.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Ngươi không phải là một tạo sinh, mà là sự biểu hiện
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Tư Tưởng


Bàn về chân lý

I. Dẫn nhập

II. Các nguồn của chân lý

III. Chân lý tuyệt đối và tương đối

IV. Thuyết tính tương ứng của chân lý

V. Thuyết tính nhất quán của chân lý

VI. Thuyết tính công cụ của chân lý

VII. Tóm lược

 

I. Dẫn nhập

Chân lý và người lý tưởng

Chúng ta nên "xin hân hạnh tuyên bố" rằng loài người đang truy tầm chân lý vì như thế có nghĩa loài người càng ngày càng nhận biết sâu sắc tính chất lý trí của mình và những cùng đích thích đáng của hoạt động con người. Nhưng chẳng may, cuộc tìm kiếm chân lý là một hành trình tra vấn dễ nản chí, mệt mỏi và bất tận.

Loài người thiếu kiên trì và quá quan tâm tới hành động nên thường phó thác việc suy tư cho kẻ khác hoặc chỉ đạt tới các kết luận nửa vời, cốt chỉ để thỏa mãn nhu cầu khẳng định cá nhân mình. Sự kiện ấy không có nghĩa loài người đánh mất lòng tôn trọng chân lý, vì dù gì đi nữa, còn tìm kiếm chân lý thì vẫn còn là người có lý tưởng.

Thậm chí những kẻ không bao giờ vận động một chút tế bào não của mình để tìm cách chứng minh cho lập trường của mình cũng nổi cáu khi có ai đó vạch ra điểm sai lầm hay chưa thỏa đáng trong ý kiến của họ. Nhân danh chân lý, con người phản bác ý kiến của kẻ khác, và hơn nữa, lắm khi còn ngược đãi kẻ nào không chịu đi theo một học thuyết đã được mình chấp nhận.

Vẫn truy tầm chân lý

Thật khó có thể biện minh cho một thái độ như thế. Những mô tả quan điểm của các học thuyết hay truyền thống khác nhau đã góp phần hình thành từng chương của cuốn sách này hẳn đủ để góp phần giúp bạn nhận ra rằng trong suốt khoảng 26 thế kỷ vừa qua, con người chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình của mình, và có lẽ còn rất lâu mới có thể đạt tới những kết luận ổn thỏa và cố định, thoát khỏi bất cứ khả năng thách đố hữu hiệu nào. Quả thật, như chúng ta thấy lúc này, trong triết học hiện đại, chưa có sự đồng thuận thật sự về nguồn gốc hoặc ý nghĩa của chân lý.

Một số người xem tri thức tương đương với chắc chắn. Và qua việc xem tri thức đồng nghĩa với chân lý, họ xác định chân lý là chắc chắn. Lập trường ấy phân biệt chân lý với ý kiến đơn thuần, cái có thể có một cấp độ khả thi nào đó nhưng vẫn không thể được khẳng định là chắc chắn. Nó cũng phân biệt chân lý với niềm tin ở chỗ niềm tin hàm ý sự chấp nhận một học thuyết mà không cần phải dựa vào bằng chứng kinh nghiệm hoặc lý trí. Về mặt luận lý, người ta có thể nhận ra không nhiều thì ít điểm trái ngược trong bất cứ bài báo bình luận hay niềm tin nào, và điều đó cho thấy chúng không thể nào cung cấp cái chắc chắn.

Ðầu mối của vấn đề

Khi tuyên bố chân lý tương đương với chắc chắn như trong toán học, người ta khẳng định rằng về mặt luận lý, không thể nào có sự trái ngược trong các lời tuyên bố. Lý tưởng của hầu hết loài người là sở đắc một hệ thống gồm những phát biểu về vũ trụ nói chung, vì như thế có nghĩa là sở hữu Chân lý tối hậu (a final Truth), Chân lý với chữ C viết hoa.

Trong tri thức, khả năng đạt tới cái chắc chắn thì tùy thuộc vào năng lực của con người và các nguồn thông tin của nó. Nó hàm chứa những phẩm chất quí báu của đức tin, lý trí và kinh nghiệm. Chúng ta sẽ cố làm toại nguyện mình bằng cách khảo sát một số nguồn gốc của tri thức mà loài người kỳ vọng sẽ cung cấp cho nó các giải đáp đối với những câu hỏi của nó. Nhưng thao tác theo cách này sẽ mang chúng ta thêm lần nữa quay trở lại vấn đề lý trí và giác quan. Và câu hỏi đặt ra là cái nào trong hai cái đó là nguồn thật sự của tri thức.
 

II. Các nguồn của chân lý

1. Chủ nghĩa duy lý

Việc suy ra từ tiền đề đúng

Con người sở hữu lý trí. Qua lý trí y có thể cân nhắc bằng chứng và đi tới kết luận có cơ sở để kiến lập chân lý của y. Luận lý học (logic) – môn học về suy nghĩ chính xác, chuyên ứng xử bằng qui tắc để suy ra kết luận từ bằng chứng – khẳng định rằng ta kiến lập chân lý của một kết luận khi kết luận ấy được suy ra, theo các qui tắc luận lý (logical rules), từ các tiền đề đúng. Dường như đây là cách thức thỏa đáng để đạt tới chân lý.

Rủi thay, chính điều kiện "các tiền đề phải đúng" làm phát sinh tình trạng bối rối vì lúc đó chúng ta lại phải kiến lập chân lý của các tiền đề ấy. Và ta chỉ có thể làm được điều đó bằng cách theo các qui tắc của luận lý học (the rules of logic), suy ra chúng từ các tiền đề đúng. Nhưng như thế lại phải thao tác thêm lần nữa đối với các tiền đề khác, và cứ thế.

Có thể thấy rằng việc kiến lập chân lý của kết luận bằng phương pháp ấy liên quan tới những bước lùi tới vô tận nếu không có một số tiền đề có thể chấp nhận là đúng mà không cần phải viện dẫn thêm chứng cớ. Nếu có những tiền đề như thế để từ chúng mà tiến hành công tác suy ra các kết luận với sự quan tâm thích đáng các qui tắc luận lý, lúc đó chúng ta sẽ tìm ra chân lý.

Trường hợp các định đề

Ta có thể xem những tiền đề gốc – không đòi hỏi có thêm bằng chứng – là những định đề (axioms) hoặc những chân lý hiển nhiên, nghĩa là tự chúng sở hữu bằng chứng về chúng (self-evident truth). Hình học Euclid chứng minh khả năng đi từ các định đề hoặc các tiền đề bảo đảm (assured premises) tới những kết luận xa nhất của môn học ấy chỉ bằng cách lập luận nghiêm ngặt. Nếu có thể tìm thấy trong triết học một kiểu thức giống y như thế thì ta có thể thành tựu cái chắc chắn.

Ngày nay, cách thức kiến lập chân lý ấy không còn được ưa chuộng. Ðại khái, người ta đồng ý rằng cái gọi là chân lý hiển nhiên thật ra chẳng hiển nhiên chút nào hoặc không xác thực. Mọi chân lý đang được chúng ta sở hữu đều chỉ phản ánh một chuỗi giới hạn các định đề trong đó chúng được triển khai; chúng không thể được chấp nhận là đúng trong một hệ thống khác.

Có một định đề (postulates) trong hình học Euclid có thể được chấp nhận là đúng rằng khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng, nhưng điều đó không đúng trong thuyết tương đối, ở đó khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm – diễn tả một cách chính xác hơn – là một đường cong!

Nếu trong hình học Euclid, có thể xem là hiển nhiên việc các đường song song sẽ không bao giờ gặp nhau nếu kéo dài tới vô cực, thì hình học phi-Euclid (non-Euclidian geometry) bắt đầu bằng sự phủ nhận lời khẳng định đó. Và kết quả của việc áp dụng hình học phi-Euclid vào vật lý học hiện đại là một bảo đảm rằng quan điểm mới mẻ này có giá trị. Do đó, hệ quả là muốn sở đắc chân lý, ta không thể chấp nhận lối tiếp cận trông có vẻ đầy hy vọng ấy.
 

2. Chủ nghĩa duy nghiệm

Lấy trải nghiệm làm cơ sở

Ðây là phản ứng chống lại lập trường tổng quát của chủ nghĩa duy lý (rationism); nó mang hình thức chủ nghĩa duy nghiệm (empirism) vì nó viện dẫn kinh nghiệm. Khoa học hiện đại bắt đầu xuất hiện khi nhà khoa học chuyển hướng từ sự quan sát giản dị và suy lý trong trí óc sang thí nghiệm trong đó có thể tái lập các hoàn cảnh tự nhiên để kiểm soát chúng nhằm mục đích phát hiện tương quan giữa các biến cố.

Ban đầu, khoa học hiện đại hết sức quan tâm tới việc phát hiện nguyên nhân của biến cố để có thể triển khai các phương thế kiểm soát những gì xảy ra hầu phục vụ phúc lợi tổng quát của con người. Các nhà khoa học hiện đại đồng thuận rằng không thể nào tìm thấy nguyên nhân bằng cách viện dẫn lý trí. Thiên nhiên, như người ta thường nói, quá huyền ảo trước các công thức hợp lý của chúng ta. Con người không thể gặp gỡ thiên nhiên với những đáp án lập sẵn mà phải tới với nó bằng một thái độ khiêm tốn như một kẻ cầu xin mang theo các câu hỏi của mình.

Thông tin qua giác quan

Kinh nghiệm phải bắt đầu với chất liệu được giác quan cung cấp. Người ta giả dụ rằng có một thế giới ngoại tại và rằng các đối tượng trong thế giới đó truyền đạt chúng cho tâm trí cá nhân bằng cách cung cấp toàn bộ thông tin có liên quan tới ý nghĩ. Thông tin này có thể xem là được thể hiện dưới dạng các ý tưởng; chừng nào các ý tưởng còn thể hiện chính xác những đối tượng (objects) đang sản sinh chúng, chừng đó chúng vẫn còn đáng tin.

Tri thức phải bắt đầu bằng sự khảo sát các ý tưởng ấy; nó không thể nào mở rộng tới quá bên kia chúng. Mọi tri thức được sở hữu theo cách đó phải nhất thiết đúng vì nó đặt cơ sở vững chắc trên thực tế. Có thể đánh giá phương pháp này có giá trị vì các ngành khoa học đã chứng minh rằng đây là lối đi chắc chắn và độc nhất để sở đắc tri thức.

Kinh nghiệm thôi chưa đủ

Chủ nghĩa duy nghiệm rất tán thưởng phương pháp đó. Các sự kiện của kinh nghiệm phải có thẩm quyền tối hậu trong việc đề ra hệ thống nào quả quyết nó đang trình bày chi tiết bản tính của vũ trụ. Thế nhưng người ta thường phản đối quan điểm ấy với lập luận rằng kinh nghiệm là cái ắt có chứ chưa đủ vì trong thực tế tri thức còn liên quan tới nhiều thứ nữa chứ không phải chỉ được cung cấp qua giác quan.

