PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 3

Nixon và Kissinger nhập cuộc

 

Sau khi đắc cử tổng thống và ổn định cơ cấu cầm quyền rồi, Nixon và Kissinger – lúc bấy giờ với tư cách trợ lý tổng thống về an ninh quốc gia - mới thực sự bắt tay vào chuyện hòa đàm. Lợi dụng những đầu mối quen biết trong thời kỳ giảng dạy, với chú tâm đặc biệt vào vấn đề Việt Nam – vì vào thời kỳ đó chuyện Việt Nam là cái gay độc địa nhức nhối đối với chánh trị và ngoại giao của Huê Kỳ - Henry Kissinger bắt đầu phát khởi guồng máy hoạt động bí mật nhằm giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Ngoài hình thức nổi của công cuộc mưu tìm hòa bình tại hòa đàm Paris, Henry Kissinger, với sự đồng thuận của Richard Nixon - nếu không muốn nói là khoán trắng - đẩy mạnh công tác mật đàm qua nhiều ngõ ngách.

Một trong những đầu mối bí mật của Kissinger là một nhơn vật không xa lạ gì với Hà Nội, đặc biệt là với Hồ Chí Minh. Lịch sử bang giao Việt-Pháp làm sao quên được Jean Sainteny, người đã cùng ký tên với Hồ Chí Minh vào bản Hiệp Định Sơ Bộ 06 Mars 1946, mở đầu quan hệ Pháp-Việt, trước khi chiến tranh bùng nổ giữa hai bên ngày 19.12.1946. Cho nên, Sainteny là người trung gian lý tưởng giữa Nixon và Hồ Chí Minh. Henry Kissinger cũng là chỗ thân tình với Sainteny vì bà vợ của Sainteny – Claude Sainteny – là một trong những học trò của Kissinger ở Harvard.

Ngày lễ Quốc Khánh Pháp 14. 7. 1969, Jean Sainteny bí mật đến Hoa Thạnh Đốn, theo yêu cầu của cặp bài trùng Nixon-Kissinger. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên Sainteny được vời đến thủ đô Huê Kỳ. Trước đó, Nixon đã có yêu cầu ông kín đáo đến Hà Nội để trao thơ cho Hồ Chí Minh. Qua đề nghị của Hoa Thạnh Đốn, Sainteny cũng có tiếp xúc với đại diện của Hà Nội tại Paris, nhưng mật đàm vẫn không nhúc nhích được chút nào hết vì Hà Nội không biết Sainteny có thật sự là người của Nixon hay không. 

Chuyến này Nixon-Kissinger mời Sainteny trở qua Hoa Thạnh Đốn là để đánh giá lại tình hình Việt Nam và nhứt là để "thu xếp cuộc họp tay đôi giữa Kissinger và Lê Đức Thọ", theo như Kissinger tiết lộ. Kissinger nói trắng ra với Nixon là "Tôi nghĩ rằng tôi có thể trao bức thơ cho Hồ Chí Minh qua Lê Đức Thọ... Tổng thống nên cho Sainteny biết rằng tổng thống quyết tâm đạt được một sự dàn xếp trong danh dự..." Kỳ đó, Sainteny rời tòa Bạch Ốc với hai bức thơ, một là thơ ủy nhiệm của Nixon giới thiệu Sainteny với Hồ Chí Minh và hai là mật thơ mà Nixon gởi cho Hồ Chí Minh.

Sau khi tiếp xúc với Xuân Thủy và Mai Văn Bộ ở Paris, Sainteny báo cáo ngay cho Kissinger là hai người này sẵn sàng gặp Kissinger, dĩ nhiên là với những sự dè dặt thông thường của những con người cộng sản. Sainteny cho Kissinger biết:"... Họ luôn luôn nghi ngờ thiện chí của phía các ông. Dường như họ tin tưởng rằng Huê Kỳ chẳng bao giờ chịu rút trọn quân lính ra khỏi Việt Nam vì Huê Kỳ đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự ở đó thì họ sẽ duy trì bất cứ giá nào. Cuối cùng, họ trách các ông là cứ dung dưỡng một chánh phủ không được quần chúng nhân dân tin tưởng và không có khả năng đoàn kết dân chúng."

