.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Em không phải là tạo sinh, mà chỉ là biểu hiện (Nhất Hạnh)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Văn minh & Văn hóa

Gạo chợ, nước sông

  • 17.01.2009 | Rút từ: Learning True Love của Sc. Chân Không
    Tâm Tuệ Hạnh chuyển Việt ngữ

"seul l'amour est plus fort que la violence"
Sc. Chân Không.

Vào những buổi sáng sớm mùa Hè, một làn sương mù trắng mỏng nhẹ nhàng bao phủ những ngọn đồi xung quanh làng Mai. Trở về từ buổi thiền hành sáng nay, tôi gặp bé Thơ đang xách một xô nước tưới cho ba cây mận của bé, thêm chút xíu cho những cây khác trong vườn. Kim Trang và Thục Hiền đang kéo vòi nước tưới cho những cây mận của các cô. Đất ở vùng tây nam nước Pháp giữ độ ẩm ướt tốt nên các cây mận nẩy nở xum xuê hiếm khi cần tưới nước. 1.250 cây mận gợi nhớ lại vào năm 1982, 1983 rất nhiều trẻ em ở phương Tây đã gửi tiền mua cây trồng, biết rằng một ngày nào đó, mứt mận sấy khô sẽ được bán để mua thực phẩm và thuốc men giúp trẻ em đói ở Việt Nam. Ngày nay giấc mơ này đã trở thành sự thực.

Tôi giúp Thơ tưới cây “Thơ cưng, con có nhớ lần đầu tiên khi con đến làng Mai. Cô đưa con xem hình những em bé ở “vùng kinh tế mới” Việt Nam, con và các chị của con đã quyết định để dành tiền giúp các thầy cô trồng mười cây mận. Những cây mận của các con đã nặng trĩu trái ngay từ lúc các con có ước nguyện giúp đỡ các trẻ em khác, con thấy không?” Thơ ngước mặt nhìn tôi, miệng nở một nụ cười e thẹn. Bé xinh đẹp làm sao trong chiếc áo bà ba mầu hồng và chiếc quần lãnh đen, giống y như một cô bé ở Việt Nam vậy.  Mẹ Thơ đã mua bộ quầo áo đậm nét quê hương này từ tiệm bán tặng phẩm làng Mai. Thơ về làng Mai mỗi mùa Hè với toàn thể gia đình từ khi bé mới bốn tuổi. Cả gia đình thực tập chánh niệm với nhau trong một tháng, và trẻ em được học về văn hoá Việt Nam. Bây giờ Thơ đã có thể đọc và viết tiếng Việt, nhưng Thơ khác với tôi thời tôi bằng tuổi bé, và ngay cả cũng khác với các em thiếu niên mới từ Việt Nam sang. Mỗi khi Thơ cầm một cuốn sách Pháp văn, bé đọc tự nhiên như uống một ly nước. Nhưng khi tôi đưa bé một cuốn sách bằng Việt ngữ, bé liếc nhìn vài trang rồi đặt xuống. Khi Thơ viết thư cho tôi bằng tiếng Việt, thư rất ngắn, chỉ viết để làm vui lòng tôi. Nhưng khi bé viết cho bạn bằng tiếng Pháp, thư dài liên tục hàng mấy trang. Nhìn nụ cười thẹn thùng của Thơ, tôi thấy rõ Thơ không thể nào là người Việt Nam một trăm phần trăm như Châu được.