Do bởi bản tính của mình, các giác quan tự hạn chế trong thông tin được chúng cung cấp: mắt cho màu sắc, tai cho âm thanh, mũi cho mùi, v.v. và giác quan này không thể cung cấp loại thông tin tùy thuộc giác quan kia. Như thế, thông tin được các giác quan cung cấp đều nằm trong dạng các ý tưởng đơn giản, và chỉ thế thôi. Nhưng kinh nghiệm của chúng ta và có lẽ của thế giới chúng ta đang hiếu kỳ muốn biết, được làm thành bởi các ý tưởng phức tạp trong đó màu sắc, âm thanh, mùi và vị, v.v. phối hợp nhau.

Phải có thêm nữa

Các giác quan không thể giải thích sự phối hợp của các ý tưởng đơn giản. Chúng cũng không thể đi tới quá bên kia bản thân đối tượng để cung cấp thông tin về tương quan giữa các đối tượng. Chúng ta từng đọc lời quả quyết của David Hume rằng kinh nghiệm giác quan không thể nào cung cấp cho chúng ta ý tưởng về quan hệ nhân quả.

Nếu các giác quan không thể cung cấp thông tin về những nối kết giữa các biến cố thì chúng không thích đáng với công tác khoa học. Chúng ta không quan tâm tới một thế giới như là nơi tập kết vạn vật mà là tới một thế giới như một toàn bộ ngăn nắp, một hệ thống có trật tự. Do đó, phải có một cái gì nữa cho tri thức chứ không phải chỉ là thông tin do giác quan cung cấp.

Một số người phản đối chủ nghĩa duy nghiệm; họ cho rằng nếu quả thật như thế, nó hẳn không cung cấp cho chúng ta thông tin về những đối tượng mà chúng ta quan tâm nhất. Nếu như tôi chỉ biết dựa trên cơ sở những thông tin được cung cấp qua các giác quan, có thể chẳng bao giờ tôi có bất cứ tri thức nào về Thượng đế vì theo chỗ tôi biết cho tới nay, không người nào từng trải nghiệm Thượng đế giống như bản thân họ trải nghiệm người khác.

Tính lý tưởng của khoa học

Tri thức chỉ có thể là tri thức về hiện tại vì trong chừng mực am hiểu của chúng ta, không ai từng đang nhìn vào tương lai diệu vợi hoặc quá khứ xa xăm. Nó cũng liên quan tới sự phê phán nghiêm khắc nhiều định luật khoa học vì các định luật ấy biểu hiện cho lý tưởng chứ không cho các điều kiện thực tế. Các nhà khoa học nói tới định luật có thể áp dụng cho các vật thể đang rơi tự do trong chân không nhưng điều đó không dựa trên cơ sở kinh nghiệm nào cho tới khi đạt được những bước tiến cụ thể trong khoa học không gian.

Các nhà khoa học cũng nói cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra cho một vật thể khi chuyển động không gặp sức ma sát nào, thế nhưng chưa từng có ai chứng kiến một hiện tượng như thế, ít nhất cho tới khi tạo được chân không hoặc con người và phi thuyền bay lên vũ trụ, đi vào không gian và tiến hành các cuộc thí nghiệm trên đó. Nói chung, khoa học chỉ có thể thao tác bằng các phát biểu về những điều kiện lý tưởng, bằng các giả thuyết và bằng sự suy tưởng tổng quát. Vì chỉ dựa vào trải nghiệm, chủ nghĩa duy nghiệm không thể nào giải thích đặc tính ấy của tri thức khoa học.

Một giải pháp thỏa hiệp

Ðể có một thỏa hiệp nào đó giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm, có thể đựa ra một giải pháp tương đối thỏa đáng. Nhà khoa học hoặc triết gia bắt đầu với các sự kiện của kinh nghiệm và chấp nhận thẩm quyền tối hậu của kinh nghiệm để kiểm tra các kết luận, nhưng trong khuôn khổ những giới hạn ấy, họ tiến hành qua suy tưởng để tăng tiến nguyên ủy của tri thức.

Không có sự kiện thì không có tri thức; không có suy tưởng thì không thể có tiến bộ. Cả khoa học lẫn triết học chỉ có thể tăng tiến khi đôi bên học được cách gắn bó các phương pháp của mình vào với nhau.
 

III. Chân lý tuyệt đối và tương đối

1. Quá trình thẩm tra

Thời thế kỷ mười bảy

Về phương diện lịch sử, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm có chung một đức tin vào khả năng đạt được chân lý tối hậu và tuyệt đối, được hiểu như một phát biểu hay một hệ thống bao gồm các phát biểu không thể nào sai.

Vào thế kỷ 17, rõ ràng nếu có chân lý tuyệt đối thì không người nào có thể phát biểu rằng mình đã từng nắm bắt nó. Sự va chạm của các hệ thống khoa học và triết học được xem như bằng chứng đủ để chứng minh cho thấy hết thảy các lời phát biểu đều có thể bị thách thức nghiêm trọng. Do đó, các triết gia thời thế kỷ 17 lập luận rằng vì không thể nào đạt tới chắc chắn tuyệt đối nên các phương pháp tìm kiếm chân lý đang sử dụng đều sai. Và như thế, tư tưởng của thời kỳ đó bị chế ngự bởi vấn đề phương pháp.

Các triết gia thế kỷ 17 tranh cãi nhau về phương pháp nhưng không tranh cãi về việc có khả năng đạt được chân lý tuyệt đối hay không. Các thế kỷ về sau nêu lên câu hỏi nghiêm trọng hơn nhiều, đó là liệu rằng có chân lý tuyệt đối hay không?

Từ thế kỷ mưới chín

Kể từ thế kỷ 19, có sự đồng thuận rộng rãi rằng ý tưởng về chân lý tuyệt đối chỉ là ảo tưởng. Thậm chí có người còn lập luận rằng sự giả định có chân lý tuyệt đối được dùng để biện minh cho chủ nghĩa giáo điều (dogmatism) và sự ngược đãi, đồng thời làm chệch hướng các nỗ lực của loài người, biến nó thành một cuộc nghiên cứu vô bổ khiến cho loài người bị cướp đi nhiều ân sủng lý ra đã có thể sở đắc bằng cách tập trung vào những dự án ít tham vọng hơn.

Bởi thế, trong thời đương đại, vấn đề không phải là chú trọng tới phương pháp tuy phương pháp vẫn quan trọng, mà là cuộc xung khắc về ý nghĩa của bản thân chân lý. Và như thế, trong vấn đề chân lý, chúng ta bị mang lùi trở lại cuộc xung khắc giữa tính tương đối và tính tuyệt đối của các giá trị.
 

2. Chân lý tuyệt đối

Chân lý qua mạc khải

Nếu chúng ta có thể hình dung Ðấng Toàn năng đang đứng bên ngoài vũ trụ, có năng lực nắm bắt trong chớp mắt toàn bộ quang cảnh các biến cố quá khứ, hiện tại và tương lai, thì có thể nói rằng Ðấng ấy sở hữu chân lý tuyệt đối.

Nếu Ðấng ấy truyền đạt từng phần tri thức của ngài cho cá nhân mỗi người, có lẽ các thành phần đó hẳn có thẩm quyền y như cái toàn bộ, và những kẻ tiếp nhận mặc khải ấy đều có thể được xem là sỡ hữu chân lý, với chữ CHÂN LÝ viết hoa.

Do đó, ta có thể lập luận rằng sự hiện hữu của Ðấng toàn tri là một bảo đảm cho chân lý tuyệt đối là có thật, và sự mạc khải của ngài cung cấp cho con người một phần chia nào đó của chân lý ấy.

Niềm tin vào khoa học

Thế nhưng, con người chẳng bao giờ mãn nguyện với việc chấp nhận chân lý theo hình thức đó. Ðược phú cho khả năng suy luận, nó liên tục tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề của mình bằng suy nghĩ, quan sát hoặc thí nghiệm. Con người thường nghĩ tới thẩm tra như một cách thức dẫn tới tri thức đầy đủ về vũ trụ tự nhiên, một tri thức đầy đủ như thế có nghĩa là một đáp án tối hậu cho hết thảy các câu hỏi. Khoa học có thể được hình dung như một bộ phận tri thức đang ngày càng gia tăng, triển khai và dàn trải một cách thận trọng bởi các phương pháp đã được chấp nhận.

Trong khi vẫn thừa nhận khoa học tuy tiến bộ nhưng chỉ là một phương thế nhỏ nhoi trong cuộc khám phá bí mật của vũ trụ, con người lại cảm thấy trong sự kiện thành tựu dăm ba cái ấy ẩn chứa lời hứa hẹn rằng nó có thể thành tựu mọi cái. Về mặt lý thuyết, tới một ngày nào đó, khoa học sẽ có khả năng làm chủ mọi vấn đề và trả lời mọi câu hỏi. Và lời phát biểu tối hậu của khoa học hẳn là chân lý tuyệt đối.
 

3. Chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hoài nghi

Ðều xem chân lý là tuyệt đối

Cả hai bên, chủ nghĩa giáo điều lẫn chủ nghĩa hoài nghi đều có điểm giống nhau, đó là đồng ý có chân lý tuyệt đối. Thế nhưng bên thứ nhất quả quyết rằng chân lý ấy đang có sẵn, còn bên thứ hai khẳng định rằng chân lý ấy chỉ có thể xuất hiện qua cuộc tìm kiếm lâu dài và gian khổ.

Lập trường thứ nhất, của bên này, đưa tới chủ nghĩa giáo điều (dogmatism) bằng cách không cho phép sử dụng lý trí của con người để khảo sát những phát biểu đã được bảo đảm bởi Ðấng tối cao.

Lập trường thứ hai, của bên kia, dễ dàng thích ứng với chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) vốn ngờ vực hết thảy các tuyên bố đương thời về chân lý; nó cho rằng chính sự công nhận chưa có ai đạt tới mục đích ấy đủ để chứng thực nỗi hoài nghi rằng bất cứ lập trường đương đại nào cũng đều tuyệt đối có lý!

Chân lý trong phát biểu cá biệt

Có một khả năng thứ ba liên quan tới chân lý tuyệt đối. Trong khi cả hai lập trường vừa kể đều đồng ý chân lý tối hậu như một phát biểu đầy đủ về thiên nhiên và con người và về bất cứ cái gì đang hiện hữu thì một số nhà tư tưởng có yêu cầu khiêm tốn hơn rất nhiều. Họ chỉ tuyên bố chân lý cho những phát biểu cá biệt. Bởi thế, ta tuyệt đối chính xác khi nói lúc này bạn đang đọc lời phát biểu rằng các mệnh đề cá biệt có thể được gọi là đúng.