Phiên họp đầu tiên giữa Kissinger và Xuân Thủy (với sự hiện diện của Mai Văn Bộ) được diễn ra ngày 4 tháng Tám 1969, tại tư thất của Sainteny ở Paris. Phía Mỹ, cùng đi với Kissinger có ông trợ lý Tony Lake và tuớng Vernon Walters, với tư cách là tùy viên quân sự. Phía Việt Nam, ngoài Xuân Thủy và Mai Văn bộ, còn có thông dịch viên Nguyễn Đình Phương. Phiên họp kéo dài trên ba tiếng đồng hồ vì phải qua hai lượt chuyển ngữ, từ tiếng Mỹ sang tiếng Pháp rồi từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Vào phiên họp, Kissinger hỏi ngay phía Hà Nội là Hồ Chí Minh đã trả lời thơ ngày 15 tháng Bảy của Nixon chưa. Xuân Thủy đáp rằng:"Chúng tôi có nhận được từ tay ông Sainteny bức thơ không đề ngày của Tổng Thống Nixon gởi Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Bức thơ đã được chuyển về Hà Nội."

Sau đó, Kissinger trình bày là từ ngày Nixon nhậm chức đến lúc bấy giờ, Huê Kỳ đã có nhiều hành động đáng kể để tiến tới hòa bình, kể cả việc rút về 25.000 lực lượng chiến đấu. Theo Kissinger thì Huê Kỳ hy vọng sẽ có sự dàn xếp vào ngày 1 tháng Mười Một năm 1970 (ngày kỷ niệm một năm ngưng ném bom). Trong tinh thần đó, Huê Kỳ sẽ sẵn sàng rút tất cả binh lính ra khỏi Việt Nam và sẽ sẵn sàng chấp nhận kết quả của một tiến trình chánh trị tự do.

Theo Kissinger thì ông Nixon muốn sao Bắc Việt Nam biết rằng Kissinger sẽ được chỉ định làm đại diện cá nhơn của tổng thống để bắt đầu các cuộc hòa đàm cấp cao, đưa chiến tranh đến hồi kết cuộc. Thế nhưng, nếu như đến ngày 01 tháng Mười Một mà không có tiến triển thì, Kissinger cảnh giác Xuân Thủy là Huê Kỳ "sẽ có những biện pháp đem lại những hậu quả trầm trọng". Ngoài ra, Kissinger cũng nói thêm là Bắc Việt không nên cứ tiếp tục cho rằng cuộc chiến Việt Nam là "Chiến tranh của Nixon", vì nếu như vậy thì Tổng Thống Nixon không được phép thua trận.

Hậu quả là sau đó hòa đàm tiếp tục nhì nhằng, lang thang trong vòng bốn năm kế tiếp. Những phiên họp khoáng đại tại hội trường Majestic là những buổi lên lớp về lịch sử và tuyên truyền không ngừng nghỉ của Hà Nội. Sau này, Kissinger kể lại:"Họ dài dòng và lắm lời để nhồi nhét cho chúng tôi những bài giảng về lịch sử oai hùng của Việt Nam và cái lẽ thất bại đương nhiên của Mỹ."

Trong khi đối với Mỹ thì "time is money" (thì giờ là tiền bạc) còn Bắc Việt cộng sản coi thời gian là một phương tiện để thắng lợi mà chẳng mất tiền mua. Như vậy là trong ba bốn năm trường Hà Nội cứ kiên trì đòi hỏi nầy kia, kia nọ, toàn những cuyện khó lòng cho Mỹ như rút hết quân về - quân Mỹ cũng như quân đồng minh của Mỹ không phải người Việt Nam – như hạ bệ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Rút quân ngoại lai không khó đối với Mỹ nhưng dẹp ông Thiệu thì không thể được. Vì Nixon phải đền ơn đáp nghĩa ông Thiệu đã giúp để đắc cử năm 1968 chăng? Hay vì phải tôn trọng quyền tự quyết của nhơn dân Việt Nam Cộng Hòa? Cứ kéo dài hòa đàm như thế trong khi hàng chục ngàn người phải hy sinh trên chiến trường. 

Mặt nổi của hòa đàm Paris thì cứ "ầu ơ dí dầu" như vậy để làm bình phong cho chuyện đi đêm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Nên chi chuyện dài của hội nghị Paris phải được hiểu trên hai mặt. Một là hòa đàm chánh thức qua khoáng đại, gồm có bốn bên - Nam Việt Nam, Bắc Việt, MTGP và Huê Kỳ. Hai là mật đàm, mà cũng là đối thoại thực sự và có chất lượng, giữa Hà Nội và Huê Kỳ mà thôi.

