.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Em không phải là tạo sinh, mà chỉ là biểu hiện (Nhất Hạnh)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 Văn minh & Văn hóa

Mỹ sơn vang vọng tiếng dân Chàm

  • 5.04.2009 | Nguyễn Thế Hà

Lời đầu: Được các bạn trong nước cho hay ngày họp mặt bạn bè năm nay được tổ chức tại Đà Nẵng, sẽ có cơ hội tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. Tôi cũng muốn dịp này tản mạn đôi điều mình nghĩ về một quá khứ không may của một dân tộc. Và dựa theo sử liệu may ra biết được đôi điều mà lâu nay phần lớn có những cảm nghĩ không hay về dân tộc đó. Các sử liệu trích đăng trong bài tản mạn này rút ra từ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, Di Tích Chiêm Thành tại Quảng Nam của Trần Gia Phụng, Oxford Dictionary of World Religion của John Bower, Việt Sử Đàng Trong của Phan Khoang…

Đây chỉ là cái nhìn hoàn cá nhân, nó không nhất thiết là đúng hay sai. Hãy nhìn vào những ngôi tháp cổ có lẽ chúng nói nhiều hơn trong ngôn ngữ của im lặng.


Tháp Dương Long - Bình Định (photo Đào Tiến Đạt)

Tôi biết rất ít về người Chàm. Một dân tộc cùng một nước với tôi. Tổ tiên tôi bị mang tiếng là đã xâm chiếm nước họ và đồng hoá dân tộc họ. Tôi nghĩ không riêng gì tôi, phần lớn người Việt mình cũng biết rất ít về người Chàm. Sử ký cũng chỉ ghi lại những nét thật đại cương: Người Chàm (Champa hay Chiêm Bà) lập quốc năm 192 từ vùng đất phía nam dãy Hoành sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) đến đất Bình Thuận ngày nay. Ngày xưa Trung Hoa gọi Chàm là Lâm Ấp (Lin Yi) kinh đô ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Đó là kinh thành Simhapura. Đến năm 758 sử Trung Hoa không còn gọi nước này là Lâm Ấp mà đổi tên là Hoàng Vương (Huan Wang). Tôi không hiểu người Tàu lại đổi tên nước trong khi họ đã có cái tên của họ là Champa, mà đúng ra là Champadura. Đó là một danh từ có gốc Phạn ngữ, một ngôn ngữ cổ Ấn Độ thời Đức Phật (năm 560 trước công nguyên). Champapura, Champa hay Chàm người Việt phát âm trại ra, là đúng nhất vì văn hoá của dân tộc Chàm là văn hoá ảnh hưởng Hồi Giáo về sau là Phật Giáo Ấn Độ sau này. Các công trình kiến trúc đền tháp, những điêu khắc còn đến bây giờ mang dấu ấn của một nền văn hoá lấy tiếng Phạn làm quốc ngữ.

Cuộc đụng độ đầu tiên giữa Việt Nam và Chiêm Thành xảy ra vào năm 982. Nguyên vào năm 979 tướng Lê Hoàn đảo chánh lật đổ nhà  Đinh, tự lên làm vua. Vua Lê trị vì từ năm 980 – 1005 sai Từ Mục và Ngô Tử Cảnh đi sứ sang Chiêm Thành giao hảo. Vua Chiêm là Paravemecvaravarman lại bắt sứ giả. Lúc đó Lê Hoàn còn bận đối phó với quân nhà Tống sang xâm lăng nên chưa hỏi tội Chiêm. Sau khi đẫy lui quân Tống, Lê Hoàn tự thân chinh sang phạt Chiêm năm 982. Vua Chiêm bị giết ngay trong lần giao tranh đầu. Lê Hoàn vào thành Indrapura đốt phá rồi rút quân. Khởi từ đó Việt-Chiêm có sự xích mích. Nước Việt ngày càng hùng mạnh, đất đai cần được mở mang cho nên không tránh khỏi chuyện lấn đất.

Các vua Chiêm đời sau dời kinh đô về phía Nam để bớt áp lực của người Việt. Từ kinh đô Indrapura họ dời xuống vùng Vijaya (Đồ Bàn) năm 1000. Như thế từ thế kỷ thứ 10 trở về trước Quảng Nam là kinh đô của Chiêm Thành, và kinh thành là Simhapura. Simha nghĩa là Sư Tử, Pura là kinh thành. Kinh thành này nằm ở Trà Kiệu, thành lập vào hậu bán thế kỷ thứ 4 dưới triều đại vua Bhadrabarman. Trà Kiệu thuộc huyện Duy Xuyên, cách Đà Nẵng 40 km về phía tây nam. Và gần kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) là một quần thể kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn, nay còn khá nhiều hiện vật và những đền tháp. Mỹ Sơn cách Đà Nẵng về phía tây nam 68km, một vùng thung lũng thuộc huyện Duy Xuyên, từ Simhapura đi sâu về phía tây dưới 30km. Tại đây trước có khoảng 70 đền tháp, nay bị tàn phá hiện còn khoảng 20 tháp có thể nhận dạng kiến trúc nguyên thủy.

