Trước đèn đọc sách:
"No Peace, No Honor"
by
Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu
----------------------------------

Bài 2:
Tranh cãi vì hòa đàm
Chuyện
Huê Kỳ dây mơ rễ má vào Việt Nam bắt nguồn đã khá lâu, dưới
nhiều dạng thức, khi thì thử tiếp tay với những người kháng
chiến mong muốn thoát khỏi xiềng xích thực dân, lúc thì hà hơi
tiếp sức với Tây để đánh cộng sản, rồi sau cùng hùng vốn với
thành phần quốc gia để dựng nên "Tiền đồn thế giới tự do". Vậy
mà phải đến đời tổng thống dân chủ Lyndon Baines Johnson – LBJ
- (1963-1969) mới nổi đình đám và trắng đen rõ ràng, Huê Kỳ là
đồng minh của Nam Việt Nam trong chiến tranh chống cộng. Nên
chi, kể từ năm 1968, tổng thống Johnson đâm ra mang lấy bí
danh "tổng thống của chiến tranh".
Khi kế nghiệp John F. Kennedy, bị ám sát giữa nhiệm kỳ, Tổng
Thống Johnson hy vọng sẽ được tiếng để đời là một tổng thống tạo
dựng Xã Hội Vỹ Đại (Great Society), trong đó mọi công dân
Mỹ đều có thời cơ như nhau và được công bằng ngang nhau. Thế
nhưng, người muốn mà Thượng Đế quyết định nên danh tiếng của ông
bị trật đường rầy, đi theo lối khác.
Nối
ngôi một ông tổng thống nửa đường gảy gánh, LBJ không được rảnh
tay với lý tưởng của mình mà phải lao vào một cuộc chiến tranh,
phần lớn do chính quyền của ông tạo ra với màn tự biên tự diễn
"Vịnh Bắc Việt". Phóng lao thì phải theo lao, qua một nhiệm kỳ
tổng thống hơn bốn năm mà thành quả chiến tranh chẳng thấy đâu,
tai tiếng lại quá nhiều. Còn thêm biến cố Tết Mậu Thân, với việc
đặc công cộng sản tiến vào tới tận hoa viên đại sứ quán Huê Kỳ ở
Sài
Gòn, làm bể mặt anh hùng. Tướng tư lịnh chiến trường, William C.
Westmoreland xin tăng quân để đánh cho Việt Cộng một trận nên
thân, sau khi nhận thấy rằng lực lượng cộng sản gần như chẳng
còn gì, sau cuộc tổng công kích táo bạo và ngoạn mục đó.
Nhưng như chim bị ná, LBJ thận trọng hơn, phái tổng tham mưu
trưởng liên quân, tướng Earle G. Wheeler đi tận nơi để nhận định
tình hình. Cuối tháng Hai 1968, Tướng Wheeler đi Việt Nam ba
ngày để đánh giá tình hình cùng với tư lịnh chiến trường, Tướng
Westmoreland, cũng như với các tướng Mỹ ở bốn vùng chiến thuật.
Căn cứ trên yêu cầu tăng quân của chiến trường, LBJ còn lưỡng lự
nên, thêm một lần nữa, ra lịnh cho bộ trưởng Quốc Phòng, Clark
Clifford, cầm đầu một nhóm công tác để đánh giá yêu cầu tăng
viện cho chiến trường Việt Nam. Với lời dặn dò:"Hãy đề nghị cái
gì ít tồi tệ nhứt". Ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford tiết
lộ là "chưa bao giờ thấy tổng thống lo lắng đến như vậy". Công
trình nghiên cứu của nhóm công tác không tán thành việc thêm
quân cho chiến trường, vì theo Clifford thì:"Tôi thấy rằng lại
phải đánh nhau nữa, nghĩa là thêm thương vong cho Mỹ mà chẳng có
lối thoát."
