PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

Đạo Phật nhập thế, đạo Phật ứng dụng

Kinh Duy Lâu Lặc Vương,
chuyển hóa bạo động và sợ hãi

  • PSN - 14.10.2010 | Chân Giác Lưu phiên tả pháp thoại của Sư ông Làng Mai giảng
    ngày 1.4.2010 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, chùa Cam Lộ, Xóm Hạ trong khóa An Cư Kiết Đông 2009 - 2010

3.

Hôm nay chúng ta tiếp tục học kinh Duy Lâu Lặc Vương tức kinh Chuyển Hóa Bạo Động. Khi học, chúng ta nên sử dụng bản dịch tiếng Việt và bản dịch tiếng Hán để đối chiếu. Kinh này rất hiện đại vì chủ đề của nó là bạo động, hận thù, sợ hãi.

 

Trong kinh Niệm Xứ có bốn đối tượng của chánh niệm. Hai đối tượng đầu của chánh niệm là niệm thân, tức quán niệm về hình hài của mình và niệm thọ, tức quán niệm về cảm thọ. Từ cư xá đi ra thiền đường, nếu để ý chúng ta sẽ thấy có biết bao nhiêu cảm thọ đã được sinh ra, có thể là năm trăm, một nghìn hay hai nghìn cảm thọ. Đó là một dòng sông cảm thọ liên tiếp nhau, cảm thọ này tiếp nối cảm thọ khác. Mỗi bước chân đều chế tác cảm thọ. Tùy theo cách chúng ta bước đi mà cảm thọ đó là cảm thọ dễ chịu nhiều hay cảm thọ dễ chịu ít hay là cảm thọ khó chịu.

 

Nếu đi từ cư xá tới thiền đường mà không có chánh niệm thì chúng ta có thể bị kéo đi về quá khứ và chúng ta tiếp xúc với những gì thuộc về quá khứ. Khi tiếp xúc với những cái trong quá khứ thì ta sẽ có cảm thọ hoặc thương tiếc, hoặc đau buồn, hoặc nhớ thương. Cũng có thể chúng ta bị tương lai kéo đi. Ta tiếp xúc với những lo lắng, sợ hãi, bất an và nó đưa tới cho ta những cảm thọ khó chịu. Khi tâm ý không có mặt, ta không nhận diện được những cảm thọ đó. Chúng ta để cho tâm của mình bị áp giải bởi những suy tư, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi và thật sự chúng ta không có chủ quyền trong đời sống của mình.

 

Là một người tu, khi bắt đầu mở cửa phòng của mình thì mình phải chú tâm, phải thật sự có mặt trong khi mở cửa. Trong khi mở cửa chắc chắn là mình có cảm thọ; có thể là cảm thọ trung tính, không buồn, không vui, không có khổ, không có lạc; nhưng đó cũng là cảm thọ. Tùy theo cách chúng ta mở cửa và bước ra ngoài mà cảm thọ đó là khó chịu hay dễ chịu. Không khí trong phòng khác với không khí ở ngoài. Ở ngoài mát mẻ hơn và không khí trong lành hơn. Trước khi mở cửa, mình đã có thể thấy được điều đó. Mở cửa bước ra ngoài mình sẽ tiếp xúc được với không khí trong lành, tự nhiên mình có niềm vui, mình có thể có cảm thọ dễ chịu. Bước ra ngoài, đóng lại cánh cửa sau lưng, ý thức được không khí mát mẻ, hít vào một hơi thấy dễ chịu, mình biết đây là một cảm giác dễ chịu.

 

Mùa Xuân rất đẹp, không khí bên ngoài rất trong, nếu mình cứ ru rú ở trong phòng hoài thì thật uổng. Khi đi ra ngoài mà có chánh niệm thì mình tiếp xúc được với thực tại đang có và nó có thể đưa lại cho mình một cảm thọ dễ chịu.

 

Có những người trong chúng ta bước rất thảnh thơi và hưởng được cảm thọ thanh thoát, dễ chịu tại vì những người đó ít nhiều cũng có được tự do, không bị ràng buộc bởi những đau thương của quá khứ hay những lo lắng cho tương lai. Những người đó tương đối có tự do. Vì có một ít tự do nên khi bước đi từ cư xá tới thiền đường chúng ta hưởng được nhiều hạnh phúc hơn. Có tự do nên mình tiếp xúc được với những gì tươi mát, lành mạnh, đẹp đẽ đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Những cái lành mạnh, đẹp đẽ đó có rất nhiều trong ta và xung quanh ta. Khi tiếp xúc được với những gì tươi mát, lành mạnh, nuôi dưỡng, tự nhiên mình cảm thấy thư thái, dễ chịu trong thân và trong tâm. Nếu mỗi bước chân của mình có niệm và có định thì mình tiếp xúc càng sâu mà tiếp xúc càng sâu thì hạnh phúc của mình càng lớn.