Chiêm Thành có hai thánh địa chính; thánh địa Mỹ Sơn thuộc tộc Cây Dừa, thánh địa Po Nagar (Tháp Bà Nha Trang) thuộc tộc Cây Cau. Thánh địa Mỹ Sơn cũng do vua Bharavarman xây dựng vào hậu bán thế kỷ thứ 4, thờ thần Siva Bhadresvana, một cái tên đã nhắc nhở đến người sang lập ngôi đền. Thần Bhadresvana trong thánh địa được tiêu biểu bằng một lingam (dương vật) tượng trưng cho thần Siva. Các đền tháp ở đây bị tiêu huỷ phần lớn do trận hỏa hoạn xảy ra vào thế ky thứ 6.

Mỹ Sơn là thánh địa nên mỗi khi lên ngôi các vua mới Chiêm Thành thường về đây làm lễ “thánh tẩy”, cúng dâng lễ vật cho thần linh phù hộ nhà vua và vương quốc. Các tác phẩm điêu khắc tượng trưng cho các thần linh được tập trung về cổ tàng viện Chàm ở Đà Nẵng.

Ủy Ban Di Sản thế giới của tổ chức Unesco Liên Hiệp Quốc đã công nhận thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới.

Đó là những nét đại cương mà tôi tìm hiểu Mỹ Sơn qua các tài liệu lịch sử như Xứ Việt Đàng Trong của Phan Khoang và những tài liệu tôi đã trình bày ở phần đầu. Trong bài tản mạn này tôi không có ý “chép sử” mà muốn gởi gắm đôi cảm nghĩ về quá khứ sáng lạng của một dân tộc có một nền văn hoá rất nhân bản, nhưng không may đã đang đi dần vào lãng quên. Cái nhìn phần lớn của người Việt mình với người Chàm như không mấy công bằng và có khuynh hướng kỳ thị. Như cuộc tình duyên giữa Huyền Trân Công Chúa với Chế Mân, trong dân gian mình có câu thơ:

Uổng cho cây quế giữa rừng

Để cho thằng Máng thằng Mường nó vin.

Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) lên ngôi năm 20 tuổi. Ở ngôi vua 21 năm, nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, để xuất gia đi tu lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Một minh quân khi ở ngôi trời xây dựng đất nước Đại Việt cường thịnh, đánh dẹp giặc Bắc phương, ổn định Nam phương với láng giềng Chiêm Thành. Khi xuất gia lại là một danh tăng, tạo dựng một thiền phái nỗi tiếng Trúc Lâm Yên Tử. Một ông vua có tài và có đức như vậy mà đem gả con gái mình cho vua Chiêm không phải chỉ là việc làm để mưu cầu một nền hoà bình với nước Chiêm Thành không thôi mà nó có tính chất “môn đăng hộ đối” nữa.


Tháp Cánh Tiên - Bình Định (photo Đào Tiến Đạt)

Tháng Ba năm 1301 Trúc Lâm đi Chiêm Thành để quan sát tôn giáo tại đây. Vua đi với tư cách một du tăng chứ không phải là một Thái Thượng Hoàng của nước Đại Việt, có một số tăng sĩ tuỳ tùng. Vua đã lưu lại kinh đô Trà Bàn đến mười một tháng. Trong thời gian lưu lại Chiêm Thành Trúc Lâm đã đàm đạo với vua Chiêm là Chế Mân (Harijit) và Chế Mân đã tiếp đón ngài như một Thượng hoàng của một nước giàu mạnh láng giềng. Chế Mân muốn thỉnh ngài về dinh Quốc khách nhưng ngài từ chối cho rằng mình đã là một sơn tăng nên chỉ ở chùa. Và Chế Mân thỉnh ngài về quốc tự ở kinh đô Trà Bàn. Ngài đã tìm hiểu về nếp sống văn hoá, phong tục của vương quốc này và đem lòng yêu mến ông vua Chàm còn trẻ tuổi và can trường ấy. Chế Mân lúc bấy giờ đã ba mươi bảy tuổi, vương hiệu là Jaya Simhavarman Đệ Tam. Chính nhờ vào đảm lược của chàng mà Chiêm Thành đã phá vỡ được âm mưu xâm lăng của Hốt Tất Liệt.