Quá chú trọng đến hình thức "đi đêm" – vì có phần nào đạt được tiến triển cụ thể - hai ông Nixon và Kissinger đã gây ra nhiều hậu quả tai hại. Ngoài một vài trợ lý thuộc hội đồng an ninh quốc gia ra, chỉ có tổng thống, Kissinger và ông đại sứ Bunker biết đến đường dây ngoại giao song hành này. Cho đến ngày 25 tháng Giêng 1972, bộ Ngoại Giao, Tham mưu trưởng liên quân, CIA, và bộ Quốc Phòng đều bị cho ra rìa hết. Tồi tệ hơn hết là mặc dầu Nixon và Kissinger bảo đảm sẽ tham khảo và báo cáo cho Tổng Thống Thiệu những vấn đề liên quan đến mật đàm, đặc biệt những chuyện liên quan đến vấn đề chánh trị nội bộ Nam Việt Nam, vậy mà ông Thiệu chỉ được "thông báo" chớ chẳng khi nào được "tham khảo" hết. Nixon có lối xử sự đặc biệt để dàn xếp trực tiếp với Hà Nội mà chánh phủ của ông và thậm chí đồng minh Việt Nam của ông chẳng hay biết gì hết. Rồi sau đó, ông tha hồ mà thuật lại cho mỗi phe phía một dạng khác nhau của cùng một vấn đề.

Nhứt định là chiến lược của Nixon đối với Hà Nội có vẻ hợp tình hợp lý hơn chiến lược của Lyndon Johnson vì ông đưa ra những mối đe dọa rõ ràng hơn và có ý định sử dụng nhiều phương tiện để thực thi hơn. Thế nhưng, đối với kẻ điếc không sợ súng thì hăm dọa cũng không ăn thua gì. Hơn nữa càng ném bom, dân chúng càng khổ, còn tập đoàn lãnh đạo vẫn phây phây. Xuyên suốt mấy năm hòa đàm, Hà Nội cứ âm thầm lẳng lặng thử thách Hoa Thạnh Đốn bằng thời gian, lâu lâu tìm cách chọc giận Mỹ, như tìm cách chia rẽ nội bộ Huê Kỳ, chia rẻ Huê Kỳ với đồng minh ở Sài Gòn và làm cho dư luận thế giới chống lại Mỹ.

Khi Nixon nhậm chức hồi tháng Giêng năm 1969, Huê Kỳ đã dấn thân vào chuyện đánh nhau ở Việt Nam gần bốn năm. Quân số Mỹ ở Việt Nam lên trên 540.000, phần lớn là quân bộ chiến. Trên 30.000 người Mỹ đã hy sinh và chiến tranh làm cho tài khoản 1969 phải gánh chịu 30 tỷ đô la. Riêng trong năm 1968, đã có trên 14.500 quân lính Mỹ phải hy sinh. Theo nhận định của Kissinger thì cuộc chiến ở Việt Nam dường như bị bế tắc, nghĩa là không thể thắng bằng quân sự. Nhưng Nixon cũng nhứt quyết không để cho chiến tranh Việt Nam làm hư nhiệm kỳ tổng thống của ông. 

Khi Nixon chuẩn bị nhậm chức thì Hà Nội đã cho thấy rõ là lập trường hòa đàm của hai bên còn quá xa. Vào cuối tháng Mười Hai năm 1968, Mai Văn Bộ nói với Sainteny:"Ban đầu, tôi nghĩ rằng vấn đề là để biết Huê Kỳ có mong muốn hòa bình không, có thật sự muốn rút quân lính ra khỏi Nam Việt Nam không, hay là họ chỉ muốn nói về chuyện đó để rồi chẳng làm gì cả. Điều còn lại, hiển nhiên là chánh phủ Sài Gòn không muốn có hòa bình. Thay vì vậy, họ mong sao Mỹ vẫn ở Việt Nam để họ có thể tiếp tục sống nhờ chiến tranh. Chừng nào chánh phủ Thiệu còn nắm quyền thì khó mà giải quyết những vấn đề nói trên."

Với quyết tâm giải quyết cho xong và một cách nhanh chóng vấn đề Việt Nam – Nixon muốn sao nổ lực hòa bình của ông phải có kết quả trong vòng sáu tháng - vậy mà khi Nixon vừa xong lễ đăng quang cặp bài trùng Nixon-Kissinger đã gặp một viễn ảnh hòa đàm không mấy tươi sáng.