 

Đi từ cư xá ra thiền đường là mình đang tu. Không phải tới thiền đường mới tu. Đang tu là đang có hạnh phúc. Từ cư xá tới thiền đường mình có thể có hàng ngàn cảm thọ và nếu thật sự có mặt thì mình nhận diện được được những cảm thọ đó. Khi những cảm thọ đó là những cảm thọ dễ chịu, nhẹ nhàng thì mình thấy vui. Nếu lỡ có một cảm thọ hơi nặng nề, bức xúc thì vì có mặt đó nên mình nói: Ồ uổng quá! Trời mùa Xuân đẹp như vậy mà để cho một cảm thọ nặng nề, bức xúc tới thì hơi uổng. Tại sao mình có cảm thọ nặng nề, bức xúc như vậy? Và mình tìm ra: À thì ra tâm của mình đang truy cập những hình ảnh của quá khứ hay đang truy cập những lo lắng cho tương lai vì vậy cho nên mình có cái cảm thọ bức xúc, nặng nề kia. Tại sao trong hiện tại có những cái tươi mát, lành mạnh, mầu nhiệm như vậy mà mình không tiếp xúc, tâm của mình lại đi truy cập những tài liệu trong quá khứ hay trong tương lai làm chi cho khổ? Tự nhiên mình mỉm cười và lấy lại được tự do. Lấy lại tự do thì mình có an lạc, hạnh phúc.

 

Là một người tu, đi từ cư xá ra thiền đường, tùy theo cách đi mà mình là người tu giỏi hay người tu chưa giỏi. Người tu giỏi luôn luôn có chủ quyền, thật sự có mặt và biết được những gì đang xảy ra. Trước hết là mình biết những cảm thọ đang xảy ra. Cố nhiên khi tu mình phải để ý tới hình hài, tới những tâm hành khác và tới các pháp. Nhưng thọ là một trong những đối tượng lớn, vì vậy trong kinh nói: Người tu phải quán niệm cảm thọ trong cảm thọ. Mình phải có mặt để nhận diện những cảm thọ đang xảy ra và để xử lý những cảm thọ đó. Nếu là cảm thọ dễ chịu thì mình biết cách xử lý. Đây là cảm thọ dễ chịu, nó có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu cho mình hay không? Nếu nó có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu thì mình an tâm thừa hưởng cảm thọ đó. Ví dụ khi đi từng bước thanh thản và thở không khí trong lành thì cảm thọ dễ chịu đó không độc hại và mình an tâm thừa hưởng cảm thọ dễ chịu đó. Nhưng khi uống rượu hay hút thuốc mình có cảm thọ dễ chịu, mình cũng nhận diện đây là cảm thọ dễ chịu. Cảm thọ khi sử dụng xì ke ma túy cũng dễ chịu lắm, nó lâng lâng, thoát tục lắm. Nhưng khi thật sự có mặt, mình thấy đây là cảm thọ dễ chịu nhưng đằng sau nó chất chứa những yếu tố độc hại và chính những cảm thọ dễ chịu này ngày sau sẽ đem đến những cảm thọ bức xúc, khó chịu, dằn vặt, tuyệt vọng. Cảm thọ dễ chịu này không lành mạnh, không tốt đối với mình. Nhờ tuệ giác đó mà mình buông bỏ được cảm thọ dễ chịu kia.

 

Có hai loại cảm thọ dễ chịu: một loại dễ chịu lành mạnh không đưa tới những khổ đau cho tương lai và loại cảm thọ dễ chịu không lành mạnh sẽ đưa lại những khổ đau, bức xúc, hối tiếc trong tương lai. Mình không an tâm với những cảm thọ dễ chịu không lành mạnh vì đằng sau cảm thọ đó có sự lo lắng, sợ hãi. Chính sự lo lắng, sợ hãi và sự ý thức (tuệ giác) giúp cho mình buông bỏ cảm thọ dễ chịu đó để tìm một cảm thọ dễ chịu lành mạnh hơn.

