PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

 

  • Cổ Nhân | PSN - 9.02.2008

LGT: Nhận thấy những lập luận của Larry Berman có thể giải đáp được phần nào những thắc mắc và ẩn ức của chúng ta, những người Việt Nam đã mất xứ sở, tha phương cầu thực. Chỉ có những người Mỹ mới thấy được bề trái của vấn đề và mới dám bộc trực nói ra. Nghe thấy và biết được những điều mờ ám đã diễn ra sau lưng chúng ta cũng an ủi được phần nào, dẫu cho trễ muộn. Nhưng có còn hơn không. Nên chi, Phù Sa sẽ ghi nhận lại những gì đã đọc qua để hiến dâng cho bà con gần xa chi quân tử.

 

 

Bài 1

Với Hiệp Định Paris nhằm "Kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", tổng thống Richard Nixon và tiến sĩ Henry Kissinger đã làm được một chuyện lớn cho nước Mỹ là ngưng bắn với Việt Cộng, đem lính chiến "Gi" cũng như tù binh và hài cốt lính Mỹ hy sinh ở Việt Nam về. Như vậy, Tổng Thống Nixon cho là đã đem lại một nền "hòa bình trong danh dự".

 

Thế nhưng, sau khi một số tài liệu tế nhị và nhạy cảm, liên quan đến cái gọi là "Chiến tranh Việt Nam" hay là "Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam", được giải mật, lần hồi nhiều nhà nghiên cứu và sưu tìm đã phát hiện ra những điều bí ẩn được ngụy trang cẩn thận. Nên chi, thiên hạ mới ngã ngửa ra, vì hòa bình đâu chẳng thấy mà danh dự thì cũng không! Một trong những người đó là ông Larry Berman, với quyển sách "No Peace, No Honor" (tạm dịch là "Hòa bình đâu, danh dự còn lâu").

 

Larry Berman là một nhà giáo giảng dạy cấp đại học, chuyên chú về những vấn đề Mỹ dây mơ rễ má ở Việt Nam. Mới đây, ông vừa cho ra mắt quyển "Perfect Spy" (Điệp viên hoàn hảo) nói về thân thế và sự nghiệp của ông tướng gián điệp Phạm Xuân Ẩn của Việt Cộng. Trước kia, Berman cũng đã có vài quyển sách đề cập đến những chuyện mờ ám của Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam như quyển "Lyndon Johnson's War" (Chiến Tranh của Lyndon Johnson), "Planning a Tragedy" (Dựng lên một thảm kịch).

Nhờ thương thảo với Hà Nội để có được hiệp định Paris nên Henry Kissinger đã "fifty-fifty", chia đôi giải Nobel hòa bình cùng với Lê Đức Thọ, một con người cộng sản còn biết sĩ diện hão nên từ chối không nhận giải, vì đã biết quá rõ những âm mưu ý đồ ma giáo của chính mình trong cái gọi là "hòa bình và danh dự" đó. Theo ông Berman thì lẽ ra Kissinger cũng nên từ chối một nửa giải Nobel kia, nếu ông còn chút liêm sỉ nào của một bậc trí thức khoa bảng.

 

Theo Berman thì mặc dầu Nixon "hồ hỡi phấn khởi" reo mừng "hòa bình trong danh dự" nhưng chỉ có hòa bình cho lính chiến Mỹ ở Việt Nam, vì đã được bốc ra khỏi vũng lầy mà mấy quan lớn chánh trị đã quậy tùm lum, trong khi đó Nam Việt Nam vẫn còn phải chảy mồ hôi và đổ máu trên chiến trường. Quyển sách "No Peace, No Honor" là một quả bom nổ chậm, lột trần những sự thật của quá trình gọi là "chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình", mà cặp bài trùng Nixon-Kissinger đã nặn ra.

 

Thật ra, với hiệp định Paris, Nixon và Kissinger chỉ đem lại danh dự cho riêng hai người mà thôi vì họ còn muốn lừa cả Bắc Việt nữa. Nixon đâu có muốn rút Mỹ ra khỏi Việt Nam, mà chỉ rút lính Gi thôi, nhưng vì ông thấy rằng muốn tiếp tục ném bom Bắc Việt lâu dài mà khỏi bị Quốc Hội chỉnh thì phải có lý do chính đáng. Nên chi, Kissinger thương thảo với Hà Nội để lấy cho kỳ được cái hiệp định, nhưng với ẩn ý là thế nào Bắc Việt cũng vi phạm, vì bản chất tráo trở của họ. Vậy là Mỹ sẽ có lý do để đưa B-52 trở lại, đem bom trải thảm mà trừ gian, diệt cộng. Cũng giống như trường hợp của Tổng Thống Johnson lừa Quốc Hội Mỹ trước kia, với vụ hai chiến hạm Maddox và Turner Joy để có được Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt mà ném bom miền Bắc. Giả thuyết đó của hai nhà chiến lược tầm cỡ của đảng Cộng Hòa quả không sai vì biến cố 30.4.1975 đã chứng minh là đúng. Thế nhưng, vụ tai tiếng Watergate đã đẩy Tổng Thống Nixon ra khỏi ngai vàng thì còn làm gì được nữa!