Châu là con gái một gia đình ở miền nam Việt Nam tôi giúp đỡ nhiều năm qua. Ba Châu ở trong trại cải tạo hơn mười năm, và mẹ Châu, một cán sự y tế, đã bị mất việc khi họ khám phá ra chồng chị làm việc cho chế độ quốc gia. Khi Châu chỉ mới hai tuổi và anh của bé, Khang, lên sáu; cả gia đình bị đuổi đi “vùng kinh tế mới“ tận trên rừng sâu. Một đêm Châu ngã bệnh sốt rét. Mẹ bé cột bé địu trên lưng và Khang ngồi ở đòn ngang trước xe đạp, chị còng lưng đạp chở cả hai con đến bệnh viện. Nửa đường, mẹ Châu gặp một người bạn cũ là Thanh, chị của tôi. Chị Thanh viết thư cho tôi về hoàn cảnh gia đình Châu và chúng tôi đã gửi một trợ cấp khiêm tốn, đủ để giúp họ sống còn. Mẹ con Châu về thuê một căn nhà nhỏ ở vùng nghèo nàn của Sài gòn, chỉ vừa đủ để một cái gường, một cái bàn và một cái lò nhỏ. Mỗi sáng, mẹ Châu bán cháo và buổi chiều bán chè dạo trên đường phố. Làm việc quần quật như thế ngày đêm, chị không còn thì giờ để chăm sóc các con nữa. Nhưng với sự trợ giúp của chúng tôi, Khang đã có thể đến trường. Tôi thường nhìn đăm đăm tấm hình mẹ Châu gửi sang. Gương mặt Châu gầy nhỏ, buồn xanh xao và chân bé ốm tong teo như hai cây sậy. Những thùng thuốc tây tôi gửi về để bán mua gạo và sinh tố cho Khang và Châu, dường như không giúp hai bé lên được ký lô nào, nhưng ít ra chúng không bị ngã gục, chết vì bệnh tật như rất nhiều trẻ em khác ở Việt Nam.

Từ suy ngẫm về đời sống ngặt nghèo của Khang, Châu; tôi lại nghĩ đến những người mẹ Việt Nam ở Âu châu. Như những cây tùng bị bứng gốc và trồng rất xa vùng đất mẹ, họ phải phấn đấu hết sức để bắt rễ vững chắc vào quốc gia mới. Như mẹ Thơ bị tràn ngập bởi đống công việc giấy má đơn từ không bao giờ hết mà chị phải hoàn tất bằng một thứ ngôn ngữ chị không hiểu rõ lắm. Chị làm việc toàn thời để nuôi gia đình, nấu ăn, giặt giũ, cho các con ngủ, rồi đến trường ca đêm học Pháp văn. Khi về nhà, dù mệt mỏi rã rời chị lại thu dọn nhà cửa trước khi đi ngủ. Mỗi sáng, chị thức dậy trước 6 giờ, sửa soạn bữa ăn sáng và trưa cho các con, rồi mặc bốn năm lớp áo len dầy cộm và xỏ đôi ủng nặng nề như thách đố với sương tuyết để đón xe buýt đến sở làm. Chị và chồng chị dùng khoảng thời gian ít ỏi có được vào cuối tuần để dạy con học tiếng và văn hoá Việt. Bất kể sự cố gắng của ba má, Thơ đọc tiếng Việt một cách dụ dự, chẳng thích thú gì. Thơ sẽ không bao giờ trở thành một cô con gái Việt Nam đích thực như Châu.

Mẹ Châu mỗi sáng gánh hai nồi cháo lớn kĩu kịt trên vai, bán dạo trên các đường phố Sài gòn, và buổi chiều chị bán chè. Nhưng cho dù chị bán hết hàng, cũng chỉ vừa đủ tiền để mua gạo muối, than củi và rau. Chẳng bao giờ chị có một ngày nghỉ “xa xỉ” cuối tuần. Một ngày không làm việc cùng nghĩa là một ngày không có ăn. Châu và Khang suốt ngày không ai trông coi. Nhưng chúng sống và lớn lên trong chiếc nôi của nguồn cội văn hoá Việt Nam, và mẹ chúng không cần làm gì để dạy bọn trẻ, chúng tự học hỏi mọi thứ. Giống như sông có nước và chợ có gạo, bọn trẻ tiếp nhận văn hoá của chúng mỗi ngày.