 

Có tự do là có hạnh phúc, không có tự do thì không có hạnh phúc. Ngay ý thức đó, sự thức tỉnh đó có thể đem lại tự do cho mình, mình buông bỏ sự lo lắng, bực bội đó, mình nói: Dại quá! Mình buông ra, mình trở về với giây phút hiện tại và tiếp xúc được với những mầu nhiệm là mình đang ở với thầy, với sư anh, sư chị, sư em; mình đang ở với các bạn; mình có cơ hội tu học; mùa xuân đang tới, trăm hoa đang đua nở. Nếu mình tự giam mình trong cảm thọ lo lắng, buồn khổ này thì thật là quá dại. Đó đã là một sự giác ngộ rồi. Khi có giác ngộ mình buông ra được và mình trở về với hạnh phúc mà mình xứng đáng được hưởng. Mình nhận diện cảm thọ khó chịu đó, mình ôm ấp và nhìn sâu vào gốc rễ của nó, do đó mình buông bỏ được nó. Quán niệm cảm thọ trong cảm thọ là một trong bốn phương pháp thực tập Bụt đã dạy trong Kinh Niệm Xứ.

 

Bản chất của con người là đi tìm những cảm thọ dễ chịu. Hạnh phúc đối với chúng ta trước hết là những cảm thọ dễ chịu. Chúng ta luôn muốn trốn tránh những cảm thọ khó chịu và đi tìm những cảm giác dễ chịu. Có khi ngồi không làm gì, chúng ta thấy trống trải. Chúng ta có được năm mười phút ngồi không phải làm gì, nhưng chúng ta không có khả năng hưởng được năm mười phút đó. Có nhiều người rất bận rộn, họ rất thèm có được những giây phút thảnh thơi. Nhưng có những người có những giây phút không phải làm gì thì họ lại thấy chán, họ không xử lý được tự do nên đã để cho những giây phút ấy bị xâm chiếm bởi sự lo lắng, buồn phiền.

 

Nếu không tu mình sẽ tìm cách chạy trốn những lo lắng, buồn khổ đó bằng cách mở nhạc, xem phim, tìm đến sách báo để khỏa lấp sự trống vắng hay trốn chạy những nỗi khổ niềm đau. Khi cầm tờ báo lên đọc, không hẳn là mình cần biết tin tức. Không biết tin tức cũng không chết, nhưng tại sao mình phải mua báo để đọc, đọc trang đầu rồi tới những trang thứ hai, thứ ba, chỉ toàn là quảng cáo mà mình vẫn ngồi đọc. Hoặc giả mình lấy điện thoại gọi một người nào đó. Thật ra mình cũng không cần nói chuyện gì với người đó cho lắm, có chuyện gì quan trọng đâu? Nhưng tại vì mình cô đơn, trống trải quá, mình xốn xang, mình có những bất an nên mình muốn khỏa lấp bằng những câu chuyện. Mình gọi điện cho người kia nói hết giờ này tới giờ khác, toàn những chuyện trên trời dưới biển, chuyện chính trị, chuyện văn hóa không có ích lợi gì. Vậy mà mình vẫn làm. Ngoài đời, khai thác được tâm lý này của khách hàng nên những hãng viễn thông thi nhau quảng cáo: “mạng điện thoại của chúng tôi rất rẻ”.

 

Một cách cũng rất thông thường là khi trống trải mình đi mở tủ lạnh tìm cái gì để ăn, không hẳn là tại vì mình đói, hay mình cần chất dinh dưỡng mà là để khỏa lấp những nỗi khổ niềm đau trong mình. Mình biết ăn như vậy là không tốt, là dễ bị béo phì nhưng vì cần khỏa lấp nên mình phải ăn, phải uống cái gì đó. Mình lấy xe đi ra siêu thị để mua cái này, mua cái kia dù mình không thật cần nó mà chỉ là để tạm quên đi nỗi khổ niềm đau trong chốc lát. Vì vậy ở ngoài người ta bán đồ ăn, thức uống rất nhiều. Chúng ta phải ý thức, phải biết mình đang làm gì. Trong đời sống hàng ngày có thể chúng ta chỉ tìm cách trốn tránh những cảm thọ khó chịu và đi tìm một vài cảm thọ dễ chịu. Mình không có khả năng xử lý, chuyển hóa những cảm thọ khó chịu, mình chỉ muốn khỏa lấp mà thôi. Tình trạng của chúng ta là như vậy! Khỏa lấp bằng sự tiêu thụ, đó là cách thông thường của người ngoài đời. Đó là bản chất của nền văn minh hiện đại.