Có thể bảo đảm cho những phát biểu như thế bằng sự quan sát đơn giản hoặc bằng lời tuyên bố nào đó có tính hiển nhiên. Dường như tuyệt đối chắc chắn rằng hình tròn không phải là hình vuông. Một phát biểu như thế không đòi hỏi bằng chứng tinh tế. Nó đủ để thể hiện hai giả thuyết, giúp cho người quan sát hoàn toàn thắng lợi. Bằng sự khiêm tốn trong các tuyên bố của mình, lập trường này có thể được xem như vừa vô hại vừa hữu ích. Tuy thế, trong thực tế, nó cũng bị một số người tương đối chủ nghĩa (relativism) thách thức.

Tuyệt đối khách quan

Khi nói chân lý có tính tuyệt đối, chúng ta có ý nói – theo phân tích vừa rồi – rằng đối với một sự kiện, chỉ có một lời phát biểu có thể được khẳng định là đúng. Chân lý này không liên quan gì tới sở thích hoặc mong muốn của chúng ta. Thậm chí nó cũng chẳng trực tiếp liên quan chút nào tới động cơ cá nhân của mỗi người.

Nó đúng như một tiêu chuẩn khách quan và tuyệt đối của chân lý hoặc nó sai cái sai của bất cứ một chuỗi phát biểu nào do con người đưa ra.
 

4. Chân lý tương đối

Tri thức thực dụng

Có khả năng khái niệm chân lý có tính tuyệt đối là hoàn toàn sai. Bằng cách chuyển đổi tư tưởng thành lý tưởng bất khả thi có thể làm lệch lạc công tác ưu tiên của nó là phải làm điều gì đó liên quan tới nhu cầu thực tiễn của loài người. Dường như khoa học hiện đại quan tâm tới tương quan của vạn vật hơn bản tính của vạn vật; kết quả của tri thức chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cho con người kiểm soát và vận dụng các biến cố để phục vụ cho phúc lợi của con người.

Cho dù có thể sở đắc tri thức đầy đủ về vũ trụ – một điều hẳn không thể nào có – nhưng nếu kết quả của thông tin có được ấy không thể sử dụng cho phúc lợi của loài người thì đó cũng chỉ là thứ dùng để thỏa mãn tính tò hiếu kỳ vu vơ mà thôi.

Tập trung và riêng biệt

Vì chẳng bao giờ có thể nắm bắt chân lý tuyệt đối nên, theo những kẻ ủng hộ quan điểm này, con người phải tập trung vào các vấn đề tức thời và học hỏi điều gì đó về việc kiểm soát các biến cố tự nhiên nhằm phục vụ lợi ích của nó.

Tiếp đến, không có chân lý đơn lẻ, đúng hơn, có vô số chân lý vì tiêu chuẩn của chân lý hẳn có tính tương đối đối với nhu cầu của các tình huống riêng biệt và đối với giải pháp của các vấn đề trong hoàn cảnh đó. Các giải pháp làm thỏa mãn nhóm này có thể không thích đáng với nhóm kia, khiến cho thật phi lý khi nói rằng cả hai nhóm dù gì đi nữa cũng nên chấp nhận những kết luận giống nhau.
 

IV. Thuyết tính tương ứng của chân lý

1. Một số khái niệm

Có thể làm sáng tỏ vấn đề bằng cách khảo sát một số khái niệm về chân lý của các triết gia.

 

Chủ nghĩa duy thực biểu hiện

Khái niệm đầu tiên có thể gọi là chủ nghĩa duy thực (realism), dù ngày nay, thuật ngữ này trở nên co giãn tới độ khó có thể cho nó một định nghĩa chính xác. Tuy thế, ta có thể mượn lập trường của John Locke, thường được xem là chủ nghĩa duy thực biểu hiện (representative realism), để làm thí dụ minh họa.

Locke coi việc quyết định nguồn gốc, mức độ và giá trị của tri thức như một hướng dẫn tới loại câu hỏi mà con người có thể đặt ra và bảo đảm có thể tìm thấy câu trả lời. Cuộc thẩm tra của ông bắt đầu với cấp bậc đơn giản trong cuộc sống hằng ngày.

Khi một người bình thường nói y biết cái gì đó, có nghĩa rằng y có sự tiếp xúc thẳng với đối tượng ấy. "Tôi thấy cái cây" có nghĩa rằng tôi thấy có cái cây chứ không phải thấy cái vật thay cho cái cây. Chân lý của lời phát biểu ấy tùy thuộc vào tính chất tức thời của giao tiếp.

Không tức thời chẳng trực tiếp

Khảo sát sơ qua các điều kiện của tri thức cũng đủ để vén lộ cho thấy rằng không thể nào có sự giao tiếp tức thời như thế. Việc thấy cái cây quả thật liên quan tới sự phản ánh ánh sáng từ một đối tượng ngoại tại qua thần kinh thị giác trong dạng dao động mà bằng cách nào đó chuyển thành hình ảnh trong ý thức của tôi. Khi tôi nói tôi thấy cái cây, tôi thật sự muốn nói răèng tôi nhận biết cái phản ánh hoặc cái biểu hiện của cái cây ấy.

Với người quan sát bình thường, Locke giả định rằng có một đối tượng ngoại tại là nguồn của cái trải nghiệm được gọi là tri thức, đang truyền đạt thông tin tới một cái gì đó có thể gọi là tâm trí. Nhưng ông thấy rằng giữa đối tượng ngoại tại và tâm trí nhất thiết phải xen vào một ý tưởng mà ta có thể xem là hình ảnh của đối tượng ấy. Do đó, tri thức không liên quan trực tiếp tới vạn vật mà là tới các hình ảnh của vạn vật.

Khi tôi nói rằng tôi thấy cái cây, và nếu cái được tôi nói đến đó là một đối tượng ngoại tại, chân lý của lời phát biểu ấy đặt cơ sở trên thực tế rằng hình ảnh ấy quả thật là cái biểu hiện của cái cây. Như thế, chỉ có thể kiến lập chân lý của lời phát biểu ấy bằng cách so sánh ý tưởng với cái cây.

Chân lý thì tuyệt đối

Thuyết này thườøng được gọi là thuyết tính biểu hiện (representative theory) hay thuyết tính tương ứng (correspondence theory) của chân lý. Nó giả định rằng chân lý có tính tuyệt đối theo ý nghĩa có thể lập thành những lời phát biểu đúng về các đối tượng hoàn toàn độc lập với sở thích hoặc thị hiếu của cá nhân đưa ra lời khẳng định ấy, và rằng nếu có người nào khác đối diện chung một đối tượng ấy, người ấy cũng sẽ lập thành lời phát biểu về nó giống như của tôi.

Như thế, những lời phát biểu về đối tượng ấy có sự viện dẫn công khai (public reference), và do đó, chỉ là sự lập thành một lời phát biểu duy nhất và thật sư đúng. Chân lý của những lời phát biểu về các đối tượng trong kinh nghiệm thì hoàn toàn độc lập với mọi phúc lợi mà tri thức có thể tạo ra cho loài người. Lời phát biểu hoặc đúng hoặc sai, và không gì có thể quyết định vấn đề đúng hay sai ấy ngoại trừ sự viện dẫn công khai. Chân lý thì tuyệt đối.

Ðối tượng hiện hữu từ trước

Thuyết này giả định rằng vì các đối tượng ngoại tại hiện hữu ở đó trước khi xảy ra hành động biết cho nên toàn bộ tri thức đều là tri thức về các đối tượng hiện hữu từ trước. Nó cũng giả định rằng tâm trí thụ động trong khoảnh khắc trải nghiệm ấy, vì chính khách thể, chứ không phải chủ thể, quyết định nội dung chính xác của tri thức. Hoạt động ở phía chủ thể, nếu có, hẳn sẽ làm méo mó bằng chứng và dẫn tới sai lạc.

Quả thật ở phía các cá nhân, người ta luôn luôn kỳ vọng có hoạt động nào đó, thí dụ chú ý, nhưng trong khoa học, yếu tố cá nhân có thể bị sớm làm cho mất tác dụng bằng các kỹ thuật thích đáng. Do đó, có khả năng đi tới sự chắc chắn trong tri thức bằng việc đưa toàn bộ thẩm quyền cho đối tượng ngoại tại và lưu tâm tới những méo mó lệch lạc do bởi những dị biệt cá nhân.

Chỉ là đức tin thôi

Nan giải chính yếu là sự can thiệp của các ý tưởng. Nếu tri thức là tri thức về ý tưởng chứ không thật sự về vạn vật, thì sự viện dẫn ngoại tại ấy hoặc bất khả thi hoặc không thiết yếu. Nếu chúng ta chỉ biết các ý tưởng mà thôi, lúc đó lời quả quyết về sự hiện hữu của các đối tượng là vấn đề đức tin, và chỉ thế thôi.

Muốn cho những lời phát biểu về đối tượng ngoại tại có giá trị, phải giả định quan hệ nhân quả có giá trị. Một khi đã giả định rằng vì có ý tưởng nên phải có nguyên nhân của ý tưởng, thì ta thấy các đối tượng ngoại tại đều có thể đáp ứng đòi hỏi ấy, theo ý nghĩa "có lửa mới có khói". Rủi thay, như Hume đã chứng minh, trong chủ nghĩa thực nghiệm không có biện minh nào cho sự xác nhận quan điểm này về quan hệ nhân quả, vì ta không thể nào nhận thức mối quan hệ ấy và như thế, phải buông bỏ luận cứ liên quan tới đối tượng ngoại tại.

Lựa chọn độc nhất là lập trường của Berkeley. Triết gia giám mục ấy cho rằng tri thức chỉ liên quan tới các ý tưởng, và như thế, cấu trúc vững chắc về thế giới ngoại tại rõ ràng là bị sụp đổ, biến thành *hiện tượng chủ nghĩa (phenomenalism) của thuyết duy tâm chủ quan (subjective idealism).
 

2. Chủ nghĩa duy thực hiện đại

Chống duy tâm chủ quan

Không người *duy thực chủ nghĩa hiện đại (modern realism) nào chấp nhận lập trường của chủ nghĩa duy thực ấu trỉ (naive realism), vì các triết gia đã đồng thuận một cách tổng quát rằng không ai có thể phản biện các luận cứ chống lại nó.

Chủ nghĩa duy thực hiện đại là một phản bác sự giả định rằng chủ nghĩa duy tâm chủ quan là chọn lựa độc nhất. Theo người duy thực chủ nghĩa, chủ nghĩa duy tâm chủ quan làm cho người ta không thể nào hiểu chức năng và thành quả của khoa học, và giảm thiểu thế giới thành các giới hạn của chỉ một mình ý thức. Không người nào có thể nghiêm chỉnh chấp nhận một kết luận như thế. Tuy thế, như Hume đã vạch rõ rằng ta không thể bác bỏ các luận cứ của Berkeley nhưng cũng không thể nào tin nổi chúng.

Chủ nghĩa duy thực hiện đại xác nhận tính chất ngoại tại và độc lập của đối tượng ngoại tại. Nó lập luận rằng tri thức sẽ vô nghĩa nếu không được hiểu như là tri thức về các đối tượng ngoại tại. Ta vẫn còn tìm thấy tiêu chuẩn của chân lý bằng sự viện dẫn công khai. Mọi khẳng định có ý nghĩa đều có thể bị kiểm tra trong liên quan tới các đối tượng được chúng quả quyết. Như thế, ta có thể nói rằng chủ nghĩa duy thực hiện đại chấp nhận học thuyết có chân lý tuyệt đối.