Thành ra, LBJ phải lưỡng lự, giằng co, nửa muốn đưa thêm cho
Westmoreland 206.000 chú "Gi", nửa muốn xuống thang chiến tranh,
vì ngoài khuyến cáo của nhóm công tác Clifford còn có sự chống
đối của phe chánh trị trong nước. Nhưng dường như LBJ cũng ngao
ngán chiến tranh cho nên trong kỳ đại hội của National Farmers
Union (Liên đoàn nông nghiệp quốc gia) hồi cuối tháng Ba năm
1968, tổng thống đã tỏ ý muốn "tìm một nền hòa bình khả kính và
một nền hòa bình chánh đáng tại bàn hội nghị". Trong bài hiểu
thị toàn dân ngày 31.3.1968, tổng thống
cho biết ý định "tiến ngay tới hòa bình qua thương thuyết. Không
cần phải trì hoản chuyện hòa đàm, mà có thể chấm dứt cuộc chiến
dằng dai và đẫm máu này." Ông tỏ ngay thiện chí bằng cách
đơn phương ngưng ném bom miền Bắc, ngoại trừ khu phi quân sự.
Ngay sau đó tổng thống chỉ định W. Averell Harriman, một ông đại
sứ tiếng tăm của Huê Kỳ, làm "người đại diện cá nhơn của tổng
thống cho cuộc hòa đàm", với trọng trách "mưu tìm hòa bình".
Tiến thêm bước nữa trong thiện chí chấm dứt chiến tranh, xây
dựng hòa bình, tổng thống nói tiếp:
"Khi những người con của nước Mỹ đang ở trên các chiến trường xa
xôi, khi tương lai của nước mỹ đang bị thử thách ngay tại quê
nhà này, với hy vọng của chúng ta và của thế giới về hòa bình
đang được cân nhắc hàng ngày, tôi không nghĩ là tôi phải dành
một giờ hay một ngày của tôi cho bất kỳ sự nghiệp phe phái riêng
tư nào hoặc cho bất kỳ công việc nào khác ngoài nhiệm vụ khả
kính của chức vụ này - chức vụ tổng thống của đất nước chúng ta.
Nên chi, tôi sẽ không mưu tìm và sẽ không chấp nhận để Đảng chỉ
định ra ứng cử một nhiệm kỳ tổng thống nữa."
Một quyết định làm cho cả nước Mỹ phải sửng sờ, bàng hoàng.
Nhiều người cho là con "diều hâu" đã chết, kẻ khác thì nghĩ rằng
chiến tranh đã biến một con người tài ba và có tâm hồn thành nạn
nhân của nó. Vậy mà, phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, ngày 4
tháng Tư kế tiếp, mục sư Martin Luther King bị ám sát ở Memphis,
khiến cho các thành phố nước Mỹ náo loạn. "Xã Hội Vỹ Đại" thế là
tiêu tan!
 Ba
ngày sau, đài phát thanh Hà Nội đưa tin là Bắc Việt chấp nhận đề
nghị của Johnson và thỏa thuận cho các đại diện tiếp xúc nhau.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội công khai cho biết chịu hòa đàm. Tuy
nhiên, cũng có câu thòng là những cuộc tiếp xúc sơ khởi này chủ
yếu tập trung vào việc Mỹ ngưng ném bom vô điều kiện và chấm dứt
những hành động xâm lược khác đối với Việt Nam.
Những tài liệu cộng sản được giải mật hồi gần đây tiết lộ rằng
khi Hà Nội sẵn sàng chấp nhận nói chuyện với Mỹ thì Bắc Kinh quở
trách Bắc Việt tại sao lại làm thế khi mà lực lượng võ trang
cộng sản chưa được chỉnh đốn sau chiến dịch Mâu Thân. Hai tuần
lễ sau lời tuyên bố ngày 31 tháng Ba của LBJ, thủ tướng Trung
Quốc Chu Ân Lai nói với thủ tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng:"Dưới
cái nhìn của nhân dân thế giới thì đồng chí đã thỏa hiệp hai
lần." Họ Chu hỏi Phạm Văn Đồng tại sao lại có thể nói chuyện với
Mỹ trong khi Huê Kỳ vẫn còn ném bom xuống phía Bắc vùng phi quân
sự, rồi thủ tướng Chu nói thêm:"Chúng tôi đánh giá cao kinh
nghiệm chiến đấu của các đồng chí. Nhưng chúng tôi phần nào có
kinh nghiệm hơn trong việc hội đàm với Mỹ." Như vậy là "đại
huynh" của Hà Nội cho rằng đàn em của mình bỗng nhiên tạo điều
kiện cho một con người của chiến tranh biến thành con người của
hòa bình, và không cần phải làm vậy trong khi tình hình của lực
lượng võ trang cộng sản chưa được cải thiện.