Mười một tháng ở đất Chiêm chắc chắn ngài chu du nhiều nơi trong vương quốc và tìm hiểu sâu sắc một nền văn hoá đậm màu sắc văn minh Ấn mà ta còn tìm thấy trong các công trình kiến trúc chạm trổ ở các đền tháp và điêu khắc. Kinh đô Trà Bàn lúc bấy giờ chắc là phồn thịnh chẳng kém gì Thăng Long. Cho nên trước khi về nước, ngài Trúc lâm đã hứa gả con gái cho Chế Mân, nhưng với điều kiện Chế Mân phải chờ đến năm năm nữa, vì lúc bấy giờ Huyền Trân mới mười ba tuổi. Sính lễ của vua Chàm là hai châu Ô Lý.

Cuộc tình duyên giữa vua Chiêm và công chúa Huyền Trân tiếc thay lại rất ngắn ngủi. Bà về với vua Chiêm tháng 6 năm 1006 đến tháng 5 năm 1007 vua Chiêm mất. Tục lệ nước Chiêm vua băng hà thì Hoàng hậu phải lên hỏa đàn để chết theo. Vua Anh Tông liền sai Trần Khắc Chung sang lấy cớ làm lễ viếng tang rồi tìm cách cứu công chúa về. Mối ban giao Chiêm-Việt cũng dứt từ đây với mối tình Huyền Trân-Chế Mân.

Biểu tượng văn hoá Chàm còn đầy dẫy di tích từ Quảng Nam (Mỹ Sơn, Trà Kiệu) Bình Định (tháp Bánh Ít) Nha Trang (tháp Bà Po Nagar) Phan Rang (tháp Chàm) và dọc quốc lộ 1 ta còn thấy nhiều tháp khác đứng riêng rẽ bên đường. Những đường nét điêu khắc ảnh hưởng đậm nền văn hoá Cổ Ấn Độ. Các cổ tháp xây dựng từ những thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Đến nay nhiều ngôi tháp còn đứng vững với thời gian, qua không biết bao nhiêu tàn phá của con người. Cái dáng đứng và những nét nghệ thuật tuyệt mỹ nói lên một nền văn minh cao, kỹ thuật cao của người Chiêm đâu có thể gọi là “thằng Mán thằng Mường” được.

Tháng 11 năm 2004 nhân chuyến hành hương Ấn Độ qua các thánh tích Phật giáo như Bồ Đề Đạo Tràng, Tu viện và bảo tàng Lộc Uyển, đại học cổ Nalanda… tôi đã được nhìn thấy nghệ thuật điêu khắc tượng gần giống như các tượng được trưng bày ở Cổ tàng viện Đà Nẵng bây giờ. Có khác nhau là thời gian. Tại bảo tang viện Lộc Uyển (Vasarnath) có những tượng Phật hay các vị Bồ Tát từ thời vua Ashoka (hơn 300 năm trước Tây lịch) trong khi nước Chiêm Thành thành lập từ cuối thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch. Kinh đô Simhapura ở Trà Kiệu, các đền tháp và các công trình kiến trúc có thờ ba vị thần của Bà La Môn là Brahma Siva và Vishnu và nhiều tượng sư tử. Sư tử là biểu tượng ở thời Ashoka. Vua Ashoka đã xây nhiều trụ đá ghi khắc những lời giáo huấn của Đức Phật. Trên mỗi trụ đá luôn luôn có tượng đầu sư tử. Nỗi tiếng nhất là tượng sư tử bốn đầu dựng ở Vườn Lộc Uyển để đánh dấu nơi Đức Phật thuyết kinh đầu tiên Bốn Sự Thật (Tứ Diệu Đế) cho ba anh em ông Kiều Trần Như, là những người đồng tu khổ hạnh với Ngài những năm trước khi thành Phật. Cho nên khuynh hướng khắc tượng đầu sư tử là dấu hiệu chứng tỏ người Chiêm chịu ảnh hưởng nhiều văn hoá Ấn.

Thánh địa Đồng Dương không xa Mỹ Sơn và Trà Kiệu, cách Đà Nẵng 53km về hướng Nam. Nhiều tài liệu cũ cho rằng một thời gian là kinh thành Indrapura. Dựa vào một tấm bia phát hiện tại đây cho thấy rằng đền tháp Đồng Dương được đặt tên là Laksmindra Lokesvara, do vua Indravarman II xây dựng năm 875 để thờ Dharma (Phật pháp). Vì vậy thánh địa Đồng Dương được xem là một Phật học viện của người Chiêm Thành.

Indravarman II là vương hiệu, tên thật của vua là Laksmindra Bhumisvara. Nhà vua còn có tên thụy là Parabuddhaloka. Các danh từ này cho thấy sự hiện diện tên của hai vị thần Bà La Môn là Indra và Laksmi và hai vị Phật (Buddha) và Lokesvara chữ tắt của Avalokitesvara: Bồ Tát Quán Thế Âm. Các tượng Phật và Bồ Tát bằng đồng và sa thạch phát hiện tại đây cho thấy Đồng Dương đúng là Phật Đường của các vua Chiêm.