Thêm hai chủ nghĩa duy thực

Vào lúc bắt đầu thế kỷ 20 vừa qua, có nhiều triết gia tìm cách thoát khỏi các giới hạn bị chủ nghĩa duy tâm khống chế. Họ đề ra hai chương trình tổng quát để làm khuôn mẫu, đó là chủ nghĩa tân duy thực (neo-realism) và chủ nghĩa duy thực phê phán (critical realism).

Thoạt đầu, cả hai thuyết đó chủ yếu chỉ là sự phân làm hai nhánh từ chủ nghĩa duy thực. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, càng ngày càng rõ ràng rằng vấn đề kiến lập thực tại của đối tượng ngoại tại và quyết định các tiêu chuẩn thích đáng của chân lý không là chuyện dễ làm. Ðồng thời, xuất hiện các dị biệt giữa những người từng bắt đầu với mối quan tâm chung và bằng một cương lĩnh chung.

Chủ nghĩa duy thực vẫn còn là khái niệm có tính đại chúng nhất nhưng hiện nay, có quá nhiều phiên bản tới độ không thể trình bày một cách thích đáng về chúng trong khuôn khổ cuốn sách đại cương này.

Ý tưởng và viện dẫn

Cuộc thảo luận phần lớn xoay quanh ý nghĩa của nhận thức với niềm hy vọng vứt bỏ từ ngữ "ý tưởng" đang gây bối rối, đồng thời phục hồi sự viện dẫn trực tiếp đối tượng, hoặc ít ra, cung cấp cho từ ngữ "ý tưởng" một ý nghĩa nào khác để có thể khẳng định cao độ khả năng thực sự hiện hữu các đối tượng ngoại tại, những khách thể chịu trách nhiệm về ý tưởng của chủ thể.

Một số tác giả, thí dụ các nhà *duy vật biện chứng chủ nghĩa (dialectic materialism), dường như giả định rằng chỉ cần (ắt có) lời tuyên bố đơn giản về sự hiện hữu của một đối tượng ngoại tại là đủ để thiết lập nó, nhưng hầu hết người duy thực hiện đại tin rằng ở đây quả thật có vấn đề, và họ còn tin rằng triết học đòi hỏi tiên quyết phải có giải pháp nào đó cho vấn đề ấy.
 

3. Nan giải trong thuyết tính tương ứng

Phê phán thuyết tính tương ứng

Chúng ta có thể thấy một số vấn đề mà chủ nghĩa duy thực phải đối mặt, bằng cách phát biểu các luận cứ chính chống lại thuyết tính tương ứng của chân lý trong hình thức cổ truyền của nó.

Nếu chân lý mang tính tương ứng của một ý tưởng đối với một phẩm tính ngoại tại hay đối tượng ngoại tại, thì không bao giờ có thể tìm thấy chân lý vì ta không cách gì có thể so sánh ý tưởng với cái gì đó không phải là ý tưởng. Không thể đối chiếu ý tưởng của tôi về cái cây với cái cây thật sự, vì không cách gì tôi có thể giao tiếp thẳng với cái cây ấy. Nói một cách nghịch lý hơn, tôi không thể nào nhận thức một đối tượng khi nó không đang được nhận thức.

Làm sao biết chắc chắn

Người ta chấp nhận một cách tổng quát sự kiện rằng đôi khi con người là đối tượng của các ảo giác, của các ý tưởng dường như biểu hiện một đối tượng ngoại tại trong khi thực tế đối tượng ấy không đang là như thế. Tôi thấy một cây sào cắm thuyền bên bờ sông Hương, có một đoạn dài nhú lên khỏi mặt nước, ngó như thể nó cong. Dù tôi tin rằng nó không cong, và tôi hoàn toàn có lý do cụ thể để tin như thế. Trong sa mạc, người khát thường bị đánh lừa bởi ảo tượng hứa hẹn một ốc đảo có nước mát, mà thật sự ở đó chẳng có ốc đảo nào cả.

Nếu có những ý tưởng chắc chắn không thể biểu hiện các đối tượng ngoại tại, thì vấn đề quyết định cái nào biểu hiện cái nào không là cả một chuyện thật sự nan giải. Kiểm chứng độc nhất về tính chính xác của một ý tưởng có thể là khả năng dự báo. Một ý tưởng biểu hiện cho các hệ quả nhất định; nếu các hệ quả ấy xuất hiện, thì ta có thể nói ý tưởng ấy đã được xác minh.

Tuy nhiên, rõ ràng rằng các hệ quả ấy cũng chỉ hiện hữu trong các giới hạn của ý thức; chúng không tự thiết lập được sự hiện hữu của đối tượng ngoại tại cho dẫu chúng làm cho đối tượng ấy có khả năng hiện hữu.

Làm sao chứng minh

Chủ nghĩa duy thực tin rằng những chứng minh thích đáng của khoa học đều dựa trên giả định về một thế giới ngoại tại và công khai. Ðây là lý do khiến cho ta không thể tin nổi thuyết duy tâm chủ quan. Tuy nhiên, nếu thông tin về thế giới ngoại tại chỉ được truyền đạt qua giác quan mà thôi, thì có vấn đề chứng minh lời tuyên bố có tính khoa học về việc khám phá những tương quan giữa các biến cố.

Trong thực tế, chưa từng có ai nhận thức không gian và thời gian, quan hệ nhân quả hoặc sự tự do của con người. Ta không thể chứng minh bất cứ lời tuyên bố nào về các ý tưởng ấy là đúng, vì không thể thiết lập chúng bằng sự viện dẫn công khai nào.

Có một minh họa có lẽ thích hợp hơn nữa, đó là ngôn ngữ toán học. Có một số các ý tưởng trừu tượng và các ký hiệu thiết yếu cho môn học ấy cho dù ta có căng óc tưởng tượng ra tới mấy đi nữa cũng không thể xem chúng là những phần hợp thành một thế giới ngoại tại và độc lập. Nếu toán học sở hữu chân lý – có một ít người nghi ngờ chuyện đó – thì ở đó phải có một ý nghĩa về chân lý khác với chân lý của viện dẫn sự kiện ngoại tại nào đó hoặc so sánh với sự kiện ấy.

Vấn đề mở

Thuyết tính tương ứng dường như không chống chế nổi các phản bác vừa kể. Do đó, người duy thực chủ nghĩa hiện đại đang nỗ lực giải quyết ba vấn đề:

1. Trình bày giá trị của sự viện dẫn ngoại tại;

2. Khảo sát các điều kiện của nhận thức; và

3. Cho thấy làm thế nào có thể thiết lập các ý tưởng trừu tượng và các tương quan.

Phải còn lâu lắm mới giải quyết được ba vấn đề ấy, nhưng đang có sự đồng thuận rằng nếu giải quyết xong, lập trường ấy sẽ thể hiện một khái niệm về chân lý đáng tán dương nhất và thích hợp nhất cho việc am hiểu khoa học thuần lý thuyết (theoretical science).
 

V. Thuyết tính nhất quán của chân lý

1. Khả năng định nghĩa chân lý

Ý tưởng là ý nghĩa phổ quát

Chủ nghĩa duy tâm có thể được đánh giá tối đa như một nỗ lực giải quyết vấn đề tri thức, đối lập với chủ nghĩa duy thực ấu trỉ. Sở dĩ chủ nghĩa duy thực ấu trỉ thất bại là vì nó khẳng định ba điều:

1. Ðối tượng là nguyên nhân của tri thức;

2. Tâm trí thụ động; và

3. Có thể xem nội dung của tâm thức là những ý tưởng, cái chỉ là hình ảnh đặc thù.

Chủ nghĩa duy tâm xác nhận rằng tâm trí tích cực trong hành động biết và rằng ý tưởng không là hình ảnh mà là ý nghĩa phổ quát.

Có thể gọi một cách thích đáng lập trường ấy là chủ nghĩa duy tâm khách quan (objective idealism), đối lập với chủ nghĩa duy tâm chủ quan (subjective idealism) của Berkeley. Berkeley giả định rằng thế giới bị giới hạn trong ý thức của cá nhân, trong khi chủ nghĩa duy tâm khách quan nhấn mạnh thực tại của thế giới ngoại tại.

Cái được cung cấp

Chừng nào còn liên quan tới ý thức cá nhân, cái chúng ta cho là quan trọng khi xem xét vấn đề tri thức, chừng đó vẫn còn có một thế giới ngoại tại tự nó truyền đạt chính nó cho cá nhân, và tri thức phải bắt đầu với thực tế ấy. Có thể nói rằng tri thức bắt đầu với cái được cung cấp nào đó.

Ngang đây, bạn có thể động lòng hiếu kỳ, muốn biết về cái được cung cấp đó ra sao, nhưng không thể đưa ra được câu trả lời cho vấn nạn đó, vì bất cứ nỗ lực nào nhằm trình bày cái được cung cấp cũng liên quan tới thông giải kinh nghiệm và đi tới quá bên kia cái được cung cấp thuần túy.

Không là cái đang là

Bất cứ câu trả lời nào liên quan tới cái được cung cấp cũng hàm chứa lời phát biểu về cái được cung cấp. Sự kiện ấy liên quan tới lời quả quyết rằng cái được cung cấp chính là cái ta biết, vì một vật chỉ có thể nói là được biết khi ta có khả năng nói nó là cái gì, và trong trường hợp của cái được cung cấp thì điều đó bất khả thi. Như thế, phải vạch rõ lằn ranh phân biệt giữa cái được cung cấp và cái nó đang là.

Có lẽ nên trình bày rõ ràng hơn lời phát biểu khá trừu tượng ấy bằng cách nhấn mạnh thực tế của toàn bộ tri thức. Khi bạn nói bạn nghe có xe máy (chiếc Honda chẳng hạn), rõ ràng bạn không thật sự nghe xe máy mà chỉ là âm thanh được bạn thông giải thành âm thanh của một chiếc xe máy.

Thậm chí bạn không thể nào thông giải đó là âm thanh của xe máy nếu bạn không có một hệ thống các ý nghĩa hoặc các thông giải khả thi trong đó có khả năng thông giải âm thanh cá biệt ấy là âm thanh của xe máy. Một đứa bé sống trong một bản làng ở vùng cao chưa bao giờ thấy hoặc nghe tiếng nổ của xe máy thì nó không thể có khả năng lập thành lời khẳng định như thế. Rõ ràng cái được chúng ta gọi là tri thức thì liên quan tới thông giải cái được cung cấp nào đó trong kinh nghiệm.

Tâm trí không thụ động

Nếu nói tri thức là thông giải thì chúng ta phải bác bỏ lời quả quyết rằng tâm trí thụ động trong khoảnh khắc xảy ra hành động biết. Thông giải là một hoạt động, và chừng nào tri thức còn là thông giải, chừng đó tâm trí vẫn tích cực. Chừng nào tri thức còn là vấn đề thông giải, chừng đó vẫn không thể nào đúng khi nói răng thế giới được cung cấp cho chúng ta như chúng ta đang biết nó.