 

Thật ra, hòa đàm đã bắt đầu từ năm 1968, trong nhiệm kỳ của tổng thống Johnson. Nhưng Hà Nội cứ kỳ kèo bớt một thêm hai, đi vòng ngoài về chuyện cái bàn, về hai thành phần hay bốn thành phần, để kéo dài thời gian. Thế nhưng vì cận ngày bầu cử tổng thống Huê Kỳ nên phe Cộng Hòa đã thầm kín mượn phu nhân của tướng Chennault, Anna Chennault, sang Việt Nam để rỉ tai với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là hãy tạm hoãn chuyện đưa phái đoàn đi phó hội, chờ có kết quả bầu cử tổng thống Huê Kỳ rồi sẽ tính. Y như rằng kỳ đó Nixon thắng cử vì dân chúng Mỹ hy vọng rằng với phe Cộng Hòa, hòa đàm sẽ tiến triển nhanh chóng chăng?

 

Tổng tuyển cử xong, hòa đàm Paris tiếp tục trở lại. Tờ "New York Times" đưa tin là Lê Đức Thọ, nhà thương thuyết của Hà Nội, lên đường đi Paris, ghé qua Bắc Kinh để tham khảo thủ tướng Trung Quốc, Chu Ân Lai. Theo ông này thì nỗ lực của Nixon nhằm tạo sức ép qua ném bom đã thất bại. Nhận thấy rằng Nixon phải đương đầu với nhiều vấn đề quốc tế và quốc nội, họ Chu khuyên Lê Đức Thọ nên "bám lấy nguyên tắc, nhưng cũng nên có thái độ linh động cần thiết" để có thể đi đến dàn xếp. Theo Chu Ân Lai thì nên đòi "quân Mỹ rút về càng sớm càng tốt. Chừng nửa năm hoặc một năm thì tình hình sẽ thay đổi." Với con số 150.000 quân lính Bắc Việt còn ở lại trong Nam, Hà Nội đang có triển vọng chiến thắng, trong khi quân đội viễn chinh Huê Kỳ đang chán ngán với chiến tranh đến độ ngã lòng. Còn đồng minh Nam Việt Nam, mà Mỹ đã ủng hộ từ bao lâu nay, và đang tiếp tục bảo vệ an ninh, phải đối diện với tình cảnh lâm nguy.

 

Trong khi Lê Đức Thọ đang ở Trung Quốc, ông Strom Thurmond, thượng nghị sĩ lão thành thuộc đảng Cộng Hòa, bang Nam Carolina, và là một trong những người ủng hộ Nixon mạnh mẻ nhứt, viết cho tổng thống một bức thơ riêng. Ông Nixon lúc nào cũng trân trọng lời khuyên và hậu thuẩn của ông Thurmond. Hồi 1968, ông Thurmond đã cung cấp số đại biểu quyết định của miền Nam để chỉ định Nixon ra làm ứng cử viên tổng thống. Là một loại diều hâu dứt khoát ủng hộ chiến tranh và một người ủng hộ mạnh mẻ những cuộc ném bom Bắc Việt trong mùa Giáng Sinh, trong bức thơ ngày 2 tháng Giêng gởi tổng thống, Thurmond viết rằng bất kỳ cuộc thương thảo nào để dàn xếp cuối cùng tại Paris giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ mà cho phép quân Bắc Việt ở lại miền Nam sẽ bị coi như là phản bội lại những ai đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến. Ông Thurmond viết tiếp:

 

"Tôi rất hài lòng khi thấy cuộc dội bom Bắc Việt đã đưa cộng sản đến bàn hội đàm. Điều đó chứng tỏ rằng thái độ cương quyết trong chánh sách của tổng thống đã có kết quả. Tôi hy vọng sao những cuộc thương thuyết sắp tới đây sẽ đi đến một dự thảo thỏa hiệp, được tu chính lại, với điều khoản dự trù một cách minh bạch là tất cả những quân lính không phải người Nam Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ của đất nước này. Tôi rất lo ngại vì những dự thảo trước kia cho thấy quân lính Bắc Việt có thể được phép ở lại Nam Việt Nam. Như vậy có thể sẽ là cơ sở để cho Bắc Việt chiếm lấy Nam Việt Nam, sau khi chúng ta rút về trong tương lai. Trong một tình huống như vậy, lịch sử sẽ phê phán rằng mạng sống của người Mỹ đã hy sinh một cách vô lối."

