PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

Đạo Phật nhập thế, đạo Phật nứg dụng

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề nghị chính quyền và toàn dân thực hiện 12 cách ăn mừng 1000 năm Thăng Long
 

1. Lập trường Đại Học Vạn Hạnh xiển dương tinh thần vô trụ, vô úy, phá chấp, đại đồng và bất nhị…

2. Thiết lập giờ đạo đức học (công dân giáo dục) ở mọi cấp bậc giáo dục…

3. Triệu tập đại hội các truyền thống tôn giáo và nhân bản để thảo luận về một nền đạo đức toàn cầu,…

4. Thành lập hội đồng nhân sĩ đạo hạnh tại thôn ấp và khu phố,…

5. Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, …

6. Miễn thuế và tha thuế cho những người không nhà cửa,…

7. Mỗi ngày chủ nhật chỉ sử dụng xe đạp, xe thồ, xe ngựa, đi bộ,…

8. Lập thêm các quán cơm chay ở thủ đô và các thành phố lớn…

9. Yểm trợ công nghệ sử dụng ánh sáng mặt trời…

10. Chấm dứt sản xuất và sử dụng bao ni lông và chén bát ni lông, nhựa…

11. Triệu tập đại hội Phật Giáo,... để thành lập lại giáo hội Phật Giáo dân lập...

12. Tổ chức các khóa tu về phương pháp chuyển hóa bạo động,…

 

AQUITAINE - FRANCE - 14.2.10 (PS) Tết năm nay Hà Nội mang màu sắc đặc biệt do việc thủ đô Việt Nam sẽ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long. Đối với người Hà Nội, đây là một sự kiện vui mừng nhưng tạo ra nhiều mối ưu tư. Vui mừng vì đất nước không quên công ơn lập quốc và kiến quốc của tổ tiên, nòi giống. Ưu tư vì nhà nước chỉ quan tâm tới việc phô trương hình thức, và quên đi phần nội dung, hoang phí ngân sách quốc gia.

 

Trong khi đó, ở một nơi rất xa Việt Nam, mãi tận miền nam của nước Pháp hàng trăm con người với nhiều quốc tịch khác nhau gồm Việt, Pháp, Mỹ, Anh, Hoa, Tạng, Ấn, Bồ, Ý, Đức, Thái, Cao Miên, Hòa Lan, Nam Dương, Tây Ban Nha, Tân Gia Ba, Hongkong, v.v. và v.v... đã long trọng đón lễ giao thừa theo truyền thống văn hóa Việt Nam trong một thiền đường rất lớn dưới sự hướng dẫn của một vị Thiền sư người Việt Nam. Họ mặc y phục truyền thống Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, gói bánh chưng, bánh tét, bánh dày Việt Nam, cùng nhau dâng hương hoa cung kính làm lễ rước tổ tiên* chung vui trong ba ngày Tết. Ngoài vật thực, hương hoa tinh khiết, họ đã cung kính dâng lên Tổ tiên Lời nguyện đầu năm** rất là thiết tha chan chứa bao dung, đùm bọc, thương yêu và tuệ giác.

 

Trong giờ phút linh thiêng ấy, sau khi nhắc lại công đức dựng xây đất nước của các vua nhà Lý dưới sự tham mưu, cố vấn  các vị Thiền sư thời bấy giờ... Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vị thầy tâm linh của Đạo tràng Mai Thôn đề nghị chính quyền và toàn dân nên thực hiện 12 cách ăn mừng một ngàn năm Thăng Long đúng theo tinh thần của Thiền sư Vạn Hạnh đã cố vấn cho vua Lý Thái Tổ cách nay đúng một ngàn năm. Đó là tinh thần vô trụ, vô úy và bất nhị nhưng được hiện đại hóa phù hợp với căn cơ và tín lý của ngày hôm nay.

 

Phù Sa rất trân trọng gửi đến các bạn toàn văn văn bản: ĂN MỪNG MỘT NGÀN NĂM THĂNG LONG trong hy vọng nhận được sự đồng thuận của Quốc dân trong cũng như ngoài nước.

 

ĂN MỪNG MỘT NGÀN NĂM THĂNG LONG

Sử gia Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt nói: “Đời Lý là đời thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đó là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật.” Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long, là phải nhớ tới điều ấy.