Vì thế giới đối với mỗi người chúng ta là vấn đề thông giải, và do đó, nó là một cấu trúc được lý trí lập thành từ cái được cung cấp. Sự kiện ấy làm ta không khỏi liên tưởng tới hình ảnh vô lượng thế giới trong thế giới này, đã được Ðức Phật dùng khi truyền pháp. Cũng thế, các ý tưởng không thể là những hình ảnh của các vật đặc thù, vì ý tưởng, như một công cụ của thông giải, luôn luôn có tính phổ quát trong ý nghĩa của nó.

Ðối với người duy tâm chủ nghĩa, tri thức tương đương với một hệ thống các ý nghĩa qua đó nó triển khai ý nghĩa cho cái được cung cấp. Quan điểm này hàm chứa hoạt động của tâm trí, tới khái niệm về ý tưởng như một phổ quát; và bởi thế nó làm cho việc kiểm tra chân lý qua tính chất tương ứng trở thành bất khả thi.

Có thể kiến lập chân lý của một ý tưởng không phải bằng cách viện dẫn một đối tượng không thể nhận thức mà bằng tính chất thích đáng của chính nó như một công cụ thông giải cái được cung cấp. Bởi thế, các tiêu chuẩn của chân lý phải khác với tính chất tương ứng đơn giản.

Chân lý là cái toàn bộ

Người duy tâm xem tính chất nhất quán (consistency) và tính chất toàn diện (comprehensiveness) là hai tiêu chuẩn thích đáng. Không thể thông giải thỏa đáng cái được cung cấp bằng bất cứ ý tưởng riêng rẽ nào, mà phải bằng một hệ thống các ý tưởng, và các ý tưởng này liên quan tới các ý tưởng nọ hoặc với các hệ thống ý tưởng. Chân lý đầy đủ của bất cứ cái được cung cấp nào cũng phải là một hệ thống các ý nghĩa nhất quán và toàn diện tối đa có thể được.

Vậy nếu chân lý được xác định như một hệ thống các ý tưởng nhất quán và toàn diện nhất, có nghĩa ta có khả năng định nghĩa chân lý. Chân lý là cái Toàn bộ (Truth is the Whole), nó là một hệ thống đầy đủ (a complete system) của các ý tưởng, một hệ thống tổng thể (a total system) của các ý nghĩa.

Như vậy, nó chính là lý tưởng được hết thảy các nhà tư tưởng phấn đấu để đạt tới khi họ triển khai hệ thống các ý nghĩa trong tư tưởng của con người, và cũng là một lý tưởng bị hầu hết người duy tâm chủ nghĩa cho rằng loài người không bao giờ đạt tới. Vì thế, thuyết này được biết tới như là thuyết tính nhất quán của chân lý.
 

2. Tính chất nhất quán

Chân lý của lịch sử

Thuyết tính tương ứng của chân lý gặp khó khăn đáng kể đối với các sự thật (chân lý) lịch sử. Nếu một ý tưởng chỉ đúng với điều kiện có thể chứng minh rằng nó tương ứng với một đối tượng hiện hữu ngoại tại, thì lúc ấy không thể nào kiến lập được chân lý, thí dụ lời quả quyết rằng "Việt Nam có triều đại Hồng Bàng với 18 đời vua Hùng". Chúng ta hoặc phải giả định rằng các phán đoán lịch sử đều không đúng hoặc phải tìm cho ra một định nghĩa về chân lý, ăn khớp với các phán đoán lịch sử.

Ðặïc điểm của các dân tộc thời cổ là đánh dấu lòng tôn kính những nhân vật lỗi lạc bằng cách qui cho họ các đặc điểm có vẻ như siêu nhân. Thí dụ Thánh Gióng, Sơn thần Tản Viên, v.v. Các đệ tử của Pythagoras quả quyết rằng ông được thụ thai bởi Thượng đế trong cung lòng của một người nữ đồng trinh, và ông có một bắp đùi bằng vàng.

Ngày nay, không một người đang sống nào có thể khẳng định, theo thuyết tính tương ứng của chân lý, về việc liệu Pythagoras có sở hữu một bắp đùi bằng vàng hay không. Tuy thật an toàn khi giả định rằng không người bình thường nào tin điều đó vì nó không nhất quán với sự am hiểu của con người về sinh lý học (physiology). Như thế, sự hoài nghi ấy có đang được biện minh hay không?

Chân lý theo hậu hiện đại

Thêm nữa, lịch sử nói chung chỉ là thông giải trên những thông giải có chọn lọc sự kiện của rất nhiều người thuộc rất nhiều thế hệ sống tại nhiều xứ sở và vào nhiều thời đại khác nhau. Phong trào hậu hiện đại chủ nghĩa cũng đưa ra một quan điểm có tính phủ định về cái gọi lã "giá trị của lịch sử". Trong khi *Michel Foucault (1926-1984), triết gia Pháp, cho rằng tất cả những gì ông viết, kể cả về khảo luận và lịch sử, cũng chỉ có tính hư cấu, thì một nhà văn và triết gia khác của Pháp khác là *Jean-Francois Lyotard (1924-1998) đưa ra cái nhìn "cạn kiệt" (exhaustion) hơn.

Ông cho rằng hệ thống niềm tin và hệ tư tưởng nào cũng có các "đại tự sự" của nó, nhằm tường thuật và biện minh cho thực tiễn cùng niềm tin của nó. Trong văn hóa Hoa Kỳ, đại tự sự có thể là câu chuyện tường thuật rằng chế độ dân chủ là hình thức khai sáng nhất (tức là sở đắc chân lý nhất), và rằng chế độ dân chủ có khả năng cũng như chắc chắn sẽ đưa loài người trên địa cầu này tới hạnh phúc. Ðại tự sự của chủ nghĩa Marx là ý tưởng rằng theo tiến trình lịch sử không sai chạy, *chủ nghĩa tư bản dứt khoát sẽ sụp đổ và loài người tất yếu tiến lên thế giới *xã hội chủ nghĩa phi giai cấp, và người cộng sản ở đỉnh cao trí tuệ vì đang nắm được chân lý đó. (Xem Ðại cương triết học Tây phương, cùng một soạn giả).

Nhất quán với tri thức

Trong thời thơ ấu của đời mình, hầu hết người Canada xóm giềng của tôi đều tin có ông già Noel, và rồi sau đó họ không còn tin nữa. Có nhiều lý do cho sự thiếu đức tin ấy nhưng lý do mạnh mẽ nhất là nó không nhất quán với tri thức tổng quát của chúng ta về một cá nhân mà có thể trong cùng một thời điểm, xuống trong hàng triệu ống khói tại những miền đất khác nhau của địa cầu.

Có điều việc tin hay không tin vào ông già Noel cũng vẫn tương đối phù hợp với các giai đoạn của cuộc đời. Như lời tự thú của một nhà văn phương Tây: Ðờøi tôi có ba giai đoạn (1) tin có ông già Noel; (2) không tin có ông già Noel; và (3) muốn được làm ông già Noel. Cái đó cũng khá giống với tâm tình của người Việt. Lúc béù thích nghe kể truyện tiên, lớn lên không tin có tiên, nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy "sướng như tiên", lòng lâng lâng với cảm giác thoát tục như "tiên ông" hoặc soi gương cảm thấy mình có dung nhan siêu phàm "tiên nữ".

Tuy thế, điểm phê phán thích đáng nhất các vấn đề đó và các học thuyết tương tự là sự không nhất quán của chúng với tri thức khoa học thời đại. Một độc giả có trí thông minh trung bình hẳn sẽ không chịu chấp nhận như một thực tế cái đang xung khắc quyết liệt với tri thức đã được thiết lập.

Bất cứ lời tuyên bố mới mẻ nào về tính trung thành trí thức trước hết phải cho thấy rằng nó không hàm chứa sự bác bỏ tất cả những gì đã được thông qua về mặt tri thức khoa học. Do đó, tiêu chuẩn nhất quán được sự ủng hộ của kinh nghiệm thông thường cũng như thực tiễn của các sử gia.
 

3. Tính chất toàn diện

Nhất quán chưa là thật

Nhất quán là tính chất ắt có nhưng chưa đủ. Ai cũng biết rằng kẻ nó dối chẳng cần phải lão luyện lắm cũng có thể sắp xếp một câu truyện tương đối nhất quán. Có một kỷ niệm mà khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy ngượng ngùng. Thuở bé, tôi bị "bọ mạ" cấm không được tới sát bờ sông Nhật Lệ hay đầm nước ngăn làng Hàm Hòa quê tôi với đường cái quan trước mặt làng Võ Xá, vì tôi còn nhỏ quá, chưa thể tập bơi.

Tôi ham chơi với bè bạn, không nghe lời cha mẹ, và gặp hậu quả rủi ro là bị té xuống nước. Trên đường về nhà, áo quần ướt đẫm, mặt mày ủ rủ, lòng lo thắt ruột sợ bị ăn đòn. Tôi bèn bịa ra một "tiểu tự sự" cực kỳ giản dị, trước sau như một, nghe không cấn cái chút nào, để giải thích về diện mạo và quần áo của mình mà khỏi phải thừa nhận rằng mình đã phạm tội không vâng lời mẹ cha.

Kinh nghiệm ấy của tôi và chắc chắn còn rất nhiều kinh nghiệm khác của những người khác, cho thấy một mình tính chất nhất quán không thể nào đủ để quyết định chân lý của một lời phát biểu. Vì thế, cần tới tính chất toàn diện (comprehensiveness).

Toàn bộ thực tế

Một "kịch bản" (scenario) dối trá không thể đứng vững nếu người nghe để ý tới toàn bộ thực tế với hết thảy các sự kiện. Ðiều ấy, ít nhất được giả định trong lý thuyết mang tính duy tâm chủ nghĩa về tri thức. Nếu người nghe chú ý tới mọi sự kiện, và ý nghĩa của các sự kiện ấy đan quyện vào nhau làm thành một hệ thống nhất quán, thì kết quả chắc chắn là cái được gọi là chân lý.

Người duy tâm chủ nghĩa thích trình bày rằng khái niệm ấy về chân lý quả thật đúng là cái được nhà khoa học có ý nói tới bằng từ ngữ chân lý. Khoa học là một hệ thống các ý nghĩa được phát triển qua rất nhiều năm trời bằng vô số nỗ lực thông giải của các nhà khoa học. Tới hôm nay, hệ thống các ý tưởng được gọi là khoa học ấy phình lớn tới độ không nhà khoa học đơn độc nào có thể tự cho là mình sở hữu toàn bộ; trên thực tế, khoa học ngày nay là nỗ lực hợp tác.