Căn nhà nhỏ của Khang và Châu ở kế bên ngôi nhà lớn của một vị giáo sư1 trường đại học Sài gòn, và ông cũng bị đưa đi tù cải tạo giống như ba của Khang và Châu vậy. Tuy nhiên những người con đã lớn của ông đã có thể giúp đỡ mẹ họ được, và họ cùng nhau cất dấu những sưu tập, sách vở tài liệu của ông một cách bí mật. Tôi không thể tưởng tượng nổi bằng cách nào họ đã xoay sở được để dấu những sách vở đó khỏi mắt của nhà cầm quyền. Nhưng một lần Khang viết thư cho tôi, nói rằng, “Thưa Cô, con mới đọc Bông hồng cài áo của Thích Nhất Hạnh, sách thật hay! Con cảm thấy thương má con hơn sau khi đọc sách đó. Sau đó vài tháng, tôi nhận một thư khác của Khang “Cô ơi, con vừa đọc Rừng Mắm Hương vị của Đất. Cả hai cuốn đều hay quá! Con không hiểu tại sao những sách này lại bị kiểm duyệt và thiêu hủy.

Ít lâu sau, tôi nhận một lá thư với nét chữ đẹp sắc sảo và nắn nót của Châu. Bé bảo tôi, “Cô ơi, má con bịnh nặng lắm. Anh Khang phải đi bán cháo thay má, không thì mất hết khách. Đáng lẽ con đi bán phụ anh ấy, nhưng Má đau nặng lắm, con không dám để Má ở nhà một mình. Cô ơi, Mẹ già như chuối chín cây. Má con yếu lắm và các con rất lo sợ!“. Có thật sự lá thư này đã được viết từ một em bé sáu tuổi xanh xao gầy ốm, mà đôi mắt kinh ngạc của bé dường như không thể hiểu thấu được những đắng cay tàn nhẫn của cuộc đời? Bằng cách nào mà bé biết được câu ca dao thắm thiết “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng con mồ côi một mình”? Các em bé ở làng Mai có viết được như vậy không? Chúng chưa bao giờ nhìn thấy một cây chuối. Nhưng bé Châu khi nhìn mẹ bệnh nặng, mỏi mòn kiệt sức, ngay tức khắc bé thấy hình ảnh của trái chuối chín rục và sắp rớt khỏi cây. Không ai dạy bé điều này. Ý tưởng này đã nẩy sinh bởi kinh nghiệm và tuệ giác của bé.

Châu viết tiếp, “Mỗi lần Má ho, con lại nghĩ đến ngọn đèn lụi dầu, chập chờn sắp tắt. Tim con nhỏ lệ, Cô ơi!“. “Ngọn đèn dầu lụi" – Trẻ em Việt nam ở Âu châu làm sao mà cầu xin tha thiết đến thế với hình ảnh này? Các em chưa bao giờ sống dưới ánh sáng của một ngọn đèn dầu và không biết bóng tối hoàn toàn dần bao phủ khi cả dầu và bấc đèn đều cháy lụi. Trẻ em Việt Nam ở phương Tây đâu biết rằng, những buổi tối của trẻ em ở Việt Nam chỉ được thắp sáng bằng một cây đèn dầu tù mù, chập chờn, dễ dàng bị gió thổi tắt? Vâng, thực vậy, sức khỏe của mẹ bé Châu – với không tiền, không thuốc men, không bệnh viện – đã như một bấc đèn cạn dầu, leo lét lụi tàn. Cho dù đã được học tiếng Việt từ mẹ, nhưng Thơ có thể đọc được thư Châu và hiểu ý nghĩa sâu sắc hình ảnh “ngọn đèn dầu lụi" này không? Tôi nghĩ rằng không thể nào giảng giải cho Thơ hiểu nổi cái bóng tối khủng khiếp đe dọa Châu và Khang nếu “ngọn đèn” của các em phụt tắt.