 

***

 

Năm 1975, vụ tai tiếng Watergate đã làm cho nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon phải điêu đứng. Xuyên suốt cuộc thương thảo và việc ký kết hiệp định, Kissinger và Nixon đã riêng tư hứa với tổng thống Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu, rằng Huê Kỳ sẽ can thiệp nếu có hành động thù nghịch nào xảy ra giữa Bắc Nam, nhưng ông Thiệu cũng biết rằng những lời hứa đó rất mong manh. Trong việc kêu cứu giúp đỡ lần cuối cùng, Tổng Thống Thiệu viết một lá thơ riêng cho Tổng Thống Gerald Ford, một người mà ông chưa hề gặp bao giờ:

 

"Ngay từ khi thương thuyết Hiệp Định Paris, chúng tôi đã biết rõ rằng Hà Nội có ý định lợi dụng hiệp định để xâm chiếm Nam Việt Nam... Người ta đã kiên quyết cam kết với chúng tôi là Huê Kỳ sẽ đánh trả nhanh chóng và mạnh bạo bất kỳ vụ vi phạm nào... Chúng tôi coi những lời cam kết đó như là những bảo đảm quan trọng nhứt cho Hiệp Định Paris. Giờ đây, những điều cam kết đó đã trở nên then chốt đối với chuyện sống còn của chúng tôi."

 

Nhưng Tổng Thống Ford phải chấp nhận thực tế chánh trị là Quốc Hội sẽ không duyệt phê lời yêu cầu bổ sung ngân sách và việc can thiệp của Mỹ ở Việt Nam rồi đây sẽ chấm dứt. Duyệt xét lại bản thảo đầu tiên của bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc Hội, Tổng Thống Ford đọc cho người thảo diễn văn của ông những lời lẽ đề nghị như sau:"Và sau nhiều năm cố gắng, chúng ta đã điều đình được một cuộc dàn xếp cho phép chúng ta rút lực lượng ra khỏi cuộc chiến trong danh dự và đưa những tù binh về nước." Tổng thống Ford xóa bỏ những chữ trong danh dự.

 

Henry Kissinger cũng biết rằng danh dự của Huê Kỳ phải lâm nguy. Trong phòng họp nội các ngày 16 tháng Tư, ông ngoại trưởng đọc lớn một lá thơ của hoàng thân Sirik Matak (lúc bấy giờ là đương kim thủ tướng Cam Bốt), một trong những nhà lãnh đạo của Cam Bốt từ chối lời mời di tản khỏi Nam Vang của Huê Kỳ. Bức thơ, gởi cho ông Đại sứ Mỹ tại Pnom Penh, được viết mấy tiếng đồng hồ trước khi Matak hành động:

 

"Thưa Ngài và Thân Hữu,

"Tôi hết sức thành thật cám ơn Ngài về bức thơ và đề nghị đưa tôi đến với tự do. Tiếc thay, tôi không thể ra đi trong một cung cách hèn nhát như vậy. Tôi chẳng khi nào tưởng tượng được rằng Ngài, và nhứt là đất nước vĩ đại của Ngài, lại có ý nghĩ bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do. Ngài đã từ chối không muốn bảo vệ chúng tôi, chúng tôi đành chịu vậy. Ngài ra đi, và tôi ao ước sao cho Ngài và đất nước của Ngài có được hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng, xin nhớ kỹ một điều, là nếu tôi chết tại đây một cách bất đắc kỳ tử và trên đất nước mến yêu của tôi thì thật là bậy, nhưng tất cả chúng ta đều được sanh ra và phải chết đi một ngày nào đó. Tôi đã phạm phải một sai lầm là đã tin tưởng ở Ngài, những người Mỹ."

 

Ở Sài Gòn, thân phận của hàng ngàn người Việt Nam chưa rõ trắng đen. Ông Đại Sứ Huê Kỳ, Graham Martin, đánh điện cho Henry Kissinger biết rằng "nếu chúng ta đột ngột ra lịnh di tản người Mỹ thì bạo động sẽ xảy ra. Lịnh đó sẽ được mọi người suy diễn là một sự phản bội tàn nhẫn vô nhơn đạo nhứt, bỏ mặc người Việt Nam cho số phận của họ, trong khi chúng ta đưa thủy quân lục chiến tới để bảo đảm rằng chúng ta sẽ đưa hết người của mình ra." Ông Martin yêu cầu Kissinger nên đình hoãn càng lâu càng tốt vì bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy Mỹ rút đi cũng có thể phát động cuộc hoảng loạn và "sẽ là một hành động phản bội cuối cùng có thể xóa đi những gì coi như là danh dự còn lại của chúng ta."