Vài ba ngày sau, Chu tiên sinh lại nhắc nhở Phạm Văn Đồng là Bắc
Việt cần phải chuẩn bị để chiến đấu ít lắm cũng phải trong vòng
hai hoặc ba năm nữa, cho đến năm 1970:
"Đồng chí Mao nói rằng vấn đề không phải là thành công hay thất
bại, không phải thắng lợi to hay bé, nhưng là chiến thắng vĩ đại
bằng cách nào. Đã đến lúc phải chiến thắng hoàn toàn. Như vậy
thì cần phải mở những trận đánh đại quy mô."
Theo Chu thì bài diễn văn ngày 31 tháng Ba của LBJ là một "âm
mưu ý đồ quỷ quái và dối trá". Thế nhưng, rồi ra Trung Quốc và
Liên Xô cũng thấy rằng Bắc Việt muốn định đoạt lấy vận mạng của
mình trong cuộc điều đình sắp tới. Vì Lê Đức Thọ cũng như bộ
chánh trị Hà Nội còn nhớ mãi kinh nghiệm đau thương của hội nghị
Genève năm 1954, ở đó Việt Minh đã bị hai nước cộng sản đàn anh
làm áp lực phải nhượng bộ. Thành thử ra Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa (VNDCCH)nhớ mãi không bao giờ quên vụ bị chèn ép trong cái
gọi là "hiệp thương" đó.
Cái trớ trêu của lịch sử là trong hai cuộc hòa đàm 1954 và 1968
có một sự trùng hợp kỳ lạ, liên hệ đến hai nhơn vật lịch sử là
Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và Tổng Thống Richard Nixon. Năm 1954,
khi có hòa đàm Genève thì Phạm Văn Đồng là truởng phái đoàn Bắc
Việt còn Richard Nixon là phó tổng thống cho Dwight Eisenhower.
Vào năm 1970 thì cả hai đều là những nhà lãnh đạo hàng đầu của
Mỹ và Bắc Việt. Nên chi cả hai đều có kinh nghiệm về hòa đàm,
rút ra từ các cuộc hiệp thương hồi năm 1954. Tóm lại, Bắc Việt
vẫn còn cay cú với chuyện bị hai đồng minh đàn anh bắt ép nên kỳ
này nhứt định không tin tưởng ai khác và không nhượng bộ bất kỳ
điều gì. Còn Richard Nixon thì tin tưởng sẽ thắng lợi vì đã nắm
được cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, nên hy vọng có được những dàn
xếp chánh trị thuận lợi.
Như chim bị ná, như cá bị nôm, Hà Nội cứ nơm nớp lo sợ bị sụp
bẩy nên ngay từ lúc đầu, hòa đàm Paris gặp không ít khó khăn.
Năm 1968, sau khi Bắc Việt chấp nhận đề nghị hiệp thương, Tổng
Thống Johnson đề nghị ngay địa điểm là Genève, xét vì Thụy Sĩ là
một nước trung lập. Hà Nội thì muốn hội nghị mở ra ở Nam Vang,
nhưng dĩ nhiên là không hợp với Mỹ rồi. Tổng Thống Johnson lại
đề nghị bốn địa điểm khác trên đất châu Á là Vientiane (Lào),
Rangoon (Miến Điện), Djakarta (Nam Dương) hoặc New Delhi (Ấn
Độ). Những đề nghị này Bắc Việt cũng không đồng ý và đề nghị trở
lại Warsaw (Ba Lan) và phiên họp đầu tiên sẽ là ngày 18 tháng
Tư. Mỹ dĩ nhiên là không chấp thuận, vì Ba Lan thân cộng đã giúp
đỡ Việt Cộng rất nhiều.
Một cách ngắn gọn là Hà Nội bác bỏ những đề nghị nào Huê Kỳ đưa
ra có tính vị nể Trung Quốc. Thế là Mỹ lại đề nghị những địa
điểm khác, sáu ở châu Á và bốn ở châu Âu: Colombo (Sri Lanca),
Tokyo (Nhựt Bổn), Kabul (A Phú Hãn), Katmandu (Nepal),
Rawalpindi (Pakistan), Kuala Lumpur (Mã Lai Á), Rome (Ý Đại
Lợi), Brussels (Bỉ), Helsinki (Phần Lan) và Vienna (Áo). Bắc
Việt lại bác bỏ tất cả viện cớ rằng một số không trung lập còn
một số khác thì không có liên hệ ngoại giao với Hà Nội.