Thư Châu viết tiếp, “Mỗi ngày khi đi học về, con vo đậu và nạo dừa. Anh Khang bán cháo về là các con cùng nhau nấu chè. Con vắt nước cốt dừa đến tối mới xong. Sáng ra, con dậy sớm nấu cháo và xắt cải muối để anh Khang đi bán. Khi anh về, các con lại bắt đầu nấu thêm cháo và chè. Chúng con không có thì giờ để học bài. “Trước khi Má bịnh, các con học bài buổi chiều, sau đó giúp Má nạo dừa và đãi đậu. Khi xong việc, các con sang nhà chị Hương hàng xóm hỏi mượn một cuốn sách của ba chị ấy. Sau khi đọc Hương rừng Cà Mau, con thương mảnh đất miền Nam nước Việt quá và muốn đọc hết các sách của ông Sơn Nam. Trong thư viện của chị Hương, con tìm thấy cuốn sách mới nhất của ông, tựa là Cảng Bến Nghé. Nhưng mà con chỉ đọc được đến trang ba mươi. Lời văn a dua, khô khan như rơm rạ. Con không thể nào nuốt thêm nổi nữa. Thảo nào mà nó được mở rộng trên kệ sách ở phòng khách nhà chị Hương. Khi con đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, cảm tình đối với miền Bắc rất đẹp trong con. Con không giống các bạn của con, ghét hết những gì từ miền Bắc, chối bỏ hết, vì những hành vi xấu của một số người miền Bắc; điều này dường như không đúng lắm, cô có đồng ý với con không? Nhưng mà, thỉnh thoảng con tự hỏi, miền Bắc đáng yêu của ông Vũ Bằng có còn không? Hay là miền Bắc chỉ đầy những trại cải tạo với những người tù như Ba?“.

Châu đã dám viết thẳng tuột làm tôi sợ hãi. Nếu bức thư này bị mở ra khám xét, bé Châu tội nghiệp có thể bị đưa vào trại học tập cải tạo! Những trẻ em Việt Nam cùng tuổi với Châu ở Âu châu có thể đọc được những sách như vậy và có nhận xét sáng suốt như thế không? Tôi nhớ lại lần nữa thành ngữ “Gạo chợ, nước sông”. Cho dù bé Châu không được học văn hoá từ sách vở như những bài học của Thơ, nhưng nước và gạo thiên phú của quê hương đã nuôi dưỡng bé. “Nước” và “Gạo” là văn hoá. Những sách như Bông hồng cài áo, Rừng Mắm, và Thương nhớ mười hai, ngày nay khó có được ở Việt Nam, vẫn được tìm hiểu và yêu thích bởi những trẻ em như Khang và Châu. Các em có sự say mê và được nuôi dưỡng bởi những sách như thế. Mẹ bé Thơ cũng có Hương rừng Cà Mau, nhưng làm sao Thơ có thể đọc với cùng một sự thích thú như vậy? hay cô bé thích xem TV và phim video hơn? Nước sông và gạo chợ phong phú hơn là văn hoá từ sách vở; chúng là những bài đồng dao bọn trẻ hát ngoài đường, những câu hát ru con ầu ơ ngọt ngào của bà mẹ quê, và ngay cả những chuyện ngồi lê đôi mách của các chị ba, chị bảy ở chợ. Bất cứ nơi đâu, trẻ em Việt Nam cũng gặp gỡ gạo chợ nước sông. Văn hoá bao quanh bọn trẻ. Nước và gạo ở Việt Nam ngày nay không còn trong sạch nữa mà lẫn lộn với sạn cát.

Nước và gạo tinh sạch, như những cuốn sách hay, đã bị cấm đoán để nhường chỗ cho những loại nước gạo làm bé Châu cảm thấy như nhai rơm trấu vô vị khô khốc. Sách của Sơn Nam giờ đây, không còn như khi ông viết một cách tự do về miền đất dấu yêu của ông trong Hương rừng Cà Mau. Nếu Châu muốn thưởng thức nước trong và gạo thơm ngon, bé phải cẩn thận lựa nhặt bỏ sạn, trấu và những hạt gạo mủn mốc. Những nét đẹp thơm của quê hương chúng ta – chuối chín cây, hoa mai vàng, và những bài hát ru con – đã bị xen lẫn bởi những gương mặt gờm gờm lạnh lùng, khó đăm đăm của bọn cán bộ cộng sản trong đồng phục vàng. Họ nói cùng một thứ tiếng, nhưng giọng nói cộc cằn thô lỗ của họ như từ một ngôn ngữ nước ngoài nào lạ hoắc. Những người này đã đối xử với một bậc tài năng học vấn lỗi lạc, hiền lành như ba của Hương còn tàn tệ hơn một thằng móc túi, thế thì làm sao nước và gạo không bị nhiễm ô?

