ đạo sư

Bậc Giải Thoát hào kiệt

Bỏ vinh hoa cuộc đời

Tìm vui nơi thiền duyệt

Pháp bát kỉnh hành trì

Nếp trường trai tinh khiết

Uẩn, giới như mây bay

Biển não phiền khô kiệt

Chuông khua tỉnh thức đời

Bè từ độ oan kết.

Công đức như rừng trầm

Mát như vầng tuệ nguyệt

An nhiên bồ đoàn ngồi

Chứng quả vô sinh diệt

Lời kia là suối reo

Thân kia là núi biếc

Xưa chưa hề có sinh

Nay cũng chưa từng diệt

Bờ bên kia bước lên

Đài sen hương diệu khiết


 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi.  (...  ) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tớichết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...  )

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.