Ngày
2 tháng Năm, Hà Nội phản bác đề nghị mật đàm ở Vịnh Bắc Việt của
Huê Kỳ, trên một chiếc tàu của Nam Dương, nhưng chỉ vài giờ sau
đó thì cuối cùng thuận mở hội đàm ở Paris. Như vậy là Tổng Thống
De Gaulle của Pháp, đã chỉ trích Huê Kỳ can thiệp ở Việt Nam
(Diễn văn Pnom Penh – 1.9.1966), nay lại thành lãnh tụ của một
xứ sở môi giới cho hòa bình. Ngày 3 tháng Năm 1968, Tổng Thống
Johnson loan báo là hai bên đã thuận họp nhau tại Paris, và có
nói thêm:"Đây mới là bước đầu. Trước mặt còn nhiều điều bất ngờ
và khó khăn."
Y như rằng, hội nghị được dự trù vào ngày 9 tháng Năm, nhưng sẽ
gồm có những ai đây? Chẳng lẽ chỉ có Huê Kỳ và Bắc Việt, như vậy
thì Sài Gòn còn thể thống gì nữa. Hoặc là hội đàm giữa Sài Gòn
với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGP), điều mà Hà Nội không
thể chấp nhận, dẫu cho lúc nào Bắc Việt cũng chủ trương là không
nhúng tay vào cuộc chiến đó. Hơn nữa Sài Gòn cũng không chịu nói
chuyện với MTGP vì chỉ coi MTGP như là một nhóm ly khai thôi.
Ngày 16 tháng Tư, khi tuyên bố với tờ "Gazette de Lausanne",
Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa, Trần Văn Đổ, cho biết:
"Chúng tôi công nhận MTGP là một tổ chức có thế lực, nhưng chúng
tôi phủ nhận tổ chức này với tư cách là một chánh phủ. Đó là
điều thuận lý và cũng là một nguyên tắc. Đối với chúng tôi, hòa
đàm sẽ diễn ra giữa Sài Gòn và Hà Nội, những nơi đã có căn bản
chung để điều đình là Hiệp Định Genève đã được hai nước thừa
nhận. Một khi đã được ổn định, chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với
MTGP, cũng như ông Diệm đã làm sau 1954 với những quân đội và
thành phần đối kháng."
Tóm lại, MTGP phải được coi như là một thành phần thiểu số trong
một miền Nam tự trị, chớ không phải như là một bộ phận chánh yếu
trong vấn đề quốc tế.
Hai
phái đoàn Việt và Mỹ đến Paris ngày 9 tháng Năm, cuộc hội đàm
bắt đầu ngày 13 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế nằm trong khách
sạn Majestic ở đại lộ Kléber. MTGP không hiện diện tại bàn hội
đàm một cách chánh thức, nhưng tuyên truyền của phía cộng sản
ngày một ngày hai đòi cho nó được ngang hàng với phía Việt Nam
Cộng Hòa. Phía Hà Nội do Xuân Thủy cầm đầu, với sự trợ lực của
Hà Văn Lâu. Xuân Thủy là bộ trưởng Ngoại Giao của Hà Nội từ năm
1963 đến 1965 còn Hà Văn Lâu đã từng là thành viên của VNDCCH
tại Hội Nghị Genève về Đông Dương hồi năm 1954.
Xuân Thủy đến thủ đô nước Pháp với chỉ thị của Hà Nội, không
phải để giàn xếp nhưng chỉ để mượn diễn đàn quốc tế mở chiến
dịch tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến của Hà Nội, để đòi
Mỹ ngưng ném bom và để thăm dò chiến lược ngoại giao của Huê Kỳ.
Phù hợp với diễn tiến của kịch nghệ, Xuân Thủy và Hà Văn Lâu chỉ
là những vai chạy hiệu cho vở kịch đích thực.