 

Vậy mà, kế hoạch di tản cứ tiến hành. Ngày 29 tháng Tư, tình hình ở tòa đại sứ Huê Kỳ vô cùng rối loạn vì Đại Sứ Martin lộ liễu coi thường lịnh di tản của tổng thống. Ngày 30 tháng Tư, trong khi những chiếc trực thăng CH-46 Sea Night và những chiếc CH-53 Sea Stallions to lớn hơn đang chở người tỵ nạn từ sân thượng tòa đại sứ ra hạm đội Huê Kỳ ở ngoài khơi, thì có những lượng thông tin tối mật bất ngờ xen vào tần số. Mọi liên lạc vô tuyến giữa phi công và Trung Tâm Chỉ Huy và Kiểm Soát Chiến Trường Không Vận đều đồng thời chuyển đến cấp thẩm quyền chỉ huy và kiểm soát Huê Kỳ ở Hawaï và Hoa Thạnh Đốn. Những liên lạc sau cùng xác nhận những tệ hại của cuộc di tản ở phía Sài Gòn.

 

Phi công của một chiếc CH-53 báo cáo:"Lúc này tất cả những nhân viên Mỹ còn lại đều ở trên sân thượng và người Việt Nam đã vào bên trong tòa nhà." Một tin khác báo:"Người Nam Việt Nam đã tràn vào bên trong sứ quán, đang lục lạo tùm lum... thế nhưng không có hành động thù nghịch nào." Từ sân thượng tòa đại sứ, Thiếu Tá TQLC James Kean mô tả cảnh hỗn loạn ở dưới nhà giống như một cảnh trong phim "On the Beach".

 

Cuối cùng, lúc 7 giờ 51 giờ Sài Gòn, lực lượng thủy quân lục chiến (TQLC) giữ gìn an ninh dưới đất của sứ quán nhìn thấy chiếc trực thăng CH-46 bay lù lù đến và nhận được danh hiệu "Swift 22" của nó. Đây là chuyến bay chót rời khỏi Sài Gòn, đưa những người lính TQLC ra hạm đội. Lượng truyền tin cuối cùng phát ra từ chiếc CH-46 chỉ vỏn vẹn gồm có mười ba chữ:"Tất cả người Mỹ đều ra đi, xin lập lại đã ra đi."

 

Thế nhưng, đâu phải là ai cũng đã ra đi. Liên lạc truyền tin đã bị gián đoạn giữa những người phụ trách di tản trên đất liền và những người ở ngoài khơi, giữa hạm đội phụ trách những trực thăng và thầm quyền quyết định ở Hawaï và Hoa Thạnh Đốn. Đại Tá Harry G. Summers, Jr. cho biết:"Chiến tranh Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt. Chẳng phải là một ngày tự hào cho người Mỹ." Trên sân thượng của sứ quán còn trên 420 người Việt Nam đăm đắm nhìn vùng trời trống không, mơ ước những bóng hình của trực thăng Mỹ bay trở lại. Chỉ mấy tiếng đồng hồ trước đây, họ đã được những người lính TQLC bảo đảm là sẽ "không ai bị bỏ lại". Nhưng trực thăng đã không trở lại!

 

Từ Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Gerald Ford đưa ra bản tuyên bố chánh thức:

 

"Chánh phủ Nam Việt Nam đã đầu hàng. Trước khi họ đầu hàng, chúng ta đã rút Phái Bộ của chúng ta ra khỏi Việt Nam. Việt Nam là một kinh nghiệm đau lòng cho đất nước này... Lịch sử sẽ có những phán xét sau cùng về những gì chúng ta đã làm hoặc còn bỏ dở chưa làm, ở Việt Nam và ở những nơi khác. Hãy bình tỉnh chờ đợi sự phán quyết."

 

***

 

Đã trên ba mươi năm qua (No Peace, No Honor xuất bản năm 2001) từ khi Huê Kỳ và Việt Nam bắt đầu nói chuyện với nhau, với ý định chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Hòa đàm Paris bắt đầu ngày 13 tháng Năm 1968, dưới những ngọn đèn chùm bằng thủy tinh trong phòng dạ hội của khách sạn xưa cũ Majestic trên đại lộ Kléber (Paris), và kết thúc vào ngày 27 tháng Giêng 1973, với việc ký kết Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Paris. Hiệp định thì hiệp định, không có lúc nào hòa bình ló mặt ở Việt Nam. Quyển sách này khai thác nơi tàng ẩn của những tài liệu vừa được giải mật hồi gần đây để trình bày một viễn ảnh mới, giải thích tại sao một đất nước mang tên Nam Việt Nam không còn hiện diện sau tháng Tư 1975.

 

Ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống hồi tháng Giêng 1969, Richard Nixon đã từng mưu tìm một "hòa bình khả kính" ở Việt Nam. Tháng Giêng năm 1973, ông cho rằng hiệp định Paris đã đạt được những mục tiêu cao cả:

 

"Giờ đây, chúng ta đã đạt được một hiệp định khả kính thì chúng ta có quyền hãnh diện là Huê Kỳ không sắp xếp để có được một nền hòa bình có thể phản bội lại đồng minh của chúng ta, có thể bỏ rơi những tù binh chiến tranh của chúng ta, hoặc có thể kết thúc chiến tranh cho chúng ta nhưng sẽ tiếp tục chiến tranh cho năm mươi triệu nhân dân của Đông Dương."