Yêu cầu số một của khoa học

Trong hệ thống các ý tưởng ấy – vốn vượt quá cá nhân mỗi người – có một yêu cầu được nhà khoa học xem trọng hơn cả. Cho tới giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn rằng nên xem ánh sáng dưới dạng các hạt phân tử hay các gợn sóng, vì cái nào cũng có bằng chứng; nhưng đánh giá nước đôi này bị xem là khuyết điểm của khoa học. Cho mãi tới gần đây, với thao tác của cơ học lượng tử, vấn đề mâu thuẫn ấy đã được giải quyết và đưa ra lời thông giải nhất quán cho bản tính của ánh sáng, rằng các hạt chuyển động theo dợn sóng!

Nhà khoa học nào cũng phấn đấu để đạt tới tính chất nhất quán trong tư duy của mình và trong lý thuyết khoa học tổng quát. Ta khó lòng làm cho nhà khoa học chân chính tin vào sự hiện hữu của những người đẹp hồ ly liêu trai, vì chỉ việc nghe nói tới chuyện đó thôi cũng đã cảm thấy nó mâu thuẫn với lý thuyết khoa học đã được chấp nhận.

Nhà khoa học muốn có tính chất nhất quán nhưng y không xem nó là tiêu chuẩn tối thượng. Tiêu chuẩn tối thượng là tính chất toàn diện, vì không một nhà khoa học chân chính nào chấp nhận là đúng bất cứ cái gì ngăn không cho các sự kiện nhất định lọt vào tầm đánh giá. Do đó, tính chất nhất quán phải cân bằng với tính chất toàn diện.
 

4. Nan giải trong thuyết tính nhất quán

Quan điểm của duy tâm

Thuyết tính nhất quán của chân lý dựa trên lời quả quyết rằng tri thức tương đương với một hệ thống các ý nghĩa vừa nhất quán vừa toàn diện. Lập trường ấy đưa tới kết luận rằng chân lý độc lập với sở thích của cá nhân hoặc xã hội, và hoàn toàn khách quan. Về mặt lý thuyết, nó cũng đưa tới kết luận rằng có một hệ thống hoàn toàn nhất quán và toàn diện của các ý tưởng, có thể được gọi một cách thích đáng là Chân lý với chữ C viết hoa.

Chưa từng có cá nhân hoặc nhóm người nào đạt tới một hệ thống tổng hợp hết thảy các sự kiện trong một qui cách nhất quán từ đầu chí cuối. Chân lý tuyệt đối là một lý tưởng. Không ai sở hữu toàn bộ chân lý và như thế, chủ nghĩa duy tâm phải hàm chứa thành tố của chủ nghĩa hoài nghi trong việc đánh giá hết thảy các quả quyết về chân lý.

Ðối với người duy tâm chủ nghĩa, chân lý là cái gì đó ở ngoài tầm tay; nó là một lý tưởng mà ta phấn đấu vươn tới nó và là lý tưởng không thể đạt tới. Tất cả những gì chúng ta có thể đòi hỏi nơi nhà tư tưởng là sự lương thiện trí thức; sự lương thiện này sẽ chứng tỏ bằng lời y khẳng định rằng mọi biến cố, mọi sự kiện đều đã được y lưu tâm tới và chúng quyện vào nhau làm thành một hệ thống nhất quán. Chỗ nào thiếu tính nhất quán hoặc thiếu tính toàn diện, chỗ đó ẩn chứa những hoài nghi nghiêm trọng về tính chất thỏa đáng của hệ thống ấy.

Thuyết tính nhất quán của chân lý không nhất thiết bị giới hạn trong những người duy tâm chủ nghĩa dù họ là những kẻ ủng hộ nồng nhiệt nhất. Một số nhà tư tưởng, thí dụ Samuel Johnson (Dr. Johnson), quả quyết rằng sự tiếp cận thích đáng tri thức phải là một kết hợp của lý thuyết về tính nhất quán của chân lý với lý thuyết tổng quát mang tính duy thực chủ nghĩa (the general realistic theory) về chân lý. Ta có thể lấy thí dụ tiêu biểu từ những người như Bertrand Russell.

Các khó khăn nội tại

Việc xem xét tính khả thi ấy nằm quá bên kia những giới hạn mà chúng tôi dự tính cho khuôn khổ của cuốn sách này. Sở dĩ chúng tôi đề cập sơ qua khả năng đó chỉ vì muốn gợi ý rằng rõ ràng chủ nghĩa duy tâm gặp nan giải trong cách khẳng định các sự kiện. Lý tưởng của tính chất toàn diện tùy thuộc vào việc bạn nhận ra các sự kiện tuy không nhất quán với hệ thống nhưng nếu muốn cải thiện hệ thống ấy để cho nó đạt tiêu chuẩn khoa học, bạn buộc lòng phải tính tới chúng, như trường hợp những tính sai về sao Thủy và lý thuyết mang bản sắc Newton.

Làm thế nào một hệ thống vốn định nghĩa chân lý là nhất quán và toàn diện lại nhận ra cái gì đó không thể ăn khớp với hệ thống ấy như một thực tế?

Chủ nghĩa duy tâm đi liền với giả định có bản tính tuyệt đối của chân lý trong khi nó phủ định việc cá nhân hoặc nhóm người nào đó có thể đạt được chân lý. Ðồng thời nó bác bỏ khả năng kiến lập chân lý của một ý tưởng bằng cách đối chiếu ý tưởng như một đặc thù với một đối tượng đặc thù.

Ngoài những khó khăn liên quan tới việc đối chiếu một ý tưởng với một đối tượng không thể nhận thức, người duy tâm chủ nghĩa quả quyết rằng hết thảy các ý tưởng đều có tính phổ quát và không thể viện dẫn những cái đang có tính đặc thù. Một khi đã công nhận tính phổ quát của ý tưởng và như thế, cũng thừa nhận rằng tâm trí tích cực trong quá trình biết, lúc đó lập trường mang tính duy tâm chủ nghĩa đưa ra một xác quyết mạnh mẽ có thể được chấp nhận.
 

VI. Thuyết tính công cụ của chân lý

1. Chân lý với giải pháp

Phản bác duy tâm và duy thực

Có thể nói cả người duy tâm chủ nghĩa lẫn người duy thực chủ nghĩa đều là những kẻ tin vào chân lý tuyệt đối và đều biện minh cho khoa học và triết học trong cuộc truy tầm chân lý ấy. Cả hai có thể sai lầm trong giả định đó, và nếu có thể chứng minh sự sai lầm ấy, lúc đó có khả năng phê phán triệt để các khái niệm của họ về chân lý. Cả người tự nhiên chủ nghĩa lẫn người duy vật biện chứng đều đánh giá là chúng sai lầm; và chúng ta nhất thiết phải xem xét các phản bác của họ trước khi có thể đạt tới các kết luận chung cuộc.

Ngày nay, không kém hai thuật ngữ chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa tự nhiên có ý nghĩa rất co giản tới độ không thể đưa ra lời phát biểu minh bạch, như một tổng thể, về các học thuyết của nó.

John Dewey và công cụ

Với mục đích hạn chế của mình, có lẽ chúng ta chỉ cần chú trọng đến chủ trương của John Dewey, một học thuyết đôi khi được gọi là *công cụ chủ nghĩa (instrumentalism). Triết gia và nhà giáo dục người Mỹ ấy khởi đầu sự nghiệp như một người duy tâm chủ nghĩa, và cho đến nay, trong hệ thống của ông vẫn tồn đọng nhiều yếu tố của thuyết duy tâm.

Một phần do bối cảnh duy tâm của mình và một phần bởi nhiều lý do khác, Dewey nghĩ rằng không có người duy thực chủ nghĩa nào nói được điều gì có ý nghĩa về tri thức. Chúng ta cần nhớ rất kỹ ý tưởng độc đáo ấy của Dewey; nó như một lời giáo đầu, dọn đường cho những trình bày về sau của ông. Ngoài ảnh hưởng của duy tâm chủ nghĩa, còn có một sức mạnh đáng kể khác un đúc nên tư tưởng của Dewey, đó là thuyết tiến hóa.

Tư duy là để mưu sinh thoát hiểm

Chịu ảnh hưởng sâu đậm của các khái niệm sinh vật học (biology), Dewey nhấn mạnh sự thích nghi của sinh vật đối với môi trường. Ðối với ông, sự kiện ấy có vẻ là một đòi buộc chính yếu do thiên nhiên áp đặt. Về phần con người, hầu như đều được trang bị các đáp ứng thích đáng nên không cần phải dùng dằng suy đi tính lại, mỗi người chỉ việc sống tự nhiên, như thể mình hằng ngày hít vô thở ra.

Theo Dewey, đôi khi qua sự biến đổi quyết liệt của môi trường, sinh-vật-người thấy mình không có sẵn một đáp ứng thích đáng nào nên nó phải xoay xở cho ra một giải đáp để tiếp tục sống còn. Do đó có nhu cầu suy nghĩ. Nếu tương quan giữa sinh-vật-người và môi trường được mô tả bằng từ ngữ "hoàn cảnh" hoặc "tình huống", thì người ta có thể cho rằng tư duy chỉ thiết yếu khi có một hoàn cảnh hay một tình huống bị sụp đổ, thí dụ khi con người không có phản ứng đã thành tập quán nào thích hợp với môi trường biến đổi ấy.

Thí dụ minh họa

Có thể dùng một câu truyện rất đơn giản làm thí dụ minh họa cho lập luận trên. Hãy tưởng tượng bạn đang đi dạo qua một cánh rừng xa lạ. Con đường mòn trước mặt bạn rẽ về hướng có cành lá rậm rạp với ánh mặt trời chiếu lung linh qua kẽ lá. Bạn thoải mái bước đi, rồi đặt chân vào vùng im mát ấy, chìm mình trong bầu không khí êm dịu, không một chút suy nghĩ.

Kế đó bạn đứng lên, thoải mái đi tiếp. Qua khỏi vùng cây cối rậm rạp ấy, con đường dẫn bạn sang hướng tay phải. Ðột nhiên bạn thấy trước mắt mình một con sông đào. Sông ấy quá sâu nên không thể lội qua, và bạn thì chẳng biết bơi. Sông cũng khá rộng nên bạn không thể nhảy qua. Nhìn quanh, đôi bờ chẳng bắc một nhịp cầu nào!

Giải quyết vấn đề thực tiễn

Con sông ấy tiêu biểu cho sự sụp đổ của một hoàn cảnh hay tình huống, vì các phản ứng đã thành thói quen của bạn không đáp ứng được tình huống hay hoàn cảnh đó. Ban cần phải suy nghĩ. Ở đây, hành động tư duy có nghĩa là giải quyết một vấn đề, và đó là cái Dewey có ý nói tới trong triết học của ông. Tư duy không là phương tiện để khám phá bản tính của thực tại tối hậu (nature of ultimate reality), mà là công cụ thực hành (practical instrument), được dùng để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thực tiễn.