Tổng thể kiến trúc Đồng Dương là một Phật Đường chính lớn, chung quanh có những đền nhỏ thờ các vị vua Chiêm đã hiển thánh, các tăng viện, các bảo tháp. Năm 1978 tại đây người ta phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bang đồng cao 1m14 với đôi mắt long lanh bằng ngọc trên gương mặt phúc hậu. Đây là một nguyên bản hiếm quí, trong lần tham quan năm 2004 tôi được chiêm ngưỡng.

Theo những sử liệu trên đây cho thấy nền văn hóa Chiêm Thành chịu ảnh hưởng văn hoá cổ Ấn Độ qua hai nguồn tâm linh Bà La Môn và Phật Giáo. Người dân đã tiếp nhận một nguồn tâm linh nhân hậu và cao siêu của đạo Bụt, ở hiền gặp lành, nhân quả. Giới vua chúa là những người sùng bái đạo Bụt thì ta có thể hình dung một dân tộc sống chuộng hoà bình. Trong lịch sử Đại Việt chỉ có triều vua Trần Nhân Tông có khuynh hướng sống chung hoà bình với nước láng giềng phương Nam lâu dài. Khuynh hướng đó thấy rõ trong việc gả con gái mình cho vua Chế Mân. Tiếc thay mối tình Chiêm Việt quá ngắn ngũi chưa đầy một năm, tình “sui gia” chưa được bền chặt. Chế Mân chết Huyền Trân được giải thoát khỏi hoả đàn. Sau khi Trúc Lâm Đại Sĩ (Trần Nhân Tông) tịch lức 53 tuổi, vua Trần Anh Tông với sự cố vấn của các thượng quan Đoàn Nhữ Hài và Trần Khắc Chung đã bỏ chính sách giao hảo mà theo đuổi con đường xâm chiếm đất đai. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói rằng sở dĩ có cuộc chinh phục vì vua Chiêm là Chế Chí phản trắc.

Hai quốc gia có cùng một truyền thống tâm linh, lịch sử cho thấy các nhà sư Ấn Độ đã vào nước ta từ thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch và các Thầy đã đi vào phía Nam để truyền đạo. Một chứng tích sử liệu còn ghi lại rằng năm 1069 vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành, chiếm các châu Địa Lý (phủ quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) và Bố Chánh (các huyện Bình Chánh, Minh Chánh và Bố Trạch thuộc Quảng bình ngày nay). Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc nói rằng khi quan quân Đại Việt rút về nước có bắt về một số tù binh. Những tù binh này được phân phối trong các phủ bộ để làm phục dịch, sai bảo, quét dọn. Một tù binh được chia cho một vị tăng lục, một chức vụ trông coi về tăng sự. Một hôm vị tăng lục đi vắng, người nô bộc vào quét dọn trong phòng vị quan này, lật xem thử những bản ngữ lục thiền học chép tay trên bàn chủ, thấy nhiều chỗ sai chịu không được, cầm bút chữa lại. Khi về vị tăng lục khám phá ra bản chép tay của mình có ai chữa nhiều chỗ. Rất lấy làm ngạc nhiên và đem tự sự tâu lên vua. Vua cho dẫn tên nô tộc lên hỏi mới khám phá ra đó là thiền sư Thảo Đường, nhân đi qua Chiêm Thành truyền giáo mà bị bắt. Khâm phục về sức học và đạo đức của thiền sư, vua liền phong Thảo Đường làm Quốc Sư. Thiền học của Thảo Đường cũng có những giác sắc lạ, do đó một thiền phái được thành lập ở nước ta lấy tên là thiền phái Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường trú trì ngay tại chùa Khai Quốc ở kinh thành Thăng Long. Thiền phái này có ảnh hưởng sâu đậm trong giới trí thức và vua chúa kinh đô.

Cuộc chiến Nam Tiến chẳng đặng đừng, ông cha ta cảm thấy đất đai nhỏ hẹp, phương Bắc luôn luôn bị giặc gây hấn, không còn lối thoát nào hơn là bành trướng về Nam. Người Chiêm âm thầm ra đi, mòn dần. Cho đến ngày nay không biết còn bao nhiêu, nhưng họ vẫn âm thầm, âm thầm như những bóng tháp đổ dài cùng năm tháng. Một ngày nào đó xin được đứng dưới những toà cổ tháp để chúng ta được nghe kể chuyện tiếp.

Nguyễn Thế Hà

VĂN MINH VĂN HÓA

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.