Vì vậy cho nên, trong năm tháng đầu đàm phán rất ít có tiến
triển đáng kể. Cả Bắc Việt và Huê Kỳ, bên nào cũng đưa ra những
điều kiện tiên quyết. Hà Nội đòi Mỹ ngưng ném bom toàn diện và
chấp nhận cho MTGP ngồi vào bàn đàm phán, với tư cách là một
thành viên hợp pháp và hợp lý. Huê Kỳ thì đòi Bắc Việt ngừng xâm
nhập khu phi quân sự, ngưng tấn công vào các thành phố Nam Việt
Nam và chấp nhận Sài Gòn vào bàn thương thuyết.
Mãi
cho đến khi Lê Đức Thọ đến Paris để làm "Cố vấn đặc biệt" cho
phái đoàn Hà Nội, người ta mới bắt đầu có hy vọng là hòa đàm sắp
tiến triển. Hai tuần lễ trước đó, chán ngán với cái màn "ầu ơ dí
dầu" của chuyện đàm phán câu giờ, ông Harriman, trưởng đoàn hòa
đàm Mỹ đi một nước bài "thấu cáy" úp mở với đại sứ Liên Xô là
nếu hòa đàm cứ dậm chưn tại chỗ chắc là Tổng Thống Johnson cho
ném bom trở lại. Sau đó, thủ tướng Liên Xô Aleksei Kosygin gởi
cho LBJ một điện văn riêng tư cho biết:"chúng tôi nghĩ rằng nếu
Mỹ ngưng ném bom hoàn toàn và chấm dứt những hành động chiến
tranh khác nhắm vào nước VNDCCH thì đàm phán sẽ có cơ tiến
triển, để đi đến dàn xếp ôn hòa mà không có một hậu quả bất lợi
nào cho Huê Kỳ". Kosygin cũng đề nghị là hai phái đoàn nên mở
những cuộc "tiếp xúc không chánh thức". Mỹ có vẻ hoài nghi đề
nghị của Liên Xô, nhưng trong phiên giải lao kỳ họp ngày 12
tháng Sáu, Harriman và Vance đề nghị với Lê Đức Thọ nên mở những
cuộc đối thoại riêng tư song song với những phiên thảo luận
chánh thức. Thọ đồng ý ngay, cho thấy rằng Bắc Việt cũng được
Liên Xô gợi ý.

Phiên "đi đêm" đầu tiên diễn ra tối ngày 26 tháng Sáu tại tư
dinh của phái đoàn Bắc Việt ở Vitry-sur-Seine (ngoại ô Paris),
kéo dài trên hai tiếng đồng hồ và chấm dứt khoảng quá nửa đêm.
Loạt đi đêm này, chung cuộc cũng không đem lại kết quả gì, vì
hai bên đều cố thủ lập trường, không bên nào nhượng bộ. Bắc Việt
thì nghĩ rằng Huê Kỳ chịu hòa đàm cốt để giữ thể diện, khỏi bị
mang tiếng là đầu hàng. Mỹ thì đinh ninh là Hà Nội đã kiệt quệ,
sớm muộn gì cũng phải tìm hòa bình. Thế nhưng, trong cuộc thách
thức này, bên nào lỳ lợm sẽ có hy vọng thắng hơn. Sống trong một
chế độ cộng sản chuyên chính, người dân cam chịu, trong khi ở
một chế độ tự do phóng khoáng thì đúng rằng dân là chủ. Nên chi,
Hà Nội cứ kiên trì, sống chết mặc dân, còn Huê Kỳ thì đâu được
như vậy, phải lắng nghe dư luận.