 

Vì vậy công phu tu tập “quán chiếu cảm thọ trong cảm thọ” rất quan trọng. Đi từ cư xá ra nhà bếp hay ra thiền đường, mình phải có mặt trong từng bước chân, trong từng hơi thở để xem xét và nhận diện những cảm thọ nào phát hiện. Nếu thực tập thiền đi, mỗi bước chân của mình phải làm phát hiện được niềm vui, sự thanh thản và hạnh phúc. Chánh niệm càng vững, chánh định càng kiên cố thì niềm vui chế tác bằng từng bước chân của mình càng lớn và nó có tính cách nuôi dưỡng. Đó là đạo lực cao cường. Nếu chánh niệm và chánh định ốm yếu thì tuy mình cũng đi thiền hành như mọi người nhưng hạnh phúc đạt được trong khi đi không có bao nhiêu. Đạo lực cao cường có nghĩa là niệm và định hùng hậu.

 

Thiền đi là một pháp môn rất quan trọng của Làng Mai. Thiền ngồi cố nhiên ai cũng thích rồi, thiền ngồi có từ xưa tới nay và chỗ nào cũng có. Nhưng với Làng Mai, thì thiền ngồi không đủ, mình phải thực tập thêm thiền đi. Thiền đi ở đây không có nghĩa là chỉ vào giờ thiền hành mình mới thực tập thiền đi. Mà bất cứ khi nào cần di chuyển mình đều phải áp dụng thiền đi. Mỗi ngày mình đi rất nhiều, vì vậy mình có rất nhiều cơ hội để thực tập thiền đi. Theo pháp môn của Làng Mai, khi đi mình phải đầu tư thân và tâm vào trong từng bước chân. Mình muốn có niệm và định vững chãi, mình muốn có pháp lực cao cường. Pháp lực cao cường hay không là do mình có niệm và định thật sự hay không? Niệm và định vững chãi thì mỗi bước chân đưa lại niềm vui, hạnh phúc. Nó nuôi dưỡng tự thân của mình và nuôi dưỡng luôn cả chúng. Sư anh, sư chị, sư em của mình và các vị Phật tử cư sĩ tới từ các nơi rất hạnh phúc khi thấy mình đi được những bước chân như vậy. Khi đi những bước chân như vậy mình chế tác niệm, định và hạnh phúc. Nếu đi cùng với đại chúng thì năng lượng tập thể thấm vào trong từng người. Cũng như lúc ngồi với nhau mà có một tiếng chuông thì tất cả mọi người đều ngưng suy nghĩ, ngưng nói và bắt đầu chú ý tới hơi thở. Mình thở vào một cách có ý thức và trân quí hơi thở vào của mình. Mình nhận diện được sự có mặt của những người bạn tu, những anh chị em xung quanh cũng đang thực tập như mình. Trong một đại chúng có tu, trong giây phút tiếng chuông được thỉnh lên thì năng lượng của niệm và của định rất hùng hậu. Những người bạn mới tới lần đầu, khi nghe tiếng chuông họ cảm thấy được năng lượng hùng hậu đó rất rõ. Có nhiều loại im lặng, có loại im lặng rất bức xúc, rất đè nén. Nhưng có những thứ im lặng rất hùng, rất có biện tài, thứ im lặng rất hùng tráng. Làng Mai chúng ta sử dụng danh từ “im lặng hùng tráng”, dịch là “noble silence”, chữ dịch này chưa hay lắm. “Thundering silence” (im lặng sấm sét) nghe khá hơn, “im lặng sấm sét” là danh từ của kinh Duy Ma Cật. Một người bạn tới với mình lần đầu, ngồi trong đại chúng mà nghe một tiếng chuông họ cảm thấy năng lượng hùng hậu của đại chúng tại vì tất cả chúng ta đều đã được giáo huấn, rèn luyện, thực tập như thế nào để khi nghe một tiếng chuông thì mình nghe hết với tất cả thân và tâm của mình. Niệm và định phải hùng hậu tức là đạo lực phải cao cường, đạo lực cao cường không phải của một người mà của cả một tập thể.