 

Những tài liệu tham khảo để viết bài diễn văn, tập trung lại ở Tòa Bạch Ốc trong đêm tổng thống tuyên bố ngừng bắn, cho thấy rằng bản văn cuối cùng đã "nói lên chính sách khôn khéo của tổng thống đã dẫn tới một nền hòa bình khả kính – và chối bỏ một sư thất bại trá hình và nhục nhã. Nếu như tổng thống không can đảm – trong bốn năm bị phỉ báng và tấn công chưa từng thấy – ngày nay Huê Kỳ không chấm dứt được một cách khả kính sự can thiệp của mình vào chiến tranh, mà sẽ phải đau đớn chấp nhận những hậu quả của nhục nhả và thất bại... Sự khác biệt giữa thành tựu của tổng thống và những gì đối thủ của ông mong muốn, là sư khác biệt giữa hòa bình trong danh dự và một nền hòa bình giả tạo của một nước Mỹ đầu hàng."

 

Một tài liệu được thảo ra để phân phát cho những thành viên của quốc hội cho thấy có những lời lẽ gay gắt hơn đối với những người chỉ trích tổng thống.

 

Trong bốn năm đầy đau khổ, Richard Nixon hình như phải chịu đựng một mình tại thủ đô đất nước, trong khi những con người nhỏ mọn, ti tiện, nghiêm khắc phê bình ông về chuyện Mỹ can thiệp ở Đông Dương. Bốn năm qua, ông đã là mục tiêu của những chỉ trích cá nhơn tai ác nhứt. Ngày đêm, phương tiện truyền thông quá khích hàng đầu của đất nước đả kích kịch liệt ông Nixon, mổ xẻ chi li, bằng cách tấn công, dùng lời lẽ xúc phạm và chạm tự ái. Nhóm trí thức - những người có bài viết về nước Mỹ liên hệ đến chiến tranh Việt Nam - với một lập trường vênh vang, tự cao tự đại, núp trong tháp ngà để vận dụng thế lực quá quắt của mình mà tác động đến dư luận quần chúng... Không một vị tổng thống nào bị những người, hằng đêm phải quỳ gối để cầu xin Thượng Đế để khỏi phải có những quyết định như Richard Nixon, quấy rầy thường xuyên và liên tục nhiều hơn đến như vậy. Cùng chịu đựng với Tổng Thống qua những năm cơ cực đó, chỉ có một nhúm ký giả và một số báo chí - gần như ở bên ngoài Hoa Thạnh Đốn. Cũng có những người can đảm trong Quốc Hội, cương quyết giữ vững lập trường bên cạnh Tổng Thống. Nhưng quan trọng hơn hết là hàng bao nhiêu triệu người Mỹ tầm thường - một đại đa số công dân thầm lặng – đã nhìn thấy đất nước chúng ta phải trải qua một thời kỳ bị những người tranh đấu của dư luận tả khuynh hằng ngày tuyên truyền chống lại tổng thống Huê Kỳ. Đa số thầm lặng đó là những con người có bản lãnh và cương quyết sắt đá.

 

Trong khi đó, Bắc Việt rêu rao rằng hiệp định Paris là một thắng  lợi to lớn. Đài phát thanh Hà Nội, qua các chương trình dành cho quốc nội và nước ngoài, bỏ ra nhiều ngày tập trung vào một vấn đề và đọc đi đọc lại bản văn và nghị định thơ của hiệp định Paris. Văn phòng thủ tướng ở Hà Nội loan báo là quốc kỳ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ đượng trương lên trên toàn đất nước trong vòng tám ngày, kể từ lúc bắt đầu ngưng bắn ngày 28 tháng Giêng cho đến 4 tháng Hai. Trong ba ngày đêm, phố phường Hà Nội ngập đầy dân chúng chào mừng sự kiện là trong 60 ngày tới sẽ không còn quân lính ngoại quốc ở Việt Nam.

 

Xã luận trên nhựt báo "Nhân Dân" ngày 26 tháng Giêng, dưới tựa đề "Chiến Thắng Lịch Sử Vĩ Đại của Nhân Dân Việt Nam Chúng Ta", viết rằng:

 

"Hôm nay, 26 tháng Giêng, chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt trên hai miền đất nước ta. Hoa Kỳ và những nước khác đã cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhứt và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Hoa Kỳ sẽ rút hết quân lính Mỹ và quân lính của những quốc gia ngoại quốc cùng với cố vấn và nhơn viên quân sự của họ, phá bỏ các căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở miền Nam đất nước chúng ta và tôn trọng quyền tự quyết và những quyền tự do dân chủ khác của nhân dân miền Nam."

