Nền đạo đức toàn cầu
Tình huynh đệ là con đường cao thượng nhất,
đẹp hơn tất cả mọi chủ thuyết, mọi tín ngưỡng.
Mọi hiện tượng
trong đời sống đều thay đổi và tiến hóa không ngừng. Đức Bụt của
chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải học cách quán chiếu sâu sắc để
thấy rằng khổ đau của nhân loại chúng ta không giống khổ đau của
thời đức Bụt, cho nên phương pháp thực tập không thể nào giống
nhau. Đức Bụt trong ta, như vậy, cũng cần phải tiến hóa để thích
ứng với thời đại mới.
Trong thời đại
mới, đức Bụt của ta có thể sử dụng điện thoại, kể cả điện thoại
di động nhưng không phải vì vậy mà ta bị lệ thuộc. Đức Bụt của
thời đại mới biết bảo vệ trái đất, ngăn ngừa thiên tai, giữ gìn
những cái đẹp của hành tinh mẹ, và không phí phạm thì giờ trong
việc tranh chấp với người khác.
Đức Bụt của thời
đại mới muốn cống hiến cho đời một nếp sống có đạo đức thật sự
để mọi người và mọi loài trên trái đất có thể chung sống với
nhau trong hòa bình và tình huynh đệ, biết nương vào nhau để giữ
gìn môi sinh, ngăn ngừa những hành vi làm hư hoại trái đất như
phá rừng, thải quá nhiều chất độc làm ô nhiễm bầu khí quyển.
Chúng ta là sự
tiếp nối của Bụt, chúng ta cũng cống hiến cho đời một con đường
sống chung cao quý, biết giúp nhau bảo vệ môi trường thiên
nhiên, cùng nhau ngăn chặn chiến tranh, bạo động, hận thù và
tuyệt vọng. Chúng ta phải giúp Bụt tiếp tục những gì Bụt đã làm
cách đây 2600 năm.
Hành tinh của
chúng ta có rất nhiều loại sinh vật khác nhau, mọi loài đều
nương tựa vào nhau để giúp nhau tồn tại, cho nên chúng ta luôn
có mặt cho nhau, chúng ta cần phải ôm lấy đất mẹ với tất cả trái
tim của mình và dang rộng hai cánh tay để bảo vệ tất cả các loài
sinh vật trên trái đất. Chúng ta phải là hiện thân của Bồ Tát
Trì Địa, vị bồ tát giúp bảo vệ giữ gìn trái đất mà kinh Hoa
Nghiêm nói đến.
Trì Địa là nguồn
năng lượng đưa chúng ta trở về với nhau như một cơ thể. Ngài như
một người kỹ sư, một nhà kiến trúc tạo ra không gian cho ta ở,
xây những con đường và bắc những chiếc cầu nối liền từ bờ này
với bờ kia để chúng ta có thể đến được với nhau. Ngài làm công
tác bảo vệ môi trường, thiết lập truyền thông giữa con người và
các loài sinh vật khác. Trong kinh nói rằng khi đức Bụt viếng
thăm mẹ của Ngài là hoàng hậu Maya đã qua đời thì chính đức bồ
tát Trì Địa đã làm đường cho Bụt đi. Mặc dù trong kinh Hoa
Nghiêm không có một chương riêng nói về bồ tát Trì Địa nhưng
chúng ta vẫn nhận diện được Ngài để cùng hợp tác với Ngài. Có lẽ
chúng ta sẽ dành một chương riêng nói về Ngài vì trong thời đại
toàn cầu hóa chúng ta rất cần đến bồ tát Trì Địa.
Khi chúng ta quán
chiếu về trái cam, chúng ta thấy rằng mọi thứ trong trái cam đã
cùng nhau góp mặt để làm nên trái cam. Không phải chỉ có những
múi cam mới thuộc về trái cam mà cả vỏ cam và hạt cam đều thuộc
về trái cam. Đó là bản chất thật của trái cam. Mọi thứ trong
trái cam đều là trái cam, tuy vậy vỏ cam vẫn được gọi là vỏ cam,
hạt cam vẫn là hạt cam, múi cam vẫn là múi cam, không có sự lầm
lẫn. Địa cầu chúng ta cũng thế. Mặc dù cả thế giới chúng ta là
một đại gia đình, nhưng người Pháp vẫn được gọi là người Pháp,
người Nhật vẫn là người Nhật, phật tử vẫn là phật tử, con chiên
vẫn là con chiên. Cũng như vỏ cam vẫn là vỏ cam, múi cam vẫn là
múi cam. Múi cam không cần phải trở thành vỏ cam mới có thể sống
hài hòa với vỏ cam.