Tháng Ba năm 1969, Nixon bắt đầu cho áp dụng kế hoạch hành động của ông. Ông phái bộ trưởng Quốc Phòng, Melvin Laird, đi Việt Nam có Tướng Wheeler tháp tùng, với một lời căn dặn rõ rệt:"Nhân dân Huê Kỳ mong muốn chánh phủ mới lên đưa cuộc chiến tranh đến hồi kết cuộc thỏa đáng... và, đối với đông đảo người Mỹ thì như vậy có nghĩa là nên rút quân lính ra khỏi cuộc chiến." Tại hiện trường, ông Laird nói với những cấp chỉ huy Mỹ là họ có nhiệm vụ tìm cách chuyển công việc chiến đấu một cách "nhanh chóng" và "có phương pháp" lại cho người Việt Nam. Thế là kế hoạch rút Mỹ ra khỏi chiến tranh Việt Nam của Nixon biến thành biện pháp nổi tiếng "Việt Nam Hóa", qua đó Huê Kỳ phải tăng cường lực lượng võ trang Nam Việt Nam cùng với việc đưa thêm thiết bị và võ khí cho Nam Việt Nam. Như vậy, hai hướng chánh của Nixon là Việt Nam hóa chiến tranh và thương thuyết để tìm hòa bình. 

Việt Nam hóa chiến tranh trên bộ, nhưng Nixon vẫn còn nghĩ tới chuyện chận đứng nguồn tiếp tế chiến cụ kín đáo của Việt Cộng, một hướng "hậu cần" từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong chương trình đó, kho chứa võ khí thuận tiện nhứt của cộng sản là lãnh thổ Cam Bốt, giáp ranh với Nam Việt Nam. Chiến dịch B-52 để tiêu diệt sào huyệt Việt Cộng bên đất Miên bắt đầu hoạt động ngày 18.3.1969, dưới tên gọi mã hóa là MENU và được giấu kín. Chiến dịch này kéo dài 14 tháng, đến ngày 26.5.1970 mới kết thúc (3.875 phi xuất và sử dụng 180.823 tấn bom đạn), đã được giữ tối mật, thậm chí những lịnh hành quân cũng như những báo cáo kết quả đều được ngụy trang là được thực hiện trên những mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Việt Nam. 

Trong khi chiến dịch MENU đang được tiến hành, Tổng Thống Nixon lên truyền hình toàn quốc ngày 14.5.1969, đưa ra sáng kiến hòa bình tám điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Sáng kiến hòa bình này là để đáp ứng lại chương trình mười điểm ngày 8.5.1969 của MTGP. Nội dung chánh của sáng kiến hòa bình Nixon là đề nghị hai bên cùng rút quân chiến đấu ra khỏi Nam Việt Nam và duy trì chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa. Qua sáng kiến đó, ông Nixon nhắn với Bắc Việt là "Một nước lớn không thể chối bỏ những lời cam kết của mình. Một nước lớn phải đáng được tin tưởng... Như vậy là rõ ràng bên nào đã có tiến bộ trên hành trình đi đến hòa bình. Chúng ta đã làm hết khả năng của mình để mở cánh cửa hòa bình, bây giờ là lúc bên kia phải đáp ứng."

Ngày hôm sau, có đáp ứng ngay của Hà Nội, cho rằng:"Kế hoạch của nhà cầm quyền Nixon không phải để kết thúc chiến tranh, nhưng để đem chiến tranh xâm lược do quân đội tay sai của Huê Kỳ tiến hành thay thế chiến tranh xâm lược của Mỹ." Tóm lại, Bắc Việt vẫn giữ nguyên lập trường, mặc dầu phía Huê Kỳ - từ Johnson cho đến Nixon – có đưa ra bao nhiêu sáng kiến cũng mặc. 

Vào khoảng nửa năm đầu của nhiệm kỳ, ông Nixon thấy cần phải gặp tổng thống Thiệu, và trong lần thượng đỉnh này hai bên Việt Mỹ cũng gặp những cái lủng củng đâu chẳng ra đâu về địa điểm gặp nhau. Việt Nam đòi gặp nhau ở Hoa Thạnh Đốn, Mỹ sợ biểu tình phản đối, đề nghị Honolulu. Vì thể diện quốc gia, Việt Nam không chấp thuận họp nhau trên những hòn đảo vui chơi của Huê Kỳ, Mỹ bèn chọn đảo Midway, Việt Nam nghe ra hữu lý vì "midway" là giữa đường, như vậy là mỗi nước đi một bước. Giao dịch với da vàng, đôi khi Mỹ cũng bực mình vì những thứ nhỏ nhặt chẳng hiểu nổi!