Tư duy liên quan tới một hoàn cảnh hay tình huống đang rã ra từng mảnh tới độ đánh mất thế cân bằng của nó, và vì thế xuất hiện vấn đề. Công tác đầu tiên là khảo sát hoàn cảnh, cân nhắc các sự kiện thích đáng để tiến tới giải pháp cho vấn đề. Với các sự kiện được cung cấp, điều thiết yếu là lập thành giả thuyết, một kế hoạch hành động, hướng thẳng tới giải pháp. Giải pháp gợi ý này, như một giả thuyết, có thể phải bị kiểm tra bằng cách thử và tìm cái sai, với một giải pháp thật sự của vấn đề như là kiểm tra duy nhất tính chất thỏa đáng của nó.

Ý tưởng là đường hướng hành động

Nếu gọi giả thuyết hoặc kế hoạch gợi ý là ý tưởng, chúng ta có thể thấy sự dị biệt của Dewey so với lập trường mang tính duy thực chủ nghĩa. Với Dewey, ý tưởng không là hình ảnh của đối tượng hiện hữu từ trước mà là đường hướng hành động được đề xuất để khôi phục sự cân bằng của một hoàn cảnh rối loạn.

Vì các ý tưởng là kế hoạch hành động nên cái được chúng nhắm tới là tương lai chứ không phải quá khứ. Chừng nào các ý tưởng còn là thành tố của tri thức, chừng đó tri thức vẫn phải viện dẫn tới – nghĩa là tham chiếu – tương lai. Tri thức được định nghĩa, theo Dewey, là sự khẳng định có cơ sở.

Ðối với Dewey, hệ quả của phân tích vừa kể cho thấy thật vô nghĩa khi nói tới chân lý tuyệt đối, vì tri thức hoặc chân lý đều bị giới hạn trong các giải pháp cho các vấn đề cá biệt. Chân lý có tính tương đối đối với các hoàn cảnh (hay tình huống) cá biệt, và có bao nhiêu giải pháp cho vấn đề thì có bấy nhiêu chân lý.
 

2. Chủ nghĩa tự nhiên và khoa học

Khoa học và mối quan hệ

Dewey đánh giá khái niệm này về chân lý phù hợp với tinh thần tổng quát của khoa học hiện đại đồng thời thể hiện trong tự thân nó các phương pháp thẩm tra hiện đại. Quả không sai chút nào khi cho rằng công cụ chủ yếu của khoa học hiện đại là giả thuyết, cái có thể dược thông giải là suy tưởng có cơ sở về những nối kết tự nhiên của các biến cố.

Khoa học không quan tâm tới bản tính của đối tượng; nó xem bản tính đã hiện hữu sẵn ở đó trước khi xảy ra hành động biết. Khoa học chỉ quan tâm tới cách nắm bắt tương quan giữa các biến cố trong chừng mực chúng có thể bị biến đổi bởi hành động, hầu sản sinh các kết quả đúng với ý muốn.

Khoa học là tìm giải pháp

Theo Dewey, cùng chết theo với Galileo là khái niệm xem khoa học như một bộ môn thuần túy lý thuyết, chỉ liên quan tới cách khám phá bản tính (nature) và yếu tính (essence) của vạn vật. Nhà tiên phong vĩ đại người Ý ấy đã giới thiệu cho loài người sự thí nghiệm (experimentation) như một phương pháp chân chính của khoa học.

Thí nghiệm có nghĩa là huy động và kiểm soát các sự kiện theo những phương thế dẫn tới giải pháp cho các vấn đề cá biệt. Và đó là ý nghĩa của chân lý. Khoa học không quan tâm tới việc lập thành hay khám phá một hệ thống tối hậu nào đó của các ý tưởng được gọi là Chân lý vì nó toàn hảo (Truth par exellence). Khoa học chỉ quan tâm tới giải pháp cho các vấn đề cá biệt.

Dewey chấp nhận hai tiêu chuẩn nhất quán và toàn diện của người duy tâm chủ nghĩa là rất hữu ích trong một hoàn cảnh hay tình huống hữu hạn, vì mục đích từ đầu chí cuối của thẩm tra vẫn là để giải quyết các vấn đề và khôi phục sự cân bằng đang bị thất tán.

Dewey bác bỏ sự viện dẫn ở quá bên kia các hoàn cảnh hay tình huống cá biệt. Các vấn đề nảy sinh trong các hoàn cảnh tự nhiên, bị giới hạn trong các hoàn cảnh tự nhiên, như thế, sở dĩ có được các giải pháp cho chúng là nhờ các phương thế tự nhiên và kết quả được lượng định bằng các hệ quả tự nhiên.

Chân lý gắn liền hành động

Không nhà khoa học nào sẵn sàng chấp nhận một lý thuyết mới chỉ vì nó nhất quán và toàn diện; nó phải cho thấy tính hữu hiệu của nó trong việc xử lý các tình huống tự nhiên. Chính sự đòi hỏi các giải pháp phải áp dụng vào các điều kiện tự nhiên và phải đáp ứng thỏa đáng các yêu cầu của tình huống tự nhiên khiến Dewey cho rằng không thể bác bỏ các luận cứ chống lại khái niệm của người duy tâm chủ nghĩa về việc họ xem chân lý là tuyệt đối.

Vì chân lý được thẩm định hay đo lường bằng tình huống tự nhiên nên có nghĩa rằng chân lý được khẳng định bằng việc làm một cái gì đó, việc giải quyết một vấn đề nào đó. Có thể trình bày quan điểm ấy một cách kỹ thuật hơn, rằng không thể cách ly chân lý với hành động.

Khoa học phục vụ nhân sinh

Không thể quan niệm khoa học là khán giả với thái độ chỉ quan tâm tới việc thu thập và tích lũy thông tin về thế giới để thỏa mãn tính hiếu kỳ thuần lý thuyết. Khoa học đảm trách nghĩa vụ làm cho con người được sống êm ái hơn trong phận người; và nó chỉ có thể thực thi trách vụ đó qua sự triển khai các phương pháp kiểm soát hiện tượng vật lý và xã hội.

Ðối với Dewey, đôi khi sự phân biệt giữa khoa học thuần túy và khoa học ứng dụng hoàn toàn không có ý nghĩa vì ông khẳng định rằng toàn bộ khoa học phải có tính ứng dụng. Lý thuyết của Einstein có thể làm thỏa mãn sở thích thuần lý thuyết vì vẻ đẹp "cao nhã" các bài giải toán học của nó, nhưng ý nghĩa thật sự của nó tiềm ẩn trong các khả thi của năng lượng hạt nhân mà nó vén lộ để có thể khai thác làm ra điện năng phục vụ cho lợi ích của con người.

Giới hạn của người tự nhiên

Người tự nhiên chủ nghĩa quả quyết rằng chỉ có phương pháp khoa học mới có thể tuyên bố về khả năng đạt tới các kết quả bảo đảm và có ý nghĩa mà không bị đặt vấn đề. Mọi tư duy thỏa đáng đều phải đi theo mô hình giống như mô hình của khoa học. Quan điểm này hàm chứa sự viện dẫn các sự kiện, vẫn còn ở trong các hoàn cảnh tự nhiên và vẫn còn huy động vạn vật dưới sự hướng dẫn của các giải pháp được đề nghị cho các vấn đề cá biệt.

Chủ nghĩa tự nhiên không thể công nhận giá trị của những lời quả quyết về các thực thể được giả định là đang ở bên ngoài giới hạn của các sự kiện tự nhiên nhưng nó tự giới hạn nó vào việc xem xét các ý tưởng ấy như một diễn đạt các lý tưởng thích đáng cho một xã hội cá biệt và cống hiến những gợi ý về việc sử dụng các công cụ tự nhiên để đạt được các mục tiêu mong muốn.

Không vị vọng cổ truyền

Các mục đích ấy không được xem là đúng một cách vĩnh viễn và ràng buộc vĩnh viễn mọi người; chúng phải được khẳng định bằng thao tác của trí tuệ trong từng hoàn cảnh. Minh triết tích lũy trong quá khứ có thể được tham chiếu để có những gợi ý khi xử lý vấn đề nhưng không thể tham cứu để có câu trả lời với đầy đủ thẩm quyền.

Không có mục đích nào cùng cách thức xử lý vấn đề nào là bất khả xâm phạm. Chừng nào con người còn tin vào thẩm quyền của các giải đáp cổ truyền, chừng đó các hoạt động xã hội vẫn còn tiềm ẩn khả năng sai lạc.

Khi loài người nhận ra rằng định mệnh xã hội của nó nằm trong năng lực của nó và rằng nếu được điều khiển một cách thích đáng, trí tuệ sẽ là công cụ lập thành giải pháp cho vấn đề, lúc ấy, loài người sẽ ở trong tư thế xử lý thỏa đáng các vấn đề đạo đức và xã hội đang thôi thúc nó từng ngày.

Do đó, đối với người tự nhiên chủ nghĩa, chân lý được xác định trong liên quan tới các giải pháp hữu hiệu ấy, và không viện dẫn tới các đối tượng hiện hữu từ trước như chủ nghĩa duy thực quả quyết, hoặc tới một hệ thống tối hậu của các ý nghĩa như chủ nghĩa duy tâm quả quyết. Chân lý không thể nào cách ly với hành động.
 

3. Lý thuyết Marx và chân lý

Có khả năng kiểm tra chân lý

Người tự nhiên chủ nghĩa chấp nhận lý thuyết về tính tương đối của các giá trị liên quan tới chân lý (truth) cũng như tới đạo đức (morality) và thẩm mỹ học (aesthetics). Cơ sở của chấp nhận ấy là sự chủ yếu nhấn mạnh giá trị của khoa học khi nó được thật sự ứng dụng. Sự nhấn mạnh tính ưu việt của khoa học và tính tương đối của các giá trị đã mang chủ nghĩa tự nhiên tới gần lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Người theo chủ nghĩa Marx khăng khăng về tính chất ưu quyền của khoa học và quảng bá rằng chỉ có chủ nghĩa Marx mới là lý thuyết kết tập tinh thần chân chính và nội dung của khoa học. Ðã có thời thỉnh thoảng cơn phóng đại đó lên quá tầm cao của nó khi những kẻ hiến mình cho hệ thống ấy lập luận rằng Marx và Engels quả thật đã nhìn thấy trước các kết luận của Einstein. Tuy thế, ở đây, vấn đề quan trọng đối với chúng ta là sự khẳng định của người theo chủ nghĩa Marx rằng lý thuyết phải đi đôi với hành động và rằng kiểm tra chân lý là một việc khả thi trong thực tế.

Mọi chân lý đều tương đối

Nhà khoa học tìm kiếm từ cuộc nghiên cứu của y những phát biểu về các định luật tự nhiên. Kết quả đó chưa được người theo chủ nghĩa Marx đánh giá là tri thức mà phải đợi cho tới khi hành động được sự hướng dẫn của một trong các định luật ấy sản sinh những biến cải có tính dự báo các hoàn cảnh tự nhiên.