Khang viết kể lại lần thứ hai vị giáo sư hàng xóm của cậu bé bị truy nã: “Mười hai tên cán bộ lùng sục khắp nhà giáo sư vào lúc 2 giờ sáng, hai tên khác đứng canh trước cửa. Con có thể nghe thấy tiếng chị Hương nói với bọn chúng, trong khi giáo sư ngồi trong tư thế ngồi thiền, tĩnh lặng như Bụt với nụ cười nhẹ trên môi. Ngay cả khi bọn họ áp tải ông ra xe với tay bị còng vào lúc 8 giờ sáng, nét mặt ông vẫn bình thản, yên lặng. Con chưa bao giờ được nhìn một cảnh tượng đẹp như thế. Tim con ngập tràn lòng kính thương và ngưỡng mộ. Ba của con cũng dũng cảm như giáo sư. Ba con cũng sẽ không bao giờ cúi đầu trước bạo lực. Con đã hiểu vì sao sau mười hai năm, ba vẫn bị tù“. Việt Nam vẫn còn rất nhiều những cây “Bách hương” xanh tươi đẹp đẽ như vị giáo sư và ba của Khang. Ta chỉ cần mở to đôi mắt nhìn chợ vẫn nhiều gạo và những dòng sông vẫn tuôn chảy với nước trong sạch. Cho dù gạo có bị lẫn nhiều sạn cát, trong đó vẫn còn những hạt gạo nguyên chất thơm ngon, đủ để nuôi dưỡng những ai biết cách chọn lựa gạo sạch và sống với sự tỉnh giác hoàn toàn tại quê hương.

Tôi thở vào thật sâu. Ít nhất tôi có vài tấm hình của các trẻ em đói ở vùng kinh tế mới, để tôi có thể chia sẻ niềm thương xót đó với các em nhỏ đến làng Mai. Và đã có 1.250 cây mận giúp nối kết các em với các bạn đồng trang lứa ở Việt Nam. Nhìn vào hình, các em sẽ thấy là cho dù trẻ em ở Việt Nam ốm o gầy còm và sống trong những mái nhà tranh, nhưng chúng giống với các em hơn là các bạn chung lớp. Mỗi mùa Hè, trẻ em Việt Nam từ khắp Âu châu, Mỹ châu và Úc châu có thể đến làng Mai để khám phá sự giàu có phong phú và sâu sắc của ngôn ngữ, thơ nhạc và văn hoá gốc của cha mẹ. Những hạt giống bồ đề ở Ấn độ đã và đang được gieo trồng khắp nơi trên thế giới. Vì những điều kiện của đất và nước khác nhau, những cây bồ đề vươn mọc hơi khác nhau, vài cây cao, vài cây thấp. Nhưng mỗi cây đều có chứa tinh chất của cây bồ đề nguyên thủy. Giờ đây tôi hiểu rằng, nếu trẻ em Việt Nam sống ở hải ngoại may mắn có được cha mẹ biết sống một cách có ý thức, các em sẽ lớn mạnh vững vàng, cho dù dưới một hình thái mới. Các em sẽ là những cây xanh Việt Nam xinh tươi với di sản gốc giàu có, đóng góp cho khu vườn nhân loại; đang phát đạt ở Pháp, ở quốc gia Hà lan đất thấp, giữa những rặng núi Thụy sĩ, vùng đất tuyết Đan mạch, Thụy điển, Na uy và Phần lan; tại nước Đức tài năng và giàu mạnh; ở Mỹ và Úc những miền đất mới nhiều cơ hội… Lần đầu tiên tôi có thể quán chiếu để thấy rõ, Việt nam không chỉ là một quốc gia nhỏ bé mang hình dáng con rồng uốn cong trên biển Trung Nam Hải. Mà hiện tại là trên toàn thế giới, mở rộng từ Mỹ châu đến Âu châu, và cả trên đường xuống đến Úc châu.