 

Khi bước chân đi cũng như vậy, mình phải đầu tư thân và tâm của mình trong những bước đi. Bước được một bước như vậy là đạo lực rất cao cường. Ai cũng bước đi nhưng chính người đó, trong khi bước đi tạo ra im lặng hùng tráng, tạo ra đạo lực cao cường thì bước chân đưa người đó vào ngay trong Tịnh Độ. Trong chúng có một số người làm được như vậy và chúng đó có phước. Nếu vừa đi vừa nói chuyện thì làm sao mình tạo ra được năng lượng hùng tráng đó. Khi nói chuyện mình không đi, mình đứng lại, mình nói cho đã, nghe cho hết rồi hãy đi. Mỗi khi đi mình phải bước những bước chân thật vững chãi, thật tự do. Bước đi như vậy là mình nối tiếp được sự nghiệp của Bụt, của Tổ, của Thầy, và như vậy thì mình là người có hiếu nhất.

 

Nói tóm lại, trong lúc thở khi nghe tiếng chuông mình phải thở hết mình, phải đầu tư một trăm phần trăm thân và tâm của mình vào hơi thở thì năng lượng sẽ hùng tráng. Bước chân của mình cũng vậy, bước một bước là chấn động cả thiên hà tại vì bước chân đó đầy tràn năng lượng của niệm và định. Khi đi mình phải đầu tư một trăm phần trăm, mình đi hết lòng, mình đi cho cha, đi cho mẹ, đi cho Bụt, đi cho Thầy.

 

Bây giờ chúng ta đọc lại những bài kệ đã học trong kinh Chuyển Hóa Bạo Động:

 

1. Hãy lắng nghe và quán sát để thấy vì sao từ trạng thái an lành người ta đã đưa xã hội tới tình trạng đầy khủng bố, bạo động như hiện nay. Các thế hệ vừa qua đã hành xử như thế nào để tình trạng trở thành như thế? Tôi muốn nói với các vị về chuyện đau thương này và kể cho quí vị nghe làm sao mà tôi đã buông bỏ được tâm trạng sợ hãi của tôi.

 

2. Người đời trải nghiệm từ cái khổ này đến cái khổ khác như con cá sống trong một nơi mà ở đó càng ngày nước càng khô cạn. Trong hoàn cảnh khổ đau, ý tưởng bạo động dễ nẩy sinh, và con người vì u mê cứ đi tìm sự bớt khổ bằng những phương tiện khủng bố và trừng phạt.

 

3. Cả thế giới đều đang bốc cháy vì bạo lực, mười phương loạn lạc cả mười phương, không có nơi nào thật sự còn an ổn. Ai cũng cho mình là hơn người, ít ai biết buông bỏ cái đam mê của mình. Vì không thấy được sự thật ấy cho nên con người cứ ấp ủ mãi cái tri giác sai lầm của chính mình.

 

4. Tự trói buộc mình bằng những tri giác sai lầm ấy chỉ đem lại thêm cho mình nhiều tối tăm và thống khổ. Tôi đã nhìn sâu vào trong tâm ý của những người không có hạnh phúc và tôi đã thấy một mũi dao nhọn được che dấu dưới những niềm thống khổ của họ. Vì chính họ không thấy mũi dao nhọn ấy trong tâm cho nên họ khó có khả năng chịu đựng được niềm đau.

 

5. Niềm đau gây ra do mũi dao nhọn ấy kéo dài, không thay đổi, và cứ tiếp tục ôm lấy mũi dao nhọn ấy mà đi cho nên họ làm cho niềm đau trong họ tràn ngập thế giới. Chỉ khi nào có cơ hội nhận diện được nó và lấy nó ra khỏi trái tim thì khổ đau mới không còn và mình mới có cơ hội dừng lại.

 

6. Trong số những hệ lụy của cuộc đời mình đừng để cho tự thân vương vấn vào bất cứ một hệ lụy nào, những gốc rễ của tà loạn phải biết cắt đứt. Phải buông bỏ, đừng nương vào chúng nữa. Nếu buông bỏ được tà dục thì ta có thể vượt qua mọi khổ nạn. Kẻ hành giả phải vượt ra khỏi cái vòng khổ nạn thì mới thành tựu được sự nghiệp giải thoát cho chính mình.

 

7. Kẻ hành giả chân chính phải có tâm dạ chí thành, đừng tự hành động dựa trên vọng tưởng, cứ đường thẳng mà đi, không nói lưỡi hai chiều. Phải biết dập tắt ngọn lửa của sự hờn giận, biết cách làm tan vỡ khối tham vọng của mình. Nếu biết cởi bỏ được những ràng buộc của phiền não thì mình có thể bắt đầu thấy được bến bờ của giải thoát.

 

Đó là bảy bài kệ chúng ta đã học. Hôm nay chúng ta học những bài tiếp theo.