Vua đầu của triều Lý, Lý Thái Tổ, hồi còn bé thơ đã được tu học tại chùa Lục Tổ dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Vạn Hạnh. Khi lên ngôi, vua đã tổ chức đời sống chính trị và văn hóa theo tinh thần vô trụ, vô úy và bất nhị của Thiền sư Vạn Hạnh. Nền hòa bình và hạnh phúc của đất nước kéo dài trong mấy trăm năm, đó là nhờ sự thực tập theo đạo Phật. Lý Nhân Tông, vị vua thứ tư của triều Lý đã nhắc tới Thiền sư Vạn Hạnh với những lời trân trọng. Vua nói: “Hành động của Thiền sư Vạn Hạnh có thông suốt cả tới quá khứ, hiện tại và tương lai. Lời nói của Thiền sư hiệu nghiệm như những lời sấm truyền. Tại quê hương làng Cổ Pháp, Thiền sư chỉ cần dựng cây tích trượng và ngồi yên, mà kinh đô Thăng Long được bền vững mãi mãi.”

Vạn Hạnh dung tam tế
Chấn phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.

Ta hãy ôn lại những gì mà các vua Lý đã làm trong những năm đầu của thành Thăng Long để thấy được rằng Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long ta phải hành xử và thực tập như thế nào mới nối tiếp được công nghiệp của người xưa:

Năm 1010:
Vua Lý Thái Tổ xuống chiếu đại xá các thuế khóa cho thiên hạ luôn trong ba năm. Những người nghèo, yếu, mồ côi, góa bụa, v.v... đã từng thiếu thuế từ nhiều năm trước mà không nộp được đều được tha thuế.

Năm 1010, tháng 7, xây chùa Hưng Thiên ở nội thành để hoàng gia đến tụng giới và tu tập, chùa Thăng Nghiêm ở ngoại thành để mời dân chúng đến tụng giới và tu tập.

Năm 1012, lập Cung Long Đức cho thái tử Phật Mã ở ngoài thành để thân cận với dân và hiểu biết sự tình của dân.

Năm 1016, lại xuống chiếu đại xá tô thuế ba năm nữa, và cũng tha tô thuế trong ba năm. Vua cũng đã xuống chiếu cho phép những người nào vì sợ hãi trừng phạt đã phải trốn tránh được phép về quê cũ mà không bị trừng phạt, ân xá cho tất cả.

Năm 1014: Hữu nhai Tăng Thống Thâm Văn Uyển xin tổ chức đại giới đàn tại chùa Vạn Tuế, vua chuẩn tâu. Có hơn 1000 người được xuất gia.

Năm 1016, lại có đại giới đàn ở thủ đô, hơn 1000 người được xuất gia.

Năm 1019, có đại giới đàn, vua lại xuống chiếu cho độ dân xuất gia.

Năm 1018: Vua gửi một phái đoàn do Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc cầm đầu sang Tống thỉnh Đại Tạng Kinh.

Năm 1020, ủy đức Tăng Thống Phí Trí đi Quảng Châu đón Đại Tạng Kinh.


Vua Lý Thái Tông: Năm 1028, Hoàng thái tử Phật Mã lên ngôi.
Đại xá thiên hạ. Xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ. Khai Quốc Vương tức hoàng tử Bồ Trấn ở phủ Trường Yên làm phản. Vua đích thân đến Trường Yên đánh dẹp. Khai Quốc Vương đầu hàng. Vua tha tội cho Khai Quốc Vương và vẫn cho tước như cũ.

Năm 1034, tháng 8, vua cho dựng tàng kinh Trùng Hưng tại chùa Trùng Quang.

Năm 1036, đại xá thiên hạ. Tháng 2, vua xuống chiếu sao chép kinh Đại Tạng an trí ở tàng kinh Trùng Hưng.

Năm 1040, vua mở hội La Hán ở Long Trì, đại xá thiên hạ, tha tội lưu đồ và tha thuế cho thiên hạ.

Năm 1049, dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột.

Năm 1052, đúc chuông lớn ở Long Trì cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì giộng chuông để trực tiếp tâu lên vua hoặc đệ đơn kêu oan mà không phải đi qua trung gian nào.


Năm 1054, Vua Lý Thánh Tông lên ngôi.

Năm 1064, mùa Hạ tháng Tư, vua ngự ở điện Thiên Khánh trong một vụ xử kiện. Vua chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo ngục lai rằng: “Ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương xót. Từ này về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm.”

Năm 1070, đại hạn, phát thóc lúa và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo.


Năm 1072, Vua Lý Nhân Tông lên ngôi.

Năm 1076, đại xá thiên hạ.

Năm 1088, phong Thiền sư Khô Đầu làm quốc sư để tham hỏi việc nước.

Mùa hạ, tháng 6, năm 1095, đại hạn, thả tù và giảm hoặc miễn các khoản tang thuế.

Năm 1103, phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ.


Năm 1127, Vua Lý Thần Tông lên ngôi.

Năm 1134, tháng 2, vua trai giới để cầu mưa. Xuống chiếu tha cho những người phạm tội trong nước.