Tiếp đó, chủ nghĩa Marx không thể chấp nhận khái niệm mang tính duy thực chủ nghĩa về chân lý, vì tri thức không là vấn đề biểu hiện chính xác cái gì đó đang hiện hữu sẵn ở đó, trước khoảnh khắc thẩm tra và không bị tác động bởi sự thẩm tra. Với Marx, chân lý phát sinh từ các hoàn cảnh vật chất và nó được biểu thị trong sự kiểm soát các điều kiện vật chất, cái được cung cấp bởi các ý tưởng như những công cụ của hành động. Như thế, mọi chân lý đều có tính tương đối.

Vật chất là nguồn của ý tưởng

Dù tuyên bố rằng mình mang tính duy vật chủ nghĩa, chủ nghĩa Marx buộc lòng phải đưa ra ý nghĩa rất rộng cho từ ngữ "vật chất" để gồm vào trong thuật ngữ đó các lực lượng kinh tế của xã hội. Vì đối với chủ nghĩa Marx, chính vật chất là nguồn gốc của ý tưởng và vì vật chất liên tục biến đổi nên không ý tưởng nào có tính tuyệt đối và thường tại. Mọi ý tưởng đều tương đối theo thời kỳ nó được phát biểu và phản ánh các tình huống trong thời điểm ấy.

Theo Marx, ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc quyết định các ý tưởng của xã hội xoay quanh sự sở hữu các phương tiện (tư liệu) sản xuất. Người làm chủ phương tiện sản xuất, trong bất cứ kỷ nguyên nào, cũng vẫn là kẻ quyết định các ý tưởng dẫn đạo kỷ nguyên đó. Các nhà khoa học và các triết gia sẽ phản ánh ảnh hưởng này trong các phát biểu của họ; họ không được phép tiếp tay làm loa phóng thanh cho giai cấp thống rtị.

Khi quyền làm chủ các phương tiện sản xuất thay đổi, các ý tưởng dẫn đạo cũng thay đổi theo. Khái niệm về chân lý tuyệt đối là mê tín, lạc hậu, có xuất xứ từ giai đoạn lịch sử cổ đại Hi Lạp trong đó mối quan tâm vào những cái tuyệt đối phản ánh bản tính của xã hội Hi Lạp thời đó.

Chân lý để đấu tranh

Duy vật chủ nghĩa hiện đại – bằng sự nhấn mạnh của nó vào quá trình diễn tiến và sự giải thích của nó về nguồn gốc của ý tưởng – có trong chính nó ý kiến được kiến lập quá bên kia vấn nạn rằng chân lý có tính tương đối.

Chân lý của một ý tưởng được quyết định bởi các hệ quả xã hội của nó, và không ý tưởng nào được xem là xác thực trong học thuyết mang tính chủ nghĩa Marx, vốn không đi xa hơn cuộc đấu tranh lịch sử nhằm giải phóng con người khỏi sự bóc lột của những kẻ hiện đang sở hữu phương tiện sản xuất.
 

VII. Tóm lược

Theo duy thực chủ nghĩa

Người duy thực chủ nghĩa khẳng định rằng nhà khoa học chấp nhận thực tế hiện hữu một thế giới bên ngoài y và độc lập với mối quan tâm của y. Bằng tất cả năng lực của mình, nhà khoa học tìm cách khám phá thế giới đó. Nhà khoa học cũng giả định rằng đối tượng được biết không bị biến đổi chút nào vì thực tế nó là cái được biết; trong khi được biết thì nó vẫn tiếp tục y như cũ vì nó là khách thể, không chịu sự tác động của chủ thể.

Còn nữa, nhà khoa học sẵn sàng kiểm tra những phát biểu của y bằng cách viện dẫn cảnh giới của các sự kiện được quan niệm là bao quanh cái y đang tra vấn. Do đó, thủ tục tiến hành của nhà khoa học có thể được xem là nằm trong mô hình tổng quát của chủ nghĩa duy thực.

Theo duy tâm chủ nghĩa

Người duy tâm chủ nghĩa khách quan đồng ý rằng nhà khoa học quan tâm tới thế giới được cung cấp cho y qua kinh nghiệm. Tuy thế, không thể giải thích khoa học như một khối kết dính các phát biểu rời rạc, vì nó là một hệ thống các ý nghĩa, đối tượng của hai tiêu chuẩn nhất quán và toàn diện.

Ngày nay, hệ thống các ý nghĩa này cực kỳ lớn tới độ không một cá nhân nào có khả năng nắm bắt nó, do đó, các nhà khoa học đều tin rằng những phát biểu của cá nhân y, bằng cách nào đó, ăn khớp với hệ thống ấy một cách nhất quán. Chúng ta đã đưa ra một thí dụ minh họa cho tình trạng đó bằng vấn đề bản tính của ánh sáng. Khoa học không hoan hỉ khi chứng kiến có các ý kiến mâu thuẫn. Nó tìm kiếm các định nghĩa hoặc các lý thuyết để có thể giải thích một cách nhất quán mọi hiện tượng.

Thường xuyên duyệt xét

Khoa học, như một hệ thống các ý nghĩa, là một hệ thống đang khai triển. Các thông tin mới mẻ, tuy không thể thừa nhận mà không cảm thấy mâu thuẫn nhưng cũng không thể bác bỏ, đang đòi hỏi một sự duyệt xét các lý thuyết khoa học để có thể giải thích chúng.

Sự duyệt xét về vật lý học trong thế kỷ 20 dưới tác nhân kích thích của Albert Einstein và Stephen Hawking liên quan tới sự duyệt xét các lý thuyết mang bản sắc Newton để thích nghi với các thực tế mới. Một sự duyệt xét như thế chỉ cần thiết nếu ta giả định rằng khoa học lấy hai tính chất thiết yếu là nhất quán và toàn diện làm định chuẩn chân lý của nó.

Theo tự nhiên và duy vật chủ nghĩa

Người tự nhiên chủ nghĩa và người duy vật chủ nghĩa nhấn mạnh thực tế rằng khoa học bắt đầu với và tiếp tục tồn tại trong cảnh giới của các sự kiện tự nhiên. Nhà khoa học quan tâm tới việc phát hiện những nối kết tự nhiên giữa các biến cố nhằm gia tăng tầm kiểm soát chúng.

Những nối kết ấy được khám phá bởi các phương thế như lập giả thuyết và tiến hành thí nghiệm. Nghiên cứu hàm chứa sự vận dụng các dữ liệu, và chân lý được kiểm tra bằng sự biến cãi các hoàn cảnh tự nhiên theo sự hướng dẫn của các ý tưởng.

Người tự nhiên chủ nghĩa và người theo chủ nghĩa Marx biểu lộ thái độ chung của họ bằng cách đồng thanh ca ngợi công trình của Francis Bacon. Bacon lập luận rằng chỉ có thể sở đắc tri thức qua kiên trì chất vấn tự thân các sự kiện và rằng tri thức sở đắc ấy không phải để làm thỏa mãn sở thích thuần lý thuyết nhưng để tiếp tay làm cho số phận của con người được dễ chịu hơn. "Tri thức và Quyền năng hiệp thành Một" (Knowledge and Power meet in One). Tri thức về các nối kết tự nhiên cho ta quyền năng kiểm soát, và quyền năng kiểm soát này là bản đảm duy nhất và thích đáng cho tri thức đã được sở đắc.

Khoa học vị nhân sinh

Vấn đề đó dễ trở thành vấn nạn rằng ngang mức nào thì khoa học bị gọi là có tính suy tưởng. Giả dụ khoa học chỉ quan tâm tới sự kiểm soát đúng như lời quả quyết của người tự nhiên chủ nghĩa và người theo chủ nghĩa Marx, thì suy tưởng của nó sẽ bị hạn chế bởi các hoàn cảnh hay tình huống thực tiễn.

Mối quan tâm làm dễ chịu thân phận con người sẽ quyết định loại vấn đề thẩm tra nào. Trên cơ sở ấy, không thể quan niệm khoa học như một công cụ chỉ nhằm làm thỏa mãn tính hiếu kỳ thuần túy của con người.

Nhưng không hẳn vị tri thức

Cả người duy thực chủ nghĩa lẫn người duy tâm chủ nghĩa đều bác bỏ giới hạn ấy của tra vấn khoa học. Họ xác nhận rằng chức năng chính của khoa học là khám phá vạn vật nhằm gia tăng kho tàng tri thức của loài người. Rất có thể những suy tưởng ấy trở nên hữu ích theo ý nghĩa thực tiễn, nhưng đó là ngẫu nhiên so với bản tính của tra vấn.

Thuở xa xưa, tra vấn về bản tính của các lát cắt hình nón được biện minh như một vận động trí tuệ làm gia tăng kho tàng tri thức của loài người. Mãi tới hai ngàn năm sau mới có thể áp dụng tri thức ấy vào thực tiễn.

Mặc dù có sự nhấn mạnh những lợi ích thiết thực, khoa học vẫn có thể được biện minh khi nó đắm mình trong những suy tưởng cho lợi ích của chính nó vì như trong trường hợp vừa kể, thông thường không thể đạt được kết quả thiết thực nếu không có sự suy tưởng tương ứng. Khoa học phải suy tưởng; nó phải đi tới quá bên kia những gì chỉ có tính tức thời và chỉ có tính hiển nhiên. Nó phải được thông giải trong liên quan tới tính hiếu kỳ trí thức và không liên quan tới các yêu cầu thực tiễn

Tác dụng của khái niệm chân lý

Trong chương vừa qua, chúng ta đã gợi ý rằng vấn đề các giá trị là một chủ đề quan trọng trong cách quyết định chọn lựa một hệ thống triết học. Trong lãnh vực triết học, người ta có thể thỏa hiệp về nhiều chủ đề nhưng không thể nào thỏa hiệp về chủ đề ấy.

Nếu bạn chấp nhận tính chất tương đối của các giá trị và của chân thiện mỹ, lúc đó bạn tự gắn bó vào một hình thức nào đó của chủ nghĩa tự nhiên hay chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nó sẽ xác định cho bạn bản tính tổng quát của triết học và loại định hướng bạn sẽ sử dụng trong tra vấn triết học.

Nếu bạn chấp nhận bản tính tuyệt đối của chân lý, bản tự gắn bó mình vào một hình thức nào đó của duy thực chủ nghĩa hoặc duy tâm chủ nghĩa.

Suy tưởng một cách thực tiễn

Ðiều ấy không có nghĩa rằng người duy thực chủ nghĩa và người duy tâm chủ nghĩa không thể quan tâm tới các vấn đề thực tiễn. Hầu hết các triết gia xem rất trọng việc áp dụng các nguyên tắc của họ vào thực tiễn.

Ðiều ấy thật ra chỉ có nghĩa các triết gia không thể chấp nhận cái kết luận cho rằng suy tưởng thì chẳng ai ưa hoặc chỉ nên giới hạn nó trong các vấn đề thực tiễn, và rằng sự thỏa mãn tính hiếu kỳ trí thức thì trái ngược với ý nghĩa của triết học.K

 

Ngươi không là  tạo sinh, mà là sự biểu hiện (Nhất Hạnh)

TƯ TƯỞNG

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.