Sự thách đố, khó khăn ở đây là làm sao để khuyến khích được các bậc cha mẹ Việt Nam giữ gìn những nét hay đẹp của văn hoá quê hương và truyền trao cho con cháu. Các bậc phụ huynh cũng nên thích thú với những gì bọn trẻ học được từ trường và chia sẻ với các em những tập tục, truyền thống tốt đẹp của miền đất mới. Ta và con em có thể học hỏi, trân trọng những gì tốt đẹp nhất của phương Tây và tránh xa những thói hư tật xấu. Chia sẻ như thế sẽ giúp các em tiếp nhận và yêu mến văn hoá của quê nhà, và vun trồng nền văn hoá ấy một cách thông minh vào miền đất mới giàu có. Các bậc cha mẹ và trẻ em có thể nhìn sâu để thấy tại sao tổ tiên ta dành thì giờ để đón chào một bông hoa mới nở và mừng đón trăng lên. Các em có thể cảm nhận được trong mình chính là sự tiếp nối của tổ tiên. Các em có thể tìm ra những phương cách để tiếp xúc được, và chia sẻ tình thương với những người đói khổ, những người không có tự do. Cũng như những phương cách để biểu lộ lòng tri ơn thầy cô, ông bà cha mẹ, bạn bè và tất cả chúng sinh trong những lễ hội truyền thống tại làng Mai. Sống trong sự tỉnh thức, cha mẹ sẽ không nói hoặc làm gì để các em mất lòng tin vào dân tộc gốc của mình. Và rồi sẽ có hy vọng là các em sẽ muốn kế thừa di sản của mình, học ngôn ngữ Việt, cũng như là học Pháp, Đức và Anh ngữ. Bằng cách này, trẻ em Việt Nam ở hải ngoại sẽ thấu hiểu được những niềm hạnh phúc tự hào, cũng như những thao thức khổ đau trong dòng lịch sử 4.000 năm của dân tộc. Không thành vấn đề nữa sự cố gắng lớn lao của mẹ Thơ. Thơ sẽ khác Châu. Mỗi bé có nét đẹp độc đáo riêng. Thực tình là Thơ nhìn giống như một cây tùng thanh nhã từ Thụy sĩ, nhưng đôi mắt đen láy, nụ cười e thẹn và mái tóc tơ huyền óng mượt của bé như gạo dừa ngọt thơm của quê hương cha mẹ Việt Nam. Cách nói năng, đi đứng và chào đón bạn của Thơ là những hoa trái của thương yêu dạy dỗ mà bé đã tiếp nhận được từ ông bà, cha mẹ, cậu dì và trao truyền từ tổ tiên.

Xin cám ơn sự hiện diện của làng Mai, thế hệ trẻ Việt Nam đã có cơ hội để thu góp và giữ gìn những hình ảnh của quê hương. Thật nhiều hy vọng, ở bất cứ nơi nào có người Việt, những nơi chốn như làng Mai sẽ được thành lập, để trẻ em Việt nam có thể đến và trao tặng sự sống mới cho những hình bóng của quê hương các em đã nhạt nhoà dần theo năm tháng. Trân trọng, giữ gìn, học hỏi và đặt nền tảng vững chắc trên cả hai nền văn hoá cũ và mới, thế hệ trẻ Việt Nam có thể cùng chúng ta xây dựng sáng tạo khu vườn nhân loại xanh tươi đẹp mát cho thế kỷ nối tiếp.
 

Chân Không

Đã đăng trên: PHẬT GIÁO DẤN THÂN - ENGAGING BUDDHISM Issue 05 / 2008

------------------------------

[1] Giáo sư Doãn Quốc Sỹ.

- Bé Thơ bây giờ là một thiếu phụ ba mươi đã có chồng, con, hiện là bác sĩ y khoa tại Hoa Kỳ.

- Anh, em Khang và Châu hiện đang định cư tại Hoa Kỳ cùng ba mẹ theo diện HO.

 

VĂN MINH VĂN HÓA

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.