 

Bài kệ 8

Xả mông mông mạc thụy ngọa -

Viễn vô độ mạc dữ câu -

Kỷ khả ố mạc thủ trú -

Trước không niệm đương tận diệt -

 

Nên buông bỏ sự tự hào, đừng ham ngủ, đừng để chìm vào trạng thái hôn trầm. Biết sống và làm việc cho có chừng mực, đừng đánh mất mình trong đám đông, đừng vướng vào những cái bề ngoài hào nhoáng. Phải biết từ khước chúng, phải quán chiếu thường xuyên cái tự tánh không của vạn pháp, đạt tới Niết Bàn tĩnh lặng.

 

Xả mông mông mạc thụy ngọa - : Mông mông có nghĩa là hồ đồ, mờ mịt, không rõ ràng. Xả là buông bỏ. Mạc là đừng. Thụy ngọa là trạng thái nằm ngủ, hôn trầm. Xả mông mông là bỏ sự hôn trầm, mờ mịt, đừng ngủ nhiều, đừng rơi vào sự hôn trầm. Nên buông bỏ sự tự hào, đừng ham ngủ, đừng để chìm vào trạng thái hôn trầm.

 

Viễn vô độ mạc dữ câu - : Vô độ là không có chừng mực. Viễn vô độ là biết sống và làm việc cho có chừng mực. Khi ăn thì ăn có chừng mực, khi làm việc thì làm việc có chừng mực, khi chơi thì chơi có chừng mực. Mạc dữ câu là đừng tụ năm tụ bảy nói chuyện, đừng đánh mất mình. (Văn này rất xưa, văn của thế kỷ thứ ba nên rất khó).

 

Kỷ khả ố mạc thủ trú - : Chữ ố có nghĩa là ghét, không thích. Kỷ khả ố là những cái hào nhoáng bên ngoài, những cái thêu dệt, lòe loẹt, trang điểm không ích lợi bên ngoài, những cái không cần thiết thì người tu phải bỏ đi. Mạc thủ trú là đừng kẹt vào trong đó.

 

Trước không niệm đương tận diệt - : Trước là mang theo. Trước không niệm là mang theo mình sự quán niệm về tự tánh không, thấy được vạn sự vạn vật là không có tự tánh. Nếu mình được trang bị bởi chánh niệm đó thì chắc chắn là mình sẽ tiếp xúc được với Niết Bàn một cách sâu sắc. Tận diệt là đạt được Niết Bàn cứu cánh. Đương là trong tương lai. Đương tận diệt là trong tương lai mới có khả năng đạt được một cách tuyệt đối cái Niết Bàn tĩnh lặng. Tận diệt là Niết Bàn. Niết Bàn là cái an tĩnh, dịch là diệt độ.

 

Trong Kinh Pháp Cú có một đoạn rất hay nói về Niết Bàn như thế này: Những con nai thì ưa trở về đồng cỏ tại vì nó cảm thấy thoải mái, thảnh thơi trong đồng nội của nó. Những con chim thì ưa trở về không gian thênh thang tại vì ở trên trời nó thấy thoải mái. Những người có trí, những người tu thì luôn luôn muốn trở về Niết Bàn tĩnh lặng. Niết Bàn tĩnh lặng là không gian thoải mái, an lạc của những người tu.

 

Những con nai muốn trở về đồng nội thì nó có thể trở về liền tại vì đồng nội đang có đó. Những con chim muốn bay về trời xanh thì nó có thể bay về được liền tại vì trời xanh luôn luôn có đó. Những người tu cũng vậy, nếu muốn trở về Niết Bàn thì trở về được liền trong giây phút hiện tại tại vì Niết Bàn có đó. Niết Bàn không phải là cái gì mình đi tìm ở cõi khác hay ở một tương lai. Niết Bàn có sẵn đó, mình có muốn về hay không mà thôi. Niết bàn là cõi không sinh, không diệt. Nó là bản môn. Có những câu Kinh nói về Niết Bàn rất hay, như trong Kinh Như Thị Ngữ (Itivuttaka) Bụt nói: Có cái không sinh không diệt, không tới không đi, không có không không, không còn không mất. Nếu không có cái không tới không đi, không sinh không diệt, không còn không mất đó thì những cái sinh diệt, tới đi, còn mất sẽ không có chỗ để trở về. Cái đó là cái gì? Cái đó là Niết Bàn. Đoạn văn này rất hay, mình phải học thuộc lòng: Có cái không sanh không diệt, không tới không đi, không có không không, không bên này không bên kia. Nếu cái đó không có thì cái có sanh có diệt, có tới có đi, có có có không, có bên này có bên kia làm gì có chỗ để trở về? Cái đó là gì? Cái đó là Niết Bàn và nó có hiện bây giờ.