Năm 1134, vua tổ chức giới đàn độ dân xuất gia.

Năm 1136, phong Thiền sư Không Lộ làm Quốc Sư. Tha thuế dịch cho dân.

Trong thời đại nhà Lý, các vị Thiền sư như Vạn Hạnh, Khô Đầu, Không Lộ, Thông Biện, Viên Chiếu đều được các vua ban hiệu Quốc Sư. Các vị Thiền sư này đều là những vị học rộng, có trí tuệ siêu việt và tình thương vô hạn, là những bậc thầy dạy đạo của cả nước.

 

Đề Nghị của Thiền sư Nhất Hạnh
về cách thức Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long

Cách thức ăn mừng 1000 năm Thăng Long hay nhất là nỗ lực của chính quyền và của toàn dân làm được và tiếp tục được những việc mà tiền nhân đã làm trong những năm đầu của kinh thành Thăng Long.

1. Lập trường Đại Học lấy tên Vạn Hạnh gồm đủ các phân khoa có khuynh hướng xiển dương tinh thần vô trụ, vô úy, phá chấp, đại đồng và bất nhị của Thiền sư Vạn Hạnh. Các phân viện được mở đồng thời ở các thành phố lớn khác trong nước.

2. Thiết lập giờ đạo đức học (công dân giáo dục) ở mọi cấp bậc giáo dục. Đào tạo giáo sư đạo đức học các cấp trong các phân khoa sư phạm và đạo đức học. Học và dạy đạo đức học truyền thống, đạo đức học toàn cầu và đạo đức học ứng dụng để ngăn ngừa và đối phó với các tệ nạn xã hội: bạo hành gia đình, ly dị, tự tử, ma túy, đĩ điếm, tham nhũng, lạm quyền. Thành lập các khu ấp và khu phố đạo đức gương mẫu.

3. Triệu tập đại hội các truyền thống tôn giáo và nhân bản để thảo luận về một nền đạo đức toàn cầu, đưa ra một văn bản không có tính cách tôn giáo để làm căn bản thực tập của cả nước về một nền đạo đức toàn cầu có công năng lành mạnh hóa và từ bi hóa xã hội và cứu hộ được hành tinh. Mỗi truyền thống đưa ra văn bản thực tập của mình (như đạo Phật đưa ra văn bản Năm Giới Tân Tu) để chia sẻ và đóng góp. Tổ chức các buổi trao đổi học hỏi và đàm luận về phương pháp ứng dụng văn bản trong đời sống gia đình, học đường và sở làm. Tổ chức ôn tụng văn bản hàng tháng tại chùa, giáo đường, nhà văn hóa, thánh thất, thư viện, v.v... và đàm luận về phương pháp ứng dụng văn bản. Các viên chức chính quyền cũng đi ôn tụng văn bản đạo đức học như dân chúng.

4. Thành lập hội đồng nhân sĩ đạo hạnh tại thôn ấp và khu phố, trong đó có mặt các công dân có tiếng là hiền lành, đạo hạnh, có thể làm mẫu mực đạo đức cho dân xóm, có thể có vị mục sư, linh mục và trú trì, để chăm sóc đời sống đạo đức trong cọng đồng bằng đường lối đức trị, nâng đỡ, khuyến khích, yểm trợ.

5. Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, trong đó có tội góp ý cho chính quyền, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đa giáo hội, kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Cho phép một số phạm nhân được chuộc tội bằng công tác xã hội dưới sự che chở, giám sát và bảo lãnh của các vị xuất gia thuộc các tôn giáo.

6. Miễn thuế và tha thuế cho những người không nhà cửa, nghề nghiệp, không có nguồn lợi tức. Ân xá cho tất cả những người lưu vong được trở về quê quán.

7. Mỗi ngày chủ nhật chỉ sử dụng xe đạp, xe thồ, xe ngựa, đi bộ, chỉ trừ trường hợp cứu cấp, tại thủ đô Hà Nội cũng như tại các thành phố lớn. Ngày chủ nhật không hút thuốc, không uống rượu, không bán thuốc hút và bán rượu.

8. Lập thêm các quán cơm chay ở thủ đô và các thành phố lớn. Các quán ăn khác mỗi quán cũng phải có ít nhất vài món ăn chay. Mọi người được khuyến khích ăn chay ít nhất là mười lăm ngày mỗi tháng (theo khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc là giảm bớt ít nhất 50% công nghệ chế tác thịt nhằm mục tiêu cứu độ hành tinh). Những người ăn chay trường được hưởng chế độ bớt 50% tiền bảo hiểm xã hội.