Lòng kiên nhẫn của một tổng thống Huê Kỳ có hạn nên LBJ đứng
trước một thế lưỡng nan. Tiếp tục ném bom hay là ngưng đây? Ngày
26 tháng Sáu, ông mời ứng cử viên đảng Cộng Hòa vào Bạch Cung để
tham khảo. Ông Nixon cũng cương quyết phải tiếp tục ném bom vì
đó là võ khí lợi hại của Mỹ, không còn cách nào khác hơn. LBJ
định phá vỡ bế tắc tại hòa đàm bằng cách ra lịnh ném bom trở
lại, nhưng còn lưỡng lự nên ngày 15 tháng Chín, ông gởi điện văn
cho lãnh đạo Liên Xô:
"Gác qua một bên mọi lý lẽ chánh trị, sự kiện đơn giản là Tổng
Thống sẽ không thể duy trì việc ngưng ném bom Bắc Việt nếu như
hành động đó không cho Tổng Thống, nhân dân Huê Kỳ và đồng minh
của Mỹ thấy ngay rằng sẽ thật sự đi đến hòa bình. Ngưng ném bom
mà khu phi quân sự cứ bị lạm dụng, mà Việt Cộng và quân Bắc Việt
cứ tấn công các thành phố hay những vùng đông dân cư như tỉnh
lỵ, hoặc Hà Nội cứ không chịu có những thảo luận chánh trị
nghiêm chỉnh, với sự tham dự của chánh phủ dân cử Việt Nam Cộng
Hòa thì không thể tiếp tục được."
Ngày 12 tháng Mười, Liên Xô thông báo cho phái đoàn Mỹ là Bắc
Việt đồng ý cho Sài Gòn tham dự hòa đàm, nếu như Mỹ ngưng ném
bom hoàn toàn. Như vậy, kể từ lúc đó cuộc đàm phán Paris sẽ gồm
có bốn phe, Huê Kỳ, Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hòa và MTGP. Đối
chiếu những diễn biến dồn dập với thời gian bầu cử tổng thống
bên Mỹ, người ta thấy rằng Liên Xô muốn mượn hòa đàm Paris để
ảnh hưởng đến cuộc đầu phiếu của Huê Kỳ vào tháng Mười Một sắp
tới.
Biết
được chánh phủ LBJ dự định ngưng ném bom, qua tiết lộ của
Harriman và Vance, để đạt được hai mục đính - tạo thuận lợi cho
Humphrey và đưa Nam Việt Nam vào bàn hội nghị - Henry Kissinger
kín đáo thông báo cho John Mitchell, giám đốc chiến dịch tranh
cử của Nixon. Tuy đã có ý định như vậy, nhưng Tổng Thống Johnson
còn đắn đo. Ông thấy cần có ý kiến của người tách nhiệm trận
tiền, Tướng Creighton Abrams, người kế vị của Westmoreland. Ông
cho mời tướng Abrams cấp tốc về Hoa Thạnh Đốn để tham khảo.
Abrams lấy phi cơ bay suốt đêm và đáp xuống căn cứ không quân
Andrews, gần thủ đô Mỹ, vào lúc 1 giờ sáng. Tướng Abrams được
đưa thẳng đến tòa Bạch Ốc để gặp tổng thống lúc 2g30 sáng, ngày
29 tháng Mười. LBJ cho tướng Abrams biết diễn tiến hòa đàm, tóm
tắt là dưới sức ép của Liên Xô (thơ ngày 5 tháng 6, gợi ý Mỹ và
Hà Nội mật đàm song song với hòa đàm chánh thức), Hà Nội chịu
cho Nam Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán. Nghĩa là phía cộng sản
đã có nhượng bộ đáng kể.
Trên cơ sở đó, Tổng Thống Johnson hỏi tướng Abrams "có phản đối
hoặc có ngần ngại gì trong vụ ngưng ném bom hay không?" Câu trả
lời là "không". Thế rồi LBJ hỏi tiếp:"Trên cương vị một tổng
thống, ông có làm như vậy không?" Tướng Abrams cho biết dứt
khoát ông sẽ làm như vậy, với lời giải thích thêm:"Tôi không
nghĩ đó là chuyện làm dúng đắn mà là một chuyện phải làm." Tổng
Thống Johnson cho biết rằng ông rất coi trọng ý kiến của Abrams
và nêu ra một vấn đề thực tế là liệu cộng sản sẽ vi phạm khu phi
quân sự hay đánh vào những thành phố lớn hay không. Theo Abrams
thì cộng sản sẽ không vi phạm khu phi quân sự, nhưng những thành
phố lớn thì không bảo đảm, nhứt là Sài Gòn. Cuộc hội kiến chấm
dứt lúc 5 giờ sáng, và trong vòng 14 tiếng đồng hồ nữa sẽ có
lịnh ngưng ném bom.