Ở thượng đỉnh Midway, Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận chương trình "Việt Nam Hóa" chiến tranh của Nixon. Biết sao bây giờ, Tổng Thống Thiệu đành gắng gượng:"Tôi biết là Mỹ phải ra về, nhưng trước khi đi, Mỹ phải để lại chút gì cho chúng tôi trong tình thân hữu. Để lại chút gì để giúp đỡ chúng tôi." Nixon cũng cho ông Thiệu biết là Mỹ và Hà Nội có mật đàm với nhau và cam kết sẽ thông báo Sài Gòn và tham khảo Dinh Độc Lập, mỗi khi có vấn đề thuộc nội bộ của Nam Việt Nam. Nixon hứa là một chuyện, nhưng đối tượng đi mật đàm là Kissinger, nên ông Thiệu mù tịt những gì Mỹ và Bắc Việt trao đổi nhau qua các cuộc "đi đêm".

Trong thời gian thượng đỉnh Mỹ-Việt ở Midway, MTGP loan báo tại Paris sự ra đời của cái gọi là "Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam" (CPLT). Trần Bữu Kiếm tuyên bố CPLT sẽ thay thế MTGP tại hòa đàm Paris và bà Nguyễn Thị Bình, nay là bộ trưởng Ngoại Giao của CPLT sẽ đảm nhiệm chức trưởng phái đoàn hòa đàm, thay Kiếm. Như vậy là, trên bình diện chánh trị, phía cộng sản đang có một âm mưu mới để đưa ra trên bàn hòa đàm. Họ có thêm yếu tố để kéo dài thời gian, thử thách thêm nữa lòng kiên nhẫn của phía Mỹ.

Với kỳ hạn 1.11.1969 cho Hà Nội, từ mùa hè năm đó, nghĩa là trong nửa năm đầu của nhiệm kỳ, Huê Kỳ đã lo thiết lập kế hoạch để dứt khoát với chiến tranh Việt Nam - kế hoạch "Duck Hood" - với một "trận đánh dã man", nếu như Hà Nội cứ tạo ra bế tắc tại hòa đàm. Kế hoạch này dự kiến nhiều hành động mà Kissinger cho là "để đánh Bắc Việt một trận tàn bạo và dứt khoát".

Một tài liệu tối mật, đã được giải tỏa, mang tên "Kế Hoạch Hành Quân" trong hồ sơ "Dự Thảo Kế Hoạch về Việt Nam", đề ngày 16.9.1969 và định thi hành vào ngày 1.11.1969 dư tính sẽ "... sử dụng mọi lực lượng cần thiết để đạt được mục tiêu căn bản của Huê Kỳ ở Đông Nam Á. Hành động như vậy nhằm tác động mạnh mẽ về mặt chánh trị, quân sự và tâm lý." Chương trình hành động sẽ kéo dài 9 ngày: 4 ngày tấn công đầu tiên gồm có gày mìn bến tàu và hải cảng Bắc Việt và Cam Bốt và không kích 29 mục tiêu quân sự. Sau đó ngưng 1 ngày để chờ phản ứng của Hà Nội. Nếu như Hà Nội vẫn không khoan nhượng ở hòa đàm thì tiếp tục 4 ngày ném bom nữa, và như vậy đến chừng nào Bắc Việt chịu hòa đàm nghiêm chỉnh. Ngoài ra, kế hoạch cũng dự trù gia tăng áp lực kể cả việc phong bế Sihanoukville, đánh phá đê sông Hồng và đổ bộ qua vùng phi quân sự.