 

Tuyên bố với nhà báo Mỹ Walter Cronkite, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng còn lắm lời hơn:

 

"Hiệp định Paris là một thắng lợi quan trọng của nhân dân chúng tôi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đối với chúng tôi, những điều khoản của hiệp định thật thỏa đáng... Hiệp định Paris dọn đường cho đại thắng của chúng tôi vào mùa Xuân 1975, chấm dứt trên một thế kỷ đô hộ của chế độ thực dân cũ và mới, và hoàn trả lại độc lập, tự do và thống nhất cho tổ quốc chúng tôi."

 

Chỉ riêng ở miền Nam là không có vui mừng hay liên hoan gì nhơn dịp ký kết hiệp định Paris. Theo thỏa hiệp thì trên 150.000 quân Bắc Việt vẫn ở lại miền Nam, trong khi đó Huê Kỳ, qua nhiệm kỳ của Tổng Thống Nixon, đã đơn phương rút về trên 500.000 quân của mình. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và đồng bào Việt Nam hiểu rằng Lê Đức Thọ đã thắng trong trận đánh ngoại giao này. Tổng Thống Thiệu chỉ đồng ý không gì khác hơn là nghị định thơ chấp thuận cho Mỹ giải kết. Đúng là Tổng Thống Nixon có bảo đảm sẽ trả đũa mạnh mẽ nếu Bắc Việt tấn công trở lại. Nhưng liệu bảo đảm đó có tin tưởng được hay không? Số phận của đất nước này tùy thuộc vào những lời cam kết đó. Hai mươi tám tháng sau, Nam Việt Nam không còn nữa.

 

***

 

Cho đến bây giờ, có hai cách giải thích hoàn toàn khác biệt nhau về sự thất bại của Hiệp Định Paris và về sự tan biến liên hệ của một đất nước gọi là Nam Việt Nam.

 

Richard Nixon và Henry Kissinger lúc nào cũng quả quyết là họ đã thắng cuộc chiến còn Quốc Hội thì đã đánh mất hòa bình. Hai người này cho rằng, dẫu cho không được hoàn chỉnh thì bản thân hiệp định cũng có giá trị để đem lại một giải pháp chánh trị nếu như Bắc Việt không vi phạm một cách sống sượng. Nam và Bắc Việt Nam có thể tồn tại như là những đất nước riêng biệt. Nhưng khi miền Bắc vi phạm hiệp định thì vụ Watergate không cho phép Tổng Thống Nixon thi hành thỏa hiệp mật kín với Tổng Thống Thiệu.

 

Kissinger thậm chí còn đi xa hơn nữa, nói rõ là chẳng có gì mật kín trong chuyện Nixon hứa với Thiệu. Dẫu sao đi nữa, vào giữa năm 1973, Nixon đã có một cuộc tranh luận với Quốc Hội về đặc quyền của hành pháp và chuyện lạm dụng quyền hành. Nên chi, ông khó mà tranh cãi lần nữa về quyền hành chiến tranh để bảo vệ Nam Việt Nam. Sau này, ông Nixon có nói với Monica Crowley, cựu trợ lý ngoại giao và bạn tâm tình:

 

"Năm 1973, chúng ta đã đạt được mục tiêu về chánh trị là nền độc lập của Nam Việt Nam đã được bảo đảm. Nhưng năm 1975, Quốc Hội đã tiêu diệt khả năng của chúng ta trong việc tăng cường hiệu lực của Hiệp Định, do đó phải để cho đồng minh của chúng ta bị lép vế trước lực lượng xâm chiếm của Hà Nội. Nếu bảo rằng tôi chỉ trích Quốc Hội thì đúng là như vậy."

 

Còn Kissinger thì bảo là:

 

"Thảm kịch của chúng ta là tình hình quốc nội... Hồi tháng Tư (1973), vụ tai tiếng Watergate nổ ra, và chúng ta bị chặt tay, chặt chưn... Thảm kịch thứ hai là chúng ta không được phép làm cho Hiệp Định có hiệu lực... Tôi nghĩ nếu cho rằng ông ấy (Nixon) có thể cho ném bom tiêu tan cả lũ hồi tháng Tư thì cũng hợp lý."

 

Một lý do khác nữa để giải thích sự thất bại của Hiệp Định Paris, đó là "thời gian thỏa đáng" (decent interval). Cách giải thích này không rộng lượng với Nixon hoặc Kissinger vì cho rằng vào tháng Giêng 1973, những nhà lãnh đạo Huê Kỳ chỉ lo việc trả tự do cho tù binh chiến tranh Mỹ và kiểm kê những người Mỹ mất tích, đặc biệt là ở bên Lào. Còn tương lai chánh trị của Nam Việt Nam thì người Việt Nam phải tự mình lo liệu. Chúng ta chỉ muốn sao cho cộng sản đừng chiến thắng nhanh quá. Kissinger biết rằng Hà Nội có triễn vọng sẽ thắng cuộc. Khi đặt bút ký tên vào hiệp định hòa bình, Hà Nội đâu có bỏ rơi mục tiêu trường kỳ của họ, mà chỉ muốn cho Huê Kỳ khỏi mất thể diện khi rút quân về. Trong quyển sách "Decent Interval", Frank Snepp có viết:

 

"Vậy thì Hiệp Định Paris chỉ là một thứ để giúp người ta tránh né, tránh né theo kiểu Mỹ. Điều duy nhứt mà hiệp định dứt khoát bảo đảm là Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, một hành động tùy thuộc vào ý chí của Mỹ mà thôi. Phần còn lại của vấn đề là ngòi nổ của chiến tranh, cứ để cho nó âm ỉ, chủ yếu vẫn chưa được giải quyết – và không giải quyết được."