Khi tướng Abrams cáo biệt để trở lại chiến trường Việt Nam, LBJ
có trao cho ông một bức thơ viết tay:
"Abe thân,
Ông và tôi đều biết rằng giai đoạn cực kỳ quyết định về mặt
ngoại giao và quân sự hiện tùy thuộc ở chúng ta. Nếu thắng được
ở Paris loại hòa bình mà chúng ta mong muốn, ông phải làm sao
đừng cho kẻ thù ngơi nghỉ - ở Nam Việt Nam và ở Lào... Tôi và
đất nước chúng ta đều tin tưởng rằng ông sẽ bám sát kẻ thù trong
một cuộc rượt đuổi không mệt mỏi. Đừng cho họ có thì giờ ngơi
nghỉ. Cứ làm áp lực họ và làm cho họ biết được sức mạnh của
những gì ông đang có trong tay."
Như vậy là yên một mặt cho Tổng Thống Johnson, bây giờ chuyện
còn lại là Tổng Thống Thiệu có chịu ngồi vào hòa đàm hay không.
Trên nguyên tắc là không rồi, vì Sài Gòn nghĩ rằng MTGP chỉ là
một bộ phận của Hà Nội mà thôi, chớ không thể nào tham dự hội
nghị như là một thực thể được. Tổng Thống Thiệu cho Mỹ biết rằng
Nam Việt Nam không thể dự phiên hội đàm ngày 2 tháng Mười Một
được và xin hoãn lại. Nói về MTGP, ông Thiệu cho là:"Danh dự gì
đó mà đi nói chuyện với những phường trộm cấp, sá gì những tên
đầy tớ của chúng." Ở thời điểm đó, Tổng Thống Thiệu thấy rằng
Huê Kỳ đã nói chuyện riêng với Hà Nội mà chẳng cần tham khảo với
đồng minh của mình, trên những vấn đề căn bản.
 Trong
khi phái đoàn của MTGP lên đường đi Paris, mà Sài Gòn còn lưỡng
lự thì Huê Kỳ bối rối vô cùng. Clark Clifford, bộ trưởng Quốc
Phòng Mỹ, bực mình với thái độ của ông Thiệu nên đề nghị với LBJ
là "nên ép buộc họ phải đến dự". Còn tướng Earle Wheeler thì ra
lịnh cho tướng Abrams hãy vận dụng ảnh hưởng cá nhân của mình để
khuyên lơn Tổng Thống Thiệu, với một ý kiến cá nhơn:"Tôi muốn
cho ông biết rằng tôi thấy ông Thiệu làm như vậy là không thể
chấp nhận được." Còn bộ trưởng Quốc Phòng Clifford thì cho rằng
ông Thiệu hành động thật là phi lý, nếu ông ấy muốn tác động đến
cuộc bầu cử tổng thống Huê Kỳ.
Liên Xô cũng như Bắc Việt đều biết rằng Richard Nixon, đã từng
là phó tổng thống của Eisenhower, dứt khoát là một chiến sĩ kiên
cường của chiến tranh lạnh nên họ không muốn Huê Kỳ sẽ có một
tổng thống như vậy. Họ thấy tốt hơn nên nói chuyện với Hubert
Humphrey, ứng viên của đảng Dân Chủ. Về sau, Anatoly Dobrynin có
tiết lộ rằng ông đã được chỉ thị là nên giúp đỡ cho Humphrey
thắng cử tổng thống Mỹ. Liên Xô thậm chí còn đi đến ý định có
thể tiếp tay bằng mọi cách để đưa Humphrey lên ghế tổng thống
Huê Kỳ, kể cả phương tiện tài chánh. Nhưng Humprey không
chịu.
Trong tình hình giằn co đàm phán, với mục đích tác động đến cuộc
bầu cử tổng thống Huê Kỳ vào tháng Mười Một, hòa đàm Paris cứ cù
cưa đâu chẳng ra đâu hết. Với viễn ảnh là Hoa Thạnh Đốn có khả
năng đình chỉ ném bom vào ngày 31 tháng Mười để cho Hà Nội chấp
nhận Nam Việt Nam như là một thành viên của hòa đàm. Để đáp lễ
lại, Hoa Thạnh Đốn sẽ để cho MTGP cũng ngồi vào bàn hội nghị,
điều mà Tổng Thống Thiệu rất kỵ. Sài Gòn nghi là Hoa Thạnh Đốn
đã điều đình với Hà Nội sau lưng họ, bất cần hỏi ý kiến của đồng
minh. Dinh Độc Lập thấy rằng Đảng Dân Chủ Huê Kỳ muốn tiếp tục
duy trì thế lãnh đạo qua Humphrey nên họ làm mọi cách để hòa đàm
tiến triển. Thế nên tổng thống Thiệu bắt đầu cân nhắc giữa
Humphrey và Nixon.