 

Cũng như một đợt sóng, một đợt sóng có bắt đầu có chung cục, có lên có xuống, có cao có thấp, có lớn có nhỏ. Nhưng đợt sóng đó có thể trở về với nước để cảm thấy thoải mái. Khi đợt sóng biết mình là nước và trở về nước thì nó không còn thấy có bắt đầu và có chung cục. Đi lên nó cũng vui mà đi xuống nó cũng vui, cao nó cũng vui mà thấp nó cũng vui. May thay đợt sóng có nước để trở về. Nếu không có nước thì làm sao sóng có chỗ để trở về? Nếu không có cái bất sanh bất diệt, không tới không đi, không lên không xuống thì làm sao cái có sanh có diệt, có tới có đi, có lên có xuống có chỗ để trở về? Vì vậy Niết Bàn không phải là một ý tưởng, không phải là một cái gì chưa có và chỉ có trong tương lai mà nó đã có sẵn như đồng quê có đó cho những con nai, như không gian có sẵn đó cho các loài chim. Đối với người tu cũng vậy, Niết Bàn có sẵn đó, mình chỉ cần muốn trở về, về đó thì mình thoải mái hơn nhiều. Đó là bản môn.

 

Đi từ cư xá lên thiền đường, mình đi rất sâu sắc, đi một trăm phần trăm. Khi tiếp xúc với tích môn thì mình tiếp xúc được với bản môn, mình có thể đi ở chỗ không sanh không diệt, không tới không đi nghĩa là mình đang sống ở Niết Bàn. Người tu đạo cao cường đi từ phòng ngủ của họ lên thiền đường là đi trong Niết Bàn, còn mình tu dở thì mình vẫn đi trong cõi sinh tử. Đi trong cõi sinh tử mà đi cho thật sâu sắc, sử dụng phương pháp “một trăm phần trăm” thì mình tiếp xúc được với Niết Bàn và sinh tử trở thành Niết Bàn. Đó là công phu của niệm, định và tuệ. Người tu là người biết chế tác niệm, định và tuệ. Chìa khóa là sự quán chiếu về không. Khi có chánh niệm, mình quán chiếu thấy cái sinh cũng không, cái tử cũng không, cái lai cũng không, cái khứ cũng không, cái có cũng không mà cái không cũng không. Trong lúc đó, mỗi giây phút mình có thể tiếp xúc với Niết Bàn.

 

Bài kệ 9

Mạc vi khi khả khiên vãn -

Kiến sắc đối mạc vi phục -

Bỉ ỷ thân tri mạc trước -

Hí trước âm cầu giải nạn -

 

Đừng nhục mạ ai, cũng đừng để mình bị níu kéo và vướng mắc vào những hình sắc dối gạt bên ngoài, đừng dấn mình trong những cuộc vui mà quên đi mục đích của sự hành trì của mình là giải cứu khổ nạn.

 

Mạc vi khi khả khiên vãn - : Khả khiên vãn là có thể bị níu kéo, bị vướng mắc, bị dẫn độ, bị bắt đi.

 

Kiến sắc đối mạc vi phục - : Đối diện với hình sắc bên ngoài mình thấy nó có tính cách lừa dối thì mình đừng để bị gạt.

 

Bị ỷ thân tri mạc trước - : Ỷ là sự tô điểm, trang trí bên ngoài. Đừng bị dính líu vào những cái tô điểm, trang trí bên ngoài tự thân.

 

Hí trước âm cầu giải nạn - : Những cái vui chơi, những cái mình đi tìm để khỏa lấp nỗi khổ niềm đau của mình như phim ảnh, rượu trà, ma túy, sách báo gọi là hí. Đừng dấn mình trong những cuộc vui mà quên đi lý tưởng của mình là tìm cầu để giải trừ tai nạn cho mình và cho thế giới (cầu giải nạn). Vì vậy không nên để bị đánh lừa, bị kéo theo bởi những hình sắc mà mình tiếp xúc. Mình đừng để bị dính líu vào những hành động trang điểm bề ngoài và đừng để bị kéo theo những cuộc vui. Mình phải luôn luôn nhớ rằng, chí hướng của người xuất gia, của người tu là làm sao tìm cầu được những phương tiện cởi bỏ, giải trừ những tại nạn cho mình và cho thế giới.