Tuy sự thật là
vậy, nhưng chúng ta muốn sống chung với nhau có hòa hợp lâu dài
ta cũng cần một hướng đi chung, một nếp sống đạo đức căn bản.
Nền đạo đức căn bản đó là sự thực hành năm giới theo lời Bụt
dạy. Trong thời đại khủng hoảng hiện nay, sự thực hành năm giới
quý báu là một điều hết sức khẩn thiết vì đó là con đường xây
dựng tình huynh đệ, giúp ta hiểu nhau và thương nhau, để cùng
nhau bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài trên trái đất. Năm
giới là nền tảng của chánh niệm, giúp ta sống có tỉnh thức có
trách nhiệm, biết chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau, cho nên
không phải là phật tử mới thực hành năm giới, bởi vì năm giới
không thuộc riêng một tôn giáo nào, một chủng tộc hay một học
thuyết nào. Người cơ đốc giáo, người do thái giáo, người hồi
giáo, người Pháp, người Nhật, người Trung Quốc hay người Mỹ…tất
cả chúng ta ai cũng có thể thực hành năm giới. Khi ta sống có
hiểu biết có thương yêu là ta đi theo con đường Bụt dạy dù ta
không dùng một danh từ Phật học nào. Những người bạn của chúng
ta là đạo Hồi, đạo Cơ Đốc, hay đạo Do Thái khi đến với chúng ta
là để có dịp trở về với gốc rễ của họ để khám phá ra rằng những
châu báu trong truyền thống của họ cũng tương đương với năm giới
của chúng ta.
Thực hành năm
giới, ta sẻ trở thành một vị Bồ tát có khả năng chế tác thương
yêu, biết bảo vệ môi trường, sống hòa bình với mọi người để nuôi
lớn tình huynh đệ. Chúng ta biết giữ gìn những văn hóa đẹp nước
mình và cả những cái đẹp của các nền văn hóa khác. Thực hành năm
giới là ta đang bước trên con đường chuyển hóa và trị liệu cho
chính mình và cho cả thế giới.
NĂM GIỚI QUÝ BÁU
Thực tập giới thứ
nhất ta nguyện tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người và mọi
loài trên trái đất, ta không yểm trợ bất kỳ một hành vi nào đưa
đến sự giết hại. Giới thứ hai, ta nguyện thực tập tâm bố thí,
biết chia sẻ thì giờ và tài vật của ta với những kẻ thiếu thốn,
và không tán thành những áp bức và bất công xã hội. Giới thứ ba,
ta nguyện sống có trách nhiệm với những người ta thương, nguyện
không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của ta.
Giới thứ tư là thực tập ái ngữ và lắng nghe để làm vơi bớt khổ
đau của người khác.
Giới thứ năm là
thực tập ăn uống và tiêu thụ có chánh niệm. Đây là con đường
thoát cho tình trạng khó khăn trên thế giới hiện nay. Thực tập
giới thứ năm ta biết rõ cần phải tiêu thụ gì để thân tâm được
khõe mạnh, ta biết giữ gìn bảo vệ sự xanh tươi của trái đất và
tránh không gây tổn hại và khổ đau cho ta và người khác. Tiêu
thụ có chánh niệm là con đườn trị liệu cho bản thân và cho thế
giới. Nếu chúng ta cùng nhau thực tập năm giới như một đại gia
đình tâm linh, chúng ta có thể tránh được vấn đề hâm nóng toàn
cầu. Chúng ta phải ý thức sự có mặt của bồ tát Trì Địa trong mỗi
chúng ta. Chúng ta phải là cánh tay đắc lực của bồ tát Trì Địa
để hành động kịp thời.
Ta vẫn nghĩ rằng
trong ta có Bụt, có Chúa, tuy nhiều người vẫn còn thấy đó là một
ý niệm trừu tượng. Chúng ta vẫn chưa biết rõ Bụt là ai, Chúa là
ai. Trong đạo Bụt, Bụt trong ta chính là năng lượng của Niệm,
Định và Tuệ. Nguồn năng lượng này giúp ta hiểu biết thương yêu
mà không kỳ thị, giúp ta duy trì niềm vui và tình đoàn kết.