 

Ông John Ehrlichman, trợ lý của tổng thống hỏi Kissinger liệu Nam Việt Nam sẽ tồn tại được bao lâu nữa với hiệp định Paris thì Kissinger đáp:"Tôi nghĩ rằng nếu may mắn thì họ còn đứng vững được một năm rưởi nữa." Khi John Negroponte, trợ lý của ông cho rằng hiệp định Paris không có lợi cho Nam Việt Nam thì Kissinger hỏi lại:"Bộ ông muốn mình ở đó mãi mãi sao?"

 

Nixon ao ước sẽ được lịch sử ghi nhận như là một tổng thống có chính sách đối ngoại vĩ đại. Trong tinh thần đó, ông muốn có một Nam Việt Nam không cộng sản để củng cố thêm cái vốn ngoại giao mà ông đã đạt được qua việc hòa hoãn với Liên Xô và cởi mở với Trung Quốc. Nếu như Nam Việt Nam thất bại thì trường hợp đó không phải là điều mà Tổng Thống Nixon mong muốn. Trong nhựt ký tháng Tư 1972, ông Nixon có ghi:

 

"Giờ đây, điều quan trọng là câu chuyện sẽ ra làm sao. Cả Haldeman lẫn Henry dường như đã có một ý kiến rồi, là nếu như chúng ta thất bại ở Việt Nam thì chúng ta vẫn còn tồn tại về phương diện chánh trị. Họ nghĩ như vậy là không đúng. Tuy nhiên, dẫu sao đi nữa thì tôi cũng không có ảo tưởng về điểm đó. Huê Kỳ sẽ không có một chính sách đáng tin tưởng nếu chúng ta thất bại, và tôi là người sẽ phải chịu trách nhiệm cho tình hình đó."

 

***

 

Quyển sách "No Peace, No Honor" phần lớn dựa trên những hồ sơ được giải mật hồi gần đây để cho thấy là hình ảnh đích thật còn tồi tệ hơn những viễn ảnh nói trên. Thực tế trái ngược với ý niệm "thời gian thỏa đáng" và còn kém xa những gì hai ông Nixon và Kissinger dự kiến. Tài liệu cho thấy rằng Huê Kỳ nghĩ là hiệp định vừa ký kết sẽ bị vi phạm ngay và sẽ phát động một phản ứng quân sự hung bạo. Với cái gọi là hiệp định hòa bình đó, hai ông Nixon và Kissinger dự kiến sẽ có chiến tranh lâu dài - bằng không quân, chớ không phải với quân bộ chiến - với một phí tổn có thể chấp nhận được. Hai ông nghĩ rằng nếu hiệp định đã được ký kết thì đó là đường hướng duy nhứt quần chúng Huê Kỳ có thể chấp nhận. Ông Nixon nhận thấy rằng không thể nào đạt được hòa bình, cũng như thắng được chiến tranh, nhưng ông dự kiến là sẽ sử dụng B-52 để hỗ trợ chánh phủ Nam Việt Nam cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống của ông, nếu có bế tắc vô hạn định. Cũng giống như Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt đã tạo ra cái cớ để Mỹ can thiệp ở Nam Việt Nam thì Hiệp Định Paris cũng sẽ được viện dẫn như là cái tiền đề tương đương để tiếp tục can thiệp lâu dài ở Việt Nam. Thế nhưng vụ Watergate làm hỏng hết kế hoạch.

 

Tài liệu giải mật cho thấy rằng Nam Việt Nam, Bắc Việt và Huê Kỳ đều coi thường những yếu tố then chốt trong hiệp định vì bên nào cũng thấy có lợi khi làm như vậy. Không một ai coi trọng hiệp định vì bên nào cũng coi đó như là một phương tiện để bảo đảm cho một cái gì không được minh định rõ ràng. Đối với Huê Kỳ thì đó là một phương tiện để duy trì thường xuyên sự có mặt của Mỹ ở Đông Nam Á, phần nào phù hợp với Chủ Thuyết Nixon. Bắc Việt thì coi đó là một phương tiện để may ra thôn tính và thống nhứt được Việt Nam. Còn đối với Nam Việt Nam thì đó là cái cớ để bảo đảm sẽ được Huê Kỳ tiếp tục hậu thuẫn bao che.