Thế nhưng, trong nội bộ chánh phủ có những bất đồng ý kiến về kế hoạch này vì không chắc gì Hà Nội lùi bước trước những sự đe dọa. Ngoài ra, sử dụng B-52 ném bom thì tổn thất dân sự nhứt định sẽ nặng nề và do đó sẽ đổ thêm dầu cho ngọn lửa phản chiến ở trên đất nước Huê Kỳ. Cuộc biểu tình phản chiến trên toàn quốc ngày 15.10.1969 đã làm cho Nixon càng thêm ngần ngại nên kế hoạch đã bị hủy bỏ. Hơn nữa, ngày 14.10.1969, đài phát thanh Hà Nội loan đi một bức thơ nặng tính tuyên truyền của Thủ Tuớng Phạm Văn Đồng, ca ngợi "những người Mỹ yêu chuộng hòa bình và công lý, đã tung ra một chiến dịch rộng lớn và quyết liệt trên toàn quốc để đòi chánh phủ Nixon chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và đưa ngay quân lính Mỹ về." Một hành động trắng trợn can thiệp vào nội bộ của Huê Kỳ.

Về sau, những hồ sơ bạch hóa cho thấy rằng Nixon, Kissinger và Haig đều tiếc đã không thi hành kế hoạch như dự tính. Sau khi hiệp định Paris đã được ký kết, Kissinger buột miệng tâm sự với Bill Safire (người thảo diễn văn cho Nixon):"Lẽ ra chúng ta nên ném bom cho tiêu tan bọn chúng, ngay từ khi mới nhậm chức... Bắc Việt bắt đầu tấn công hồi tháng Hai năm 1969. Lẽ ra chúng ta phải đánh trả quyết liệt ngay, bắt chẹt phe bồ câu ngay lúc bấy giờ, bắt đầu ném bom và cài mìn hải cảng. Chiến tranh có lẽ đã kết thúc hồi 1970."

Ông Alexander Haig, trợ lý quân sự cho Kissinger, cằn nhằn:"Tôi hoàn toàn và dứt khoát tin rằng nếu như hồi 1969 chúng ta đã làm những gì chúng ta thi hành hồi cuối năm 1972 thì cuộc chiến đó đã xong lúc bấy giờ, chúng ta đã đem được tù binh về và mình đã đạt được mục tiêu rồi... Chúng ta lẽ ra phải quyết liệt hơn trong việc đem sức mạnh của mình đánh vào nguồn gốc của vấn đề... Tôi nghĩ hồi năm 1969, khi tổng thống mới nhậm chức, ông ấy bắt đầu cho ném bom Hà Nội ngay, huy động lực lượng của mình tại quê nhà, báo cho Liên Xô hay... và thi hành những việc lẽ ra chánh phủ Johnson phải làm và như vậy khỏi mất ba năm chiến tranh nữa, để có hòa đàm và tống cổ bộ đội Bắc Việt xâm lược miền Nam ra khỏi Nam Việt Nam."

Năm 1969 sắp qua đi, nghĩa là sau một năm cầm quyền, Nixon vẫn chưa nhổ được cái gai nhức nhối "Việt Nam"! Hòa đàm Paris vẫn còn ì à ì ạch, tiến triển theo bước đi của nghêu sò ốc hến. Những phiên họp khoáng đại ở trung tâm hội nghị quốc tế được nổi tiếng là chỉ bàn về hình dáng của cái bàn họp. Phe thì đưa ra kiểu bàn vuông, bốn cạnh cho bốn phái đoàn, phía thì quan niện chỉ có hai phái đoàn nên đưa ý kiến bàn hình chữ nhựt, và còn bao nhiêu là mẫu mã nữa! Vậy mà vẫn chưa bên nào vừa lòng. Phải đợi đến ông đại sứ Liên Xô tại Paris đưa ra hình dáng chiếc bàn tròn thật rộng lớn, ở hai đầu đường kính là hai bàn nhỏ hình chữ nhựt dành cho thơ ký và trên bàn không có quốc kỳ nhỏ hay bản tên gì hết. Người ta cứ nhỏ nhen li ti cho một vấn đề trọng đại là chấm dứt chiến tranh và mưu tìm hòa bình. Đến nỗi danh xưng của hội đàm cũng được gọi khác nhau. Mỹ thì gọi là "Hòa Đàm Paris" còn Hà Nội thì cho là "Đàm Phán Paris", toàn là chơi chữ. Huê Kỳ thì cho là hội nghị hai bên, trong khi Hà Nội lại nói là hòa đàm bốn phe. Cứ như vậy mà kéo dài từ tháng Năm 1968, mỗi tuần chỉ họp có một ngày. Chỉ có những cuộc đi đêm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ mới có thực chất, nhưng cũng từ từ thôi. Thời gian chẳng là gì hết đối với những con người của xã hội chậm tiến.

 Xem tiếp...

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.