Ông
Thiệu cho rằng nếu Humphrey thắng thì trong vòng sáu tháng sau
Sài Gòn phải chấp nhận một chánh phủ liên hiệp quốc-cộng. Còn
với Nixon thì còn có nhiều hy vọng hơn. Lúc bấy giờ, phó tổng
thống Nguyễn Cao Kỳ cũng nói rằng:"Chúng tôi không thích ngồi
lại với cộng sản và vã lại càng không muốn nói chuyện với MTGP
để rồi gián tiếp phải công nhận họ." Như vậy là Nam Việt Nam
không chịu tham dự hòa đàm dẫu cho Mỹ có ngưng ném bom. Một điện
văn, được giải mật, cho biết rằng hành động của LBJ cũng có tính
cách "phản bội giống như Huê Kỳ bỏ rơi Tưởng Giới Thạch xưa
kia".
Rồi thì Tổng Thống Thiệu có được cơ hội trả đũa lại Đảng Dân Chủ
của LBJ. Dịp may đó thể hiện qua bà Anna Chennault, quả phụ của
anh hùng "Flying Tigers" (Cọp bay), tướng Claire Chennault. Bà
là nhơn vật then chốt trong các cuộc vận động ngoại vi, mà cũng
là con người chống cộng tiếng tăm, đồng thời là chủ tịch Hiệp
hội Phụ nữ của ứng cử viên Nixon. Bà được Nixon khuyến khích để
vận động Tổng Thống Thiệu tạo khó khăn cho LBJ. Bà đề nghị Tổng
Thống Thiệu hãy tạm hoãn chuyện đưa phái đoàn sang Paris, chờ
cho đến khi có kết quả bầu cử tổng thống Huê Kỳ. Tòa Bạch Ốc
biết được cuộc vận động của "Little Flower" (Đóa Hoa Tí Hon),
mật danh của bà Chennault đối với Bạch Ốc, nhưng không làm gì
được vì chỉ nắm được những cuộn băng ghi lén.
Ông đại sứ Huê Kỳ tại Sài Gòn, Ellsworth Bunker, được chỉ thị
của Tổng Thống Johnson loan báo cho Dinh Độc Lập quyết định
ngưng ném bom của Hoa Thạnh Đốn. Sau đó phiên họp sắp tới ở
Paris nhằm ngày 6 tháng Mười Một, nghĩa là sau khi đã có cuộc
bầu cử tổng thống Huê Kỳ. Tổng Thống Johnson hy vọng tổng thống
Thiệu sẽ hợp tác với ông để cho diễn tiến hội đàm được tốt đẹp.
Ấy
vậy mà không, Tổng Thống Thiệu lại công khai đối đầu với LBJ.
Ông ra Quốc hội đọc một bài diễn văn nẩy lửa, được dân biểu thân
chánh cũng như đối lập hoan hô nhiệt liệt. Đại sứ Ellsworth
Bunker cho rằng bài diển văn rất kích động. Sau đó, những người
ủng hộ ông Thiệu kéo nhau xuống đường tuần hành đến tòa đại sứ
Mỹ và biểu lộ chống đối hội nghị Paris. LBJ ngao ngán phê
rằng:"Thế giới sẽ điên tiết lên nếu họ biết được rằng ông Thiệu
thông đồng với phe Cộng Hòa để làm hỏng hết."
Tổng Thống Thiệu đã bùi tai lắng nghe "Đóa Hoa Tí Hon" thỏ thẻ
mà tạo điều kiện cho Nixon lên ngôi tổng thống, lại phá hỏng hòa
đàm đang trên đà khai thông. Chung cuộc rồi, kết quả hòa đàm
theo kiểu Nixon-Kissinger đã làm cho ông Thiệu phải bỏ của chạy
lấy người, lôi theo cả một đất nước phải tan hàng.
Xem
tiếp ...
Cố Nhân
|