 

Sự thật vẫn bị che đậy khá lâu vì Richard Nixon và Henry Kissinger đã làm mọi cách để không cho bất cứ ai rớ tới hồ sơ lịch sử. Là những chứng nhơn lịch sử, hai ông đã tạo ra nhiều tài liệu tối mật bằng cách tự tay thảo ra những bản ký yếu rồi sau đó muốn cho bất cứ người nào khác cũng phải gặp nhiều khó khăn mới đọc được những văn bản đó. Những người nghiên cứu bị hạn chế trong việc đọc những tài liệu riêng tư, những biên bản điện đàm và những tài liệu gốc chủ yếu để có thể đánh giá một cách khách quan hồ sơ liên quan đến diễn biến của chiến lược thương thuyết và những thỏa hiệp được nêu lên trong những giai đoạn khác nhau của quá trình hòa đàm rất lâu dài đó. Cố Đô Đốc Elmo Zumwalt Jr., cựu tham mưu trưởng Hải Quân Huê Kỳ, cho rằng "phương pháp viết sử của Kissinger cũng giống như cách viết của những sử gia cộng sản, đem những lý lẽ của thời hiện tại áp dụng ngược lại, từng sự kiện một, để giải thích quá khứ của đất nước. Theo phương pháp này, không có chuyện nào đúng với trường hợp đã xảy ra." Câu chuyện "hòa bình trong danh dự" của chánh phủ Nixon cũng được viết ra như vậy.

 

Những giấy tờ riêng tư của Henry Kissinger được ký gởi ở Thư Viện Quốc Hội, với chứng thơ pháp lý chỉ cho phép khai thác năm năm sau khi đương sự qua đời. Nhiều năm qua, người ta đã không được phép khai thác những bản sao trọn vẹn liên quan đến những cuộc thương thuyết của Kissinger. Các trợ lý của Kissinger như Tony Lake, Winston Lord và John Negroponte cất giữ những văn bản chép tay, trung thực từng chữ một của các cuộc mật đàm ở Paris. Negroponte đã đưa cho Kissinger toàn bộ những ghi chú mật đàm này để Kissinger viết hồi ký, nhưng không bao giờ thấy hoàn lại. Khi trao cho ủy ban điều tra của Kerry (ứng cử viên tổng thống hồi năm 2004) để xem xét mọi khía cạnh của vấn đề MIA (lính Mỹ mất tích trong chiến tranh) và nghiên cứu về hòa đàm Paris, Winston Lord nói rằng trong số tài liệu đó có "bản sao y từng chữ một mọi cuộc mật đàm với phía Bắc Việt. Ngày nay thì chỉ có những ghi chú các cuộc "đi đêm" là được phép khai thác. Ngoài ra, Bắc Việt cũng công bố bản dịch của các cuộc mật đàm Kissinger-Thọ.

 

Đó là câu chuyện hòa đàm bắt đầu dưới thời Lyndon Johnson hồi 1968 và kết thúc với việc sụp đổ của Nam Việt Nam hồi 1975. Trong đó có đề cập đến nhiều phiên mật đàm. Tài liệu chánh gồm có bản sao chép tài liệu từ hồ sơ lưu trữ của Hà Nội, đã được Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ phiên dịch và được phổ biến dưới tựa đề "Lê Đức Thọ-Kissinger Negotiations in Paris" (Cuộc thương thuyết Lê Đức Thọ và Kissinger ở Paris), trong đó có biên bản cuộc họp của ủy ban điều tra về MIA ở Đông Nam Á, những ghi chú từ tài liệu của Tony Lake và bản ghi nhớ những điều trao đổi từ những tài liệu của Văn Khố Quốc Gia và thư viện tổng thống, đã được giải mật hồi gần đây. Những tài liệu này đã được phối kiểm cho phù hợp với những sự kiện. Trong nhiều trường hợp ông Larry Berman cũng có thể đưa những đoạn tài liệu mật, nhờ các tài liệu ghi nhận được qua những điện thư mật kín mà Kissinger gởi cho Đại Sứ Ellsworth Bunker hay Tổng Thống Nixon.

 

Như vậy quyển sách "No Peace, No Honor" của ông Berman là phần nổi của tảng băng mà ông Nixon gọi là "hòa bình trong danh dự", nhưng thật ra thì hòa bình đâu chẳng thấy, mà danh dự thì còn lâu. Câu chuyện về sự gian dối ngoại giao và phản bội quần chúng đã được đưa ra ánh sáng chỉ vì những tài liệu và băng thu thanh, mà Richard Nixon và Henry Kissinger muốn giấu nhẹm càng lâu càng tốt, đã được giải mật. Trước kia, chúng ta chỉ biết những gì Nixon hay Kissinger muốn cho chúng ta biết, liên quan đến chuyện tiến hành chiến tranh và về việc vẽ vời cái gọi là hòa bình vẻ vang ở Việt Nam.

 

Xem tiếp bài 2

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.