 

Bài kệ 10

Cửu cố niệm xả mạc tư -

Diệc vô vọng đương lai thân -

Kiến tại vong bất trước ưu -

Ly tứ hải tật sự tẩu -

 

Những gì thuộc về quá khứ, đừng nghĩ tới chúng nữa, những gì thuộc về tương lại, đừng vọng tưởng đến chúng. Những gì đang xảy ra trong hiện tại phải được nhận diện để đừng bị vương vấn vào. Cứ như thế thênh thang bước một mình khắp năm châu bốn biển mà không còn bị ai ganh ghét.

 

Cửu cố niệm xả mạc tư - : Cửu cố là cổ xưa. Cửu cố niệm là những tư duy, những vướng mắc, những nhớ nhung (niệm) về cái gì đã qua. Những gì thuộc vế quá khứ mình phải buông bỏ, đừng vướng mắc vào nó. Mình đừng đi truy cập những gì thuộc về quá khứ, truy cập tiếng Anh gọi là retrieve. Mình đừng đi truy cập những đau thương, buồn khổ, những kỷ niệm của quá khứ.

 

Diệt vô vọng đương lai thân - : Đương lai là những cái chưa tới. Đừng ngồi đó mà ngóng, mà trông cầu, mà hy vọng những cái trong tương lai.

 

Kiến tại vong bất trước ưu - : Đối với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại cũng vậy, mình cũng không bị dính vào những ưu tư, lo lắng, mình phải buông bỏ.

 

Ly tứ hải tật sự tẩu - : Nhờ như vậy, trong bốn biển năm châu mình có thể bước đi những bước thật thanh thản, không bị ai ganh ghét. Ly tứ hải cũng có thể được dịch là lìa bỏ được những cơn lũ lụt như sự lo lắng, sự buồn phiền, sự vướng mắc.

 

Bài kệ 11

Ngã thuyết tham đại mãnh tệ -

Kiến lưu nhập nãi chế nghi -

Tùng nhân duyên ý niệm hệ -

Dục nhiễm hoại nạn đắc ly -

 

Tôi nói rằng tham dục là mãnh lực gây ra tàn hại nhiều nhất. Đó là cơn lũ lụt làm tràn ngập cả thế gian. Thấy được điều đó thì mới chế phục được mọi nghi ngờ. Cần để tâm quán chiếu về lý duyên khởi. Phải thấy được rằng nếu không thoát ra được cái ô nhiễm của tham dục thì ta khó mà chấm dứt được khổ đau.

 

Ngã thuyết tham đại mãnh tệ - : Tôi (tức là Bụt) nói rằng tham dục là mãnh lực gây ra tàn hại nhiều nhất. Đại mãnh tệ là tệ hại lớn nhất, mạnh mẽ nhất. Tôi xác nhận rằng sự thèm khát, sự ham muốn là mãnh lực gây ra tệ hại nhiều nhất.

 

Kiến lưu nhập nãi chế nghi - : Thấy được dòng nước, thấy được cơn lũ lụt của tham dục thì mình mới có khả năng chế ngự được sự nghi ngờ, sự si mê của mình.

 

Tùng nhân duyên ý niệm hệ - : Mình phải để tâm, phải cột tâm vào sự quán chiếu về nhân duyên, về đạo lý duyên khởi. Phải đem tâm mình quán chiếu về lý duyên khởi.

 

Dục nhiễm hoại nạn đắc ly - : Một khi quán chiếu như vậy thì mình có thể phá hoại, chuyển hóa được những ô nhiễm do ái dục gây ra. Chỉ có quán nhân duyên mới thoát khỏi ái nhiễm và mình mới có thể xa lìa được tai nạn kia. Nạn đắc ly là tai nạn đó mới được xa lìa.

 

Tôi nói rằng tham dục là mãnh lực lớn nhất gây ra nhiều tệ hại. Thấy được dòng lũ lụt nguy hiểm như thế đó rồi thì mình mới có khả năng điều phục được những lo lắng, nghi ngờ của mình. Phải đem tâm ý của mình cột vào sự quán chiếu duyên khởi. Như vậy mới phá tan được những ô nhiễm của ái dục và những tai nạn trong cuộc đời như bạo động, tàn sát mới có thể được trừ diệt.

 

(Hết phần 3 đón xem phần 4)

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

...  Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh.  Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta. 

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.  Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh.  Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên.  Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh. 

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi.  Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người.  Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.  Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam.  (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp.  Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa.  Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.  Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”.  Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh. 

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network). 
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực.  Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.