9. Yểm trợ công nghệ sử dụng ánh sáng mặt trời để nấu cơm, nấu nước tắm, thắp đèn, nấu trà, giặt áo, v.v...

10. Chấm dứt sản xuất và sử dụng bao ni lông và chén bát ni lông, nhựa.

11. Triệu tập đại hội Phật Giáo, mời tất cả các vị tôn đức trong và ngoài nước để thành lập lại giáo hội Phật Giáo dân lập hoàn toàn đứng ngoài chính trị.

12. Tổ chức các khóa tu tại Việt Nam cho dân chúng và thiền sinh ngoại quốc về phương pháp chuyển hóa bạo động, xây dựng tình huynh đệ theo tinh thần bất nhị và vô trụ của Thiền sư Vạn Hạnh.

Những chương trình hành động, nếu các ngành lập pháp và hành pháp trong nước không muốn hoặc không thể thực hiện, thì dân chúng có thể tự tổ chức thực hiện, bắt đầu bằng giới Phật tử, cộng tác với các giới khác, trong các giới tôn giáo và nhân bản.


Thiền sư Nhất Hạnh

--------------------------

*Tổ tiên: Ngoài tổ tiên huyết thống, người con Bụt còn có tổ tiên tâm linh. Tại các đạo tràng của Làng Mai, thiền sinh người ngoại quốc đã chọn tổ tiên của người Việt Nam, và chư Bụt cùng chư tổ trong đạo Bụt làm tổ tiên tâm linh, vì thầy của họ là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một người Việt Nam đã trao truyền cho họ Đạo Bụt nhập thế phát nguyên từ Việt Nam.

**LỜI KHẤN NGUYỆN ĐẦU NĂM

Kính lạy chư vị tổ tiên tâm linh và huyết thống của chúng con,

Thở vào, chúng con ý thức là chư vị đang có mặt trong chúng con. Chư vị chưa bao giờ bỏ chúng con, và chúng con luôn luôn mang chư vị mà đi về tương lai. Chúng con biết rằng trong năm 2009 chúng con đã dại dột gây ra bao nhiêu lầm lỗi. Chúng con đã tạo ra chia rẽ, hận thù, cô đơn và tuyệt vọng. Chúng con đã để cho chủ nghĩa cá nhân lộng hành và tàn phá. Chúng con đã thấy được rằng danh vọng, tiền tài, quyền lực và tư dục đã không đem lại hạnh phúc chân thực cho chúng con. Chúng con đã thấy được rằng chỉ có lòng từ bi mới đem lại một ý nghĩa cho sự sống và chúng con phải tập sống với nhau như một tăng thân thì con cháu chúng con mới có được một tương lai trên trái đất này.

Giờ phút mà chúng con tập họp lại đây trước bàn thờ chư vị, chúng con kính cẩn phát nguyện là bắt đầu từ năm 2010 chúng con sẽ tập sống thật hài hòa và an vui trong phạm vi gia đình và tăng thân của chúng con, như những con ong cùng sống chung trong một tổ ong hay những tế bào của cùng một cơ thể. Chúng con hứa là chúng con sẽ học hỏi thái độ cởi mở để có thể truyền thông được dễ dàng với những thành phần khác trong gia đình và trong tăng thân chúng con, luôn luôn tập hạnh lắng nghe và ái ngữ. Chúng con nguyện tập lắng nghe chư vị, cũng như chúng con sẽ tập lắng nghe anh em, bằng hữu và con cháu của chúng con, để chúng con có thể sống hài hòa và hạnh phúc với nhau. Chúng con nguyện sẽ tập thấy hạnh phúc của tăng thân là hạnh phúc của chính mình. Chúng con biết đây là cách thức duy nhất để bảo đảm cho con cháu của chúng con một tương lai trên trái đất. Trong giờ phút linh thiêng khởi sự cho năm mới, chúng con trân trọng và thành kính hứa với chư vị là chúng con sẽ tập thở có chánh niệm, tập đi có chính niệm, tập nói năng có chính niệm, tập nhìn bằng con mắt của tăng thân và nghe bằng tai của tăng thân, tập sống đơn giản trở lại, tiêu thụ ít trở lại và tập thương theo tinh thần từ bi và không kỳ thị.

Xin chư vị chứng giám lòng thành của chúng con và luôn luôn phù hộ cho chúng con và cho các cháu. Chúng con nguyện thực tập cho chư vị và cho cả con cháu của chúng con để ngày mai hòa bình an lạc và thương yêu lại có thể có mặt trở lại trên thế gian này. Chúng con kính dâng hương hoa, quả phẩm, lòng hiếu thảo của chúng con, và xin lạy xuống trước chư vị bốn lạy.

 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.