Những người bạn Cơ Đốc giáo thì tin rằng Đức Chúa Trời là nguồn
năng lượng của Thượng Đế, ở đâu có Đức Chúa Trời, ở đó có sự trị
liệu và thương yêu. Niệm, Định, Tuệ cũng thế, đó là năng lượng
của Bụt, giúp ta chế tác năng lượng hiểu biết thương yêu, giúp
ta biết tha thứ bao dung, nhờ vậy ta có khả năng chuyển hóa và
trị liệu, nuôi dưỡng được niềm vui và hạnh phúc... Nếu ta biết
sống với nguồn năng lượng này thì ta là Bụt, chưa phải là Bụt
toàn giác thì cũng là Bụt ngay trong giây phút mà ta thực tập
chánh niệm. Và nguồn năng lượng này sẽ tiếp tục phát triển dồi
dào trong ta.
Giới thứ nhất:
Bảo vệ sự sống
Ý thức được những
khổ đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi
dưỡng tuệ giác Tương Tức và lòng Từ Bi để có thể bảo vệ sinh
mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi
trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác
sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào
trên thế giới, trong tư duy cũng như trong đời sống hàng ngày
của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sự sợ hãi, hận
thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy
lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không
kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết
hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín,
giáo điều và thiếu bao dung trong con và trong thế giới.
Giới thứ hai:
Hạnh phúc chân thực
Ý thức được những
khổ đau do lường gạt, trộm cắp, áp bức và bất công xã hội gây
ra, con nguyện thực tập san sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của
con với những kẻ thiếu thốn, trong cả ba lĩnh vực tư duy, nói
năng và hành động của đời sống hàng ngày. Con nguyện không lấy
làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do tự mình tạo ra.
Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy rằng hạnh phúc và khổ đau
của người kia có liên hệ mật thiết với khổ đau và hạnh phúc của
chính con, rằng hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu
không có hiểu biết và thương yêu, và đi tìm hạnh phúc bằng cách
chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem
lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con đã ý thức được rằng hạnh
phúc chân thực phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con
chứ không đến từ bên ngoài, rằng thực tập phép tri túc con có
thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại nếu con có
khả năng trở về giây phút ấy để nhận diện những điều kiện hạnh
phúc mà con đã có sẵn. Con nguyện thực tập theo chánh mạng để có
thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi loài trên trái đất và để
chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.
Giới thứ ba:
Tình thương đích thực
Ý thức được những
khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học hỏi theo tinh thần
trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi
người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết tình dục và tình
yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm
khát gây nên luôn luôn mang đến hệ lụy, đỗ vỡ cho con và cho kẻ
khác. Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu
không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức và lâu
dài. Con sẻ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn
tà dâm tiếp tục gây nên sự đỗ vỡ của các gia đình và của đời
sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để
chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật
thân tâm nhất như và để nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức
là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực để làm
tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực
tập tứ vô lượng tâm ấy, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc
trong những kiếp sau.
Giới thứ tư:
lắng nghe và ái ngữ
Ý thức được những
khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và do thiếu khả năng lắng
nghe gây ra, con xin nguyện học các hạnh ái ngữ và lắng nghe để
có thể hiến tặng niềm vui cho người , làm vơi bớt nỗi khổ đau
của người, giúp đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa
các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể
đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói
những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng,
những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải.
Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt
trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào
gốc rễ của những bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm
trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong
người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật và lắng
nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được
nẻo thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện
không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thực,
không nói những điều có thể tạo nên những sự bất hòa trong gia
đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập chánh tinh tấn để có
thể nuôi dưỡng khả năng hiểu, thương, hạnh phúc và không kỳ thị
nơi con và cũng để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù
và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.
Giới thứ năm:
Nuôi dưỡng và trị liệu.
Ý thức được những
khổ đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện
học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khõe cơ thể và
tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu
thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực,
xúc thực, tư niệm thực, và thức thực để tránh tiêu thụ những
thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các
chất ma túy, không ăn uống tiêu thụ bất cứ một sản phẩm nào có
độc tố, trong đó có mạng lưới internet , phim ảnh, truyền thanh,
truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện trò. Con nguyện thực
tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với
những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con
và chung quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở
về quá khứ và không để cho lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương
lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lắp khổ đau, cô đơn
và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tánh tương quan
tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì
được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội, và
trong môi trường sự sống.
Rút trong sách: Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh,
của thiền sư Thích Nhất Hạnh do nhà Đông Phương xuất bản. Chúng
ta có thể xem toàn bộ tác phẩm
ở đây. |